trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
16.3.2005
Nguyá»…n Trung LÆ°Æ¡ng
Hư cấu và thực tại
(Vài chú thích về cuộc Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển ngày 25.11.2004 tại Hà Nội [1])
 
1.

Sự cáo chung của nhà nước xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và các nước Đông Âu đã để lộ ra nguyên hình thực chất của nó. Đấy là một nhà nước toàn trị thường tình đã từng xuất hiện trong lịch sử dưới nhiều dạng khác nhau [2] . Trên cơ bản nhà nước toàn trị tồn tại trên cơ sở độc quyền trong ba lãnh vực có tính chiến lược: chính trị, kinh tế và tư tưởng. Nhà nước quan liêu truyền thống Viêt Nam là một nhà nước toàn trị: chuyên chế, kinh tế dựa trên quan hệ sản xuất công điền công thổ, Nho giáo là ý thức hệ chủ đạo [3] . Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một chế độ toàn trị hiện đại: độc đảng, kinh tế dựa trên quan hệ sản xuất quốc hữu hóa và tập thể hóa, chủ nghĩa Mác-Lê là ý thức hệ chủ đạo; hiện đại vì biết tận dụng những cơ chế mới như đảng phái, tổ chức đại chúng như công đoàn, những phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh truyền hình vân vân... Gọi là toàn trị bởi vì nhà nước thâm nhập lũng đoạn mọi lãnh vực trong sinh hoạt xã hội, thậm chí trong sinh hoạt cá nhân. Nhà nước ngày càng trở nên một cơ chế độc lập thoát ly khỏi những chức năng khởi nguyên tích cực, biến thành một guồng máy tự bảo tồn: Áp chế để bảo vệ quyền lợi của mình là thuộc tính của nhà nước toàn trị.


2.

Theo quan điểm lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê thì giai đoạn xã hội chủ nghĩa là một hình thái kinh tế xã hội kết tinh mọi tính ưu việt vì đã khắc phục mọi vấn đề mà xã hội tư bản phải đương đầu. Tuy nhiên cho đến bây giờ một xã hội xã hội chủ nghĩa được khái niệm như thế không có một thực tại tương ứng - điều này chậm nhất đã trở nên hiển nhiên với sự đổ vỡ thảm hại của hệ thống xã hội chủ nghĩa -; xã hội xã hội chủ nghĩa là một khái niệm trống rỗng (vì không có trực quan), xét cho cùng nó chỉ là một hư cấu. Đồng hóa xã hội toàn trị với xã hội xã hội chủ nghĩa theo nghĩa vừa xác định - và đây là cách dùng thông dụng tại Việt Nam để xác định thực tại xã hội hiện nay tại Việt Nam - là một sự tráo lộn giữa hư cấu và thực tại, hoặc là với ý đồ xuyên tạc (để lừa dối người) hoặc là biểu hiện của một ảo tưởng (để tự lừa dối mình), nhưng cả hai đều không khác nhau trong thái độ ngoan cố từ chối nhận diện thực tại.


3.

Sự tráo lộn giữa hư cấu và thực tại là một chiến lược dùng để ngụy biện che lấp khoảng trống ngày càng lớn giữa lý tưởng và thực tại. Xã hội xã hội chủ nghĩa theo định nghĩa là hiện thân của chân mỹ thiện. Xã hội của mình đã là xã hội xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên trên cơ bản là hoàn thiện, nếu có vấn đề thì đó chỉ là hiện tượng riêng lẻ. Lý thuyết đúng, duy chỉ có thực tại sai lầm thôi (factum brutum)!


4.

Sự tráo lộn giữa hư cấu và thực tại tự nó lại là một thực tại, thực tại của một ảo tưởng, bởi vì nó chi phối trạng thái tinh thần hiện nay tại Việt Nam mà cuộc Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển (ngày 25.11.2004 tại Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Sự tráo lộn này đáng lẽ phải là đối tượng phản tư để áp cận thực tại thì nó lại vẫn là tiền đề không hề truy vấn cho mọi cuộc thảo luận về chính sách „đổi mới“. „Đổi mới“ chỉ là sự thích nghi với hoàn cảnh mới bên ngoài, không hề có tính chất tự kiểm thảo, tự quy khai sáng. Chẳng phải chủ nghĩa hiện thực trong văn học hình thành với lối áp cận thực tại qua sự phá tan ảo tưởng của xã hội trưởng giả (Balzac), chẳng phải Marx và Engels đã từng thán phục Ibsen bởi vì nhà đại văn hào Na Uy đã phát hiện ra được là cuộc sống trưởng giả êm thắm ngoài mặt phải trả bằng thói tự lừa dối trọn đời (tiếng Đức: Lebenslüge)?


5.

Nhà nước toàn trị xem tư tưởng là công cụ thống trị, là vũ khí bảo vệ sự thống trị. Tư tưởng củng cố chế độ thống trị là chánh thuyết, tư tưởng bất lợi là tà thuyết. Học thuật, văn nghệ vì thế - như trong lãnh vực chính trị và kinh tế - là đối tượng quản lý độc quyền của nhà nước. Quản lý là hành động thao tác theo quy tắc (Max Weber). Tư duy theo quy tắc là một sự tự mâu thuẫn (contradictio in adjecto). Mâu thuẫn này là nguyên nhân của sự khẩn trương thường trực giữa chính trị và nghệ thuật trong nhà nước toàn trị. Đương nhiên trong mọi thời đại, mọi xã hội (kể cả những nước mà quyền tự do ngôn luận được đảm bảo và thực hiện) lúc nào cũng không thiếu những uy thế chính trị sẵn sàng can thiệp vào nghệ thuật, nhưng sự lũng đoạn nghệ thuật qua nhà nước, tại Việt Nam hôm nay, qua Đảng Cộng sản cầm quyền, là một yếu tố cấu thành chế độ toàn trị.


6.

Trong khuôn khổ tư duy toàn trị tại Việt Nam, lý luận văn học giữ một địa vị cấp cao, được nâng lên cương vị quốc sách. Nhưng đây là một độ cao không có tầm vóc, bởi vì lý luận văn học phải trả một giá rất đắt cho độ cao ấy: Sự cấu kết bất thiêng giữa chính trị và nghệ thuật đã hủ hóa lý luận văn học, biến nó thành đường lối văn học, thành công cụ giám sát chánh tà trong văn học, một sự đồng lõa bi tráng nhưng kinh điển giữa nạn nhân và thủ phạm. Chủ nghĩa hiện thực là lý luận văn học đã biến thành „chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa“ là đường lối văn học độc tôn. Cũng vì thế mà sự sống còn của „chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa“ không liên quan gì đến văn học mà là phụ thuộc hoàn toàn vào uy lực chính trị. Uy lực chính trị mất thì „chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa“ không còn cơ sở để tồn tại; điều hiển nhiên này đã xảy ra tại các nước xã hội chủ nghĩa trước kia. Số phận của lý luận văn học tại Việt Nam sẽ ra sao? Để trả lời chắc chắn không cần tài tiên tri phi thường.


7.

Cuộc Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển là một biểu dương sức sống dai dẳng của lối tư duy toàn trị. Tác giả của các bài tham luận tuy khác nhau về quan điểm nhưng đều thống nhất trên cơ bản là vấn đề lý luận văn học là quốc sự, lý luận văn học là quốc sách. Cho rằng, thời thế đổi thay đòi hỏi phải có chánh thuyết mới hợp thời thì đấy không phải là biểu hiện của tính thức thời mà là của trạng thái tinh thần vẫn chưa thoát ra khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa toàn trị. Ngót nửa thế kỷ qua cả hai ba thế hệ trí thức Việt Nam đã lẩn quẩn đến kiệt sức trong quỹ đạo này. Cho rằng, xét lại lý luận văn học là quốc sự nên cần phải có đảng và nhà nước phê chuẩn là một sự tuyên cáo vỡ nợ tinh thần. Ngắn gọn: Bàn cãi tranh luận những vấn đề mà vào ngưỡng cửa thế kỳ thứ 21 chẳng còn ai buồn đặt ra nữa! Đây là một trạng thái mà Marx đã từng gọi là „không đáng được phê phán nữa“ (unter aller Kritik), „nằm dưới tầm lịch sử“ (unter dem Niveau der Geschichte) khi ông ngao ngán trước tình cảnh thụt lùi của nước Đức thời ông [4] .


8.

Một lý luận văn học có đứng vững hay không là do nó có tự khẳng định nổi trong thực tiễn học thuật hay không, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ do một yếu tố ngoại lai nào, càng không phải do uy quyền chuẩn định. Không có lý luận văn học nào là lý luận „đúng đắn“, „đúng hướng“, „tiến bộ“, „nhân bản“, „lành mạnh“, „dân tộc“ vân vân... Còn cho rằng lý luận văn học phải „khoa học“ (!) là một sự trùng ngôn, là cách lặp lại thừa (tautologie). Nhận thức hoàn toàn sơ đẳng này tối thiểu phải là khởi điểm cho các nhà lý luận văn học Việt Nam trước khi cất cánh bay cao lên chân trời mới để tìm đường trở về với nhiệm vụ khởi nguyên của mình mà từ lâu đã lãng quên, nhưng nó đòi hỏi - không hơn không kém - phải đoạn tuyệt với mối cấu kết bất thiêng với chính trị. Chỉ có thoát ly khỏi uy thế chính trị, giành lại quyền tự trị, chỉ có khí phách khai sáng mới tạo cho mình một chỗ đứng có khoảng cách và độ cao cần thiết để trao đổi, đối thoại, mới góp phần tích cực, chủ động nâng bộ môn lý luận văn học Việt Nam lên tầm vóc học thuật.

Tháng ba 2005

© 2005 talawas



[1]Xem: Nguyễn Khoa Điềm, eVăn 02.12.2004; Phạm Vĩnh Cư, talawas 24.02.2005; Trần Thanh Đạmtalawas 25.02.2005; Hoằng Danh, talawas 04.03.2005; Hồng Vinh, talawas 05.03.2005.
[2]Karl A. Wittfogel, Oriental Despotism: A Comparative Study of Total Power, New Haven 1957. Trong tác phẩm này tác giả đã phát hiện lại phạm trù lịch sử “phương thức sản xuất Châu Á” (asiatische Produktionsweise) mà Marx (và Engels) đã khai triển để phân tích lịch sử phát triển kinh tế xã hội tại Á Châu, đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Hoa. Theo Wittfogel thì trong quá trình giáo điều hóa tư tưởng Marx thành tư tưởng hệ Mác-Lê, “phương thức sản xuất Châu Á” đã bị loại ra vì những yếu tố cấu thành phương thức này cũng chính là những yếu tố cấu thành “phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa”, cụ thể là những yếu tố cấu thành chế độ toàn trị. Tài liệu về “phương thức sản xuất Châu Á”, xem: Karl Marx, Grundrisse der Kritik der politischen Öknomie (Phác thảo phê phán kinh tế học chính trị), Dietz Verlag, Berlin 1953, tr. 375-413; E. J. Hobsbawm, Introduction (Dẫn luận), trong: Karl Marx, Pre-Capitalist Economic Formations (Những hình thái kinh tế tiền tư bản), Lawrence & Wishart, London 1964, tr. 9-65; Centre d’ tudes et de Recherches Marxistes (Biên soạn), Sur le “mode de production asiatique” (Về “phương thức sản xuất Châu Á”), Editions Sociales, Paris 1969.
[3]Nhà nước truyền thống Việt Nam lâu nay được xem là nhà nước “phong kiến tập trung” hay “phong kiến quan liêu”. Cả hai đều không hợp với thực tại lịch sử Việt Nam nếu khái niệm phong kiến vay mượn từ sử ký Âu Châu. Trong thực tế toàn bộ phạm trù lịch sử (kể cả phạm trù phong kiến) trong sử quan Mác-Lê rút ra từ lịch sử một vài nước Âu Châu vì thế thiếu tính chất phổ niệm. Dùng những phạm trù ấy để quy nạp lịch sử Việt Nam là một sự ngộ nhận, thực chất dựa trên cơ sở định kiến “dĩ Âu vi trung” (Âu Châu là trung tâm điểm của nhân loại) mà nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã không ngớt chỉ trích (xem Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2003). Khắc phục những định kiến “dĩ Âu vi trung” trong sử học là xét lại lối tiếp thu phạm trù máy móc công thức (xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến Việt Nam...), nhưng điều này trong chế độ toàn trị không thuộc vào thẩm quyền của học thuật. Không phải là sự tình cờ mà nhà sử học Đào Duy Anh chỉ đụng chạm đến vấn đề này trong hồi ký của ông (xem Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, hồi ký, Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh 2003, tr. 132-171). Duy chỉ có Phan Khôi sáng trí đã nêu vấn đề này ra ngay trong những ngày đầu khi khái niệm “phong kiến” du nhập vào Việt Nam (Phan Khôi, Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến, trong: Phụ nữ tân văn, ngày 29.11.1934).
[4]Karl Marx, Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie. Einleitung (Góp phần phê phán triết học pháp lý của Hegel. Lời dẫn), trong: Marx Engels Werke 1 (Tác phẩm Marx Engels, tập 1), Dietz Verlag, Berlin 1972, tr. 380.