trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
9.11.2005
Cao Xuân Hạo
Về ẢO ẢNH và ẢO GIÁC
 
Một hai tuần trước đây, trên talawas tôi có được đọc mấy bài rất thú vị và bổ ích, liên quan đến những vấn đề quan điểm học thuật, đặc biệt là đến hai khái niệm ảo ảnh ảo giác, mà tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng Âu châu khác gộp lại thành một (illusion), tuy sự phân biệt giữa hai khái niệm này khá quan trọng đối với những vấn đề quan điểm trong khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn của thời hiện đại.

Trên mấy số báo điện tử nói trên, tôi có được đọc mấy bài đã được nhiều độc giả chú ý, trong đó có thiên truyện “Bóng đè” viết bằng văn xuôi của một tác giả mà tôi chưa được đọc bao giờ, một bài tham luận của một nhà thơ mà tôi đã từng được thưởng thức và yêu mến, và của một nhà phê bình văn học mà tôi được đọc lần đầu tiên. Nếu không kể tác giả của “Bóng đè”vốn là người vô can vì chỉ cung cấp đề tài cho cuộc tranh luận – thì nhà phê bình văn học của chúng ta đứng trên đỉnh cao của một chuyên gia và trên một quan điểm chính thống thiên về chủ nghĩa hiện thực, sử dụng những tri thức khoa học được biểu đạt bằng những thuật ngữ chuyên môn trừu tượng và uyên bác, nghiêm khắc phê phán tác giả thiên truyện văn xuôi được lấy làm đề tài tranh luận, rồi sau đó, cũng trên quan điểm ấy, lại nghiêm khắc phê phán tính chủ quan và phản hiện thực chủ nghĩa của nhà thơ đã bênh vực tác giả thiên truyện. Bài tham luận của nhà thơ, trái lại, không có tham vọng đại diện cho một trường phái nào, chỉ lấy lương thức mà bênh vực tác giả một cách chân thành và hồn nhiên – cũng như những bài thơ đã làm nhiều độc giả như tôi xúc động vì bản chất hồn nhiên và chân thành của cô.

Ðể bắt đầu một cách giản dị và chính xác cuộc thảo luận này, tôi xin dùng đến một hình ảnh minh hoạ mà ta có thể tìm thấy trong tất cả các giáo trình tâm lý học dùng cho cấp Ba (các lớp Chuyên khoa) Trung học kể từ cuối thế kỷ XIX: ảo giác Müller-Lyer.

Cái ảo giác này được sách trình bày như sau :

Người ta vẽ hai đoạn thẳng AB và BC hoàn toàn bằng nhau, rồi vẽ thêm vào hai đoạn ABC những đoạn thẳng ngắn có hai nét > làm thành một góc nhọn quy tụ ở điểm A, rồi hai nét đồng dạng như thế (<) gặp nhau ở điểm C. Sau đó ta vẽ từ điểm B hai nét < (ngược chiều với >). Như vậy là ở ba điểm A, B và C ta đều có những hình góc nhọn xuất phát đúng từ những điểm lấy trên đường thẳng ABC. Bây giờ người xem hình vẽ mới hình thành sẽ thấy đoạn AB dài hơn đoạn BC một cách rõ rệt. Ðó chính là một “ảo giác” tiêu biểu, cho thấy cách tri giác bằng thị giác của con người chúng ta là “hoàn toàn sai”, vì trước khi vẽ thêm những nét > và <, người vẽ đã đo kỹ hai đoạn AB và BC và đã thấy rất rõ hai đoạn này hoàn toàn bằng nhau kia mà!

Như vậy ở đây dường như có một mối mâu thuẫn không thể dung hoà giữa một sự thật khách quan, được kiểm nghiệm từ đầu, là sự đồng nhất hoàn toàn về chiều dài giữa hai đoạn thẳng AB và BC, và một cảm giác chủ quan của người nhìn hình vẽ. Vậy ai là người nắm được chân lý khách quan – người vẽ hai đoạn thẳng bằng nhau kia, hay người nhìn?

Có thể tưởng chừng như vấn đề này đã được giải quyết ngay từ khi được đặt ra, và chính vì thế mà sách tâm lý học gọi đó là một “illusion”, nghĩa là ngay từ đầu đã kết luận bằng cách đổ hết trách nhiệm cho sự lầm lẫn trong cách tri giác của con người.

Con người lầm to khi có cảm giác là đoạn AB dài hơn đoạn BC.

E R R A R E E S T H U M A N U M
Sai lầm vốn là tính cố hữu của con người mà!

Nhưng có thật như thế không?

Ta hãy thư thư mà nghĩ lại một chút xem. Nói sai lầm, lẫn lộn, hay ảo giác, tức “trông gà hoá cuốc”, là nói trên quan điểm nào? Và trước hết, cũng phải biết là trên cơ sở thực tế nào?

Khi ta vẽ một cái hình được miêu tả như “hai đoạn thẳng AB và BC bằng nhau”, ta có bổn phận thực hiện chính những yêu cầu chứa đựng trong mấy chữ này, và ta có hình vẽ dưới đây:

và khi đã vẽ thêm những nét < và những nét > :

ta có một hình khác hẳn, một hình hoàn toàn mới.

Nhưng khi những người làm sách tâm lý học hạ bút viết hai chữ ảo giác, họ quên bẵng chuyện ấy đi, và yên trí rằng trước mặt họ vần là cái hình (1) như cũ, rồi căn cứ vào đó mà kết luận rằng người ta nhìn sai, người ta trở thành nạn nhân của ảo giác.

Kỳ thực cái bị gọi là ảo giác đó chính là cách tri giác đúng, hoàn toàn chính xác và duy nhất chính xác của một thị giác lành mạnh, vì người xem tất nhiên phải phân biệt hình (1) và hình (2): họ không thể trừu xuất những chi tiết đã nhập hệ vào hình (2) nghĩa là đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong quang cảnh chung của hình này, mà phải tri giác toàn bộ quang cảnh như một tổng thể, theo đúng những quy luật chi phối cách tri giác của mắt con người, vốn chỉ có thể “nhìn gộp” cả quang cảnh như một tổng thể bất khả phân – một quy luật mà tâm lý học Gestalt hiện đại đã nghiên cứu rất kỹ.

Những người gọi đó là một “ảo giác” đã phạm một sai lầm lớn, hết sức nghiêm trọng, vì đã lẫn lộn hai hệ chiều kích tuyệt nhiên không có sự tương ứng một đối một với nhau: chiều kích của tri giác tự nhiên của con người đứng trước một hình vẽ trọn vẹn (sau khi đã vẽ thêm các nét “phụ”), và chiều kích của toán học, của sự đo đạc lượng tính, tức của sự kiến tạo (construct) phi tự nhiên của hình (1), khi hình này chưa hề được vẽ thêm những nét phụ có dạng > và < , tức vẫn y nguyên như hình (1).

Chính nhờ giác ngộ được sự cách biệt này mà Ferdinand de Saussure đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại khiến ngôn ngữ học trở thành một khoa học chân chính, có được đối tượng riêng và phương pháp luận riêng của mình, hoàn toàn độc lập đối với các ngành khoa học khác tưởng chừng như có quan hệ trực tiếp với ngôn ngữ: ngành sinh lý học của cơ chế phát âm và ngành vật lý học của các hiện tương âm thanh (âm học hay thanh học).

Không phải vô cớ mà Saussure được ngôn ngữ học châu Âu tôn vinh là “người cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại”.

Và Saussure không hề đơn độc. Thật ra ông chỉ là một trong những người tiên phong của một trào lưu rộng lớn bao trùm cả châu Âu vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trong đó ít nhất có thể kể Xã hội học của Émile Durkheim, Tâm lý học Gestalt (Gestaltpsychologie) ở Ðức, Áo với những tác giả như Wolfgang Köhler, phân tâm học (Psychoanalyse của Sigmund Freud và Carl G. Jung, Nhân học cấu trúc luận (Anthropologie structurale) của Claude Lévi-Strauss, đều có công xác định tính độc lập của đối tượng khảo sát của ngành mình và mở rộng nó ra những lĩnh vực trước kia chưa được nghiên cứu như lĩnh vực của vô thức (l’inconscient), vốn có tác dụng quan trọng đối với đời sống tâm lý, xã hội và văn hoá của con người.

Và tất cả những nhà khoa học nhân văn ấy đều ít nhiều góp phần vào sự hình thành của một đường ranh giới cơ bản giữa khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.

Sở dĩ những cố gắng của họ đã làm cho khoa học nhân văn có được cương vị của những khoa học chân chính là vì họ đã xác định được sự khu biệt rất cơ bản giữa khoa học nhân văn với các ngành khoa học tự nhiên và “khoa học chính xác”.

Sự khu biệt ấy như sau:

Nếu khoa học tự nhiên đi tìm cái chân lý khách quan của sự vật bằng cách gạt bỏ những cách tri giác của con người có ảnh hưởng đến nó, thì khoa học nhân văn lại nghiên cứu chính bản thân cách tri giác chủ quan của con người, với những lăng kính, những ảo giác chịu sự chi phối sâu xa của một cõi vô thức rất ít khi nổi lên bề mặt, khi tiếp xúc với những sự vật của thế giới khách quan, chứ không phải bản thân những sự vật ấy.

Trong ngôn ngữ học, việc phát minh ra sự khu biệt ấy đã đẻ ra cả một nền ngôn ngữ học mới: ngôn ngữ học cấu trúc (structural linguistics), trong đó ngành tiêu biểu nhất có lẽ là âm vị học (phonology) so với ngữ âm học cổ điển. Khác với ngữ âm học, vốn tự coi là một khoa học tự nhiên [1] , âm vị học xét các âm thanh của ngôn ngữ với tư cách là những đơn vị có tác dụng cấu tạo và phân biệt nghĩa trong ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ học được những người làm khoa học nhân văn nhất trí coi là ngành khoa học hoa tiêu (science-pilote), thì âm vị học lại được các nhà ngôn ngữ học coi là môn học hoa tiêu của các khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ.

Trong âm vị học cũng như trong ngôn ngữ học nói chung, những sự khác nhau về phương diện vật lý hay sinh lý đều phải được trắc nghiệm trên cơ sở của tính quan yếu (relevance) về chức năng và cương vị cấu trúc (structural status) trước khi được công nhận là có đủ tư cách của một đơn vị có thật trong ngôn ngữ. Môn này có thể định nghĩa là môn học về những ảo giác của người bản ngữ trong khi nhận diện và phát âm những âm thanh của tiếng mẹ đẻ, và đó chính là cái chân lý khách quan mà nhà ngữ học phải tìm cho ra bằng những phương pháp riêng, khá cặn kẽ và kỳ khu, của âm vị học, nhằm loại bỏ những sự thật hoàn toàn có thật nhưng không quan yếu (không có giá trị ngôn ngữ học) đối với cách tri giác đặc thù của người bản ngữ.

Saussure từng viết: “Quan điểm duy nhất được ngôn ngữ học chấp nhận là quan điểm chủ quan của người bản ngữ”.

Và trong lịch sử ngôn ngữ học hiện đại chưa bao giờ có ai phủ nhận cái chân lý hiển nhiên này mà không bị toàn thế giới ngôn ngữ học chê cười rất mực. Ngay cả trường phái ngôn ngữ học mang đậm màu thực chứng luận (positivistic) và vật lý luận (physicalistic) nhất trên thế giới là trường phái ngôn ngữ học miêu tả (descriptive linguistics) cũng thừa nhận rằng “người bản ngữ, cũng như người khách hàng, bao giờ cũng đúng” (the Native speaker, like the customer, is always right).

Văn học, với tính cách là nghệ thuật của ngôn từ, cũng không thể nằm ngoài phạm vi tác dụng của cuộc cách mạng về quan điểm khoa học này. Trong hàng ngũ các nhà lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng có nhiều học giả (trong đó René Guénoun có lẽ là người tiêu biểu nhất, coi đối tượng của lý luận và phê bình văn học là “sự đọc” hay “cách đọc” (la lecture), lấy mỹ cảm nảy sinh trong chủ thể của người đọc tác phẩm làm thước đo giá trị của tác phẩm. Cách đọc có thể thay đổi qua từng thời đại, nhưng nó không lệ thuộc vào những nhân tố “văn học chi ngoại” như tiểu sử của tác giả hay những biến cố của cái thời đại đã chứng kiến những sự kiện diễn ra khi tác phẩm chào đời.

Có lẽ tiêu biểu nhất là những phát hiện của Trường Wien khi họ phê phán quan điểm nguyên tử luận của É. Condillac (1715-1780), nhà tâm lý học quan niệm sự nhận diện như là tổng số những cảm giác đơn lẻ được gộp lại sau một phép tính cộng chi ly. Họ chính là những người đã chứng minh được rằng một hình ảnh có thể được nhận diện (một Gestalt) không phải là tổng số những nét riêng lẻ mà là một cái gì khác hẳn về chất – một cấu trúc (structure) – được chủ thể tri giác ngay tức khắc, trong một nháy mắt, chứ không phải sau một chuỗi phép tính cộng có thể kéo dài hàng buổi. Sự ngộ nhận nặng nề nhất mà họ phải khắc phục chính là khách quan luận (objectivism) – cái bẫy tai hại khiến cho họ không tài nào nhìn thấy được hình ảnh thật của đối tượng mình đang nghiên cứu, chỉ vì họ không hiểu rằng ngôn ngữ và mọi lĩnh vực hoạt động khác của con người không phản ánh bất cứ lĩnh vực nào của thế giới khách quan, mà chỉ phản ánh cách con người tri giác và cảm thụ nó mà thôi.

Chính khái niệm cấu trúc đối lập với yếu tố riêng lẻ, đã giúp cả một loạt khoa học nhân văn thực hiện cuộc cách mạng lớn khiến cho họ thoát khỏi thời đại nguyên tử luận đã từng có lúc khiến cho họ mãi không tìm ra đối tượng của mình.

Người trong cuộc – người bản ngữ hay người nghệ sĩ đang sáng tác – không có một lý do gì, một áp lực gì có thể khiến họ tưởng mình đang theo đuổi một mục đích nằm ngoài ngôn ngữ hay nghệ thuật, ở một nơi nào đó thuộc thế giới khách quan mà mình phải thoát ra khỏi bản năng tự nhiên của chủ thể để đi tìm cho ra.

Ở tác giả bài “Thân ốc với cọc không rêu”, quan điểm của người không làm nghệ thuật, người ngoại hàng, lộ rõ mồn một khi, theo gương một số không nhỏ những nhà phê bình khác, ông bắt đầu phán về tính chất vật lý học của ảo giác, và nhất là khi ông nói đến tu từ học.

Trên quan điểm của khoa học tự nhiên (như quang học chẳng hạn) ảo ảnh là một hiện tượng vật lý, nhưng khi nói đến ảo giác (như ảo giác Müller-Lyer chẳng hạn) ta đã chuyển sang tâm lý học, một khoa học nhân văn, lấy cảm giác chủ quan của con người làm đối tượng. Có lẽ khi nói ảo giác là một hiện tượng vật lý, tác giả bài “Thân ốc…” trước tiên nghĩ đến những ảo ảnh thường thấy có trên sa mạc khi không khí bị nhiệt lực của cát nung nóng lên tạo thành những lớp tách biệt và do đó mà làm cho người đi trên sa mạc có ảo giác như thể trước mắt mình có một hồ nước phẳng lì phản chiếu ánh sáng. Làn nước ấy là một ảo ảnh, hay gọi là một ảo giác cũng được, nếu người lữ hành đủ thật thà để tin rằng trước mắt mình là nơi hứa hẹn một phen giải khát đã đời. Nhưng với một vốn tri thức phổ thông của cấp tiểu học, ngày nay người ta cũng đủ khôn ngoan để biết rằng lời hứa hẹn kia đánh lừa mình, và làn nước kia là hư ảo. Và thế là cái ảo ảnh kia hoàn toàn bị vô hiệu hoá.

Khi đọc những câu nói đến tu từ học, với những ngữ đoạn đầy ý chê bai như lạm phát, sáo rỗng, người đọc phải ngỡ ngàng tự hỏi không biết tác giả này hiểu hai chữ tu từ ra sao.

tu từ học (rhetorics hay stylistics) là môn học cổ xưa làm thành cái ngưỡng cửa đưa tác giả và người đọc từ ngôn ngữ giao tiếp thường ngày bước sang ngôn ngữ thi ca, chuyển từ câu nói vu vơ của trò chuyện thường ngày sang sáng tác nghệ thuật. Nhưng tác giả kia hình như lại hiểu tu từ là “việc dùng một số từ nhất định cùng thuộc một lĩnh vực nào đấy (như lĩnh vực tính dục chẳng hạn) một cách vụng về, phi mỹ học”.

Thật ra tu từ học chính là nghệ thuật dùng ngôn từ nói chung, trong đó có cả ngữ âm và ngữ pháp nữa, để tạo ra những hiệu quả nghệ thuật. Hiệu quả nghệ thuật lại chính là những ảo giác đẹp mà người nghệ sĩ có tài tạo ra được trong tâm lý người nghe hay người đọc. Và người biết thưởng thức nghệ thuật chính là người cùng rung cảm một lần nữa với tác giả vì những ảo giác mà chính tác giả đã thể nghiệm trong khi sáng tác. Cũng như trong trường hợp của ảo giác Müller-Lyer, thật ra đó không phải là những ảo giác, mà là những tri giác chính xác của con người bình thường, không khuyết tật. Chính vì thế mà thi ca và nghệ thuật ngôn từ có hiệu quả mạnh mẽ và lớn lao đối với con người như ta đã biết. Và cũng chính vì thế mà người nghệ sĩ và nhà phê bình hay nhà nghiên cứu nghệ thuật có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nữa là đàng khác, khi hai bên đứng trên hai quan điểm khác nhau, một bên thì đứng trên lập trường của hiện thực khách quan vô tri vô giác nên không thể có được những cảm xúc (trong đó có cả những cái bị người ngoại hàng coi là những ảo giác) được người nghệ sĩ thể nghiệm và sống bằng từng đường gân thớ thịt của mình.

Từ đó, giữa người nghệ sĩ và nhà nghiên cứu phê bình hiện ra một vực thẳm không có gì lấp được giữa hai thế giới hoàn toàn xa lạ: thế giới của những tri giác và cảm xúc tự nhiên (trong đó có cả những ảo giác và những định kiến vô thức), và đối lập với nó là thế giới của thực tại khách quan tự nó, vốn hoàn toàn vô tri vô giác, hoàn toàn độc lập đối với cảm xúc và tri giác của con người, với những ảo giác và định kiến vô thức của nó, làm cho người nghệ sĩ và nhà phê bình lâm vào cái thế vĩnh viễn đồng sàng dị mộng, không bao giờ có thể hiểu nhau để tìm được một tiếng nói chung.

© 2005 talawas



[1]Thật ra ngữ âm học cổ điển cũng chưa bao giờ là một khoa học tự nhiên. Chẳng qua nó chỉ là một môn âm vị học chưa kịp tự giác về bản thân mình (xem Cao Xuân Hạo. Phonologie et Linéarite. Réflexions critiques sur les postulats de la Phonologie contemporaine, Paris 1985).