trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
24.3.2005
Phạm Toàn
Con thò lò và cái cây
 

Tôi không phải là nhà lý luận. Tôi viết văn theo cảm hứng. Có khi nhờ nỗi buồn mà có cảm hứng. Ðầu xuân này, bóng dáng người lầm lụi bé bỏng của tôi đi vắng. Tôi nhớ em, và tôi đành lòng đi Hội Xuân. Hơi thở mùa xuân đập ngay vào tai vào mắt tôi là những chiếu bạc. Có cả đánh thò lò. Vì thế mà tôi ngẫu hứng viết bài này có vẻ mang tính chất lý luận về đổi mới trong lý luận và phê bình văn chương nghệ thuật.


*


Con người ai ai cũng thích sự đổi mới, nhưng không chắc bất kỳ người nào cũng hiểu khái niệm đổi mới. Người dân thường chỉ cần hưởng thụ tác động bấm nút của đổi mới, nhưng nếu hiểu không đúng về đổi mới các bậc trí giả có thể cướp đi miếng cơm manh áo của người dân thường.

Tội nghiệp nhất là những người chỉ thích nghiên cứu lý thuyết đổi mới theo bậc thấp nhất của dạng từ điển. Ðổi mới là gì nhỉ? Là cái glasnost hoặc cái perestrojka ấy mà! Và họ dừng lại ở đó. Hoặc uyên bác hơn vì dùng tiếng Hán Nôm vốn khó học, thì đó là cái Tam đại biểu ấy mà! Rồi cũng dừng lại ở đấy! Cùng chủng loại với những cách tư duy nói trên là những người chỉ biết gào đổi mới, chả cần biết người Nga người Hoa nói gì, làm gì và làm như thế nào; dẫu sao loại này cũng chân thành, không đem “trí tuệ” lý luận ra doạ thiên hạ.

Xin đưa ra đây một định nghĩa mở đầu. Và để cho dễ hiểu, xin đưa ra định nghĩa kiểu so sánh theo cặp: thay đổi khác gì với đổi mới.

Có thể lấy con thò lò làm mẫu cho sự thay đổi. Ðặc điểm của phương thức thay đổi kiểu thò lò là tính chất không có quy luật. Mỗi lần đổ, con thò lò đều xuất hiện theo một kiểu khác đi, khó mà đoán được nó lộ mặt nào. Lần trước mình đặt con Nhất nó lại xì ra cái mặt con Tam, lần sau nghĩ rằng nó đổ Tam mình đặt mặt Tam nó kềnh ra mặt con Ngũ. Cũng có khi ba bốn kỳ liền nó chưng ra ổn định một mặt, ngỡ ổn định thật, khi mình tin tưởng đặt vào thì nó lại xoay ra con khác, tạo ra hiện tượng trong chiếu bạc gọi là khát nước. Tính chất may rủi đó cũng có khi đem lại sự phấp phỏng sung sướng cho một số ít người. Chỉ số ít thôi, vì số đông bao giờ cũng thua, lao vào thì chỉ thành bác thằng bần hoặc ra đê mà ở.

Tại sao lại dám nói lấy thò lò làm “mẫu” cho lối thay đổi không quy luật? Vì từ cái mẫu đó có thể nhận diện các dạng vô quy luật tương tự. Trông trời trông đất trông mây... biết đến hôm nào thì có kết quả bằng cái đập giữ nước chống hạn? Cá không ăn muối cá ươn... ăn bao nhiêu muối thì bằng sản phẩm đều đều của những xí nghiệp tên có đuôi fish hoạt động theo quy luật thị trường?

Vậy, khái niệm đổi mới khác với sự thay đổi trên ở chỗ nào?

Ðổi mới, đó là thay đổi mang tính chất phát triển. Và cần nhấn mạnh thêm, đó là sự phát triển một cách tự nhiên. Nhắc lại thí dụ của một nhà triết học lớn, sự phát triển tự nhiên đó hệt như hạt giống đổi mới thành cái mầm, cái mầm đổi mới gửi thân trong cái chồi, chồi đổi mới thành cành, rồi đến lượt thành nụ, rồi đến lượt thành hoa, rồi đến lượt thành quả. Phát triển tự nhiên thì lớn lên mà không đau khổ. Vì không bao giờ nụ đốt cháy giai đoạn hoa để biến mình thành quả. Ngược lại với phát triển tự nhiên là sự duy ý chí tạo ra những quả chín ép.

Ðiều quan trọng với nhà lý luận là nhìn thấy từ trong sự phát triển tự nhiên một chuỗi quy luật nhất định. Trong chuỗi đó, có luật này: để thực sự đổi mới, thành tựu sau nhất thiết phải cao hơn thành tựu nằm ở khúc phát triển trước nó. Ði bằng hai chân mang tính phát triển hơn hẳn cách đi bằng bốn chân, và thừa kế tự nhiên cái quy luật đi bằng cơ bắp. Sau đó, cưỡi ngựa hoặc đi xe đạp vẫn chỉ là thay đổi chứ không phải là đổi mới. Vì sao? Vì cưỡi ngựa thì vẫn dùng quy luật cơ bắp của người nối dài sang cơ bắp con ngựa và đi xe đạp thì vẫn dùng quy luật cơ bắp của mình mà đạp, có khi còn thua cái nhong nhong vì mỏi hoặc quên không đạp thì kềnh liền. Nhưng sẽ khác hẳn khi đi bằng xe máy Honda hoặc đi ô-tô vì đó là đổi mới, vì bây giờ không là quy luật đi bằng chân, mà lại đi bằng “tay”, chính xác hơn đó là đi bằng đầu. Một cái ô-tô-đầu có thể chở dăm bảy chục người khác cùng đi, và đi nhanh hơn nhiều so với giai đoạn phát triển trước. Sẽ phát triển cao hơn nữa – đổi mới hơn nữa – nếu dùng một “con xe” nào mà không cần đến con đường, đó là cái máy bay hoặc con tầu vũ trụ chẳng hạn. Ðó là cái mẫu đích thực và dễ hiểu nhất của khái niệm đổi mới.

Năm 1920 thế kỷ trước, Henry Ford được giải thưởng chế tạo loại ô-tô mang tên ông. Giải thưởng nhỏ, nhưng ông nhận và đã phát biểu đại ý như sau từ nay tôi đã có thể làm ra xe rẻ và nhiều và bền cho người dân nước tôi đi. Hiểu theo ý nghĩa khái niệm đổi mới, ông Henry Ford của nước Mỹ đích thực là nhà đổi mới, và còn là nhà cách mạng nữa, vì ông đã giúp cho con người từ cách đi bằng quy luật cơ bắp chuyển sang cách đi bằng đầu.


*


Còn trong đổi mới lý luận văn chương-nghệ thuật, điều chúng ta đang quan tâm, thì sao nhỉ?

Trước hết nên gạt chuyện quả trứng-con gà trong câu hỏi sáng tác có trước hay lý luận phê bình có trước? Dễ nhìn thấy là chuyện có một sáng tác phẩm, sau đó có người khen chê rồi từ đó rút ra “lý luận”. Nhưng cũng không khó nhìn thấy cái việc một ai đó ngắm nghía tác phẩm người khác hoặc tác phẩm của chính mình, rồi sau đó – với cái lý luận phê bình tự túc và ẩn ngầm – anh ta hoặc chị ta sẽ có một tác phẩm mới khác với cái cũ. Nhưng ở đây, ta thoả thuận với nhau nói chuyện lý luận phê bình như là sản phẩm lô-gích sinh sau các tác phẩm văn chương-nghệ thuật tưởng tượng.

Vậy, ta thử hình dung, trong hang động ngày xưa, những người thưởng thức tranh sẽ có lý luận và phê bình gì? Họ có, và họ chưa biết cách nói ra, nhưng họ sẽ có cách nói. Hoàn toàn có thể có một người nào đó thấy tranh trên thành vách hang quá ư “tĩnh” nên đã muốn làm cho nó “động” hơn, bằng cách tạo ra những nhịp múa đầy kích động, và – sao lại không? – việc đó cũng lại khiến cho các bức vẽ của những hoạ sĩ đến sau bỗng như bị bắt buộc phải linh hoạt lên, sao cho cái động bây giờ và ở đây phải đuổi kịp và vượt cái tĩnh trước đó.

Ðến một lúc, có chữ viết, và khi đó cũng bắt đầu có các nhà phê bình lý luận sống nhờ chữ viết. Thoạt kỳ thuỷ, nghề chưa là nghề, hình như mới chỉ là sự chiêm ngưỡng hoặc giận dữ thầm mang tính lý luận và phê bình. Một cụ đồ ngồi đọc bản thảo của ai đó, khoái chí thì khuyên đỏ mà cáu thì sổ đen một vệt. Ðó đã là manh nha của phê bình và lý luận. Rồi sau mới tiến đến chỗ cụ đồ viết “bài phê bình” chỉ gồm một từ hoặc một câu để phát biểu cảm tưởng. Còn khi cụ đồ làm hẳn một bài thơ đối lại bài thơ ra đối của bạn hoặc bài thơ nào đó mình đọc được, thì trong sự đối chan chát và văn hoá đó cũng tiềm tàng tính chất phê bình và lý luận. Khi những công việc đó thành nền nếp, hứng thú hành nghề được bổ sung bằng sự kiếm sống, khi đó sẽ có lý tưởng của nhà phê bình-lý luận.

Ðiều tức mình, ấy là lắm khi người trong cuộc lại không tinh tường bằng người ngoài cuộc. Các đại gia phê bình và lý luận văn chương-nghệ thuật nước Tầu tốn biết bao nhiêu mực mà vẫn không sao giảng giải nổi sự hình thành tiểu thuyết Trung Hoa. Việc đó lại nhờ một người đàn bà nước ngoài, một người Mỹ chính gốc, bà Pearl Buck. Trong diễn văn nhận giải Nobel năm 1938, Pearl Buck đã nói đến đặc điểm trộn không lẫn được của tiểu thuyết Tàu chỉ ở một điểm này: trong khi các quan lý luận chỉ tay năm ngón này nọ về cách sáng tác, thì nhân dân tự kể chuyện cho nhau nghe, và do chỗ nhân dân tuyệt đại đa số là mù chữ nên tính chất truyền khẩu của tiểu thuyết Tàu rất cao, dù có đến 108 nhân vật thì cũng vẫn truyền khẩu bằng hết được. Mà chất lượng lại cao nữa mới chết chứ! Truyện kể thiệt hay và thiệt dân dã! Và đẹp như một câu chửi tục. Ði vào thế giới nhân vật tiểu thuyết Tàu, có cảm giác đi vào phố Hàng Buồm hoặc vào các Chinatown, ở đâu đâu cũng đầy âm thanh ròn rã như tiếng cười và đầy tiếng xuỵt xoạt như tiếng húp mằn thắn cay và nóng.

Nhìn vào Việt Nam ta, cũng có thể thấy sau thời kỳ các nhà phê bình và lý luận văn chương-nghệ thuật hoạt động theo lối khuyên đỏ, sổ đen, hoặc làm thơ đối đáp, thì đã tới được giai đoạn xuất hiện cỡ một Hoài Thanh và một Vũ Ngọc Phan. Thời kỳ sự Tây học đã giúp những người sành nghệ thuật phát biểu ra được các tiểu luận vừa mạch lạc vừa uyển chuyển đầy ý kiến cá nhân. Nên hiểu “ý kiến cá nhân” đây một cách triết học: các cụ đồ Nho xưa cũng nói ý kiến riêng, nhưng nói theo cái khuôn có sẵn, còn những nhà lý luận-phê bình thời tư bản chủ nghĩa đã có ý kiến riêng vượt ra khỏi cái khung áp đặt chung. Thậm chí họ còn tìm cách dùng lý luận để phá khung nữa, nên họ mới có nổi những cổ vũ tuyệt vời cho trào lưu Thơ Mới. Cũng như lý luận kiểu Pearl Buck đã giúp phá cái khung Bát Cổ cho người Tầu.


*


Những nhà lý luận-phê bình hôm nay đứng trước vô vàn khó khăn, mà khó nhất là họ thiếu phương tiện tư duy để hiểu cuộc sống thực. Các đại gia thiếu hẳn sự hiểu biết về cuộc sáng tạo văn chương-nghệ thuật đang ấp ủ, đang cho ra đời, và đã cho chào đời những tác phẩm với trình độ tư duy đổi mới đích thực ra sao. Người ta vẫn cứ nghĩ đến các bài phê bình-lý luận với đầy đủ ba đoạn thật kín kẽ và không biết rằng trung bình cộng của âm một và dương một là một số không. Người ti toe chút ngoại ngữ thì hô hào “học phương Tây”, tưởng đâu như một bài văn ba đoạn có vài câu trích của Tây bổ sung cho cái vốn Bát Cổ thường dùng thì thêm cao giá?

Thế thì làm sao xoá nổi cái nguy cơ lý luận-phê bình tụt hậu? Không có nổi cái thay đổi thuận tự nhiên như ở cái cây đang sống, không đúc kết được từ cuộc sống sáng tạo những quy luật mang tính phát triển, vẫn mới chỉ thấy có cái thay đổi không quy luật, tuỳ tiện, kiểu con thò lò. Và thỉnh thoảng hát toáng lên “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”, rồi nghĩ rằng thế là quá đủ cho dân tộc và đất nước đang hiện đại hoá.

Cuộc sống mến yêu như thế sẽ đi về đâu?

Biệt thự Thu Trang, 6 tháng 3 năm 2005

© 2005 talawas