trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
26.1.2006
Cố Nhân
Muốn biết đóng góp của K. Marx đến đâu, chúng ta đừng vội nhìn vào chuyện vật chất tinh thần, cái nào quyết định cái nào, đừng vội nhìn vào chuyện chuyên chính vô sản, vũ lực hay phi bạo lực, đừng vội nhìn vào chuyện lịch sử đã và sẽ trải qua mấy hình thái kinh tế, cũng đừng vội nhìn vào chuyện giai cấp nào tiên tiến nhất, cách mạng nhất... Tất cả chúng chỉ là phương pháp, phương tiện, hay cách nói cho có đầu có cuối... Vâng, tất cả cần phải được dẫn dắt bởi một cây kim chỉ nam tột cùng: Phải xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

Nhưng, khốn thay, cái tột cùng này lại là chỗ K. Marx thô sơ và máy móc nhất (như Đỗ Minh Tuấn gọi là "lý tài thiển cận", còn các cụ nhà ta dùng chữ "cơ trí cơ tâm"). Ông cho rằng bản chất của tư bản là bóc lột, và lịch sử của chủ nghĩa tư bản chính là lịch sử bóc lột giá trị thặng dư.

Bây giờ quý vị gần xa thử nghĩ xem, khi hai đối tác bắt tay nhau, có nhiều thứ được đem ra làm vốn, trong đó có tiền (tài sản) và sức lao động. Nhưng điều gì là quý giá nhất, còn hơn cả tiền và sức lao động, làm cơ sở cho mối quan hệ này đi xa? Chẳng lẽ không phải là niềm tin? Vâng, anh có niềm tin làm cùng tôi sẽ được no ấm, tôi có niềm tin thuê anh sẽ được phát triển. Cả hai niềm tin đó đều được bảo hiểm bằng óc suy xét và sự trải nghiệm, mà chính cặp phạm trù tri thức và sự từng trải này mới là nguồn vốn quý giá nhất cho mỗi con người. Nếu bên nào bóc lột niềm tin bên kia, bên đấy đáng bị lên án. Còn bên nào cơi nới được niềm tin cho bên kia, bên ấy dứt điểm phải được ghi nhận. Đấy là chưa kể, còn biết bao những yếu tố khác như may rủi, thời vận, văn hóa... tất cả đều tham gia vào, làm "hoạt hóa" mối quan hệ tạo ra các biến thể mới.

Vậy thì sự bóc lột hay không bóc lột, không đơn giản chỉ là chuyện tiền nong hay lượng mồ hôi. Có không thiếu gì chuyện cộng tác, nhìn trên khía cạnh tiền bạc và sức lao động, tưởng chừng rất sòng phẳng và đúng luật, nhưng không đảm bảo được niềm tin cho nhau, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, để cuối cùng quan hệ phải tan vỡ. Và cũng có vô vàn "mối lương duyên" mới xem tưởng rất chênh lệch, y hệt ông chủ và nô lệ, nhưng vẫn gắn bó rất lâu bền, cả hai đều cảm thấy hạnh phúc. Vấn đề là cả hai có đảm bảo niềm tin cho nhau được hay không, tức niềm hạnh phúc cuối cùng của mỗi bên có luôn tăng tiến trên bình diện hài hoà được hay không mà thôi.

Đông La bênh K. Marx, nhưng không xét cái gốc lõi cơ bản nhất là chuyện "Thế nào là bóc lột?", chỉ sa đà vào những cái bẫy học thuật, lý sự, nên không phân biệt được thế nào là tình thương, thế nào là nhân đạo, để cuối cùng công kích những người khác quan điểm với mình (theo tôi nghĩ thì không phải chỉ một nửa nhân loại như Đông La viết đâu, mà phải nói là hầu hết).

Tôi không hiểu mức độ chân thành của Đông La đến đâu, nhưng cứ cái đà lẩm cẩm, nhận thức nửa vời, gàn bát sách như thế, thì cùng lắm anh cũng chỉ được coi là "ngu trung" mà thôi.

Tôi viết ý kiến này với nỗi băn khoăn rất lớn, rằng mình vừa trải qua cuộc tranh luận với Đông La về Bóng đè và Đỗ Hoàng Diệu, rất có thể anh sẽ nghĩ rằng Cố Nhân cố chấp, chỉ nhăm nhăm triệt hạ đối
phương mọi lúc mọi nơi. Nhưng đứng trước một bài luận cầu kỳ hơn 6000 chữ rất có thể làm bối rối nhiều người, tôi phải cố vượt qua cái băn khoăn kia, để giữa lúc Xuân về Tết đến hối hả thế này, góp phần làm cho vấn đề không bị đẩy đi xa quá. Hy vọng Đông La cùng chư vị trong ngoài hiểu cho tôi và chỉ tập trung vào vấn đề "Thế nào là bóc lột?" như tôi đã đề ra trên kia mà thôi.

Xin cảm ơn.