trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
19.10.2005
Barbara Supp, Marian Blasberg, Klaus Brinkbäumer
Con lật đật
T.M. , T.L. dịch
 1   2 
 
Bản thân Marx không phải là chính trị gia vào cái thời cụ hàng ngày miệt mài trong Bảo tàng Anh Quốc để viết Tư bản luận và thỉnh thoảng chửi thề trước mặt Engels về “cái đống cứt kinh tế” mà cụ muốn hoàn tất. Lúc ấy cụ chỉ nghiên cứu, biên soạn và xa lánh mọi hoạt động khác.

Nhưng chỉ ít lâu sau, cụ được mời đến sảnh đường St. Martin ở Covent Garden, ban đầu chỉ với tư cách khán giả. Đệ nhất Quốc tế, khởi thuỷ mang tên “Liên hiệp Công nhân Quốc tế”, được thành lập vào năm 1864. Nó hình thành hoàn toàn không có sự nhúng tay của Marx, và là một sự hợp nhất giữa những người hoạt động công đoàn và những người đấu tranh cánh tả từ nhiều quốc gia châu Âu. Nhưng Marx vẫn thành người lãnh đạo.

Chắc là cụ phải cảm thấy hứng khởi khi được can thiệp vào guồng máy của các lực lượng xã hội đã được mình mô tả trong Tư bản luận. Trong phong trào chính trị mà cụ hô hào có sự hiện diện của đủ mọi mầu sắc chính trị phái tả, từ chủ nghĩa không tưởng, chủ nghĩa xã hội hoà hoãn cho đến cả thành phần vô chính phủ. Cụ phát biểu cân nhắc hơn trước. “Phải cần thời gian cho đến khi phong trào đang trỗi dậy này có thể chấp nhận được những lời lẽ táo bạo”, theo thư viết cho Engels.

Lần đầu Marx đóng vai trò chính trị gia kể từ năm 1852, khi liên hiệp cộng sản suy sụp. Cụ là một diễn giả tài giỏi nhưng giọng nói lại rè rè. Một nhân vật cùng thời đã tả là chữ “công nhân” của Marx thì nghe như “cành tám lá”. [1] Marx chắc chắn là một khuôn mặt lãnh đạo, nhưng không phải một khuôn mặt làm vừa lòng người khác, trừ trong trường hợp đặc biệt.

Những cuộc tranh luận của cụ với các đối thủ chính trị, với kẻ thù của bạn mình và với những đồng chí trong hiệp hội thì thật lừng lẫy. Khi thì về những đề tài chính trị quan trọng, nhưng cũng có khi chỉ về những chuyện vụn vặt tầm phào. Proudhon, Lassalle, Bakunin, những lời bình luận sắc bén, không hàn gắn nổi vẫn còn được lưu truyền, và thực ra luôn chỉ mình cụ là đúng, cùng lắm là thêm Engels.

Ai thích thì nay vẫn có thể đến tham quan nơi đã nổ ra những cuộc tranh luận, tại quận Clerkenwell ở Luân Đôn, chỗ giai cấp công nhân thời đó vẫn kéo về dự hội thảo hay họp đại hội công đoàn. Ở đó có “Thư viện tưởng niệm Marx”, tại đó vẫn ngời sáng hình ảnh một tương lai bất diệt trong bức tranh treo trên tường: Giai cấp tư sản bị đập tan, thế giới của họ sụp đổ trong điêu tàn, trên cao là các vị thánh của chủ nghĩa xã hội Marx, Engels và Lenin đang trông coi, còn giai cấp vô sản thì vùng lên ngay ở giữa, như một mặt trời.

Suốt nhiều năm, thư viện này có phần yên ả. Hơn 150.000 bộ sách, truyền đơn và báo chí từ khắp nơi trên thế giới và từ hơn một thế kỷ đấu tranh giai cấp cứ nằm dài chờ được nghiên cứu. Bây giờ thì họ lại lục đục tìm đến, những kẻ tò mò.

Họ muốn tìm lại Marx, tìm những lời của cụ, tìm cả hình ảnh một siêu sao Marx. Lẽ ra thì người ta có thể nghĩ rằng mọi sự đều đã qua rồi. „Thật tình ban đầu chúng tôi không hề có ý định,“ nữ quản thủ thư viện Tish Collins cho biết, „nhưng vì mọi người yêu cầu nên chúng tôi đã cho sản xuất." Nào là hình Marx in trên bút chì, Marx trên tách cà phê, Marx dùng làm vật chặn giấy, cả tượng bán thân Marx bằng thạch cao cũng có. Cái nhỏ thì mười lăm bảng, cái lớn 20 cm thì bốn chục.

Lúc Marx từ trần vào ngày 14.03.1883, cụ đã để lại một mớ hỗn độn các tiểu luận, bài báo và sách còn dang dở. Friedrich Engels đã xuất bản, bổ sung và lý giải những công trình quan trọng nhất.

Cần phải nhiều năm, nhiều thập kỷ sau, cái mà sau này được gọi là “Chủ nghĩa Marx” mới có người biết đến, đánh giá và phê phán. Trong thảo luận khoa học, đặc biệt những tác phẩm về kinh tế của Marx bị phê phán là nguy hiểm, là một “lý thuyết hướng đến sự dẹp bỏ hoàn toàn nền kinh tế tư nhân tự do”. Trong nền dân chủ xã hội Đức, một cuộc tranh cãi gay gắt quanh những luận điểm quan trọng nhất của Marx đã mọc lên vào cuối thế kỷ 19; nó dẫn đến sự tách ly vào năm 1916 của nhóm thiên tả với các chính trị gia như Hugo Haase, Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg và cuối cùng đến sự thành lập một đảng cộng sản vào năm 1918.

Ở Nga, nhà lãnh tụ cách mạng W. I. Lenin đã dùng lý thuyết của Marx để biện luận cho chính sách lật đổ và cải tạo xã hội của mình. Sau chiến thắng của những người Bôn-sê-vích thì chủ nghĩa Marx chẳng những đã trở thành triết lý của nhà nước Liên bang Xô-viết mà từ đó trở đi còn đóng vai trò là lý thuyết cách mạng cho các phong trào giải phóng và các đảng phái cánh tả trên khắp các châu lục. Tại Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba, những người Mác-xít đã chiếm được chính quyền và khi Việt Cộng tràn vào Dinh Tổng thống tại Sài Gòn năm 1975 với những tập “Các Mác” trong ba lô, là lúc Karl Marx nằm chót vót trên đỉnh cao quyền lực.

Câu dẫn đường của cụ: “Các triết gia đã chỉ giải thích thế giới nhiều cách khác nhau, nhưng vấn đề cơ bản là thay đổi nó”, đã trở thành hiện thực qua một con đường kỳ quặc. Các nhà lãnh đạo quốc gia ở khắp nơi đã cải tạo xã hội dựa trên lý thuyết Marx, nhưng đồng thời đã thay đổi những ý tưởng của Marx đến độ khôi hài.

Ở những nước tư bản gộc như Anh, Đức và Mỹ thì vị trí của những người Mác-xít còn cách rất xa quyền lực, nhưng nghệ sĩ và trí thức lại đánh giá Marx rất cao. “Lý thuyết Phê phán”, do Herbert Marcuse, Max Horkheimer, Theodor Adorno cùng những người khác thiết lập và quảng bá là một trong những cố gắng áp dụng tư duy của Marx vào thời kỳ hậu tư bản chủ nghĩa và vay mượn lý thuyết bản năng của Sigmund Freud để tiếp tục phát triển chúng. “Lý thuyết Phê phán” đã lôi cuốn được nhiều trí thức của thập niên 60 trở lại nghiên cứu chủ nghĩa Marx. Nhưng đặc biệt ở Cộng hòa Liên bang Đức thì Marx, do dân chúng đã phải trải qua chiến tranh lạnh và kinh nghiệm Cộng hoà Dân chủ Đức sát sườn, đã bị cho vào sổ đen trong những năm 50.

Thế hệ 68, tức giận về “lối hành xử đế quốc của Mỹ ở Đông Dương” và mang hoang vì “những xu thế quân chủ phục hưng tại Cộng hoà Liên bang Đức”, đã tìm kiếm những lý thuyết về hệ thống tư bản, cái hệ thống họ đang hoài nghi, và đã tìm thấy được ở chủ nghĩa Marx một hệ thống lý thuyết mà qua thời gian đã phát triển thành một hệ thống tư duy giáo điều khép kín.

Chủ nghĩa Marx–Lenin, như tên gọi của nó ngày nay, đã cung cấp cho các nhà phê phán chế độ một chương trình trọn gói về thế giới quan: một lý thuyết triết học, là duy vật biện chứng; một lý thuyết lịch sử, là duy vật lịch sử; một phân tích chủ nghĩa tư bản với hứa hẹn có thể cắt nghĩa được sự khủng hoảng và kết thúc của nó; một lý thuyết cách mạng trình bày rõ bước chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; một khái niệm về chủ nghĩa xã hội, có khả năng chỉ ra con đường dẫn đến chủ nghĩa cộng sản và đến một xã hội vô giai cấp.

Marx đã vượt lên trên mọi chế độ. Ở phương Tây người ta mặc áo thun in hình Marx và vào ban đêm đến thăm cụ, cùng với rượu vang đỏ và nến, trong nghĩa trang Highgate, để ngồi bên cụ trong niềm tiếc thương cách mạng - và cũng để ngắm cái đầu vĩ đại, đối với người dân các nước xã hội chủ nghĩa là khuôn mặt nghiêm nghị của nhà nước, nhưng đối với phương Tây lại là khuôn mặt của một kẻ nổi loạn. Bên phía Đông, cụ đã được đúc đồng và đặt cạnh Engels ở các quảng trường Marx-Engels, lớn hơn người thật.

Những kẻ quyền thế ở Cộng hoà Dân chủ Đức và Liên bang Xô-viết có thể khẳng định ngon lành rằng tổ chức nhà nước của họ vẫn theo tinh thần Marx vì những ý tưởng của cụ về thế giới tương lai đã được thực hiện na ná như thế. Sáng sớm đi săn, buổi chiều câu cá, tối về chăm gia súc, ăn tối xong thì phê bình. Những điều mà trong Ý thức hệ Đức Marx đã chê là không tưởng ấy, thật thú vị, nhưng tiếc là chẳng được tích sự gì mấy.

Ảo tưởng này vẫn còn sống sót sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ và từ khi chủ nghĩa tư bản được bung ra thoải mái và tự do thì nó lại trở thành rất cám dỗ, lôi cuốn cả những nhà phê phán toàn cầu hóa, những nhà đạo đức xã hội của Thiên chúa giáo và nhóm cánh tả. Sinh viên đại học lại đổ xô đến các tiết giảng để nghe về nhân vật tiên phong đã vạch ra con đường khác với tư bản chủ nghĩa.

Thí dụ “Triết học chính trị của Karl Marx” đã được đưa vào giảng dạy vào học kỳ mùa hè tại Đại học Tự do Bá Linh. Martin Schmalzbauer, 23 tuổi, đã đến giảng đường 21A đều đặn và rất hài lòng vì Marx ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn trên thời khoá biểu. Schmalzbauer là thành viên của nhóm Attac. [2]

Thỉnh thoảng anh đứng phát truyền đơn trước căng-tin sinh viên, trong đó ta đọc thấy rằng Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IWF) cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều theo đuổi một chính sách vô lương tâm và đều đặt tự do của tư bản lên trên tự do của con người, và ta cần phải làm một cái gì đó để chống lại, tỏ thái độ, đi biểu tình.

Schmalzbauer biết bản Tuyên ngôn Cộng Sản cùng những sửng sốt nó đang tạo ra hiện nay. Khi tuyên ngôn bắt đầu được soạn thảo, các quốc gia còn đang bảo vệ thị trường của mình qua hàng rào quan thuế, ngành hoả xa cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng mạng lưới đường sắt và khi Marx nói đến phương tiện truyền thông cực kỳ tiện lợi, cụ nghĩ đến điện tín.

Tuy nhiên hễ đọc là cứ ngỡ Marx đã từng biết đến Hollywood, quần bò và Michael Jackson, hệt như đọc bình luận về một cuộc “thảo luận địa phương” bế tắc, hệt như một bài bình luận sắc bén về chủ nghĩa tư bản hiện đại đang bị chấn động bởi khủng hoảng hay như một diễn tả giàu hình ảnh và chính xác về nền kinh tế toàn cầu hiện đại:

“Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm luôn tăng làm giai cấp tư sản phải sục sạo khắp địa cầu. Họ bám rễ, xây dựng và bắt quan hệ ở khắp nơi. Qua bóc lột thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã thiết lập nền sản xuất và tiêu thụ của mọi quốc gia một cách toàn cầu… Các ngành kỹ nghệ cổ xưa đã bị tiêu huỷ và còn bị tiêu huỷ từng ngày… Thay vào các nhu cầu đến nay vẫn được sản phẩm nội địa thoả mãn là các nhu cầu mới và để thỏa mãn chúng sẽ cần đến sản phẩm của các quốc gia và các vùng khí hậu xa xôi nhất. Thay vào sự tự thỏa đáp bằng các phương tiện của địa phương và quốc gia là sự thông thương toàn diện, sự phụ thuộc toàn diện của các nước vào nhau.

… Nhờ cải tiến nhanh chóng công cụ sản xuất, nhờ con đường truyền thông vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản kéo mọi quốc gia, kể cả những quốc gia mọi rợ nhất, đến với văn minh. Và cái giá phải chăng họ đòi cho hàng hóa của họ là quả đại bác bắn sập tất cả các bức tường Trung Quốc."

Theo những người phê phán toàn cầu hóa như Martin Schmalzbauer, ai muốn tìm hiểu sự khủng hoảng của thế giới sẽ không thể nào tảng lờ cụ Marx được.

Cũng như cách đây 40 năm: Ai hoài nghi về ý nghĩa của chủ nghĩa tư bản, về logic và tính nhân đạo của nó đều tìm ở Marx những giải thích và những chọn lựa khác. Còn những ai đã bỏ qua một trăm năm vừa rồi với sự cuồng tín và thần thánh hoá của nó để đọc xem Marx đã tiếp cận, nghiên cứu và phân tích cái hệ thống ấy ra sao, thì sẽ thấy đây là một người bị thúc đẩy bởi quan sát thế giới nhiều hơn là quan niệm về thế giới, bởi mục đích muốn giải thích cho bằng được “quy luật chuyển hoá của xã hội hiện đại."

Hệt như một miếng xốp, Marx gom hút tất cả kiến thức về khoa học tự nhiên, kinh tế quốc gia, triết học để gắn chúng lại thành phân tích xã hội của mình. Nếu còn sống, cụ sẽ quan tâm đến ngành nghiên cứu não cũng như việc giải mã gien, đến động lực toàn cầu hoá cùng thảm hoạ về khí hậu, đến Ngân hàng Thế giới cũng như hoạt động của Liên hiệp quốc.

Sự hấp dẫn của Marx nằm ở tính chi li chuẩn xác, tính khoa học hiện đại và ở tính cực đoan mà cụ vốn dĩ mang đậm trong người từ thời còn là cậu tú. Vì chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21 đang ngày càng xa rời tư tưởng nhà nước xã hội của cuối thế kỷ 20 và sự “man rợ cấu trúc” của nó ngày càng rõ nét hơn, cụ thể là sự mâu thuẫn giữa giàu và nghèo cũng như nạn thất nghiệp sản sinh từ bản thân hệ thống, những khủng hoảng chu kỳ cũng như sự phí phạm tài nguyên triền miên, nên các nhà phê phán hệ thống tìm được nơi cụ Marx sự hỗ trợ tư tưởng và một thừa nhận về mặt đạo đức.

Khi các sinh viên ở Bá Linh thảo luận về Tuyên ngôn trong giảng đường, cũng có người phê bình rằng văn bản này đã quá lạc hậu, như „đảng Xã hội Dân chủ Đức trước Godesberg”, [3] đã quá lỗi thời.

Kẻ khác lại cho rằng Marx rõ ràng đã nói là trước hết giai cấp vô sản phải lâm cảnh cùng khổ toàn cầu đã rồi sau đó mới đến với cách mạng, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra. Ngược lại, họ nói, phong trào công nhân trong các thập niên qua đã làm giai cấp vô sản - ít ra là ở các nước giàu - ngày nay có nhiều thứ hơn xiềng xích để mà mất, như nhà, xe hay điện thoại di động chả hạn.

Schmalzbauer cho rằng hy vọng hệ thống sẽ tự hủy diệt, khi mọi người đều còn nghèo, là sai. Để vượt qua được chủ nghĩa tư bản, theo lời anh, chỉ có một cách, không hơn không kém, và ngồi chờ mọi thứ tự xảy ra là một việc dở hơi.

Theo Schmalzbauer thì cần phải chống khủng hoảng, tìm kiếm những con đường khác với cái trật tự kinh tế của thế giới hiện nay, và nếu qua đó người ta có thể học từ Marx được điều gì, thì chính là cung cách phê bình đến tận gốc, cách đưa tất cả lên bàn mổ. Từ xưa đến nay, phê bình tận gốc luôn đồng nghĩa với sự quan sát thực tế một cách toàn cầu.

Cách đây ít lâu xuất hiện trong nội bộ Attac một đề nghị rằng để chống khủng hoảng ta nên bảo đảm vô điều kiện cho mỗi người một thu nhập cơ bản. Phía sau đề nghị này là niềm tin rằng ai cũng có quyền tham gia vào đời sống và sự giàu có của xã hội, và từ trước đến nay, cái quyền này thường phải mua bằng sức lao động.

Nhưng giờ đây, trước con số 5 triệu người thất nghiệp ở Đức và trước cái nhận thức đang sáng dần rằng nếu có bỏ bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp không thôi thì cũng sẽ không đủ để tạo công ăn việc làm cho ngần ấy người, ta cần có những lời giải khác. Ta cần rút ngắn giờ làm việc, theo Schmalzbauer, cần một mức lương tối thiểu được chuẩn định và cần có cái thu nhập cơ bản nói trên, tức là cái thu nhập nhằm đảm bảo cho các chi tiêu về ăn uống, nhà ở, áo quần, học hành, giải trí và sức khoẻ, cái thu nhập nằm trên mức tối thiểu cần có để tồn tại, cái thu nhập có thể cho phép người ta tham gia vào đời sống xã hội mà không cần lao động.

Khi hỏi được hỏi rằng ai sẽ trả các khoản này thì anh nhăn mặt. Rồi anh bảo đây là một câu hỏi sai lầm, một kiểu suy nghĩ hẹp hòi bế tắc, không đi đến đâu, và có những tính toán cho thấy việc này làm được. Có đủ của cải cho tất cả mọi người mà.

Con người có thể làm nên lịch sử, đó là điều Marx hứa - nhưng lịch sử nào đây?

Với Marx cũng như chủ nghĩa Marx thì mọi thứ vẫn hệt như trước đây 150 năm: chủ nghĩa tư bản trong sự mâu thuẫn của chính nó - trong sức mạnh năng động và tính bất công man rợ của nó – gào thét đòi bị phê phán, đòi một con đường khác. Trong phê bình, Marx đã rất chính xác, nhưng khi vạch ra cái con đường khác thì bộ óc khôn ngoan này lại như đi trên mây - đầy mộng mơ như một cậu tú, tơ tưởng đến một tương lai không có đau khổ, đến một xã hội không có giai cấp, đến một hình thức lao động không có tha hoá, đến một nền cộng hoà không có nhà nước.

150 năm sau, triển vọng về những con đường khác còn xa vời hơn nữa. Hàng triệu người Mác-xít trong gần một tá quốc gia đã mày mò lắp ráp một xã hội khác, và nó, sớm hay muộn - sau bao khổ đau và cuồng loạn, tội ác và tàn sát - đều một là sụp đổ hoàn toàn, hai là ngắc ngoải như ở Bắc Triều Tiên và Cuba, ba là biến dạng thành một kiểu chủ nghĩa tư bản trá hình chủ nghĩa xã hội như ở Trung Quốc và Việt Nam, một thứ chủ nghĩa xã hội kiểu Manchester. Xưa kia Friedrich Engels đã viết cuốn Tình hình giai cấp công nhân ở Anh, thì nay có lẽ cụ sẽ viết về Tình hình giai cấp công nhân ở Trung Quốc.

Dự án tương lai của chủ nghĩa Marx đã thất tín, và cái chủ thể cách mạng tưởng là sẽ đấu tranh giành tương lai cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện hướng tới sức mạnh và đổi thay nữa - chưa bao giờ, trong suốt lịch sử của chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản lại ít muốn làm cách mạng như hiện nay.

Dưới con mắt biện chứng, Marx và chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại thiếu nhau. Vì chừng nào chủ nghĩa tư bản còn hiện hữu, nó sẽ đẻ ra một số những câu hỏi nhất định, và bộ óc nào tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ luôn luôn hồi sinh, để rồi sau đó bị tuyên bố là đã chết, để rồi sau đó được chôn, để rồi sau đó lại hồi sinh.

Ngay dưới ngôi mộ khiêm tốn mà người ta đã chôn cụ năm 1883, Marx cũng chẳng được yên nghỉ vĩnh viễn. Nửa thế kỷ sau, người ta lại đào cụ lên, đào cả gia đình cụ, và theo đơn đặt hàng của đảng cộng sản đã dựng hẳn cho cụ một tượng đài lớn.

Người ta lại chôn những người đã chết xuống lòng đất, tại một nơi có đủ chỗ cho cái tượng đài và những trò diễu hành này kia, đó là vào năm 1954, khi một nửa thế giới đi theo Karl Marx và thực hành cái mà theo họ là chủ nghĩa xã hội. Thuở ấy có nhiều phái đoàn đến viếng cụ, chủ yếu là người Nga và người Trung Quốc, những kẻ tranh giành di sản chính trị của cụ và trước khi đến thì thông báo để khỏi phải đứng cạnh nhau trước mộ cụ. Giờ đây, người Trung Quốc đến thăm với tư cách khách du lịch, cũng như những người khác.

Năm này qua năm khác, cụ Marx có thêm bạn, một đàn các nhà xã hội và cải cách xã hội nằm cạnh cụ, một vị chủ tịch đảng cộng sản Nam Phi, một ông cộng sản Iraq, một nhà văn cách mạng Anh, một chị phụ nữ hoạt động chống phân biệt chủng tộc ở vùng Caribean đồng thời là người lập ra ngày hội hoá trang ở Notting Hill (Luân Đôn).

Họ là những người đã mơ tưởng đến, hy vọng vào hay tìm cách thực hiện chủ nghĩa xã hội; có lẽ Marx sẽ tranh cãi nát nước với tất cả bọn họ, nhất là với những người theo chủ nghĩa xã hội hiện thực, những kẻ đã xây cho cụ cái tượng đài.

Và thế là cụ đã yên mộ ở Highgate, một bà bảo thủ quyết định ai được viếng Marx và khi nào, vào cửa mất tiền, và xem ra thì chưa có vẻ gì là chủ nghĩa xã hội đã thắng.

Có lẽ cụ sẽ thích một bà khác hơn, một bà người Đức tên là Marion Gräfin Dönhoff, người sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ đã viết trên tờ báo dành cho giới trí thức, xuất bản tại Hamburg và mang tên Die Zeit, như sau: “Sự sụp đổ của chủ nghĩa Marx không có nghĩa là sự chiến thắng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Marx chỉ thất bại với tư cách là một hệ thống kinh tế, không phải với tư cách là một mơ ước, một tổng thể những lý tưởng lâu đời của loài người: công bằng xã hội, đoàn kết, tự do cho người bị áp bức, hỗ trợ kẻ yếu. Với những lý tưởng ấy, Marx sẽ sống mãi.”


© 2005 talawas



[1]Đó là các từ „Arbeiter“ (công nhân) và „Achtblättler“ (cành tám lá).
[2]Attac Campus là nhóm sinh viên chống bất công xã hội do toàn cầu hoá gây ra. Theo con số tự nêu, Attac có 90.000 thành viên tại 50 nước trên thế giới.
[3]Đảng Xã hội Dân chủ Đức SPD đã thông qua chương trình hành động năm 1959 tại thành phố Godesberg để chuyển từ một đảng thuần tuý của công nhân sang đảng hoạt động quần chúng rộng rãi.

Nguồn: Der Spiegel, bản in, số 34/2005