trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.1.2005
Joseph E. Stiglitz
Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
16 kỳ
Nguyễn Quang A dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 

Tư nhân hoá ở Đông Âu: Vài triển vọng chung

Những thay đổi về cơ cấu kinh tế mà Đông Âu đang tiến hành là trong số những thử nghiệm kinh tế lí thú nhất đã xảy ra. Chúng ta có kinh nghiệm hạn chế về tư nhân hoá, và các kinh nghiệm chúng ta có đều trong phạm vi bối cảnh của các nền kinh tế do các thị trường tư nhân thống trị. Đáng tiếc, những thử nghiệm này mà thành công hay thất bại của chúng sẽ đụng chạm đến cuộc sống của hàng triệu người, và như thế không thể tiếp cận chúng với một viễn cảnh thản nhiên. Rất quan trọng là mọi thứ chúng ta biết từ khoa học kinh tế- cả lí thuyết và thực tiễn- phải mang ra áp dụng, rằng những cam kết ý thức hệ - như lòng tin rằng các thị trường luôn hoạt động và hoạt động nhanh chóng và hiệu quả- phải được để sang một bên. Nhất thiết phải tách biệt những phán xét chính trị khỏi các phán xét kinh tế: Phần lớn tranh luận về định thời gian dựa vào sự cân đối của các phán xét chính trị liên quan đến những hậu quả chính trị của tư nhân hoá quá nhanh, và thất nghiệp do nó gây ra, với các hậu quả của tư nhân hoá quá chậm, và khả năng là giữa chừng cam kết cho tư nhân hoá và thị trường có thể yếu đi.

Trong phần này tôi đã thử nêu vài thứ tôi coi là những cân nhắc lí thuyết mấu chốt. Để đưa chúng vào bối cảnh, cho tôi nêu bốn nhận xét kết luận.

Thứ nhất, tôi đã tập trung chú ý vào tư nhân hoá các hãng qui mô lớn. Vài vấn đề mà tôi đã thảo luận cũng nảy sinh trong tư nhân hoá các hãng qui mô nhỏ, nhưng nói chung, tư nhân hoá các hãng qui mô nhỏ là việc dễ hơn nhiều, việc đang được thực hiện rồi.

Thứ hai, bản thân tư nhân hoá chỉ là một phương tiện để đạt nền kinh tế thị trường: Lập các doanh nghiệp mới là công cụ khác. Thiết lập các định chế để tạo thuận lợi là cái đáng được chú ý không kém như quá trình tư nhân hoá. Trong một số trường hợp, như các định chế tài chính, có lí lẽ rằng tốt hơn khi các nước bắt đầu lại từ đầu, thay cho cố cải cách các định chế đã được thiết kế với các chức năng hoàn toàn khác so với các chức năng của các định chế tài chính tư bản chủ nghĩa. Thành công nổi bật của Trung Quốc dựa nhiều hơn vào tạo ra và tăng các doanh nghiệp mới, chứ không vào tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước hiện có. Như đã lưu ý trước đây, các khuyến khích cho lao động và sự khởi nghiệp có thể và đã được tạo ra, mà không giải quyết nhiều vấn đề quyền sở hữu. Khi các hãng mới được lập ra, và các hãng hương trấn và tập thể được mở rộng, thì tầm quan trọng tương đối của các doanh nghiệp “nhà nước” (do chính phủ trung ương kiểm soát) đã giảm rõ rệt. Hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước buộc phải cạnh tranh với các hãng khác làm cho chúng hiệu quả hơn. Ngoài ra hiện nay có cơ sở của các hãng hoạt động tốt mà chúng có thể (và đang) được dùng để thôn tính các hãng hoạt động kém.

Có lí do chính đáng để trì hoãn quyết định liên quan đến tư nhân hoá. Các vấn đề tư nhân hoá gắn chặt chẽ với những vấn đề phân phối: Các trái quyền về tài sản hiện hành được phân chia ra sao? Biết khá rõ (cả về lí thuyết [1] lẫn kinh nghiệm) rằng tái phân phối thuần tuý luôn là việc hay gây tranh chấp. Như vậy, cho người lao động quyền làm ruộng trên đất, mà không cho họ quyền sở hữu đầy đủ, tạo các khuyến khích mạnh cho họ, và tránh, hoặc ít nhất giảm nhẹ, một số nguồn tranh chấp. Chắc hẳn, không phải mọi vấn đề khuyến khích được giải quyết hoàn toàn: Người lao động sẽ không có đầy đủ khuyến khích để duy trì chất lượng đất. Về dài hạn quan trọng là phải giải quyết các vấn đề này, nhưng khi chiếc bánh lớn hơn và tăng lên- như ở Trung Quốc- không nghi ngờ gì đi đến đồng thuận dễ hơn.

Thứ ba, cải cách và các chính sách một khi đã được tiến hành có thể khó huỷ. Quan trọng là làm đúng ngay từ đầu- hoặc, ít nhất, ở mức đúng có thể. Quyền tài sản được thiết lập nhanh, và bất kể cải cách nào chắc sẽ phá huỷ một số quyền sở hữu ngầm định này. Thực vậy, những quyền sở hữu như vậy, được thiết lập trong chế độ cũ, ngay cả bây giờ vẫn là một trở ngại cho quá trình cải cách. Ở một vài nước Đông Âu, như Rumani, vị trí ở hàng chờ mua các mặt hàng tiêu dùng lâu bền (thí dụ, ôtô) dưới giá “thị trường tự do” là một tài sản, sẽ bị phá huỷ bởi tự do hoá giá cả, và hiển nhiên là một nguồn đáng kể của áp lực chính trị phản đối tự do hoá giá cả.

Đồng thời lo về làm cho mọi thứ đúng có thể dẫn tới tê liệt: Không có cách tốt nhất độc nhất, không có cách đúng duy nhất. V. Klaus, trong bài nói ở Hội nghị Hàng năm của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế học Phát triển (ABCDE), cho một ẩn dụ- cải cách giống như chơi một ván cờ. Chẳng ai, ngay cả người giỏi nhất, lúc bắt đầu, có thể thấy mọi nước đi cho đến cuối. Người chơi khá hơn, tuy vậy, tính được nhiều nước hơn người chơi tồi. Tôi hi vọng, những nhận xét của tôi sẽ giúp những người chơi ván cờ cuộc đời thực về cải cách kinh tế sẽ chơi ván đó khá hơn một chút.

Điều này đưa tôi đến nhận xét kết luận cuối cùng: “Nước đi tiếp” trong cuộc chơi có thể bị bức chế ở mức cũng như vậy bởi sự bức bách chính trị- thí dụ, lo về quyền lực nhà nước yếu đi- như bởi phán xét kinh tế. Trong một nghĩa, hai thứ đan xen nhau: các nhà chức trách trung ương mất kiểm soát mạnh, kết hợp với triển vọng tư nhân hoá, tạo cho các nhà quản lí khuyến khích để vơ vét càng nhiều đặc lợi mà vị thế hiện thời tạo cho họ; và kết quả là tư nhân hoá chậm có thể là cực kì tốn kém. Như tôi đã gợi ý, trong nhiều trường hợp, chính cái giá của trì hoãn này, có lẽ nhiều hơn mọi thứ khác, là cái có thể- và phải- là mấu chốt để xác định tốc độ tư nhân hoá.


Những nhận xét kết thúc

Tôi bắt đầu chương với trình bày về định lí cơ bản của tư nhân hoá. Định lí đó chứng tỏ rằng cặp mục tiêu về hiệu quả kinh tế và chiếm toàn bộ đặc lợi (rent) có thể đạt được chỉ dưới điều kiện hết sức hạn chế. Nhận toàn bộ đặc lợi là quan trọng, tất nhiên, bởi vì tốn kém đối với chính phủ để tăng thu: Bất kể khoản cho không nào kéo theo chi phí xã hội thực, vì nó buộc chính phủ tăng thu bằng các phương tiện méo mó. Mỗi khi những người đấu giá tiềm năng cho một hãng không ưa rủi ro hoặc mỗi khi cạnh tranh là hạn chế (điều kiện chắc luôn thoả mãn), chính phủ, thông qua quá trình đấu giá được thiết kế tốt nhất, không thể nhận toàn bộ đặc lợi. [2]

Chính phủ có thể thậm chí không có khả năng đảm bảo rằng người thắng thầu là nhà sản xuất hiệu quả nhất. Với trách nhiệm pháp lí hạn chế và thực thi cam kết khiếm khuyết, nhà sản xuất bỏ thầu cao nhất, và hứa tuân thủ sát nhất các mục tiêu chính phủ, có thể không thực hiện cam kết cũng chẳng là người mà tài sản thật có giá trị nhất: Sẵn lòng bỏ thầu cao hơn có thể đơn giản phản ánh xác suất không thực hiện lời hứa cao hơn.

Tinh thần của định lí này (và thảo luận của chương này) có thể được tóm tắt: Nhìn chung, chúng ta không thể cam đoan rằng sản xuất tư là nhất thiết “tốt hơn” sản xuất công. Tư nhân hoá kéo theo các chi phí và lợi ích, những cái, như luôn vậy, phải được cân nhắc đối với nhau.

Tôi đã lập luận rằng sự khác biệt giữa sản xuất công và tư đã được phóng đại. Nhưng có các khác biệt quan trọng, nảy sinh từ các cam kếtkhuyến khích. Như Sappington và tôi kết thúc bài báo của chúng tôi,

… cả điều khoản tư lẫn công đều không giải quyết toàn bộ các vấn đề khuyến khích khó khăn nảy sinh khi những cân nhắc về thông tin không hoàn hảo tạo ra uỷ thác thẩm quyền. Sự lựa chọn giữa các mô hình tổ chức đơn thuần chỉ xác định các chi phí giao dịch của những can thiệp tương lai vào các mối quan hệ uỷ thác này, và vì vậy ảnh hưởng đến khả năng của những can thiệp như vậy. (tr. 581).

Chương này hoàn tất thảo luận về định lí Lange-Lerner-Taylor, khẳng định sự tương đương căn bản của các nền kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường. Nhận xét, một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể dùng sức mạnh của giá cả, đã là một hiểu biết sâu sắc, nhưng ở một nền kinh tế thị trường có nhiều hơn việc chỉ sử dụng giá. Luận điểm cơ bản của tôi là với chú ý đến giá, định lí Lange-Lerner-Taylor, cũng như mô hình Walras mà nó dựa vào, đã đặc trưng hoá rất sai nền kinh tế thị trường. Cả mô hình kinh tế thị trường lẫn mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường đều không cho một mô tả tốt của các nền kinh tế mà chúng phải mô tả.

Các mẩu phê phán của tôi, tất nhiên, đã được nhắc tới ở trước. Phê phán chủ nghĩa xã hội thị trường đã bình luận về thiếu khuyến khích quản lí, hệt như phê phán các thị trường đã bình luận về cạnh tranh không hoàn hảo. Tôi đã thử cung cấp một đánh giá cân đối, chứng tỏ rằng nhiều vấn đề cơ bản với cả hai mô hình có thể truy nguyên về việc chúng xử lí các vấn đề thông tin không thoả đáng. Trong chương này và năm chương trước tôi đã bàn đến sáu thất bại chính của cả hai tập mô hình và đã gợi ý về các lí thuyết mới được phát triển gần đây- tạo ra sự đoạn tuyệt chính khỏi truyền thống Walras- đã đề cập đến các vấn đề này thế nào.

Mọi xã hội đối mặt với các vấn đề khuyến khích, mà không được các hệ thống chuẩn về giá và quyền sở hữu đề cập đầy đủ. Có các vấn đề khuyến khích quản lí cả ở các nền kinh tế thị trường lẫn các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cả trong các nền kinh tế thị trường lẫn chủ nghĩa xã hội thị trường, sử dụng hệ thống giá cho phân bổ đầu tư là hạn chế. Ở các nền kinh tế thị trường điều này do các thị trường future và rủi ro cần thiết, nhìn chung, không tồn tại. Ở cả hai, khi đó, các hãng dùng nhiều thông tin hơn so với chỉ thông tin giá (và hiểu biết về công nghệ của riêng mình) để ra quyết định. Mọi xã hội đều áp dụng một mức độ tập trung hoá nào đó, và không xã hội nào- ngay cả giữa các nền kinh tế hướng thị trường nhất- có phi tập trung hoá hoàn toàn: Có các hãng ở đó các giao dịch không qua giá cả. Không có xã hội nào mà quyền sở hữu được phân rõ hoàn toàn, và ngay cả khi chúng dường như được phân rõ, các quyền thực sự có thể khác quyền hợp pháp. Những người đứng đầu các công ti lớn ở Mĩ có thể được hình dung thực thi quyền sở hữu (được định nghĩa không chính xác) không kém các nhà quản lí của các doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Thị trường có một số công cụ - như các cơ chế thôn tính- mà nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không có, nhưng cơ chế thôn tính còn xa mới hoàn hảo. Một số định chế, như ngân hàng, mà cả hai đều có, hoạt động (sẽ đề cập ở chương 12) khác rõ rệt dưới chủ nghĩa xã hội. Luận điểm của tôi, tuy vậy, là sự khác biệt căn bản giữa thị trường và chủ nghĩa xã hội thị trường không chỉ ở các định chế này mà ở hàng loạt các cơ chế theo đó nền kinh tế thị trường xử lí các vấn đề thông tin. Tuy, như đã thấy ở chương 3 và 4, thị trường không giải quyết các vấn đề này một cách hoàn hảo- nền kinh tế thị trường nói chung không có hiệu quả Pareto ràng buộc- các thị trường làm việc tốt hơn các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường. Thí dụ, các thị trường tạo khuyến khích cho các hãng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, qua cơ chế danh tiếng. Nhưng không ở đâu các khác biệt giữa hai hệ thống nổi bật hơn như trong thu lượm thông tin/tri thức loại đặc biệt gắn với đổi mới. Lại lần nữa, tôi lưu ý sự thất bại của các lí thuyết chuẩn mô tả thị trường và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường ngay cả đề cập đến các vấn đề này, và thực vậy tôi lập luận rằng khung khổ nhận thức của mô hình Arrow-Debreu không thể sẵn sàng chấp nhận để thích hợp với nó. Vấn đề kinh tế cơ bản là các thị trường trong đó đổi mới là quan trọng sẽ là cạnh tranh không hoàn hảo một cách cố hữu. Chính bản thân lực đổi mới là cái hạn chế mức độ cạnh tranh.

Những người chủ trương chủ nghĩa xã hội thị trường trên cơ sở thị trường là cạnh tranh không hoàn hảo đã không thẩm tra đủ sâu vì sao lại thế. Chắc hẳn, khi những thảo luận trước đây xảy ra, một trong những lí do cho cạnh tranh không hoàn hảo ở nhiều ngành đã là sự hiện hữu của lợi tức đáng kể theo qui mô (so với độ lớn của thị trường lúc đó). Nhưng chính đổi mới đã là cái tạo cơ sở cho cách mạng công nghiệp, và chính đổi mới- trong thực tiễn tổ chức và công nghệ- là cái đã dẫn đến tiến triển của các hãng lớn. Căn cứ vào truyền thống Marxist của chủ nghĩa xã hội thị trường, việc các nhà lí thuyết xã hội chủ nghĩa không chú ý đúng mức đến công nghệ- và thay đổi công nghệ- là đặc biệt khó hiểu.

Chương tiếp dùng khung khổ lí thuyết được phát triển tới đây để mang lại sự hiểu biết sâu thêm về cái sai của thử nghiệm xã hội chủ nghĩa.


11. Thử nghiệm Xã hội chủ nghĩa: Đã sai cái gì?

Hầu hết cuốn sách này là về các lí thuyết kinh tế: về những thất bại của mô hình tân cổ điển, và về các thất bại của mô hình đó liên hệ mật thiết ra sao với thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường. Mô hình tân cổ điển đã có nhiều thành tố đúng: các khuyến khích, cạnh tranh, phi tập trung hoá, giá cả. Thế nhưng ý nghĩa riêng mà nó cho các khái niệm này may nhất là chưa đầy đủ, tồi nhất là làm lạc lối. Các nền kinh tế thị trường được đặc trưng bởi cạnh tranh, nhưng không phải là ứng xử chấp nhận giá gắn với mô hình cạnh tranh hoàn hảo. Các nền kinh tế thị trường được phi tập trung hoá một phần, nhưng có nhiều với phi tập trung hoá ra quyết định hơn là phản ứng thụ động với các tín hiệu giá. Thực vậy hỗn hợp thích đáng của tập trung hoá và phi tập trung hoá việc ra quyết định là một trong các vấn đề mấu chốt đối mặt với các nền kinh tế thị trường. Giá cả là trung tâm cho vận hành của các nền kinh tế thị trường, nhưng giá cả làm nhiều hơn chỉ cân bằng cung và cầu, truyền đạt thông tin về giá trị khan hiếm. Giá có ảnh đến chất lượng của mặt hàng được mua bán. Ngoài ra, nhiều hoạt động kinh tế được điều tiết bởi các cơ chế khác cơ chế giá. Các khuyến khích là quan trọng, song, lại một lần nữa, mô hình Arrow-Debreu trong đó mỗi người được trả tiền trên cơ sở hoặc của đầu ra hoặc đầu vào, cho một mô tả đặc trưng không chính xác về vai trò của khuyến khích trong các nền kinh tế hiện đại. Cuối cùng, chúng ta đã thấy rằng giả định của Coase, rằng tất cả cái cần để đảm bảo hiệu quả kinh tế là làm cho quyền sở hữu được xác định rõ ràng, đơn giản là không đúng.

Chủ nghĩa xã hội thị trường tiếp nhận mô hình tân cổ điển một cách nghiêm túc, và đó là sai lầm chết người của nó. Nhưng các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chẳng bao giờ thực sự tiếp nhận lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần hỏi, diễn giải của chúng ta về cái gì làm cho các nền kinh tế thị trường hoạt động có thể nói gì về thất bại của thử nghiệm xã hội chủ nghĩa?

Nhiều kết quả của nghiên cứu trước đây của tôi có thể gợi ý rằng chủ nghĩa xã hội, hoặc ít nhất một hệ thống kinh tế trong đó nhà nước có vai trò tích cực hơn, đã có thể có một cơ hội làm ăn tốt hơn nền kinh tế thị trường. Tôi đã chứng tỏ, thí dụ, ở chương 3 rằng nền kinh tế về cơ bản chẳng bao giờ có hiệu quả Pareto ràng buộc. Thông tin không hoàn hảo và các thị trường không đầy đủ gây ra các tác động giống ngoại sinh mà các hãng không thể dễ dàng nội bộ hoá. Cần đến dạng can thiệp nào đó của chính phủ. Tại tâm điểm của thất bại kinh tế là một loạt các vấn đề thông tin, được diễn dải rộng, bao gồm cả các vấn đề khuyến khích. Tiếp theo tôi phân tích ngắn gọn những cái quan trọng nhất của các vấn đề này.


Tập trung hoá quá đáng

Có lẽ lí do quan trọng nhất của thất bại, chính là lí do mà Hayek lập luận rằng kế hoạch hoá tập trung sẽ thất bại: Các nhà chức trách trung ương đơn giản không có thông tin cần thiết để vận hành toàn bộ nền kinh tế. Thế mà, có lẽ vì các lí do chính trị, chính phủ nhất quyết để việc ra quyết định được tập trung.

Chúng ta phải đi xa hơn và thẩm tra loại thông tin nào đã thiếu. Kế hoạch hoá tập trung chú tâm vào đảm bảo rằng các phương trình cân bằng quan trọng được thoả mãn, rằng đầu ra của các hàng hoá trung gian được điều phối một cách thích hợp với sản xuất các mặt hàng sử dụng các bán sản phẩm đó. Loại kế hoạch hoá này đòi hỏi thông tin về các nhu cầu đầu vào trên đơn vị đầu ra - matrix Leontief. Tôi nghi, không phải thất bại của việc thực hiện kế hoạch này là tâm điểm của thất bại của thử nghiệm xã hội chủ nghĩa. Chắc hẳn, thông tin cần để thực hiện các kế hoạch này thường không chính xác, và do đó đã thiếu hụt một số đầu vào. Trong nền kinh tế mở hơn của các năm 1980, tuy vậy, các sai sót này chẳng mấy quan trọng: Thiếu hụt đầu vào có thể dễ dàng bù bằng nhập khẩu, và dư thừa đã có thể bán ra nước ngoài (giả như các thị trường buôn bán quốc tế thật sự cạnh tranh). Thất bại mang bản chất kinh tế vi mô nhiều hơn.


Chất lượng sản phẩm

Các vấn đề chất lượng sản phẩm cho một lớp các thí dụ quan trọng. Khó cho các nhà chức trách trung ương đi định rõ, trong sử dụng kế hoạch hoá tập trung của họ, chính xác bản chất của mọi mặt hàng, bao gồm cả chất lượng sản phẩm. Chúng ta đã thấy trước đây (chương 6) rằng số lượng vô hạn của các mặt hàng khả dĩ và việc không thể định rõ hầu hết các mặt hàng, cho một phần giải thích vì sao chỉ có một tập không đầy đủ của các thị trường- một trong các lí do mà mô hình tân cổ điển thất bại. Chính xác cũng các yếu tố đó giải thích vì sao chủ nghĩa xã hội thất bại.

Các nền kinh tế thị trường có thể được hình dung như có một cơ chế kiểm soát được điều chỉnh tinh tế hơn nhiều. Mỗi người mua giám sát chất lượng của mỗi người bán. Nếu chất lượng của người bán yếu đi, người mua chạy đến người bán khác, hoặc được giảm giá. Người bán biết điều này, và như thế có khuyến khích mạnh để tạo ra hàng hoá có chất lượng thoả đáng. Vấn đề không phải là (hoặc chỉ là) các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sản xuất các mặt hàng chất lượng thấp. Trong một số trường hợp có thể thích hợp để sản xuất các mặt hàng chất lượng thấp, khi các chi phí (biên) để tăng chất lượng vượt quá lợi ích (biên). Vấn đề là các hãng đã không có khuyến khích nào để tính toán lợi ích biên - chi phí biên thích đáng. Thay vào đó, vì họ sản xuất căn cứ vào chỉ tiêu, họ có khuyến khích để cho qua với chất lượng thấp nhất có thể chấp nhận được. Cơ cấu kinh tế như vậy có các khuyến khích mạnh cho làm tồi chất lượng đi.


Các khuyến khích

Cũng chiếm vị trí cao trong danh mục các giải thích cho thất bại của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là sự thất bại của chúng để tạo ra các khuyến khích. Có lẽ chính xác hơn để nói rằng chúng tạo các khuyến khích - vì trong hầu như bất kể xã hội nào loại ứng xử nào đó được thưởng và loại khác bị phạt, và như vậy có cơ cấu khuyến khích- nhưng các khuyến khích đã không phải là những loại hướng tới làm tăng hiệu quả kinh tế.

Tôi coi các vấn đề khuyến khích như một vấn đề thông tin. Nếu giả như các nhà chức trách tập trung có thông tin để biết chắc rằng mỗi cá nhân làm gì ở mỗi thời điểm, và để đánh giá mỗi cá nhân phải làm gì, thí dụ, nhằm tối đa hoá đầu ra, thì sẽ không có vấn đề khuyến khích. Cá nhân sẽ được chỉ dẫn làm điều đó, và anh ta hoặc là bị đày đi Siberi nếu không làm được (cái gậy), hoặc nhận được lương nếu làm được (củ cà rốt). Các vấn đề khuyến khích lí thú nảy sinh bởi vì (1) đầu vào (nỗ lực) không quan sát được, (2) đầu ra hoặc là không quan sát được hoặc không là dự đoán hoàn hảo của mức nỗ lực (đầu vào), và/hoặc (3) có thông tin không hoàn hảo về cái mà cá nhân phải làm, như vậy rất khó để đánh giá trực tiếp liệu anh ta đã làm "đúng" việc hay không.

Các nhà kinh tế học xã hội chủ nghĩa, giống các đồng nghiệp của họ trong giới hàn lâm Tây Phương, đã không nhận ra đẩy đủ tầm quan trọng của các vấn đề khuyến khích này. Nếu giả như không có các vấn đề thông tin, có thể kiểm soát trực tiếp ứng xử. Các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa - giống các nền kinh tế thị trường- đã thử cấu trúc nền sản xuất theo cách làm nhẹ bớt các vấn đề kiểm soát. Một trong các lợi thế của dây chuyền sản xuất là chúng tạo cách dễ dàng cho giám sát thành tích của công nhân: Dễ phát hiện khi nào một công nhân thụt lùi. Các nông trang tập thể có thể được biện minh bằng hệ tư tưởng cộng sản, nhưng các lợi thế do khả năng kiểm soát mức nỗ lực mà "nông trang công nghiệp" cung cấp chắc chắn đã không vượt quá sự hiểu biết của các nhà kế hoạch Soviet. Trong các ngành công nghiệp trong đó giám sát chặt chẽ có thể được thiết lập, và ở nơi có ít cơ hội cho thay đổi chất lượng, các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã đạt thành công nào đó. Tuy nhiên, trong nhiều ngành kinh tế hiện đại, trong ngành dịch vụ như lập trình máy tính, những kĩ thuật (giám sát) này chẳng có ích mấy.

Sự bình đẳng

Một khía cạnh thiết yếu của bất kể cơ cấu khuyến khích nào là lương phải phụ thuộc vào thành tích (bất kể được đo ra sao). Với lương thay đổi có dư cơ hội cho bất bình đẳng. Cam kết hệ tư tưởng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cho bình đẳng đã loại trừ việc thiết lập các cơ cấu khuyến khích hữu hiệu.

Các cơ chế kiểm soát chính trị

Trong khi cái được coi như các khuyến khích kinh tế qui ước như vậy là hạn chế, đã có các cơ chế kiểm soát khác. Hệ thống đảng cung cấp một cơ cấu thưởng, đồng thời, một cơ chế kiểm soát.

Trong các chương trước tôi đã lưu ý rằng trong nhiều công ti lớn, các khuyến khích kinh tế trực tiếp đóng một vai trò hạn chế. Các hãng cố làm cho người lao động "đồng nhất" với chúng. Cũng thế trong những ngày đầu của Cách mạng người lao động đồng nhất với nó, và các khuyến khích kinh tế đã ít quan trọng. Đồng thời, qui tắc lao động từ thời đầu cách mạng vẫn duy trì. Nhưng với thời gian trôi đi, sự nhiệt tình xã hội nhạt phai, và các qui tắc lao động được thiết lập những ngày đầu cách mạng càng ngày càng không thích hợp. Các hệ quả của thiếu các khuyến khích kinh tế trực tiếp trở nên rõ rệt hơn.

Các khuyến khích được hướng sai đi

Tôi đã nói trước đây rằng vấn đề không phải là không có các khuyến khích trong hệ thống xã hội chủ nghĩa- đã có- mà là nhiều khuyến khích được hướng sai đi. Điều này đã đúng cả ở mức cá nhân lẫn mức định chế.

Chúng ta đã gặp một số thí dụ này rồi. Hệ thống tạo khuyến khích để sản xuất sản phẩm chất lượng thấp ở mức có thể cho qua được. Bởi vì các hãng chẳng bao giờ chắc chắn về giao đầu vào đủ hay đúng thời hạn, và bởi vì chúng không đối mặt với sự thay đổi lãi suất, chúng có khuyến khích để tồn trữ tất cả đầu vào dư thừa.

Mặc dù đút lót là một tội, có đủ loại khuyến khích để các cá nhân ưu đãi lẫn nhau. Một nhà quản lí một hãng thiếu đầu vào nào đó, nhưng kiểm soát được đầu ra khan hiếm của nó, có khuyến khích để ưu đãi đầu ra của nó cho nhà quản lí của một hãng có thể cung cấp cho nó thêm đầu vào.

Hệ thống chính trị, trong khi hoạt động như cái thay thế một phần cho các khuyến khích kinh tế, đồng thời góp phần vào vấn đề khuyến khích bị hướng lệch đi: Việc cất nhắc ít liên quan đến thành tích kinh tế bằng các tiêu chuẩn chính trị, và điều này có các hệ quả tự nhiên lên khuyến khích và ứng xử.


Các vấn đề chọn lọc

Các nhà kinh tế học xã hội chủ nghĩa- giống như nhiều kinh tế gia ở Phương Tây trong thời kì đó - đã dùng cái tôi gọi là cách tiếp cận kĩ thuật cho kinh tế học. Như Paul Samuelson đã thử gợi ý trong cuốn sách Foundations of Economic Analysis của mình, kinh tế học chỉ là vấn đề tối đa hoá có ràng buộc. Chúng ta đã thấy điều này được phản ánh ra sao trong quan điểm liên quan đến ra quyết định: Tất cả cái mà nhà quản lí phải làm là tìm trong sách về kế hoạch đúng trang tương ứng với các giá yếu tố quan sát được.

Căn cứ vào việc ra quyết định hạn chế đến thế, chất lượng của quyết định chẳng mấy thích đáng. Vì thế vấn đề ai phải là người ra quyết định, và quan trọng hơn, ra quyết định thế nào về việc ai phải là nhà ra quyết định, đã không nổi bật lên. Thật vậy, trong sách giáo khoa kinh điển của Samuelson, vấn đề ai ra quyết định hoặc các quyết định phải được đưa ra thế nào thậm chí đã không nằm trong danh sách chuẩn của các vấn đề cơ bản của kinh tế học. Mặc dù những người ra quyết định ở các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã chú ý hơn đến các vấn đề này, họ đã chẳng có thông tin lẫn khuyến khích để ra những quyết định tốt.

Thông tin về công nghệ - bản chất của matrix đầu vào/đầu ra- có thể, như tôi đã gợi ý, nhận được một cách dễ dàng bởi các nhà chức trách tập trung. Nhưng thông tin về các cá nhân thì không thể. Không có một con số duy nhất mô tả một cá nhân sẽ thực hiện một việc cụ thể tốt ra sao, mà những người trong các đơn vị sản xuất có thể truyền đạt lên cho các nhà chức trách trung ương, và trên cơ sở đó họ có thể đưa ra một quyết định có cơ sở. Có một vector phức hợp về các đặc tính những cái xác định liệu một cá nhân có thành công trong một công việc cụ thể hay không; các đặc trưng có thể thực ra phụ thuộc vào vector phức hợp của các đặc tính của các cá nhân khác mà cá nhân đó tương tác với. Đó là lí do vì sao ngay trong các tổ chức có mức độ tập trung hoá khá cao, các quyết định cá nhân thường được đưa ra theo cách khá phi tập trung.


Hệ thống kế toán và giá

Trong các chương trước tôi đã lưu ý đi lưu ý lại rằng nền kinh tế thị trường có một tập không đầy đủ của giá cả và rằng giá không hoạt động theo cách thần diệu như đôi khi lí thuyết tân cổ điển đã gợi ý. Nhưng dù cho hệ thống giá có thể không hoàn hảo, nó thực hiện hàng loạt vai trò quan trọng. Trong các vai trò này có cơ sở cho một hệ thống kế toán. Nếu chúng ta nghĩ về nền kinh tế như một cuộc thi đấu, giá cả và lợi nhuận tạo cơ sở cho việc nói ai thắng trong cuộc chơi. Giá cả như thế tạo cơ sở cho một cơ cấu khuyến khích và một cơ chế chọn lọc.

Trong các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa giá cả được định theo cách khá tuỳ tiện, kết quả là các số liệu lợi nhuận về cơ bản không có ý nghĩa. Hệ tư tưởng cấm đoán sử dụng lãi suất (dù những cái thay thế, sử dụng thuật ngữ khác, có được dùng). Nếu giả như đây là vấn đề duy nhất, thì có thể có một hệ thống kế toán tồi, nhưng vẫn có thể được dùng để biết chắc ai làm tốt theo một hệ thống tính điểm riêng biệt.

Tất nhiên, vấn đề căn bản hơn là chính phủ cố kiểm soát trực tiếp ứng xử doanh nghiệp: Nó qui định các đầu vào và đầu ra. Hệ thống kế toán là đơn giản: Có hoàn thành chỉ tiêu không? Các hãng có khuyến khích để không vượt chỉ tiêu (một thí dụ khác về các sơ đồ khuyến khích lệch lạc), [3] bởi vì chỉ tiêu có thể được tăng lên nếu các hãng vượt chỉ tiêu của mình.

Chúng ta đã thấy những cách khác mà hệ thống kế toán làm trệch các khuyến khích, như khuyến khích để giữ tồn trữ dư, vì không có chi phí vốn cho tồn kho. Các vật tư tồn trữ giúp hoàn thành chỉ tiêu trong các giai đoạn tiếp khi các hãng không thể chắc về cung của các đầu vào cần thiết.

Hiện nay được công nhận rộng rãi rằng các hệ thống kế toán (bao gồm hệ thống giá) là phần thiết yếu của cơ chế kiểm soát của nền kinh tế thị trường. Càng ngày càng được công nhận rằng bản thân các khoản tồn kho là một phần của cơ chế kiểm soát cũng như là chỉ số thất bại của cơ chế kiểm soát của nền kinh tế. Điều này được thấy rõ nhất trong hệ thống kho hàng just-in-time (kịp thời) được Toyota và các hãng Nhật khác tiên phong phát triển. Các nhà sản xuất giữ kho hàng chỉ cho hai giờ. Các nhà cung cấp không phản ứng nhanh với đơn hàng sẽ cản trở hãng duy trì sản xuất. Với sản xuất just-in-time, bất kể sự yếu kém nào trong hệ thống sản xuất của các nhà cung cấp hoặc hệ thống truyền thông giữa hãng và các nhà cung cấp của mình được phát hiện và chỉnh sửa nhanh chóng.

Các khoản tồn kho khổng lồ trong hệ thống Soviet đã là cần thiết bởi vì thiếu truyền thông và các vấn đề phổ biến trong hệ thống sản xuất; chúng ngăn cản các vấn đề lan xuống những nấc trong chuỗi cung cấp. Nhưng đồng thời, chúng để cho các vấn đề được che giấu, hoặc ít nhất không được sửa chữa nhanh chóng. Trong nền kinh tế thị trường truyền thống mức tồn kho vừa phải tạo ra một cái đệm- làm nhẹ bớt tác động của trục trặc sản xuất trong khi làm yếu các tín hiệu liên quan đến những vấn đề sản xuất. Đồng thời lượng tồn trữ đóng một vai trò báo hiệu quan trọng. Chính sự thay đổi mức tồn kho, bằng hoặc có lẽ hơn những thay đổi về giá cả, là cái cung cấp những tín hiệu cho các hãng để hoặc tăng hoặc giảm sản xuất.


Thiếu cạnh tranh

Không có cạnh tranh- độc quyền nhà nước không chỉ trong các vấn đề chính trị mà cả trong kinh tế- đã có những tác động làm suy nhược lên khả năng của nền kinh tế để thực hiện các chức năng thiết yếu nhằm tạo ra những khuyến khích và chọn lọc thích hợp. Như tôi đã nhấn mạnh ở chương 7, cái quan trọng không phải là cạnh tranh hoàn hảo của mô hình tân cổ điển, mà là cạnh tranh thực mà tôi đã cố gắng mô tả ở đó. Như thế tôi đã lí lẽ ở đó rằng thông tin do xem xét thành tích tương đối của hai hay nhiều hãng tiến hành các hoạt động kinh tế tương tự là then chốt cả cho thiết kế các khuyến khích lẫn cho lựa chọn. Trong những ngày đầu của Cách mạng, thông tin về công việc hợp lí hoặc về chuẩn mực thành tích có lẽ được lấy từ những ngày tiền cách mạng hoặc từ so sánh với thành tích ở các nước khác. Nhưng với thời gian, và con đường Liên Xô đã đi ngày càng xa con đường của phần thế giới còn lại, những kinh nghiệm này ngày càng trở nên không thích hợp, và Liên Xô bị bỏ rơi không có các điểm qui chiếu. Họ đã biết, thí dụ, khu vực nông nghiệp của họ lạc hậu xa so với các nước tiên tiến. Nhưng liệu điều đó được qui cho là do sự lười biếng của công nhân, do sự khác biệt về khí hậu, hay do thiếu đầu tư?


Đổi mới và khả năng Thích nghi

Có lẽ đặc trưng quan trọng nhất của một nền kinh tế là khả năng thích nghi của nó với các hoàn cảnh thay đổi. Một nền kinh tế có thể hoạt động tốt dưới một tập của các điều kiện nhưng, khi hoàn cảnh thay đổi, có thể thiếu khả năng thích nghi, và như thế thất bại dưới các hoàn cảnh mới. Một số thay đổi về hoàn cảnh mang tính nội sinh, một kết quả của cái xảy ra trong bản thân nội bộ hệ thống, và một số mang tính ngoại sinh, một kết quả của sự thay đổi môi trường thế giới.

Trong phân tích thất bại của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chúng ta không được quên những thành tựu xuất sắc của Liên Xô. Đối mặt với một thế gới thù địch, và một cuộc Chiến Tranh Thế giới tàn khốc, khởi đầu từ một cơ sở công nghiệp yếu kém, một nền kinh tế bị Chiến tranh Thế giới thứ Nhất tàn phá, và một cuộc chính biến có tầm vóc khổng lồ, sự tăng trưởng của Liên Xô giữa 1917 và 1960 phải được cho điểm khá cao (đặc biệt nếu ta không bớt đi cái giá khổng lồ mà các công dân của họ phải chịu). Tiết kiệm được huy động, và quá trình công nghiệp hoá đã tiến nhanh. Không giống những kinh nghiệm trước đây về phát triển, sự tăng trưởng nhanh này đã đạt được với sự giảm, chứ không phải tăng, của bất bình đẳng.

Công nghiệp nặng có lẽ đặc biệt thích hợp với cơ chế kiểm soát được hệ thống xã hội chủ nghĩa sử dụng. Phạm vi cho tuỳ ý cá nhân hạn chế, và do đó phạm vi cho ra quyết định cũng vậy. Công nghệ (ít nhất từ viễn cảnh hiện thời) đã là tương đối đơn giản, và tri thức công nghệ cần thiết đã có thể kiếm được dễ dàng từ nước ngoài hoặc được phát triển ở trong nước (sử dụng thông tin công khai sẵn có). Với công nghiệp nặng đã chỉ cần ít nhà máy.

Nhưng năm mươi năm qua đã chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu công nghiệp, sự tăng lên của các khu vực dịch vụ và công nghệ cao và sụt giảm của công nghiệp nặng. Bản thân công nghiệp nặng đã trở nên có hàm lượng công nghệ hơn. Các loại thép đặc biệt, thí dụ, đã có tầm quan trọng hơn. Các khu vực này đặc biệt không phù hợp với các cơ chế kiểm soát của chủ nghĩa xã hội.

Như thế không chỉ là hệ thống đã không có khả năng để đổi mới - một sự thất bại một phần có thể hiểu được bằng các lí thuyết được trình bày ở chơng 8, bao gồm thiếu khuyến khích, thiếu cạnh tranh, và thiếu truyền thông giữa những người có thể tiến hành đổi mới và những người có thể sử dụng nó. Mà cũng quan trọng như thế, là hệ thống đã không thích nghi với những đổi mới xảy ra ở nơi khác trên thế giới. Tất nhiên không rõ rằng nó có thể thích nghi không. Trong diễn tiến của nền kinh tế thế giới, có thể có các khoảng thời gian ngắn, giai đoạn công nghiệp nặng gắn với sắt thép, ôtô, than, v.v., trong đó biến thể nào đó của chủ nghĩa xã hội có thể có khả năng hoạt động.

Khi ấy đây có thể là sự mỉa mai tột cùng: Marx đã có thể đúng trong lí thuyết của ông về thuyết tiền định kinh tế, trong cái nhìn của ông rằng công nghệ xác định bản chất của xã hội, các hệ thống kinh tế và xã hội những cái có thể thịnh hành. Chỗ ông đã sai là ở khả năng của ông để tiên đoán công nghệ sẽ tiến hoá ra sao. Nhưng làm sao ông có thể! Chẳng ai, thậm chí một trăm năm trước, có thể tiên đoán những quanh co khúc khuỷu mà công nghệ hiện đại đã trải qua, từ chế tác được điều khiển bằng máy tính đến kĩ nghệ gen. Chính những thay đổi này, cuối cùng, là cái đã phán xử chủ nghĩa xã hội.

© 2005 talawas


[1]Chẳng bao giờ có một cân bằng bỏ phiếu đa số trong bối cảnh tái phân phối thuần tuý.
[2]Danh sách những hạn chế không có nghĩa là đầy đủ. Sappington and Stiglitz (1987b) thảo luận một loại quan trọng thứ ba của các vấn đề, khi chính phủ có nhiều thông tin liên quan đến giá trị của tài sản mang bán hơn những người thầu.
[3]Hiện tượng này được biết đến như hiệu ứng bánh xe cóc (ratchet-effect). Nó được thảo luận trong Stiglitz (1975b) và trong Weitzman (1974). [Xem cả Kornai (2002) tr. 124].