trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
29.8.2005
Nguyễn Hoà
Về nỗi đam mê “đạo văn” của Vũ Ngọc Tiến trong “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam”
 
Đọc “lời phi lộ” của Vũ Ngọc Tiến khi cho đăng trên talawas kết quả nghiên cứu “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” (talawas, 22.8.2005) tôi hơi bị… buồn, những muốn chia sẻ cùng ông vì nỗi “đam mê” và cái sự “phơi gan ruột mình lên trang viết” đã không được người ta chú ý. Đọc lần thứ nhất, tôi thấy vì nể, dẫu sao một tác giả “nghiên cứu nghiệp dư... ngoại đạo” mà dám liều mình “nghiên cứu” một công trình hoành tráng như thế, với một sự huy động kiến thức uyên thâm như thế, với các đánh giá và khái quát về lịch sử tư tưởng dân chủ ở Việt Nam ghê gớm đến như thế… thì cũng đáng phải vì nể thật. Đọc lần thứ hai thì tôi “ngửi” thấy có mùi bất thường và thi thoảng lại muốn “nhấc mũ” chào một người hơi... quen quen (!) nhưng chưa đoán ra là ai. Đành làm một tra cứu nho nhỏ, thì phát hiện trong nghiên cứu của mình, ông Vũ Ngọc Tiến đã thực hiện những thao tác mà bất kỳ người nghiên cứu chuyên nghiệp hay nghiệp dư nào có chút ít liêm sỉ cũng không cho phép mình thực hiện.

Nếu bạn đọc đã có trên giá sách cuốn Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997) xin hãy lấy xuống và tìm trang 283. Từ trang 283 đến trang 298 của cuốn sách này in bài viết của PGS TS Trần Ngọc Vương có nhan đề “Tân thư và sự vận động của tư tưởng dân chủ ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XX” (theo khảo sát của tôi, về sau tác giả in lại bài này trong cuốn Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung - tái bản lần thứ 3, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999 và một website của người Việt ở hải ngoại đã đăng lại). Làm một đối chiếu đơn giản giữa tiểu mục I. Thần dân Việt Nam trong các học thuyết tư tưởng xưa cũ của “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” (Vũ Ngọc Tiến) với “Tân thư và sự vận động của tư tưởng dân chủ ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XX” (Trần Ngọc Vương) chúng ta sẽ thấy Vũ tiên sinh đã đam mê “thuổng” hầu như toàn bộ các ý tưởng và chép nguyên văn nhiều đoạn từ bài viết của Trần Ngọc Vương như thế nào. Xin đơn cử vài thí dụ:

1a. Vũ Ngọc Tiến viết: “Liên quan trực tiếp đến việc xác lập nội hàm “dân” ở Việt Nam là các học thuyết đóng vai trò ý thức hệ chính trị của dân tộc như Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo. Nhìn chung, trong nền chính trị Đông Á và Việt Nam, Nho giáo đã từng là hệ ý thức chính thống có lịch sử lâu dài, chi phối đời sống chính trị toàn xã hội. Vậy nên tư tưởng về dân của Nho giáo dĩ nhiên cũng là đối tượng quan trọng để bàn xét”.

1b. Trần Ngọc Vương viết: “Liên quan trực tiếp đến việc xác lập nội hàm của cách hiểu về “dân” trong truyền thống là các học thuyết đã từng đóng vai trò ý thức hệ chính trị hoặc tác động đến việc hình thành nên các ý thức hệ chính trị đó: Phật giáo, tư tưởng Lão trang, Pháp trị và Nho giáo. Vì trong nền chính trị Đông Á, Nho giáo Nho giáo đã từng là hệ ý thức chính thống có vận mệnh lịch sử lâu dài và giữ vai trò chi phối quan trọng nhất, nên tư tưởng về dân của Nho giáo dĩ nhiên cũng là đối tượng quan trọng để bàn xét” (tr. 284, Sđd).

2a. Vũ Ngọc Tiến viết:

“Hầu như giới nghiên cứu đều đã khẳng định rõ ràng không thể tìm kiếm một ý niệm dân chủ ở Khổng Tử. Ở người sáng lập quan trọng nhất của Nho giáo này, dân là một tập hợp đa số vô danh, hầu như không bao giờ được tính đến với tư cách là cá nhân cụ thể. Khổng Tử hình dung mạch lạc về một thế giới có chủ, mà người chủ cao nhất là trời. “Hoạch tội vu Thiên, vô sở đảo giáo”. Nghĩa là phạm tội với trời thì không cầu đảo vào đâu được nữa. Kế đến ông chủ thứ hai của thế giới là thiên tử, “Đại thiên hành hóa, thế thiên hành đạo”. Dưới thiên tử là chư hầu, rồi đến sĩ đại phu và cuối cùng là dân. Trật tự đó là tự nhiên, là tất yếu, do trời xếp đặt. Ông cũng trực giác thấy rằng phải sử dụng dân như một đối trọng cần thiết trên chính trường, đôi lúc còn như một sự bảo đảm cho thể chế chính trị. Căn cứ vào toàn bộ nội dung học thuyết của Khổng Tử, có thể nói ông không hề ngờ vực “tính chất chí tôn, bất khả tư nghị” của ngôi vua. Hãy xem đoạn văn mô tả ngắn gọn, hàm súc trong sách Luận ngữ khi ông vào chỗ công môn: “Tử nhập công môn cúc cung như dã, như bất dung, lập bất trung môn, hành bất lý vực. Qua vị sắc bột như dã, kỳ ngôn tự bất túc giả. Xuất giáng nhất đẳng, sinh nhan sắc, di di như dã. Một giai, xu dực như dã. Phục kỳ vị, phúc tích như dã”. Nghĩa là: Khổng Tử vào chỗ công môn khúm núm, lễ phép như cửa bị thấp. Khi đứng ông không dám đứng giữa cửa, khi đi không giẫm lên ngạch cửa. Qua chỗ ngôi vua (dù là ngôi bỏ trống) mặt tái mét, chân run rẩy, nói chẳng ra lời. Vén áo lên công đường thì khúm núm, lễ phép, nhịn khí như không thở. Một khi ông ra ngoài rồi thì mặt tươi trở lại, nét vui vui lên. Đến thềm thì như chim duỗi cánh. Về chỗ trở lại thì kính sợ như cũ.

Tuy vậy, Khổng Tử không vì ngôi vua mà hy sinh dân chúng. Ngược lại, chính Khổng Tử lại là người khơi dậy ý tưởng “ý dân là ý trời, dân muốn là trời muốn”. Ngôi vua là chí tôn, nhưng “dân vô tín bất lập”. Một khi dân đã mất hết lòng tin thì vua không thể ở ngôi được nữa (Lời Nhan Uyên trong sách Luận ngữ). Theo Khổng Tử và các học trò của ông, dân là một thực thể hồn hậu, bí ẩn, nhưng cũng thuần phác, nguyên sơ. Vậy nên người làm chính trị phải “chăn dân, giáo dân, thân dân”, lại vừa phải thận trọng đừng làm gì quá quắt với họ: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân thừa đại tế” (Ra cửa phải nghiêm trang như gặp khách quí, sai khiến dân phải thận trọng như hành một nghi lễ lớn).

Nếu như với Khổng Tử, giới nghiên cứu khá nhất trí hình dung ông là một nhà tư tưởng khôn ngoan của chế độ quân chủ, thì với Mạnh Tử lại có hàng loạt ý kiến đánh giá không thống nhất, đặc biệt là thái độ của Mạnh Tử đối với dân. Một số người đã cường điệu cho rằng Mạnh Tử là người có đóng góp nhiều nhất cho tư tưởng dân chủ trong toàn bộ lịch sử chính trị Đông Á. Ngược lại, cũng có nhiều người xem Mạnh Tử chỉ là người khôn ngoan tìm cách điều hòa mâu thuẫn, tự tạo ra những cái bẫy về lôgíc nhận thức không thể thanh toán được. Về điểm này, tôi thấy đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Nho học Trung Quốc Vi Chính Thông: “Rõ ràng học thuyết mang tính cách mạng Nho học của Mạnh Tử khác xa với cuộc cách mạng nhằm thiết lập nền dân chủ cộng hòa thời nay. Các tư tưởng “dân quí, quân khinh” hay “dân vi bản” mới nghe qua tư tưởng giống với tư tưởng quyền thuộc về dân theo quan niệm dân chủ cận đại phương Tây. Những người quen kiểu phụ họa, phóng đại đều có nhận định như vậy. Nhưng nếu đi sâu phân tích sẽ thấy hai quan niệm đó rất khác xa nhau.”

và đoạn trích của Vi Chính Thông được Vũ Ngọc Tiến ghi chú: “ Vi Chính Thông, Nho gia và Trung Quốc ngày nay. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996).

2b. Trần Ngọc Vương viết:

“Hầu như giới nghiên cứu đều đã khẳng định rõ ràng rằng không thể tìm kiếm một ý niệm dân chủ ở Khổng Tử. Ở người sáng lập quan trọng nhất của Nho giáo này, dân là một tập hợp đa số vô danh, hầu như không bao giờ được tính đến với tư cách là các cá nhân cụ thể. Tuy Khổng Tử hình dung mạch lạc về một thế giới có chủ, mà người chủ cao nhất là trời. “Hoạch tội vu Thiên, vô sở đảo giáo” [1] - Phạm tội với trời thì không cầu đảo vào đâu được nữa, rồi đến thiên tử - người “Đại thiên hành hóa, thế thiên hành đạo” - đến chư hầu - đến sĩ đại phu rồi mới đến người bình thường (“thất phu”). Ông cũng trực giác thấy rằng cần phải sử dụng “dân” như một đối trọng cần thiết và đôi lúc, như một sự bảo đảm. Căn cứ vào toàn bộ hành trang và ngôn luận của Khổng Tử, có thể nói Khổng Tử không hề ngờ vực tính chất “chí tôn, bất khả tư nghị” của ngôi vua. Hãy xem đoạn văn mô tả ngắn gọn, hàm súc, mà không hiểu sao tôi lại cảm thấy đầy tính chất hoạt kê này trong Luận ngữ:

“(Tử) nhập công môn cúc cung như dã, như bất dung, lập bất trung môn, hành bất lý vực. Qua vị sắc bột như dã, kỳ ngôn tự bất túc giả. Xuất giáng nhất đẳng, sinh nhan sắc [2] , di di như dã. Một giai, xu dực như dã. Phục kỳ vị, phúc tích như dã”.

Khổng Tử vào chỗ công môn khúm núm, lễ phép như cửa bị thấp. Khi đứng ông không dám đứng giữa cửa, khi đi không giẫm lên ngạch cửa. Qua chỗ ngôi vua (dù là ngôi bỏ trống) mặt tái mét, chân run rẩy, nói chẳng ra lời. Vén áo lên công đường thì khúm núm, lễ phép, nhịn khí như không thở. Một khi ông ra ngoài rồi thì mặt tươi trở lại, nét vui vui lên. Đến thềm thì như chim duỗi cánh. Về chỗ trở lại thì kính sợ như cũ (Luận ngữ - Hương đảng).

Tuy vậy, Khổng Tử không vì ngôi vua mà hy sinh dân chúng. Ngược lại, chính Khổng Tử là người khơi dậy ý tưởng “ý dân là ý trời”. Ngôi vua tuy chí tôn, nhưng “dân vô tín bất lập” (dân không tin thì không ở ngôi vua - Luận ngữ: Nhan Uyên).

“Dân” là một thực thể hồn hậu, bí ẩn, nhưng cũng thuần phác, nguyên sơ, vậy nên vừa phải “chăn dân, dạy dân, nuôi dân”, lại vừa phải thận trọng đừng làm gì quá quắt đối với họ: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân thừa đại tế” (Ra cửa phải nghiêm trang như gặp khách quí, sai khiến dân phải thận trọng như hành một nghi lễ lớn - Luận ngữ: Nhan Uyên).

Nếu như với Khổng Tử, giới nghiên cứu khá nhất trí hình dung ông là một nhà tư tưởng khôn ngoan của chế độ quân chủ, thì với Mạnh Tử, trong hàng loạt công trình nghiên cứu lại bộc lộ những cách xem xét, những sự đánh giá không thống nhất, đặc biệt là thái độ của vị này đối với dân. Cả trong truyền thống trước đây, cả ở các nhà tân Nho giáo đời nay, không ít ý kiến cho rằng Mạnh Tử là người có đóng góp nhiều nhất cho tư tưởng dân chủ trong toàn bộ lịch sử chính trị Đông Á. Ngược lại, cũng khá nhiều người xem Mạnh Tử chỉ là người khôn ngoan tìm cách điều hòa mâu thuẫn, tự tạo ra những cái bẫy về lôgíc nhận thức không thể thanh toán được. Nhìn tổng thể, chúng tôi chia sẻ với ý kiến bình luận về ông này của học giả Vi Chính Thông: “Rõ ràng học thuyết mang tính cách mạng Nho học của Mạnh Tử khác xa với cuộc cách mạng nhằm thiết lập nền dân chủ cộng hòa thời nay. Các tư tưởng “dân quí, quân khinh” hay “dân vi bản” mới nghe qua tư tưởng giống với tư tưởng quyền thuộc về dân theo quan niệm dân chủ cận đại phương Tây. Những người quen kiểu phụ họa, phóng đại đều có nhận định như vậy. Nhưng nếu đi sâu phân tích sẽ thấy hai quan niệm đó rất khác xa nhau.” (tr. 284, 285, 286 Sđd)

và đoạn trích của Vi Chính Thông được Trần Ngọc Vương ghi chú: “Vi Chính Thông, Nho gia và Trung Quốc ngày nay. Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996, tr. 206).

Trên đây là hai đoạn văn tiêu biểu mà tôi cho rằng ông Vũ Ngọc Tiến đã “ăn cắp” của Trần Ngọc Vương để đưa vào cái gọi là “nghiên cứu” của ông. Còn rất nhiều “mẩu”, nhiều “đoạn” khác trong “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” mà Vũ Ngọc Tiến “thuổng” của ông Trần Ngọc Vương theo lối lắp ghép tôi xin phép không phải dẫn lại, vì nghĩ chỉ với hai ví dụ trên đây, bạn đọc đã có thể hình dung ông Vũ Ngọc Tiến đã “nghiên cứu” như thế nào. Sẽ là kỳ quái nếu Vũ Ngọc Tiến giải thích sự “trùng khớp” giữa một số ý tưởng và sự diễn đạt của ông trong “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” với một số ý tưởng và sự diễn đạt của Trần Ngọc Vương trong “Tân thư và sự vận động của tư tưởng dân chủ ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XX” như là sự “gặp nhau của những tư tưởng lớn”, song bạn đọc lưu ý bài viết của Trần Ngọc Vương ra đời trước “nghiên cứu” của Vũ Ngọc Tiến hẳn bốn năm! Và liệu ông có thể đưa ra một ví dụ khác để chứng minh trong thực tế nghiên cứu khoa học, đã có hai tác giả không những “trùng khít” về ý tưởng mà còn “trùng khít” cả trong diễn đạt, trong phân tích, trong luận giải, trong ví dụ…? Theo tôi, tất thảy các thao tác Vũ Ngọc Tiến đã tiến hành như trình bày ở trên, chỉ có thể giải thích một cách duy nhất, đó là Vũ Ngọc Tiến đã “đạo văn” của PGS TS Trần Ngọc Vương, và điều này làm tôi thật sự kinh hoàng. Tôi khó có thể thuyết phục được chính mình rằng người ta có thể trắng trợn đến như vậy, liều lĩnh đến như vậy. Mặt khác, qua việc gửi và công bố “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” trên talawas, Vũ Ngọc Tiến không chỉ xúc phạm diễn đàn này mà còn xúc phạm cả bạn đọc. Chẳng lẽ ông Vũ Ngọc Tiến đã tự tin, đã nhầm tưởng thiên hạ vì lười đọc nên không thể phát hiện ông đã đạo “đạo văn” hay sao? Qua đây, xin gửi tới ông Vũ Ngọc Tiến một lời khuyên chân thành rằng nếu là người có lương tri, Vũ Ngọc Tiến hãy có lời xin lỗi PGS TS Trần Ngọc Vương, xin lỗi Ban biên tập talawas và bạn đọc, ngõ hầu tạo ra niềm tin với những gì ông sẽ công bố sau này.

Về phần mình, do còn “ngửi” thấy nhiều ý tưởng và nhiều đoạn văn khác trong “Diễn trình tư tưởng dân chủ ở Việt Nam” cũng “bất thường” nhưng chưa tìm ra xuất xứ, tôi sẽ trở lại với câu chuyện này sau khi đã sưu tầm đủ tư liệu.

Hà Nội, 25.8.2005

© 2005 talawas



[1]Theo thông tin của tác giả Trần Ngọc Vương, nguyên lời Khổng Tử là “Hoạch tội vu Thiên, vô sở đảo giả”, bị in sai thành “Hoạch tội vu Thiên, vô sở đảo giáo” trong bản in của Nxb Chính trị Quốc gia (talawas).
[2]Nguyên văn: “sính nhan sắc”, bị in sai thành “sinh nhan sắc” trong bản in của Nxb Chính trị Quốc gia (talawas).