trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
18.10.2004
Lê Hồng Lâm
Băng đĩa lậu với Công ước Berne: Hãy bắt ta nếu có thể
(Phóng sự)
 
Xin nói ngay để bạn đọc khỏi hiểu nhầm: cái tít bài này chỉ mượn tiêu đề của bộ phim hình sự nổi đình đám năm 2002 với bộ ba Steven Spielberg, Tom Hanks và Leonardo Dicaprio (tên gốc là Catch me if you can) để nói đến một chuyện nghe rất thời sự hiện nay - Việt Nam gia nhập Công ước bảo hộ quyền tác giả Berne vào ngày 26 -10 tới (sau ngày này, chuyện "mượn tít" mà không được sự đồng ý của tác giả như thế này cũng bị kiện như chơi). Chuyện sách văn học dịch được bàn nhiều nhất. Nhạc nhái, nhạc đạo cũng được nói nhiều không kém. Riêng một vấn đề theo người viết đáng lưu tâm nhất là chuyện băng đĩa lậu thì hầu như chưa thấy ai nhắc đến cả. Người ta bảo "nắm kẻ có tóc chứ ai lại đi nắm kẻ trọc đầu". In sách lậu, làm nhạc lậu, hát nhạc nhái thì cứ nắm mấy nhà xuất bản, mấy anh (chị) nhạc sĩ, ca sĩ mà gõ chứ còn mấy anh đĩa lậu thì toàn bên Tàu tuồn sang rồi tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm xứ ta, có mà bắt đằng trời.


Khi đặc sản Việt Nam là ...đĩa DVD giá bèo

Có một chuyện thế này, kể ra cũng đáng tự hào lắm: một ông giáo sư người Ðức muốn tìm bộ phim The Tin Drum (Cái trống thiếc), tác phẩm điện ảnh kinh điển của nước ông dựa theo tiểu thuyết đoạt giải Nobel văn học của nhà văn Günter Grass do đạo diễn Volker Schlöndorff dàn dựng đã từng đoạt giải Cành cọ vàng và Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1979. Nghe kể ông đã từng tìm khắp nước Ðức, sang Nhật, Hàn Quốc, thậm chí khắp nơi ở "thiên đường đĩa lậu" bên Tàu nhưng không thấy bóng dáng của cậu bé không chịu lớn Oskar Matzerath (nhân vật nổi tiếng trong Cái trống thiếc). Thế nhưng khi sang Việt Nam, một anh bạn sành phim dắt ông đến một cửa hàng đĩa lậu trên phố cổ Hà Nội và phát hiện ra... một rổ Cái trống thiếc nằm mốc meo vì loại này ở Việt Nam thuộc loại ế. Kết quả là ông giáo sư người Ðức không những tha một đống Cái trống thiếc về tặng bạn bè mà còn mua thêm hơn 50 cái DVD phim nổi tiếng khác với tổng cộng tiền tính ra chỉ bằng mua 3 cái đĩa xịn bên xứ ông.

Chuyện những ông khách du lịch sang Việt Nam tranh thủ mua đặc sản là... đĩa DVD phim, nhạc (thậm chí do chính nước họ sản xuất) mang về làm quà cho bạn bè không phải là chuyện lạ. ở Hà Nội trong nhiều năm qua, đám khách Tây ba lô hay những người nước ngoài sang làm việc và sinh sống tại Việt Nam thường tụ tập tấp nập ở khu phố cổ, ngõ Hàng Bài, Bảo Khánh, Chợ trời, phố Huế... để lùng mua băng đĩa lậu giá rất bèo lại “nóng hôi hổi”. Nhiều tay còn nghĩ ra cách làm "kinh tế" hẳn hoi, mua một lúc vài trăm cái mang về nước bán lại lấy tiền... bù vé máy bay là chuyện thường. Quà gửi sang cho bà con người Việt ở hải ngoại bây giờ nhiều khi không còn là những món ăn dân tộc nữa mà là mấy chục cái đĩa phim “DVD Most Wanted” được bên kia gửi về có lên “list” đàng hoàng. Mấy cô cậu du học sinh về nước nghĩ hè, trước khi sang lại nước bạn để học cũng phải làm một... balô đĩa để sang bên ấy xem dần.

Còn dân ta, những ai yêu điện ảnh cũng không còn khó khăn khi lùng được những bộ phim mới nhất đang sốt khách bên Hollywood, vừa được giải tại các LHP Quốc tế lừng danh hay các tác phẩm điện ảnh kinh điển mà ngày xưa nằm mơ cũng không thấy. Trong nhiều cuộc tán gẫu qua "yahoo messenger" xuyên biên giới, những anh bạn đi du học ở xứ văn minh Châu Âu cứ tiếc hùi hụi khi nghe kể dân Việt Nam đã xem những phim thuộc vào loại "nóng bỏng tay" của Mỹ với giá 18.000đ mà bên các nước họ du học phải còn lâu mới xem được hay những bộ sưu tập phim "độc" mà nếu mua bên kia họ phải nhịn ăn... đúng một tháng.


Hồng Kông bên hông chợ ...Trời

Câu nói “Hồng Kông bên hông chợ Lớn” bây giờ xưa rồi. Với dân nghiền chưởng bộ, phim bài bạc, xã hội đen, võ thuật Thiếu Lâm... thì "Hồng Kông sát bên hông chợ...Trời". Cái chợ bán đồ cũ, đồ "giật", hàng "sida" ở Hà Nội mấy năm qua nổi tiếng và ăn nên làm ra là băng đĩa lậu. Dân sành điệu điện ảnh ít chọn nơi này vì nó hơi "tạp pí lù", nhưng nhiều cô cậu mới lớn ham tò mò, các bác lao động chân tay thì thường ghé qua đây để mua phim giải trí, đĩa nhạc của các ca sĩ sao hay phim "mát", phim "thiếu vải" có đủ cả.

Phim ở đây thường bán theo...rổ, thượng vàng hạ cám tha hồ chọn lựa. Nếu muốn loại đặc biệt thì có ngay mấy anh bán hàng mặt mày rất gian thập thò vẫy vẫy sau một gian hàng nho nhỏ nguỵ trang bằng mấy cái đĩa nhạc của các ca sĩ thời thượng bày bên ngoài. Mua phim loại này chủ yếu là đám khách hàng trẻ tuổi hiếu kỳ. Sau một hồi thì thầm như...hội kín, chủ yếu là thống nhất giá cả, họ nhận được những cái đĩa VCD bên ngoài “nguỵ trang” bằng những cái tựa rất trữ tình kiểu như Những tình khúc của Phú Quang hay đầy chất dân tộc như...Dân ca quan họ Bắc Ninh với giá...40.000đ (trong khi giá một VCD in sang lậu chỉ 5000đ). Thấy khách tỏ vẻ nghi ngờ, tay chủ quán thề sống thề chết, bảo nếu xem không phải cứ mang ra đây đổi lại, đền tiền gấp đôi. Tin mấy anh này thì chỉ có bán thóc giống. Thế nên mới có chuyện một anh bạn tò mò ra đây mua đĩa Nu sinh Ngo Quyen, đợt phim này tải từ Internet xuống đang...cháy chợ, tối về háo hức mở ra xem, hoá ra là đĩa nhạc của ABBA. Tự nhiên giữa hè nóng như thiêu đốt lại đi nghe đĩa nhạc chúc Tết đầy nến, tuyết rơi và rượu sâm-panh của ban nhạc ở đẩu ở đâu bên Tây. Ðúng là đau hơn...hoạn!

Không chỉ ở chợ trời, một hai năm gần đây những loại băng đĩa lậu độc hại và tạp nhap kiểu này tràn ngập khắp phố phường Hà Nội. Tối tối, trước cổng mấy KTX các trường Ðại học lại có dăm ba anh chị trải tấm ni lông cũ và bày ra hàng loạt băng đĩa chào mời các cô cậu sinh viên. Thậm chí, một số sinh viên cũng kinh doanh mặt hàng này, bán cho bạn bè của họ, một vốn bốn lời. Chưa hết, đám trẻ đánh giày, bán báo gần đây cũng chuyển sang bán đĩa dạo, lãi cao hơn. Chúng giấu đĩa trong những cái túi nhỏ đeo bên người, chỉ cầm dăm ba cái...minh hoạ và đi “tiếp thị” cho các anh chị sinh viên hay đám công chức trẻ ở các hàng cà phê buổi sáng hay đám dân nhậu bia bọt buổi chiều... Có sẵn các chất...gây hứng trong người nên các anh, các chú (thậm chí là các cô, các chị) dốc túi ra mua ầm ầm. Tâm lý bán hàng của bọn trẻ ranh đường phố này đáng để các nhà doanh nghiệp...học hỏi!


Hãy bắt ta nếu có thể!

Nạn băng đĩa lậu không phải chỉ chuyện ở xứ ta mà là vấn đề nhức đầu của rất nhiều nước châu Á khác, trong đó số 1 là Trung Quốc, Malaysia. Các nhà phân tích thị trường nước Mỹ từng nói mỗi năm họ mất trắng gần 5 tỷ USD tiền bản quyền phim ảnh và băng đĩa tại thị trường châu Á vì nạn băng đĩa lậu, trong đó thủ phạm số 1 là dân làm đĩa lậu Trung Quốc. Việt Nam chỉ là một “trạm trung chuyển” của hai nước này nên có ký Công ước bản quyền Berne thì cũng chẳng có gì đáng ngại - đám dân buôn chuyến thường sang lấy hàng từ Trung Quốc về động viên an ủi nhau như thế. Mà quả thật, Trung Quốc và Malaysia đã gia nhập công ước Berne từ lâu mà nạn băng đĩa lậu của xứ họ vẫn chưa có lời giải đáp mặc dù mỗi năm họ xoá sổ hàng chục triệu băng đĩa lậu (xem bản tin thời sự thấy cảnh xe lu cán hàng đống đĩa chất cao như núi cũng đủ thấy họ chống đĩa lậu rất quyết liệt). Nhưng cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Và «gậy ông lại đập lưng ông”, khi những bộ phim, băng đĩa ăn khách do TQ sản xuất cũng bị chính bọn hàng lậu TQ xào nấu và tuồn hàng ra khắp các nước châu Á khác. Trước đây, bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu dù đã được canh mật cẩn thận, cảnh sát đứng trước phòng soát vé để tránh chuyện khán giả mang máy quay theo quay trộm, nhưng chỉ hơn một tuần sau, phim này đã có tại Việt Nam với bản khá đẹp. Mới đây nhất, Công ty Thiên Ngân của Việt Nam ra tay khá sớm để chặn đĩa lậu bằng cách mua bản quyền phim Thập diện mai phục về chiếu tại Việt Nam, chỉ sau TQ vài tuần, với cái giá rất đắt nhưng bọn đĩa lậu đã “đi trước một bước” với bản DVD... bìa đĩa rất đẹp bán khắp Hà Nội. Khi dân Sài Gòn đang xếp hàng chờ xem phim này ở rạp thì dân Hà Nội đã ngồi rung đùi thưởng thức phim này ở nhà, dẫu có đôi lúc cũng tưởng Trương Nghệ Mưu tẩu hoả thập ma vì phim nói về thời Ðường cách đây cả chục thế kỷ mà lâu lâu lại nghe tiếng ÐTDÐ Nokia kêu réo rắt hay những tràng cười rộ lên từng hồi của khán giả.

Tất nhiên, Việt Nam cũng không tránh khỏi chuyện “gậy ông đập lưng ông”. Ðĩa xịn của các ca sĩ nổi tiếng vừa tung ra hôm trước, ngay hôm sau đã có đĩa lậu chất lượng không kém cạnh mà giá chỉ bằng 1/ 5, thậm chí còn được khuyến mãi thêm vài bài hát thu từ đĩa khác. Các chương trình, trò chơi truyền hình ăn khách cũng bị thu, ăn cắp bản quyền ngang nhiên và bày bán công khai ở các cửa hàng băng đĩa. Các công ty nhập phim tư nhân thì đành phải “sống chung với đĩa lậu” vì phim nhập về dù có quảng cáo là chiếu đồng thời với Hollywood thì ở các cửa hàng đĩa đã bán tràn ngập trước đó cả tuần. Hầu như tất cả các bộ phim mà những công ty tư nhân nhập về chiếu ở Việt Nam từ trước đến nay chưa có phim nào mà bọn đĩa lậu tha cho.

Thế cho nên, năm nào cũng nghe báo động nạn băng đĩa lậu. Năm nào cũng có chiến dịch truy quét bọn làm hàng lậu và bọn kinh doanh văn hoá phẩm đồi truỵ. Thi thoảng lại phá được một ổ địa lậu cả triệu chiếc, mấy xe tải chở mới hết, lại bắt được mấy "đại gia". Dân buôn đĩa lậu rút vào hoạt động kín, im được một thời gian, không thấy động tỉnh, cóc lại nhảy khỏi đĩa, ngửa mặt lên trời và thách thức ngạo mạn - catch me if you can!


Báo động! Lại báo động!

Trong bộ phim dựa theo chuyện có thật kể trên, Leonardo Dicaprio sắm vai một tay siêu lừa tên là Frank Abagnale Jr., kẻ với trí thông minh siêu hạng và tài năng hoá trang bậc thầy đã nhiều lần cho các nhân viên FBI, dù đó là viên cảnh sát tài giỏi cỡ Carl Hanratty (Tom Hanks) bị leo cây ngon lành với lời thách đố đầy ngạo mạn - Hãy bắt ta nếu có thể. Tuy vậy cuối cùng gã siêu lừa Frank cũng sa lưới pháp luật và thậm chí sau đó còn được FBI sử dụng như một nhân viên đắc lực để phát hiện những kẻ tội phạm xảo quyệt. Ðấy là cái kết có hậu hơi khuôn sáo kiểu Hollywood, chứ còn chuyện truy lùng băng đĩa lậu ở xứ ta thì đám biên kịch tài giỏi nhất của xứ kinh đô điện ảnh kia cũng đành... bó tay.
Nguồn: Báo Sinh Viên Việt Nam, số 41, 13.10.2004