trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
26.6.2006
Phạm Văn Nam
Trao đổi với ông Vũ Ngọc Tiến
 
Tôi tên là Phạm Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển Học liệu và Thiết bị Dạy học (Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục), đơn vị trực tiếp thực hiện công việc kiểm định chất lượng bộ mẫu TBDH lớp 4, lớp 9 năm học 2005–2006.

Trước hết, cho phép tôi được bày tỏ sự cám ơn chân thành tới Quý báo và cá nhân ông Vũ Ngọc Tiến đã quan tâm và làm cho mọi người quan tâm hơn đến thiết bị dạy học, một lĩnh vực đầy khó khăn phức tạp mà những người làm công tác nghiên cứu khoa học như chúng tôi tự nhận thấy mình đã nỗ lực, đã tận tâm, nhưng chưa bằng lòng với những gì đã có, đã làm được. Thưa ông Tổng biên tập, thưa ông Vũ Ngọc Tiến!

Như đã nói thiết bị dạy học là một lĩnh vực khó khăn, công việc nghiên cứu khoa học đòi hỏi một sự hiểu biết nhất định cả về học thuật lẫn công nghệ, trong khi nền khoa học của Việt Nam vẫn còn ở trong tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng những trở ngại ấy rồi cũng sẽ được sớm giải quyết trong xu thế hội nhập hiện nay. Tôi rất mong những ai quan tâm đến thiết bị dạy học sẽ sát cánh hơn nữa cùng chúng tôi góp phần vào sự phát triển này.

Với tư cách của một người tham gia trực tiếp vào công việc chuyển giao mẫu thiết bị dạy học lớp 4, lớp 9, bằng những điều mình biết chắc chắn, tôi thấy cần trao đổi với ông Vũ Ngọc Tiến về một số thông tin trong bài “Lật lại hồ sơ mua sắm TBDH” (Báo Văn Nghệ Trẻ số 21 (495) ngày 21-05-2006, chứ không phải ngày 19-5–2006 như ông Tiến đã khẳng định ở một bài sau đó: “Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD–ĐT”, Văn Nghệ Trẻ số 23 (497) ngày 04–6-2006).

Thứ nhất, ông Tiến nói: “… Viện Nghiên cứu Chiến lược Giáo dục (…) bao trọn gói từ khâu thiết kế bộ mẫu đến lên giá thành trình Bộ Tài chính phê duyệt và cả ký kết hợp đồng cho 64 tỉnh thành và gần 800 quận huyện”.

Thông tin trên không đúng vì:

Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục không bao trọn gói mà chỉ thực hiện một trong những nhiệm vụ tiến trình triển khai công tác thiết bị năm học năm 2005–2006: kểm định chất lượng và chuyển giao TBDH lớp 4, lớp 9.

Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục cũng không phải là đơn vị lên giá thành trình Bộ Tài chính phê duyệt.

Thứ 2: ông Vũ Ngọc Tiến cho rằng: “… sự hụt hẫng về chuyên môn của 2 bộ TBDH mẫu do những người thiết kế thiếu kinh nghiệm giảng dạy Toán–Lí–Hóa–Sinh”.

Sự thật là bộ mẫu thiết bị dạy học lớp 4, lớp 9 đã được các hội đồng bộ môn và hội đồng thẩm định thiết bị dạy học (bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo có kinh nghiệm giảng dạy, chỉ đạo chuyên môn…) xét duyệt nhiều vòng và đã được trưng bày lấy ý kiến rộng rãi. Đây là cách làm tối ưu của Bộ GD–ĐT, đã huy động được sự tham gia của nhiều người, nhiều đối tượng quan tâm đến công việc dạy và học. Nhờ đó mà những vấn đề về nảy sinh về mẫu thiết bị dạy học đã được giải quyết kịp thời. Đến nay, Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục cũng chưa nhận được một thông tin nào về “sự hụt hẫng về chuyên môn” đối với mẫu thiết bị dạy học lớp 4, lớp 9.

Thông tin thứ 3: Theo tính toán của ông Tiến thì “… số thiết bị cung cấp sẽ là 928 bộ mẫu lớp 4 và 928 bộ mẫu thiết bị lớp 9. Tổng giá trị các hợp đồng đạt cỡ trên 40 tỉ đồng (928 x 50 triệu = 46.400.000.000 đồng)”.

Tôi thực sự ngỡ ngàng trước thông tin này, không biết ông Tiến lấy những con số kia từ đâu. Số mẫu TBDH mà Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục đã chuyển giao cho các Sở GD–ĐT là 712 bộ mẫu TBDH lớp 9 (không đồng bộ).

Như thế tự nhiên ông Tiến đã khai khống cho Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục thêm 216 bộ. Đó là chưa kể 712 bộ mẫu TBDH đã chuyển giao cho các địa phương phần lớn là không đầy đủ số lượng các hạng mục như danh mục quy định mà ở trên tôi tạm gọi là không đồng bộ.

Cần nói cho rõ: sở dĩ có chuyện giao không đồng bộ ở các bộ mẫu TBDH là do địa phương không có nhu cầu mua đồng bộ (căn cứ theo văn bản đăng ký của địa phương). Ví dụ: căn cứ vào nhu cầu thực tế của mình mà Sở GD–ĐT địa phương có thể cần mẫu TBDH này, mà không cần mẫu TBDH kia; hoặc trong 1 bộ TBDH có 6 cơ số, địa phương chỉ cần 1 cơ số làm mẫu…

Thông tin thứ 4: Ông Vũ Ngọc Tiến khẳng định rằng: “bà Phương đã toàn quyền từ A đến Z lên đơn giá của từng chi tiết cho 2 bộ mẫu bị đội lên đến mức khó tin…”

Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục chuyển giao mẫu TBDH lớp 4, lớp 9 theo đúng giá của Bộ Tài chính phê duyệt (Quyết định của Bộ Tài chính số 2076/QĐ–BTC ngày 21 tháng 6 năm 2005). Nên không thể có “đơn giá của từng chi tiết trong 2 bộ mẫu bị đội lên đến mức khó tin” như bài báo đã nêu.

Với những thông tin như thế, đã nên đặt câu hỏi 10 tỉ đồng lợi nhuận rơi vào túi những ai chưa? Thưa ông Tiến!

Như vậy, những thông tin mà tôi cung cấp trên đây không giống như những gì mà ông Tiến khẳng định trong bài viết của mình. Tôi không rõ ông Vũ Ngọc Tiến đã lấy những thông tin kia từ đâu? Tôi ghi nhận sự nhiệt tình của ông Tiến và Quý báo với công tác TBDH, nhưng cũng đòi hỏi phải “nói có sách, mách có chứng”.

Rất mong Quý báo và ông Vũ Ngọc Tiến xác minh lại và thông báo cho tôi được rõ.

Xin chân thành cám ơn!

Nguồn: Văn Nghệ Trẻ, 18.6.2006