trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
8.6.2006
Phạm Toàn
Trăm năm… nghìn năm…
 
Chuyện thời sự ngày xưa: nhà bác học tìm ra nguyên lý đòn bẩy, để khẳng định sự đúng đắn của mình, đã hùng hồn tuyên bố “Cho tôi một điểm tựa, tôi sẻ bẩy được cả trái đất”. Nhại lại tuyên ngôn kia, cũng một chuyện thời sự thời Khai sáng, một nhà bác học tuyên bố “Cho tôi giáo dục, tôi sẻ bẩy được cả trái đất”. Không nhại ai hết, từng có một nhà bác học thời đương đại đã nói với một vị thủ tướng không hiểu trọn vẹn ý tưởng người đối thoại “Cho tôi học sinh lớp một của cả nước, tôi sẽ dạy lại cách tư duy cho cả một dân tộc”.

Theo dòng lịch sử, một dân tộc thường vẫn định kỳ được học đổi mới tư duy. Tiếc rằng những bài học không định kỳ thường chỉ đến với người lớn tuổi theo lối ăn xổi. Chẳng hạn, khi tại một vài vùng trong cả nước bùng nổ ra các cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống cường hào ác bá, chống cả những cuộc thay đổi kỹ thuật dẫn đến thất nghiệp, đó đều là những bài tập ngắn về thay đổi tư duy cho người lớn tuổi. Đến khi từ một vùng nó lan ra khắp các vùng, khi đó có bài tập lớn về thay đổi tư duy, nhưng cũng vẫn chỉ là cho người lớn tuổi. Đặc điểm của những trường học, lớp học cho người lớn tuổi là việc học diễn ra theo phong trào. Phong trào là những làn sóng. Mà sóng thì có lúc dâng cao và có lúc tụt thấp. Đặc điểm nữa của các làn sóng là khi chúng dâng nước lên thì chúng vừa đẩy lên cao những thứ nặng như kim cương vốn ẩn ở tầng nước sâu bên dưới vừa để lại trên mặt nước cả rác rưởi nữa. Những rác rưởi trong tư duy chính là những điều ngộ nhận. Rác rưởi trong tư duy cũng là sự con người không khi nào thực sự trưởng thành, có lớn mà vẫn không có khôn.

Thay đổi tư duy cho trẻ em phải tiến hành chậm nhất là từ khi các cháu đang còn ẵm ngửa. Nhưng công cuộc đó chỉ có thể tiến hành ở gia đình. Còn tiến hành theo lối có tổ chức, đồng loạt cho cả cái dân tộc năm-sáu tuổi đời kia, thì chắc là phải chờ tới tuổi các cháu vào lớp một. Một tỷ lệ nhất định con em trước giai đoạn năm-sáu tuổi có thể nhận sự rèn luyện tư duy trong gia đình song song với trường mẫu giáo. Nhưng cái tỷ lệ tuyệt đối rèn luyện tư duy cho đủ một trăm phần trăm các cháu thì chỉ có thể đợi xã hội tổ chức cho, và tiến hành trong hệ thống nhà trường giáo dục phổ thông. Không tiến hành từ lớp một, và không tiến hành cho các cháu biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan và đợi đến đại học mới đổi mới tư duy thì đã quá muộn.

Điều quan trọng để các cháu biết ăn ngủ, biết học hành ngay từ trường phổ thông và bắt đầu từ lớp một là người lớn phải biết cách tổ chức việc ăn ngủ học hành đó. Người lớn là những ai? Trước hết đó là các nhà sư phạm. Nhà sư phạm không chỉ lao đầu vào sửa sách giáo khoa và soạn sách tham khảo vô căn cứ, mà trước hết cần biết cách thức trẻ em ăn ngủ ra sao và học hành như thế nào là đúng. Người lớn không chỉ đứng ra giảng giải thiên hô bát xát, mà phải tổ chức việc học của trẻ em theo cách học đúng với tinh thần thời đại. Người lớn-nhà sư phạm không chỉ mở cổng cái nhà trường mỗi buổi sáng đã coi là xong việc, mà còn phải biết đổ đầy nội dung bên trong cái phương pháp nhà trường ấy. Dĩ nhiên sau người lớn-sư phạm, còn có những người lớn có trách nhiệm tổ chức cho các nhà sư phạm thành công trong sự nghiệp trăm năm trồng người của họ. Súng đã kéo vào trận địa sẵn sàng nhả đạn, mà nhà quản lý bảo gấp càng lại và kéo đi chỗ khác, vì đang mải bận ưu tiên chống tham nhũng, thì nhà sư phạm có tài thánh cũng bó tay và nhà trường sẽ thả sức hứng chịu những bẻ bai của xã hội.

Nhưng điều kiện tiên quyết để người lớn hoàn thành trách nhiệm huấn luyện tư duy mới cho cả một dân tộc năm-sáu tuổi đời lại nằm trong tay người lớn-nhà sư phạm. Và nhiệm vụ đó cũng lại chỉ gói gọn trong một điều này thôi, phải biết rõ trẻ em học như thế nào để dựa trên những hiểu biết đó mà tổ chức việc học của trẻ em.

Ngay từ lớp một, trẻ em đã phải có cách học để có thể sở hữu ba kiểu ngôn ngữ đặc trưng ba lối tư duy của loài người.

Trước hết có lối tư duy với đối tượng tự nhiên. Chẳng hạn, số là một đối tượng tự nhiên, do đó toán học là cách học mang tính phương pháp nhà trường để có lối tư duy lô gích của số. Vật chất là một đối tượng tự nhiên, do đó vật lý học, hóa học là cách học để có lối tư duy thực chứng đối với các dạng tồn tại của vật chất. Đặc điểm của cách học các môn học “tự nhiên” này, cũng là cách chiếm lĩnh các đối tượng này, ấy là tính khách quan, tính phân tích, tính thực chứng. Ngay từ lớp một, trẻ em đã không chỉ học bằng kinh nghiệm để biết 3 lớn hơn 2, mà còn phải biết chứng minh vì sao 3 lớn hơn 2. Cũng ngay từ lớp một, cách học theo lối “xóa nạn mù chữ” cũng sẽ phải được tiến hành theo cách thức khác hẳn, đó là cho trẻ em biết cách nghiên cứu mang tính ngữ âm học đối với các vật liệu là tiếng Việt.

Loài người còn có cách tư duy theo lối ẩn dụ gửi trong các sản phẩm nghệ thuật. Tư duy ẩn dụ tiến hành không bằng cách khách quan, phân tích, thực chứng, mà bằng tưởng tượng, liên tưởng. Việc học văn thơ ở nhà trường không phải là để học đạo lý. Học toán mà giỏi thì cũng sẽ có cái đạo lý của nhà lô-gích, với tư duy độc lập và thực chứng, không chịu ăn theo và nói leo. Học khoa học lịch sử mà giỏi thì cũng có đầu óc phân tích các sự kiện mà do chỗ chúng không xảy ra ngay trước mắt nên càng đòi hỏi cái đạo lý của con người lịch sử chịu tìm tòi đến kiệt cùng sự kiện, chứ không dừng lại ở tuyên truyền lòng ái quốc. Việc học văn và thơ ở trường phổ thông là cái mẫu để hiểu biết các dạng hoạt động nghệ thuật khác của con người. Có được cái tư duy nghệ thuật từ trường phổ thông thì khi lớn lên sẽ thấy một tài năng như tác giả “Cánh đồng bất tận” là không thay thế được; những ai khác chết thì có ngay một nghìn lá đơn xin thế chỗ, nhưng Nguyễn Ngọc Tư chết, sẽ chẳng có nổi một ai thế chân.

Và loài người có cách tư duy thứ ba cần huấn luyện cho trẻ em ngay từ khi nhỏ tuổi và nhất là từ khi đến trường học lớp một, đó là lối tư duy không nói thành lời. Lối tư duy vô ngôn này bộc lộ những phẩm chất rất khó phân biệt giữa cách chủ thể biểu hiện ra và động cơ thật của chủ thể. Ta cần nhận rõ sự thành thực trong câu nói của vị thay mặt Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải: “Trước khi bị bắt, họ là những đảng viên tốt”. Ông này chỉ bộc lộ một cách học chưa đủ và chưa đúng ngay từ lớp một, vì ông không có hiểu biết về lối tư duy vô ngôn. Yêu thương, ganh ghét, nhớ nhung, ghen tuông, giận hờn, cảm thông, hận thù… những phẩm chất này có thể biểu hiện trùng hợp hoặc trái nghịch với động cơ thực của chủ thể. Cũng như một bà già Việt Nam ít học nhưng biết làm phúc và yêu thương thực sự là một bậc chân tu so với những người mang đô-la giả đi gặp đồng chí Chúa Kho mặc cả vay mướn; những vị chân tu này sẽ không tu cái bàn tay khi ra khỏi cửa chị Chúa Kho để bốc thịt chó và chăm phần chăm dzô dzô dzô.

Các nhà sư phạm hiện đại cho rằng cái phẩm chất tư duy vô ngôn gắn bó rất chặt với hai cách tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật đã nói bên trên. Một vị lang băm không thể nào có y đức, vì có nổi cơn yêu đồng loại thì cũng bó tay vì không có nghề. Một người không biết bơi thì không thể cứu đồng loại dưới nước. Người vớ vẩn về nghệ thuật làm sao có thể hiểu nối một cái “cánh đồng bất tận” của quê hương đất phèn nhà mình? Chính vì thế mà có câu nói rất hay này về sứ mệnh trăm năm nghìn năm trồng người, xin chép tặng bạn đọc để thay lời kết: “nếu bạn rời khỏi một ngôi nhà và không ngó ngàng gì trong một thời gian dài, nhà có thể biến thành đống gạch. Nhưng nếu bạn có bỏ một đống gạch mà đi và chẳng ngó ngàng gì trong thời gian bất kể bao lâu, thì đống gạch tự nó chẳng thể nào biến thành ngôi nhà”. (Michael White & John Gribbin, Einstein A Life in Science, trang 27-28, Simon & Schutter UK Ltd xuất bản, 1993, 1994, 1997, 2005).

Nguồn: Khoa học và Tổ quốc số 1 tháng 6-2006