trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
1.11.2004
Lê Hồng Lâm
Phim Thời xa vắng có thể gây sốt?
 
Đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh (sống chủ yếu ở Thuỵ Sĩ) làm phim chưa nhiều nhưng là một cái tên được "đảm bảo" trong giới chuyên môn và được quốc tế ít nhiều thừa nhận, ở một góc độ nào đó, bên cạnh các đạo diễn Việt Nam khác như Trần Anh Hùng, Đặng Nhật Minh và Việt Linh. Bộ phim mới nhất của anh - Thời xa vắng sắp tham dự LHP VN lần thứ 14 (diễn ra từ 4 - 11/11 tại Buôn Mê Thuột) trước khi đưa ra trình chiếu khắp cả nước đang gây tò mò và háo hức trong dư luận.

SVVN đã nối điện thoại với đạo diễn Hồ Quang Minh khi anh vừa đến TP HCM để chuẩn bị tham dự LHP Việt Nam và công chiếu bộ phim này.


Hoàn thành bộ ba (trilogy) phim về đề tài Việt Nam

Mất hơn 15 năm để chuẩn bị và hoàn thành một bộ phim quả là thời gian kỷ lục, điều gì ở Thời xa vắng ám ảnh anh đến vậy? Và bây giờ khi nó đã được hoàn thành, anh có cảm giác như đã "thanh toán" xong một món nợ nghệ thuật không?

Thực ra nói mất 15 năm cho Thời xa vắng là hơi... quá đáng. Tính từ giai đoạn tôi có ý tưởng làm bộ phim này cho đến bây giờ khi nó đã hoàn thành thì đúng là hơn 15 năm thật, nhưng nó bị gián đoạn nhiều lần. Trước đây khi kịch bản hoàn thành và xin được tài trợ thì chưa được duyệt, rồi sau đó lại phải sửa chữa nhiều lần, rồi kinh phí chưa đủ làm nên tôi cũng dừng lại để thực hiện các dự án khác. Giữa những khoảng cách gián đoạn đó, tôi đã làm được hai phim khác là Bụi hồngTrang giấy trắng. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi bỏ ý định làm phim Thời xa vắng và khi có đầy đủ các điều kiện tối ưu, tôi bắt tay làm ngay.

Cảm giác của tôi lúc này nói chung là rất thoải mái, dễ chịu và tự tin với bộ phim thứ 4 này của mình. Tất nhiên, bộ phim còn phải chờ đợi sự phản ứng của dư luận, đặc biệt là khán giả miền Bắc và những người đã từng đọc Thời xa vắng. Nói chung, đến bây giờ tôi đã có thể... thở nhẹ với Thời xa vắng của điện ảnh!

So với hai bộ phim trước của anh đã từng gây dư luận ở VN là Con thú tật nguyềnBụi hồng, bộ phim mới này có khác nhiều về hình thứct? Trong khoảng một thời gian khá dài, tư duy về điện ảnh của anh chắc cũng đã khác?

Dù thời gian trải dài của 3 phim mất hơn 20 năm, nhưng cả ba bộ phim này không có sự khác biệt quá nhiều về hình thức. Nói chung phong cách về hình thức và nội dung của bộ ba này khá dung dị và tương đối kinh điển.

Bộ phim đầu tay của tôi, Con thú tật nguyền đề cập đến câu chuyện xảy ra trong chiến tranh ở miền Nam. Câu chuyện rất khốc liệt và dữ dội và những nhân vật phải chịu đựng nó như đi trong một đường hầm không có ánh sáng với sự tuyệt vọng bao trùm. Bụi hồng lấy bối cảnh miền Trung, đề cập đến câu chuyện nhẹ nhàng, "thiền" và có sự "nâng bổng" về tâm hồn. Còn Thời xa vắng là câu chuyện xảy ra ở miền Bắc trong bối cảnh những năm chiến tranh chống Mỹ và những thân phận mang tính cá nhân của những con người nhỏ bé trong hoàn cảnh đó.

Thế hệ chúng tôi lớn lên và trải qua những năm tháng chiến tranh nên khi hơn 30 tuổi từ Thuỵ Sĩ trở về nước và có ý định làm phim, tôi đã có ý định dùng điện ảnh để phản ánh những năm tháng quan trọng đó. Và sau khi hoàn thành Con thú tật nguyền, trong đầu tôi đã có ý định làm một bộ ba phim về đề tài chiến tranh VN theo 3 cách nhìn khác nhau về nội dung và góc nhìn nhưng khá tương đồng về hình thức. Đến bây giờ thì ước nguyện của tôi cũng đã thành. Cảm giác của tôi đúng là như hoàn thành xong món nợ nghệ thuật. Chắc chắn nếu bắt tay để làm dự án phim mới, tôi sẽ thoải mái và 'buông tay" hơn về mặt hình thức.


Tôi có cái nhìn ưu ái hơn đối với phụ nữ

Điện ảnh luôn có một chỗ đứng độc lập so với tác phẩm văn học mà nó chuyển thể, nhưng khán giả Việt Nam luôn có thói quen đặt bộ phim bên cạnh tác phẩm gốc để "đối chiếu". Đặc biệt là với cuốn tiểu thuyết quen thuộc như Thời xa vắng, tôi tin chắc rằng khán giả sẽ "soi" hơi bị kỹ!

Cách đây 15 năm khi có ý định làm Thời xa vắng, tôi định chuyển thể trọn vẹn tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu với độ dài lên đến 180 phút. Tuy nhiên, dần dần, cảm nhận của tôi về tác phẩm có sự thay đổi nên tôi cuối cùng tôi chỉ chọn phần đầu của tiểu thuyết để chuyển thể, kết hợp với một phần truyện ngắn Bến sông cũng của nhà văn Lê Lựu. Bối cảnh phim tập trung chủ yếu vào mối quan hệ tay ba phức tạp giữa Giang Minh Sài, cô vợ lớn hơn tuổi do ép gả của anh là Tuyết và người anh yêu thực sự với những rung cảm đầu đời là Hương. Bên cạnh đó phim cũng đi vào là những tập tục làng quê của vùng đồng bằng và khắc hoạ vẻ đẹp của miền Bắc trong những năm chiến tranh.

Nhưng quả thực phần 2 của tiểu thuyết gây ấn tượng mạnh hơn vì nó đề cập đến thân phận và những bi kịch cá nhân của Giang Minh Sài một cách đậm nét hơn. Nó cũng là phần "đổi mới" của tiểu thuyết này so với các tác phẩm văn học cùng thời. Bản thân tôi cũng thấy là phần "đuôi" này có rất nhiều chất "xinê"

Có thể những năm sau chiến tranh tôi không sống ở VN nên không hiểu nhiều về đời sống của con người hậu chiến nên tôi cũng ít quan tâm hơn. Đấy có thể là một sự ích kỷ của bản thân vì tôi thì chỉ làm những cái mà tôi hiểu rõ.

Việc anh chọn hai diễn viên hoàn toàn nghiệp dư và chưa một lần đứng trước ống kính may quay cho hai vai quan trọng của phim là Giang Minh Sài và Hương có quá mạo hiểm không?

Lúc đầu, thậm chí tôi còn nghĩ nếu không tìm ra diễn viên phù hợp cho các diễn viên thì không nên triển khai dự án làm bộ phim này. Tất nhiên, cuối cùng sự lựa chọn cũng như mong muốn của tôi. Dàn diễn viên chủ yếu là chuyên nghiệp như Phương Dung, Trần Hạnh, Ngọc Bích..., chỉ có hai diễn viên nghiệp dư cho hai vai quan trọng trong phim là Ngô Thế Quân, một hoạ sĩ đồ hoạ cho vai Giang Minh Sài và Nguyễn Thị Huyền, cô nữ sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 cho vai Hương.

Nhờ sự phù hợp với vai diễn, hình thức và tính cách nhân vật nên các diễn viên đều diễn xuất rất tốt. Tôi tự nhủ nếu mình mang được họ vào phim thì đã coi như thành công. Khi quay phim, nhà văn Lê Lựu còn đánh giá Quân còn "quê" và "khù khờ" hơn cả nhân vật Giang Minh Sài của ông. Giọng nói của Quân cũng rất đặc biệt, "lào khào" như phát ra từ cuống họng.

Việc chọn Phương Dung cho vai diễn Tuyết, người vợ xấu xí của Giang Minh Sài cũng gây nhiều bất ngờ vì chị ấy... quá đẹp so với nhân vật. Có phải vì Phương Dung là vợ anh nên anh "ép" chị vào vai chính trong phim này cho đúng mô hình "chồng đạo diễn, vợ diễn viên" như Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê?

Đây là vai nữ chính quan trọng nhất của phim với những diễn biến tâm lý phức tạp nên nếu không đúng vai thì bộ phim cầm chắc thất bại. Đây cũng là vai diễn mà tôi phải đặt 100% lòng tin cậy. Sau khi không tìm ra diễn viên ưng ý cho vai này, tôi đã đề nghị Phương Dung vì cô sống gần tôi nên sẽ hiểu về ý đồ của tôi hơn. Vẻ đẹp của Phương Dung thường được người phương Tây thích hơn ta, phong cách của cô cũng rất hiện đại và cởi mở nhưng luôn bị tôi "đì" vào những vai người phụ nữ VN có số phận bất hạnh.

Và anh cũng muốn xây dựng hình ảnh và số phận người phụ nữ xuyên suốt trong tất cả các bộ phim của mình?

Đúng vậy. Cả ba phim tôi đều có sự ưu ái nhất định đối với các nhân vật nữ. Tôi có một xu hướng trong cuộc sống lẫn trong phim là quan tâm nhiều đến số phận của phụ nữ hơn đàn ông. Trong tiểu thuyết, Tuyết không phải là nhân vật quan trọng lắm nhưng khi lên phim, tôi đã có sự điều chỉnh nhất định và có nhiều đất diễn hơn. Đây cũng là nhân vật mà tôi gửi gắm nhiều ý đồ nhất trong phim này.


Tôi rất thích chất "u mua" trong Thời xa vắng

Hình thức theo anh nói thì "cổ điển", nội dung câu chuyện thì lại là những chuyện đã qua và hơi nặng nề, bi kịch, vậy thì anh lấy cái gì để làm bật Thời xa vắng lên, nhất là với những khán giả trẻ hôm nay?

Đây là một bộ phim nói về bi kịch của số phận con người, tôi không thể tô hồng và cũng không cho phép mình tô hồng. Tuy nhiên, điều khiến tôi bỏ công bám theo cuốn tiểu thuyết của Lê Lựu suốt hơn 15 năm qua là chất "u mua" có tính gián cách trong tác phẩm của ông. Đây cũng là điều khó nhất trong quá trình đạo diễn của tôi và cũng là điều tôi thích nhất trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của thế giới. Chất "u mua" trong điện ảnh rất quan trọng, nó nâng giá trị của bộ phim lên rất nhiều và cũng dễ chia sẻ hơn đối với người xem. Với Thời xa vắng, tôi đã đạt được phần nào cái chất hài hước, giễu nhại, "mình cười mình" của nhà văn Lê Lựu trong tác phẩm của ông.


Xúc cảm nghệ thuật rất gần với xúc cảm tâm linh

Cuối cùng là "đầu ra" của bộ phim quá sức kỳ công này. Liệu nó có cùng chung số phận với những bộ phim nghệ thuật khác của VN trong nhiều năm gần đây?

Riêng với bộ phim này tôi không lo nhiều về "hậu vận" của nó. Hãng phim Giải Phóng hợp tác với đối tác là Pháp nên việc phổ biến nó ra bên ngoài không khó, quan trọng là khán giả trong nước.

Có một điều mà tôi thấy rất tiếc đối với điện ảnh VN là chúng ta đã đánh mất thú vui ra rạp xem phim đối với khán giả. Gần đây, bộ phim Gái nhảy tạo nên sự đột phá về người xem nhưng cũng chỉ đạt mức 500.000 lượt người xem trên 80 triệu dân số trong khi thời đỉnh cao theo tôi biết thì có đến 8 triệu lượt người đã đi xem phim Thầy lang của điện ảnh Ba Lan hay từ 2 - 3 triệu lượt người xem các tập phim Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Đến rạp xem phim không chỉ để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh đó mà còn là nơi để khán giả chia sẻ những xúc cảm nghệ thuật. Tôi cho rằng xúc cảm nghệ thuật rất gần với xúc cảm của tâm linh.


  1. Thời xa vắng gây tò mò vì nhiều lẽ, trước hết vì nó chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên từng làm say mê nhiều độc giả của nhà văn Lê Lựu và là một dự án điện ảnh mà đạo diễn Hồ Quang Minh mất hơn 15 năm trời để theo đuổi.

  2. Thời xa vắng là phim do Nhà nước tài trợ kinh phí với hơn 1 tỉ đồng cộng với các nguồn tài trợ quốc tế khác do đạo diễn Hồ Quang Minh xin được từ Pháp và Thuỵ Điển. Tổng kinh phí khoảng hơn 6 tỉ đồng. Phim quay từ tháng 9 năm ngoái ở đồng bằng Bắc bộ, đã làm xong hậu kỳ ở Pháp. Đạo diễn dự định sau khi đem dự LHP VN lần thứ 14 sẽ chiếu cho khán giả trong nước xem trước rồi mới đem đi dự thi các LHP Quốc tế (có thể là LHP Berlin vào tháng 2 năm sau) và chiếu ở một số nước ở châu Âu.

  3. Hồ Quang Minh từng làm thơ (tập thơ của anh từng được giải của Hội nhà văn năm 1987 cùng với tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu), từng là tiến sĩ Vật lý (làm luận án tại trường ĐH Bách Khoa Thuỵ Sĩ) và sau đó học đạo diễn hai năm ở Paris. Với điện ảnh, anh mới chỉ hoàn thành được 4 bộ phim nhưng đã tạo được những dấu ấn khá đặc biệt với sự khốc liệt đến dữ dội trong Con thú tật nguyền (do Nguỵ Ngữ chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của anh) và đầy chất "thiền" trong Bụi hồng. Một bộ phim khác của anh là Trang giấy trắng, chưa chiếu ở VN.

Nguồn: Sinh viên Việt Nam, số 43 (27.10.2004)