trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
14.12.2005
Trần Nghi Hoàng
Phan Khôi: Lý giải về nam nữ bình quyền trong “chuyện nước”
 
Vấn đề “nam nữ bình quyền” rồi “nữ quyền” là một đề tài đã được dai dẳng phân tích, tranh luận từ đầu thế kỷ 20 đến nay, mà sôi động nhất là vào khoảng giữa thế kỷ đó. Những nhà văn, nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn của Âu Châu như J. J. Bachofen, Lewis Henry Morgan và thậm chí cả Friedrich Engels đều từng tốn giấy mực về vấn đề này.

Trên trang web talawas ngày 25 tháng 11 năm 2005, có đăng lại một bài viết của Phan Khôi [1] , với tựa đề “Đàn bà với quốc sự[2] . Tôi đọc bài viết của ông mà rất lấy làm cảm phục! Đã trải qua ba phần tư thế kỷ mà những lý luận được ông nói ra vẫn rất hiện đại và thực tiễn.

Phan Khôi mở đầu:

“Đàn bà cũng nên làm quốc sự.

“Đã lâu, bên nam giới khuyên chị em ta ra làm quốc sự. Cái luận điệu của họ như vầy: ‘ Trai gái đều là con em của nhà nước, mà việc nhà nước là việc chung, thì bạn phụ nữ của ta cũng nên ra gánh vác một phần mới được’ Cái ý kiến vẫn là phải là hay, song tiếc thay anh em nam giới chỉ mới lấy lý mà nói với chị em mình, chớ chưa nói đến việc...

“... Song bạn nam giới chỉ khuyên chị em ta nên làm quốc sự thôi, mà không nói thêm gì nữa, thì thiệt là minh mông quá, ai biết bờ biết bến ở đâu mà đi. Thiệt vậy, gọi là quốc sự thì giới hạn của nó không biết đâu là đất trời, công việc của nó biết bao nhiêu là chi tiết”...

Phan Khôi nhắc nhở những lời “khuyên” của phe nam giới đối với phía nữ giới. Ông nhắc khơi khơi và cho rằng lời khuyên có cái thiếu sót là không chỉ ra được những gì mà nữ giới nên làm trong chuyện quốc sự!

Hóa ra, theo ông Phan thì: Quốc sự có nhiều lãnh vực và bao la như trời đất, mà “dường như”, có những việc nữ giới nên làm, và những việc khác chỉ có nam giới mới khả dĩ thực hiện được! Rốt cùng, trong sự việc “đòi nữ quyền” của ông Phan, vẫn có nhiều “phân biệt” tế nhị của nó.

Lý giải là của ông Phan Khôi, nhưng bằng một cách rất thông minh, ông vô hình chung đã đặt những suy nghĩ của lý giải này về phía nam giới nói chung.

Tiếp sau đó, ông Phan lại từ tốn đi vào chi tiết:

“Làm người đàn bà, hết lòng khuyên chồng dạy con, cho chồng con được thành tài đạt đức, trở nên những người lợi ích cho xã hội, vẻ vang cho gia đình, ấy là quốc sự... Hay là gìn giữ quốc hồn, chăm lo học nghiệp, để cho trong bọn lầu son gác tía, cũng nẩy ra hạng học rộng tài cao, mở mặt cho chị em, giúp ích cho xã hội, ấy đó cũng là quốc sự nữa... Những việc của cá nhơn làm mà có ích hoặc gần hoặc xa cho nhơn quần xã hội, thì đều là quốc sự cả. Những việc gọi là quốc sự như thế, thì từ khi nào tới giờ, chị em mình vẫn làm hoài, tuy chưa được vẻ vang rực rỡ như ai, nhưng cái thiên chức ấy, bọn ta không phải là không biết tôn trọng. Cái nghĩa quốc sự của họ khuyên mình, chắc là thuộc về một phương diện khác. Phải rồi, họ khuyên mình nên lưu tâm về việc hưng vong của nòi giống, biết hiến thân để trả nợ cho nước nhà. Chừng đó, quốc sự mà có nghĩa chuyên về việc chính trị vậy.”

Thực ra, hai chữ “quốc sự” đối với người Việt Nam, từ bấy nay, vẫn được hiểu là “chuyện chính trị” đó chứ! Ông Phan đâu phải chẳng biết điều này. Ông Phan sở dĩ dông dài làm bộ dẫn nghĩa, là ông có mục đích của ông.

Ông Phan còn đặt vấn đề, nếu quốc sự là “chuyện chính trị”, thì sự việc vẫn còn lờ mờ y nguyên. Bởi, quốc sự trong cái nghĩa chính trị ấy, nó có nhiều “phương pháp” lắm. Và phương pháp nào thì hợp với tánh chất, tâm lực của người phụ nữ? Làm như Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Jeanne d' Arc xông pha tên đạn; hay như Bà La Lan, bà Thu Cận dụng ngòi bút như vũ khí chiến đấu? Hay làm như bà Camwell, quyên sanh cứu nước, nhi nữ anh hùng v.v...

Ông Phan dài dòng dẫn chứng ra nhiều bậc nữ lưu anh thư kiệt hiệt, chỉ để rồi ông sau đó kết luận một cú rất là phản đề như sau:

“Nói ngay thật ra, mà không sợ mích lòng chị em mình thì đàn bà Việt Nam ta bây giờ không nên làm quốc sự; nói cho rõ hơn, là không nên làm quốc sự có ý nghĩa về chánh trị, thứ nhứt là cái chánh trị ở trong tình cảnh ta ngày nay. Vì sao?”

Chưa được biết ông Phan sẽ lý giải ra là “Vì sao?”, chỉ cần nghe được hai chữ “quốc sự” trong một câu chuyện, nhất là trong tình hình đất nước Việt Nam mấy trăm năm qua, mỗi người Việt Nam có chút hiểu biết vừa phải đã có ngay cái cảm giác hoang mang, hồi hộp và thậm chí bất an. Hai chữ “quốc sự" đồng nghĩa với tù tội, lưu đày, lưu vong, và ngay cả cái chết! Cái đóm lửa vinh quang cuối đường hầm của hai chữ “quốc sự” mang tính huyền thoại viễn mơ. Cha mẹ đau đáu sợ con cái bị “dụ dỗ” đi làm “quốc sự”. Vợ phập phồng khi thấy chồng giao thiệp với những ông bạn đang làm “quốc sự”... Một con người Việt Nam đi làm “quốc sự", đồng nghĩa với chọn cho mình con đường điêu linh và chết nay sống mai chẳng khác chi một chiến sĩ cầm súng đang xông ra mặt trận.

Nhưng rồi chúng ta cũng phải lắng nghe Phan Khôi trả lời “Vì sao?” mà đàn bà Việt Nam ta (bây giờ) không nên làm “quốc sự”.

(Xin chú thích thêm rằng, hai chữ “bây giờ" của Phan Khôi, là thời khoảng 1929, lúc Việt Nam đang còn bị Pháp đô hộ. Nhưng cá nhân tôi, Trần Nghi Hoàng, vẫn thấy hai chữ “bây giờ” của ông Phan vẫn còn giá trị y nguyên như thời ông viết bài “Đàn bà và quốc sự”.)

“Có một lẽ phân minh và tầm thường hơn hết, là chị em mình chưa có giáo dục và huấn luyện gì về đường ấy [làm chính trị, TNH] hết. Đừng có thấy trong lịch sử loài người, và lịch sử riêng của nước mình nữa, có một đôi người đàn bà hiến thân vì nhà nước, đổ máu cho đồng bào, làm oanh liệt trong nhứt thời, lưu anh danh về thiên cổ, đặng vin lấy đó mà nói cao rằng đàn bà cũng có thể làm việc nước đặng.”

Xem ra, ông Phan Khôi này có chỗ kỳ thị nam nữ chắc! Theo tôi thì không. Ông Phan đã viết ra những lời chân thành nhất của một trí thức có tấm lòng với đất nước trong thời buổi ly loạn. Hãy đọc tiếp:

“Nói chung về sự giáo dục huấn luyện ở trong nước mình, ta phải nên công nhận rằng trai gái có chỗ hơn kém nhau xa, chớ không phải đã được đồng đẳng. Tức là nói riêng về sự giáo dục và huấn luyện trong đường chánh trị, thì trai gái cũng không được đồng đẳng. Thử coi trong trường chánh trị, bọn anh em trai chúng ta đã đi được đến đâu rồi? Có phải là chưa đâu vào đâu hay không? Một phần người được tiếng là có giáo dục và huấn luyện ít nhiều, mà còn thở than lăn lóc, như dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chuyện gì, thì óc nào suy nghĩ, sức nào gánh vác, tài nào đảm đương, mà biểu chị em mình cũng nên làm quốc sự!”

Trong phần đầu, tôi có bày tỏ lòng cảm phục khi đọc bài “Đàn bà và quốc sự" của ông Phan. Và đoạn tôi vừa trích bên trên là bản văn đã tác động nên lòng kính phục đó của tôi đối với ông. Ngay trong sự giáo dục chung của xã hội Việt Nam, đã có sự chênh lệch trong vấn đề giáo dục nam nữ. Đặc biệt là về lãnh vực chính trị. Và ngay cả những người Nam, tức thành phần được “ít nhiều” giáo dục và huấn luyện về chính trị, tức “quốc sự”, mà còn chẳng làm nên cơm cháo. Huống gì...

Con người Việt Nam, nói chung từ trong nước cho tới những kẻ sống lưu vong nơi hải ngoại, cho tới hiện nay vẫn bị khuyết tật về kiến thức chính trị. Nhiều người Việt Nam, trí thức, tàm tạm trí thức, và ngay cả giới bình dân vỉa hè đều thích nói, thích luận bàn về chính trị. Nhưng con số người được trang bị kiến thức và nội lực để có thể tham dự vào lãnh vực này, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay...

Cứ vào một quán cà phê đầu ngõ ở Việt Nam vào buổi sáng, trước 75 (và ngay cả sau 75), chắc chắn bạn sẽ được nghe những lời bình luận thời cuộc của một anh phu xích lô, một ngài chạy áp phe hàng xách v.v…! Tiệm hớt tóc trong xóm là nơi bạn có thể thu thập được những tin tức từ quốc nội ra tới toàn thế giới kèm theo những lời cao luận của mấy ông khách vô công rồi nghề và của ngài chủ tiệm... chuyên viên đọc báo và nghe đài phát thanh... theo cung cách suy tưởng và hiểu biết rất riêng của ngài. Ai ai cũng am tường chính trị và chuyện “quốc sự" một cách khó ngờ!

Mấy ông Nam Kỳ Lục tỉnh sau một ly đế và một tiếng khà sảng khoái, sẽ mở đầu bài diễn văn vừa lớn tiếng và lắm khi lè nhè bằng câu: “Ối! Hồi thời 45, Việt Minh đảo chánh Tây đó, tui đã biết trước Việt Minh là cộng sản mà rồi họ sẽ thắng. Bởi vậy, chủ trương của tôi là chơi cho đã đời... tới đâu hay đó! Cộng sản mà thắng, mà vào được tới Sè Goòng là hết đường hưởng thụ à nghe! Bây giờ thì đế Gò Đen làm đỡ. Chứ hồi thời trước, tui... đấm vào cái thứ rẻ tiền này. Phải Uýt Ki, Cỏ Nhắc à nghe!”

Rồi một ông Bắc Kỳ 54 sẽ cố tình thở dài se sẽ, mắt làm ra vẻ chán chường và thông thái: “Còn tôi hả? Ông biết không, tôi nhìn trước được thời cuộc chuyển biến ra sao. Thời cuộc như nằm trong lòng bàn tay mình. Mình biết cộng sản hẳn đi rồi, chứ Việt Minh gì gì! Thế là theo gia đình vào Nam. Mà cũng biết trước vào Nam chỉ là giai đoạn thôi! Chứ chẳng sớm thì chày, chúng cũng sẽ... vào theo. Nên thế là cho con du học. Cho chúng đi ngoại quốc tất! Nhưng rồi người tính không bằng giời tính. Đã đưa danh sách gia đình cho U Sét cả rồi đấy! Vậy mà kẹt lại. Đến 97 mới được các cháu mang qua đoàn tụ gia đình.”

Ông Trung Kỳ thì cười khỉnh: “Mấy ông thì giỏi, giỏi lắm! Còn tui bị lừa từ đầu đến xương! Tui là Tổng Thư ký của Đại Việt nghe. Anh cả tuyên bố sẽ ở lại chiến đấu tới cùng, hoặc thuyết phục chính quyền cộng sản phân quyền ra cho các... đảng phái đối lập... Nhưng rồi mới 29 tháng Tư là anh cả đã dọt mất. Tui hận. Bây chừ tui đấm đếch vào mấy cái đảng đó. Thằng anh cả gọi phone xin lỗi. Tui cũng đấm đếch thèm trả lời. Tù 7 năm, tui khôn ra rồi. Chừ con cái bảo lãnh qua đây đoàn tụ gia đình. Tui chỉ biết có gia đình thôi!”

Đại khái là vậy. Những “trí giả” lưu vong hải ngoại!

Mấy ông, dày dạn “chiến trường” mà còn thảm thê nông nỗi! Vậy xúi các bậc nữ lưu nhảy vào con đường chính trị “quốc sự” thì sự thể sẽ còn ra tới như thế nào nữa?

Nhưng ông Phan không phải quyết liệt cản ngăn quý nữ lưu nhảy vào chính trường tức con đường quốc sự. Mà ông bày ra một con đường khác, những con đường khác để cho các bậc nữ lưu có thể can dự vào “chuyện nước”, an toàn hơn tuy không kém phần vất vả nặng nề; nhưng hiệu quả hơn và trách nhiệm quả tình rất lớn:

“Phải, nghĩa vụ của chị em mình không phải ở chỗ đó, còn có nhiều công việc quan hệ như trời, mà trách nhiệm đều đổ hết vào mình chị em ta, chị em ta phải lo mới được. Việc gia đình, việc chức nghiệp, việc giáo dục, việc canh nông, việc khuyên chồng nuôi con, việc trong nhà ngoài họ v.v... đều là trách nhiệm của mình, tưởng làm hết đời người, chưa chắc đã đầy đủ, can chi họ lại bỏ đó mà đi theo đuổi một việc như nhảy lên lưng cọp, như lội qua sông dài...

Tuy vậy quốc sự vẫn có quan hệ đến chị em ta nhiều, chị em ta cũng nên lo mà lo một cách khác.”

Ông Phan, trước hết đưa ra quan điểm “gia đình là cái gốc của xã hội”. Rồi ông kết luận:

“Khi tôi nói rằng trọng gia đình, là nói ngay vào việc gia đình giáo dục, chớ không phải có cái tư tưởng muốn giữ những thói xưa tục cũ là những thứ có thể ngăn trở bước đường tiến hóa của ta...

“Điều tôi muốn nói là hiện nay người mình không mấy ai chịu lo đến việc gia đình giáo dục hết. Nói bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. Chẳng qua là chúng mình lầm mà quá đem lòng tin cậy vào việc giáo dục của xã hội ta hiện thời... Ta có con cái, từ nhỏ tới tuổi đi học, ở trong gia đình, không lo đến một sự giáo dục nào riêng, cứ nói rằng có trường lớn trường nhỏ, thầy tây thầy ta đây kia...”

Chẳng riêng gì thời 1929, người Việt Nam chỉ tin vào trường học và trường đời (xã hội) như Phan Khôi đã ta thán! Ngay hiện tại đầu thế kỷ 21 này, con số người Việt vẫn còn tin (hoặc đành phải tin) vào trường ốc và xã hội cũng không là ít! Nhất là người Việt ở hải ngoại.

Xã hội Việt Nam ở trong nước thì hỗn loạn và tồi tệ như thế nào, hẳn là ai cũng đã biết. Nền giáo dục Việt Nam trong nước băng hoại, thảm thê ra sao, cả thế giới cũng đã có những bằng chứng và dữ kiện đầy đủ. Như vậy, con số cha mẹ còn tin vào xã hội và giáo dục trong nước Việt Nam, xem chừng chẳng còn bao nhiêu hoặc có thể nói là hầu như không có. Nhưng hầu hết các bậc cha mẹ trong nước Việt Nam, cứ đành phải giao khoán con cái cho trường học và xã hội, vì họ không còn chọn lựa khác. Có một thời, con cái không còn là của cha mẹ hoàn toàn nữa. Trong cái nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cộng sản, là chế độ cai trị cuốn con người ta vào những cơn lốc trước cuộc sống và những nghĩa vụ với đất nước, với Đảng.

Tuy nhiên, hiện nay theo tôi thấy, sự thể đã có đôi phần chuyển đổi. Chuyển đổi thì có chuyển đổi. Nhưng sự hỗn loạn và tồi tệ thì dường như không giảm sút bao nhiêu! Bởi rất nhiều những thứ hỗn loạn và tồi tệ khác từng ngày xuất hiện.

Với những hỗn loạn và tồi tệ của trong đất nước Việt Nam cộng sản, và tự do... không giới hạn ở hải ngoại, những lời khuyên của Phan Khôi cách nay 75 năm, xem ra vẫn không giảm sút chút giá trị nào:

“... Ở trong thứ lò đào chú như thế mà ra, dầu có nên ông chi bà chi đi nữa, cũng không nên vội mừng cho xã hội, mà có khi buồn cũng nên, vì nó thiếu mất cái bổn lãnh phải nhờ sự gia đình giáo dục mới có.

“Bổn lãnh có thể nói là cái tinh thần hay là nhơn cách của người ta, từ trong nền gia giáo mà đào luyện ra. Làm người phải có bổn lãnh để làm cái gốc lập thân xử thế, còn sự học vấn là để tô điểm thêm vào mà thôi, chớ không thể ỷ y nguyên vào đó được. Cho nên ta thấy có nhiều người học vấn rộng, mà nhơn cách hèn, là chỉ vì họ không có bổn lãnh, nghĩa là không từng có sự giáo dục trong gia đình. Trái lại, có người chẳng có học vấn gì, mà nhơn cách của họ cao, ấy là từ khi còn ở trong nhà với cha mẹ anh em, họ đã chịu được nhiều điều khuyên hay dạy phải làm.”

Rồi ông Phan dẫn lời của văn hào Léon Tolstoi: “Nếu mình muốn nâng cao con cháu mình lên, mà tự mình không nâng cao mình lên, thì hình như việc giáo dục là một việc khó khăn lắm. Ví bằng người ta, ai cũng hiểu rằng sự làm gương là một cách giáo dục hay hơn hết, thì cái vấn đề thấy rõ ràng lắm vậy".

Tất nhiên, trong gia đình, từ Đông sang Tây, cha mẹ luôn là những tấm gương cho con cái. Đa số những đứa con vào đời nên hay hư, thành hay bại, là đều do ảnh hưởng từ nguồn gốc đời sống gia đình.

Thường, những can phạm tày trời ở Âu Mỹ vẫn được các nhà phân tâm học, tâm lý gia điều nghiên lục vấn về cái thời trẻ thơ quá khứ. Và chẳng ít những kết luận tay A hoặc tên B can tội giết người, lừa đảo, chẳng qua vì cái quá khứ phức tạp trong một gia đình mà cha mẹ đổ vỡ và vô đạo đức v.v...

Tuy nhiên, ở đây ông Phan muốn nói đến trách nhiệm đem những cái gương của cha mẹ cho con cái noi theo là của người nữ, tức người mẹ, người nội tướng bên trong.

Cùng lúc đặt trên vai người nữ cái trách nhiệm nặng nề đối với chồng, với con để rồi tương quan đến đất nước, tức là chuyện quốc sự, Phan Khôi vạch ra con đường làm chính trị gián tiếp nhưng vô cùng hiệu quả cho người đàn bà. Để đẩy mạnh và phấn khích cho giới nữ, ông Phan còn chua chát đưa ra vấn nạn của đất nước:

“Bây giờ, nên trở lại câu chuyện tím ruột của ta.

Trên nửa thế kỷ nay, cái cảnh non sông tổ quốc của ta đã sanh ra bao nhiêu nhà làm quốc sự, có người tư tưởng đến trắng tóc bạc đầu, có người hiến thân đến xương tan thịt nát, tuy không thành công gì, nhưng trước cái hùng tâm tráng khí của những bực ấy, ta cũng nên cúi đầu. Trừ một số người rất ít, có thành tâm, có tư cách, có tài năng làm việc quốc sự ra, còn biết bao nhiêu kẻ không thành tâm, không tư cách, không tài năng mà cũng lăm le ra gánh vác quốc sự, nếu công phu và ngày giờ của họ đem làm việc khác còn có ích hơn. Thời đại khác thì phong tục khác. Thuở xưa còn chuộng những thi cử và quan cách, thì ai cũng đổ xô vào con đường ấy, còn đời nay trọng những người chí sĩ, thì người ta cũng tranh nhau mà đi, dầu tự mình không xứng cũng mặc. Quốc sự đối với những hạng ấy, cũng là một cái nghĩa hiếu danh như đời trước mà đổi mục đích đi đó thôi.”

Phan Khôi huỵch toẹt ra những tệ trạng đã có từ thời đầu thế kỷ 20. Đến nay, đầu thế kỷ 21, vẫn còn tồn tại. Chẳng những tồn tại, tệ trạng này xem ra ngày càng vững mạnh và bành trướng.

Tôi có thể lấy một trong năm điều “trối” của Lỗ Tấn trong di chúc của ông Lỗ, để nói lên cái ý của ông Phan. Chỉ cần thay đổi chút ít. Trong di chúc, ông Lỗ khuyên con cháu về chuyện văn chương, mỹ thuật. Chỉ cần thay đổi tiêu đề ra thành chuyện quốc sự, là công dụng như nhau:

Điều thứ 5 trong Di chúc, Lỗ Tấn viết:

“Con lớn lên, nếu không có tài thì tìm việc gì mà sinh sống, nhất thiết đừng làm một nhà văn hay một nhà mỹ thuật đầu óc rỗng tuếch...” [3]

Như vậy, ông Phan thực ra đâu phải chỉ khuyên quí vị nữ lưu hãy... khoan làm quốc sự. Ông Phan đã khẩn thiết khuyên luôn cả những quí nam giới thiếu tài, thiếu đức, thiếu kiến thức chính trị chớ có mà... ham làm “quốc sự"!

Và theo kinh nghiệm của quá trình sống hơn 30 năm ở hải ngoại của cá nhân tôi, con số những “chính trị gia" trời ơi đất hỡi không tài, không đức, và tất nhiên là cũng không có chút kiến thức chính trị đã a thần phù nhào vô lãnh vực chính trị chẳng phải là ít!

Còn chuyện “quốc sự” đối với những chính trị gia và cách mạng gia trong nước, của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam - tưởng rằng lọ là phải ngôn!

Hãy tội cho nhân dân và đất nước của chúng ta!

Virginia 29 tháng 11. 2005

© 2005 talawas



[1]Phan Khôi (1887-1959) là tên thật, hiệu Chương Dân, biệt hiệu Tú Sơn (phiên âm chữ Pháp Tout Seul: cô độc), sinh ngày 20 tháng 8 năm 1887, mất ngày 16 tháng 1 năm 1959. Quê gốc: Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Phan Khôi để lại 19 công trình nghiên cứu, sáng tác và dịch thuật, trong đó có: Chương Dân thi thoại, Trở vỏ lửa ra, Việt ngữ nghiên cứu. Phan Khôi hoạt động báo chí, văn học và nghiên cứu từ những năm 1920. Phan Khôi theo phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp. Bài thơ “Tình già” đăng trong báo Phụ Nữ Tân Văn (1932) được coi là đóng góp cho việc khởi động phong trào Thơ Mới lúc ban đầu. Phan Khôi bày ra một lối thơ: “Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” và tạm gọi là “Thơ Mới”. (Theo Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, HN, 1997, và: Nguyễn Quyết Thắng, Từ điển Tác giả Việt Nam, Nxb Văn Hóa, HN, 1999. TNH sửa Chương trình thi thoại thành Chương Dân thi thoại.)
[2]Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004. Dẫn lại từ: Phan Khôi, “Đàn bà với quốc sự”, talawas 25.11.2005. (Các trích dẫn sau của Phan Khôi đều từ nguồn này.)
[3]Lỗ Tấn, Tạp văn Lỗ Tấn, Trương Chính giới thiệu và tuyển dịch, Nxb Giáo Dục, HN, 1998, Bài 142: “Chết”, tr. 631.