trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
12.11.2004
Lê Hồng Lâm
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14: Át chủ bài là một ẩn số?
 
100 phim tham dự LHP Việt Nam lần thứ 14 là con số khá lớn cho một kỳ LHP 3 năm tổ chức một lần. Trong đó, được quan tâm nhiều nhất là thể loại phim truyện nhựa với 22 phim tham dự, lại là một con số nổi bật. Thế nhưng chọn ra một ứng cử viên sáng giá cho giải Bông sen vàng phim truyện hay nhất lần này không hề đơn giản.


LHP cuối cùng xoá sổ phim bao cấp?

Trong kỳ LHP lần thứ 13 tổ chức tại Nghệ An, giải Bông sen vàng phim truyện nhựa đã được trao cho hai bộ phim Mùa ổi của đạo diễn kỳ cựu Đặng Nhật Minh và Đời cát của Nguyễn Thanh Vân đều rất xứng đáng. Thậm chí có thể bình chọn hai phim này đứng đầu trong top 10 phim hay nhất của điện ảnh VN của thập niên 90 thế kỷ trước cùng với Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh, Vị đắng tình yêu của Lê Mộng Hoàng, Ai xuôi vạn lý của Lê Hoàng, Ngã ba Đồng Lộc của Lưu Trọng Ninh, Chung cư của Việt Linh, Vào Nam ra Bắc của Phi Tiến Sơn, Những người thợ xẻ của Vương Đức và Thung lũng hoang vắng của Phạm Nhuệ Giang. Một thập niên của điện ảnh bao cấp, chọn ra được 10 bộ phim hay (ít, nhiều) như kể trên quả thực không phải là dễ dàng. Có thể coi đó là thành quả của một nền "điện ảnh công chức" như cách gọi của đạo diễn Đặng Nhật Minh - "họ làm phim hay thì nhà nước được nhờ mà làm phim dở thì cũng đành chịu". Đấy cũng là một thập niên chứng kiến sự quay lưng của khán giả đối với điện ảnh nước nhà. Một năm nhà nước đầu tư cho điện ảnh từ 15-20 tỉ đồng, tính tổng cộng trong 10 năm của thập niên 90 là khoảng trên dưới 200 tỉ đồng, một con số không phải là quá lớn so với điện ảnh, bộ môn nghệ thuật tổng hợp vốn tốn kém và đắt đỏ. Nhưng điều đáng quan tâm là hàng chục bộ phim do nhà nước đầu tư làm ra trong hơn 10 năm này thường chỉ được chiếu một vài buổi nhân dịp lễ lạt rồi đem cất kho. Thậm chí nhiều bộ phim còn không bao giờ xuất hiện (phim Mái trường yên tĩnh của đạo diễn Bùi Cường với kinh phí do nhà nước tài trợ 1 tỉ đồng làm xong đã ba năm nay nhưng chưa ai biết nó mặt ngang mũi dọc như thế nào). Đấy mới là một sự lãng phí khổng lồ! Và vì thế những bộ phim hay nói trên không đủ sức kéo lại sự quan tâm của khán giả trong một không khí điện ảnh quá chán chường và nhợt nhạt, cũng trở nên lọt thỏm một cách oan ức hoặc chỉ nổi lên một cách đơn lẻ nhờ được hâm nóng bởi một vài giải thưởng quốc tế nào đó - rồi thôi.

Sang những năm đầu thế kỷ mới, những người làm điện ảnh bắt tay vào một cuộc giải phẫu cho nền điện ảnh yếu kém của Việt Nam. Thế nhưng đấy cũng chỉ là sự cố sức của một cỗ máy điện ảnh quá rệu rã và tư duy quá cũ kỹ. Ba bốn năm qua, điện ảnh VN cũng tạo ra được một số biến động nhưng cũng chỉ là những biến động đơn lẻ chứ không tạo nên thành dòng, thành trào lưu. Đấy là chưa nói, sự biến động đó chỉ là sự lặp lại của một dòng phim mì ăn liền vốn đã chết từ hơn 10 năm trước. Gái nhảy, Lọ lem hè phố của Lê Hoàng có một công lớn là kéo được khán giả trở lại rạp và ít nhiều đem lại sinh khí cho điện ảnh VN, nhưng nhìn trên góc độ tay nghề và chuyên môn thì đó là một bước thụt lùi của Lê Hoàng. Không ai phủ nhận sự cần thiết của dòng phim giải trí để thu hút khán giả nhưng quan trọng là nó được thực hiện một cách đàng hoàng, chuyên nghiệp chứ không phải là sự chụp giật và làm ẩu. Một đạo diễn trẻ đi theo hướng này rút được bài học từ người đi trước là Vũ Ngọc Đãng với phim Những cô gái chân dài. Sử dụng nhiều thủ pháp mới trong dàn dựng cộng với những tìm tòi về hình thức giúp Những cô gái chân dài đem lại một không khí mới có tính đương đại vốn rất hiếm trong phim VN trong nhiều năm qua. Và vì thế, dù không có tư tưởng hay đọng nhiều dư âm về nghệ thuật nhưng ít ra Những cô gái chân dài cũng tạo được lòng tin về một thế hệ làm điện ảnh trẻ trong tương lai gần. Bên cạnh đó, sự ra đời của hãng phim tư nhân cộng với sự bài bản chuyên nghiệp của nó cũng là một đối sánh cho lối làm việc thụ động, được chăng hay chớ của các hãng phim nhà nước. Trong hai năm qua, hai vấn đề được giới điện ảnh quan tâm nhất là việc thành lập hãng phim tư nhân và cổ phần hoá điện ảnh. Cho nên, hi vọng rằng LHP VN lần thứ 14 này là LHP cuối cùng của dòng phim bao cấp, dòng phim tài trợ do nhà nước đặt hàng. Các nghệ sĩ điện ảnh trong thời gian tới phải thực sự đối mặt với những thách thức chứ không còn an tâm núp bóng nhà nước như trước nữa.


"Át chủ bài" là một...ẩn số!

Trong 22 phim truyện nhựa tham dự LHP lần này có thể chia ra làm hai loại, đó là phim về đề tài lịch sử, tuyên truyền, chiến tranh, cách mạng bao gồm Biển đợi, Đêm Bến Tre, Ký ức Điện Biên, Người học trò đất Gia Định xưa, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, HN 12 ngày đêm, Mê Thảo - Thời vang bóng, Người đàn bà mộng du, Trái đắng, Thời xa vắng và những loại phim mang màu sắc hiện đại như Cái tát sau cánh gà, Của rơi, Gái nhảy, Vua bãi rác, Lưới Trời, Một giờ làm quan, Những cô gái chân dài, Tiếng dương cầm trong mưa, Tết này ai đến xông nhà, Trò đùa của thiên lôi, U14 - Đội bóng trong mơ, Hàng xóm. Trong số này, một số phim đã được trao giải tại các giải thưởng điện ảnh Cánh diều hàng năm của Hội điện ảnh như Người đàn bà mộng duLưới trời đoạt Cánh diều vàng, Gái nhảy, Của rơi, Vua bãi rácTrò đùa của thiên lôi đoạt Cánh diều bạc, Mê Thảo -Thời vang bóng, Hà Nội 12 ngày đêm, U14 Đội bóng trong mơ đoạt giải khuyến khích, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đoạt giải đặc biệt... Một số phim chưa chiếu như Tiếng dương cầm trong mưa, Thời xa vắng và một số phim chiếu rồi... mà cũng như chưa chiếu (vì không ai biết) như Biển đợi, Đêm Bến Tre, Trái đắng, Cái tát sau cánh gà, Trò đùa của thiên lôi...

Ngoại trừ Thời xa vắng chưa chiếu và có thể sẽ là "ẩn số" tại LHP lần này, các phim còn lại thực sự không có phim nào nổi trội về mặt nghệ thuật nếu so với Mùa ổi hay Đời cát lần trước. Người đàn bà mộng du là một cố gắng của Nguyễn Thanh Vân nhưng là một sự đuối sức của anh so với Đời cát. Cái tâm trạng mộng du của Quỳ trong truyện của Nguyễn Minh Châu ám ảnh người đọc là vậy nhưng khi lên phim lại là một sự cố sức mỏi mệt của cả đạo diễn, diễn viên. Lưới trời có vẻ nhạy cảm khi đi vào đề tài nóng tham nhũng nhưng lại rơi vào minh hoạ và quá đơn giản, thậm chí một đôi chỗ thể hiện sự ngô nghê về hiểu biết công nghệ thông tin khiến nhiều khán giả trẻ sành sõi hôm nay không khỏi buồn cười. Nhiều bộ phim khác rơi vào sự thể nghiệm nghệ thuật nửa vời càng đem lại sự chán chường cho người xem. Không gì chán bằng một bộ phim quá nhợt nhạt về nội dung và quá cũ về hình thức lại cố sức đưa ra những triết lý nửa vời hay những khoác cho nó những tư tưởng bí hiểm, cao siêu này nọ. Của rơi, Vua bãi rác... điển hình cho điều này. Một số phim thì kết hợp một chút cái gọi là thể nghiệm nghệ thuật, một chút giải trí thị hiếu, một chút hiện đại lại không quên cài vào dăm ba câu chuyện mang màu sắc văn hoá truyền thống... Cuộc hôn phối này đưa ra những "con la" ngớ ngẩn và quê mùa. Hàng xóm, Tết này ai đến xông nhà, Trò đùa của thiên lôi, Cái tát sau cánh gà... là những ví dụ. Giàu tâm huyết và có tay nghề cao như Việt Linh cũng không cứu nổi cho Mê Thảo Thời vang bóng khi thông điệp trong bộ phim của chị đã quá cũ. Nhiều bộ phim khác gọi chính xác là phim tuyên truyền, "cúng cụ" không hơn không kém!

Cho nên, giải thưởng cao nhất cho phim truyện tại LHP lần này thực sự là một ẩn số. Liệu Thời xa vắng có là ẩn số đó? Tài năng của đạo diễn Hồ Quang Minh (được thể hiện qua hai bộ phim trước) cộng với sự tâm huyết (theo đuổi dự án này suốt 15 năm) và sự hỗ trợ quốc tế về kỹ thuật và dàn dựng rất có thể sẽ đem lại cho bộ phim này sự bảo chứng về chất lượng nghệ thuật. Ít nhất, đến thời điểm này, bộ phim này đang thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng. Sự kiện mới đây nhất, cô diễn viên nghiệp dư Nguyễn Thị Huyền đóng vai Hương, một trong ba vai chính có những "xen" rất nóng trong phim vừa đăng quang ngôi vị hoa hậu VN 2004 càng đem lại nhiều sức hút cho bộ phim này...

Nguồn: Báo Sinh Viên Việt Nam, số 44 (3.11.2004)