trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
5.9.2008
Phùng Nguyễn
Đối thoại giữa những người điếc!
 
"Mấy lời với ông Phùng Nguyễn" của Trần Văn Trạng chỉ là một lặp lại nhàm chán và hoàn toàn có thể tiên đoán của bài viết trước đây, "Đối thoại hay lại chiêu hồi?", mà tôi đã lật tung từng lời từng chữ để phân tích và bác bỏ. Thay vì tuân thủ "luật chơi" của một cuộc tranh luận nghiêm túc, đó là những phản bác phải cần thiết dựa trên văn bản của đối phương, Trần Văn Trạng chơi trò "bỏ banh đá người" và trong cùng một lúc lại than phiền rằng tôi đã không đếm xỉa gì đến "tiên đề" của ông về một "lập luận" mà thoạt nghe, tôi cảm thấy vô cùng kỳ quặc. Chỉ cần "hoài nghi" cái động cơ thúc đẩy tôi cho phổ biến "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" là đủ để làm biến đi mất tiêu giá trị của bài viết này như làm trò ảo thuật hay sao? Trần Văn Trạng dựa vào cái gì để có thể "hoang đường" như thế? Tuy nhiên, nghĩ sâu hơn thì sẽ thấy cái lập luận khôi hài này thực ra không những không khôi hài chút nào mà sẽ trở thành vô cùng thuyết phục nếu được hậu thuẫn bởi bạo lực. Và viên cựu "cán binh Việt cộng" (chữ của Trần Văn Trạng) Trần Văn Trạng có được sự hậu thuẫn của một hệ thống quyền lực như thế, cái hệ thống đã áp dụng chính sách "lý lịch ba đời" từ hơn ba mươi năm trước và vẫn đang tiếp tục áp đặt lên người dân miền Nam, đặc biệt lên giới làm văn học trước và sau chiến tranh Việt Nam. Điều may mắn là tôi ở hải ngoại, nghĩa là ở bên ngoài tầm với của hệ thống quyền lực mà Trần Văn Trạng đang dựa dẫm vào, nên chỉ có thể nhìn thấy khía cạnh khôi hài của nó. Hãy tưởng tượng những người bạn kém may mắn của tôi, những cựu "lính ngụy" ở trong nước sẽ nghĩ gì khi "được" Trần Văn Trạng "hoài nghi!" Đây nhất định không phải là chuyện đùa!

Có thể hiểu được nỗi thất vọng của Trần Văn Trạng khi tôi hoàn toàn không đếm xỉa gì đến một "luận thuyết" ghê gớm như nỗi "hoài nghi" bách chiến bách thắng của ông. Chỉ riêng điều này cũng đủ cho ông đánh giá tôi là một tên báng bổ, phạm thượng. Không những thế, ông có vẻ như không nhìn thấy được mối liên hệ mật thiết giữa điều mà ông sử dụng như một lá bùa thần diệu để đối phó với những điều có khả năng xúc phạm đến tín điều của ông với cái chính sách ưa thích của cái thế lực mà ông đang tiếp tục dựa dẫm vào để "lý luận". Cho nên mới có việc Trần Văn Trạng "uốn éo quanh co" (lại chữ của Trần Văn Trạng) khi tôi đề cập đến cụm từ "lý lịch ba đời".

Thêm một điều buồn cười khác là Trần Văn Trạng cứ khăng khăng bảo là tôi không chịu thừa nhận mình là người "chống cộng". Ông nhất định buộc tôi phải "thú nhận" cái "tội ác chống cộng" của mình để từ đó ông có thể huênh hoang tuyên bố: "Thấy chưa, đã bảo mà! Bọn chống cộng phản động mưu toan chiêu hồi!" Thưa ông, tôi là cựu "lính ngụy", điều này được xác nhận [thêm một lần nữa] trong "Khi nhà văn không chỉ là kẻ đồng lõa". Ở hải ngoại, tôi được liệt vào thành phần tị nạn cộng sản, nếu tôi chống cộng thì đây là chuyện tự nhiên và dễ dàng như ăn cơm nếp, đặc biệt khi trong hàng ngũ "cộng sản" có những khúc củi mục như ông! Tuy nhiên, quyền chọn lựa thuộc về tôi để làm những việc "dễ dàng và tự nhiên" hoặc là những điều khác. Ngoài ra, chống cũng như theo cộng đều có đến năm bảy đường. Có người như ông, lúc nào cũng sặc mùi "công thần" chống Mỹ cứu nước, hân hoan làm tên lính quyết tử cho điều được xem là một trong những cuộc phiêu lưu ý thức hệ tốn kém nhất của nhân loại ở khía cạnh sinh mạng cũng như quyền tự do cơ bản. Cũng có người sau nhiều năm sống chết với lý tưởng của mình bỗng đâm ra thất vọng và quay lưng lại với công hãn mã năm xưa một cách không thương tiếc. Chính là những người này cùng với những người không chỉ biết nhắm mắt "chống cộng đến chiều" với khả năng có thể ngồi lại với nhau làm cựu "cán binh Việt cộng" Trần Văn Trạng không yên tâm. Và chiếc bùa thần "hoài nghi" lại được mang ra sử dụng để mong trấn an chính mình và trong cùng một lúc quýnh quáng gởi "cảnh báo" đến những người "nhẹ dạ" như Lữ Phương!

Cần thiết phải nói rõ là "Nỗi loay hoay của Lữ Phương" hoàn toàn không được sửa soạn để đối phó với những phán truyền không thể tranh cãi của... thần linh. Bài viết này, cũng như các bài viết trước đó của tôi, dựa tên một điều vô cùng trần tục, vô cùng "người": khả năng đối thoại dựa trên một số giá trị chung (như lương tri, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được phục hồi nhân phẩm của nạn nhân, v.v...) giữa những người có thể vô cùng khác biệt nhau về văn hoá, chính kiến, và ngay cả tín ngưỡng. Trần Văn Trạng không nằm trong số này, cho nên những nỗ lực đối thoại với ông chỉ là một hoang phí thì giờ và năng lực. Và thì giờ và năng lực là những điều vô cùng quí giá để tôi phung phí. Bài viết này nhằm chấm dứt cuộc đối thoại bất hạnh giữa những người điếc! Và như là một hệ quả, ông Trần Văn Trạng có thể có thêm một hay nhiều lời cuối trên talawas nếu muốn. Nhân tiện, Đêm Lisbon, được đề cập trong phần "tử tế" của bài viết "Lữ Phương và Đêm Lisbon", dành cho những người tôi muốn gởi tặng, ông Trần Văn Trạng không cần phải quan tâm.

*


Xin có mấy dòng về nhà trí thức Nguyen Thang, người tuy "ít nói" nhưng lại biết lợi dụng đến mức tối đa sự uyển chuyển và giới hạn cho phép của diễn đàn talawas để đánh giá kẻ khác một cách láo xược mà không cần phải tốn công biện giải cho "phán xét" của mình. Tuy vậy, đây không phải là điều tôi quan tâm bởi vì tôi không tin Nguyen Thang có đủ tư cách để quyết định nhân cách của bất cứ ai khác ngoài của chính mình. Điều đáng lưu tâm ở đây là Nguyen Thang không lên tiếng như là một cá nhân mà với tư cách người đại diện cho giới trí thức của talawas. Trí thức trên talawas chắc là khá đông, khá phức tạp, thuộc nhiều khuynh hướng, và không phải ai cũng tín nhiệm Nguyen Thang như là người đại diện cho mình. Bằng cách tự quàng vào mình cái trách nhiệm nói giùm cho một tập thể đông đảo, rối rắm, phân hóa, và kiêu ngạo [lộ liễu hay kín đáo] như giới trí thức thì có vẻ như Nguyen Thang đang vướng phải chứng vĩ cuồng, không nặng thì nhẹ. Cũng may mà vĩ cuồng là một căn bệnh có thể chữa chạy, chỉ mong ông chóng khỏi và nhanh chóng trở lại đóng góp lời hay ý đẹp cho talawas.

© 2008 talawas