trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
24.7.2004
Nguyễn Thục Nhi
Lý thuyết tổ chức xã hội
 
Khi bàn về sự trì trệ của một xã hội lâu nay các nhà nghiên cứu, các vị khoa bảng, các chính trị gia thường có thói quen nêu những cái tội trong xã hội ấy như là một cách để lý giải vấn đề, coi đó là cội nguồn của mọi sự. Chẳng hạn như Cao Huy Thuần, giáo sư đại học Amiens (Pháp), khi luận về Indonesia và Philippines có nêu ba tội của giới cầm quyền và coi ba tội này như là nguyên nhân của mọi nguyên nhân: tham nhũng, phe cánh chủ nghĩa, họ hàng chủ nghĩa. Và cũng theo Cao Huy Thuần, đấy là ba biểu hiện của cái mà ông gọi là khuyết tật chính trị cơ cấu (khuyết tật của cấu trúc hệ thống chính trị? - Một số người ở ta đã mon men tới gần chân lý khi đưa ra khái niệm lỗi hệ thống hay quy kết mọi chuyện về cơ chế). Ngoài GS Thuần, nhiều người khác trong đó có không ít chính trị gia cũng đã tiếp cận vấn đề theo lối tương tự: đi vào những liệt kê tản mạn thay vì tìm câu trả lời ở tầm khái quát. Bạn đọc có thể thấy điều ấy trong các bài viết, các báo cáo của họ. Thực ra, có phải những tội ấy là nguyên nhân của mọi nguyên nhân? Và tại sao không ai mổ xẻ xem cấu trúc của hệ thống chính trị ở các nước ấy có những gì bất ổn? Về phương diện lý luận, những bất ổn ấy là do đâu? Cấu trúc của hệ thống chính trị ở các nước ấy có thể chữa được hay không, nếu chỉ là vá víu thì vì sao không tái cấu trúc hệ thống ấy? Tái cấu trúc hệ thống chính trị có là giải pháp toàn diện để giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn?

Có thể đặt vấn đề theo cách khác. Thay vì đi tìm những nguyên nhân cụ thể, dễ thấy như tham nhũng, phe cánh chủ nghĩa, họ hàng chủ nghĩa, vì sao chúng ta không tìm một nguyên nhân cội rễ để rồi đưa ra một khái niệm mới có tính khái quát ở tầm lý luận hàn lâm. Có điều gì trùm lên mọi nan vấn hay không? Ðó là gì? Liệu nó có thể được dùng để lý giải mọi điều, giúp chúng ta hiểu rõ và quan trọng hơn, giúp chúng ta giải quyết những nan vấn của mình?

Hãy để ý rằng bất kỳ một thực thể nào ít nhiều đều có tính tổ chức, và chính cách thức tổ chức quyết định sức mạnh của nó. Có thể lấy ví dụ minh họa: chọn giám đốc – khâu quan trọng nhất về nhân sự trong việc tổ chức một công ty. Hiện có hai cách: bổ nhiệm – tương ứng với đơn vị kinh tế nhà nước và thi tuyển – tương ứng với các đơn vị thuộc khu vực có vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp, các đơn vị tư nhân. Chẳng cần phải nói nhiều, ai cũng biết ngay ai vàng ai đá và những gì kéo theo sau đó. Chỉ nói về việc lựa chọn cộng sự không thôi, đã có sự khác biệt lớn, thậm chí trái hẳn nhau, bởi đơn giản chỉ là vì một giám đốc thi tuyển với quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng cụ thể sẽ có tinh thần trách nhiệm gần với một giám đốc đồng thời là chủ doanh nghiệp. Chỉ riêng điều này đã đưa đến sự khác nhau về sức mạnh. Ðấy là chưa kể đến cách thức quản lý, điều hành, tổ chức công việc, vạch chiến lược phát triển ... mà vị GÐ thi tuyển sẽ thực thi. Một ví dụ khác: ở Hoa Kỳ, khi lưỡng viện thông qua một dự luật, văn bản này sẽ được đệ trình Tổng thống phê chuẩn. Người đứng đầu Nhà Trắng có ba lựa chọn: ký vào văn bản dự luật, trong trường hợp này dự luật trở thành luật; không có một động thái gì, trong trường hợp này, mười ngày sau dự luật trở thành luật; phủ quyết dự luật ấy (ở trường hợp thứ ba này khi lưỡng viện xem xét lại, nếu hai phần ba nghị sĩ của Thượng và Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ dự luật thì lưỡng viện bác bỏ sự phủ quyết của Tổng thống). Như vậy với sự chặt chẽ trong việc xác lập vai trò của người đứng đầu cơ quan hành pháp, tình trạng ngâm dự luật kiểu như ngâm các đơn từ, các đề nghị ... giống Việt Nam là không có đất để nảy nở.

Ðể tạo sự linh hoạt trong việc tiếp cận vấn đề chúng ta hãy thử đi từ góc độ ngôn ngữ. Trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều có sự tương đồng đáng chú ý. Với tiếng Việt, từ động từ tổ chức ta có danh từ tổ chức (một tổ chức); với tiếng Anh, từ động từ organize ta có danh từ organization. Như thế, có thể nói rằng có hành động tổ chức ắt sẽ có một tổ chức, hay ngược lại muốn có một tổ chức ta buộc phải thực hiện cái hành động tổ chức của mình. Trình độ tổ chức cao sẽ cho chúng ta một well-organized body. Ðấy không chỉ là chuyện thuần túy chữ nghĩa mà những gì vừa đề cập nói lên một điều hiển nhiên: hành động tổ chức làm nên một thực thể. Vì thế hoàn toàn có thể mổ xẻ một thực thể từ góc độ cách thức tổ chức thực thể ấy.

Nay quay trở lại đối tượng mà chúng ta đang khảo sát: một xã hội cụ thể. Xã hội là một cộng đồng người có tính tổ chức, khi một xã hội có những nan vấn trầm kha, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt khó bề giải quyết, tiêu cực trở nên phổ biến, cả một dân tộc bị tha hóa (những điều bất bình thường được cả cộng đồng coi là bình thường, các giá trị bị đảo lộn, con người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sự xấu hổ về hành vi bất minh, vô trách nhiệm, vô lương tâm không còn – dấu hiệu của sự tha hóa tập thể) thì hẳn nhiên phải xem lại cái cách mà con người tổ chức xã hội ấy chứ không chỉ đơn giản là mổ xẻ cấu trúc hệ thống chính trị và rồi tái cấu trúc hệ thống ấy. Bởi lẽ khi ấy vấn đề đã không còn đóng khung trong hai từ chính trị nữa mà rộng hơn rất nhiều: toàn bộ đời sống xã hội. Chúng ta có thể làm rõ điều này hơn như sau, ở đây có hai vấn đề: chính trị và xã hội. Cách thức tổ chức xã hội hẳn nhiên liên quan trực tuyến đến thực trạng chính trị, thế còn thực trạng xã hội? Cần biết rằng thực trạng xã hội có thể đo lường, đánh giá qua các giá trị chuẩn mực xã hội và giữa cách thức tổ chức xã hội với các giá trị chuẩn mực này có mối quan hệ nhân quả. Nói cách khác, cách thức tổ chức xã hội khoa học, chặt chẽ không những thiết lập nên một hệ thống chính trị với các thiết chế chính trị cơ bản mạnh, có khả năng quản lý, điều hành, phát triển đất nước, và một hệ thống các cơ quan hành chính các cấp hoạt động linh hoạt, hiệu quả, minh bạch mà còn tạo môi trường để hình thành nhân cách nói chung và nhân cách xã hội nói riêng, đồng thời xác lập các giá trị chuẩn mực xã hội (nhân cách xã hội: nhân cách con người thể hiện trong ứng xử xã hội). Ngược lại, về phương diện xã hội, tập hợp các giá trị chuẩn mực xã hội có thể dùng để kiểm chứng cách thức tổ chức xã hội đã chọn. Cách thức tổ chức xã hội tốt sẽ đặt mỗi cá nhân vào đúng chỗ dành cho mình, làm cho mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng đã bộc lộ, khơi dậy những khả năng còn tiềm ẩn. Không những thế, cách thức tổ chức xã hội tốt còn gắn kết các cá nhân trong sự hợp tác chặt chẽ, khai thác triệt để năng lực đồng sáng tạo của các thành viên trong cùng một nhóm, một tổ chức và trong toàn thể cộng đồng, tạo sức mạnh chung cho cả một dân tộc. Một cách thức tổ chức xã hội tốt sẽ dựng lên một xã hội quy củ theo tinh thần thượng tôn pháp luật với những giá trị chuẩn mực xã hội được tôn vinh: tinh thần công dân, ý thức cộng đồng, tinh thần bác ái, ý thức trách nhiệm, ý thức tôn trọng quyền con người, ý thức tự giác ... Trong xã hội ấy ai cũng tìm được chỗ đứng của mình, chỗ đứng ấy phụ thuộc vào năng lực cá nhân, tư cách phẩm hạnh và mức độ phấn đấu. Qua những gì vừa phân tích cả về chính trị lẫn xã hội hoàn toàn có thể nói rằng nguyên nhân của mọi điều hẳn phải ở trong cái cách mà xã hội ấy được tạo dựng.

Nay xét Indonesia, Philippines và Liên xô cũ như là những ví dụ. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Lâu nay người Indonesia, người Philippines tổ chức xã hội của mình như thế nào? Ðâu là cơ sở lý luận của những điều mà họ đã và đang làm trong việc thiết lập, quản lý, vận hành xã hội hiện tại? Mặc dầu không cùng chế độ chính trị như hai nước nói trên nhưng Liên Xô cũ cũng là một trường hợp rệu rã đáng quan tâm. Có thể từ những phân tích sâu về cường quốc một thời này chúng ta tìm được câu trả lời chung chăng? Người Nga xây dựng xã hội của những ngày ấy dựa trên học thuyết cải tạo thế giới – ra đời nhờ vào những phân tích, mổ xẻ xã hội tư bản chủ nghĩa hồi thế kỷ 19. Những gì là kim chỉ nam của người Nga trong việc xây dựng một xã hội mới dạo ấy là các kết quả rút ra từ việc phân tích XHTBCN tồn tại từ thế kỷ trước, trong khi ấy đối tượng của những phân tích, mổ xẻ này đã trải qua một chặng đường dài phát triển, trải qua nhiều lần tự điều chỉnh để thích ứng với những đòi hỏi của thực tế đời sống. Vậy là không biện chứng.

Về vấn đề đảng cầm quyền, nhiều nhà lý luận cho rằng không riêng gì Liên Xô, trong các nước tư bản cũng có đảng cầm quyền. Tuy nhiên có một vài khác biệt lớn, vai trò là đảng cầm quyền trong các nước này không được xác định cụ thể cho bất cứ đảng nào, bằng cách ghi vào Hiến pháp như đối với đảng của giai cấp công nhân Xô-viết. Một đảng bất kỳ nào muốn có được vị thế là đảng cầm quyền đều buộc phải chiến thắng trong chiến dịch tranh cử khốc liệt, hết nhiệm kỳ đương nhiên chấm dứt vai trò lịch sử. Có một điều đáng chú ý là vai trò cầm quyền của đảng Mác-xít được chính lý luận tự thân của giai cấp vô sản quy định, trên cơ sở cho rằng giai cấp công nhân là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất – đây là điều ít nhận được sự thống nhất về phương diện học thuật.

Về mô hình xã hội, Liên xô đi theo một mô hình mà chưa có ai phác họa hình hài ra sao, điều này tự thân nó đã thể hiện sự bất ổn. Vừa đi vừa mò mẫm bởi mô hình xã hội chưa được ai mô tả một cách cụ thể, rõ ràng. Các phác họa chung chung lại bộc lộ những mâu thuẫn nội tại và chúng đã chẳng thể nào được giải quyết. Mục đích của người Nga thì cao đẹp, và rất cụ thể: hạnh phúc, cuộc sống tươi đẹp cho nhân dân. Nhưng rõ ràng là nền kinh tế kế hoạch tập trung đã thất bại trong nhiệm vụ cao cả này do sự kém hiệu quả của nó. Ngoài ra cũng phải nhấn mạnh rằng chính sự không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đã triệt tiêu động lực phát triển kinh tế trong nền kinh tế này. Ở một góc độ khác, có thể nói như thế này: họ chưa xây dựng được các khái niệm, chưa định danh được các khái niệm cơ bản. Vậy là vừa hình dung, vừa xây thử nghiệm. Chính vì thiếu những điều này cho nên cách mà họ tổ chức xã hội của mình bộc lộ sự không có định hướng, vừa làm vừa điều chỉnh, bởi thế phảng phất tính phiêu lưu, thậm chí tắc trách với vận mệnh của cả một dân tộc, đem cả một dân tộc vĩ đại như dân tộc Nga ra thử nghiệm như Mi-khai-in Góc-ba-chốp đã làm. Hậu quả là những bất ổn trên cả ba mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đã đưa Liên xô đến sụp đổ như đã thấy. Thực ra thì những những bất ổn ấy nảy nở từ sau Thế chiến hai, thời Stalin và âm ỉ trong một thời gian khá dài, trong điều kiện luôn bị áp chế, che dấu và bưng bít. Tuy nhiên, nếu như sự áp chế, che dấu, bưng bít có tác dụng với các bất ổn về chính trị thì trái lại với những bất ổn về kinh tế – được tích tụ sau một thời gian đủ dài đến kiệt quệ đất nước – liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất của người dân – không thể không lộ diện để rồi kéo theo sự bất ổn về mặt xã hội. Trong tình hình những bất ổn kinh tế – xã hội bùng phát, ý thức hệ vô sản rệu rã, Liên xô lại thực hiện cải tổ ngõ hầu thoát khỏi khủng hoảng. Chính bước đi mạo hiểm này đã đẩy nền chính trị tới chỗ nguy kịch: các bất ổn chính trị tiềm ẩn vỡ òa tạo nên một cơn địa chấn về chính trị xã hội: Liên bang xô-viết sụp đổ.

Liên xô cũ thì như vậy còn Indonesia và Philippines thì sao? Với Indonesia, có thể gọi chính quyền của Suharto là chính quyền quân sự. Tổng thống lũng đoạn và lấn át vai trò của Hội đồng hiệp thương nhân dân và Thượng viện. Ðó thực sự là một chính quyền chuyên chế. Nền dân chủ Pancasila – nền dân chủ kiểu Indonesia chỉ có tính hình thức. Về thực chất nền chính trị Indonesia là nền chính trị mà ở đó sự chuyên quyền ngự trị.

Với Philippines, mặc dầu nhà nước được tổ chức theo kiểu phân quyền nhưng ở đây lại nẩy nòi một căn bệnh có vẻ mang đặc thù Philippines: nguyên tắc dân chủ bị lợi dụng, trò bầu bán luôn bị làm xiếc. Thông qua bầu cử kiểu này hàng loạt chính khách xôi thịt xuất hiện trên sân khấu chính trị nước này để rồi chỉ lo cấu xé tài sản quốc gia.

Như vậy với cả Indonesia lẫn Philippines, chỉ xét riêng việc tổ chức bộ máy công quyền không thôi, chúng ta cũng đã thấy mầm mống của sự trì trệ, bất ổn của xã hội. Với bộ máy công quyền như thế hẳn nhiên việc quản lý, điều hành và xây dựng đất nước sẽ chẳng thể ra gì, nói chi đến việc tổ chức và quản lý toàn bộ hoạt động của xã hội, việc xây dựng các chuẩn mực giá trị làm nền tảng cho ứng xử xã hội của cả cộng đồng. Ở hai trường hợp vừa nêu, tuy khác Liên Xô cũ về nhiều phương diện song đều giống ở chỗ cách thức tổ chức xã hội có nhiều bất ổn. Chính các cách thức tổ chức xã hội bất ổn đã dựng lên chính quyền chuyên chế Suharto ở Indonesia cũng như chính quyền xôi thịt ở Philippines.

Qua những gì vừa đề cập ở trên, một lần nữa có thể nói rằng: nguyên nhân của thực trạng xã hội tệ hại là ở cách mà con người tổ chức xã hội. Muốn tổ chức một xã hội nhất thiết phải dựa vào hệ thống cơ sở lý luận hay nói theo kiểu hàn lâm đó là phải dựa vào lý thuyết tổ chức xã hội, một lý thuyết khoa học, chặt chẽ, có thể hóa giải tất cả. Khởi đi từ một lý thuyết tổ chức xã hội, mọi vấn đề nhức nhối đều sẽ có câu trả lời thỏa đáng, không những thế, đấy còn là những câu trả lời đồng bộ, giải quyết vấn đề một cách chặt chẽ, có hệ thống, toàn diện và triệt để, không những cho việc tái cấu trúc lại xã hội như xã hội Indonesia và Philippines mà còn cho việc tổ chức một xã hội mới.

Lý thuyết tổ chức xã hội là một khái niệm không tường minh. Ðể làm rõ, có thể lấy những việc dễ hiểu hơn, như việc đóng tàu chẳng hạn. Ðể có thể đóng một con tàu, các kỹ sư và công nhân của nhà máy đóng tàu cần phải có bản thiết kế. Nếu bản thiết kế tốt, có nghĩa là phương án thiết kế hợp lý, các giải pháp kỹ thuật là tối ưu, việc tính toán là chính xác, quy trình đóng tàu được tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy phạm của đăng kiểm thì hẳn nhiên sản phẩm sẽ là một con tàu tốt. Thế nhưng bản thiết kế không từ trên trời rơi xuống và nhà máy cũng không thể tự thiết kế theo kiểu khơi khơi như một số thợ may cắt áo, cắt quần theo kiểu hàng chợ được. Ðể thiết kế một con tàu, tổng công trình sư cùng các cộng sự phải dựa vào các thông số cơ bản mà chủ tàu, một công ty X nào đó, đưa ra. Cụ thể là loại tàu (tàu khách, tàu đông lạnh, tàu chở hàng rời, tàu công ten nơ...) chiều dài, chiều rộng, mớn nước, tải trọng, lượng dãn nước (lượng chiếm nước), cấp tàu, vùng hoạt động, tốc độ... Tuy nhiên, nếu coi Lý thuyết tổ chức xã hội cũng là một bản thiết kế thì bản thiết kế này hơi khác ở chỗ bản thân nó quyết định cả việc lựa chọn nhân sự để đóng tàu cũng như cần phải thực hiện việc đóng con tàu như thế nào. Nói cách khác, nếu như bản thiết kế một con tàu và việc lựa chọn các kỹ sư thi công nó là hai chuyện khác nhau thì trong xây dựng một xã hội, Lý thuyết tổ chức xã hội phải quy định rõ ai là kẻ sẽ xây dựng nó, xây ra sao. Không những thế mà sau khi xây xong phải vận hành xã hội ấy như thế nào, với những bộ luật cụ thể, chi tiết. Mặc dù được minh họa bằng khái niệm bản thiết kế nhưng LTTCXH vượt ra khỏi tầm của một bản thiết kế thông thường để trở thành lý thuyết hoàn chỉnh về tổ chức một xã hội.


Các khái niệm cơ bản của LTTCXH:

Mô hình xã hội: Ðể cho dễ hình dung, xin lấy một ví dụ gần gũi với nhiều người. Khi muốn xây nhà, ít nhất trong đầu gia chủ cũng phải có một ý niệm về ngôi nhà sắp xây của mình: nhà chữ đinh, nhà chữ L, nhà ba gian hai chái, nhà biệt thự kiểu Pháp ... Xây dựng một xã hội cũng vậy thôi, có thể theo mô hình xã hội dân chủ của Mỹ – Cộng hòa tổng thống, của một vài nước châu Âu (Ðức, Ý, Áo) – Cộng hòa đại nghị; mô hình lưỡng tính của Pháp; mô hình quân chủ; quân chủ lập hiến; quân chủ đại nghị; mô hình cộng sản chủ nghĩa, hoặc một mô hình chỉ mới được hình dung ... Khái niệm mô hình ở đây rộng hơn khái niệm mô hình hiểu theo lối thông thường là những gì có sẵn để làm khuôn mẫu. Mô hình càng rõ ràng cụ thể, được xây dựng chặt chẽ và khoa học, với những nguyên tắc đặc thù chi phối một cách hiệu quả, thì việc tổ chức xã hội càng hanh thông.

Xã hội: Trước hết cần phải thực hiện thao tác định danh, bởi cách hiểu từ xã hội của chúng tôi không giống với Từ điển Tiếng Việt. Xin mượn định nghĩa của Macmillan English Dictionary. “Society: People in general living together in organized communities, with laws and traditions controlling the way they behave towards one another.” Con người nói chung sống cùng với nhau trong các cộng đồng có tổ chức, với các bộ luật và tập quán kiểm soát cách họ đối xử với nhau.

Tổ chức xã hội: Ðây là khái niệm mới, thể hiện một cách hiểu khác về việc xây dựng một xã hội. Ở đây có hai điều đáng chú ý: 1) Ðối tượng là toàn bộ xã hội, xã hội được coi là một thể thống nhất gồm hai loại thực thể: chính trị và phi chính trị, và toàn bộ hoạt động của chúng dựa theo một hệ thống các định chế chặt chẽ cũng như hoạt động của toàn bộ cộng đồng chứ không chỉ là nhà nước cai trị với hệ thống chính quyền các cấp. 2) Hành động tổ chức ở đây được hiểu theo lối kết hợp. Có thể lấy vài ví dụ như sau. Trong hoạt động hằng ngày chúng ta nói: tổ chức một đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, công ty, hãng, tập đoàn kinh tế, viện nghiên cứu, trung tâm tư vấn ... ; chúng ta cũng nói: tổ chức buổi liên hoan, bữa tiệc sinh nhật, đám cưới, lễ hội, hội thảo, đại hội, buổi hòa nhạc, buổi giao lưu ... Như vậy, động từ tổ chức được sử dụng hoặc là để tổ chức một bộ máy hoặc là để tổ chức một hoạt động. Trong Lý thuyết tổ chức xã hội, động từ này được dùng với cả hai nghĩa vừa nêu. Việc tổ chức một xã hội bao hàm tổ chức bộ máy vận hành, quản lý xã hội gồm các thực thể chính trị (các thiết chế chính thức); tổ chức các thiết chế phi chính thức; tổ chức các thực thể phi chính trị và tổ chức hoạt động của toàn bộ các thực thể này nói riêng cũng như của toàn xã hội nói chung. Ðể làm được điều này, lẽ tất nhiên LTTCXH phải xây dựng một hệ thống các định chế để làm cơ sở pháp lý, bao gồm Hiến pháp, các bộ luật, các quy định hành chính, các quy định trong quản lý trật tự xã hội, vệ sinh, an toàn thực phẩm, môi trường, văn hóa phẩm ... Các quy định thành văn và bất thành văn về ứng xử giữa con người với con người, con người với cộng đồng, con người với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên.

Môi trường xã hội: Môi trường vật thể và phi vật thể cùng toàn bộ hoạt động của con người. Nói cách khác, đó là toàn bộ cơ sở vật chất của xã hội: nhà cửa, công sở, đường giao thông, các phương tiện chuyên chở, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc, nhà văn hóa, nhà bảo tàng, rạp hát, công viên, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, bệnh viện, trường học ... và toàn bộ các giá trị văn hóa phi vật thể cùng các hoạt động của cộng đồng.


Sự cần thiết phải có một Lý thuyết tổ chức xã hội:

Thực ra thì từ trước đến nay, xã hội cũng đã được tổ chức, nhưng với một cách thức quá thiên lệch về việc tổ chức các thiết chế chính trị, đối tượng xây dựng là chế độ chính trị, điều mà các chính trị gia phải làm cũng là lựa chọn chế độ chính trị. Tuy nhiên, một khi quá thiên lệch về chính trị, các học thuyết lâu nay đều tập trung xây dựng nhà nước cai trị với nhiều luận thuyết về nhà nước mà không đề cập đến các thực thể phi chính trị, trong khi chính trị cũng chỉ là một lĩnh vực của các hoạt động trong xã hội. Không những thế, các luận thuyết về nhà nước gần như không đề cập đến các quy định về ứng xử xã hội – điều rất quan trọng cho việc hình thành một cộng đồng có tổ chức. Nói cách khác, các luận thuyết về nhà nước chỉ giúp tổ chức được một phần xã hội, trong khi LTTCXH thì ngược lại – tổ chức toàn bộ xã hội như vừa trình bày ở phần trên. (Trong số các luận thuyết về nhà nước có Lý thuyết nhà nước phúc lợi chung đề cập rộng hơn, vượt ra ngoài phạm vi nhà nước, tuy nhiên lý thuyết này cũng chỉ dừng lại ở mức độ “nhà nước có khả năng điều chỉnh, can thiệp vào các quan hệ kinh tế – xã hội, nhờ đó có thể giải quyết được các vấn đề về xã hội, chịu trách nhiệm và quan tâm đến sự phát triển của xã hội, phục vụ cho sự hưng thịnh chung của xã hội và quyền lợi từng cá nhân – thành viên của xã hội, ... chăm lo đến lợi ích của tất cả” mà không xây dựng các nguyên tắc có tính khuôn mẫu cho việc tổ chức xã hội như là một thể thống nhất, trong đó nhà nước chỉ là một bộ phận cấu thành xã hội). Như vậy, có thể thấy khái niệm mô hình xã hội rộng hơn, trùm phủ, khái quát hơn chế độ chính trị. Việc tổ chức một xã hội bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có xây dựng chế độ chính trị với nhà nước cai trị ứng với chế độ chính trị ấy. Ngoài ra, khi đối tượng cụ thể là cách tổ chức xã hội, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống luật pháp có tầm khái quát cao. Chẳng hạn như có thể tách văn kiện pháp lý ra làm hai loại: 1) Hệ thống các bộ luật, điều luật về tổ chức xã hội (tổ chức các thiết chế chính trị cơ bản, các thiết chế chính trị phái sinh, các thực thể kinh tế, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao... gọi chung lại là các thực thể); 2) Hệ thống luật quản lý để cho bộ máy công quyền quản lý, điều hành đất nước, điều hành hoạt động của chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương; các điều luật quản lý xã hội và những quy định về ứng xử của con người với cộng đồng, với môi trường xã hội, áp dụng cho các lĩnh vực khác nhau trong đời sống hoạt động của xã hội: trật tự xã hội nói chung, trật tự đô thị, giao thông, quy hoạch đô thị, văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, thể thao... Trong các bộ luật liên quan đến môi trường tự nhiên như: luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên thiên nhiên, luật thủy sản ... có những quy định cách thức ứng xử của con người với môi trường tự nhiên.

Sự hạn chế về khả năng khái quát của các luận thuyết về nhà nước cũng hoàn toàn dễ hiểu vì đối tượng của chúng khác với đối tượng của Lý thuyết tổ chức xã hội: một bên là cách thức xây dựng nhà nước, còn bên kia là cách thức tổ chức xã hội.


Các nhóm nguyên tắc cơ bản của LTTCXH:

Nhóm nguyên tắc về quyền con người, quyền công dân.

Nhóm nguyên tắc về tổ chức và vận hành bộ máy công quyền.

Nhóm nguyên tắc ứng xử xã hội: ứng xử với cộng đồng, với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên.

Trên đây là ba nhóm nguyên tắc chung của Lý thuyết tổ chức xã hội. Việc phân chia ba nhóm nguyên tắc như trên chỉ có tính hình thức,bởi lẽ khó có thể phân biệt rạch ròi do khả năng phổ quát rộng của một số nguyên tắc. Khi lựa chọn mô hình xã hội nào thì sẽ có một loạt các nguyên tắc phái sinh có được từ mô hình ấy. Ví dụ, nếu mô hình lựa chọn là dân chủ kiểu Mỹ sẽ có các nguyên tắc tương ứng với mô hình ấy như sau:

Nguyên tắc dân chủ.
Nguyên tắc tam quyền phân lập.
Nguyên tắc quyền lực kiềm chế quyền lực.
Nguyên tắc phân quyền giữa chính phủ Liên bang và các bang.
Nguyên tắc giao quyền có thời hạn.
Nguyên tắc không xâm phạm sở hữu tư nhân.
Nguyên tắc tự do cá nhân và quyền nhân thân.
Nguyên tắc bình đẳng.
Nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Nếu lựa chọn mô hình xã hội XHCN, các nguyên tắc tương ứng sẽ là:

Nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân.
Nguyên tắc thống nhất quyền lực.
Nguyên tắc Ðảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
Nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số.
Nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm phần việc được phân công.
Nguyên tắc mình vì mọi người.
Nguyên tắc bình quân.


Trình tự tổ chức xã hội:

1. Lựa chọn mô hình xã hội:

Lựa chọn mô hình xã hội là bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng một xã hội mới. Việc lựa chọn này quyết định tất cả và quy định cho các lựa chọn tiếp theo. Cần phải khẳng định rằng mô hình xã hội có tính lịch sử, hay chính xác hơn, mỗi một giai đoạn lịch sử của một nền văn minh nào đó sẽ có một mô hình xã hội tương ứng. Và như vậy, trong từng giai đoạn lịch sử của toàn bộ nền văn minh nhân loại có thể tồn tại cùng lúc nhiều mô hình. Vấn đề quan trọng là ở chỗ cần xác định được trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, mô hình nào đóng vai trò đại diện cho xu thế phát triển của lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử chỉ có một mô hình đại diện cho xu thế phát triển của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Ðây là điều cực kỳ quan trọng, bởi lẽ trong một giai đoạn lịch sử nào đó, nếu chúng ta bất chấp vai trò đại diện của mô hình xã hội của giai đoạn lịch sử ấy thì điều đó đồng nghĩa với việc làm trái quy luật. Việc lựa chọn một mô hình đã lỗi thời, một mô hình lẽ ra là của tương lai hoặc việc cố duy trì một mô hình xã hội không còn phù hợp, cố níu kéo nó cũng đều bất ổn như nhau.

2. Xây dựng thể chế:

Căn cứ vào mô hình đã được chọn, một hệ thống các văn kiện pháp luật được soạn thảo. Ðây chính là thể chế, bao gồm: Bộ luật cơ bản – Hiến Pháp và các bộ luật còn lại - được coi như những gì để cụ thể hóa mô hình đã lựa chọn. Mỗi mô hình có một thể chế tương ứng, bởi thế hoàn toàn có thể coi rằng việc lựa chọn mô hình xã hội đồng nghĩa với việc quy định thể chế. Với mô hình xã hội là mô hình quân chủ, nguyên tắc thế tập dành cho ngôi vua là bất di bất dịch. Thể chế chỉ là các bộ luật để vua, bộ máy cai trị cai quản và quản lý đất nước. Việc tổ chức triều đình và bộ máy cai trị, tùy theo hình thức cụ thể của chính thể quân chủ: quân chủ phân quyền cát cứ, quân chủ đại diện đẳng cấp, quân chủ trung ương tập quyền, cộng hòa phong kiến, sẽ có những đặc thù riêng.

Bộ luật cơ bản – Hiến Pháp: Văn bản hiến pháp có nhiều điều khoản. Tuy nhiên, tựu trung lại, có một số điều khoản quan yếu như: điều khoản quy định chính thể của nhà nước, điều khoản quy định cách thức thiết lập cơ quan lập pháp - Quốc hội, quy định tư cách cử tri, tư cách nghị sĩ, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội trong tương quan với các thiết chế chính trị khác, điều khoản về tổ chức cơ quan hành pháp, nhiệm vụ và quyền hạn, tư cách người đứng đầu cơ quan hành pháp ... , điều khoản về tổ chức cơ quan tư pháp, nhiệm vụ và quyền hạn ... , điều khoản về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân.

Các bộ luật ngoài bộ luật cơ bản: Có thể chia các bộ luật còn lại ngoài bộ luật cơ bản thành hai nhóm như sau: 1) Luật tổ chức các thiết chế phái sinh, xuất phát điểm là ba thiết chế cơ bản do Hiến Pháp quy định. Ngoài ra còn có luật tổ chức các thực thể kinh tế, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giáo dục, y tế ... 2) Luật quản lý, các bộ luật này là cơ sở pháp lý để các thiết chế quản lý, điều hành đất nước, quản lý địa phương, ngành, lĩnh vực mà chúng chịu trách nhiệm, nói chung là quản lý toàn bộ hoạt động của xã hội, trong đó có quản lý, điều chỉnh cách mà con người ứng xử với nhau, với cộng đồng, với môi trường sống bao gồm môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. Ngoài ra còn có các bộ luật để quản lý các thực thể phi chính trị (kinh tế, văn hóa, văn nghệ ...) .

Nếu gộp chung ba thiết chế cơ bản vào với các thiết chế phái sinh, các thiết chế phi chính thức, các thực thể kinh tế, giáo dục, y tế ... đã xét để làm đối tượng thì ta có một hệ thống luật tổ chức bao quát hơn: Hệ thống các điều luật tổ chức. Cũng tương tự như vậy, nếu gộp chung các bộ luật quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau với các bộ luật liên quan đến việc quản lý các thực thể phi chính trị, các bộ luật quản lý và điều chỉnh sự ứng xử xã hội ta cũng sẽ có một hệ thống luật quản lý bao quát hơn: Hệ thống các điều luật quản lý. Bằng cách này, có thể khẳng định rằng tính khái quát của LTTCXH là hiển nhiên.

Vì rằng mô hình xã hội nào cũng có thể chế tương ứng của nó cho nên việc lựa chọn mô hình xã hội gián tiếp quy định không những chỉ các dạng thức của các thực thể chính trị (các thiết chế chính thức và phi chính thức) mà còn cả các dạng thức của các thực thể phi chính trị (kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao...). Có thể lấy ví dụ, khi mô hình xã hội được lựa chọn là mô hình trong đó thể chế của nó thừa nhận nền kinh tế thị trường thì lẽ đương nhiên sẽ có nhiều thành phần kinh tế góp mặt: kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân nội địa, kinh tế tư bản ngoại quốc. Ðiều này có nghĩa là thể chế quyết định mức độ “đông vui” của các thực thể trong toàn xã hội. Có một thực tế phải thừa nhận là việc xây dựng luật pháp không thể trùm phủ hết các vấn đề trong thực tiễn đời sống xã hội, chính vì thế việc những điều luật mới ra đời không có gì là lạ, chúng bổ sung cho các bộ luật đã có. Không những thế thực tiễn thay đổi từng ngày, các vấn đề mới luôn xuất hiện, nảy sinh buộc các nhà làm luật phải giải quyết. Do vậy, một trong những chức năng cơ bản của cơ quan lập pháp là tiếp tục xây dựng những định chế mới. Có lẽ cũng cần phải nói thêm rằng chức năng quan yếu đầu tiên của luật pháp là chức năng tổ chức. Nói cách khác, ở một xã hội văn minh, con người tổ chức xã hội bằng luật pháp và thông qua luật pháp. Hiến pháp, luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, HÐND, UBND; các điều luật tổ chức các thực thể chính trị khác và các thực thể phi chính trị (các đơn vị kinh tế, giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể thao...) là những quy phạm pháp lý thể hiện chức năng này. Ðáng tiếc là trong các tài liệu, giáo trình về luật pháp người ta chỉ nêu ba chức năng của luật pháp như sau: Chức năng điều chỉnh; Chức năng bảo vệ; Chức năng giáo dục. Sự thiếu sót này thật rất đáng tiếc.

3. Xây dựng các thực thể chính trị, kinh tế, văn hóa:

Dựa trên thể chế đã có, cụ thể là luật tổ chức, các thiết chế chính trị được dựng nên, chúng hoạt động và vận hành dựa trên chức năng, nhiệm vụ đã được quy định, các luận thuyết về nhà nước chỉ đề cập đến việc xây dựng các thiết chế này. Các thực thể chính trị quan yếu nhất là các thiết chế chính trị cơ bản – bộ máy công quyền. Hiệu quả của bộ máy công quyền được quyết định bởi nhóm các nguyên tắc tổ chức và vận hành nó. Chất lượng và hiệu quả của bộ máy nhà nước có một vai trò cực kỳ quan trọng bởi lẽ bộ máy này ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tổ chức xã hội. Một bộ máy công quyền từ nhà nước trung ương đến các cơ quan hành chính các cấp được tổ chức khoa học, chặt chẽ, được vận hành minh bạch, hiệu quả sẽ là động lực chính để thiết lập và quản lý một xã hội có quy củ. Và cũng chính bộ máy nhà nước này đảm bảo cho việc tạo dựng một môi trường pháp lý rõ ràng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần xã hội để cho các thực thể chính trị khác – các thiết chế phi chính thức, các thực thể phi chính trị: kinh tế, văn hóa, giáo dục, văn nghệ ... phát sinh, phát triển. Cũng chính nhờ sự quản lý của bộ máy nhà nước về mặt xã hội mà các mối quan hệ xã hội, cách ứng xử xã hội được hình thành và định hình theo các nguyên tắc quy định về ứng xử xã hội đã đề cập ở trên. Ngoài luật tổ chức các thiết chế chính trị, chúng ta còn có luật tổ chức các thực thể kinh tế, văn hóa, văn nghệ, thể thao ... để từ đó, các thực thể này được xây dựng. Ở đây có một sự khác biệt. Nếu như việc tổ chức các thực thể chính trị có ảnh hưởng hoặc đến toàn xã hội hoặc một cộng đồng dân cư của một địa phương nào đó thì việc tổ chức một thực thể phi chính trị chỉ ảnh hưởng đến một cộng đồng của các công dân liên quan đến thực thể ấy (hãng, công ty, nhà máy, xưởng, hiệp hội, câu lạc bộ, nhà hát...). Mặt khác, vì các thực thể phi chính trị là một tập hợp rời rạc, sự gắn kết giữa chúng về phương diện tổ chức không tồn tại, vì thế có thể thấy rõ tính độc lập về phương diện tổ chức. Chính vì vậy, khác với các thực thể chính trị – được tổ chức theo hệ thống, chịu sự chi phối của nguyên tắc cấu trúc phân nhánh hình cây thì các thực thể phi chính trị độc lập chỉ chịu sự chi phối bởi luật tổ chức chúng. Sự ra đời của các thực thể phi chính trị không phải do ý chí của toàn cộng đồng, kiểu như với các thiết chế chính thức, mà dựa vào nhu cầu tự thân của các chủ thể của chúng. Không những thế, số lượng của chúng là không bất biến. Sự thành lập mới, tiêu vong hoặc chuyển đổi tính chất sở hữu, quyền sở hữu tùy thuộc vào ý chí cá nhân của chủ sở hữu, nếu là thực thể kinh tế thì còn tùy thuộc vào các quy luật của kinh tế thị trường.


Các đặc trưng của LTTCXH:

Khái quát: Lý thuyết TCXH có tính khái quát cao, quyết định hết thảy mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức một xã hội, từ chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa, pháp luật, giáo dục, môi trường... Khi nhấn mạnh đến tính tổ chức của xã hội, ta đã coi nó là một thực thể thống nhất, xem xét nó trên toàn cục chứ không chỉ quan tâm thái quá về các thiết chế chính trị. Do vậy, đứng ở góc độ xây dựng và phân loại các bộ luật, chúng ta hoàn toàn có thể xếp chung các thực thể kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao ... cùng đứng chung với các thiết chế chính trị cơ bản cũng như phái sinh để làm đối tượng của các bộ luật tổ chức. Ðiều này làm cho LTTCXH có tính khái quát cao hơn các luận thuyết về nhà nước.

Chặt chẽ: Thiết kế một xã hội một cách đầy đủ, chi tiết; đồng thời quy định những ai xây dựng mô hình ấy và phải xây dựng như nào, vận hành xã hội ấy ra sao. Ðây là đặc trưng quan trọng quyết định sự khác nhau giữa LTTCXH và một bản thiết kế thông thường. Cụ thể, với mô hình xã hội dân chủ, những người thắng cử và những ai vượt qua kỳ thi tuyển sẽ là những nhân vật xây dựng và vận hành mô hình xã hội ấy. Với mô hình xã hội cộng sản của chúng ta, đó là những con người mang trong mình hoài bão và lý tưởng cộng sản được quy hoạch, lựa chọn, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm. Việc bỏ phiếu để bầu bán thường chỉ là để thông qua và hợp thức những chuyện đã được định đoạt trước đó.

Hệ thống: Một xã hội là thể phức hợp mà sự ràng buộc kết nối giữa các thành tố là theo một hệ thống chặt chẽ, đặc biệt là các thành tố thuộc về chính trị. Lý thuyết tổ chức xã hội là hệ thống cơ sở lý luận về cách thức tổ chức xã hội, nó có một hệ thống luật tổ chức các thực thể chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao ... và một tập hợp các bộ luật quản lý để các thực thể này dựa vào đó để vận hành.


Ý nghĩa thực tiễn của Lý thuyết tổ chức xã hội:

Mỗi một mô hình xã hội đều có thể chế và do đó có các thiết chế tương ứng. Khi thực tiễn xã hội nảy sinh những bất ổn, những mâu thuẫn trầm trọng có tính đối kháng, khó bề giải quyết thì vấn đề không phải chỉ là chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng mới luật nọ luật kia hay là bãi bỏ một vài quy định hành chính cũ, đưa thêm quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý có tính bình đẳng, cởi mở, minh bạch hơn chút ít mà vấn đề là ở chỗ xem xét lại cách thức tổ chức xã hội, cụ thể hơn, mô hình xã hội đã chọn cùng ba nhóm nguyên tắc tổ chức xã hội tương ứng.


Kết luận: Mặc dầu mượn khái niệm bản thiết kế để rồi từ đó đưa ra Lý thuyết tổ chức xã hội nhưng cũng cần phải nói thêm rằng giữa bản thiết kế để xây dựng một xã hội và bản thiết kế một con tàu còn có một khác biệt quan trọng nữa. Nếu như tổng công trình sư phải dựa vào các yêu cầu của chủ tàu – thể hiện qua các thông số cơ bản - để thiết kế thì những người áp dụng Lý thuyết tổ chức xã hội buộc phải tự chọn lấy các “thông số cơ bản” của cái xã hội mà họ muốn dựng nên. Nói cách khác, họ phải lựa chọn mô hình xã hội, nếu chưa có, chính họ phải hình dung ra mô hình, mô tả nó một cách rõ ràng, cụ thể. Ðây là điều họ phải thực hiện trong các công trình nghiên cứu về lý luận của mình. Mặc dù chúng ta hiểu rằng mô hình xã hội như nào thì có thể chế và các thiết chế tương ứng nhưng trong Hiến pháp – văn bản quan trọng nhất của thể chế – người ta cũng phải xác định mô hình xã hội, có thể trực tiếp bằng câu chữ, có thể gián tiếp qua các quy định về cách thức tổ chức các thiết chế cơ bản. Ðây là điều cực kỳ quan trọng, chính nó sẽ quyết định tất cả những điều còn lại của bản Hiến pháp và cả các bộ luật còn lại. Ðể xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa lẽ đương nhiên cái cách mà người ta xây dựng các thiết chế xã hội để phục vụ cho mục đích ấy sẽ khác với cái cách xây dựng các thiết chế xã hội để phục vụ cho việc xây dựng một xã hội dân chủ. Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946) khác với Hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980) ngay ở sự xác định mô hình xã hội. Chính điều này đã quyết định đến nhiều khác biệt tiếp theo.


Trường hợp Trung Quốc:

Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Không thật rõ là tự bao giờ các nhà lãnh đạo của nước này đưa ra một quan điểm khá ỡm ờ: xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Nếu đứng trên quan điểm của Lý thuyết tổ chức xã hội thì ngay ở sự lựa chọn đầu tiên, mô hình xã hội của họ đã không tường minh. CNXH mang màu sắc Trung Quốc là như thế nào? Chẳng có ai minh định điều này cả. Quần chúng thì chẳng hơi đâu mà đặt vấn đề to tát như thế, còn các nhà lãnh đạo lại cứ lờ đi. Nhưng mà là lờ có chủ ý. Thà rằng cứ u u minh minh vậy để nhỡ có phải làm khác học thuyết của các bậc tiền bối, các nhà kinh điển thì cũng dễ bề ăn nói. Ðó là một mô hình mở, rất Trung Quốc. Phải chăng 5000 năm lịch sử xử thế của người Trung Hoa kết tinh trong việc lựa chọn mô hình kiểu như thế này? Có thể nói rằng trong bất kỳ trường hợp nào, làm bất kỳ cái gì, người Hoa Hạ đều tính đến đường lui, mà là kiểu lui cực kỳ khôn ngoan, chẳng ai bắt bẻ, trách móc gì được. Và cuối cùng điều gì phải đến rồi cũng đã đến: Học thuyết ba đại diện của họ Giang ra đời. Thực ra thì Giang Trạch Dân đi sau Nguyễn Ái Quốc ngót ngét những 80 năm. Chủ nghĩa dân tộc là giá trị vĩnh hằng dù có khi này khi khác bị công kích dè bỉu, thậm chí người khởi xướng nó đã từng bị quy kết là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bị ghẻ lạnh, cô lập. Với học thuyết này họ Giang đã làm sống lại một giá trị xưa của những năm 20 thuộc thế kỷ trước và đặt lợi ích dân tộc vào đúng vị trí của nó – cao hơn hết thảy.

© 2004 talawas