trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
27.5.2006
Vũ Ngọc Thăng
Hậu chú thích cho bản dịch “Triết lí kiểu phụ nữ”
 
Xin cảm ơn bạn Hậu Học về những góp ý cho bài “Triết lí kiểu phụ nữ” – do tôi dịch từ bài “Filosofare al femminile” của Umberto Eco – đăng trên talawas nhân dịp 8 tháng 3 năm 2004. Trước khi đi vào những điểm cụ thể mà bạn đã nêu lên để trao đổi, tôi thấy cần có đôi lời mào đầu về văn bản của Eco. Đây là một bài báo đăng trên tuần san L’Espresso ở Ý, mà từ vài thập niên nay Eco là người chuyên trách mục “La Bustina di Minerva”/ “Cái bao diêm” (những suy nghĩ ghi trên bìa một cái bao diêm): những bài báo vắn gọn, luận bàn về mọi thứ “trên-trời-dưới-đất”, có đối tượng là một công chúng rộng rãi. Tôi đã có dịp dịch một số bài của mục này, nên đã rút ra một kinh nghiệm: hầu như trong bài nào cũng vậy, dù được viết bằng một ngôn ngữ dung dị, mang tính phổ cập, Eco thường đưa vào một vài khái niệm hoặc nhận xét hết sức khái quát và trừu tượng; hay là một vài thuật ngữ, dữ liệu hoặc trích dẫn mang tính học thuật. Và như thế – để có thể chuyển tải được độ khái quát và trừu tượng, hoặc độ chính xác ở những chỗ ấy – người dịch phải nỗ lực tra cứu và chọn một cách dịch sao cho có độ khái quát và trừu tượng hoặc độ chính xác thích hợp.

Xin vắn gọn trao đổi với bạn như sau:

1. Về một số từ/cụm từ:

  • “pensare l’infinito” (tư duy về cái vô hạn), “dare senso al finito” (mang lại ý nghĩa cho cái hữu hạn): như đã nói trong lời mào đầu, theo tôi, độ khái quát và trừu tượng của những cụm từ này cần phải được chuyển dịch một cách cao nhất có thể. Vả lại, cung bậc của đoạn viết cũng được xác lập ngay từ mệnh đề mở đầu: “Một khẳng định triết học trước đây…”. Dịch “dare senso a” thành “mang lại ý nghĩa” có thể là “nôm na mách qué”, nhưng tôi nghĩ, nó thích hợp cho việc nêu bật tính tương phản giữa hai thái độ: “tư duy” (một hành vi không cụ thể), và “mang lại” (một hành vi cụ thể), và như thế, có thể góp phần vào việc phản ánh sự dí dỏm trí tuệ đã được Eco thể hiện, đặc biệt, khi ta đọc câu tiếp sau “vì đàn ông không sinh con, nên họ phải tự an ủi bằng các nghịch lí của Zenon”. Ở đoạn này, chỉ với đôi ba dòng viết, Eco đã có thể nêu gọn, một cách trừu tượng, khái quát, và sinh học, một trong những tính chất cơ bản mà cho tới nay người ta thường coi là để phản ánh sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.

  • “leggere” (đọc): tôi chủ ý dịch sát nghĩa động từ “leggere” là “đọc”, vì tôi nghĩ đến cái bối cảnh văn hoá gốc của nó (phương Tây), nơi người ta có thể gặp những khái niệm như: “Il lettore Modello” (Người đọc Mẫu mực - Eco) hoặc “Misreading” (Đọc nhầm - Derrida), và những lối biểu đạt như “Lettura di un’ onda” (Đọc một ngọn sóng - Italo Calvino, Palomar, tiểu thuyết, chương I) hoặc “Ma ha insegnato a leggere la realtà come un graffito…” (Song ông chỉ ra cách đọc thực tại như một vết xước… - Claudio Magris, “Bài học của Benjamin: một vết xước cỏn con có thể loan báo một sự man rợ khủng khiếp”, tiểu luận).

  • Đúng là, cụm từ “có thể đọc theo nhiều cách”, nếu đứng riêng rẽ, có thể bị một người nào đó hiểu là “có thể đọc xuôi, đọc ngược…”, nhưng tôi nghĩ, khi nó nằm trong một mạch văn cụ thể, đang tiếp diễn, thì làm sao mà nó có thể khiến người đọc đột nhiên khựng lại, rồi xoay ngang xoay dọc văn bản để tìm cách đọc xuôi đọc ngược câu “đàn ông thì có khả năng tư duy về cái vô hạn, còn đàn bà thì mang lại ý nghĩa cho cái hữu hạn”. Tôi cũng không cho rằng câu này là một sự “phi logic” (tôi giả định là bạn đang nói về cấu trúc): vì cả hai vế đều có chủ từ động từ và túc từ; hơn nữa, hành vi “tư duy” của vế này, còn được đối trọng bằng hành vi “mang lại” của vế kia, một cách cân xứng, theo một thứ logic “bổ sung”.

  • “una produzione visiva” (một nền sản xuất thị giác): tôi dịch như thế, vì muốn chuyển tải được độ khái quát và trừu tượng của cụm từ gốc.

  • “Chiesa/Church” (Nhà thờ): đây là một thuật ngữ được giới học thuật phương Tây sử dụng trong sử học (một cách thế tục, được khảo sát như một định chế).

  • “corpo” (thân thể): khi tìm cách dịch từ corpo trong bài này, có lúc tôi định dùng từ thánh thể, bởi vì từ này, trong văn bản của Eco, theo tôi, được sử dụng để tượng trưng cho một truyền thống thực hành tâm linh của các vị thánh nữ/các nhà huyền học nữ (tự nguyện một cuộc sống khổ hạnh, chế ngự những nhu cầu của thân thể, để hướng tới một Tình-yêu-Hợp-nhất với Thiên chúa). Thánh Caterina da Siena chẳng hạn: từ khi lên bảy đã Nguyện ước sự Đồng trinh của mình. Sự xả bỏ “tính thân thể” (corporeità) của bà có khi đạt tới tối cực, bà chỉ ăn trái cây và rau đậu sống, nhai chúng một lúc rồi nhổ ra. Trong trường hợp lỡ nuốt vì không cưỡng lại được sự mời gọi của thức ăn, thì bà sẽ dùng một cái cuống búp thì-là hoặc một cái lông ngỗng và khêu trong cổ họng cho tới khi thức ăn được nôn ra. Ở một chiều kích khác, sự “chú trọng thân thể” của các bà hẳn còn bao hàm một nội dung tư biện hoặc suy nghiệm về cái “tính thân thể”, được Eco hàm ý là cũng có trong tư tưởng triết học của Merleau-Ponty (quan hệ căn nguyên của con người với thế giới được thiết lập qua thân thể; thân thể là có trước và bất khả quy trước tính tương phản – giữa chủ thể và khách thể, giữa ý thức và thế giới – vốn được cấu thành sau đó bởi sự suy tư và bởi khoa sinh lí học v.v…) qua câu “Bảo rằng phần lớn các nhà huyền học nữ chú trọng thân thể hơn các ý niệm trừu tượng thì cũng như cho rằng, chẳng hạn, Merleau-Ponty phải biến mất trong sách giáo khoa triết học”. Đây cũng là luận điểm để Eco phản bác cái “ý kiến cho rằng nhà huyền học nữ không phải là một triết gia”. Và sau khi đã viện dẫn những ví dụ về các nữ triết gia khác, ông dẫn người đọc đến câu kết: “Không phải không có phụ nữ làm triết học. Thật ra, các bậc triết gia nam tử đã muốn quên các bà đi, có thể sau khi đã chiếm hữu tư tưởng của các bà”.

  • “crocifissione” (Thánh giá): tất nhiên, tôi cũng hiểu từ “crocifissione” là để chỉ hình ảnh Chúa bị đóng đinh, và khi chuyển dịch thành từ Thánh giá viết hoa (trong bản gốc từ này không viết hoa), ý tôi cũng muốn là để chỉ cây thập tự giá có Chúa Giê-su bị đóng đinh.

  • un poco come dire che” (như thể qua cách nào đó bảo rằng): tôi nghĩ mình đã không thêm thắt gì ở đây, vì cụm từ “qua cách nào đó” đã được sử dụng để dịch cụm từ “un poco”.


2. Về thì của một câu văn:

Việc dịch thì của một câu văn từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Việt chắc chắn là một vấn đề không đơn giản. Tôi xin đi ngay vào câu dịch mà bạn cho là có vấn đề: “È vero che la loro cultura era eminentemente auditiva e non visiva” (Văn hoá Do thái quả thực thịnh hành về thính giác mà không thịnh hành về thị giác). Dù mệnh đề sau của câu văn được viết theo thì quá khứ, nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ mình có thể chuyển dịch nó thành thì hiện tại vì những lí do sau đây:

  1. câu văn tiếng Ý ở thì imperfetto descrittivo (quá khứ chưa hoàn thành mang tính chất kể/tả) bắt đầu với mệnh đề “È vero che…” (Quả thực là… ở thì hiện tại);

  2. Eco ở đây dùng từ “văn hoá”, và khi nói đến văn hoá, thì đó là những giá trị trao truyền từ đời này sang đời khác, khó có thể biến mất một sớm một chiều, và theo tôi, nền văn hoá Do Thái hẳn vẫn đang chuyển tải – trong một chừng mực nào đó – cái đặc trưng “thịnh hành về thính giác mà không thịnh hành về thị giác”, theo nghĩa này, tôi cũng đã liên tưởng đến sự thể là, phải chăng do đặc trưng này mà nền văn hoá Do Thái đã và vẫn đang sản sinh ra những nhạc sĩ/nhạc công xuất chúng;

  3. mặt khác, tôi cũng đã nghĩ đến khả năng thêm cụm từ “thời ấy” vào câu văn, nhưng khi đọc lên, thì thấy rằng nó có thể được ngầm hiểu là văn hoá Do Thái thời nay không còn mang đặc trưng này nữa, và như thế, không khớp với cái đọc của mình.

3. Về động từ dovere:

Đây là hai câu mà bạn cho là có vấn đề khi sử dụng động từ “dovere” (những chỗ in đậm):

  1. “la divinità non doveva essere rappresentata per immagini” (tính thần thánh chẳng nên được biểu hiện qua hình ảnh);

  2. “Eloisa, brillantissima e infelice studente di Abelardo, aveva dovuto accontentarsi di divenire badessa” (Héloise, người học trò cực thông minh và bất hạnh của Abelard hẳn là đành lòng trở thành một nữ tu viện trưởng).
Trong tiếng Ý, động từ “dovere” bao hàm một phạm vi ý nghĩa rất rộng: phải làm; có nghĩa vụ, bổn phận; cần/nên; xuất phát từ; chịu ơn… thậm chí có lúc có thể được sử dụng như một lối biểu đạt ước muốn, hoặc giả định.

Trong câu a) cụm từ “chẳng nên” được bạn đề nghị dịch bằng cụm từ “không được phép”, “bị cấm” hoặc “cấm tuyệt đối” (nếu dịch ngược lại sang tiếng Ý, lần lượt có thể sẽ là “non è permesso”, “proibito” và “absolutamente proibito”), và trong câu b), cụm từ “hẳn là” được bạn đề nghị dịch bằng cụm từ “đã phải”. Như vậy trong cả hai trường hợp bạn đã chọn cách dịch “dovere” hiểu theo nghĩa “phải làm”.

Phần tôi, tôi đã chọn cách dịch “dovere” hiểu theo nghĩa “cần/nên” cho câu a); tôi nghĩ ở đây Eco đang dẫn lại một quan niệm – về việc chuyển tải những hình ảnh thần thánh trong phạm vi nghệ thuật và văn hoá – cho một đối tượng công chúng rộng rãi, chứ ông không đang dẫn lại nguyên văn Điều Răn mà bạn nhắc đến, cho một công chúng đặc thù, đồng nhất về tôn giáo.

Còn ở câu b) xin có đôi lời thế này: vì đã chọn dịch cụm từ “accontentarsi” là “đành lòng” (chuyển biến trong lòng, không ai có thể khẳng định giùm, mà chỉ có thể giả định, và nó cũng nói lên được tình cảnh “bấm bụng mà làm” của Héloise), nên tôi chọn dịch cụm từ “aveva dovuto” bằng cụm từ “hẳn là”.

Tất nhiên, có những chỗ tôi cũng đã dịch động từ “dovere” theo cách dịch “phải làm”. Trong đoạn dịch đem ra khảo sát ở mục tiếp sau chẳng hạn (chỗ viết nghiêng).


4. Về đoạn dịch mà bạn cho rằng “Dịch giả hiểu sai ý tác giả và không nắm mạch văn nên đã dịch ngược nghĩa hoàn toàn với bản gốc”:

“Le cronache dell’università di Bologna citano professoresse come Bettisia Gozzadini e Novella d’Andrea, così bella che doveva tenere lezione dietro un velo per non turbare gli studenti, ma non insegnavano filosofia” (Biên niên của Đại học Bologna kể rằng các vị nữ giáo sư như Bettisia Gozzadini và Novella d’Andrea đẹp đến nỗi họ phải giảng bài đằng sau một màn trùm mặt để sinh viên khỏi xốn xáo, nhưng các vị ấy không dạy triết). Thú thật, tôi không thể dịch mệnh đề cuối khác đi. Hơn nữa, cũng theo biên niên của Đại học Bologna, Bettisia Gozzadini là một nữ giáo sư luật (cuối thế kỉ 13), trong lúc Novella d’Andrea là con gái của Giovanni d’Andrea, cũng là một giáo sư luật lừng danh (1270, 1275–1348), và những lúc vị giáo sư này đi vắng thì ông nhờ cô con gái (đọc) giảng thay cho ông (dĩ nhiên bà cũng phải trùm mặt). Như vậy, rõ ràng là các bà không dạy triết. Và trong đoạn tiếp sau, Eco đã nêu thêm một viện dẫn khác làm rõ thêm ý của đoạn viết: “Trong các sách giáo khoa triết học chúng ta không thấy phụ nữ dạy biện chứng hoặc thần học”. Tôi cho rằng mình đã không hiểu sai mạch văn của bản gốc cũng như đã không dịch sai đoạn này.


5. Tôi đã sử dụng nhầm chủ từ danh xưng (“bà” thay vì “ông”) khi chỉ tác gia Gilles Ménage: xin cám ơn bạn và kính nhờ talawas sửa lại hộ tôi ở điểm này.

Để “chày cối” một chút cho vui ở chi tiết bị nhầm này và cũng để kết thúc bài viết: tôi nhớ lại là vào những ngày dịch bài “Triết lí kiểu phụ nữ”, trong một buổi tối tụ hội bạn bè, một anh bạn yêu thơ Hoàng Cầm đã đọc lên câu thơ “Tôi thuộc giòng mẫu hệ…”, có lẽ dưới hấp lực của câu thơ này, bài dịch lại xong vào một dịp 8 tháng 3 của những dịp 8 tháng 3 trải dài theo năm tháng, cộng thêm sự thể: văn bản của Umberto Eco, dù vỏn vẹn chưa đầy hai trang, đã khiến tôi phải tra cứu “bở hơi tai” suốt hai ba buổi cho mục chú thích, hầu như toàn bộ đều về các bà, những bậc nữ anh tài, thế là sáng loà đôi mắt, và có lẽ chính vì vậy nên mới ra “nông nỗi”. Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi nghĩ, dịch còn có nghĩa: tra cứu, tra cứu, và tra cứu dù có “bở hơi tai” cách mấy chăng nữa.

© 2006 talawas