trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
28.7.2005
Lã Nguyên
Mở rộng hệ quy chiếu, giải phóng lý luận văn học thoát khỏi tính quy phạm và ý thức vụ lợi của một nền văn nghệ chức năng
 
Nhìn vào những công trình lý thuyết hiện có ở Việt Nam, nhất là hệ thống sách giáo khoa, giáo trình đang được sử dụng trong các trường đại học và cao đẳng từ Bắc chí Nam, mọi người đều thấy, nền lý luận văn học của chúng ta đã quá già cỗi, xơ cứng, lạc hậu một cách thảm hại. Ai cũng muốn có sự đổi mới. Mươi mười lăm năm trở lại đây, giới nghiên cứu đã đổ nhiều tâm trí và giấy mực nhằm đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá nền lý luận văn học nước nhà. Nhưng đổi mới lý luận văn học xem ra chẳng mấy dễ dàng, không phải là chuyện ngày một ngày hai. Do đâu mà đổi mới lý luận văn học lại khó đến thế? Nên làm những gì để đổi mới lý luận văn học? Tôi nghĩ rằng, muốn đổi mới lý luận văn học, nên giải quyết mấy vấn đề cốt tử sau đây:

1. Thứ nhất: Đổi mới mô hình lý thuyết, mở rộng hệ quy chiếu của lý luận văn học. [1] Rất dễ nhận ra, nền lý luận văn học của chúng ta được kiến tạo trên nền tảng của loại mô hình lý thuyết truyền thống. Các mô hình lý luận văn học hiện đại thường dồn trọng tâm lý thuyết vào những phạm trù bản thể luận nghệ thuật. Nghiên cứu các phương thức tồn tại của văn học như một nghệ thuật là loại vấn đề quan trọng nhất nằm trong hệ quy chiếu của nó. Các mô hình lý luận văn học truyền thống lại thường dồn trọng tâm vào các phạm trù ngoài văn học, như “tự nhiên”, “đạo”, “ý niệm tuyệt đối”, “hiện thực”... Hệ quy chiếu của nó chủ yếu là những vấn đề nhận thức luận, quyết định luận nghệ thuật. Dựa vào sự phân biệt đại quát như thế, tôi đặt nền lý luận văn học hiện nay của Việt Nam vào hàng ngũ những mô hình lý thuyết truyền thống. Có đủ cơ sở tư liệu để chứng minh, đây là mô hình lý thuyết được hoàn thiện ở Liên Xô và Trung Quốc vào những năm 30 và những năm 40 của thế kỷ trước. Nó được hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến của Marx, Engels và Lenin về văn nghệ.

Ta biết, các vị kinh điển của chủ nghĩa Mác bàn về những vấn đề mỹ học và văn học nghệ thuật chủ yếu từ góc độ của các nhà triết học, các nhà hoạt động chính trị - xã hội, chứ không phải từ góc độ của các nhà mỹ học. Chủ nghĩa Mác là một thế giới quan hoàn chỉnh, đồng thời cũng là một hiện tượng lịch sử. Bởi vì, với tư cách là những nhà hoạt động chính trị - xã hội, các vị kinh điển của chủ nghĩa Mác phải giải quyết những nhiệm vụ lịch sử mà thời đại họ đặt ra. Chính Lenin đã nhận xét như thế này về quá trình phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác: “Những thời điểm lịch sử khác nhau đã đặc biệt đưa lên hàng đầu khi thì là mặt này, khi lại là mặt khác của chủ nghĩa Mác. Ở Đức vấn đề được đặc biệt đưa lên hàng đầu trước 1848 là kiện toàn triết học của chủ nghĩa Mác, vào những năm 50 và những năm 60 là học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác”. [2] Nhắc lại ý kiến của Lenin để chúng ta ghi nhớ, rằng di sản của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác không phải là cuốn cẩm nang có thể mở ra tra cứu tất cả các vấn đề mĩ học ở mọi thời đại.

Thời đại của Marx và Engels là thời kỳ thống trị của chủ nghĩa duy tâm lịch sử. Đến thời Lenin, chủ nghĩa duy tâm vật lý lại tấn công vào nền tảng nhận thức luận của chủ nghĩa Mác. Vậy là lịch sử đã đặt trước Marx và Engels nhiệm vụ kiện toàn chủ nghĩa duy vật “ở bên trên”. Với Lenin, lịch sử lại đặt ra nhiệm vụ bảo vệ nền tảng chủ nghĩa duy vật “ở bên dưới”. Chính việc giải quyết những nhiệm vụ lịch sử ấy đã quy định hướng phân tích, giải thích các vấn đề mỹ học và lý luận văn học của Marx, Engels, Lenin. Bước ngoặt lớn lao mà Marx và Engels đã tạo ra cho mỹ học là ở chỗ, các vị đã chỉ ra cách kiến giải mọi vấn đề của văn học nghệ thuật từ quan điểm duy vật lịch sử. Tức là các vị đặt nền tảng khoa học cho nhận thức luận, phản ánh luận nghệ thuật. Phát triển quan điểm của Marx, Lenin đặc biệt nhấn mạnh bản chất tư tưởng hệ của văn học nghệ thuật. Quan điểm xem văn học nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù, có nguồn cội từ lao động, luôn luôn phản ánh tồn tại xã hội, là quan điểm gốc của Marx, Engels. Lenin lại giải thích các hiện tượng văn học nghệ thuật như kết quả đấu tranh giữa các khuynh hướng tư tưởng xã hội đương thời, trong đó, trình độ tự nhận thức của nhân dân và tính tích cực xã hội của chủ thể sáng tạo giữ vai trò quyết định. Ta hiểu vì sao khi phân tích tác phẩm của Balzac, Marx và Engels nhấn mạnh sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực đối với thiên kiến tư tưởng của nhà văn. Nhưng khi phân tích sáng tác của L. Tolstoi, Lenin lại đặc biệt chú ý tới sự chiến thắng của thế giới quan, tới việc Tolstoi “đã đoạn tuyệt với tất cả các quan niệm thịnh hành” của cái giai cấp mà ông xuất thân để đến với lập trường nông dân gia trưởng. Ta cũng hiểu vì sao Marx và Engels chỉ nhắc tới tính khuynh hướng của văn học nghệ thuật, còn Lenin là tác giả của bài báo nổi tiếng Tổ chức đảng và văn học mang tính đảng (1905).

Vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước, tinh thần thực tiễn trong quan điểm mỹ học của Marx, Engels, Lenin có sức hấp dẫn to lớn đối với lý luận văn nghệ mác-xít. Dựa vào những ý kiến về văn học nghệ thuật của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác, lý luận mĩ học và nghệ thuật ở Liên Xô, Trung Quốc, tiếp theo là ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia đã xây dựng một mô hình lý thuyết mà hệ quy chiếu của nó là các vấn đề phản ánh luận, nhận thức luận và tư tưởng hệ. Hệ quy chiếu của nền lý luận được kiến tạo theo mô hình truyền thống này đã mở ra một trường nhìn vào thế giới văn học mà các hệ thống lí thuyết được xây dựng trên nền tảng của những hệ quy chiếu khác không thể biết tới. Nhưng ở đời “bỉ sắc tư phong”, cái được thường đi liền với cái mất. Dồn trọng tâm vào các phạm trù ngoài văn nghệ như “hiện thực xã hội”, “thế giới quan”, “lập trường tư tưởng”, “quan điểm giai cấp”…, chính hệ quy chiếu của cái mô hình lý luận nghệ thuật rất ưu việt kia cũng đã tạo ra thành luỹ ngăn chắn tầm mắt người ta hướng về phía khác. Quả là khó có thể tìm thấy trong di sản của Marx, Engels, Lenin những ý kiến phân tích mang tính chất mở rộng về những vấn đề bản thể luận, hình thái luận của văn học nghệ thuật. Điều đó không có nghĩa là các vị kinh điển không nghĩ tới đặc trưng của hoạt động thẩm mỹ. Nhưng, như đã nói, Marx, Engels, Lenin bàn về văn học nghệ thuật chủ yếu từ góc độ triết học, xã hội học và những nhiệm vụ lịch sử mà thời đại đặt ra. Cho nên, khi phân tích tác phẩm của Homer, Shakespeare, Goethe, Balzac…, Marx và Engels không thể nhấn mạnh những nét đặc thù của văn học, mà chỉ nhấn mạnh những điểm khiến văn học ở mức độ này hay mức độ kia giống với các hình thái ý thức xã hội khác. Cũng như thế, xuất phát từ góc độ tư tưởng hệ và nhận thức luận triết học, Lenin đặt vấn đề về quan hệ giữa văn học và xã hội, văn học và cách mạng. Là nhà hoạt động chính trị - xã hội, Lenin đặc biệt coi trọng việc sử dụng văn nghệ như vũ khí tuyên truyền, tổ chức, giác ngộ cách mạng cho quần chúng.

Ngày nay, chúng ta nói văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Nhưng khi phân tích tác phẩm văn học, ta chỉ quan tâm tới thế giới khách quan, mà chưa mấy ai chú ý tới cơ chế hoạt động của phương diện chủ quan. Nhấn mạnh bản chất tư tưởng hệ, nhiều khi ta quên vai trò của vô thức, trực cảm trong văn học nghệ thuật. Tôi ngờ rằng, chưa có nhà lí luận nào của chúng ta nảy ra trong óc cái ý đồ viết một cuốn sách về tâm lí học nghệ thuật. Chúng ta nói văn học phản ánh đời sống bằng hình tượng. Nhưng rõ ràng, chúng ta chưa có lí luận về đặc trưng của phương thức tư duy này. Ai cũng nói văn học là nghệ thuật ngôn từ, nhưng đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật lại là bình diện mà chúng ta ít hiểu biết nhất. Ta có nhiều công trình viết về lịch sử văn học như một phương diện của tiến trình lịch sử tư tưởng - xã hội, nhưng chưa có cuốn sách nào viết về lịch sử văn học như như một tiến trình tự nó. Ta quan tâm nhiều đến trào lưu, phương pháp sáng tác mà không mấy chú ý tới sự vận động của của phong cách, hoặc cuộc đấu tranh lâu đài, quyết liệt của các thể loại. Nói theo lời của M. Bakhtin, chúng ta bỏ qúa nhiều công sức vào việc nghiên cứu cái bề mặt “ồn ào”, “sặc sỡ”, nên bỏ quên “những nhân vật cơ bản nhất”, “chính yếu nhất” của “tấn kịch văn học”. Cho nên, giữa lý luận nghệ thuật với thực tiễn nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật thấy xuất hiện một hố sâu ngăn cách ngày một lớn hơn. Ta hiểu vì sao, giới phê bình, giới nghiên cứu lịch sử văn học, nhất là giới sáng tác, nếu không chê bai, bài bác, lạnh nhạt thì cũng thường tỏ thái độ “kính nhi viễn chi” đối với lý luận văn học.

Đã đến lúc phải đổi mới mô hình lý thuyết ngót nghét một trăm năm tuổi. Ở phương Tây, người ta cũng thường xuyên tìm cách đổi mới các mô hình lí luận văn học. Để đổi mới lí thuyết văn học, các trường phái hậu hiện đại có vẻ như muốn quay lại với những nguyên tắc truyền thống. Tôi không tán thành cách làm siêu hình, lấy sự cực đoan này thay thế cho một sự cực đoan khác, đem một mô hình lý thuyết này thay thế cho một mô hình kia. Bởi vì làm như thế không bao giờ có được sự đổi mới chân chính. Trong thế giới hiện đại hôm nay, muốn mở đường cho tư suy sáng tạo và tư duy khoa học, mỹ học và lý luận nghệ thuật phải mở rộng các hệ quy chiếu, dân chủ hoá tri thức để có thể nhìn vào thế giới văn học từ nhiều bình diện, nhiều góc độ khác nhau.

2. Thứ hai: Giải phóng lý luận thoát khỏi ý thức thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật về một nền văn học chức năng. Xu thế vận động của tiến trình văn học bao giờ cũng chịu sự chi phối trực tiếp bởi ý thức thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật của thời đại. Quan niệm nghệ thuật và ý thức thẩm mỹ của thời đại là hiện tượng phức tạp, không thuần nhất, tồn tại dưới nhiều hình thức. Nó tồn tại trong tư duy sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Nó hiện hữu trong cách đánh giá, giải thích các hiện tượng nghệ thuật của giới nghiên cứu, phê bình văn học. Nó có mặt trong hoạt động tiếp nhận văn học của công chúng độc giả. Lý luận văn học như một hệ thống khoa học nghiêm ngặt chỉ là nơi thể hiện tập trung nhất, trực tiếp nhất ý thức thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật của thời đại. Chính ý thức thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật của mỗi thời đại là nền tảng để kiến tạo ra các mô hình lí thuyết. Chừng nào chưa có một cuộc cách mạng làm đổi thay ý thức thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật của thời đại, chừng ấy chưa thể nói tới việc thay đổi các mô hình lý thuyết. Ta hiểu vì sao, có những mô hình lý thuyết đã trở nên xơ cứng mà vẫn không ai có thể lay chuyển được thành luỹ của nó. Cho nên, đổi mới ý thức thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật của thời đại là một trong những điều kiện tiên quyết để đổi mới lý luận văn học.

Từ đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại hoá. Hiện đại hoá văn học thực chất là quá trình giải phóng ý thức thẩm mỹ thoát khỏi những mục đích vụ lợi trực tiếp của các thể loại chức năng, làm cho văn học trở thành một môn nghệ thuật có thể tồn tại độc lập. Đó cũng là quá trình giải phóng con người cá nhân và cá tính sáng tạo thoát khỏi sự ràng buộc của kinh nghiệm cộng đồng và những công thức, luật lệ quy phạm trong văn học trung đại. Quá trình giải phóng này đã tạo nên sự thay đổi cực lớn, thay đổi tận gốc rễ trong đời sống văn học. Tất cả các thể loại văn học chức năng và cả những thể loại văn chương tao nhã theo truyền thống văn học phương Đông, như văn, thơ, phú, lục từng ngự trị nhiều thế kỉ trên văn đàn, đến đây đều không tránh được sự suy vong và buộc phải nhường chỗ cho các thể loại văn học mới: thơ, kịch, tiểu thuyết. Nhưng nhu cầu hiện đại hoá của văn học dân tộc có vẻ như không thuận chiều với tiến trình chung của lịch sử xã hội Việt Nam. Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX chủ yếu là lịch sử đấu tranh xã hội, đấu tranh chính trị. Đây chính là nguyên nhân làm bùng nổ nhiều cuộc tranh luận giữa một bên là những người phát ngôn cho ý thức thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật hiện đại, với một bên là những người chỉ quan tâm tới chức năng xã hội và lợi ích trực tiếp của văn học. Trước năm 1945, phái “vị nghệ thuật” muốn văn chương phải trở thành vương quốc của cái đẹp, nhà văn phải trở thành nghệ sĩ mà tâm hồn là “cây đàn muôn điệu”. Phái “vị nhân sinh” khẳng định quyết liệt tính chiến đấu và tính giai cấp của văn học nghệ thuật. Văn học phải trở thành vũ khí đấu tranh giai cấp, nhà văn phải trở thành chiến sĩ, “dùng cán bút làm đòn chuyển xoay chế độ. Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền”. Ở giai đoạn “nhận đường” của văn học Cách mạng thời kì đầu kháng chiến chống Pháp cũng diễn ra những xung đột tương tự như vậy về ý thức thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật. Đây là lời tâm sự của Nam Cao trong nhật kí Ở rừng: “Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài. Từ bài “phòng” đến một cái tin vắn đều phải cố viết sao cho thật ngắn, viết xong đưa cho một chú giao thông Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen, thay bằng chữ khác. (…) Chiều chiều, các anh các chị Thổ ở các lán chung quanh đến lán chúng tôi nói chuyện hay đọc báo. Tôi cũng có dịp hiểu trình độ hiểu biết, lời ăn tiếng nói, cách làm ăn và những băn khuăn mong muốn của họ hơn. Dựa vào đây tôi uốn nắn lời văn và tìm ra những đầu đề viết. Nói được một điều thiết thực, đăng được một cái tin làm người ta phải kể lại với nhau, làm được những câu ca dao thật mộc mạc nhưng không đến nỗi thành vè, viết được một bài thật ít lời nhưng vẫn đủ ý và đọc lên đàn bà, trẻ con cũng hiểu, tôi cũng thấy sung sướng như viết được một truyện ngắn chính tôi ưng ý. Đôi lúc, anh em và chính tôi cũng lo rằng lối viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích của tôi. (…) Bây giờ đây, tôi thấy yên lòng về những bài viết cỏn con của tôi hơn. Nó chẳng nói được điều gì sâu sắc lắm đâu. Nhưng nó làm cho người đọc hiểu biết hơn, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của ta hơn, nó đẩy họ cũng hăng hái giúp ích cho cuộc kháng chiến của toàn dân và gợi cho họ những việc họ có thể làm để giúp ích cho kháng chiến. Tôi chỉ mong có thế”. [3] Đọc lại những lời tâm sự chân thành của Nam Cao, ta hiểu vì sao trong những cuộc tranh luận ở Việt Bắc, thơ tự do, thơ không vần bị phê phán gay gắt đến thế. Ta cũng hiểu vì sao Nam Cao viết Đôi mắt, và vì sao Tô Hoài gọi truyện ngắn này là “tuyên ngôn nghệ thuật” của thế hệ nhà văn cùng lứa với Nam cao trong những ngày đầu tham gia cách mạng và kháng chiến. Tuyên ngôn nghệ thuật trong Đôi mắt trước hết là tuyên ngôn về chỗ đứng, về thái độ công dân của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ quyết tâm từ bỏ thói quen sinh hoạt cũ, lập trường tư tưởng cũ, từ bỏ cả quan niệm về một thứ “nghệ thuật cao siêu” để phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Trong bản tuyên ngôn ấy, nội dung văn học được tách ra khỏi hình thức thẩm mĩ để đặt hình thức vào vị trí thứ yếu; chức năng xã hội được đặt lên trước phẩm chất nghệ thuật để đồng nhất nghệ thuật với tuyên truyền.

Có cơ sở để chứng minh, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thoát ra bên ngoài ý thức thẩm mĩ gắn với quan niệm về một nền văn nghệ chức năng. Tuyệt đối hoá chức năng “vũ khí tư tưởng”, thường xuyên nhấn mạnh tính chiến đấu nhắm vào những lợi ích xã hội trực tiếp là đặc điểm nổi bật của ý thức thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật từng chi phối toàn bộ hoạt động lí luận và phê bình văn học của chúng ta trong nhiều năm qua. Chính ý thức thường trực về một nền văn nghệ chức năng đã hướng chúng ta đổ nhiều công sức để xây dựng một mô hình lí thuyết dồn trọng tâm vào các phạm trù ngoài văn học, lấy tư tưởng hệ và nguyên tắc phản ánh hiện thực làm nền tảng quy chiếu. Mô hình lý luận này là mảnh đất mầu mỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển của khuynh hướng phê bình văn học theo kiểu xã hội học dung tục. Khi cơ chế quan liêu bao cấp ngự trị trong mọi lĩnh vực đời sống, mô hình lý luận ấy đã mở đường cho bệnh sơ lược, công thức trong sáng tạo nghệ thuật, biến sáng tạo nghệ thuật thành việc ghi chép, minh hoạ cho đường lối, chủ trương và các cuộc vận động xã hội. Sự hình thành của chủ nghĩa đề tài và bệnh suy tư tưởng trong văn học có nguồn cội từ đấy. Ở phương diện tích cực, mô hình lý luận nói trên chỉ cung cấp nền tảng để xây dựng loại hình văn học nghiêm túc, chính thống, quan phương. Đó là loại hình văn học chỉ nhận thức con người từ góc độ chính trị, xã hội, miêu tả hiện thực đời sống như những hoạt động quốc gia, ngày nào cũng “đều là cách mạng”. Nó chỉ biết đến cái hào hùng và sự cao khiết của tinh thần, mà không mấy quan tâm tới sự phồn tạp của cuộc sống thường nhật đầy chất văn xuôi. Nó tỏ ra bất lực khi phải nhận thức phương diện thế sự nhân sinh, nhất là khi tiếp xúc với thế giới đời tư đầy phức tạp vốn là nền tảng miên viễn của dòng đời sinh hoá hồn nhiên. Cho nên, sau 1975, khi chiến tranh kết thúc, nền văn học dân tộc chuyển từ loại hình sử thi qua loại hình thế sự và tiểu thuyết, người ta nhận ra ngay sự bất cập của lý luận văn học Việt Nam.

Có những lúc lịch sử đặt con người vào tình thế buộc nó phải lựa chọn, phải hi sinh. Sáu mươi năm trước, ghi nhật kí Ở rừng, Nam Cao tự an ủi: “Sao tôi lại không thể dằn cái ý muốn kiêu căng của tôi xuống, để góp sức vào công việc “không nghệ thuật” lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn.” [4] Chiến tranh giờ đây đã lùi xa vào quá vãng, đất nước đã thống nhất, cuộc sống trở lại với những quy luật thường nhật, thời đại cho ta những điều kiện đủ để xây dựng “một nghệ thuật cao hơn”, mà không đòi hỏi nghệ sỹ phải dồn sức vào những việc “không nghệ thuật”. Tôi muốn nói, đã đến lúc có thể giải phóng lý luận văn học thoát khỏi ý thức thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật về một nền văn học chức năng gắn với những lợi ích xã hội trực tiếp. Đó là điều kiện để đổi mới lý thuyết, làm cho lý thuyết trở thành mũi nhọn khoa học có sức mạnh đặc biệt.

3. Thứ ba: Lý luận văn học phải trở thành một khoa học. Trên phạm vi toàn thế giới, trước thế kỉ XVII, tất cả các hệ thống lý luận văn học đều chưa phải là khoa học đúng với ý nghĩa hiện đại của nó. Bởi vì, từ thế kỉ XVII đổ về trước, quan niệm lịch sử về tiến trình văn học chưa xuất hiện. Tư duy lý thuyết của nhân loại chưa nhận ra lịch sử văn học là một tiến trình vận động tự nhiên, không lặp lại. Khi sự tiến hoá của văn học chưa được phát hiện, thì lý thuyết không thể tách khỏi tiến trình lịch sử để nghiên cứu văn học như một đối tượng có thể xem xét, khám phá bằng cái nhìn từ phía bên ngoài. Nói lý luận văn học từ thế kỉ XVII đổ về trước chưa thực sự trở thành khoa học là với ý nghĩa như thế. Quả vậy, ở thời cổ đại, lý luận văn học và mỹ học chưa tách khỏi cái cây trí tuệ chung của nhân loại. Tư duy nguyên hợp và phép biện chứng tự phát không cho phép Platon và Aristote, những đại biểu xuất sắc nhất của mỹ học cổ đại, cảm nhận văn học như một tiến trình không ngừng vận động và phát triển. Các nhà lý luận Phục hưng cũng không nhìn thấy hoạt động sáng tạo ở thời đại họ đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của nghệ thuật nhân loại. Họ không xem thời đại Phục hưng là thời đại mới. Trong ý thức của họ, đây chỉ là thời đại trở về với những giá trị, những cội rễ đích thực của đời sống, thời đại hoàn nguyên của những chuẩn mực từng có từ thời cổ đại, nhưng đã bị phôi pha, nghiêng lệch trong suốt đêm trường trung cổ. Cho nên, mỹ học Phục hưng thường đối chiếu, so sánh văn học đương đại với văn học cổ đại, nhưng đó không phải là sự đối sánh khoa học. Người ta so sánh chẳng qua là để kêu gọi nghệ thuật đương đại mô phỏng cổ đại, xem nghệ thuật cổ đại là chuẩn mực để phân tích, đánh giá, điều chỉnh hoạt động sáng tạo nghệ thuật của thời đại mình. Thế kỉ XVII vẫn chưa nhận ra nghệ thuật cổ đại có thể trở thành đối tượng nghiên cứu lịch sử. Mỹ học của chủ nghĩa cổ điển ở thế kỉ XVII đề cao vai trò tối thượng của lý trí. Boileau và các nhà lý luận của chủ nghĩa cổ điển không khái quát những nguyên tắc mỹ học từ chất liệu của thực tiễn nghệ thuật, mà có tham vọng lập pháp, áp đặt cho nghệ thuật những chuẩn mực quy phạm. Trong cuốn Nghệ thuật thơ ca, Boileau đưa ra nguyên tắc mô phỏng tự nhiên, mô phỏng cổ đại, xem đó như là điều kiện lý tưởng để tạo ra những tác phẩm hoàn thiện.

Phải đến thế kỉ XVIII, mỹ học và lý luận văn học mới thực sự trở thành khoa học. Cách mạng tư sản Pháp đã thắp lên ngọn lửa có khả năng soi sáng toàn bộ lịch sử nhân loại. Dưới ánh sáng của nó, người ta thấy rõ, ở những thời đại khác nhau, nhân loại sinh sống rất khác nhau; lịch sử là một tiến trình và nghệ thuật cũng là một tiến trình. Quan điểm lịch sử về thế giới bắt đầu hình thành. Đến khi triết học và mỹ học Hegel xuất hiện thì quan điểm lịch sử về tiến trình văn học thực sự được hoàn thiện. Quan điểm lịch sử về tiến trình văn học mở đường cho các khoa học về văn học phát triển triển rực rỡ. Từ ngữ văn học, các bộ phận phê bình văn học, lịch sử văn học và lí luận văn học lần lượt tách ra trở thành những lĩnh vực hoạt động độc lập. Thế kỉ XX đánh dấu bước phát triển có tính chất bước ngoặt của lí luận văn học: từ chủ nghĩa hiện đại chuyển qua giai đoạn hậu hiện đại. Nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng thi nhau đưa ra những hệ thống lý thuyết hết sức độc đáo về văn học nghệ thuật.

Có thể khái quát lại như thế này. Từ thế kỉ XVII đổ về trước, phép biện chứng tự phát và tư duy siêu hình chỉ cho phép lý luận văn học xem văn học là đối tượng tác động. Cho nên, lý luận văn học bao giờ cũng thấy nó có sứ mệnh định chế, lập pháp, đưa văn học vào khuôn phép, luật lệ. Cũng bởi thế, tính quy phạm là đặc điểm chung của các hệ thống lý luận văn học thời cổ đại, Phục hưng và cổ điển chủ nghĩa. Từ thế kỉ XVIII, phép biện chứng lịch sử buộc lý luận văn học xem văn học là đối tượng nghiên cứu, cần phải phân tích, giải thích bằng cái nhìn từ bên ngoài. Lý luận văn học nhờ thế trở thành khoa học. Nó vừa là lý thuyết lịch sử văn học, có nhiệm vụ khái quát các khái niệm, phạm trù phản ánh bản chất, quy luật vận động của tiến trình văn học, vừa là lý thuyết phương pháp, có chức năng đề xuất hệ thống nguyên tắc, thao tác, thủ pháp tiếp cận văn học với những cấu trúc và phương thức tồn tại đặc thù của nó.

Ở Việt Nam, phải đến những năm 60 của thế kỷ trước, lý luận văn học mới trở thành một bộ phận độc lập của khoa nghiên cứu văn học. Nghĩa là nó còn vô cùng non trẻ. Như đã nói, đó là một mô hình lý thuyết được kiến tạo trên nền tảng những ý kiến của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác về văn học nghệ thuật. Trong mô hình lý thuyết ấy, ý kiến của các vị kinh điển không còn là đối tượng khảo sứu lịch sử, mà đã được biến thành những chân lý duy nhất đúng, những nguyên lý bất di bất dịch của văn học nghệ thuật. Chẳng hạn, trong thực tiễn sáng tạo, văn học có thể thiên về sự biểu hiện tư tưởng, tình cảm. Nhưng dựa vào ý kiến của các vị kinh điển, hệ thống lý luận của chúng ta chỉ thừa nhận nguyên lý văn học phản ánh hiện thực. Hoặc tính giai cấp vốn chỉ là một hình thái lịch sử của nhân tính, nhưng lý luận văn học của chúng ta lại xem nó giống như là thuộc tính trường cửu của văn chương. Không phải ngẫu nhiên, suốt một thời gian dài, sách mỹ học và lý luận văn học viết theo quan điểm mác-xit thường được gọi là sách “nguyên lí”: Nguyên lí mĩ học Mác - Lênin, Nguyên lí lí luận văn học... Hình như để phù hợp với nội dung của những “nguyên lí”, sách lý luận văn học của chúng ta thường sử dụng ngôn ngữ chính luận nhiều hơn là ngôn ngữ khoa học. Có thể tìm thấy trong nhiều cuốn giáo trình lý luận văn học đang được sử dụng giảng dạy ở hệ thống các trường đại học, cao đẳng của chúng ta tên gọi các chương mục đầy chất chính luận theo kiểu thế này: Kiên trì quan điểm giai cấp, phê phán “tính người” và “chủ nghĩa thành phần”; Nêu cao lý tưởng nhân đạo chân chính, vạch trần chủ nghĩa bá đạo và chủ nghĩa nhân đạo giả hiệu; Tiêu chuẩn tính nhân dân trong tác phẩm văn học … [5] Biến những khái quát lý thuyết vốn dĩ mang tính lịch sử của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác thành những “nguyên lý”, thực chất là biến lý luận văn học thành bộ phận có chức năng định chế, lập pháp cho văn học nghệ thuật. Đây là nguyên nhân khiến cho nền thống lý luận văn học hiện đại còn rất non trẻ của chúng ta khó tránh khỏi bệnh công thức, giáo điều tính quy phạm theo kiểu các hệ thống lý thuyết văn nghệ thời trung đại.

Sự thật là, lí luận văn học của chúng ta vẫn đang nói nhiều câu chuyện rất cũ, theo những cung cách rất cũ. Không thể phủ nhận sự non nớt về trình độ khoa học, mỗi khi câu chuyện đụng chạm tới chất lượng trong nhiều công trình lý luận văn học của chúng ta. Muốn xây dựng một nền lý luận văn học ngang tầm thời đại, không thể không giải phóng lý thuyết thoát khỏi chức năng lập pháp nghệ thuật để lý luận văn học thực sự trở thành khoa học mũi nhọn của nghiên cứu văn học. [6]


*


Nền lý luận văn học Việt Nam được xây dựng trên nền tảng những ý kiến của Marx, Engels, Lenin về văn học nghệ thuật, mà hình như vẫn còn thiếu linh hồn của chủ nghĩa Mác. Linh hồn của chủ nghĩa Mác là phép biện chứng. Hãy thổi linh hồn ấy vào nền lý luận văn học của chúng ta để truyền cho nó sự sống. Phép biện chứng nghiên cứu sự vật trong những mối liên hệ phổ biến. Nó đòi hỏi mở rộng hệ quy chiếu của lý luận văn học để đổi mới một mô hình lý thuyết đã trở nên xơ cứng. Giải phóng lý luận văn học thoát khỏi ý thức thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật về một nền văn học chức năng cũng là nhu cầu cấp bách của phép biện chứng, vì phép biện chứng khẳng định quy luật vận động nội tại của mọi sự vật, hiện tượng. Phép biện chứng là phương pháp tư duy khoa học. Cần giải phóng lý luận văn học thoát khỏi chức năng lập pháp nghệ thuật để nó có thể trở thành một khoa học đúng với ý nghĩa đích thực của từ ấy. Phép biện chứng là sản phẩm của nền văn hoá, văn minh hiện đại. Truyền linh hồn phép biện chứng cho lí luận văn học, chắc chắn, là công việc không phải của riêng ai.

Đồng Bát, tháng áp Tết con Gà

Nguồn: Tạp chí Văn học, số 5/2005



[1]Về vấn đề này, xin đọc thêm: Lã Nguyên, Nghĩ về vấn đề hiện đại hoá lí luận văn học, in lần đầu: báo Văn nghệ, số 11, ngày 12-3-1994; in lần thứ hai: Tạp chí khoa học, ĐHQG Hà Nội, số 3, 1996
[2]V.I. Lênin, Toàn tập, t. 20, tr. 128, tiếng Nga
[3]Tuyển tập Nam Cao, t. 2, Nxb Văn học, H., 2002, tr. 408, 410, 411
[4]Tuyển tập Nam Cao, t. 2, Nxb Văn học, H., 2002, tr. 410
[5]Xin xem: Lí luận văn học, t. 1, Nxb Đại học Sư phạm, H., 2000, tr. 114, 118, 131
[6]Xin đọc thêm: Lã Nguyên, Lí luận văn học phải trở thành lí thuyết lịch sử, báo Văn nghệ, số 23, Ngày 6-6-1992