trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
Loạt bài: Phỏng vấn của talawas
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
7.5.2004
Đặng Nhật Minh
Về phim “Kí ức Điện Biên”
Phạm Thị Hoài thực hiện
 
Tối ngày 28 tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng duyệt phim quốc gia vừa duyệt xong bộ phim Kí ức Ðiện Biên (tên cũ là Người hàng binh) - đạo diễn: Đỗ Minh Tuấn, kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, quay phim: Nguyễn Đức Việt. Phim được đưa thẳng từ Hãng phim KANTANA (Thái Lan) về phòng duyệt và sẽ được chiếu khắp toàn quốc trong dịp kỉ niệm 50 năm Chiến Thắng Ðiện Biên Phủ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn Ðặng Nhật Minh, uỷ viên Hội đồng duyệt phim quốc gia.
talawas
talawas: Thưa ông Đặng Nhật Minh, phim Kí ức Điện Biên vừa được chiếu duyệt tại Hội đồng duyệt phim quốc gia?

Đặng Nhật Minh (ĐNM): Vâng. Buổi duyệt diễn ra rất nhanh chóng vì nội dung phim không có gi sai phạm. Phim từ đầu đã được sự chỉ đạo chặt chẽ sát sao của lãnh đạo Bộ và Cục với kinh phí 13 tỉ rưỡi (có nguồn tin là 14 tỉ) thì lam sao mà nội dung sai phạm được. Mối quan tâm của lãnh đạo Bộ bây giờ là yêu cầu Hãng Kantana bên Thái gấp rút in 18 bản để tung ra chiếu đúng ngày kỉ niệm.

talawas: 18 bản trong một đất nước 80 triệu dân? Chúng ta đã qua cái thời mà rạp này xem xong cuốn 1 thì nghỉ một lát, chờ người đi lấy cuốn 2 từ rạp khác về, từ lâu rồi mà.

ĐNM: Một nước với dân số như vậy nhưng tổng cộng chỉ có vài chục rạp chiếu phim nhựa, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1990, sau khi có chủ trương của Cục điện ảnh: Làm phim video, chiếu phim video là chiến lược của điện ảnh Việt Nam, thì người ta đã biến các rạp chiếu phim thành những tụ điểm chiếu video, karaoke, disco, dancing v.v. Trước đó có hàng trăm rạp. Cho nên phim Kí ức Điện Biên được in 18 bản là nhiều, chỉ thua Gái nhẩy, in 23 bản. Thường những phim khác chỉ in 3 bản, có phim chỉ 1 bản, chiếu xong vài buổi là cất vào kho. Ở các địa phương, nông thôn không có rạp chiếu phim nhựa, người ta chỉ xem phim video.

talawas: Còn ý kiến riêng của ông với tư cách là một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam đương đại với bộ phim ấy?

ĐNM: Hội đồng có yêu cầu tôi phát biểu. Tôi đã nói như sau: ưu điểm nhất của bộ phim này là đã ra đúng dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðây là một cố gắng rất lớn của lãnh đạo Cục điện ảnh, của những người làm phim. Như Cục phó Nguyễn Thị Hồng Ngát đã nói trước khi duyệt, anh chị em trong đoàn phim, trong một thời gian rất gấp, đã làm việc đúng với tinh thần của những chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa.

talawas: Vì sao phải đem cái tinh thần thời chiến xa xưa ấy vào công tác nghệ thuật của thời bình hiện tại? Mà 90 ngày Điện Biên Phủ là đỉnh cao của một cuộc kháng chiến 9 năm trường kì kia mà. Bộ phim này có mấy năm để chuẩn bị?

ĐNM: Làm một bộ phim nhựa vất vả đúng như trong một chiến dịch vậy. Tôi đã từng làm việc nhiều năm ở Hãng phim truyện Việt Nam, từng chứng kiến cảnh cả Hãng thức trắng đêm để làm cho xong một phim nào đó kịp ra mắt vào dịp nào đó. Kịch bản phim Kí ức Điện Biên của Nguyễn Thị Hồng Ngát, theo tác giả cho biết, được viết cách đây 10 năm, gợi ý từ một truyện ngắn của nhà văn Chu Phác. Còn bản thân bộ phim từ khi chuẩn bị đến khi quay xong chưa đầy 5 tháng thì cái tinh thần làm việc khẩn trương như chiến dịch là cần. (Phim Điện Biên Phủ của đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer được làm trong 2 năm.) Cầm 14 tỉ trong tay mà làm phim không kip chiếu đúng ngày kỉ niệm thì có mà đi tù vì tội lừa đảo! Tinh thần "Điện Biên năm xưa" chỉ có ý nghĩa như vậy thôi. Còn khán giả thì họ không cần biết anh làm với tinh thần gì. Họ chỉ biết phim có hay hay không mà thôi.

talawas: Vâng, phim có hay không?

ĐNM: Trong phim có đủ cả: lòng nhân đạo của ta đối với hàng binh, cũng có tình yêu... và đương nhiên là rất nhiều khói lửa, cũng có giao thông hào ngập nước, có kéo pháo (nhưng là pháo giả để nghi binh kéo trên mặt bằng thôi), có những đoàn dân công với xe đạp thồ, lại có cả múa sạp...tóm lại có tất cả những gì mà mọi người đều biết qua hồi kí, sách báo. Nhưng nhiều chỗ trong phim phi lí khó lòng chấp nhận: Những đoàn xe vận tải, những đoàn dân công xe thồ đi lồ lộ trên đường giữa thanh thiên bạch nhật, những bãi trống đông người tung hô, vỗ tay, nhẩy sạp. Không hề có dáng dấp gì của mấy câu thơ mà ai cũng thuộc: Rừng che bộ đội / Rừng vây quân thù... Một chiến sĩ được giao nhiệm vụ dẫn tên hàng binh về hậu cứ để khai thác, giữa đường hắn đòi trở lại mặt trận để khai thêm... thế là vẫy xe cho hắn đi nhờ cùng cô y tá, còn mình ở lại đi sau. Trở lại mặt trận, người xem cũng chẳng biết hắn có khai báo gì thêm, tự nhiên thấy hắn cầm loa làm địch vận. Quá khứ xen lẫn hiện tai lộn xộn. Trong phim có những cái không phục vụ gì cho câu chuyện, như nhân vật cô gái tâm thần, cảnh các fans bóng đá Việt Nam hò reo ngồi xem World Cup 98 qua TV trong một quán bia v.v., lại còn có cả một màn múa của Ea Sola nữa. Một vài đoạn mang tính siêu thực, như một tốp chèo đứng múa trên bãi xác lính Pháp, rồi bỗng nhiên những xác chết đó biến thành những con chim bay về phía mặt trời... (những ý tưởng này thuê bên Thái làm kỹ xảo không khó). Cảnh kết là cảnh anh lính hàng binh Pháp ngày nào cùng cô y tá kéo một khẩu pháo bằng thuỷ tinh, đặt trên một chiếc mảng trên sông Seine ở Paris! Thật tình xem từ đầu đến cuối, chẳng có chỗ nào làm tôi xúc động.

talawas: Nhưng ông đã bỏ phiếu thuận?

ĐNM: Chức năng của Hội đồng duyệt phim quốc gia là chịu trách nhiệm về nội dung của các phim được duyệt, xem nó có vi phạm những điều cấm kị hay không. Những điều cấm kị đó là: Kích động chống nhà nước Việt Nam, tuyên truyền cho bạo lực, tình dục, gây chia rẽ hằn thù giữa các dân tộc... Còn về phần nghệ thuật là trách nhiệm của những người làm phim, của Hội đồng nghệ thuật và Ban Giám đốc các hãng sản xuất. Hội đồng duyệt phim quốc gia không bao giờ cấm chiếu một bộ phim chỉ vì nghệ thuật yếu kém.

Phim Kí ức Điện Biên không vi phạm những điều cấm kị trên, nên tôi cũng như tất cả các thành viên Hội đồng đều bỏ phiếu thuận. Cũng xin nói thêm rằng, đây là một bộ phim đặc biệt nên trước đó lãnh đạo Bộ và Cục đã xem nhiều lần rồi. Đưa ra Hội đồng là chỉ là một thủ tục trước khi phát hành mà thôi.

talawas: 13 tỉ rưỡi hay 14 tỉ đồng (gần 1 triệu US Dollar) cho một bộ phim như vậy, một số tiền rất lớn trong hoàn cảnh Việt Nam, có thể dùng để làm 10 bộ phim truyện khác, bằng kinh phí trung bình cả một năm cho toàn bộ phim truyện Việt Nam. Ông có cho rằng thành quả đạt được xứng đáng với sự đầu tư vượt bậc này?

ĐNM: Nếu cần vì mục đích chính trị thì 14 tỉ chứ 24 tỉ nhà nước cũng sẵn sàng chi. Vấn đề mục đích chính trị đó là mục đích gì? Nếu mục đích chính trị là phải có một phim, miễn đừng sai, để chiếu đúng ngày kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ thì nó đã đạt được rồi đấy. Trong tương lai, tôi dự đoán xu hướng làm phim do nhà nước đặt hàng để phục vụ những ngày lễ lớn sẽ là xu hướng chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam và kinh phí của những phim đó sẽ ngày càng tăng.

talawas: Nhưng phim nào của điện ảnh Việt Nam cũng là phim do nhà nước đặt hàng: Nằm trong kế hoạch được nhà nước phê duyệt, chi phí bằng tiến của nhà nước, phát hành chủ yếu bằng hệ thống phát hành của nhà nước. Vậy sự khác nhau giữa một phim "quốc doanh" như Kí ức Điện Biên và một phim cũng "quốc doanh" khác như Người đàn bà mộng du là ở chỗ nào?

ĐNM: Mỗi năm nhà nước bỏ tiền ra cho điện ảnh làm 10 phim truyện nhựa 35mm. Kinh phí trung bình của một phim trên một tỉ đồng (gần 100.000 US Dollar). Nhưng những năm gần đây, nhà nuớc còn đặt làm một số phim để phục vụ những nhiệm vụ chính trị đặc bịêt, hoặc để kỉ niệm những ngày lễ lớn vào những năm chẵn (kỉ niệm 45, 50 năm chẳng hạn). Kinh phí của những phim này rất cao. Ví dụ phim Đại thắng mùa xuân 75, kinh phí 6 tỉ, Hà Nội 12 ngày đêm kinh phí 7 tỉ. Phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông do Hội nhà văn làm với Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc), kinh phí phía Việt Nam là 12 tỉ, và nay là Kí ức Điện Biên với kinh phí 14 tỉ. Trong lúc này, một phim đặt hàng khác của nhà nước cũng đang tiến hành đi chọn cảnh, đó là phim Cầu ông Tượng với kinh phí 11 tỉ nói về các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam chiến đấu sát cánh cùng các bạn Lào trước đây, nay lại sang giúp bạn xây dựng kinh tế. Tất cả đều là phim "quốc doanh" cả thôi, nhưng khác nhau là ở chỗ một bên làm theo kế hoạch bình thường của Hãng, với kinh phí thấp, và một bên được nhà nước đặt hàng với kinh phí đặc biệt. Những phim đặc biệt này lại còn có một đặc ân nữa là buộc Phát hành phim của Nhà nước phải mua để chiếu. Còn những phim khác thì không bắt buộc. Do vậy mà đạo diễn trẻ Thanh Vân sau khi làm xong phim Người đàn bà mộng du đã phát biểu trên báo: "Bây giờ tôi chi ước ao được làm phim do nhà nước đặt hàng"!

talawas: Ông cũng đã từng làm phim kỉ niệm ngày lễ lớn?

ĐNM: Tôi có làm một bộ phim nói về những ngày trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Pháp-Việt năm 1946 có tên là Hà Nội-Mùa đông 46. Tôi cho đó là giai đoạn bi tráng nhất trong lich sử cận đại cuả Việt Nam, nó làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người Việt Nam, không trừ một ai. Tôi viết kịch bản đó từ sự thôi thúc của bản thân, không nhằm vào dịp kỉ niệm nào hết. Khi viết xong thi vừa đúng lúc Cục điện ảnh tổ chức một cuộc thi viết kịch bản phim truyện. Tôi gửi kịch bản đến dự thi, hi vọng nếu được giải thì sẽ được làm phim. Nào ngờ kịch bản bị loại ngay từ vòng sơ khảo. May thay, ông Giám đốc Hãng phim của tôi hồi đó là ông Nguyễn Kim Cương thích kịch bản này, bèn xin với Bộ Văn hoá Thông tin và Cục điện ảnh cho đưa vào sản xuất như những bộ phim bình thường khác. Phim không chiếu đúng vào dịp kỉ niệm nào hết . Nhưng đến nay mỗi lần vào dịp Toàn Quốc Kháng Chiến nó được chiếu lại nhiều lần trên truyền hình Việt Nam, trong phim lại có hình ảnh Bác Hồ gầy gò (do diễn viên Tiến Hợi đóng) nên nhiều người cứ lầm tưởng đây là phim được nhà nước đặt làm để kỷ niệm ngày lễ lớn. (Năm 1997 Liên hoan phim Toronto đã giới thiệu bộ phim này ngay sau khi nó vừa làm xong và nó đã được rất nhiều nước mua chiếu). Thực ra chủ trương nhà nước đặt hàng, làm phim kỉ niệm những ngày lễ lớn chỉ mới có mấy năm gần đây thôi và cho đến nay mới chính thức đặt hàng 5 phim. Đó là Đại thắng Mùa Xuân 75 (làm đã 4 năm nay chưa xong), Hà Nội 12 ngày đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Kí ức Điện Biên, và phim Cầu ông Tượng đang triển khai .

talawas: Vậy điện ảnh Việt Nam có thể sẽ là một nền điện ảnh kỉ niệm những ngày lễ lớn?

ĐNM: Đúng hơn sẽ có hai nền điện ảnh: một nền điện ảnh kinh phí thấp, trong đó dòng phim thương mại như Gái nhẩy, Lọ lem, Chân dài v.v. được khuyến khích. Và một nền điện ảnh kỉ niệm những ngày lễ lớn có kinh phí gấp 10 lần các phim kia. Có điều tôi lấy làm lạ: Tổ chức làm một bộ phim cũng như thực hiện một dự án xây dựng. Chính phủ đã có quy định hẳn hoi: Những dự án nào chi trên 100 triệu đồng thì phải công khai đấu thầu để chọn ra phương án tối ưu nhất, có khả năng mang lại hiệu quả cao nhất. Không hiểu sao với một dự án chi đến 14 tỉ như phim Kí ức Điện biên, Bộ Văn hoá Thông tin lại không tuân thủ quy định trên? Hay có quy định riêng trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng thì được ngoại lệ mà tôi không được biết?

talawas: Có điều kiện luật pháp nào để chống lại việc sai phạm quy định đó không, hay thắc mắc của ông cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở một thắc mắc cá nhân?

ĐNM: Từ trước đến nay người ta vẫn thường coi lĩnh vực tư tưởng văn hoá là lĩnh vực có đặc thù riêng, trong đó chính trị là thống soái. Nhưng tôi nghĩ điều đó sẽ không thể tiếp tục được lâu dài trong một xã hội mà pháp luật ngày càng được coi trọng. Chính trị, tư tưởng cũng phải tuân thủ pháp luật.

talawas: Trở lại so sánh với ngành xây dựng, điện ảnh Việt Nam có gặp tình trạng "rút ruột công trình" và "xà xẻo kinh phí" vốn rất phổ biến bên xây dựng không? Có ai nghĩ đến chuyện xác định những "vật liệu không đủ tiêu chuẩn" hay "thiết kế không đúng quy cách" trong một sản phẩm điện ảnh không? Điện ảnh dù sao cũng không chỉ là một nghệ thuật, mà còn là một quy trình công nghệ, nơi mà những thiếu sót kĩ thuật có thể chỉ ra được?

ĐNM: Điện ảnh trước hết một công nghệ (industry), trên thế giới ai cũng biết điều đó. Nhưng như trên tôi đã nói, ở ta nó lại được quản lí bởi những cơ quan văn hoá tư tuởng, lấy tiêu chí phục vụ kịp thời, không sai làm tiêu chí hàng đầu. Tuy vậy sau mỗi bộ phim người ta cũng làm một công việc gọi là quyết toán, bắt nộp chứng từ để xem việc chi tiêu có xà xẻo, rút ruột không. Những gì thuộc về kĩ thuật như máy quay, phim nhưa, và các phương tiện kĩ thuật phục vụ cho quay phim, công in tráng, làm kĩ xảo, làm hậu kì ra bản đầu, nhân bản v.v. đều có barème sẵn rồi, không xà xẻo được. Nhưng trong quá trình sản xuất một bộ phim còn có hàng trăm công đoạn khác không có barème nào cụ thể... Nếu điện ảnh được coi như một công nghệ, việc sản xuất một bộ phim được coi như một quy trình công nghệ với những quy định về kế toán, tài chính chặt chẽ rành mạch thì vẫn kiểm soát được chất lượng công trình, để không bị rút ruột, xà xẻo như trong xây dựng.

talawas: Liệu Kí ức Điện Biên có cùng số phận với sân vận động Mỹ Đình- một cái thì phải hoàn thành gấp rút cho kịp Sea Games, một cái thì cho kịp kỉ niệm 50 năm ngày chiến thắng? Sea Games xong rồi thì Mỹ Đình xuống cấp trầm trọng và bị bỏ hoang, kỉ niệm 50 năm xong rồi thì Kí ức Điện Biên sẽ thế nào?

ĐNM: Tất cả những lễ lạt hội hè, những chi phí cực kỳ tốn kém nhằm phục vụ cho ngày lễ lớn này rồi sẽ qua đi... Chỉ còn lại trong lòng nhiều thế hệ Việt Nam một niềm tự hào chính đáng về những ngày tháng hào hùng cách đây 50 năm trong lòng chảo Điện Biên, không bao giờ phai mờ với thời gian. Không bao giờ!

talawas: Xin cám ơn ông Đặng Nhật Minh.

© 2004 talawas