trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ TrẻVăn học Việt Nam
15.7.2004
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Thơ Việt: Quay về Panthéon, thẳng tiến Postmodernism? Hay thời trang trên xác ướp?
Tranh luận với nhà thơ Hoàng Hưng
 1   2 
 
Vừa qua nhà thơ Hoàng Hưng đã có viết một bài tiểu luận tâm huyết Ngoảnh lại 15 năm... hay Nhìn lại “cái khác lạ” trong thơ Việt Nam sau “đổi mới” [1] . Bài viết này khá quan trọng khi tác giả có tham vọng làm một tổng kết những cái Mới của thơ Việt 15 năm qua, nhưng có lẽ giao diện đã mở rộng hơn, là những thành tựu của thơ Việt Nam kể từ sau Thơ Mới cho đến nay. Trong bài viết của mình, nhà thơ Hoàng Hưng cũng có ưu ái nhắc đến tên tôi như một trong những nhà thơ trẻ có nhiều thể nghiệm, tìm kiếm đóng góp vào tiến trình thơ Việt hôm nay. Nhưng không vì thế mà tôi lại không nhìn thấy ở bài viết Hoàng Hưng có khá nhiều điều bất ổn, nhất là khi ông có ý định dùng các phương pháp lô-gic như diễn dịch, qui nạp, loại suy, so sánh… để nói về sự phát triển của thơ nhưng đã có một vài nhầm lẫn đáng tiếc về bản chất nghệ thuật, vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ, không gian sáng tạo và tính dẫn đường, định hướng trong Thơ Hiện đại. Ngoài những thành tố đó, khi bàn về Phật giáo và sự giao thoa, nối kết giữa hai cực Đông và Tây mà Hoàng Hưng muốn mở rộng theo trục kết cấu cơ bản của bài viết, tôi cũng nhận thấy còn nhiều điều bất cập, ngụy biện, chưa thỏa đáng, nếu như không muốn nói là đầy ngộ nhận. Nguy hiểm hơn, theo tôi, nếu không chứng minh hoặc làm sáng rõ, thì vô tình những “điểm mù” trên sẽ phá hỏng tinh thần cấp tiến của một bài viết hay làm sụp đổ một phương pháp luận. Vì những lí do đó mà tôi viết bài này. Tôi mong rằng sẽ được nhận thấy ở đây tinh thần cầu thị, dân chủ, tiên tiến và học thuật giữa người đã đặt vấn đề và kẻ muốn đối thoại cho dù có khoảng cách về tuổi tác, tâm lý, cách tiếp nhận. Tôi nghĩ, đó còn là tiếng nói luân phiên giữa các thế hệ làm thơ Việt khi đối mặt với những vấn đề nan giải của thực tại trước mê lộ phiêu lưu và vô tận của Thi ca Hậu hiện đại.


I. Nhập môn đối thoại hay Hoàng Hưng, chân dung “Người đi tìm mặt”

Trước hết, xin được nói vài suy nghĩ cá nhân tôi về thơ Hoàng Hưng. Ông là người tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng. Ông, một “tay chơi” lực lưỡng về ngôn ngữ và thi pháp qua hai tập Ngựa biển (Nxb.Trẻ 1989), Người đi tìm mặt (Nxb. Văn hóa Thông tin 1994). Một viên chức-chữ-mẫn-cán, hay “dịch giả đồng tác giả” ngoại hạng với những thơ của García Lorca, Boris Pasternak, Apollinaire, và gần đây là các nhà thơ hiện đại Pháp…mang một cảm quan mới, tạo được sự mến mộ đến cho nhiều người. Là một trong những người thầy về mặt tinh thần của tôi thời sinh viên. Tôi đã từng viết nhiều bài nhận định về thi pháp thơ ông. Đặc biệt là quan điểm thơ “Vụt hiện” hay dữ dội hơn là “Thoát xác” gây bùng nổ tranh luận cuối những năm 80. Bạn đọc có nhu cầu có thể đọc lại bài viết Vùng Hoàng Hưng [2] của tôi. Theo tôi, thơ ông có ảnh hưởng mạnh đối với những người làm thơ trẻ có ý hướng cách tân, muốn thể nghiệm sự tìm tòi, mới lạ. Ông đem đến cho những người trẻ tuổi mặc cảm bất tín trong nhận thức (Epistemological uncertainty) và nghệ thuật chỉ là cách giải phóng những lề luật có sẵn. Sự bất an, trôi dạt, hoang hoải qua câu thơ mà Hoàng Hưng “cộng hưởng”, dịch lại của nhà thơ hiện đại Pháp Henri Deluy “Gió sập chân trời về phía chúng ta” [3] .

Nhưng như thế đâu có nghĩa thơ Hoàng Hưng không cũ. Thậm chí, thơ ông và thế hệ của ông còn rất cũ. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng để tôi khởi viết bài này. Tôi có tham vọng bài viết này thay một diễn từ sang trọng được đọc trước thế hệ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng…(và có anh linh hương hồn nhà thơ Trần Dần chứng giám), để đưa các ông vào đền Panthéon Thi Ca của Việt Nam. Hệt như Hoài Thanh trước khi mời bạn đọc bước vào “Thi nhân Việt Nam” cũng đã phải “cung chiêu hương hồn anh Tản Đà” [4] vậy. Đó là nói cho vui vậy thôi. Đơn giản là, vì đánh giá cao và yêu quí người thầy của mình nên tôi luôn tìm cách “phục đạn” ông. Tôi có nhiều tìm tòi nghiên cứu về hệ thống thi pháp thơ của ông (vụt hiện, viết tự động, xuất biểu chủ nghĩa [expressionist]…). Tôi nhận ra Hoàng Hưng từ ảnh hưởng khá nặng thơ siêu thực Pháp (mà cụ thể như Apollinaire, Paul Eluard, Prévert…) và càng về sau này ông càng cố gắng để đạt đến tinh thần Thiền hiện đại theo “Quán tưởng” của nhà thơ Allen Ginsberg, chủ soái trường phái thơ “Howl” ở Mỹ. Từ đây, ông có tham vọng đưa thi pháp thơ Hiện đại Việt Nam về gần Thiền và Phật giáo với nhiều thị kiến chủ quan đầy rẫy những bất cập mà ở phần cuối bài tôi sẽ trở lại rõ hơn.

Còn ở trong nước thơ Hoàng Hưng có nhiều “pha trộn”, cộng hưởng tinh thần của nhóm Dạ Đài, Đặng Đình Hưng, loáng thoáng hình ảnh của Trần Đức Thảo và có “tái sử dụng” đôi hình tượng “đắt giá” của một hai nhà thơ khác chưa kịp xóa dấu vết. Cụ thể như Người đi tìm mặt theo tôi chính là một phát hiện “độc” của Trần Đức Thảo trong Đi tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức ( Nxb. Văn Hóa Thông Tin 1996). Nhưng Trần Đức Thảo khi đưa ra luận thuyết này chỉ quan tâm đến việc giải thích một cách có biện chứng những cử chỉ của trẻ em trong việc phát triển và hình thành nhân dáng và nhân tính con người để bảo vệ quan điểm, hay cái nhìn của ông về một phạm trù của triết học Mát-xít. Còn Hoàng Hưng lại sử dụng nó để đưa vào thơ. Hay như “con chó / con chó đen /con chó đen chạy vào đêm / Đêm gừ gừ âm ấm” của Hoàng Hưng cũng chỉ gợi hứng, là bắt đầu từ bài thơ “con chó” / “ ghếch chân thỏa thích” của thơ Nguyễn Đỗ. (Khoảng trống - Nxb. Hội Nhà Văn 1990). Thi pháp âm bồi và tạo con âm thường thấy trong thơ ông đã tìm thấy ở các thể nghiệm thơ trước đó của Trần Dần (Mùa Sạch) và Dương Tường (36 bài Tình - Nxb.Trẻ 1989). Vì thế, những chú dẫn trên đây của tôi phần nào lí giải tại sao trong bài viết Nhìn lại “cái khác lạ” trong thơ Việt Nam sau “đổi mới” của Hoàng Hưng thực chất chỉ là một kiểu “luận cổ suy kim” , “bình mới rượu cũ”. Một bài viết khởi đầu mang dáng dấp tinh thần cầu thị, bội trương về thơ Hiện đại nhưng cuối cùng những gì đã qui nạp chứng minh ngược lại, hầu như phản bội tính Hiện đại.


II. Bản chất sáng tạo, ngôn ngữ và những chiều không gian lịch sử

Đọc thẳng vào bài viết của Hoàng Hưng dễ dàng phát hiện một số điểm bất hợp lí như sau:

- Ngoảnh lại 15 năm... cho thấy ước lượng thời gian cột mốc mà nhà thơ muốn viết trong bài là từ 1990 đến 2004. Có nghĩa tiếp nối bài viết Thơ Việt Nam, chờ phiên đổi gác gây dư luận cũng của chính ông trên báo Lao Động Xuân cách đây trên mười năm, được khá nhiều người quan tâm đến thơ Việt Nam hiện đại biết tới. Nhưng “hạt nhân” của vấn đề lại chỉ nhằm đề cao, chỉ để nhắc đến (hay khẳng định?) sự tìm kiếm và thành công của nhóm Dạ Đài (nói chung) bao gồm Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường…, các nhà thơ khác như Văn Cao, Phùng Cung, Hoàng Cầm…một số bài của Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Đỗ và chính bản thân ông, nhà thơ Hoàng Hưng. Còn thế hệ các nhà thơ trẻ như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Lãng Thanh, Lynh Bacardi, Lý Đợi, Bùi Chát của nhóm Mở Miệng…nhân tố chính của giai đoạn 15 năm như chỉ là một thế hệ lót đường, thế hệ đệm.

Cách viết chèn lấn “giữa đường biên” như thế, theo tôi khá nguy hiểm. Bởi nó dễ sa vào ngụy tín, cảnh báo cho một lối tư duy như sau: Những cái mới của các nhà thơ hôm nay chỉ lặp lại “vết xe đổ” trước đó. Có nghĩa tất cả những gì họ dám nghĩ, dám làm, dám thể nghiệm chỉ “rập khuôn” hay phỏng lại cái đã từng có, đã từng xuất hiện (!?). Chỉ khác những cái từng có, từng xuất hiện trước đó đã dở dang thui chột do bị cản trở, cấm đoạt, thiếu điều kiện bởi hoàn cảnh, thế thời và không gian lịch sử.

Và sẽ nảy sinh vấn đề để chất vấn Hoàng Hưng là: Tại sao Ngoảnh lại 15 năm... hay Nhìn lại “cái khác lạ” trong thơ Việt Nam sau “đổi mới” mà lại tôn vinh, đề cao cái mới, cái hay đã có từ hơn nửa thế kỉ, là hơn 60 năm? Như thế trong hơn 60 năm qua thơ Việt không có thay đổi sao? Lại nữa, phải chăng vai trò người sáng tạo thực sự đã chết? Lịch sử bị chém đứt hay ngưng đọng không thở suốt nửa thế kỉ? Lại nữa, khi cắt rời phần mảnh cứ tạm khái ước là “nghệ thuật di sản” đem dán vào giữa thì hiện tại liệu Hoàng Hưng có đủ sức phù phép truyền cho nó một sức sống nhân bản hay chỉ cho thấy ông như một thứ mã (code) quá đát, mà nói theo Nietzsche, đang tự triết lý với cây búa giữa buổi hoàng hôn của các thần tượng?

Theo tôi, Hoàng Hưng đã có nhầm lẫn quan trọng giữa bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ đích thực và không gian lịch sử, sợi dây buộc ràng, nối kết người nghệ sĩ đó vào với thời đại họ đang sống. Nếu là bản chất sáng tạo thì người nghệ sĩ bao giờ cũng phải đi tiên phong, là dò đường, là ám ảnh, tìm kiếm. Khắc khoải khôn nguôi trước những dự định, khát khao bất tận trước cái mới, cái lạ. Cái mà Trần Dần đã biểu diễn rất đẹp qua cặp đối ngẫu: Người bay - chân trời. “Tôi khóc những người bay không có chân trời / Lại khóc những chân trời không có người bay”. Những chân trời ấy, người bay ấy thời nào cũng có, cũng sẽ xuất hiện chứ không phải “loài đặc chủng” (để tuyệt chủng) hay định lượng riêng (bảo toàn một giá trị) cho một bối cảnh xã hội, một thời đại nào. Và thi ca lại càng như một con tàu lao về phía ánh sáng mà nếu chậm trễ, chính bản thân người nghệ sĩ ấy sẽ bị tước mất vai trò của người dẫn đường, thậm chí là chính họ sẽ trở thành hành lí. Giấc mơ nghệ thuật chỉ còn là những ám ảnh kinh hoàng cho số phận họ.

Chính Hoàng Hưng cũng thừa nhận: “Các tác giả lớp sau này may mắn hơn vì tác phẩm được công bố không lâu sau khi viết, chúng có lợi thế lớn là tương tác tức thì (Tôi nhấn mạnh) với đời sống, nói cách khác là hợp thời hơn. Nhưng các tác phẩm của lớp trước lại là rượu hạ thổ lâu năm, chất lượng phần lớn đã được kiểm chứng qua thời gian, rồi mới đến tay người thưởng thức.”

1) Khi khẳng định về nội hàm “lớp trước”, “lớp sau” với kết nối là “tương tác tức thì” và “hợp thời” chính là “lợi thế” thì không thể dẫn tới cái ngoại diên là “rượu hạ thổ” lâu năm” được. Tự đề cao một cách diêm dúa và quá đáng. “Tương tác tức thì” chỉ có thể là “phản tương tác”. “Hợp thời” chỉ có thể là “lạc thời”. Không phải rượu nào cũng có thể hạ thổ lâu năm để hương nồng, đượm men mà đôi khi ủ quá lâu chỉ còn là một thứ rượu hoài nghi bản chất rượu, rượu quá đát, rượu hết hạn sử dụng. Thứ ruợu mà khi lỡ khui ra có thể thuốc độc cả một thế hệ. 2) Lại một ví dụ khác, cũng chính Hoàng Hưng nhận định về Trần Dần, “thủ lĩnh trong bóng tối” của trường thơ Dạ Đài và Nhân Văn Giai Phẩm: “Trần Dần cuối cùng đã trở thành huyền thoại và tấm gương tinh thần của các cây bút tiên phong thế hệ sau, mặc dù những thể nghiệm cụ thể về thi pháp của ông hầu như không được họ kế thừa, và tác phẩm duy nhất mang sự cách tân quyết liệt được công bố gần đây (Mùa Sạch) không gây tác động đáng kể…”

Trở lại thời điểm xuất phát Thơ Mới, những “thủ lĩnh” của phong trào này như Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư…là những tài năng, những nghệ sĩ lớn thực thụ. Họ đã cùng nhau làm nên một trào lưu thơ mới để đóng đinh vào lịch sử. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó được mặc dù sau này mỗi người trong họ tự chọn những ngả rẻ khác nhau. Cũng như vậy khi bàn đến bản lĩnh nghệ sĩ và tài năng của nhóm Dạ Đài hay những nhà thơ khác có tham vọng làm một cuộc đại cách mạng thơ thứ hai trong thế kỉ này. Không thể đánh giá tài năng qua cuộc sống riêng tư cũng như không thể lấy những khó khăn của thời cuộc để dựng nên những nghịch cảnh não lòng mua nước mắt hay sự cảm thông, những giai thoại hòng thay thế cho tác phẩm. Bởi dường như bản chất của thời đại, xã hội hay thể chế cai trị nào cũng vậy. Nó ít khi được lòng những văn nghệ sĩ. Bản chất của nó như chính Nietzsche đã vạch ra: “Nhà nước, đó chính là con quỉ lạnh lùng nhất trong những con quỉ lạnh lùng. Nó bao giờ cũng nói dối trơ trẽn. Đây là lời dối trá được nhân danh để đầu độc thường xuyên bò quanh miệng nó: Ta là Nhà Nước! Ta là dân tộc!” [5] . Hay một định nghĩa cho thấy cái bất toàn dã man bất kể mọi thời thế và như vậy thái độ, công việc của người nghệ sĩ, nên chăng: “Thời đại chúng ta cốt yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối coi nó một cách bi thảm. Cuộc đại biến động đã xảy ra, chúng ta đang ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt đầu xây dựng những nơi cư trú nhỏ bé mới, có những hy vọng nhỏ bé mới. Đó là công việc khó khăn nhọc nhằn: bây giờ không có một con đường bằng phẳng nào dẫn tới tương lai: nhưng chúng ta đi vòng quanh hay bò qua những trở ngại. Chúng ta phải sống, thây kệ biết bao nhiêu bầu trời đã sụp” [6] .

Phải chăng, điều mà những người người đọc hôm nay cảm thấy qua những cái tên Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung, Hữu Loan, Phùng Quán, Phan Đan,… chính là sức nặng của “giai thoại” nhiều hơn sức nặng trang viết. Là “nạn nhân” hay “người hùng văn học” bị mắc kẹt, treo dọc trong một bộ khung lịch sử hơn những giá trị đích thực tỏa ra từ tác phẩm?

Phân tích hay đánh giá một tác phẩm văn học nghệ thuật không thể tách ra khỏi bối cảnh xã hội sinh trưởng của nó. Cho dù nó đã được “viết dưới giá treo cổ” hay giữa “thời của kẻ giết người” đi chăng nữa. Bởi như thế chẳng khác gì làm động tác vớt cá ra khỏi nước, tham vọng điên rồ hòng uốn nắn lại nhánh của những dòng sông từ bốn phía đang ồ ạt về quần hợp trên biển cả. Khó khăn hơn là Hoàng Hưng lại đề cao dòng “thơ ca dị chứng” lay lắt, hấp hối hơn nửa thế kỉ để biến nó thành một biểu tượng, một vòng nguyệt quế (hay khăn tang?) hòng thắt trên đầu thi ca hiện đại.

Nhiều khiên cưỡng khác: Nói về “cái Tôi”, chủ đạo của thơ hiện đại, Hoàng Hưng viết: “Chất lượng hoàn toàn mới của “cái tôi” hôm nay mà các nhà thơ tiểu tư sản thời thuộc địa, với “cái tôi” lãng mạn, than thở, chạy trốn thực tại, cao hứng lắm cũng chỉ dám tuyên-đại-ngôn “ta là một là riêng là thứ nhất”, không thể có được”. Có thật thế không? Những Lửa thiêng của Huy Cận, Điêu tàn của Chế Lan Viên, hay thơ hay thơ Đau thương của Hàn Mặc Tử, Tinh huyết của Bích Khê…phong trào Thơ Mới không đi từ “cái Tôi” cá thể của mình qui chiếu ra cái toàn nhất của vũ trụ, không đi từ ảnh hưởng “chủ biệt” của phương Tây trở về với cái “duy biệt”, độc tôn, vô ngã minh triết của phương Đông đó ư? So với dòng chảy bề mặt xã hội của những năm 30, đầu thế kỉ trong bối cảnh thuộc địa cho đến hôm nay sự vận động đã khác nhau xa đến thế nào? Như trên tôi đã nói, khi xê dịch không gian, cách ly vấn đề đối tượng của bài viết rồi đem cắt dán chồng ép nó vào một khung cảnh khác thì chỉ có thể dẫn đến những kết luận hàm hồ, những chỉ trích vô căn cứ bởi đã sai cơ bản về phương pháp luận. Cũng trượt trên phương pháp độc diễn loại suy đó, Hoàng Hưng tự dẫn đến những nhận định chết người: “So với tâm trạng hoài nghi, hờn oán của người con Kinh Bắc kín đáo gửi gắm trong những vần thơ đa nghĩa bốn mươi năm trước (ông muốn nhắc đến Hoàng Cầm?), so với ưu tư thế sự mượn lòng nhân vật lịch sử họ Cao (Cao Bá Quát?), của nhà thơ đất Quảng (Quảng Nam, Bùi Giáng?) hai mươi năm trước, sự bày tỏ mình một cách đầy bản lĩnh của một số nhà thơ Việt Nam hôm nay là một bước tiến đáng kể”. Tôi không tin “bước tiến đáng kể” này khi ông tự tiện xoá không gian lịch sử, cấu trúc văn bản và thời gian liên kết. Điều tôi muốn gửi đến với nhà thơ Hoàng Hưng ở phần này là phải chăng trong một thời đại bi thảm nên chăng chúng ta cần chấm dứt thật sớm mọi triết lí bi đát.

Không đòi hỏi phải làm rõ tính tương tác giữa bản chất sáng tạokhông gian lịch sử, thì chính Hoàng Hưng cũng đã khá bối rối trong những lập luận tự nói về công việc, thi pháp của thế hệ ông, và số phận của những chứng nhân lịch sử. Tôi có thể chỉ ra không ít những lập luận tư biện, mâu thuẫn, gây bối rối cho người đọc. Sau đây là một số ví dụ:

(a) Hoàng Hưng nói về vai trò Trần Dần: Tự nhận mình là một chàng Tư Mã Gãy. Cuối cùng cũng chỉ trở thành huyền thoại, tấm gương tinh thần của thế hệ sau. Thậm chí “xóa” luôn từ trường ảnh hưởng của Trần Dần ở thì hiện tại bằng hai nhận định: Mùa Sạch (một tác phẩm quan trọng của nhà thơ) không gây tác động gì đáng kể sau khi xuất bản. Những thể nghiệm về thi pháp của ông hầu như không được kế thừa.

(b) Nhưng ở một đoạn khác Hoàng Hưng lại viết về những đóng góp quan trọng của Trần Dần: Ông là người hé lộ mặt khuất của vầng trăng thơ với chủ trương “dòng chữ” để đối lập với “dòng nghĩa” đã và đang phổ biến. Cụ thể hơn (Hoàng Hưng dùng chữ “mấu chốt”) chính là lối “thơ con âm” đã được Lê Đạt “phu chữ” và Dương Tường “thi pháp âm bồi” phát triển mỗi người mỗi cách.

Liệu vế (a) có phản lại vế (b), hay có nguy cơ nuốt luôn cả vế (b)? Bởi nếu Trần Dần đã hé lộ “mặt khuất của vầng trăng thơ” với những tìm kiếm thể nghiệm quan trọng như vậy thì đâu dễ trở thành “huyền thoại” hay không ảnh hưởng, “tác động gì đáng kể” đến những nhà thơ trẻ hôm nay được. Hay Hoàng Hưng nghĩ là họ quá kém, không biết gì về những giá trị đã thực nghiệm từ các thế hệ đi trước mình? Sự thực ra sao? Chúng ta thấy gì cụ thể qua những bài thơ?

“Thi pháp âm bồi” mà Dương Tường chủ trương, theo sự tìm hiểu của tôi qua tập 36 bài Tình (in chung với Lê Đạt - Nxb. Trẻ 1989) và một số bài thơ khác của ông công bố rải rác thì không thể gọi là đi theo chủ trương “dòng chữ” như Hoàng Hưng nhận định được. Rõ ràng nếu đã có “dòng chữ”, “dòng nghĩa”, thì Dương Tường chính là “dòng âm”. Dương Tường theo quan điểm thơ của Verlaine: “De la muisique avant toute chose” (Trước hết phải là cái có nhạc). Thơ Dương Tường gợi lên những điệp vần điệp âm một cách có chủ ý, vang động từ vô thức đến chủ thức. Ánh ỏi. Mới lạ. Chói tai. Như hoa nở trên đá, trên thanh sắc. Tiêu biểu là bài sau đây, tôi dẫn lại theo một bài viết của Phạm Xuân Nguyên và tạp chí Thơ (Mỹ) [7] :

Nàng Chéo

tôi nhìn nước Mỹ chéo
qua mềm dịu em phi lí chéo
qua phụ khoa em hơ hớ   chéo
qua nhục dục em ngao ngán chéo
qua tình thân em ngạo ngược chéo
qua năng động em vô vọng chéo
qua bè he em bối rối    chéo

Bài này nguyên tác Dương Tường viết bằng tiếng Anh, như sau:

Miss Diagonal

I look at America
through
your perversely   di    tenderness
your vulnerably       a     gynecology
your frustratingly        g     sensuality
your waywardly             o    friendliness
your hopelessly                 n     dynamism
your puzzlingly                      al     pussy

Rõ ràng hình thức bài thơ biểu diễn rất điệu nghệ và sự va đập âm thanh lộ rõ sức tương tác, khoái nhĩ. Dương Tường làm thơ mà như ông nói là, không phải trên chiều biểu nghĩa (signifié), chiều của nghĩa dọc, ngang…( dimension) thường thấy ở các nhà thơ khác mà là trên chiều nặng nghĩa (signifiant). Ông viết rõ: “Những gì ở thơ họ là đã thì ở tôi là đang. Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn thẳng (de face), còn ở tôi là mặt chữ nhìn nghiêng (de profil). Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc” [8] . Như vậy những gì tự nhận của Dương Tường rất khác với nhận xét của Hoàng Hưng.

Tôi dẫn chứng bài thơ Miss Diagonal viết bằng tiếng Anh của Dương Tường còn muốn bạn đọc lưu ý đến “hàng chéo” Diagonal xẻ dọc suốt bài thơ. Xét nghĩa nào đó đây chính là hình thức thơ biểu hình hay thơ thuần túy chơi hình thức mà tôi sẽ nhắc đến ở phần sau. Trở lại, ngoài một vài bài có tính đặc thù, thì thơ “dòng chữ” ít hiệu quả, không phù hợp với cấu trúc, hệ thống ngữ pháp thơ Việt. Tôi đồng ý với nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo khi ông phản đối cái gọi là “Thư pháp” của Việt Nam. Cụ thể là những thầy đồ viết chữ Nhân, chữ Nhẫn mà trong bài của Hoàng Hưng có đề cập đến. Cao Xuân Hạo cho rằng nội hàm chữ La Tinh với cấu trúc kí hiệu Alphabet không phải là chữ Hán với lối tượng hình, hài thanh… độc đáo nên khó có thể biểu diễn hay chấp nhận thư pháp, vốn là nghệ thuật tối thượng, đặc sắc của lối chữ này [9] . Như thế nên hiểu thơ “dòng chữ”, khái niệm của Trần Dần mà Hoàng Hưng gợi ra như thế nào?

(c) Hoàng Hưng viết về Đặng Đình Hưng như sau: “Luôn coi mình là “học trò” của Trần Dần” “thực tế đã ứng dụng tuyệt vời khả năng tạo nghĩa của những “con âm” theo đường lối mà “thủ lĩnh trong bóng tối” vạch ra.”

Như thế cũng đủ thấy sức mạnh và vai trò bản lĩnh của Trần Dần trong cuộc cách mạng thơ 1954 chứ không phải là “huyền thoại” hay “thi pháp không được kế thừa” nữa.

Nhưng ở đây có một điều làm rõ. Liệu thơ Trần Dần cũ, Mùa Sạch một thi phẩm quan trọng của ông in ra đã không “gây tác động đáng kể” trong bối cảnh và tâm thế thơ hôm nay thì Hoàng Hưng, và những nhà thơ khác cùng tư duy tương tác hay tương phổ trong “trường giao hưởng chung” liệu có cũ, có lạc thời không? Tôi lại thấy Hoàng Hưng không đủ dũng cảm để thừa nhận điều đó. Và đây cũng là điểm yếu nhất của một bài viết có giá trị.

Hoàng Hưng có phản bội tinh thần của Trần Dần? Khi Dương Tường cũng đã cho biết về “Tuyên ngôn Dạ Đài” trong trả lời phỏng vấn nhà phê bình Thụy Khuê trên đài RFI ngày 4.2.1996: “Từ tháng 11.1946 tức là cách đây nửa thế kỉ, trong tuyên ngôn Dạ Đài, Trần Dần viết ‘Buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thưở trước’. Trần Dần tuyên bố phải ‘chôn thơ Mới’. ” [10]

Và Dương Tường cũng đã nói rõ thêm về việc ý nghĩa này: “Chôn thơ mới không phải làm table rase, xóa bỏ nó, mà là cho nó vào lịch sử, đặt nó yên vị trong cái Panthéon của Việt Nam”. [11] Như thế thử tính khoảng cách thời gian từ Thơ Mới đến cuộc cách mạng thơ Trần Dần chủ xướng (1936- 1946) đòi “chôn thơ Mới” chỉ vỏn vẹn mười năm, vậy mà đến hôm nay gần 60 năm sau, trong bài viết Hoàng Hưng vẫn xác tín những thành tựu của nó như người dẫn đường thế kỉ?

Không ghi nhận ở ảnh hưởng trực tiếp của Trần Dần với lớp trẻ, dù những lập luận chứng minh có vẻ mâu thuẫn như tôi dẫn ở trên, Hoàng Hưng vẫn còn hy vọng “cái chết” bỏ quên mình và giễu theo Simone de Beauvoir là “nỗi buồn của kẻ bất tử”. Những “tái hồi ức” tự lĩnh xướng để khen mình: “…một số bài của Hoàng Hưng” (Cụ thể là bài nào? Đã in hay chưa?) hay rất thiếu căn cứ, đầy cảm tính như trường hợp: “tiếc rằng rất nhiều bài thơ mà Nguyễn Đỗ viết ít lâu trước lúc anh rời Sài Gòn sang Mỹ và nhất là trong thời gian anh chịu thử thách khắc nghiệt của cuộc đời xa xứ chưa được công bố” gây cảm giác sống sượng. Thơ chưa công bố thì biết thế nào để biện giải mới hay không mới? Hiện đại hay không hiện đại? Những ảo giác này của Hoàng Hưng làm tôi nhớ đến Henri Bergson, khi ông phân tích về vai trò ngôn ngữ với sự liên quan của trực giác, có tham vọng điều phối vào mọi hành động, mà cụ thể ở đây là phê bình: “Bất cứ lúc nào trí nhớ của chúng ta cũng đều hình thành một chỉnh thể bền vững, tức là một Kim tự tháp. Đỉnh của nó được lưu giữ một cách chính xác trong hành động của chúng ta. Nhưng ở đằng sau những trí nhớ có liên quan với những trí nhớ hiện có, và được trí nhớ hiện có gợi ý, còn có hàng nghìn hàng vạn trí nhớ khác” [12] . Trong sự tuôn chảy ồ ạt của kí ức đó, với sự bùng phát, tùy tiện mất kiểm soát như thế, khó mà giữ thái độ hiền minh với công việc thi ca hiện đại.

Hoàng Hưng viết về thi pháp “dòng chữ” và mối tương quan của nó: “Tiếc thay không ít người trong giới thơ vẫn còn nhìn những thể nghiệm thi pháp của “dòng chữ” như trò chơi hình thức, ít giá trị nhân bản. Cách nhìn ấy cho thấy truyền thống coi thơ “dĩ ngôn chí” vẫn thật là mạnh mẽ, nó khiến chúng ta không tiếp cận nổi những quan niệm cấu trúc luận, “hình thức chủ nghĩa” đối với văn học đã thịnh hành từ lâu trên thế giới - thực sự đó là các quan niệm rất bổ ích cho sự tựu thành những tác phẩm ngôn ngữ hoàn thiện có sức sống lâu bền, cho việc nâng cao mỹ cảm thơ, nâng cao các khả năng “đọc” các tín hiệu không hiểu ngôn”. Mâu thuẫn ở đây là từ thơ “phi biểu hình” qua “dĩ ngôn chí”, từ hình thức qua ngôn ngữ là những địa hạt thơ khác nhau từ căn bản. Sự tiếp nhận của chúng ít có sự tương quan, thậm chí khác biệt về cách đọc, cách cảm thụ. Việc chối bỏ nó tùy theo tạng của mỗi người, và như tôi đã nói ở trên không thích hợp lắm với chữ La Tinh. Hoàn toàn không liên quan gì tới việc cách li với “cấu trúc, hình thức luận” là “rào mất con đường trở về với chức năng của thơ” và càng thiếu lo-gíc hơn khi Hoàng Hưng bổ túc nghĩa thơ “phi biểu hình” trên cho một lập luận: “Nói theo Trần Dần: làm thơ là làm tiếng Việt”(!?). Việc độc giả hờ hững với tập Đàn (Nxb. Trẻ 2003) của Dương Tường như Hoàng Hưng nhận thấy chưa hẳn cho thấy bạn đọc không quan tâm đến “thơ không lời”; “hình thức chủ nghĩa” hay không có khả năng đọc “các tín hiệu không hiển ngôn” mà theo tôi vấn đề chính là chất liệu Dương Tường thể hiện trong tập thơ. Đàn mang nội dung quá cũ, hay quá tĩnh so với đòi hỏi nhịp sống cao tần hiện nay của con người hiện đại. Tôi cũng đã viết một bài về tập Đàn để phân tích về những thể nghiệm rất đáng chú ý của tập thơ này về mặt “biểu hình” và những ưu việt của nó [13] . Nhưng cần xác định ngay cả khi hình ảnh Đàn mà Dương Tường đặt ra mang một thông điệp “tri âm” đã cũ (nếu không muốn nói là lạc thời), gây nhàm chán cho chính những người thưởng thức.

Phân tích sự yếu kém của thơ hôm nay, Hoàng Hưng viết: “Sự táo bạo hay có thể nói là lòng dũng cảm không thiếu ở các cây bút “khác lạ”. Nếu họ chưa thành công, ở một số người do tài năng trời chỉ cho đến thế, ở nhiều người khác chính vì họ chưa triệt để, chưa đủ cực đoan, chưa đi đến cùng”. Làm sao tiệp nhận được lập luận này để có thể chỉ rõ ra ai là “người tài năng trời chỉ cho đến thế” và ai là “chưa triệt để, chưa đủ cực đoan, chưa đi đến cùng”? Lẫn lộn giữa duy tâm và duy vật, giữa Thiền và Đời thật quá khác xa với tinh thần văn nghệ Hậu hiện đại. Khi mà nghệ thuật thi ca đang dẫn đến những biến chứng kinh hoàng như ngụy tạo (Simulacres), là hình ảnh của một thực tại không tồn tại, là bản coppy không có bản gốc, tức là hình ảnh bề mặt, một khách thể mang tính thực tại phì đại. Là phi lựa chọn (Nonselection), phủ nhận mọi khả năng tồn tại mọi thứ đẳng cấp tự nhiên hay xã hội. Là giễu nhại (Pastiche) hoàn toàn phủ nhận hay không tin vào những phong cách lỗi thời, những bút pháp viết theo lối cố chứng minh của truyền thống. Là phi trung tâm hóa, là siêu truyện (Metanarrative), mặt nạ tác giả (Author’ mask), mã kép (Double code) [14] v.v. thì việc nhắc lại ý câu thơ của Đặng Đình Hưng: “Cô đơn là cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng” cho dù có diễn giải, biện bạch thêm “Cô đơn là một gánh nặng khó kham lắm chứ!” hay “để triệt để, để cực đoan trong bối cảnh xã hội nước ta thì không dễ lắm đâu” nghe có vẻ ca cẩm rất sang và rất sến. Nghệ thuật phải chăng cô đơn? Nhưng khi người nghệ sĩ đã dấn thân, toàn triệt cho sáng tạo thì hình như những kiểu cô đơn cá nhân, hình thức như thế cũng không còn có ý nghĩa nữa? Bởi không khéo nó được trưng ra như một giá trị hay một món hàng diêm dúa trưng bày. Hình như Van Gogh đã khước từ nỗi cô đơn khi viết: “Trong cuộc đời và cả trong nghệ thuật cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng đế. Nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: Quyền năng sáng tạo!...[15]

Tôi nhớ tới một tác phẩm của André Gide Nếu hạt lúa không chết đi. Ông viết như sau: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi nó sẽ ở lại một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ mang lại nhiều hoa trái…” [16]


© 2004 talawas


[1]Ngoảnh lại 15 năm - Nhìn lại “cái khác lạ” trong thơ Việt Nam sau “đổi mới” - Hoàng Hưng - talawas 12.6.2004
[2]“Vùng” Hoàng Hưng - Nguyễn Hữu Hồng Minh - talawas 20.8.2003
[3]Các nhà thơ Pháp cuối thế kỉ XX - Hoàng Hưng chọn và chuyển ngữ - Nxb. Hội Nhà Văn 2002
[4]Có một thời đại mới trong thi ca - Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân - Nxb Văn Học 1990
[5]Nietzsche, cuộc đời và triết lí - Felicien Challaye - Mạnh Tường dịch Nxb. Ca Dao 1971
[6]Nguyên văn: “Ours is essentially a tragic age, so we refuse to take it tragically. The cataclysm has happened, we are mong the ruins, we start to build up new little habitats, to have new little hopes. It is rather hard work: there is now no smooth road into the future: but we go round, or scramble over the obstacles. We’ve got to live, no matter how many skies have fallen”. ( D.H.Lawrence, Lady Chatterley’s Love, p.1).
[7]Tôi lạ lắm ông Dương Tường- Phạm Xuân Nguyên, tạp chí Tia Sáng 8.2002. Bài Miss Diagonal - Nàng Chéo có in lại trên tạp chí Thơ - số Mùa Thu ở Mỹ do nhà thơ Khế Iêm chủ trương 2001.
[8]Những đường parabole tư duy - Dương Tường trả lời phỏng vấn nhà thơ Ngô Thế Oanh 6.1990.
[9]Tham khảo Cao Xuân Hạo trên www.dactrung.com
[10]Tham khảo chuyên đề Trần Dần trên www.tienve.org
[11]Chỉ tại con chích chòe - Tạp luận - Dương Tường - Nxb. Hải Phòng 2003
[12]Ngôn ngữ bị lãng quên - Erich Fromm - Lê Tịnh dịch - Nxb. Văn Hóa Thông Tin 2002
[13]Dương Tường và Thơ ngoài Lời trên VnExpress (http://us.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2003/10/3B9CCAF6) và “Dương Tường và ‘Thơ ngoài lời’ trên Tiền Vệ (http:www.//tienve.org/home/literature/view Literature.do?action = viewArtworkId...)
[14]Văn học Hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lí thuyết - Nhiều tác giả - Nxb. Hội Nhà Văn & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây 2003
[15]Thư Van Gogh gửi cho Théo 1.9.1888 - Con đường sáng tạo - Nguyễn Hữu Hiệu - Nxb. Am Tiêm 1967
[16]Si le grain ne meurt - André Gide - Jean, XII, 24, 25
<