trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
2.6.2006
Vũ Ngọc Tiến
Thư ngỏ gửi Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo
 
Thưa Ngài Bộ trưởng,

Trước hết, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe để Ngài hoàn thành chức trách cao nhất trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo như 83 triệu dân Việt Nam đang mong đợi! Sau nữa, công dân Vũ Ngọc Tiến mong được Ngài chiếu cố, bớt chút thời gian vàng ngọc, đọc thư này.

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Ngày 19/5/2006, trên Văn Nghệ Trẻ có đăng bài “Lật lại hồ sơ đầu tư thiết bị dạy học 2005- 2006” của tôi thì ngay lập tức trong hai ngày 19-20/5/2006, tôi nhận được rất nhiều điện thoại và thư điện tử của bạn đọc trong và ngoài nước ủng hộ 3 điều kiến nghị mà tôi đã nêu. Trong số đó có rất đông bạn đọc là giáo viên, cán bộ nghiên cứu và quản lý đang công tác hoặc đã nghỉ hưu của ngành GD-ĐT. Thế nhưng, cũng ngay lập tức, vào chiều ngày Chủ nhật (21/5/2006), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo do quý Bộ và Nxb Giáo dục tổ chức. Ông Phạm Ngọc Phương, Vụ phó Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) tuyên bố: “Năm học 2006-2007, dự kiến nhà nước sẽ dành 1.000 tỷ đồng phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, phần chủ yếu là mua thiết bị dạy học lớp Năm, lớp Mười và bổ sung cho các khối lớp khác, chi phí tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý...” Điều này có nghĩa Bộ đã thẳng thừng bác bỏ kiến nghị của tôi trong bài viết trước. Bởi thế, trong ngày hôm nay (22/5/2006) đã lại có rất nhiều bạn đọc gọi điện cung cấp cho tôi những sự thật đau lòng về đầu tư thiết bị dạy học (TBDH). Tôi không thể nhắc lại tất cả, khi cần sẽ kính trình Ngài một “tờ sớ” dài. Ở đây, tôi chỉ xin nêu hai ví dụ để Ngài có thể đích thân thị sát:

Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên rất gần Hà Nội, vốn là nơi xuất phát của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 60 năm trước. Ngài Bộ trưởng hãy về thăm chiến khu cách mạng mang màu sắc huyền thoại này và hãy chứng kiến gần 1 tỷ đồng TBDH đang chất đống trong kho lưu cữu từ vài năm nay vì không có người sử dụng hoặc không thể sử dụng. Một bạn đọc là cán bộ nghiên cứu, khi đi điều tra về giáo dục cộng đồng đã khẳng định với tôi rằng chính bà Hà Thị Tỵ ở Phòng giáo dục đưa chị đi cho xem tận mắt mà rơi nước mắt vì xót tiền dân. Nước ta có 800 quận huyện, hỏi có bao nhiêu tỷ tiền TBDH chất vào kho chờ cho hư nát, thưa Ngài?

Một bạn đọc khác là tiến sĩ, giảng viên chính trường ĐH Sư phạm Hà Nội thở dài nói với tôi: “Họ đầu tư TBDH ồ ạt là vì nhiều nguyên nhân ngoài giáo dục chứ tôi đã mấy chục năm đào tạo giáo sinh, tôi biết rõ khả năng thực hành của giáo viên ở các trường phổ thông kém lắm, làm sao đón nhận đầu tư! Ở trường Sư phạm người ta rất coi nhẹ dạy thực hành, tiết dạy đã ít vì sợ tốn tiền mà mỗi nhóm thực hành lẽ ra chỉ nên có 4 thì dồn lên tới hơn chục em, tôi làm sao hướng dẫn, các em làm sao có cơ hội mỗi người làm trọn vẹn một thí nghiệm? Đưa giáo sinh đi thực tập ở nhiều địa phương, tôi đều đã được chứng kiến thế nào là TBDH hư nát, lãng phí và điều đau xót nữa là các em giáo sinh của tôi muốn làm thí nghiệm cho học sinh cũng không được ai ủng hộ.” Ngài Bộ trưởng có thể kiểm tra ngay số giờ thực hành ở trường Sư phạm và chất lượng giáo sinh năm cuối thuộc các khoa Toán, Lý, Hoá, Sinh bằng một cuộc sát hạch tại phòng thí nghiệm trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì khắc rõ hệ lụy của lối đầu tư theo tư duy ngược.

Trong bài viết trước, tôi có đề cập đến vụ việc ông Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng chỉ định thầu cho bà Nguyễn Thị Minh Phương thực hiên cung cấp 928 bộ TBDH mẫu lớp Bốn và 928 bộ nữa cho lớp Chín. Tại cuộc họp báo (21/5/2006), ông Phạm Ngọc Phương chỉ cho biết: “Năm học tới, việc mua sắm TBDH lớp Năm và lớp Mười sẽ theo Luật đấu thầu, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có nghị định hướng dẫn thi hành luật.” Thế còn Bộ trưởng sẽ trả lời ra sao về sự chỉ định thầu của ông Vọng ở niên học trước? Chỉ biết rằng, nếu Quốc hội và cơ quan pháp luật vào điều tra thì bà Viện phó đã từng cắt xén diện tích thiêng liêng của Tổ Quốc hàng chục ki lô mét vuông khi biên oạsoạn sách giáo khoa địa lý kia sẽ còn phải giải trình không ít vấn đề mà bạn đọc cung cấp cho người viết thư này. Riêng về ông Vọng, dư luận trong Bộ GD-ĐT đồn rằng, ông Vọng cũng có hẳn một trang trại khá to ở quê nhà Hiệp Hoà, cũng chở tượng đá to đùng ngất ngưởng về bày chơi như Nguyễn Việt Tiến, không rõ thực hư thế nào, Bộ trưởng có biết?

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Nhân vụ việc TBDH mẫu lớp Bốn và lớp Chín, niên học 2005- 2006, đa số bạn đọc đồng tình với tôi kiến nghị lên Quốc hội và Chính phủ thanh tra lại toàn bộ các dự án trong GD-ĐT. Họ muốn tôi nêu cụ thể một vài dự án bằng vốn ODA và tiền công trái giáo dục cần thanh tra. Dưới đây xin liệt kê để Ngài rộng đường giải trình trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội thứ 9 khoá XI:

  • Dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông (CTSGK) lẽ ra phải do một tổng chỉ huy tổ chức thực hiện, nhưng không hiểu vì món tiền vay quá lớn hay sao mà quý Bộ lại xé lẻ ra nhiều kiểu PMU biến tướng, giao cho mỗi quan chức cao cấp trong Bộ nắm giữ một tiểu dự án vài chục triệu USD. Chỉ riêng giai đoạn biên soạn và in sách cho 2 cấp tiểu học và trung học cơ sở đã cực kỳ rối rắm: CTSGK tiểu học, ông LVH (đã quá cố) nắm 77 triệu USD; CTSGK trung học cơ sở, ông Nguyễn Văn Vọng nắm 71,5 triệu USD; còn Nxb Giáo dục nắm độc quyền in sách triền miên, doanh số mỗi năm cỡ 100 triệu USD. Đi theo các PMU biên soạn sách lại có các PMU bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới: Bà Đặng Huỳnh Mai nắm 145 triệu USD cho cấp tiểu học; còn ông Nguyễn Tấn Phát nắm 35 triệu USD cho cấp trung học cơ sở. Cơ chế nào kiểm soát việc chi tiêu của các PMU biến tướng kia? Chỉ riêng việc thanh toán cho các nhóm cán bộ đi bồi dưỡng dạy theo sách mới đã âm ỉ dư luận trong ngành về sự thiếu minh bạch từ nhiều năm nay. Một bạn đọc là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở Tp Hồ Chí Minh cho tôi biết, nếu anh ở cương vị bà Mai, ông Phát sẽ có phương án bồi dưỡng giáo viên dạy theo sách mới hiệu quả và ít tốn kém như sau: Nước ta hiện có 64 tỉnh, thành (lúc bắt đầu dự án chỉ có 51 tỉnh thành). Mỗi tỉnh thành đều có trường Cao đẳng Sư phạm, có nơi có cả Đại học Sư phạm. Ta chỉ cần phân bổ kinh phí về các trường đó để họ tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên thuộc tỉnh, thành của mình là sát với thực tế trình độ giáo viên ở địa phương, lại đỡ tốn kém và hiệu quả nhất. Hà cớ gì ông Phát, bà Mai cứ nhất thiết phải khư khư ôm cục tiền, đưa người từ trung ương về bồi dưỡng qua quýt, hiệu quả thấp, tốn kém gấp mười? Phải chăng vì làm như vậy thì cái khoản tiền vay 145 và 35 triệu USD kia mới dễ bề kiểm soát? Thiết nghĩ, lời của người giáo viên kia cũng là kiến nghị chung của cử tri cả nước lên Quốc hội về sự cần thiết phải thanh tra lại dự án là có cơ sở.

  • Dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học dự chi 103,3 triệu USD, do ông Trần Văn Nhung làm Giám đốc, ông Lê Phước Minh làm Trưởng Ban điều hành (Đến năm 2003 do ông Đỗ Đình Thanh làm Trưởng Ban). Đây là dự án có khá nhiều tai tiếng, đã từng xuất hiện lá thư nặc danh của một cán bộ trong ngành tố cáo ông Nhung và ông Minh, gửi tới các phương tiện thông tin đại chúng. Việc phân bổ đầu tư về các trường theo 3 mức: 500 ngàn USD mức A, 700 ngàn USD mức B và 2-3 triệu USD mức C diễn ra không minh bạch, có dấu hiệu vòi vĩnh hối lộ dịp tết Quý Mùi (2003) đã không được thanh tra tới cùng. Hiệu quả đầu tư nói chung rất hạn chế do nhiều tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện, đến nay đang còn là dấu hỏi lớn.

  • Dự án xoá mù chữ trở lại và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cho các vùng khó khăn từ năm 2003 với mức dự chi là 244 triệu USD do Thống đốc Ngân hàng ký vay của WB (Ngân hàng thế giới) tự nó đã giễu cợt dư luận về thành tích phổ cập tiểu học toàn quốc và phổ cập trung học cơ sở ở nhiều địa phương tư nhiều năm qua. Thế nhưng đã vay rồi thì phải chi cho đúng nơi, đúng việc và hiệu quả. Năm 2005, tôi có dịp đi đến 5 tỉnh Tây Nguyên, vài tỉnh ở đồng bằng Cửu Long mà sững sờ vì nạn thất học. Ở Kon Tum, tôi đã trò chuyện 2 buổi tối với cô giáo Trương Công Kiều, đã từng dạy học tại Plei Cần 3 năm, nghe cô kể về trường lớp hoang sơ, trẻ em thất học mà ngỡ như chuyện của 100 năm trước. Ở huyện Ô Môn, Cần Thơ, tôi chỉ đi vào sâu trong các cù lao cách Viện lúa đồng bằng Cửu Long chừng 2 cây số là có thể gặp đầy rẫy thanh thiếu niên mù chữ. Đến cù lao Tiên Phước ở huyện Tân Phú, cách không xa thị xã Châu Đốc, tôi lại càng đau lòng nhìn đám rất đông trẻ nhỏ người Chăm bỏ học, lẵng nhẵng chạy theo du khách xin tiền. Sợ rằng những điểm thị sát vừa nêu chỉ là dị biệt, tôi đã tìm hiểu số liệu thống kê để trình lên Bộ trưởng như sau: Trong vòng 8 năm (1997- 2004) số học sinh tiểu học nước ta giảm từ 10.384.000 xuống còn 7.745.000 em (giảm gần 25%). Đành rằng quy luật phát triển của mọi quốc gia cho thấy có sự giảm dần số trẻ vị thành niên và tăng dần số người già lão trong cơ cấu dân số, nhưng số liệu thống kê lại cho ta thấy từ năm 1997 đến 2004 số trẻ em ở độ tuổi tiểu học (5-9 tuổi) chỉ giảm có 16%. Từ hai kết quả thống kê này ta dễ dàng suy ra trong 8 năm ấy, cả nước có khoảng 950.000 trẻ em (5-9 tuổi) đã không được đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Chao ôi! Gần 1 triệu nhi đồng trong 83 triệu dân bị thất học có là con số đáng báo động, tương lai đất nước sẽ ra sao? Xin Bộ trưởng vui lòng cho biết, từ năm 2003 đến nay, ta đã tiêu 244 triệu USD như thế nào, quản lý ra sao, hiệu quả đến đâu?

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Thư đã dài, rất mong được đối thoại cùng Ngài và các cộng sự của Ngài vì sự nghiệp chấn hưng nền học nước nhà. Một lần nữa chúc Ngài mạnh khỏe, tâm thường an lạc!

Hà Nội 22/5/2006
Vũ Ngọc Tiến

© 2006 talawas