trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luậtNgôn ngữ
17.6.2005
Đoàn Tiểu Long
Ngôn ngữ luật của Việt Nam thực ra không tệ lắm!
 
Có lẽ do hơi thiếu chút kiến thức căn bản về luật nên tác giả Phạm Viết Đào trong bài “Chớ nên “mỹ viện hoá” một số ngôn từ pháp lý” trách móc có phần oan cho luật pháp Việt Nam. Luật lệ Việt Nam quả là có nhiều cái dở, tuy nhiên riêng với Bộ luật hình sự thì ít ai kêu ca về bản thân bộ luật, về nội dung cũng như ngôn ngữ lập pháp. Cái người ta thường kêu ca hơn cả là việc áp dụng Bộ luật đó trong cuộc sống không được đàng hoàng, cố tình làm sai luật, chứ không phải vì luật không rõ ràng đến mức ai muốn hiểu ra sao thì hiểu.

Lấy luôn ví dụ mà ông Đào đưa ra: tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Nó không phải là tội phá hoại tài sản Nhà nước như ông Đào nghĩ (tội huỷ hoại tài sản là một tội riêng, điều 143 Bộ luật hình sự). Nguyên văn của nó ghi trong điều 165 Bộ luật hình sự (1999) là: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một tội hình sự, và chỉ có thể thấy trong Bộ luật hình sự chứ không thể thấy trong bất kỳ bộ luật nào khác, dù là luật dân sự, chống tham nhũng hay luật kinh tế như ông Đào nói.

Khi thiết kế điều luật này, các nhà làm luật không phải không biết rằng viết như thế sẽ có nguy cơ tạo “kẽ hở” để công dân suy diễn rằng thế này thì bị tội, thế kia thì không bị tội và tìm cách lách luật. Trái lại, viết điều luật như thế, các nhà làm luật muốn rằng tất cả mọi người không chỉ suy diễn, mà còn hiểu thật rõ ràng, như 2 với 2 bằng 4, rằng chỉ hành vi nào hội đủ tất cả 5 điều kiện sau thì mới bị coi là tội phạm: 1/ cố ý; 2/ làm trái; 3/ quy định của Nhà nước (không phải quy định của tư nhân, tổ chức); 4/ về quản lý kinh tế (không phải về hành chính, văn hoá, tư tưởng…); 5/ gây hậu quả nghiêm trọng. Thiếu dù chỉ một trong các dấu hiệu trên, thì mới chỉ vi phạm cái gì đó, có thể xử lý bằng cách này cách khác, nhưng chưa bị coi là tội phạm để xử lý theo luật hình sự. Tội danh viết như thế thiết nghĩ là khá rõ ràng, không thể hiểu sao cũng được.
Nếu ông Đào chịu khó đọc nguyên văn điều 165 Bộ luật hình sự, ông sẽ bớt lo lắng rằng cách diễn đạt kiểu “gây hậu quả nghiêm trọng” chỉ định tính mà không định lượng. Cụm từ này có trong phần đầu đề về tội danh, còn trong điều luật quy định rất rõ các mức độ hậu quả và hình phạt tương ứng, đúng như yêu cầu của ông Đào, xin trích:
  1. … gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
    d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác
  3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên… bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Ở các điều luật khác, các khái niệm “nguy hiểm, nghiêm trọng…” cũng được định lượng cụ thể: gây thương tích bao nhiêu %, thiệt hại bao nhiêu tiền…

Những chỗ nào trong bộ luật không định lượng cụ thể, thì có các văn bản dưới luật quy định thế nào là nguy hiểm, rất nguy hiểm, nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng…, ví dụ như các thông tư liên tịch của Toà án NDTC, Viện kiểm sát NDTC, Bộ công an, Bộ tư pháp.

Còn về phần “cố ý”, thì không phải luật hình sự (cũng là bộ luật dành cho toàn dân như luật giao thông) chỉ kết tội khi cố ý mà bỏ qua tội vô ý. Nếu ông Đào chịu khó đọc toàn văn Bộ luật hình sự sẽ thấy có những tội do vô ý, chẳng hạn vô ý gây thương tích, vô ý làm chết người, vô ý gây thiệt hại về tài sản v.v… Tuy nhiên đại đa số các tội hình sự là do cố ý, hoặc chỉ khi nào cố ý thì mới bị trừng phạt, khác với luật giao thông cứ vi phạm là bị phạt. Vì sao vậy?

Ở đây ta cần phân biệt hai mức độ: vi phạm và tội phạm. Mọi hành vi trái quy định đều coi là vi phạm và bị xử lý, nhưng ở mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, được quy định trong các nghị định về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực, thì dù vô ý hay cố ý đều bị phạt như nhau, chủ yếu là phạt tiền. Ở mức độ nặng, gây nguy hiểm cho xã hội, và được quy định trong Bộ luật hình sự, thì bị coi là tội phạm, và bị trừng phạt rất nặng: tước quyền tự do, quyền công dân, và có thể cả mạng sống. Vì lẽ đó, luật hình được thiết kế hết sức thận trọng, trừng phạt chủ yếu những tội do cố ý, còn nếu do vô ý thì chỉ cần xử lý hành chính là đủ, chứ không phải luật hình sự cố tình làm giảm đi tính chất xấu xa của các tội phạm đó. Ai từng kinh doanh hẳn biết việc vi phạm các quy định của Nhà nước là chuyện cơm bữa. Cả một rừng quy định, văn bản, nay thay mai đổi, chính bản thân cơ quan ban hành còn không nhớ xuể, chưa kể vô số quy định hết sức vô lý, thì chuyện vi phạm là điều dễ thấy. Ý thức điều đó nên các nhà làm luật quy định thật chặt chẽ như đã nói ở trên, cốt tránh cho công dân khỏi phải đi tù oan, cùng lắm chỉ bị phạt tiền.

Lại nói về chuyện tham nhũng. Cũng như từ vi tính, không rõ ai là người đầu tiên đặt ra từ tham nhũng. Chưa chắc nó đã là thuật ngữ Hán Việt như ông Đào viết. Nghe nói, tham nhũng là cách nói tắt của “tham ô và nhũng nhiễu”; còn “tham ô” lại là cách nói tắt của “tham quan ô lại”. Chữ “tham” thì đã rõ, còn chữ “nhũng” trong tiếng Hán có nghĩa là rườm rà, thừa, ví dụ “nhũng quan, nhũng viên” là loại quan, lại (công chức) thừa, vô tích sự. Từ “nhũng nhiễu” có nghĩa khác một chút. Có vẻ “tham nhũng” là kết hợp kiểu “chiều kích” hay “điều nghiên”.

Thời cụ Đào Duy Anh làm từ điển Pháp-Việt thì chưa có từ tham nhũng, nên cụ dịch từ corruption (danh từ phái sinh từ động từ corrompre) là làm hư hỏng, thối nát, đúng với nghĩa gốc của nó, như trong câu nói nổi tiếng của Lord Acton: “Power corrupts. Absolute power corrupts absolutely.”

Tham nhũng, theo cách hiểu phổ biến nhất, là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, bất kể trục lợi kiểu gì. Trên thế giới có lẽ cũng hiểu corruption theo kiểu này. Thiết nghĩ nó chẳng làm giảm mức độ xấu xa của hành vi đó chút nào, ông Đào hình như hơi bức xúc quá mức.

Dĩ nhiên tham nhũng là xấu, là thối nát, băng hoại đạo đức, tuy nhiên thối nát, băng hoại đạo đức, mục rữa v.v… là đối tượng phê phán về mặt đạo đức, chứ không là đối tượng của luật. Luật chỉ điều chỉnh hành vi. Người ta có thể lên án ai đó về sự băng hoại đạo đức, nhưng không thể kết án về “tội” đó, mà chỉ có thể kết án về một hành vi cụ thể đã được luật quy định: ăn cắp, cưỡng dâm v.v… Với luật chống tham nhũng, thì đó là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Còn chuyện thối rữa, đồi bại nên để cho báo chí, dư luận lên án là đủ.

Thành ra nạn tham nhũng ở Việt Nam không bị tiêu diệt mà ngày càng hoành hành chắc không phải vì cách dùng từ của các nhà làm luật đâu, mà vì lý do khác. Lý do gì, chắc ai cũng rõ.

© 2005 talawas