trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
26.9.2005
Mai Thái Lĩnh
Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong
Bàn về lý thuyết Nhà nước của Karl Marx
8 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Tác giả Mai Thái Lĩnh


Mục lục

Lời nói đầu của Mai Thái Lĩnh
Chương I Quan niệm của Marx về Nhà nước
Chương II Quan niệm “Chuyên chính Vô sản”
Chương III Cuộc đấu tranh giữa những người xã hội chủ nghĩa
Chương IV Những đóng góp của F. Engels
Chương V Những nghịch lý của Chuyên chính Vô sản
Chương VI Cuộc đấu tranh giữa hai phái: Cải cách và Cách mạng
Chương VII Dân chủ Vô sản: Từ lý luận đến hiện thực
Chương VIII Từ Chuyên chính Vô sản đến Chuyên chính của Đảng
Chương IX Phê phán quan niệm của Marx về Nhà nước
Chương X Sự tan vỡ của một huyền thoại
Chương kết Đi tìm một định nghĩa đúng đắn về Nhà nước
Thư mục




Lời nói đầu

Ngay từ thời kỳ còn công tác tại Hội đồng Nhân dân TP Đà Lạt, tôi đã quan tâm đến vấn đề Nhà nước. Trong một số bài báo đăng trên các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990, tôi đã bắt đầu đề cập đến việc tách Đảng ra khỏi Nhà nước, tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử (như Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp), cũng như việc áp dụng nguyên tắc “tam quyền phân lập” để cải tổ bộ máy Nhà nước nhằm ngăn chặn các tệ nạn lạm quyền và tham nhũng. Thái độ thờ ơ của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với các kiến nghị mang tính xây dựng nói trên cũng như những cản trở của bộ máy quan liêu trong thực tế càng thôi thúc tôi đi sâu tìm hiểu tận gốc lý thuyết về Nhà nước của Karl Marx và Lenin. Nhưng do công tác khá bận rộn, mãi đến giữa thập niên 1990, tôi mới có thể thực sự bắt tay vào việc.

Bản thảo đầu tiên của tác phẩm này mang tên Những nghịch lý của chuyên chính vô sản. Bản thảo này mới được phác thảo thì đã bị xoá theo yêu cầu của công an, khi tôi bị kiểm tra máy vi tính lần thứ nhất trong vụ “chiếc cặp đựng tài liệu” của Tiêu Dao Bảo Cự (cuối năm 1996). Sau đó ít lâu, tôi cố gắng khôi phục lại bản thảo để tiếp tục công trình, nhưng những gian truân, trắc trở trong cuộc sống khiến tôi không thể hoàn thành được tác phẩm. Do đó, vào cuối tháng 4 năm 2000, khi tôi bị kiểm tra máy vi tính lần thứ hai (trong cùng một “vụ án” với Hà Sĩ Phu), bản thảo này vẫn còn dang dở. Lần này thì máy vi tính không được trả lại, và bản thảo mất luôn theo nó.

Mất bản thảo lần thứ hai, tôi quyết định mở rộng đề tài: không phải chỉ nghiên cứu riêng quan niệm “chuyên chính vô sản” mà nghiên cứu toàn bộ lý thuyết Nhà nước của Marx. Mặc dù không có điều kiện thuận lợi như Marx ngày trước (được tham khảo tài liệu tại một trong những thư viện lớn nhất thế giới), tôi vẫn quyết định bắt tay vào việc bằng tất cả những gì mình có thể có được. May mắn cho tôi là vào lúc đó, bộ Bách khoa Toàn thư nổi tiếng thế giới Encyclopedia Britannica đã được in thành dĩa CD-ROM, ngoài ra hãng Microsoft còn cho ra đời bộ Encyclopedia Encarta. Cộng với những tư liệu thu thập được trong nhiều năm, tôi đã hoàn thành được cuốn sách vào khoảng đầu năm 2001. Sau khi hoàn thành tác phẩm, tôi đã dành thêm thời gian để biên tập, viết lại một số chương trước khi gửi bản thảo đến bạn bè và một số trí thức để tham khảo ý kiến.

Tập sách nhỏ mà độc giả cầm trên tay ra đời trong hoàn cảnh như thế. Nó không phải là một tác phẩm được sản sinh trong môi trường đại học hay viện nghiên cứu, do đó không thể tránh khỏi thiếu sót về mặt học thuật. Nhưng để bù lại, nó mang hơi thở của cuộc sống, mang tâm huyết của một con người “dấn thân”. Dấn thân lần đầu vào giữa lứa tuổi hai mươi, khi giã từ giảng đường đại học để lao vào cuộc đấu tranh trên đường phố, để rồi sau đó, rời bỏ cuộc sống thành thị đầy tiện nghi để vào bưng, chịu đựng gian khổ trong rừng sâu với niềm hy vọng đem lại hoà bình, dân chủ cho đất nước. Đất nước có hoà bình nhưng không có tự do dân chủ, vì vậy phải dấn thân một lần nữa vào lứa tuổi bốn mươi, lần này thì hành trình trí thức dằn vặt hơn, gian nan thử thách cũng gay gắt hơn nhiều.

Để có thể phê phán lý thuyết của một nhà tư tưởng có tầm cỡ như Karl Marx, tôi buộc phải dùng giọng văn hàn lâm với khá nhiều trích dẫn, vì vậy một số chương có thể trở nên khô khan, nặng tính chất học thuật. Riêng đối với ba chương cuối, tôi đã cố gắng viết một cách thật cô đọng, dễ hiểu, trong đó độc giả có thể tìm thấy toàn bộ kết quả nghiên cứu sau khi đã đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn.

Sẽ có người trách tôi tại sao đã một thời tin vào chủ nghĩa Marx mà nay lại phê phán Marx, tôi chỉ xin nhắc lại câu ngạn ngữ nổi tiếng thường được gán cho Aristotle: Amicus Plato, magis amica veritas! (Là bạn của Plato, nhưng trước hết phải là bạn của chân lý). Là học trò của nhà triết học Plato (Platon) lừng danh thời cổ đại, Aristotle (Aristote) đã nêu một tấm gương sáng cho hậu thế khi ông cố gắng tư duy với một tư thế độc lập, thoát ra khỏi cái bóng của thầy mình. Ngẫm lại quãng đời đã qua, tuy chưa làm được điều gì đáng kể cho quê hương đất nước, song tôi vẫn có thể tự hào vì đã luôn luôn trung thành với nguyên tắc: Tư duy bằng cái đầu của chính mình! Ai tư duy bằng cái đầu của chính mình, kẻ đó sẽ không bao giờ trở thành nô lệ!

Nhân dịp tập sách được ra mắt lần đầu, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người thân trong gia đình, đối với bạn bè thân hữu - những người đã giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành công trình nghiên cứu này. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tạp chí điện tử talawas đã có nhã ý công bố toàn văn tác phẩm với độc giả trong và ngoài nước.

Cuối năm 1969, nhờ sự giúp đỡ của các giáo sư Lê Thành Trị, Nguyễn Khắc Dương và Nguyễn Ngọc Lan, tôi đã ghi danh làm tiểu luận Cao học Triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn; nhưng sau đó vì mải mê dấn thân vào dòng đời cuồn cuộn những biến cố và đầy dẫy những bất trắc, tôi đành bỏ dở dang, không hoàn thành được tiểu luận. Cuốn sách này có thể được xem như một tiểu luận muộn màng để bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thầy khả kính nói trên.
Đà Lạt, những ngày Tháng Tám năm 2005,
Mai Thái Lĩnh


Chương I

Quan niệm của Marx về nhà nước

Vấn đề “nhà nước” không phải là một vấn đề trọng tâm của chủ nghĩa Marx, mà chỉ là một vấn đề phái sinh. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã làm thiên lệch cái nhìn của Marx; do đó ông ít quan tâm đến lĩnh vực chính trị nói chung và vấn đề nhà nước nói riêng. Mặc dù đã dành rất nhiều công sức và thời gian để viết bộ Tư bản, Marx hầu như không có một tác phẩm nào bàn riêng về vấn đề nhà nước một cách thấu đáo. Quan niệm về nhà nước của ông vì vậy chỉ có thể tìm thấy rải rác thông qua các tác phẩm đã được công bố lúc sinh thời hoặc các bản thảo, thư từ được xuất bản sau khi ông mất.

Nếu chỉ căn cứ vào các tác phẩm của Marx đã được chính thức công bố thì quan niệm về nhà nước của ông đã được trình bày lần đầu tiên trong hai tác phẩm Sự khốn cùng của triết học (xuất bản năm 1847) và Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (xuất bản đầu năm 1848). Đó cũng là những tác phẩm mà Lenin đã tham khảo vào đầu thế kỷ XX để viết cuốn Nhà nước và cách mạng.

Thật ra, quan niệm về nhà nước của Marx đã được hình thành một cách khá hoàn chỉnh trước đó ít lâu trong cuốn Hệ tư tưởng Đức, viết chung với Engels trong những năm 1845-1846. Tác phẩm này không được xuất bản lúc hai ông còn sống vì gặp khó khăn về tài chính và chế độ kiểm duyệt; mãi đến năm 1932, dưới thời Stalin, bản thảo của tác phẩm mới được xuất bản tại Liên Xô. Hệ tư tưởng Đức là một tác phẩm hơi khó đọc, văn phong và cách lập luận còn chịu nhiều ảnh hưởng của Hegel, nhiều chỗ diễn đạt hơi tối tăm, khó hiểu. Tuy nhiên, chính trong bản thảo này, chúng ta có thể tìm thấy quan niệm của Marx về nguồn gốc và bản chất của nhà nước nói chung.

Về nguồn gốc của nhà nước, Marx cho rằng sự ra đời của nhà nước bắt nguồn từ sự phân công lao động trong xã hội, gắn liền với sự ra đời của chế độ sở hữu tư nhân [1] . Sự phân công lao động (và cùng với nó là chế độ sở hữu tư nhân) làm phát sinh mâu thuẫn giữa lợi ích riêng (lợi ích của cá nhân riêng biệt hay của gia đình riêng biệt) và lợi ích chung (lợi ích tập thể của tất cả các cá nhân liên hệ với nhau). Nhà nước ra đời nhằm giải quyết mâu thuẫn đó, dưới danh nghĩa là đại diện cho lợi ích chung của xã hội. Do chỗ các cá nhân chỉ theo đuổi lợi ích riêng của mình, cho nên cần thiết phải có sự can thiệp và kiềm chế của nhà nước – đại diện cho lợi ích chung.

Quan niệm cho rằng nhà nước là đại diện cho lợi ích chung (lợi ích công cộng), có nhiệm vụ điều hoà, giải quyết mâu thuẫn phát sinh giữa những lợi ích riêng với nhau hoặc giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, không phải là quan niệm của riêng Marx. Điều đặc biệt trong quan niệm của Marx là ở chỗ ông coi nhà nước như một cộng đồng hư ảo, và cái lợi ích “phổ biến” mà nhà nước là đại diện cũng chỉ là một thứ lợi ích phổ biến mang tính chất hư ảo (Sđd, T. I, tr. 293-295).

Gọi nhà nước là một cộng đồng hư ảo, bởi vì mặc dù về danh nghĩa, nó đại diện cho lợi ích chung của toàn xã hội; nhưng trong thực tế, nó chỉ đại diện cho lợi ích chung của giai cấp thống trị mà thôi. Còn đối với giai cấp bị trị, nhà nước không những là một cộng đồng hoàn toàn hư ảo mà còn trở thành xiềng xích trói buộc:

Trong những cộng đồng giả đã tồn tại cho tới nay, trong nhà nước,v.v…, tự do cá nhân chỉ tồn tại đối với những cá nhân đã phát triển trong những điều kiện của giai cấp thống trị và chỉ trong chừng mực họ là những cá nhân của giai cấp ấy. Cộng đồng hư ảo, mà các cá nhân đã thành lập trước đây, bao giờ cũng tồn tại độc lập đối với họ và đồng thời do chỗ nó đại diện cho sự liên hợp của một giai cấp chống lại một giai cấp khác, cho nên đối với giai cấp bị trị, nó không những là một cộng đồng hoàn toàn hư ảo mà còn là một xiềng xích mới. (Sđd, T. I, tr. 345)

Nhà nước, trong quan niệm của Marx, là một hình thức tổ chức mà giai cấp thống trị sử dụng để thực hiện lợi ích chung của họ. Nhưng để buộc mọi người trong xã hội phải chấp nhận, nhà nước đó lấy danh nghĩa đại diện cho lợi ích chung của toàn xã hội, nghĩa là trở thành quyền lực công cộng:

Vì nhà nước là hình thức mà các cá nhân thuộc một giai cấp thống trị dùng để thực hiện lợi ích chung của họ và là hình thức dưới đó, toàn bộ xã hội công dân của một thời đại được biểu hiện một cách tập trung, nên mọi thiết chế công cộng đều thông qua nhà nước và mang một hình thức chính trị. (Sđd, T. I, tr. 364)

Bằng cái nhìn duy vật lịch sử, Marx coi mọi cuộc đấu tranh chính trị (đấu tranh trong nội bộ nhà nước, đấu tranh giữa phái dân chủ, phái quý tộc và phái quân chủ, đấu tranh cho quyền bầu cử, v.v…) thực ra chỉ là những ”hình thức hư ảo” của những cuộc đấu tranh thực sự giữa các giai cấp khác nhau. Nói cách khác, chính trị lệ thuộc vào kinh tế, và muốn tìm nguồn gốc của những cuộc đấu tranh giành quyền lực, phải tìm nguyên nhân trong những quan hệ giai cấp, và sâu xa hơn nữa, trong những quan hệ sản xuất.

Để làm rõ sự phụ thuộc của nhà nước vào những quan hệ giai cấp, những quan hệ sản xuất, Marx dùng khái niệm “xã hội công dân” (civil society, société civile, còn được dịch là “xã hội dân sự”):

Xã hội công dân bao gồm toàn bộ sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất. Nó bao gồm toàn bộ đời sống thương nghiệp và công nghiệp của một giai đoạn và do đó, vượt ra ngoài nhà nước và dân tộc, mặc dầu ngoài ra, nó vẫn phải thể hiện ra bên ngoài thành dân tộc, và tự tổ chức ở bên trong thành nhà nước. (Hệ tư tưởng Đức, Sđd, tr. 362)

Ở đây, ta thấy khái niệm”xã hội công dân” không phải là một khái niệm chính trị – xã hội hay khái niệm pháp lý theo cách hiểu của các nhà triết học thế kỷ XVIII hay của Hegel, mà là một khái niệm nặng về nội dung kinh tế. Tương ứng với một trình độ phát triển nhất định của sản xuất, trao đổi và tiêu thụ, “chúng ta sẽ có một chế độ xã hội nhất định, một tổ chức nhất định của gia đình, của các đẳng cấp hay giai cấp, nói tóm lại, là có một xã hội công dân nhất định” (Marx, “Thư gửi P. V. An-nen-côp, 28.12.1846”; Sđd, T. I, tr. 788).

Theo Marx, xã hội công dân trong bất cứ thời đại nào cũng là cơ sở của nhà nước và của kiến trúc thượng tầng tư tưởng. Đó là sự áp dụng phương pháp biện chứng duy vật vào lĩnh vực lịch sử - xã hội: vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định chính trị.

Nhà nước sinh ra từ xã hội công dân, nhưng lại tách rời khỏi xã hội, đứng đối lập với xã hội. Mâu thuẫn này gắn liền với sự phân công lao động xã hội, với chế độ tư hữu, với tình trạng chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung:

Và cuối cùng, sự phân công lao động cung cấp trực tiếp cho chúng ta ví dụ đầu tiên về tình hình sau đây: chừng nào con người còn ở trong một xã hội hình thành một cách tự nhiên, do đó chừng nào còn có sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, do đó chừng nào sự phân chia hoạt động còn được tiến hành không phải một cách tự nguyện mà một cách tự nhiên thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, và nô dịch con người, chứ không phải bị con người thống trị. (Sđd, T. I, tr. 295)

Hoàn cảnh trong đó “hành động của bản thân con người trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, nô dịch con người” được Marx gọi là “sự tha hoá", “sự vong thân” (alienation, aliénation). Sự tha hoá ấy chỉ có thể mất đi khi sự phân công lao động không còn nữa, nghĩa là khi chế độ sở hữu tư nhân không còn nữa. Cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa sẽ xoá bỏ tình trạng tha hoá đó, giúp cho con người kiểm soát được những lực lượng lâu nay vẫn thống trị con người:

Sự phụ thuộc phổ biến, hình thức tự nhiên đầu tiên ấy của sự hợp tác có tính lịch sử thế giới của các cá nhân, sẽ được cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa biến thành sự kiểm soát và sự thống trị có ý thức đối với những lực lượng nảy sinh ra từ tác động lẫn nhau giữa những con người và cho đến nay vẫn chi phối và thống trị con người với tư cách là những lực lượng hoàn toàn xa lạ với con người. (Sđd, T. I, tr. 302)

Marx vẽ ra một viễn cảnh hết sức hấp dẫn, một hình ảnh lãng mạn tựa như “Bồng lai, tiên cảnh” hay “vườn Địa đàng”:

… còn trong xã hội cộng sản, trong đó không ai có một lĩnh vực hoạt động độc chuyên và mỗi người đều có thể tự hoàn thiện trong ngành mình thích, thì xã hội điều tiết nền sản xuất chung, thành thử tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tuỳ theo sở thích của tôi mà chẳng bao giờ tôi trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà phê phán cả. (Sđd, T. I, tr. 295)

Nhân đây, cũng nên nói thêm đôi chút về quan niệm tự do của Marx. Đối với Marx, trong những cộng đồng xã hội tồn tại trước xã hội cộng sản, cá nhân chỉ tham gia cộng đồng với tư cách là thành viên của một giai cấp nhất định chứ không phải với tư cách cá nhân thực sự. Chỉ khi nào tiến đến một xã hội cộng sản, là xã hội mà con người đã làm chủ hoàn toàn nền sản xuất, thì cá nhân mới thật sự tham gia vào cộng đồng với tư cách là cá nhân:

Nhưng trong cộng đồng của những người vô sản cách mạng là những người kiểm soát được toàn bộ những điều kiện tồn tại của bản thân mình lẫn những điều kiện tồn tại của mọi thành viên của xã hội thì tình hình lại ngược lại: các cá nhân tham gia vào cộng đồng ấy với tư cách là những cá nhân. (Sđd, T. I, tr. 349)

Marx hoàn toàn bác bỏ quan niệm về tự do cá nhân do các nhà tư tưởng thế kỷ XVIII đề xướng. Ông cho rằng trong các xã hội bóc lột - nhất là xã hội tư sản, tự do cá nhân chỉ là cái quyền được huởng tính ngẫu nhiên trong khuôn khổ những điều kiện nhất định:

Sự liên hợp từ trước tới nay hoàn toàn không phải là một sự liên hợp tự nguyện, như đã được miêu tả trong "Contrat social" [2] chẳng hạn, mà là sự liên hợp tất yếu dựa vào những điều kiện trong đó các cá nhân có thể hưởng tính ngẫu nhiên (…). Cái quyền được yên trí hưởng như vậy tính ngẫu nhiên trong khuôn khổ những điều kiện nhất định là cái mà cho tới nay người ta gọi là tự do cá nhân. (Sđd, T. I, tr. 349)

Nói cách khác, không thể có tự do cá nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Chỉ có xã hội cộng sản mới được coi là cộng đồng thật sự, trong đó các cá nhân được thật sự tự do:

Trong những cộng đồng thật sự, các cá nhân có được tự do, ngay khi họ liên hợp lại và nhờ sự liên hợp ấy. (Sđd, T. I, tr. 345)

Trong một đoạn văn khác, Marx mô tả xã hội cộng sản như sau:

Chủ nghĩa cộng sản khác với tất cả các phong trào trước kia ở chỗ nó đảo lộn cơ sở của mọi quan hệ sản xuất và giao tiếp trước kia, và lần đầu tiên nó coi một cách có ý thức tất cả những tiền đề tự nhiên là những sáng tạo của những người đã sống trước chúng ta và nó tước bỏ tính chất tự nhiên của những tiền đề ấy và đặt chúng dưới quyền lực của các cá nhân đã liên hợp lại. (Sđd, T. I, tr. 350)

“Quyền lực của các cá nhân đã liên hợp lại“ không phải là một hình thức chính quyền mới, mà là một xã hội không còn có nhà nước, như Marx viết trong Sự khốn cùng của triết học (xuất bản năm 1847):

Phải chăng như vậy có nghĩa là sau khi xã hội cũ sụp đổ, sẽ có một sự thống trị giai cấp mới, biểu hiện tập trung ở một chính quyền mới ? Không phải.

Điều kiện giải phóng của giai cấp lao động, đó là sự xoá bỏ mọi giai cấp, cũng giống như trước kia, điều kiện giải phóng của đẳng cấp thứ ba, tầng lớp tư sản, là sự xoá bỏ tất cả các đẳng cấp và tất cả các tầng lớp.

Trong quá trình phát triển của nó, giai cấp lao động sẽ thay thế xã hội công dân cũ bằng một tổ chức liên hiệp, tổ chức liên hiệp này sẽ loại bỏ các giai cấp và sự đối kháng giai cấp, và sẽ không còn có chính quyền theo đúng nghĩa của chữ ấy nữa, vì chính quyền chính là biểu hiện tập trung chính thức của sự đối kháng trong xã hội thị dân. (Sđd, T. I, tr. 410)

Ở đây, ta thấy ảnh hưởng của biện chứng pháp kiểu Hegel: Chính đề (thesis, thèse) - Phản đề (antithesis, antithèse) - Hợp đề (synthesis, synthèse). Xã hội công dân là chính đề, Nhà nước là phản đề, và hợp đề chính là cái mà Marx gọi là liên hiệp (association), quyền của các cá nhân đã liên hiệp lại.

Xét về mặt lô-gích, kết luận này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì nhà nước ra đời là do có sự phân công lao động xã hội, có chế độ tư hữu, có giai cấp; cho nên một khi không còn có sự phân công lao động, không còn chế độ tư hữu, không còn giai cấp thì tất nhiên sẽ không còn có nhà nước nữa.

Tháng 11 năm 1848, “Liên đoàn những người cộng sản” họp đại hội tại Luân-đôn (Anh), đã giao trách nhiệm cho Marx và Engels khởi thảo một cương lĩnh của đảng. Bản cương lĩnh này chính là tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản – một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất của chủ nghĩa Marx. Nói về xã hội cộng sản trong tương lai, Marx và Engels gọi đó là một liên hiệp (association), trong đó quyền lực công cộng mất đi tính chất chính trị của nó (nói cách khác là không còn có nhà nước ):

Khi những đối kháng giai cấp đã mất đi trong tiến trình của sự phát triển và toàn bộ sản xuất đã tập trung trong tay những cá nhân đã liên hợp lại với nhau thì quyền lực công cộng cũng mất tính chất chính trị của nó. Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp,nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình.

Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. (Sđd, T. I, tr. 569)

Trong đoạn văn thường được trích dẫn này, nhà nước (quyền lực chính trị) được định nghĩa một cách ngắn gọn là “bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”. Như vậy, dựa vào giả thuyết về nguồn gốc phát sinh của nhà nước, Marx đã đi đến một định nghĩa xác định bản chất giai cấp của nhà nước.

Vấn đề đặt ra ở đây là: một khi không còn có nhà nước thì xã hội sẽ được điều hành như thế nào? Điều đặc biệt quan trọng là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa xã hội tư bản và xã hội cộng sản; nhà nước còn tồn tại hay không, và nếu có, nhà nước sẽ mang hình thức như thế nào? Về vấn đề này, Marx và Engels vẫn chưa nói rõ trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Nhưng đó lại là điểm mấu chốt gây ra sự chia rẽ giữa những người mác-xít với những trường phái khác trong phong trào công nhân (như phái Lassalle, chủ nghĩa vô chính phủ,…), cũng như đã gây chia rẽ trong bản thân phong trào mác-xít (giữa chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa Marx chính thống, giữa các đảng dân chủ - xã hội và các đảng cộng sản,…).

© 2005 talawas


[1]“Vả lại, sự phân công lao động và sở hữu tư nhân là những từ ngữ cùng nghĩa: người ta dùng từ ngữ thứ nhất để nói về mặt hoạt động và dùng từ ngữ thứ hai để nói về mặt sản phẩm của hoạt động” (Marx, Engels, Tuyển tập, Nxb Sự Thật (cộng tác xuất bản: Dietz Verlag Berlin), Hà Nội, 1980-1984, sáu tập, T. I, tr. 293).
[2]Khế ước xã hội, tác phẩm của Jean Jacques Rousseau, xuất bản năm 1762. Nhan đề đầy đủ của tác phẩm là Bàn về khế ước xã hội, hay những nguyên lý của quyền chính trị (Du contrat social, ou principes du droit politique).