trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
31.3.2004
 
Hội thảo lí luận phê bình văn học TPHCM, Nguyễn Huy Thiệp, chiến lược, khủng bố và tự sát...
 
Để giúp độc giả bao quát phần nào cuộc tranh luận xung quanh bài tiểu luận Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (3) của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi tập hợp lại một số bài từ các websites khác về đề tài này và tiếp tục giới thiệu các tham luận tiếp theo, cũng như phần 1 và phần 2 của tiểu luận nói trên trong những ngày tới. talawas không chịu trách nhiệm về nội dung cũng như chất lượng biên tập của các bài từ nguồn khác.
talawas
1.
Cảnh báo về một thái độ khủng bố trong văn chương

Vừa qua, Văn Nghệ Trẻ nhận được nhiều bài viết của bạn đọc, bạn viết về bài báo của Nguyễn Huy Thiệp: Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn- 3 (Tạp chí Ngày Nay, số 6.2004). Các bài viết này đề cập trực tiếp đến những ý kiến của Nguyễn Huy Thiệp về văn chương Việt Nam. Nhận thấy đây là một vấn đề mà bạn văn chương quan tâm; phát huy tinh thần dân chủ, khoa học trong tranh luận học thuật; trong số này, Văn Nghệ Trẻ xin giới thiệu cùng bạn đọc một số trong những bài viết nêu trên.


Cảnh báo về một thái độ khủng bố trong văn chương

Trên Tạp chí Ngày Nay số 6.2004, tình cờ, chúng tôi đọc được bài Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn. Đọc là bởi vì cái "mác" của người viết và bởi cái tiêu đề nghe rất "thơ". Nhưng, quả thật vừa đọc, chúng tôi như bị choáng váng vì đòn choảng thơ túi bụi không ra mảng miếng gì, không ra luật lệ gì của N.H.T. (Nguyễn Huy Thiệp).

Hãy xem N.H.T. viết: "Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ, tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi dấu ấn ở trong trí nhớ của người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa truyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ. Mặc dầu có ngày thơ Việt Nam, tôi cũng không phủ nhận tình cảm của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực ở trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: Nhà thơ đồng nghĩa với chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa…"

Cú choảng này khiến chúng tôi liên tưởng tới cú đấm bừa, thậm chí phạm luật cũng chơi, của một kẻ sắp thua, biết mình sắp mất tất cả, nhưng không quan trọng, miễn là ra được đòn, dù có phải dùng đến răng để cắn vào tai, như võ sĩ Mai Taisơn từng làm trước võ sĩ Hôliphiu trên võ đài quyền Anh cách đây ít năm. ý kiến của N.H.T., theo chúng tôi là một ý kiến còn tệ hơn cả thiếu thiện chí. Chúng tôi chỉ thắc mắc rằng, vì sao một nhà văn (không phải nhà thơ) như N.H.T lại tự cho mình cái quyền bày tỏ ý kiến một cách thiếu văn hoá như vậy?

Cứ cho rằng thực tế chúng ta thiếu tài năng (nhưng không chỉ riêng văn học) và nghệ thuật đòi hỏi phải diễn một mình, chứ không phải là dàn đồng ca cho những kẻ bất tài, thì việc có quá nhiều nhà thơ như N.H.T nói, theo chúng tôi, vẫn là một chỉ số tốt, cho thấy trong xã hội này vẫn còn sự lành mạnh nào đó. Những người làm thơ "hâm hấp" chắc chắn ít có khả năng trở thành người bất lương hơn bất cứ thành phần nào khác trong xã hội hiện nay, bởi vì ít ra, dù phải lao vào thực tế để mưu sinh, anh ta vẫn còn có và còn giữ tính người: Đó là tình yêu và sự rung động.

Đông người viết mà thiếu những người thực tài vượt lên, có lẽ không phải chỉ là bức tranh của nền văn học nước nhà hiện tại. Nhiều thế kỷ, chúng ta mới có một Nguyễn Du, một Cao Bá Quát, một Chế Lan Viên… Một nghìn nhà thơ mà chưa có được một nửa nhà thơ có tài, thì cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề ở đây là không có người tài thì không có nghĩa là dẹp hết đời sống của sinh thể thơ, của nền thơ. Trong rừng có thể không có sư tử, nhưng sự sống của rừng thì vẫn tồn tại. Có người có thể chỉ thích tiếng chim hót, có người lại ghét tiếng ếch nhái, nhưng sự công bằng của thiên nhiên chính là để cho mọi sinh vật đều được sống theo cách của nó và được nói lên tiếng nói bí ẩn mà trời phú cho riêng nó. Bên cạnh đó, trong khi nói về dân chủ trong bài viết này (Tạo hoá tuyệt vời và rộng lượng sẵn lòng mở ra cơ hội cho tất cả mọi người không trừ ai cả), N.H.T vô tình đã mâu thuẫn với chính mình khi phủ nhận đồng loạt các nhà thơ Việt Nam như những con người ở đẳng cấp thấp và chỉ đáng xổ toẹt. Chắc chắn, hãy để cho tất cả mọi người được nói, được làm thơ, đấy mới là cách tốt nhất để phát hiện được người tài, và đó mới thật sự là dân chủ.

Nhiều nhà giáo dục gia đình tiên tiến trên thế giới đã khuyên: Nếu con bạn nấu cơm bị nát, hãy nói: Lần sau, con nấu cơm nhớ cho ít nước hơn", chứ đừng nói: "Mày là đồ bỏ đi", "mày là đồ hậu đậu"… Lời khuyên là hãy nói vào chính sự việc, không nhằm vào đứa trẻ hoàn toàn đúng trong trường hợp này: Hãy phê bình cụ thể vào tác phẩm, không thoá mạ cả một nền thơ nói riêng và văn học nói chung một cách mơ hồ và võ đoán theo kiểu lấy được

Một điều thứ hai được N.H.T đề cập trong bài viết của mình: Đó là công nghệ đào tạo nhà văn chuyên nghiệp. Theo tác giả, xã hội bây giờ khác, rằng "lớp nhà văn cũ không phù hợp", rằng "đối tượng của nó (văn học) là những người trẻ tuổi, rằng nó không phải là sân chơi của "đám giặc già lăng nhăng thơ phú". Tác giả cho rằng phải "xã hội hoá" văn học và tinh thần này được ví như "trò chơi âm nhạc trên TV". Chúng tôi rất chia sẻ với những cái mà N.H.T. mới tiếp thu được, bởi vì chúng tôi là người chưa già. Tuy nhiên, luận điểm của tác giả lại một lần nữa chứa chất mâu thuẫn. Có phải nếu có Internet thì ai cũng tham gia sân chơi văn học không nếu tôi hiểu đúng ý tác giả? Thực tế là công nghệ thông tin đang tạo ra sân chơi cho tất cả mọi người, hay nói đúng hơn: Tạo ra diễn đàn cho tất cả mọi người. Như thế mới là công bằng. Nếu vậy thì ai có tác phẩm đều có thể lên mạng, tại sao nhất định lại cứ phải là loại những người nhiều tuổi ra khỏi diễn đàn? Có nhiều người phàn nàn: Chúng ta không chịu công nhận tài năng của những người trẻ, nhưng cần phải nói thêm rằng: Công nhận và mở diễn đàn cho người trẻ không có nghĩa là đuổi những người già ra khỏi diễn đàn. Không ai vác búa đập vào đầu bố mẹ mình hay đuổi họ ra khỏi nhà cho dù họ lẩm cẩm đến mấy. ở đây, N.H.T đã chọn một cực đoan khác. Và nhân đây, chúng tôi cũng nhắc N.H.T.: Nên lưu ý hơn nữa về mặt luân thường đạo lý thông thường.

Trước đây, tình cờ, tôi được đọc một vài bài phê bình thơ của N.H.T., đặc biệt là bài viết về thơ lục bát của Đ.Đ.B. Thơ lục bát của Đ.Đ.B được N.H.T. ra sức thổi, hy vọng lên được mây xanh, nhờ cái ống đu đủ thủ công.

N.H.T từng viết (đại ý): Thơ lục bát của ta từng có Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính và một ít ở Nguyễn Duy. Nay thì đã thất truyền nếu không có sự xuất hiện của Đ.Đ.B. Ai chả biết khả năng thơ lục bát của Đ.Đ.B đến đâu. Vì thế mà dân làm thơ không khỏi buồn cười và sự lố lời của một người ngoại đạo.

Từ đó, tôi không còn tin N.H.T. nữa khi N.H.T. cao giọng phán thơ theo kiểu lên mặt dạy đời và ít hiểu biết về thơ.


Trong khi lên án người già (hay quá khứ) một cách không thương tiếc, vô hình trung N.H.T. đã lên án chính mình. Nên nhớ từ nhiều năm nay, bản thân N.H.T. chẳng thấy cho ra lò một tác phẩm đáng chú ý nào và nhà văn này cũng đang là kẻ "ăn vào quá khứ" của mình từ lúc nào không hay. Có cảm giác: N.H.T. đang lấy cái giới hạn (hoặc cái rất có hạn) để chống lại cái vô cùng. Chúng tôi xin nhấn mạnh: cái vô cùng ở đây là văn học nói chung và thơ ca nói riêng không của riêng ai và không của riêng quốc gia nào.
Cuối cùng, chúng tôi rất mong N.H.T nên tử tế hơn trong cách hành xử. Và từ Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và nhầm lẫn của nhà văn, chúng tôi nghĩ rằng: Có một thái độ khủng bố trong phê bình văn học bắt đầu manh nha từ Nguyễn Huy Thiệp.


"…Lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí để đo thiên hạ…"
Nguyễn Hoà

Xin dẫn lại ý kiến trên đây của Nguyễn Huy Thiệp để đặt tên cho bài viết ngắn này với ý muốn đưa ra một vài nhận xét sau khi đọc tiểu luận Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn. Thời gian gần đây, tôi "hơi bị" ngạc nhiên mỗi khi đọc một ý kiến "bất thường" nào đó được Nguyễn Huy Thiệp đưa ra qua các bài viết, bài phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn. Thoạt đầu tôi nghĩ đó chỉ là "khúc phóng túng" mà nhà văn muốn vây vo với đời. Nhưng khi mật độ những điều "bất thường" ngày càng tăng lên thì tôi lại nghĩ đó là những cố gắng để "đánh bóng" tên tuổi, để nhắc lại với làng văn, với công chúng rằng vẫn đang có một Nguyễn Huy Thiệp tồn tại trên đời. Tiếc thay, một nhà văn được lưu danh chủ yếu là bởi tác phẩm chứ không phải bởi những gì anh ta đã tuyên bố.
Trong Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn, với sự tự tin hiếm có, Nguyễn Huy Thiệp bàn tới khá nhiều vấn đề không chỉ về nhà văn, rộng hơn còn về văn chương, nghệ thuật… Sự tự tin này dường như không đem lại cho anh một lý trí sáng suốt trước khi đưa ra những nhận xét mà theo tôi, một người "có học" - như một tương phản với khái niệm "vô học" mà Nguyễn Huy Thiệp sử dụng để đánh giá "hầu hết" các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn, sẽ không bao giờ viết như vậy. Tỷ như đoạn sau đây: "Giở lại lịch sử ngày xưa, thấy tại sao trong thời Thịnh Đường ở Trung Hoa nảy nòi ra Lý Bạch? Lý Bạch được khen là thơ tiên vì phong độ, cốt cách, chí khí cao ngất. Ở thời ấy, dân chúng ấm no, sung túc. Lý Thế Dân là ông vua cao minh giữ được ổn định chính trị. Dân như thế, vua như thế, thời thế như thế thì sẽ có một thứ văn học tuyệt vời như thế". Tôi không rõ Nguyễn Huy Thiệp đã "giở lại lịch sử" nào để thấy Lý Bạch (701-762) cả cuộc đời gần gói trọn trong thời Thịnh Đường (713 - 766) lại sống vào thời Sơ Đường (618 - 713) có ông Lý Thế Dân - Đường Thái Tông sinh năm 599 và mất năm 649. Viết như thế thì Lý Bạch "nảy nòi" ra là đúng thôi!!! Lại nữa, không biết Nguyễn Huy Thiệp kiếm ở đâu ra cái "danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam" để anh "nhìn vào" và miệt thị không tiếc lời những người đang là đồng nghiệp, đang cùng đứng trong một hội nghề nghiệp với anh. Tôi không tin rằng Nguyễn Huy Thiệp đã đọc hết thơ của các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi càng không tin rằng Nguyễn Huy Thiệp đã có một cái nhìn nhân văn về các nhà thơ. Anh có thể không thích thơ của một nhà thơ, thơ của nhiều nhà thơ, thậm chí thơ của tất cả các nhà thơ Việt Nam đương đại, nhưng không thể vì sự "không thích" đó mà anh lại dành cho mình cái quyền miệt thị học vấn và nhân cách của họ. Trong trường hợp này, tôi nghĩ "số đo" của anh "có phần ngắn hơn cái bệ thẩm mỹ của bạn đọc đương thời" như khi anh nhận xét về Bùi Việt Thắng. Điều này lại làm tôi liên tưởng tới bài thơ lục bát (theo tôi là "dở ngô, dở ngọng") anh vừa cho đăng trên báo Tiền phong Chủ nhật mới đây. Thiết tưởng, "trò chuyện với hoa thủy tiên" hẳn phải là một hành động thanh cao lắm, nhưng hình như với Nguyễn Huy Thiệp thì cũng tương tự như việc ông Móng hàng ngày đưa cái que lên mũi vậy. Và như thế, qua Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn xem chừng anh cũng nhăm nhe "lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí để đo thiên hạ"!.

Báo Văn nghệ Trẻ, tháng 3.2004




2.
Hội thảo về Lí luận phê bình tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20.3.2004


Đầu tư cho văn học nghệ thuật: Bao nhiêu thì đủ?

(VietNamNet) - Lý luận phê bình đang ở phương trời nào? Những cây bút trẻ đang viết gì và nghĩ gì? Tại sao văn học hôm nay không có nhiều tác phẩm xuất sắc?... Những câu hỏi không mới nhưng đầy bức xúc ấy đã được đặt ra trong một cuộc thảo luận do Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Hội Nhà Văn TP.HCM tổ chức ngày 20/3 vừa qua.

Mang tính chất là một cuộc gặp mặt giữa các cây "đại thụ" của mảng lý luận phê bình văn học phía Nam và một số nhà văn trưởng thành trong thời kháng chiến, nhưng buổi hội thảo lại "nóng lên" bởi những vấn đề của văn học hôm nay.


Chúng ta đã quá xa rời với văn học đương đại...
Đây là một vấn đề mà nhiều nhà lý luận phê bình "xoáy" vào trong cuộc trao đổi. Một thực tế mà chúng ta cần phải xem lại, đó là, từ sau chiến tranh, mải bận rộn với chuyện "mưu sinh", chúng ta đã "bỏ rơi" mặt trận này, cộng thêm việc hiện nay các nhà xuất bản (NXB) đang "lung tung" về mặt quan điểm đã tạo những kẽ hở cho việc xuất hiện một số tác phẩm văn học "sai quan điểm, mất lập trường" ra đời dưới danh nghĩa do một số NXB cấp phép. Phải chăng chúng ta đã "vô tình" lãng quên "mặt trận" này trong nhiều năm qua? Vấn đề được đặt ra tại cuộc gặp mặt mang tính chất hội thảo...

Nhà văn Vũ Hạnh thì cho rằng: "Tình thế bắt buộc chúng ta phải làm lý luận - phê bình chưa trang bị phương tiện chính thống về quan điểm trên mọi vấn đề. Hiện nay, nhiều NXB liên kết với các "đầu nậu" sách để tìm hướng ra cho mình, đã dẫn đến một số đầu nậu làm khuynh đảo thị trường sách văn học..".

Theo nhà văn Vũ Hạnh: "Nhiều cây bút xuất hiện trên các đầu sách thường viết về những chuyện "nhảm" của cuộc sống và không biết gì về nền văn học đương đại; có những người âm thầm viết khoảng trên 50 đầu sách do đầu nậu đặt hàng liên tục, có em phải đặt ra chỉ tiêu cho mình một ngày phải viết trên 20 trang sách... nhưng là những tác phẩm không mang giá trị văn học mà chỉ giải quyết vấn đề về mưu sinh". Hiện nay trên thị trường sách xuất hiện nhiều cuốn sách của chế độ trước nhưng được xuất bản dưới một tiêu đề khác, nhìn chung tất cả được phục hồi dưới một trình độ cao hơn. Ông Vũ Hạnh cũng nói lên một sự thật khá buồn là những tác phẩm nghiêm túc ít được quan tâm, nhiều tác phẩm in đi, in lại nhiều lần nhưng chỉ sửa lại phần tiêu đề nhưng không một NXB nào phát hiện ra. Bên cạnh đó nhiều tác phẩm được tung ra thị trường có khi không phải của tác giả trong nước mà do nước ngoài "tuồn" vào. Vấn đề này, một vị quản lý một NXB lớn của thành phố (TP) đã từng tâm sự với ông Vũ Hạnh: "Chúng ta mượn một sự sặc sỡ lớn lao để che đậy một sự thất bại thảm hại"...

Hòa chung vào nỗi bức xúc về văn học "đương đại", nhà văn Anh Đức - Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: "Gần đây, sáng tác - lý luận - phê bình văn học có cái gì đó chưa ổn, chưa có cao trào trong sáng tác, điều này dẫn đến chưa có những cao trào trong phê bình, lý luận... Ngày trước đọc tác phẩm có cái để phê - bình; bây giờ phê bình một cuốn sách không còn có sự "vô tư", đàng hoàng...". Hiện nay, TP.HCM là một trung tâm rất náo nhiệt về văn hóa, nhưng theo nhiều nhà lý luận - phê bình "quản lý văn hóa không tương xứng với sự phát triển của TP". Với GS. Trần Trọng Đăng Đàn: "Một con đường của TP mở ra tốn biết bao nhiêu là tiền nhưng đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật thì quá ít". Bức xúc về mặt quản lý, GS. Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: "Chúng ta sẽ trả giá rất đắt, trong cách quản lý chúng ta cấm những cái không đáng cấm và thả những cái không đáng thả. Tình hình bây giờ đã khác rồi, chúng ta phải làm sao để những người làm công tác lý luận - phê bình, sáng tác có đủ niềm tin để làm công việc này...".


Về một bài báo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Bên cạnh những bức xúc về công tác lý luận - phê bình, sáng tác văn học, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình cũng rất bức xúc về một bài báo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn-3) - đăng trên tạp chí Ngày Nay ra ngày 15.3), với những câu "khó đọc": "...Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả...". Người bức xúc nhất, có lẽ là nhà văn Anh Đức (đã photo lại bài báo cho mọi người cùng xem), cho rằng: "Đây là vấn đề mà những nhà phê bình như Mai Quốc Liên, Trần Mạnh Hảo cần phải tham gia để uốn nắn". Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên thì có ý "dè dặt": "...Không ai trả tiền cho chúng tôi để làm chuyện đó...". Người bức xúc không kém là nhà phê bình Trần Mạnh Hảo: "Nguyễn Huy Thiệp là người chửi bậy có hệ thống, đây là hội chứng chửi có thưởng. Tôi đã thu thập rất đầy đủ những bài viết, trả lời PV của anh Thiệp đăng trên các báo, đài... Bài viết của anh Thiệp đăng trên tạp chí Ngày Nay sẽ là "tức nước vỡ bờ", Thiệp tự sát rồi!...".

Tiếp lời tại hội thảo, nhà văn Nguyễn Văn Lưu - GĐ NXB Văn Học, cho biết: "Trong đợt đi cùng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sang Thụy Điển, do tổ chức SIDA mời, cũng cảm thấy buồn, vì một số nhà văn mà điển hình nhất là anh Thiệp cứ có cơ hội là nói xấu dân tộc. Bài viết đăng trên báo Ngày Nay là hết sức tục tĩu..."


Tìm một lời kết
Buổi hội thảo kéo dài đến gần 12 giờ trưa nhưng không đi đến một kết thúc nào, có lẽ thì giờ dành cho lĩnh vực này quá ít chăng?! GS. Lê Bá Hán cho rằng: "Cho đến bây giờ, lý luận - phê bình văn học của ta vẫn sử dụng một giáo trình mà đã có cách đây hơn 30 năm, vẫn chưa có một cuốn sách về mỹ học mới, về lý luận văn nghệ mới... nền phê bình của chúng ta đang trên đường phá sản, có khả năng bị thủ tiêu. Ngày xưa có cái đẹp của ngày xưa, cần phải có cái nhìn nhận khác nhau giữa phê bình kiểu báo chí và phê bình học thuật (quá ít). Cái nguy nhất là phê bình không góp phần tạo nên một lớp độc giả mới. Trong tư tưởng của giới trẻ xuất hiện nhiều lệch lạc, do mải chạy theo cái gọi là thị hiếu nên họ đang xa rời truyền thống. Hội đồng lý luận phê bình nên đặt ra vấn đề hết sức cơ bản và phải có kế hoạch cụ thể từng năm đưa ra cho các cơ sở thực hiện. Thời gian qua, nhiều bài viết phê bình chỉ đăng cho có chứ không giải quyết được vấn đề gì...".

Với GS.Trần Thanh Đạm thì: "Văn học nghệ thuật là một mặt trận...", nhưng hiện nay mặt trận ấy đã vỡ, dù sao chúng tôi cũng hy vọng vào Hội đồng phê bình lý luận trung ương. Vì nó là một mặt trận nên chúng ta cần phải có một chiến lược và phê bình là một chiến dịch phải có cán bộ chỉ huy trực chiến...". Bức xúc nhất vẫn là nhà thơ Trần Mạnh Hảo (đỏ mặt, tía tai), anh nói rất hùng hồn: "Hiện nay cơ chế lý luận của ta không tạo điều kiện tự do, thoải mái cho người viết phê bình. Những cơ quan quản lý chuyên phạm luật, những người phê bình như chúng tôi cảm thấy quá tủi nhục. Chúng ta thật sự không hề có lý luận phê bình...".

Khép lại vấn đề, chúng ta có thể thấy một thực trạng về công tác giảng dạy văn học tại một số trường đại học hiện nay là một bộ phận lớn các giảng viên (có cả GS, TS) không có được một cuốn giáo trình để dạy cho sinh viên (chỉ lấy kiến thức của người khác để giảng cho sinh viên); mặc khác có những vị TS đã cao tuổi vẫn cứ giảng những bài mà cách đây đã hơn 20 năm không có bổ sung gì thêm, trong khi các trào lưu văn học của thế giới thì tiến vùn vụt. Điều này cho thấy, chúng ta không có một đầu tư đúng đắn về mặt lý luận - phê bình từ quan điểm đến thực tiễn. Và thật sự trong lý luận - phê bình chúng ta chưa thể có sự "đồng thanh tương ứng...", bởi chúng ta đã quá mệt mỏi khi chạy theo nền kinh tế thị trường...!




3.
Hội thảo về lý luận phê bình tại TP. Hồ Chí Minh

Ban Chấp hành Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc Hội thảo về Lý luận - Phê bình vào sáng 20.3.2004. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, GS Đại học ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Lạt và cả Hà Nội đã tham gia ý kiến trong một cuộc Hội thảo, chân thật, trách nhiệm, sôi nổi suốt từ đầu đến cuối. Dưới đây chúng tôi lược ghi một số ý chính đã phát biểu trong cuộc Hội thảo. GS Mai Quốc Liên, người chủ trì Hội thảo, đã phát biểu mở đầu, gợi một vài ý kiến về tình hình chung để thảo luận.


GS. Mai Quốc Liên:
Hội đồng Lý luận - Phê bình Trung ương (HĐLLPBTƯ) đã họp phiên đầu tiên, đã phân công, chia tổ thông qua qui chế tổ chức. Vào tháng 6 sẽ có cuộc họp bàn về phê bình. Đây là một bước tiến về tổ chức, dẫu còn gian nan. Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hoá - Thông tin ở Đà Nẵng, đã có một bài phát biểu quan trọng của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm liên quan rất nhiều đến văn hoá - nghệ thuật, đến lý luận - phê bình; trong đó đề cập đến vấn đề lý tưởng, vấn đề cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Theo tôi, cảm hứng nhiệt hứng đối với đại nghiệp, đối với Tổ quốc và nhân dân phải là ngọn lửa thiêng trong nhà văn thì mới có tác phẩm hay. Thời nào cũng vậy, lý luận - phê bình cũng phải có sáng tác hay thì mới hay lên được. Thế nhưng tình hình hiện nay đan xen nhiều mặt, rất phức tạp, nên tâm trí, cảm hứng của cả sáng tác cũng như lý luận - phê bình có chỗ nhụt nhuệ khí. Tác phẩm hay cũng có nhưng thưa thớt. Gần đây, hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, một người chỉ học lớp 9 ở Cà Mau là một hiện tượng lạ, đặc sản. Thơ trẻ đang có vấn đề. Phải thấy mặt nào có tìm tòi cách nói, nhưng rối rắm hoặc tục tĩu, hoặc nhân danh hiện đại hay hậu hiện đại đều không ăn thua, vì không hay, vậy thôi. Phê bình gần đây cũng có một vài sự cố, xuất bản cũng vậy. Nói chung là không khí còn uể oải. Tình hình LLPB liên quan trực tiếp đến những vấn đề lớn của đất nước, của thế nước và của tâm trạng xã hội, của kinh tế, của tham nhũng… rốt cuộc, nó cũng là một thứ "phong vũ biểu". Cho nên, không nên quan niệm quá đơn giản về LLPB, cho là nó tụt lùi, nó kém cỏi. Có phải thế đâu! Đây là một nghề nghiệp cũng đồng thời là một đam mê, một lý tưởng… nó có cái khó, rất khó của nó, chứ đâu phải chỉ là chuyện điểm sách làng nhàng, cãi nhau chí choé. Nó là tư tưởng, là triết học, là văn hoá và là một thể loại văn học, nếu anh có tài viết văn. Cũng vì là nó khó nên tài năng sáng tác có thể có nhiều chứ tài năng phê bình cho đích thực là tài năng thì hiếm lắm. HĐLLPB TƯ ra đời là một dấu hiệu của sự coi trọng lĩnh vực này, một lĩnh vực mà mấy chục năm nay chúng ta xem là công cụ của tư tưởng, của sự chỉ đạo chính trị, là nơi nóng nhất của mặt trận văn học.


Nhà văn Vũ Hạnh:
Hồi đó (hồi chế độ Sài Gòn) thiếu người nên tôi phải làm phê bình. Tình thế bắt buộc phải làm. Bí danh "ba thật", không uốn éo lấy lòng. Mười năm nay phê bình tê liệt. Nếu tổ chức được một tỉnh hai cây bút thôi thì cả nước đã có 100 cây bút LLPB. Nên có một hội nghị thống nhất nhận thức. Có được một tổ chức thì mới "nhất hô bá ứng" được. Gần như bây giờ là làm thinh, quyết định văn học là "đầu nậu".

Ngày xưa, ăn lời nhiều là 25%, bây giờ 40-50%, chưa kể xuất bản phí. Tôi có gặp một cô, không biết Vũ Hạnh là ai, in 51 cuốn có nhân vật là Huy Cận (Huy cận thị), chứ cô không hề đọc Huy Cận. Mỗi tháng viết hai cuốn sách ba xu kiểu "Nước mắt đêm dài" "Nụ hôn thầm lặng"… của ngày xưa, thuê in lậu, khỏi tốn, chở đi bán cho công nhân, chứ không phải thương công nhân mà lo cho họ. Tất cả sách vở cũ phục hồi lại, in lại hết, liên kết làm giàu, lục lại in lại nhiều hơn cái mới.
Ngày xưa, chữa morase là TS Phạm Duy Khiêm - Trạng mẹo, nay không có văn hoá, in sai hết. Xuất bản giàu lên, đa số đầu nậu là lính chế độ cũ, một trung uý chế độ cũ có 8 trạm xăng kinh doanh nuôi được cả các nhà văn, nhà thơ.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần cho rằng một số nhạc sáng tác ngoại quốc tuồn nhạc vào, phát hành ở đây. Có một lớp người không biết quá khứ là gì. Lời về sách giáo khoa của một đầu nậu vài tỉ xây nhà, dám bỏ 100 triệu đi Hà Nội xem Sea Games. Bây giờ là loạn sách. Trung Quốc lập tập đoàn in sách, không có tư nhân vào nắm. Tôi có hỏi cô HD về xuất bản, cô trả lời: "Một sự màu mè để che đậy một sự thảm hại, bi đát".


Nhà văn Anh Đức:
Tôi có cảm giác sáng tác và lý luận - phê bình không ngon trớn, có cái gì không ổn. Trừ một vài hiện tượng như Ngọc Tư, không có cao trào. Do đó, lý luận - phê bình không có cao trào. Thời chúng tôi có cao trào. Hồi tôi viết Chị Tư Hậu… phê bình, phân tích, chỉ ra ưu khuyết… gần đây không có bài nào như vậy.

Cái băn khoăn là những cây bút phê bình hiện nay, phê bình một cuốn sách đàng hoàng, vô tư hơi hiếm. Không có bài phê bình tác phẩm hẳn hoi. Sáng tác không có cái hay nên không có phê bình, nhưng dầu sáng tác dở cũng cần có bài. Phê bình né tránh nhiều. Nhiều bài bậy bạ, chửi rủa lung tung cũng không thấy ai lên tiếng, đó là những chuyện trái tai gai mắt.


Nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Có người sau một số bài chửi rủa thì có mời đi nước ngoài, tôi gọi là hội chứng "chửi có thưởng". Làm nghề chửi có thưởng. Tôi phải lên tiếng.


Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu:
Tình hình như anh Vũ Hạnh nói là rất đúng. Có nhà văn nói xấu dân tộc, chế độ…, dân ta "khổ như súc vật", cầm quyền già nua, dốt nát, gây ra con nghiện ma tuý… Đối với chiến tranh chống Mỹ, họ nói đó là sự lộn mửa. Họ nói: các nhà văn chỉ viết một cuốn sách về chuyện của mình. Chân lý là sự nhầm lẫn và tất cả đều vô nghĩa. Phải xoá CNXH ở Việt Nam, phỉ báng các thế hệ nhà văn. Anh ta rõ ràng là có một tham vọng được nước ngoài để ý.


Nhà văn Vũ Hạnh:
Trên mặt trận văn học dường như ta đã buông lỏng hoàn toàn. Mặt trận này bị phá nát.


Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân:
Tôi đi kháng chiến quan điểm có khác. Nhưng khi xuất bản sách, kiểm duyệt không mất một đồng, nó có cái hay. Tôi làm báo Lao động, in ra bán liền, tại sao đầu sách phải đăng ký (?). Phải bàn lại từ hệ thống, từ gốc. Tại sao tờ báo lại khác?

Tôi đi vay tiền in sách, bán sách người ta nợ không trả, họ lấy sách đi trao đổi, sách không còn nhưng đòi họ không trả. Quá khổ, mà không luật lệ. Người viết đàng hoàng không làm việc được. Còn NXB phải tính có bán được không? NXB không giúp gì cho việc xuất bản sách.

Hiện nay tôi hoang mang. Nếu mình chặt chẽ ủng hộ cái mới thì ủng hộ cái gì? Thời Tự lực văn đoàn nhà phê bình tìm ra được tài năng và đẩy lên. Ngay trên báo Văn nghệ anh em quen nhau đẩy lên, chứ không tìm tài năng. Nguyễn Hữu Hồng Minh đọc 1/2 trang, thấy bị xúc phạm quá, nếu ai nói tôi lạc hậu, tôi chịu.

Đặt ra giải thưởng Bùi Giáng thì tôi rất ngạc nhiên. Nếu có ai hiểu về Bùi Giáng thì cũng tốt. Nếu có ai tận tình viết thì tốt. Còn dịch không hay, không đúng thì… Nhưng mà trao một giải thưởng thì tủi thân cho người viết.

Cuối cùng, tôi nhất trí với anh Vũ Hạnh, về phương diện tổ chức phải có, theo dõi tình hình, nắm vững quan điểm, ủng hộ cái mới, phê phán tiêu cực. Ta có bỏ quên mặt trận này nhưng bây giờ có thuận lợi. Hồi sáng, tôi đọc internet, họ đánh tơi bời, nhưng tôi đọc những cái chống lại (Việt Nam có hàng vài chục online). Vừa rồi, tôi viết một bài chống luận điệu kêu gọi nước ngoài can thiệp vào Việt Nam, họ đánh tôi không ai cứu. Ở Mỹ có người viết, đánh, cứu, nhiều người hưởng ứng. Do đó phải có mặt trận. Trên internet lẽ ra ta phải đánh hàng ngày mà ta không làm gì cả.


GS. Trần Trọng Đăng Đàn:
Kết quả lớn hôm nay là nói thật với nhau. Lượng thông tin tổng hợp hôm nay lớn. Tổ chức Hội đồng LLPBTƯ là cần thiết, nhưng tổ chức "chóp bu" chưa nắm được lực lượng, tổ chức được lực lượng. Vấn đề hiện nay nằm ở phần lý luận. Trước kia tập trung đánh giặc, chín bỏ làm mười. Hiện nay, trong các giảng đường ta giảng về lý luận thế nào? Ta phải có một êkíp nắm được, hiểu được đối tác, đối đầu là ai để làm việc. Có một số người quá khích ở nước ngoài nói rằng: "Về văn hoá các anh thua rồi, bây giờ không còn gì để nói nữa". Có thật vậy không? Anh Vũ Hạnh, anh Nguyễn Đắc Xuân đã nói thấm thía về vấn đề này. Tôi cho rằng chúng ta phải giải quyết vấn đề lý luận.


GS. Lê Bá Hán:
Tình hình có nhiều cái đáng lo ngại. Lý luận (LL) văn nghệ đang bỏ ngỏ rất nhiều vấn đề mà trước đây ta ra sức bảo vệ. Vậy thì, cái gì cần bảo vệ tiếp như những chân lý hiển nhiên, chẳng hạn Chân - Thiện - Mỹ còn những gì phải đổi mới? Trong nhà trường hiện nay đang rất lúng túng. LL phương Tây giới thiệu nhiều, nhưng tiêu hoá thế nào? LLVH thì dùng giáo trình cách đây mấy chục năm còn những vấn đề mới giới thiệu khá lộn xộn, không có quan điểm gì, không đặt vấn đề vừa tiếp thu vừa phê phán. Hội đồng LLPBTƯ phải có những chuyên gia giỏi. Hội đồng LLPB không chỉ họp xuân thu nhị kỳ, nói đi nói lại. Cần có một bộ sách LL mỹ học, LL văn nghệ mới. Bây giờ là mạnh ai nấy dạy, thích gì dạy nấy, không ai quản lý cả. Phê bình đang trên đường phá sản, có khả năng bị thủ tiêu. Ngày xưa, có cái trong sáng, vô tư, lành mạnh. Bây giờ phần lớn điểm sách, công kênh nhau. Phê bình bây giờ là để cho báo bán chạy, không có phê bình học thuật. Phê bình không góp phần tạo nên công chúng mới. Phê bình không tác động được vào giới trẻ. Thị hiếu thẩm mỹ của trẻ bây giờ có vấn đề, tuy giới trẻ có cái hơn mình. Trẻ đang cắt rời với truyền thống. Ta không thể bỏ rơi mà phải tạo nên một lớp công chúng mới, thông minh, lành mạnh. Vậy thì làm cái gì? Hội đồng phải tập trung lực lượng, phải tổ chức hội thảo rộng rãi. Đề nghị HĐ đặt ra những vấn đề, bàn, thậm chí để công chúng bàn. Phải có kế hoạch hàng năm, hình thành tổ chức, gỡ từ từ. Không nên buông thả.


GS Trần Trọng Đăng Đàn:
Hội Nhà văn TP lớn, đông người, lực lượng lớn nhưng sự tham gia vào các công trình văn hoá của TP yếu. Con đường từ Tân Sơn Nhất vào nội thành tính làm 2000 tỷ, sau khi phản biện còn 800 tỷ, vị chi chống thất thoát được 1200 tỷ. Nhưng một kịch bản chỉ chi 5 triệu đến 10 triệu. Thành Uỷ hãy chi cho văn học-nghệ thuật. Nay chi 300 triệu cho một Hội đoàn, phân bổ xuống, ai to thì được. Với cách làm này thì chẳng trách nghe nói TP định chi 7 tỷ thay vì 3 tỷ thì có người sợ không giải ngân được .


GS. Lê Bá Hán:
Hội đồng LLPB nên gửi thư mời mọi người góp ý.


GS. Nguyễn Văn Hạnh:
Hội nghị hôm nay có kết quả, chứ nhiều hội nghị sẽ làm cho đất nước này chết vì những hội nghị. Về công việc phải nghĩ kỹ. Tiền đưa cho ai không đúng thì là tiền bỏ đi. Phải hiểu được nó để xử lý. Người viết 50 - 60 cuốn sách, luật pháp không cấm. Ta cấm cái không đáng cấm, thả cái không đáng thả. Từ điển Bách khoa hết sức đáng lo, cung cách làm ăn đáng lo (Trần Thanh Đạm nói chen: "Cũng như sân vận động Mỹ Đình."). Mình phải làm thế nào cho người ta tin. Có cách nói nó lọt tai, có cách nói nó chối. Cái tài của người quản lý là phải phân biệt cái nào có triển vọng. Trả công xứng đáng người ta mới làm, trả rẻ mạt người ta không làm đâu. Không có nơi nào làm đến nơi đến chốn, tình hình nguy vô cùng.

Giáo dục khó vô cùng. Phải đủ bình tĩnh. Sốt ruột không cũng hỏng mà không làm gì cũng hỏng. Phải hiểu thực tế chứ không thì không ăn thua. Phải hiểu thực tế, không thể làm như cũ. Nói bậy bạ về chiến tranh chống Mỹ là không được. Nhưng nói về hiện thực XHCN thì cần có nói đi nói lại.


GS. Trần Trọng Đăng Đàn:
Đề nghị TƯ định hướng rõ ràng về chủ nghĩa hiện thực XHCN. Hướng của TƯ là thế nào chứ giảng viên không dạy nữa.


GS. Nguyễn Văn Hạnh:
Nên giải quyết cách khác: ai muốn giảng thì giảng.


Nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Giấy mời nói về LLPB mà bàn nhiều về quản lý. Cơ chế của chúng ta không tạo điều kiện cho LLPB. Rất nhiều bài của tôi bị ách lại. Tôi đau buồn. Đó là những gáo nước lạnh. Hiện nay chưa có cái mới để thay vào hệ thống LLPB kiểu cũ. Do đó, bàn về LLPB rất khó, hầu như bàn về một vấn đề không có thật. Làm sao một người như chúng tôi, tâm huyết với đất nước mà lại vẫn bị ách bài lại.


GS. Trần Thanh Đạm:
Hội nghị này rất có ích. Giống như Bác Hồ nói, văn học-nghệ thuật là một mặt trận. Thế trận còn, tư lệnh tham mưu còn, các tổ chức còn… nhưng án binh bất động, đứng mà chịu trận, đánh không đỡ được.

Dù sao tôi cũng hy vọng vào HĐLLPBTƯ. Nhiệm vụ của nó là làm cho tình hình sinh động lên, HĐ phải có chương trình làm việc cụ thể. Đây là cái phao cuối cùng.

Trước hết là LL. Phải đề ra cho được học thuyết về VHNT Việt Nam. Trung Quốc có học thuyết ba đại diện, Mỹ có học thuyết đánh phủ đầu, HĐLLTƯ có thuyết về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ta phải đưa ra một học thuyết. Tôi đề nghị đó là chủ nghĩa hiện thực hiện đại. Nếu HĐLL có uỷ thác, tôi có thể đóng góp. Chứ hiện nay, là "ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng".

LL như vậy, còn PB phải là chiến dịch, là trực chiến. Phải biết tình hình hiện nay như thế nào, phải có thông tin, phải có giao ban, phải biết vấn đề gì đang xảy ra. Vậy thì trực chiến giao cho ai. Có nhiều vấn đề phải đáp trả, không phải chúng ta không có người. Có những cây bút không kém cỏi đâu. Nhưng phải có chỉ huy. Vấn đề là phải xây dựng lực lượng. Phải bồi dưỡng đội ngũ kế thừa. Phải bồi dưỡng đường lối Đảng, tư tưởng HCM như thế nào. Tôi tin là thế hệ trẻ có tiếp thu. Không thì mặt trận không có tướng.
Dù sao niềm tin là ở HĐLLPB. Mỗi một kỳ họp phải lấy ý kiến rộng.


GS. Nguyễn Văn Hạnh:
Phải có một sự chăm sóc đặc biệt đối với văn học vì văn học có tư tưởng. Nên có đề tài, dự án để nghiên cứu về LLPB. Viết sách giáo khoa làm sao cho có kết quả, phải giao cho những người làm được. Một đề tài phải giao làm sao cho nó đáng, chứ đừng kiểu nuôi người viết không nên thân.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Hoa:
Những vấn đề vĩ mô để các nhà tư tưởng lớn. LLPB hiện nay chỉ là trang trí thôi. Nhưng thời gian này dù khủng hoảng cũng phải làm, vấn đề là đối xử như thế nào? Chúng tôi làm một công trình "25 năm một vùng tiểu thuyết" được tài trợ 3 triệu, viết gần 10 năm. Hội Nhà Văn TP nên tập trung các cây bút LLPB để đi sâu vào các chuyên đề. Vấn đề tài trợ cho LLPB phải được đặt ra trong Hội Nhà Văn vì LLPB là một thành viên quan trọng. TP không tách rời TƯ, nên đề nghị có một cái gạch nối là các đồng chí trong HĐLLPBTƯ để có những thông báo định kỳ và để các thành viên ở TP có thông tin.


GS. Mai Quốc Liên: Hội nghị hôm nay rất sôi nổi, tâm huyết. Lâu lắm ta mới có một buổi gặp nhau thân tình và có ích. Những điều các đồng chí phát biểu hôm nay sẽ được chuyển tải về các đồng chí, các tổ chức có trách nhiệm. Tôi tin rằng nếu tất cả chúng ta cùng chung sức cố gắng thì chúng ta sẽ làm được nhiều việc. Dù sao, tôi cho rằng LLPB là một khoa học, trước khi nó là nghệ thuật, thì nó phải đi qua cái kênh khoa học, phải có những dự án khoa học thì mới làm được việc, mới tập họp được lực lượng, mới phát huy hết tiềm năng, thiện chí, mới tổ chức chặt chẽ, hiệu quả. Chứ bây giờ quá tản mạn, tuy còn lực lượng. Tôi nghĩ rằng HĐLLPBTƯ do một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách có thể giúp rất nhiều vào việc này.

Báo Văn Nghệ, số 13, 27.3.2004





[*]Đầu đề của talawas