trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
5.4.2006
Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 - Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội
(Mấy suy nghĩ về số phận lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học)
 1   2   3 
 
Mấy lời bộc bạch

Kể cũng vô duyên cho người viết những dòng này, vì có người đọc nó hay không, ai, ở đâu và bao giờ đọc, tôi không thể nào biết. Khi viết, tôi thường tự dặn lòng rằng đây chủ yếu là viết cho mình, nhưng sao vẫn nuôi hy vọng có người biết tới. Dù sao tôi cũng đã nhận được một vài lần khuyến khích, một số bài trong tập này được đón nhận không đến nỗi lạnh lùng... Chính điều đó phần nào đã giúp tôi tập hợp những bài viết trong những năm 1990 thành sưu tập này.

Hồi nhỏ tôi rất thích truyện ngắn “Người đi đường” của Lỗ Tấn. Một người đi đường không biết mệt mỏi, trời đã gần tối, vẫn mải miết đi, mặc cho lời can gián của những người không quen biết, nhất là của một em bé gái đầy thương cảm, khuyên anh ta hãy dừng chân nghỉ lại... Anh ta vẫn đi, vẫn mê mải đi tới một chân trời xa không bao giờ đi tới đang vẫy gọi mình. Hình như có một cái “nghiệp” nào đó khiến tôi phần nào giống với người đi đường kia. Và thật lạ, càng có tuổi tôi càng thích đi tới “chân trời” của mình, dĩ nhiên đây là “chân trời nhận thức”, nhưng không phải không có những chông gai và nguy hiểm.

Tôi không biết người đi đường kia có thỉnh thoảng dừng lại để nhìn lui đằng sau và ngó tới đằng trước không, còn tôi thì trên con đường khó khăn và chật hẹp của mình, tôi vẫn thường làm như vậy. Những bài viết của tôi (ít ra trong những năm 1990) là những lần dừng chân, ngẫm nghĩ chuyện đúng sai của mình... Để rồi lại đi, lại thỉnh thoảng dừng chân ngẫm nghĩ. Để rồi tự vượt mình không biết bao nhiêu lần khi sức lực cứ cạn dần. Để rồi cứ đeo đuổi những đường viền mờ ảo của chân trời xa...

Lẽ ra tôi phải làm các sưu tập của những năm 1970 và 1980 để tiện so sánh những chặng đường nhận thức khác nhau của mình, nhưng xét thấy mình không đủ sức. Đành bằng lòng với tập Suy tư 90 này. Một số bài trong sưu tập, viết xong tôi có đưa cho một số anh em bạn bè đọc (có lẽ qua con đường chuyền tay này, những bài viết ấy cũng được đón nhận ở nước ngoài và - ngoài sự mong đợi của tôi - được in trên một vài tờ báo và tạp chí, thậm chí được xuất bản thành sách). Một số bài khác, viết xong rồi để đó, bây giờ cũng đưa vào đây. Và, cuối cùng, có một số bài viết theo yêu cầu của các “đề tài nghiên cứu” (nghĩa là có đặt hàng chính thức) nhưng rồi bị xếp vào ngăn kéo, không ai đọc trừ người nhận bài...

Một chuyện cũ nhắc lại cho vui. Tại một cuộc hội nghị, một người phụ trách công tác tư tưởng, khi dẫn ra những tài liệu “chống đối”, có nói tới khoảng mười bài của tôi, nhưng một quan chức an ninh đã đính chính: tôi có những hai mươi bài kia! Hóa ra “bạn đọc” có bài của mình hơn chính mình nhớ.

Tất cả những bài có được trong tay, tôi đưa vào sưu tập này. Tôi để nguyên những bài đó, chỉ sửa lại một số chỗ sai sót “kỹ thuật”. Ở đầu một số bài, tôi có ghi lại những gì cần thiết, như một lời dẫn trước khi vào bài. Nói chung, khi xem lại những bài trong sưu tập này, tôi không cảm thấy xấu hổ lắm, tuy ở đây đó có những nhận định không phù hợp hoàn toàn với những diễn biến của tình hình sau đó. Nói chung, tôi vẫn thuộc loại người còn “quá lạc quan”, nhưng không đến nỗi “tếu”.

Tôi muốn gọi sưu tập này là “hậu mác-xít”, vì những bài trong đó nói chung in dấu một chuyển biến lớn về nhận thức của tôi cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990: từ bỏ hệ tư tưởng mác-xít, một sự từ bỏ mà tôi có lần đã viết, giống như một “cuộc lột xác không phải không đau đớn”. Một người bạn thân một hôm đến gặp tôi, hỏi với giọng bực bội và trách móc: “Nghe nói cậu từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin rồi phải không?” Tôi trả lời: “Mấy chục năm nay, tôi đội chủ nghĩa Mác-Lênin lên đầu, giống như cái vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không. Bây giờ tôi tháo cái vòng kim cô ấy ra. Còn với Mác cũng như những nhà tư tưởng mác-xít lớn khác, tôi đặt họ bên cạnh và ngang hàng với những nhà tư tưởng lớn của loài người qua các thời đại. Thế thôi!”. Anh bạn dịu hẳn giọng: “Thì mình cũng đang làm điều đó!”.

ở một xứ sở đặt hệ tư tưởng chính thống lên trên hết, từ bỏ nó không phải là chuyện dễ làm. Phải trả giá rất đắt cho sự từ bỏ này. Suy tư 90 chính là hành trình của sự từ bỏ ấy. Nó có được in ra không, có được đón nhận với một sự cảm thông đầy đủ không, tôi không biết. Nhưng nó là con đẻ đứt ruột của tôi, tôi yêu quí nó và hy vọng nó sẽ sống - dù là âm thầm - cả sau khi tôi không còn trên mặt đất này. Còn sống, có lẽ cái “nghiệp” của người đi đường kia vẫn sẽ dành cho tôi...

Hà Nội, tháng Mười 2002


*


Có lẽ số phận của tôi được dành cho chủ nghĩa cộng sản. Bố tôi là một người cộng sản từ đầu những năm 1930. Hồi tôi mới được mấy tháng, mẹ tôi từng bế tôi tới nhà pha thăm bố tôi đang ngồi “tù cộng sản”. Những năm tôi còn nhỏ, các đồng chí của bố tôi thường bí mật lui tới nhà tôi, mà trong con mắt tôi đó là những người đáng kính trọng nhất. Năm 1945, tôi tham gia hoạt động Việt Minh và tự mình tiếp xúc với chủ nghĩa cộng sản qua sách báo và những đảng viên công sản bằng xưng bằng thịt. Đầu năm 1947, lúc mới 16 tuổi, tôi trở thành một người cộng sản chính cống. Và bây giờ, khi tuổi đã gần lục tuần, từ trong chiều sâu tâm hồn tôi vẫn tự coi mình là người cộng sản, hơn nữa, một người cộng sản kiên định, dù đã trả qua những thử thách mà chính tôi không hề lường trước. Nhưng đây không phải là chỗ kể lại những điều này.

Tôi nói như thế chỉ cốt để nói một điều: viết bản đề cương này không phải là kết quả của mấy giây phút suy nghĩ bất thần, một “cơn hứng” chốc lát, mà thật sự đây là kết quả của cả một đời người (gần như thế) thể nghiệm chủ nghĩa cộng sản bằng trí tuệ và hành động của chính mình. Nghĩa là kết quả của một cuộc “tự lột xác” không phải không đau đớn.

Để đi tới những nhận thức lý luận mới - xin tạm gọi như thế, vì chỉ có một hệ thống quan điểm được cuộc sống chứng minh thì mới đáng coi là lý luận - tôi đã trải qua nhiều chặng đường nhận thức khác nhau, tự hỏi và tự trả lời, cố tìm những câu trả lời từ những sách báo đọc được, từ những thông tin đa dạng và đối nghịch nhau, có hệ thống và không có hệ thống, cứ thế đi mãi cho tới cuộc “tự lột xác” triệt dể này.

Tôi không phải là một người được học nhiều, càng không phải là một nhà khoa học, dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Cuộc đời không dành cho tôi sự may mắn ấy. Những gì được viết ra đây nhiều lắm cũng chỉ là những cố gắng của một người sống có thiện chí với cuộc đời, một người ham đọc, và cũng ham suy nghĩ. Nhưng tôi không thể không viết ra. Trước hết vì một “thôi thúc nội tâm”, như người ta thường nói. Không viết không chịu được, đơn giản có thế thôi. Viết để tự giải đáp, viết để ghi lại một nhận thức đã đạt tới ở thời điểm này.

Luôn luôn đi tìm chân lý, nhưng tôi không hề coi những suy nghĩ trong đề cương này là chân lý, dù chỉ là những chân lý thô sơ.

Những điều kiện sống và làm việc quá ngặt nghèo cũng không cho phép tôi trình bày những suy nghĩ của mình dưới một hình thức hoàn chỉnh hơn, một cuốn sách nghiên cứu, chẳng hạn. Để viết một cuốn sách như vậy, ít ra phải mất một - hai năm. Mà những suy nghĩ thì cứ thôi thúc phải được bật ra, phải được ghi lên những trang giấy, thành hình thù, thành đường nét rõ ràng, vào đúng thời điểm này.

Đề cương này, vì thế, được viết chỉ trong mười lăm ngày. Cũng vì viết trong một thời gian ngắn như thế, nên cũng chỉ ghi lại những gì có sẵn trong đầu mình. Những gì tiếp nhận được từ các tác giả khác, tôi cũng trình bày dưới dạng đã đọng lại trong đầu mình. Cái hay (nếu có) và cái dở (chắc chắn có) của đề cương này trước hết bắt nguồn từ việc “viết bộ” ấy.

Như vừa nói, tôi phải viết và chỉ có thể viết được mấy chục trang dưới đây chính là vào đúng thời điểm này. Thời điểm của những biến động dữ dội của thế giới xã hội chủ nghĩa, thời điểm của những biến động cũng dữ dội không kém trong tâm hồn của mỗi người cộng sản, tôi tin thế. Thời điểm của vô số câu hỏi. Thời điểm của những trả lời vô cùng khó khăn. Thời điểm mà mỗi người biết suy nghĩ phải chịu ơn. (Có lẽ trong lịch sử tiến hóa của loài người, không có nhiều thời điểm giống như thời điểm này).

Cuối cùng, tôi phải nói một điều cho thật rành mạch với chính mình: khi làm công việc xem xét lại vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội, khi đi tới kết luận phải từ bỏ học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, tôi vẫn tự coi mình là một người mác-xít. Bởi vì, trong những yếu tố giúp tôi làm công việc này, yếu tố đầu tiên và chủ yếu vẫn là phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác. Một người mác-xít từ bỏ chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác, một nghịch lý chăng? Một sự quái gở chăng? Xin bạn đọc cứ phán xét. Riêng tôi, khi làm như vậy, tôi cảm thấy mình càng trở thành mác-xít hơn.

Cơn đau đẻ đã qua. Đứa con tinh thần của tôi đã ra đời. Hình hài của nó có được chấp nhận không, nó sẽ lớn lên hay chết yểu đi, số phận của nó có may mắn hơn số phận của người đẻ ra nó không, hay còn tệ hại hơn, trong giây phút mệt mỏi sau cơn đau đẻ này, tôi không dám trả lời. Xin để cho cuộc sống làm việc...

Hà Nội, 21 giờ ngày 15 tháng Giêng 1990


1.

Thập kỷ 1980, nhất là nửa thứ hai của nó, đã đặt ra một cách nghiêm ngặt vấn đề vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội, về lý luận cũng như về thực tiễn. To be or not to be - đó là vấn đề.

Một số nhà tư tưởng và chính khách phương Tây đang dự báo sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội về mặt lịch sử (Brezinski: “kỷ nguyên hậu cộng sản” - postcommunisme). Và ở ngay trong các nước xã hội chủ nghĩa, cũng có người coi chủ nghĩa xã hội như một “thử nghiệm lịch sử sai lầm” và tuyên bố từ bỏ không thương xót.

Vấn đề quả rất nghiêm trọng. Không chỉ đối với vận mệnh của chủ nghĩa xã hội, mà còn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người nói chung. Khi loài người chưa tạo ra được những hình thái xã hội nào cao hơn, khi sự lựa chọn vẫn chỉ là giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, thì sự không tồn tại của chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là sự độc tôn của chủ nghĩa tư bản. Và nó sẽ dẫn loài người tới đâu, không thể đoán trước được. Nhưng có một điều chắc chắn: sự giải phóng con người không thể nào thực hiện được với chủ nghĩa tư bản, dù nó có thể có những biến hóa nào khác đi nữa. Những nhà tư tưởng sáng suốt ở phương Tây trước đây và cả hiện nay đã nói rất thuyết phục về vấn đề này.

Nhưng, chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại như đã từng tồn tại hơn một nửa thế kỷ nay (kể từ khi Liên Xô tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội về cơ bản vào giữa những năm 30). Thực tiễn đã kiểm nghiệm nó qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau và, cuối cùng, đã bác bỏ nó. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội nếu muốn tiếp tục tồn tại, nó phải tự vượt mình lên một trình độ mới về chất. Không chỉ tự vượt mình về mặt thực tiễn, thậm chí cũng không phải “đi tới một bộ mặt mới” như hiện đang nói. Chủ nghĩa xã hội phải được biến đổi tận gốc, từ những nhận thức lý luận cơ bản. Người ta đang kêu gọi trở về với nguồn gốc lý luận ở Mác, Ăng-ghen và Lênin, trong khi cũng đòi hỏi phải xuất phát từ những hiện thực lớn nhất của thời đại, từ trình độ văn minh hiện đại của loài người. Thoạt nhìn, cách đặt vấn đề như vậy có vẻ là đúng. Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn, một cách đặt vấn đề như vậy cũng chưa triệt để về nhận thức lý luận và, do đó, lại dẫn tới một sự bế tắc mới với những hậu quả có lẽ không kém gì những hậu quả của nhận thức lý luận cũ về chủ nghĩa xã hội.

Trở về với Mác, Ăng-ghen, Lênin - với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học (đích thực chứ không phải bị xuyên tạc) của các nhà tư tưởng vĩ đại ấy là một chuyển biến trọng yếu để thay đổi bộ mặt của chủ nghĩa xã hội. Không thể phủ nhận rằng những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học của các nhà tư tưởng đó đã đánh dấu một bước phát triển về chất của tư tưởng giải phóng con người, giải phóng loài người. Trong di sản tư tưởng của họ, có nhiều cống hiến độc đáo, không thể thay thế được vào con đường đi tới những “chân lý tuyệt đối” không bao giờ đạt được của loài người. Và cho đến nay, về cơ bản, phép biện chứng duy vật của họ vẫn chưa có một lý luận và phương pháp luận nào vượt qua được [1] .

Nhưng chỉ trở về với Mác, Ăn-ghen, Lênin, dù với một tinh thần phê phán đến mức nào đi nữa, cũng không đủ. Học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học được sản sinh ra trong những điều kiện lịch sử hoàn toàn khác với thời đại hiện nay, chưa nói tới những gì sẽ diễn ra sau này. Nền tảng xã hội và lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học qui định những nội dung cơ bản của nó. Và một khi những nền tảng ấy thay đổi, thì những nội dung của nó không thể giữ nguyên vẹn giá trị như trước.

Tôi suy nghĩ một cách rất thành thật rằng, nếu Mác, Ăng-ghen, Lênin còn sống trong thời đại của chúng ta, thì với phép biện chứng duy vật của mình, họ cũng sẽ làm lại lý luận của mình như đã từng khởi đầu.


2.

Khi nói tới chủ nghĩa xã hội với bộ mặt hơn một nửa thế kỷ của nó, một số người cho rằng những bi kịch và thất bại của nó (bên cạnh những thành tựu không thể chối cãi) bắt nguồn từ chủ nghĩa Stalin. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một nửa.

Với những quan niệm thô thiển về lý luận và những hành vi bạo lực thô bạo về thực tiễn của ông, Stalin đã làm biến dạng chủ nghĩa xã hội khoa học đã được các nhà kinh điển mác-xít đề xướng. Nói một cách khái quát, Stalin và những người theo chủ nghĩa Stalin (trong đó có tôi một thời gian khá dài trước đây) xuất phát từ một cơ sở xã hội và lịch sử thấp hơn chủ nghĩa tư bản, do đó khi phủ nhận chủ nghĩa tư bản để “xây dựng” một hình thái xã hội cao hơn - chủ nghĩa xã hội theo quan niệm của mình - thì trong thực tế đã kéo lùi xã hội về giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa. Tất cả những tiến bộ mà loài người đã đạt tới dưới chủ nghĩa tư bản (thị trường và kinh tế hàng hóa, giao lưu quốc tế, chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền...) đều bị vứt bỏ cùng với chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Thay vào đó là những quan hệ kinh tế và xã hội thấp hơn (kinh tế hiện vật, chế độ độc đoán gia trưởng...) dưới cái mũ mới “xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nghĩa xã hội khoa học, nếu thực hiện đúng như những dự kiến của các nhà kinh điển mác-xít, chắc chắn đã mang một bộ mặt khác hơn, hợp lý hơn và cao hơn chủ nghĩa tư bản dưới trạng thái cổ điển của nó. Tiếc thay, điều đó lại không xẩy ra do điều mà người ta thường gọi là “biện chứng của lịch sử”.

Không thể hình dung được một xã hội được tổ chức theo đúng học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học là thế nào, vì thế khó phán xét những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Sự vận động lịch sử đã tước mất khả năng đó của chúng ta.

Và bây giờ, chính sự vận động lịch sử lại đặt ra vấn đề chủ nghĩa xã hội trên một bình diện hoàn toàn khác trước. Chủ nghĩa xã hội hình thành về lý luận vào giữa thế kỷ XIX - đầu thể kỷ XX rõ ràng là không còn thích hợp nữa. Nói cách khác, vấn đề không phải chỉ là “sửa sang” lại “chủ nghĩa xã hội hiện thực” theo hình ảnh của những quan niệm vốn có của chủ nghĩa xã hội khoa học, mà là phải xem lại chính bản thân học thuyết đó. Phải đổi mới học thuyết về chủ nghĩa xã hội một cách căn bản, không thể khác.

Cũng xin nói thêm một điểm không thể bỏ qua: chính Stalin và những người theo chủ nghĩa Stalin (trong đó có những người mang phẩm chất đạo đức tốt đẹp, những chiến sĩ cách mạng trong sáng, mà có lẽ số đông là như thế) đã dựa, ở một mức độ không nhỏ, vào một số luận điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học do Mác và Ăng-ghen đề xướng. Ví dụ nổi bật nhất là Nhà nước hóa toàn bộ đời sống kinh tế của xã hội mà Stalin đưa lên thành nền tảng và hình thức chung của chủ nghĩa xã hội; quan niệm đó ở một mức độ lớn, nếu không phải là quyết định, bắt nguồn từ một luận điểm trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản: “giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình... để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay Nhà nước”, và về sau này Ăng-ghen còn nhấn mạnh lại: “Giai cấp vô sản chiếm được chính quyền và biến tư liệu sản xuất trước hết thành sở hữu của Nhà nước”. Những ví dụ như vậy có thể nhắc tới nhiều.


3.

Dưới hình thức một đối cực có thể thay thế cho chủ nghĩa tư bản cổ điển, chủ nghĩa xã hội đã phát sinh và phát triển ngay trong lòng xã hội tư sản. (Một sự ngộ nhận của không ít người là khi nói chủ nghĩa xã hội, chỉ nhìn vào các nước xã hội chủ chủ nghĩa hiện có, mà quên khuấy đi rằng chủ nghĩa xã hội dưới hình thức những tư tưởng, những quan niệm đã ra đời ngay trong xã hội tư sản và cả ngày nay vẫn tồn tại ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. (Chưa nói tới những hình thức nguyên thủy của tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra đời từ rất lâu, chẳng hạn trong cơ đốc giáo nguyên thủy, như Ăg-ghen từng chứng minh).

Tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trong các thời đại khác nhau - từ chủ nghĩa xã hội không tưởng đến chủ nghĩa xã hội “khoa học” - là xóa bỏ chế độ tư hữu, nguồn gốc của mọi bất công xã hội, cơ sở của chế độ người bóc lột người, và thay thế vào đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Sự khác nhau căn bản giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội “khoa học”, như đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các sách giáo khoa về chủ nghĩa xã hội, là ở chỗ: chủ nghĩa xã hội không tưởng xuất phát từ những nguyện vọng tốt đẹp của con người về một xã hội công bằng, và nguyện vọng ấy được thực hiện hoặc bằng “tuyên truyền”, hoặc bằng “những thí nghiệm kiểu mẫu”, do đó không thể không rơi vào ảo tưởng; còn chủ nghĩa xã hội “khoa học”, theo chính lời những người sáng lập ra nó, dựa vào một trình độ phát triển xã hội nhất định, không chỉ phát hiện ra bản chất của các quá trình bóc lột tư bản chủ nghĩa về mặt khoa học, mà còn phát hiện được một giai cấp xã hội mang sứ mệnh lịch sử “đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”: giai cấp vô sản. Theo đó, chủ nghĩa xã hội khoa học đã được đặt trên “cơ sở hiện thực”, nắm được một “sức mạnh vật chất” chưa từng thấy.

Được đặt trên cơ sở “khoa học” và “hiện thực” (ở giữa thế kỷ XIX), chủ nghĩa xã hội đã tranh thủ được sự đồng tình của quần chúng vô sản ngày càng đông đảo. Phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa có những bước nhảy vọt về số lượng và chất lượng (nhất là với sự ra đời của Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai).

Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong những thành tựu của tư tưởng loài người. Nó mở ra những khả năng to lớn và mạnh mẽ để đi tới xóa bỏ chế độ ngưòi bóc lột người. Không có chủ nghĩa khoa học, không thể có những cuộc cách mạng vô sản làm lay chuyển chế độ tư bản chủ nghĩa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhất là cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 chọc thủng một mắt xích quan trọng của hệ thông tư bản chủ nghĩa thế giới. Không có chủ nghĩa xã hội khoa học, không thể có hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và, như vậy, cũng không thể có bộ mặt hiện nay của thế giới với mấy đặc trưng: hòa bình được giữ vững, không có chiến tranh thế giới, dù có “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang; phong trào giải phóng dân tộc lan rộng và thành công ở nhiều nước Á, Phi và Mỹ latin; bản thân chế độ tư bản chủ nghĩa cũng phải tự điều chỉnh theo hướng làm dịu bớt những mâu thuẫn xã hội - giai cấp trong lòng nó.


4.

Phủ nhận vai trò của chủ nghĩa xã hội khoa học về lý luận và thực tiễn là không đếm xỉa tới một trong những hiện thực lớn nhất của rhế kỷ XX, và do đó, dẫn tới một chủ nghĩa hư vô mới.

Nhưng không thể không nhìn thấy những hạn chế của nó cả về lý luận và thực tiễn.

Hình thành như một đối cực của chủ nghĩa tư bản cổ điển, nó mang tính chất phủ định chủ nghĩa tư bản một cách máy móc. Các nhà lý luận lớn nhất của nó không phải không nhắc tới những thành quả văn hóa, khoa học và kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản khi xây dựng xã hội mới (điều đó thấy rõ nhất ở Lênin), nhưng về căn bản lại nhấn mạnh những đối cực tuyệt đối giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản do đồng nhất những trình độ tiến bộ mà loài người đã đạt được với hình thái tư bản chủ nghĩa của chúng.

Thị trường và quan hệ hàng hóa - tiền tệ phổ biến được nhận thức như sản phẩm của chế độ tư hữu. Xóa bỏ chế độ tư bản, do đó, cũng có nghĩa là xóa bỏ thị trường và các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thay vào đó là một nền sản xuất và phân phối bằng hiện vật theo một kế hoạch thống nhất và tận từng chi tiết.

Chế độ tư hữu được coi là nguồn gốc của mọi bất công xã hội, do đó, việc xóa bỏ nó (tuy có phân biệt về thời gian và biện pháp) được tiến hành một cách tuyệt đối, và thay vào đó là chế độ công hữu phổ biến, do Nhà nước hoàn toàn kiểm soát và chi phối cũng một cách tuyệt đối.

Xã hội công dân mà cơ sở của nó, như Mác nói, là sự tự do của cá nhân, bao gồm sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn nhất định của lực lượng sản xuất, lấy cá nhân công dân làm chủ thể. Vì xã hội công dân phát triển ở trình độ cao cùng với giai cấp tư sản và chế độ tư hữu, nên với sự xóa bỏ giai cấp tư sản và chế độ tư hữu, cũng như sự tập trung tất cả lực lượng sản xuất vào tay Nhà nước, xã hội công dân cũng biến mất, thay vào đó là xã hội Nhà nước hóa, “xã hội chính trị”, các công dân chỉ còn tồn tại như một bộ phận của Nhà nước, mất địa vị chủ thể của mình.

Nhà nước trong xã hội tư sản được coi là chuyên chính của giai cấp tư sản, tất cả các thể chế dân chủ mà con người đã giành được qua hàng thế kỷ đấu tranh giải phóng khỏi chế độ quân chủ, độc tài, bị coi là những thể chế tư sản, bị giai cấp tư sản lợi dụng và lũng đoạn, do đó cũng bị xóa bỏ một cách tuyệt đối, thay vào đó là sự thiết lập chuyên chính vô sản với những thể chế riêng của nó mang tính chất dân chủ hình thức;

Các hệ thống tư tưởng trong xã hội tư sản bị coi là hệ tư tưởng tư sản (vì “hệ thống tư tưởng trong bất cứ xã hội nào cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị”) nên với việc xóa bỏ giai cấp tư sản, cũng xóa bỏ toàn bộ các hệ thống tư tưởng trong xã hội tư sản và thay vào đó, đã thiết lập sự thống trị của “hệ tư tưởng vô sản” một cách phổ biến và tuyệt đối. Toàn bộ đời sống văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng đều được xem xét qua lăng kính hệ tư tưởng mang tính chất giai cấp hết sức chặt chẽ. Tính giai cấp (hay “lập trường giai cấp” được coi là giá trị tinh thần và tư tưởng cao nhất, chi phối tất cả. Những giá trị phổ biến của con người - nhất là những giá trị văn hóa và đạo đức - bị đưa xuống hàng thứ yếu; con người được đồng nhất một cách tuyệt đối với con người-giai cấp; vân vân và vân vân.

Tất cả những điều đó đi ngược lại với những sức mạnh bản chất của con người, với sự tồn tại của chính những cá nhân con người, cơ sở của mọi sự phát triển xã hội. Dù có tuyên bố lấy sự phát triển tự do của mỗi cá nhân làm điều kiện của sự phát triển tự do của toàn xã hội, thì trong nhận thức và thực tiễn, “cái xã hội”, “cái tập thể” vẫn đè lên trên “cái cá nhân”, tính chủ thể của xã hội và Nhà nước vẫn đè lên trên tính chủ thể của con người cá nhân, của cá nhân công dân.

Chủ nghĩa xã hội “khoa học” mất đi tính chất khoa học của nó (hay nói đúng hơn, phơi bày tính chất phi khoa học của nó). Vì sự tồn tại và phát triển của khoa học bao giờ cũng đòi hỏi những điều kiện dân chủ và tự do của các cá nhân, bao giờ cũng diễn ra trong những đối chiếu, tranh luận, chứng minh của những quan điểm đối lập nhau, thay thế nhau. Không có những điều kiện ấy, chủ nghĩa xã hội “khoa học” - cả về lý luận và thực tiễn - dễ trở thành (và trong thực tế đã trở thành) một thứ chử nghĩa xã hội giáo điều và độc tôn.


5.

Đó là nói chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn đối cực với chủ nghĩa tư bản cổ điển, trong giai đoạn văn minh công nghiệp của loài người (thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Một sự đối cực tuyệt đối, một sự phủ định máy móc như vậy đối với xã hội tư sản, đối với chủ nghĩa tư bản cũng đã phơi bày những điểm yếu của nó rồi. Nhưng dù sao, trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản cổ điển, trong giai đoạn văn minh công nghiệp, nó cũng có những lý do tồn tại ở chính sự đối cực tuyệt đối với chủ nghĩa tư bản. Bởi vì trong giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản mang theo nó những căn bệnh xã hội vô cùng trầm trọng, đe dọa sự tồn tại của tất cả những người lao động nghèo khổ và, do đó, đe dọa sự tồn tại của chính bản thân xã hội. Khủng hoảng, chiến tranh, bần cùng hóa, bóc lột thuộc địa tận xương tủy, suy đồi đạo đức và tinh thần... là những thuộc tính của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này. Do chủ nghĩa xã hội khoa học đề xướng thiết lập một chế độ xã hội thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo ấy của xã hội tư sản, nên nó đã có thể tồn tại và phát triển như một đối cực tích cực của chủ nghĩa tư bản, như một sự phủ định tích cực đối với chủ nghĩa tư bản. Nhưng, như đã nói trên, ngay trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa đã được thiết lập, đã có những biến đổi tích tụ lại ngày càng lớn, nên vai trò của nó trong sự phát triển xã hội bị hạn chế và cũng mất dần vì thường dự báo sai về triển vọng của chủ nghĩa tư bản.

Đáng lẽ chủ nghĩa xã hội, bằng sự phủ định của nó đối với chủ nghĩa tư bản trên cơ sở tiếp thụ và nhân lên những giá trị tiến bộ của loài người, phải đi trên “con đường lớn” của sự phát triển xã hội loài người, thì dần dần, nó lại tách khỏi “con đường lớn” ấy để trở thành một “đường nhánh” và cuối cùng lâm vào ngõ cụt.

Và một nghịch lý trớ trêu là nó lại trở thành cái đối cực đối với chính bản thân nó, nói đúng hơn, với chính những mục tiêu do nó đặt ra trong sự nghiệp giải phóng con người, thậm chí cả với những nguyên lý làm nền tảng của nó:

  • Nó nhằm giải phóng con người, nhưng lại đặt con người vào những hoàn cảnh phải tự giải phóng;

  • Nó tuyên bố lấy việc thay đổi và nâng cao đời sống vật chất làm nền tảng của đời sống xã hội nhưng kết quả là đời sống tư tưởng - tinh thần lại đóng vai trò đó (xã hội bị lộn ngược);

  • Nó chủ trương quần chúng nhân dân làm động lực phát triển lịch sử, nhưng kết quả là quần chúng nhân dân bị một số cá nhân chi phối;

  • Nó tuyên bố Nhà nước phải “tự tiêu vong” nhưng kết quả là Nhà nước càng phình lớn lên và “tự hoàn thiện” đến mức tối đa;

  • Nó coi Nhà nước và các tổ chức lãnh đạo quần chúng (trước hết là “đảng vô sản”) là những công cụ - không thể thiếu được nhưng chỉ là những công cụ, không hơn không kém - của sự nghiệp giải phóng con người, nhưng trên thực tế đã biến những công cụ ấy thành cứu cánh;

  • Và cuối cùng, nó đấu tranh để con người khỏi bị tha hóa, thì con người lại bị tha hóa dưới một dạng khác còn nghiêm trọng hơn.
Những nghịch lý ấy sớm muộn cũng dẫn nó tới khủng hoảng.

Giai đoạn văn minh mới của loài người (văn minh hậu công nghiệp, văn minh tin học, văn minh “lấy con người làm gốc”, giai đoạn “trí quyển” [noosphere]..., theo những cách gọi khác nhau) càng làm cho sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội bùng nổ sớm hơn và mãnh liệt hơn. Nhất là khi bên cạnh nó, cái đối cực của nó là chủ nghĩa tư bản lại chứng tỏ sức sống dai dẳng và ngày càng tăng, bằng những “sửa đổi”, “điều chỉnh” theo những yêu cầu của nền văn minh mới, thì khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội lại càng mang tính chất nặng nề vì nó không chứng tỏ tính hơn hẳn đối với chủ nghĩa tư bản, mà ngược lại, chủ nghĩa tư bản đang chứng tỏ tính hơn hẳn của nó ở những lĩnh vực cơ bản của đời sống con người và xã hội, mặc dầu chính chủ nghĩa tư bản cũng đang vấp phải những mâu thuẫn và khủng hoảng mới.


6.

Những hạn chế của chủ nghĩa xã hội khoa học là do những điều kiện lịch sử qui định. Giống như mọi học thuyết xã hội khác, chủ nghĩa xã hội khoa học không thể thoát khỏi những điều kiện lịch sử khi nó hình thành. Không những sự phê phán xã hội tư sản bị qui định như vậy, mà cả sự phóng chiếu (projection) về xã hội tương lai cũng thế. Những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa khoa học về xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa tuy hết sức táo bạo, nhưng cũng rất trung thành với những điều kiện xã hội đương thời. Mặc dầu các nhà sáng lập ấy không vẽ ra một cách cụ thể những đường nét của chủ nghĩa xã hội, mà chỉ đưa ra những dự đoán dè dặt (chủ yếu ở một số tác phẩm về cuối đời của Mác, Ăng-ghen và cả Lênin), nhưng, thứ nhất, đó là những ý kiến có tính hệ thống rất cao, do đó, mang tính chỉ đạo rất lớn, và thứ hai, những ý kiến ấy đã biến thành những giáo điều gần như bắt buộc đối với các thế hệ đi theo chủ nghĩa xã hội về sau này, tuy có những điều chỉnh nào đó.

Về đại thể, sự hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học bị qui định bởi những điều kiện lịch sử sau đây:

  1. Trạng thái phát triển của lực lượng sản xuất đương thời, mà theo cách nhìn ngày nay, đó là trạng thái “văn minh công nghiệp”, với tất cả những hứa hẹn và những hạn chế về phân công lao động cũng như về quan hệ giữa con người và hệ sinh thái của nó.

  2. Chủ nghĩa nhân văn cổ điển và trình độ phát triển của các khoa học nhân văn đương thời.

  3. Ảnh hưởng còn rất to lớn của các học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng, nhất là đối với sự phóng chiếu về tương lai.
Không phải Mác và Ăng-ghen bị qui định một chiều bởi những điều kiện đó. Trong khuôn khổ hoàn cảnh lịch sử hồi bấy giờ, Mác và Ăng-ghen đã làm được một cuộc cách mạng lớn về nhận thức mà cho đến nay có những mặt chưa ai vượt qua được.

(Nhân đây xin nói rõ: sự phê phán chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác và Ăng-ghen không đồng nhất với sự phê phán chủ nghĩa Mác nói chung, nhất là ở mặt phương pháp luận biện chứng duy vật của nó. (Và điều này có vẻ như một nghịch lý: chính phương pháp luận ấy cung cấp những căn cứ vững chắc để tiến hành phê phán chính bản thân chủ nghĩa xã hội khoa học. Một lần nữa, càng thấy rõ chủ nghĩa Mác là một hệ thống mở, cho phép loại bỏ những gì lỗi thời trong chính bản thân nó và bổ sung những gì mới mẻ của thời đại vào nội dung của nó).

Cũng từ đó, cần bác bỏ một luận điểm được lưu hành lâu nay coi chủ nghĩa Mác đồng nhất với chủ nghĩa xã hội khoa học, thậm chí còn qui thực chất của chủ nghĩa Mác vào nhận thức về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, hoặc vào chuyên chính vô sản. Luận điểm này làm nghèo nàn đi rất nhiều toàn bộ hệ thống của chủ nghĩa Mác và trong thực tế là “rút ngắn tuổi thọ” của nó. Điều này cũng thấy ở cả Ăng-ghen)

Mác là một thiên tài của loài người. Và cũng giống mọi thiên tài khác, Mác vừa vượt lên thời đại mình, vừa bị thời đại mình qui định.

Và nếu như ngày nay có thể nhận ra những hạn chế của chủ nghĩa xã hội khoa học (một điều chưa thể làm được trong các giới mác-xít cách đây chưa lâu), thì đó là nhờ ở những điều kiện lịch sử mới của loài người. Nói như Mác, loài người chỉ có thể đặt ra những vấn đề mới cho mình khi xuất hiện những điều kiện để giải quyết những vấn đề đó.


7.

Trước hết, về trình độ phát triển lực lượng sản xuất ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, về “văn minh công nghiệp”. Trên con đường phát triển xã hội, sự ra đời và phát triển của công nghiệp trên cơ sở giao lưu thế giới ngày càng mở rộng đã đưa xã hội loài người lên một trình độ cao hơn văn minh nông nghiệp (tiền công nghiệp) rất nhiều: năng suất lao động xã hội và cùng với nó là những khối lượng sản phẩm xã hội tăng gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với trước đó. Dưới con mắt của những người từng sống trong trạng thái văn minh ấy, của cải xã hội rõ ràng “tuôn ra như suối”. Thị trường và các quan hệ hàng hóa trở thành những phạm trù mang tính phổ biến và từ nay đã có thể nói tới một “nền kinh tế thế giới”. Chế độ tư hữu đã từng tồn tại lâu đời trước đó, bây giờ lại đạt tới trình độ hoàn chỉnh và tối ưu với một giai cấp tư sản chi phối mọi khâu của dây chuyền kinh tế, từ sản xuất, phân phối đến trao đổi, tiêu dùng. Nhưng đồng thời, sự phân hóa giai cấp càng được thúc đẩy nhanh chóng và bộc lộ những hình thức “trần truồng” của nó. (Chỉ cần đọc lại Tuyên ngôn của đảng cộng sản cũng đủ thấy bức tranh cô đọng nhất và cũng sâu sắc nhất về tình hình này).

Đối với sự hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học, “nền văn minh công nghiệp” có một tác động trực tiếp và có thể nói có ý nghĩa quyết định. Chủ nghĩa xã hội khoa học rút ra từ đó những kết luận nền tảng của mình:

  • Đại công nghiệp, cơ sở của sản xuất tư bản chủ nghĩa, đã tạo ra một sức mạnh xã hội mới, chưa từng thấy trước kia: giai cấp vô sản công nghiệp;

  • Giai cấp này vừa là người sáng tạo chủ yếu ra mọi của cải xã hội, nhưng cũng là giai cấp bị bóc lột nhiều nhất bằng giá trị thặng dư, bị đẩy vào tình trạng bần cùng hóa tương đối và tuyệt đối, bị tha hóa đến cùng cực, do đó nó được coi là cách mạng nhất trong xã hội, có sứ mệnh lịch sử là “kẻ đào huyệt chôn vùi chủ nghĩa tư bản”;

  • Chế độ tư hữu không tương dung với sản xuất công nghiệp, do mâu thuẫn căn bản giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất và tính chất tư nhân về quan hệ sản xuất, mâu thuẫn đó sẽ dẫn tới những bùng nổ xã hội, những cuộc cách mạng xã hội mới, trong đó chế độ tư hữu sẽ bị thủ tiêu hoàn toàn và thay vào đó là chế độ công hữu phổ biến;

  • Với sản xuất công nghiệp có năng suất cao, có thể từ “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” lúc đầu để rồi tiến lên “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” sau này, trong xã hội cộng sản.
Mác và Ăng-ghen tuy không nói nền “văn minh công nghiệp” là hình thức văn minh cao nhất và cuối cùng của loài người, nhưng trong con mắt của các ông, nó tạo ra những điều kiện đầy đủ và chín muồi để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Cái vĩ đại của các ông là ở đó, nhưng cái ngộ nhận của các ông cũng chính ở đó.

Ngày nay, về cơ bản, loài người đã trải qua khá đầy đủ giai đoạn “văn minh công nghiệp”, do đó có thể nhận rõ hơn những ưu thế và những nhược điểm của nó, điều mà Mác và Ăng-ghen không thể nhìn thấy đầy đủ. Những nhược điểm đó là:

  • Con người - người lao động - tuy sử dụng các quá trình sản xuất công nghiệp để tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, nhưng người lao động công nghiệp vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc của mình vào các quá trình ấy. Người điều khiển máy, nhưng vẫn bị máy chi phối hoạt động lao động của mình;

  • Sự phân công lao động trong “văn minh công nghiệp” ngày càng chia nhỏ lực lượng lao động của tập thể lao động và cả những hoạt động lao động và sáng tạo của mỗi cá nhân; hoạt động sáng tạo tách khỏi hoạt động sản xuất, trở thành hai hoạt động đối lập nhau;

  • Nền “văn minh công nghiệp” đòi hỏi một sự tích tụ và tập trung cao độ về lực lượng sản xuất, do đó, cũng đòi hỏi một sự quản lý tập trung nghiêm ngặt nhất đối với quá trình sản xuất. Dù có phá vỡ cái vỏ “tư hữu” của sản xuất công nghiệp, thì nó cũng buộc những người trực tiếp lao động phải tuân theo những mệnh lệnh tập trung hóa cao độ từ các bộ máy quản lý và kỹ thuật, nói cách khác, sản xuất công nghiệp gắn liền với một sự quản lý chuyên chế, độc tài;

  • Sản xuất công nghiệp là sản xuất ra những sản phẩm hàng loạt cho những nhu cầu của “đám đông” mà chưa phải cho những nhu cầu của từng cá nhân; sự san phẳng cá tính con người bắt nguồn từ đó. Cần nói thêm: sản xuất công nghiệp chủ yếu là đáp ứng những nhu cầu của con người mà chưa phải tạo ra những nhu cầu ấy;

  • Trong quan hệ với thiên nhiên, sản xuất công nghiệp có xu hướng “khai thác”, “bóc lột” thiên nhiên ngày càng nặng nề, phá hủy dần những nguồn thiên nhiên và môi trường sinh thái (xu hướng ấy có thể hạn chế phần nào, nhưng không thể xóa bỏ được), nói cách khác, trong sản xuất công nghiệp, con người bị đặt vào những điều kiện đối lập, đối kháng với thiên nhiên, mà hậu quả là làm cho chính thiên nhiên (bản chất) của con người bị xói mòn và méo mó.
Tóm lại, sản xuất công nghiệp, “văn minh công nghiệp” đặt ra được vấn đề giải phóng con người, trước hết là người lao động, nhưng không thể đi tới sự giải phóng con người một cách triệt để. Nó có thể giải phóng con người về mặt này, nhưng lại đặt con người vào hoàn cảnh lệ thuộc về mặt khác.

(Tiểu luận này còn tiếp hai kỳ)



[1]Đây là ý kiến của tôi vào cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990. Sự suy nghĩ của tôi không dừng lại ở đó. Năm 1995, tôi cũng từ bỏ luôn cả ý kiến này, sau khi đọc Biện chứng là gì? của Karl Popper qua bản dịch tiếng Nga đăng trên Những vấn đề triết học xuất bản ở Moskva tháng tư năm đó. Tôi đã dịch bài này từ tiêng Nga sang tiếng Việt ngay sau khi đọc xong. Rất tiếc, chưa có dịp nào để công bố bài dịch ấy.

Nguồn: Những bài viết của Nguyá»…n Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nÆ°á»›c, được chuyền tay hoặc chÆ°a công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tÆ° 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, vá»›i sá»± hiệu đính cuối cùng của tác giả.