trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnhTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
14.4.2006
Bùi Văn Phú
Phim “Vượt sóng”: hy vọng vươn lên từ thương đau
 
Phim Vượt sóng dài 134 phút của Hàm Trần, một đạo diễn người Mỹ gốc Việt, là cuốn phim nói về hành trình sinh tử của nhiều người Việt từ sau mốc thời gian 30.4.1975. Nội dung phim theo lời đạo diễn là “dựa trên sự tìm hiểu qua hàng ngàn cuộc nói chuyện, phỏng vấn những tù cải tạo, người vượt biển”.

Tựa Anh ngữ Journey From the Fall dịch sát nghĩa là Hành trình từ sự sụp đổ, nhưng Vượt sóng nói lên trọn vẹn ý phim hơn.

Phim mở đầu với câu chuyện xa xưa của sử Việt về Thần Kim Qui được bà nội (Kiều Chinh) kể lại cho cháu Lai (Nguyễn Thái Nguyên) nghe mỗi đêm trước khi đi ngủ.

Khi ngày 30.4.1975 đến. Long (Nguyễn Long) một người phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà quyết định ở lại, dù Mai (Diễm Liên), vợ Long, cố thôi thúc anh ra đi. Những tháng năm theo sau là một chuỗi ngày cực khổ của gia đình.

Long đi học tập cải tạo. Đời sống trại với sắc mầu âm u, bùn lầy, phòng giam, lao động hiện lên rõ nét trong phim. Ở đó thiếu ăn đến độ hai người tù bắt được một con dế chia nhau nhai sống ngon lành như lâu ngày mới tìm được miếng ngon. Ở đó có tù nhân kiệt sức vì cưa cây, cuốc đất, đẩy xe dưới hàng khẩu hiệu vô nghĩa “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Rồi cảnh thăm nuôi đầy nước mắt, cảnh người cha trong tù hằng đêm nhớ đứa con gái là Phương (Cát Ly) đã vượt biển. Dù là trại Suối Máu hay Dạ Bàn thì giữa chốn rừng hoang đều có giọng lên lớp của quản giáo, có âm vang của súng nổ, tiếng đánh đập, xiềng xích chạm nhau.

Giữa nghịch cảnh đó vụt lên hồi tưởng xưa cũ qua cánh diều mang những mơ ước bay cao theo dòng nhạc: “Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa” và thực tế cuộc sống bên ngoài với nhiều người toan tính vượt biển, trong đó có gia đình Long.

Sau đoạn đường chui, luồn lách để xuống được bến, con tàu ra khơi. Biển xanh, sóng nước, mây đen đe dọa. Sóng nhồi, mưa bão ập tới, đoàn người ói mửa, vật vờ trong cơn say dưới khoang tầu chật chội, thiếu không khí. Như bao chuyện không may khác trong hành trình vượt biển, tàu hư máy, rồi gặp cướp biển. Những phụ nữ bị bắt. Khi thấy Mai bị kéo đi, bà mẹ chồng đã hất nồi cháo còn nóng xuống.

Cảnh trong đêm trước giờ vượt biển (ảnh SFIAAFF-24)
Một thời gian sau, có người thăm nuôi lén chuyển thư và hình ảnh của vợ con từ Mỹ nên Long đã âm mưu trốn trại cùng với một bạn tù là Thanh (Jayvee Mai Thế Hiệp), mang hy vọng rồi sẽ vượt biển đoàn tụ với gia đình. Vượt thoát khỏi trại nhưng chưa đi được bao xa thì Long bị bắn chết.

Bên ngoài nước Việt, nơi vùng đất lạ lại là một cuộc vượt sóng vào đời sống mới cho Mai và gia đình với những hội ngộ buồn. Mai gặp lại Phương, rồi Phương gặp lại một bạn tù của cha mình vẫn còn đem theo mình tấm hình của cô ngày còn nhỏ như một lời trăn trối của người cha đã chết trong tù gửi lại. Giữa tình cờ đó là trò chơi vui Merry-Go-Around nơi miền đất lạ, nhưng với Mai lại là những vòng quay chóng mặt, nhức đầu.

Mai vừa đi học Anh ngữ vừa lo làm việc quần quật để nuôi gia đình. Ở trường, Lai thường bị bọn học trò ngổ ngáo ăn hiếp, không chịu được nên đánh trả, gặp ông hiệu trưởng có óc kỳ thị phạt đuổi học Lai và còn đổ tội cho người Việt hay đánh nhau trong quá khứ, rồi mắng mỏ rằng đừng mang những chuyện đó qua đất nước này. Vì thiếu vắng bóng cha, tuy có được chú Nam (Khanh Đoàn), từng là thuyền trưởng tàu vượt biên, thương yêu giúp đỡ, nhưng cuộc sống, học hành của Lai do bà nội chăm lo dù tiếng Anh bà không hiểu, còn Mai quá bận rộn công việc, lơ là với con nên đã có những xung đột gia đình.

Khi xung đột bùng nổ lên, cái chết của Long không còn cất giấu được nữa. Sau đó gia đình trở nên êm ấm hơn. Những ước mơ lại theo cánh diều bay cao trong khoảng trời xanh trên vùng đất mới, nơi chuyện Thần Kim Qui tiếp tục được kể lại.

30.4.1975: Khoảnh khắc khó quên của người Việt Nam. Ngày chiến tranh kết thúc. Ngày của triệu nỗi buồn vui. Dấu mốc thời gian phân định “trước/sau”. Ngày Sài Gòn sụp đổ, cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa và cũng là khởi đầu cho những hành trình cải tạo, vượt biển của nhiều người Việt.

Hành trình đó ba mươi năm qua mới chỉ đọc được trên những trang sách: Đại học máu của Hà Thúc Sinh, Đáy địa ngục của Tạ Tỵ, Lost Years của Trần Tri Vũ, Prisoner of Word của Lê Hữu Trí là những nhân chứng của trại cải tạo, hay Hành trình biển Đông của những thuyền nhân kể lại.

Nguyễn Long (trái), Kiều Chinh, Nguyễn Thái Nguyên (bé lớn), người em và đạo diễn Hàm Trần trong đêm bế mạc liên hoan phim ở San Francisco (Ảnh Bùi Văn Phú)

Vượt sóng đã được trình chiếu trong đêm bế mạc Liên hoan Phim của người Mỹ gốc Á kỳ 24, tổ chức tại Palace of Fine Arts, San Francisco vào tối ngày 23.3.2006 và được khán giả, hơn 500 người, ca ngợi là phim hay nhất trong cuộc bình chọn do Comcast, một cơ sở bảo trợ tổ chức.

Phim rọi lên hình ảnh cuộc đời đầy đau thương và nước mắt mà nhiều người Việt đã trải qua sau ngày định mệnh tháng 4.1975 mà theo lời giới thiệu của Nguyễn Quí Đức, phụ trách chương trình Pacific Time trên làn sóng phát thanh KQED, thì đây là những câu chuyện rất thật của những người đã đem “phở” đến Hoa Kỳ.

Đó cũng là câu chuyện của những người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất. Câu chuyện của bà nội đi nhặt từng ống lon phế thải, của những cha mẹ cặm cụi làm việc trong xưởng may, cửa hàng, công xưởng để con cháu mai sau có cơ hội trở thành những bác sĩ, kĩ sư, những luật sư, giáo sư, đạo diễn, những nhà sáng tạo, nhà kinh doanh tài giỏi của ngày hôm nay.

Vượt sóng cùng với hai phim Ba mùa của Tony Bùi và Rồng xanh của Timothy Bùi đã làm thành một bộ tri-ô phản ánh thực tế đất nước và con người Việt Nam trong giai đoạn hơn một thập kỉ sau ngày 30.4.1975.

© 2006 talawas