trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
27.12.2005
Thợ Cạo
Thực hành phê bình phê bình 1
 
Dẫn luận cho một phương pháp. Phê bình phê bình tự nó không muốn là một trường phái, mà chỉ là một phương pháp làm việc. Nhà phê bình, xét về bản chất, được quyền phê bình tác phẩm và nhà văn, thậm chí còn có lúc tự cho mình được phép làm quan tòa phán xét. Thực tế là phê bình Việt Nam đang bị giằng xé giữa hai cực: một bên là sự tầm thường đến chua chát, một diễn dịch thô thiển, còn bên kia là một thứ phê bình khoác chiếc áo sang trọng với vô số trích dẫn, dẫn chiếu. Bản thân việc mặc áo đẹp không có gì xấu, thậm chí có màu sắc xanh đỏ một chút cuộc đời càng vui, nhưng chiếc áo chỉ dùng để phô trương, chiếc áo không đúng cỡ, lại xấu. Phê bình đáng bị phê bình khi nó chủ ý tung hỏa mù bằng những kiến thức sai. Phê bình phê bình (của Thợ Cạo) đặt cho mình nhiệm vụ nhỏ bé là giữa đám đông đang ngất ngây hô lên “Hoàng đế cởi truồng”. Để làm được điều đó, một phương pháp làm việc nghiêm ngặt được đặt ra: viết lại những đoạn văn khôi hài của các nhà phê bình, loại bỏ những chỗ “sai vì cố tình phô trương” và thay vào đó những thông tin đã được kiểm chứng; người đọc chỉ còn một việc: so sánh hai văn bản. Không bình luận, mà chỉ viết lại, vì dù muốn hay không thời của chúng ta là thời của Hậu hiện đại, của giễu nhại, của viết lại. Thợ Cạo chỉ viết lại, nhưng vì sức người có hạn, chỉ có thể viết lại một số đoạn khôi hài hơn cả, những mẩu vải kỳ cục hơn cả trên bộ quần áo mà các “nhà phô bình” cố tình khoác lên người để… biết nói thế nào… tỏ ra là mình “có gu”. Nhưng vì (lại nhưng vì) người thợ cạo thời xưa còn đồng thời là một bác sĩ cấp khu phố, cũng có đôi khi phải kiêm nhiệm luôn công việc nắn xương cho khách hàng, có lúc Thợ Cạo cũng sẽ thử nắn xương lại các bài viết có cái xương sống hơi… vẹo.


Bài mẫu: đoạn văn đầu tiên trong bài “Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?” của Nguyễn Thanh Sơn đăng ở địa chỉ http://www.sgtt.com.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=619&news_id=7955


Bài nói chuyện “Thế nào là một tác gia cổ điển” [1] của nhà văn J. M. Coetzee gồm ba phần: ngoài hai phần sau nói về kinh nghiệm âm nhạc và kỷ niệm nghe nhạc Bach, một nhạc sĩ cổ điển, phần đầu tiên phân tích bài nói chuyện cùng tên của T. S. Eliot tại Hội quán Virgil vào ngày 16 tháng Mười năm 1944 [2] , khi quân đội Đồng minh đang chiến đấu ở châu Âu lục địa và rocket (W2) của Đức Quốc xã vẫn còn dội xuống London. Eliot chỉ nhắc tới chiến tranh như "tai nạn của thời hiện tại" khiến ông khó tiếp cận những cuốn sách ông muốn tìm để chuẩn bị cho bài nói chuyện của mình, trong đó đặc biệt là tác phẩm của Sainte-Beuve, một chuyên gia rất lớn về Virgil (Sainte-Beuve cho Virgil là nhà thơ “đa quốc gia” (le poète de la latinité tout entière), với Sainte-Beuve tầm ảnh hưởng của Virgil chỉ mạnh ở các nước Pháp, Tây Ban Nha và Ý). Đến đây Coetzee bắt đầu bước vào lập luận chính của bài viết: theo ông, Eliot, với tư cách một người Mỹ bị chiến tranh giam chân ở Anh, sẽ có cách ứng xử để đi tìm “lý lịch” dân tộc của mình. Eliot tập trung vào đề tài ông đã, đang và sẽ còn trở đi trở lại, rằng châu Âu là nền văn minh duy nhất, khởi nguồn từ Rome thông qua Giáo hội La Mã và đế chế La Mã. Coetzee sẽ tiếp tục chỉ ra mối liên hệ mang khá nhiều yếu tố phân tâm học giữa Eliot và châu Âu, giữa Eliot và Anh, giữa Eliot và văn minh La Mã (Eliot sẽ nhập quốc tịch Anh), nhưng nhà văn Nam Phi cũng trình bày rất rõ quan điểm của Eliot: theo nhà thơ, “chỉ có thể có một Virgil bởi chỉ có một Christ, một Giáo hội, một Rome, một nền văn minh Công giáo phương Tây, và một nhà cổ điển nằm ở ngọn nguồn của nền văn minh La Mã – Công giáo đó [3] ”. Coetzee cho rằng chủ đích của Eliot là khẳng định Aeneid là một tác phẩm cổ/kinh điển (có hai đối tượng mang tính cổ điển ở đây: Virgil và Aeneid của Virgil – không phải tác phẩm về Rome mà là tác phẩm về Aeneas; thời Aeneas chưa có Rome, mãi sau này hậu duệ của Aeneas là Romulus – và người em Remus – mới lập ra Rome) không phải chỉ theo cách hiểu của Horace (một tác phẩm cổ điển là một tác phẩm sống lâu được khoảng một trăm năm) mà theo nghĩa phúng dụ. Tuy nhiên, Coetzee không thật sự đi sâu vào nghĩa “cổ điển” theo cách hiểu của Eliot. Trong bài nói chuyện của mình, Eliot bắt đầu xây dựng khái niệm bằng cách đưa ra các tiêu chí, trong đó quan trọng bậc nhất là maturity, vì một nhà văn chỉ có thể là cổ điển khi ngôn ngữ của dân tộc nhà văn đó được kết tinh hoàn toàn ở anh ta. Trong lịch sử, Rome hơn Hy Lạp ở chỗ có ý thức rõ ràng về lịch sử, và thoát được cảm giác “tỉnh lẻ” theo nghĩa Rome bao trùm được cả thế giới. Eliot phân biệt giữa “greatness” (vĩ đại) và “classicness” (cổ điển): “Nhưng cái mà nhà thơ vĩ đại sử dụng được đến kiệt cùng là một hình thức, chứ không phải toàn bộ một ngôn ngữ. Ngược lại, nhà thơ cổ điển sử dụng được đến kiệt cùng không chỉ một hình thức, mà toàn bộ ngôn ngữ thời anh ta; và khi anh ta trở thành một nhà thơ cổ điển thực thụ, ngôn ngữ của thời anh ta sẽ trở thành ngôn ngữ hoàn hảo. Vì vậy chúng ta không chỉ nói đến nhà thơ, mà phải nói về cả ngôn ngữ của anh ta: không chỉ có chuyện nhà thơ sử dụng đến kiệt cùng ngôn ngữ, mà cái ngôn ngữ đạt đến đỉnh cao này lại có thể sản sinh một nhà thơ cổ điển [4] ”. Trong lịch sử châu Âu chỉ có một thời kỳ như lịch sử La Mã, cộng thêm yếu tố tiếng Latin trở thành tử ngữ, nên mới có Virgil, và Virgil là nhà cổ điển duy nhất; sau ông không có ai hết, lấy đâu ra “văn chương cổ điển”. Quay lại với bài nói chuyện của Coetzee: theo ông thái độ của Eliot đối với chiến tranh là cái cách ông nhắc cử tọa, cuộc đại chiến này, cho dù nó khủng khiếp đến đâu, cũng chỉ là một tai nạn nhất thời trong cuộc sống của châu Âu. Và nền văn minh châu Âu sẽ không vì nó mà bị hủy diệt. Tất nhiên, sau thế chiến II, văn chương sẽ có những tiếng nói khác về "tai nạn nhất thời" lớn nhất của con người trong thế kỷ XX. Triết gia Theodor Adorno (thật tiếc là ông không trở thành nhà văn, biết đâu người ta sẽ biết ông nhiều hơn?) sẽ viết trong Prisms (Prismen) rằng “làm thơ sau Auschwitz là mọi rợ (barbaric)”. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác, lại càng không có gì chung với tiểu thuyết Việt Nam. Sau một trình bày rối rắm, lẫn lộn và đi xa tận đẩu đâu thế này mà quay lại với Việt Nam thì quả thật là… barbaric.


Hai bài học rút ra:

  1. Trích dẫn nhiều không bằng trích dẫn ít mà… đúng. Một chiếc Lexus đậu trước ngôi nhà tranh tường đất lở lói không chỉ là một hình ảnh khôi hài. Người ta sẽ nghĩ người chủ nhà có gu thẩm mĩ không được tốt lắm. Và thấy… thương chiếc xe đẹp. Đấy là loại trừ trường hợp chiếc Lexus không thuộc quyền sở hữu của chủ nhà tranh.

  2. Muốn đứng trên vai những người khổng lồ, trước hết phải học cách giữ thăng bằng. Còn muốn đứng trên đầu những người khổng lồ? Chắc chỉ còn một cách: học làm xiếc.


© 2005 talawas


[1]“What Is a Classic? A Lecture”, bài nói chuyện tại Graz, Áo, năm 1991, in trong Current Writing (1993) và in lại trong Stranger Shores. Literary Essays 1986-1999, Viking 2001, 295 tr. Coetzee chủ yếu đề cập Eliot dưới khía cạnh cảm giác của một người Mỹ bị kẹt lại ở Anh trong chiến tranh và con đường tìm kiếm lý lịch (identity) của nhà thơ nổi tiếng. Đó chỉ là cách hiểu của riêng Coetzee nhưng đó là một cách hiểu sâu sắc, giải thích được vì sao trong bài nói chuyện Eliot nâng cao Virgil đến vậy.
[2]Bài nói chuyện được in với tiêu đề What Is a Classic? An Address Delivered Before the Virgil Society on the 16th of October 1944 by T. S. Eliot, Faber & Faber Limited, London 1945, 32 tr.
[3]Stranger Shores, tr. 4.
[4]What Is a Classic? tr. 24.