trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
27.8.2008
Tưởng Năng Tiến
Bức tường Nhân cách
 
Nhân cách là bức tường lửa mà đối thủ không dễ gì đã dám vượt qua.
Hà Sĩ Phu


Thư toà soạn của Tạp chí văn chương Da Màu số 27, phát hành ngày 30 tháng 5 năm 2007, nghiêm và buồn thấy rõ:

“Nghĩ đến Văn học miền Nam 54-75 là nghĩ đến một khoảng thời gian 20 năm bị hư vô hóa. Nền văn học này, sau 30/4/1975, đứng chênh vênh nơi ranh giới giữa có thực và phi thực, giữa sống sót và hủy diệt, chưa kể đến những âm mưu đánh tráo nó với cái gọi là ‘Văn học Giải phóng miền Nam.’ Đó là mục tiêu lâu dài của người cộng sản, để giáo dục những thế hệ sinh sau thời điểm này, để khi thế giới muốn nghiên cứu về Văn học miền Nam trong chiến tranh, tất cả những gì họ có được chỉ là cuốn Văn học Giải phóng miền Nam của Phạm Văn Sĩ (Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1975) trong đó đại diện là một tập hợp những nhà văn cộng sản gốc Nam bộ gồm Trần Bạch Đằng, Huỳnh Minh Siêng, Thanh Hải, Anh Đức, Phan Tứ, Giang Nam…”

Trước đó, nhà văn Võ Phiến cũng đã có lần đề cập đến chuyện này, bằng những lời lẽ tuy hơi giễu cợt nhưng không dấu được sự băn khoăn:

“Nhà nước cộng sản dựng lên một nền văn học, cho cán bộ nghí ngố om sòm về nền văn học ấy, cố gây ra cái cảm tưởng đây mới là nền văn học chân chính của miền Nam…”

“Ông Phạm Văn Sĩ… không chịu nói ra cái điều lý thú này: là tất cả những kẻ vừa kể trên đều được phái từ ngoài Bắc vào… đổi tên đổi họ, hóa thân làm người mới: Lưu Hữu Phước hóa làm Huỳnh Minh Siêng, Nguyễn Văn Bổng hóa thành Trần Hiếu Minh, Nguyên Ngọc hóa ra Nguyễn Trung Thành, Bùi Đức Ái thành ra Anh Đức, Trần Bạch Đằng làm Hưởng Triều, làm Hiểu Trường, Lê Khâm hóa thành Phan Tứ, Nguyễn Ngọc Tấn thành Nguyễn Thi v.v...”

“Lại thử tưởng tượng ngày trước chúa Nguyễn bỗng có ý kiến đưa Đào Duy Từ ra Đàng Ngoài? Vâng, bình thường thì Đào Duy Từ cứ ở Đàng Trong; lấy vợ sinh con đều đặn, ăn lộc chúa Nguyễn, lãnh quan tước Đàng Trong, đến một lúc nào đó chúa Nguyễn thấy ‘nhân dân’ Đàng Ngoài cần lên tiếng bèn hạ lệnh cho Đào Duy Từ mang tay nải lẻn lút trở ra Bắc, đào cái hầm thật sâu nấp thật kín, rồi ngồi dưới đó cất lên tiếng nói giải phóng của toàn thể nhân dân Đàng Ngoài. Người của Đàng Ngoài sáng tác ngay trên lãnh thổ Đàng Ngoài đấy mà.” (Võ Phiến. Văn học miền Nam tổng quan. Văn Nghệ: California, 1987)

Anh chị em trong Ban biên tập tạp chí Da Mầu, cũng như nhà văn Võ Phiến, đều là những người lo xa. Và tôi e rằng họ đã lo xa… quá!

Trong những trang sổ tay trước, khi “bàn” về Hàng Mã, tôi đã có dịp giới thiệu một sản phẩm đặc sắc của dân làng Ba Đình - Hà Nội: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Món đồ mã này được làm xong vào ngày 20 tháng 12 năm 1960, và làm khéo đến độ khiến nhiều người tưởng là đồ thật. Lắm kẻ đã bỏ mạng (hay bỏ mẹ) vì nó. Ðến lúc được mang ra đốt, nó cháy như điên. "Sự nghiệp cách mạng" của vô số người dân miền Nam cũng cháy theo luôn, như đuốc. Cái mảng, cũng như cái mạng của Văn học Giải phóng miền Nam - tất nhiên - khó được vẹn toàn. Phen này chắc chết, chết chắc!

Mà đã chết là hết. Chết cháy, chết chìm, chết trôi, chết đuối, chết ngộp hay chết ngạt đều (kể như) là chết tốt. Nghĩa tử nghĩa tận. Cớ sao ban biên tập Da Màu còn nhắc đến chuyện “âm mưu đánh tráo” cả một nền văn học làm chi (cho má nó khi)? Nhà văn Võ Phiến, lẽ ra, cũng không nên mỉa mai và miệt thị đối phương nặng lời đến thế.

Hơn nữa - nghĩ cho cùng - đánh du kích, hay khủng bố (kiểu như pháo kích vào thành phố, đặt chất nổ trong rạp hát, giựt mìn xe đò, đào đường đắp mô, đào hố cắm chông, hay “đào cái hầm thật sâu nấp thật kín, rồi ngồi dưới đó cất lên tiếng nói giải phóng của toàn thể nhân dân...”) đều là những chiến thuật có thể chấp nhận được trong thời chiến. Cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện, cho dù là… hạ tiện, miễn thắng cuộc là xong!

Hơn ba muơi năm sau, sau khi cuộc chiến đã tàn với một phe toàn thắng, có hôm tôi tình cờ đọc được một bức thư mà chợt thấy não lòng:

“Tên người gởi: Đỗ Nam Hải
Địa chỉ người gởi: khaihoan21@gmail.com
Ý kiến: Kính gửi: Ban biên tập báo Thông Luận Online
s
Tôi là Đỗ Nam Hải, hiện đang sống tại thành phố Sài Gòn – Việt Nam. Tôi viết thư này gửi đến Ban biên tập báo Thông luận Online và các bạn hữu quan tâm, bởi vì tôi là người có tên trong bài viết của Trung Hiếu, với tựa đề: “Báo giới với những người tên Hải” mà báo Thông Luận Online đã đăng vào ngày 23/6/2008 vừa qua.

Trong những năm gần đây, có một Cục thuộc Bộ Công an của nước CHXHCN Việt Nam, do một thiếu tướng công an tên là Kông Tư làm cục trưởng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của cái Cục này là sản xuất ra những bài viết, với những ‘nhà báo’ mang những cái tên rất kêu như: Chính Trực, Trung Hiếu, Chính Tâm, v.v… mà bài viết của Trung Hiếu trên là một trong những ví dụ. Điều xót xa cho dân tộc là ở chỗ: tiền từ thuế đóng góp của nhân dân, tiền từ việc khai thác đến kiệt quệ tài nguyên đất nước rồi bán tống, bán tháo đi đã được dùng một cách phí phạm là trả lương cho những ‘nhà báo yêu dân chủ’ kia. Mục tiêu của họ là: bằng mọi cách, dù là láu cá nhất, đê hèn nhất để đánh phá phong trào dân chủ Việt Nam. Một vài đặc điểm rất dễ nhận thấy của họ là: lai lịch không rõ ràng, hành tung thoắt ẩn, thoắt hiện rất khó xác định.

Trong thực tế, tôi không mấy quan tâm đến những ‘tác phẩm’ của họ. Chúng vẫn thường xuất hiện trong hộp thư điện tử của tôi và bạn bè và cũng có khi chỉ là kiểu tuyên truyền miệng rất thiếu tử tế…”

Điều ông Đỗ Nam Hải vừa mới phàn nàn - tự nhiên - khiến tôi nhớ đến cái được gọi là Văn học Giải phóng miền Nam, cùng với phương cách sinh hoạt quen thuộc, của những ngày chinh chiến cũ: “lén lút đào cái hầm thật sâu nấp thật kín, rồi ngồi dưới đó cất lên tiếng nói...”

Đánh lén hay khủng bố đều là chiến thuật và vũ khí của kẻ yếu, ở thế hạ phong. Nay “toàn thắng đã về ta” mà vẫn cứ chơi trò du kích như thế thì coi sao tiện, mấy cha?

Tôi cũng thường nhận được những cái email tương tự. Cái mới nhất đến ngày 14 tháng 8 năm 2008, người gửi cũng có tên rất kêu (Trọng Nghĩa) nhưng hoàn toàn xa lạ, lai lịch cũng có vẻ mơ hồ nhưng “miệng lưỡi” thì rất hàm hồ và đểu cáng!

Thư “tâm sự” của ông Trọng Nghĩa mở đầu như sau:

“Gần đây, thật bất ngờ khi được đọc 02 thư ngỏ của ông Hà Sỹ Phu và Phạm Hồng Sơn được đăng tải trên một số website, nhiều người đã không khỏi băn khoăn về những ngụ ý chứa đựng trong những bức thư ngỏ ấy… Trọng Nghĩa tôi định chẳng bon chen vào chuyện của người, nhưng do đọc được những lời của ông Hà Sỹ Phu như có ý chỉ bảo cho biết HRW là gì và khó chịu ở việc ông công khai ý định sử dụng số tiền của riêng ông cho toàn thế giới biết,… nên cũng xin mạn phép có đôi lời trao đổi...”

Ngoài việc “khó chịu” về cách thiên hạ “sử dụng số tiền của riêng” (họ), ông Trọng Nghĩa còn “khó chịu” về lắm chuyện (rất vô duyên) khác nữa:

“Ông Phu đã lâu không hoạt động gì nổi, so với trước đây, chính quyền CSVN cũng đã ‘ôn hòa’ hơn với ông rất nhiều, vì ông ít có hoạt động và hoạt động của ông ở tầm lý luận nên chính quyền họ đã chẳng dại gì đi tranh luận với ông... Còn về việc bị cắt điện thoại, internet, do ở xa không được tường tận sự việc cho lắm nên tôi không thể biết thực hư thế nào...”

Quả nhiên, có rất nhiều chuyện ông Trọng Nghĩa “không biết thực hư như thế nào” nhưng vẫn cứ lái nguyên một chiếc molotovav, chạy xồng xộc vào đời tư của thiên hạ, với một thái độ và tốc độ (vô cùng) hung hãn. Đúng là “chính quyền CSVN đã ôn hoà hơn” với ông Hà Sĩ Phu (nói riêng) và cả Nhóm Đà Lạt (nói chung) nhưng điều này hoàn toàn không phải vì thiện ý mà chỉ vì họ không còn cách nào khác nữa, thế thôi. Chứ không “ôn hoà” thì làm gì được nhau? Sau khi tất cả những hành vi bạo ngược đã được thi thố (cắt điện thoại, tịch thu máy vi tính, quản thúc tại gia, ném đá vào nhà, nhốt tù) mà không mang lại hiệu quả thì “ôn hoà” là phải (giá)!

Cũng không phải là “chính quyền chả dại gì mà tranh luận với ông” Hà Sĩ Phu, như ông Trọng Nghĩa đã biện luận (cho đỡ ngượng) thế đâu. Đúng ra phải nói là họ đã “thôi” tranh luận từ lâu lắm rồi. Kinh nghiệm (đắng cay) cho thấy đó chỉ là một việc làm... dại dột!

Trong Tuyển tập Hà Sĩ Phu (Phong trào Nhân quyền cho Việt nam xuất bản, năm 1966) nơi trang 43, có vài dòng chú thích (thú vị) như sau:

Có lẽ chưa có cuộc tranh luận nào kỳ lạ như cuộc tranh luận quanh bài ‘Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ’ của tôi, mặc dù trong đó nghĩ mười mới viết được một. Suốt một năm rưỡi trời các giáo sư triết học, các nhà chính trị, tuyên huấn... của Viện Triết, trường Nguyễn Ái Quốc, Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân... đã viết liền mấy chục bài và sách, tập trung phê phán một bài tiểu luận mà bài này chỉ được truyền tay chứ không được phép in ở đâu cả. Mấy chục võ sĩ ra sân khấu, đấu rất sôi nổi với một địch thủ chỉ được phép ở bên trong hậu trường.”

Ông Trọng Nghĩa vì ở quá xa, có lẽ từ một hành tinh khác, nên đã không biết những điều mà mọi người đều biết như thế. Tuy thế, ông lại biết nhiều chuyện mà ngoài ông bà Hà Sĩ Phu (và quí anh công an khu vực ra) khó ai có thể tường tận đến thế được:

“Trước đây, vợ chồng ông Phu bươn chải cùng với cái quán nhỏ tại gia, nhưng 3-4 năm quán này cũng đã không hoạt động nữa, nhà ông bà cũng đã được sửa lại cho tươm tất hơn, ‘quán cóc’ ven đường của ông bà giờ cho một hãng chè thuê làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm, ông bà giờ sống đạm bạc bằng tiền lương hưu và tiền cho thuê nhà cũng đắp đổi, chắp vá được qua ngày, ông thì vui vẻ với những thú vui tao nhã của riêng ông cùng ngòi bút, bà thì chạy tới, chạy lui chợ búa, chăm sóc ông… Một người bạn tôi ở Ðà Lạt cho hay ông Phu mới ‘tậu’ một chiếc computer mới ‘cáu’, chắc tiền này là tiền khác à?”

Ông Trọng Nghĩa có nhiều điều bận tâm, xem ra, có vẻ tiểu tâm. Cách hành xử của ông cũng tệ: vừa thấp kém, vừa không phù hợp với tình hình (nguy ngập) chung của... cả nước hiện nay.

Ngày 6 tháng 8 năm 2008, khi trả lời trực tuyến về ngành thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp có bầy tỏ sự lo âu vì sinh hoạt rộn rịp của vài triệu bloggers - những kẻ được mệnh danh là nhà báo tự do - ở Việt Nam. Theo nguyên văn lời ông: “Con số hàng triệu người đặt ra vấn đề xã hội lớn cần quản lý…” để “hạn chế những tuyên truyền, vận động chống phá nhà nước, ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế.”

Trước đó một ngày, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 25-CT/TƯ về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.”

Xây dựng đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan báo chí vững mạnh, để cho vài trăm tờ báo quốc doanh có thể át được tiếng nói của vài triệu bloggers là một cố gắng hoàn toàn vô vọng, chả khác nào “chỉ buộc chân voi”. Giữa tình thế tuyệt vọng đến thế mà ông Trọng Nghĩa lại đi đào hố cá nhân, nấp kín bên dưới, thỉnh thoảng mới thò súng bắn sẻ lẻ tẻ (vài cái thư rơi) thì cách tác nghiệp này rõ ràng không “ngang tầm thời đại”.

Ông Hà Sĩ Phu e đã lầm khi nghĩ rằng “nhân cách là bức tường lửa mà đối thủ không dễ gì đã dám vượt qua!” Ông ấy đánh giá những người đang cầm quyền ở Việt Nam cao quá. Họ không dám chứ đâu phải là không thể.

© 2008 talawas