trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
10.7.2006
Nguyễn Trọng Tín
Buôn lậu, bệnh thành tích và ông Bộ trưởng
 
Bằng việc gửi thư cho bạn đọc báo Tuổi Trẻ, tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã ít nhiều bộc lộ mình. Ðể mổ xẻ một vấn đề của giáo dục ông đã không ngần ngại đi từ một vấn đề khác vốn được coi là thế mạnh của mình: kinh tế học. Tuy nhiên, cái sự hiểu của ông về buôn lậu, bán lẻ thuốc lá lậu và mua thuốc lá lậu để hút lại có điều không ổn. Ông cho rằng: còn có người mua thuốc lá lậu thì mới còn người bán và buôn lậu, rồi thì người ta mua thuốc lá lậu để hút vì chất lượng khá mà giá lại rẻ. Thoạt nghe có vẻ đúng, nhưng ngẫm cho kỹ thì lại không phải vậy. Chỗ này cần có sự phân biệt rạch ròi: ở các nước văn minh và phát triển cả ba hành vi trên đều phạm pháp; ở Việt Nam thì không hẳn thế: buôn lậu thuốc lá ngoại từ bên ngoài vào là vi phạm pháp luật còn bán lẻ thuốc lá ngoại thì tự do thoải mái, mua thuốc lá lậu để hút thì vô tư. Và quan trọng là: giá thuốc lá lậu không hề rẻ, bởi đơn giản là nó không có lý do để rẻ. Ở các nước tiên tiến người mua chấp nhận vi phạm pháp luật (mua thuốc lá lậu), đổi lại họ được một chút lợi (giá rẻ). Ở ta, thuốc lá lậu khi đã về đến thành phố Hồ Chí Minh thì bình đẳng với thuốc không lậu, vậy hà cớ gì người bán lẻ lại bán với giá rẻ hơn? Có nghĩa là, ở góc độ kinh tế mà xét thì thuốc lá lậu không còn lậu nữa và khi đó giá cả do quy luật cung cầu của thị trường quyết định. Và, đặc điểm của sự mua bán ở đây là trong đầu người mua không hề có ý niệm về sự cần thiết phải phân biệt thuốc nào lậu thuốc nào không lậu. Ở góc độ quản lý nhà nước, một khi hành vi mua thuốc lá lậu không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật thì không thể trách cứ người dân (trách nhiệm để xảy ra chuyện này không ai khác hơn là các cơ quan của chính phủ). Vì thế chỉ ở các nước văn minh thì hành vi mua thuốc lá lậu của người tiêu dùng mới bị coi là tiếp tay cho buôn lậu. Nhưng cho dù là ở đâu thì những kẻ buôn lậu vẫn đóng vai trò chủ động tạo nên chuỗi hành vi buôn, bán và tiêu thụ. Quan điểm cho rằng do còn có người mua thuốc lá lậu nên vẫn còn người bán và buôn lậu thể hiện một năng lực phân tích để hiểu vấn đề còn nhiều hạn chế. Như đã nói ở trên, người mua không hề có ý niệm gì về thuốc lá lậu hay là không lậu, còn pháp luật không hề coi mua thuốc nhập lậu là phạm pháp, thành thử việc cho rằng ở ta có người tiêu dùng thuốc lá lậu là không thỏa đáng. Thế nên lập luận còn có người mua thuốc lá lậu thì mới còn người bán và buôn lậu là không thuyết phục.

Cũng từ góc độ kinh tế thì giáo dục là một loại hình dịch vụ mà phụ huynh và học sinh là người mua cái dịch vụ ấy. Không ai muốn bỏ tiền ra để có thứ hàng dởm kém chất lượng và cũng không ai muốn bỏ tiền ra để mua một thứ mà người ta biết rõ là được đóng mác chất lượng cao hơn thực tế (điểm số). Hệ thống giáo dục ở ta hầu hết là trường công, sự lựa chọn của người mua dịch vụ là rất hạn chế nếu không muốn nói là gần như phải mua hàng độc quyền. Có nghĩa là họ khó có thể mua dịch vụ giáo dục khác. Tương quan kinh tế ở đây là bất bình đẳng, thế nên việc kêu gọi: các bậc phụ huynh và học sinh phải kiên quyết từ chối việc thi cử, đánh giá học sinh bằng điểm thi cao hơn khả năng thuộc về các em là không chấp nhận được. Họ từ chối bằng cách nào nhỉ?

Trong khi nhiều phụ huynh học sinh đang kỳ vọng vào tân Bộ trưởng thì một cú đá giò lái phũ phàng của ông này làm mọi người chưng hửng: Chính vì có hàng triệu gia đình muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng đóng tiền “bồi dưỡng” các thầy cô để các em được điểm thi cao bằng mọi cách thì mới có bệnh thành tích ở quy mô lớn và “bền vững”, chống mãi không được như vậy. Có thể nói ngay rằng tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hiểu không đúng về bệnh thành tích.

Chủ thể của bệnh thành tích không ai khác hơn là những con người trong hệ thống giáo dục. Chúng ta hãy thử tìm căn nguyên của căn bệnh này. Thật đáng buồn là chuyện này bắt nguồn từ phong trào thi đua dạy tốt và học tốt. Có một thực tế buộc phải thừa nhận là cái sự dạy và học tốt là những cái rất khó thi đua. Người ta có thể thi đua lên lớp đúng giờ, giảng đủ thời gian quy định, chuẩn bị giáo án nghiêm túc... (nhưng không có nghĩa là sẽ dạy tốt) hoặc có thể thi đua đi học đúng giờ, không nói chuyện trong giờ học, làm bài tập ở nhà đầy đủ, vở sạch chữ đẹp, giữ trường lớp sạch đẹp... (nhưng chưa chắc đã học tốt). Một khi người ta thi đua cái không thể thi đua thì dĩ nhiên phải tìm những chuẩn nào đó để hơn nhau. Lớp này hơn lớp kia, trường này hơn trường kia... Ðó chính là tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi, tỷ lệ đậu tốt nghiệp. Trong quan niệm của những người làm công tác giáo dục ở nước ta các thông số này phản ánh cái sự dạy và học tốt. Thế điều gì có thể định đoạt các tỷ lệ trên? Ðó là điểm số, mà điều này thì nằm trong tầm tay của những người đang vận hành hệ thống giáo dục.

Mặt khác, từ khi nền kinh tế mở cửa đã có nhiều sự đổi thay, đặc biệt là sự phân hóa xã hội. Nếu như ở thời chiến tranh và trong giai đoạn khó khăn sau 1975 ai nấy đều được chia phần thiếu thốn, thanh bần một cách công bằng thì khi đổi mới một bộ phận của xã hội, vì nhiều lý do khác nhau, đã sống khá giả hơn. Ðịa vị kinh tế và do đó, địa vị xã hội của thầy cô giáo sa sút thê thảm. Ðể tự cứu mình, các thầy cô giáo cấp một và các thầy cô giáo ở cấp cao hơn – dạy những môn được coi là quan trọng (toán, lý, hóa, ngoại ngữ) bắt đầu nghĩ đến chuyện kèm cặp thêm cho những học sinh yếu để tăng thu nhập. Lúc này nhu cầu dạy thêm và học thêm gặp nhau. Như chúng tôi đã nói ở trên, cái sự học được và học tốt không phải ai cũng có thể làm. Một khi tư chất không được thông minh thì dầu có chăm học kết quả cũng có mức độ. Mà tư chất đã kém thì dầu có học nhiều cũng khó đạt được mức trung bình. Vậy là ở đây đã xuất hiện mâu thuẫn giữa yêu cầu của phụ huynh học sinh (con em họ phải học khá hơn) với khả năng của cái sự dạy thêm (kết quả hạn chế). Ðể giải quyết, cách tốt nhất và rất dễ làm là ra bài ở lớp giống hệt như lúc dạy thêm đồng thời nâng đỡ khi chấm điểm một chút. Vậy là cả làng đều vui. Lần hồi bắt đầu có sự lạm dụng, việc dạy thêm bị khai thác triệt để và tính chất tự nguyện của cái sự đi học thêm không còn. Ðiểm số trở thành công cụ để thầy cô giáo buộc học sinh phải học thêm và khi đó nó không còn làm chức năng đánh giá khả năng của học sinh nữa. Trong khi đó, nhà nước thì buông lỏng, xã hội buông xuôi mặc nhiên thừa nhận chuyện này, tạo điều kiện để nạn cho điểm không đúng thực chất bùng phát và lan tràn.

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhu cầu cho điểm không đúng thực chất của một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo có dạy thêm với nhu cầu đua tranh tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi, tỷ lệ đậu tốt nghiệp (thể hiện qua điểm số) của các đơn vị trong ngành giáo dục đã đẩy bệnh thành tích phát triển về chất, tạo nên một đại họa cho xã hội mà phụ huynh, học sinh chỉ là nạn nhân.

Hậu quả là trong năm học thì thầy cô giáo đe nẹt học sinh bằng điểm để càng nhiều em học thêm càng tốt, cuối năm thì lãnh đạo trường, phòng giáo dục, sở giáo dục ép giáo viên nới tay nâng điểm để còn thi đua.

Còn chuyện sẵn sàng đóng tiền “bồi dưỡng” các thầy cô để các em thi được điểm cao bằng mọi cách thì nên hiểu như thế nào? Tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cần nhớ rằng khoảng 20 năm nay nhiều phụ huynh học sinh đã quen với việc bị buộc phải đóng thêm một khoản tiền được gọi là tiền học thêm. Nhưng trong não trạng của họ, khoản này được một số coi như là tiền trả công dạy dỗ thêm, một số coi như là khoản chi phí để con cái mình được yên thân không bị đì, một số thì coi như khoản điều tiết lại thu nhập, một số coi như là khoản chi để thầy cô chiếu cố con cái mình mà cho điểm nới tay... Ở nơi nào mà phụ huynh học sinh thuộc loại vừa kể chiếm số đông thì ở nơi ấy phao thi ngập tràn. Nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến. Bởi thế hàng triệu gia đình là con số không đáng tin. Chỉ từ một số điểm thi có sự tổ chức thu tiền để bồi dưỡng cho giáo viên coi thi và cũng chỉ từ sự kiện thi tốt nghiệp (không xem xét gì đến tiến trình gieo rắc bệnh thành tích trong quá trình dạy và học, đánh giá và kiểm tra kết quả học tập của học sinh ở các trường của hệ thống giáo dục) tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra kết luận như trên là hết sức vội vàng.

Chúng tôi cho rằng: những gì vừa trình bày sẽ giúp tân Bộ trưởng hiểu đúng hơn về buôn lậu, bán lẻ và mua thuốc lá lậu để hút (kinh tế học) và bệnh thành tích trong giáo dục. Nay người viết bài này đề nghị với tân Bộ trưởng một vài điểm như sau:

  1. Hãy tìm hiểu để nắm bắt đúng thực trạng giáo dục trên các mặt: chất lượng đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ giảng dạy; năng lực quản lý giáo dục của những cán bộ chủ chốt đang giữ trọng trách tại các cơ sở giáo dục; chất lượng sách giáo khoa phổ thông và công việc biên soạn giáo trình ở bậc đại học; chất lượng dạy và học ở các cấp (kể cả bậc đào tạo tiến sĩ); phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thể hiện qua việc ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi; việc phong chức danh khoa học (giáo sư, phó giáo sư); công việc nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, các viện thuộc Bộ Giáo dục; tình trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học (giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, xưởng thực hành, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ...).

  2. Hãy đặt thực trạng giáo dục trong toàn cảnh bức tranh xã hội hiện tại để giải quyết các vấn đề của giáo dục trong mối liên hệ với toàn hệ thống, trên cơ sở nắm rõ chức trách, quyền hạn và nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Từ đó:


  3. Xin không nói chuyện 10 năm, hãy bắt đầu bằng những điều sẽ làm trong nhiệm kỳ 5 năm của mình. Không xây dựng một chương trình hành động hoành tráng, điều gì cũng muốn đề cập, nan vấn nào cũng muốn giải quyết. Cần tập trung giải quyết vài ba việc cấp thiết nhất, cơ bản nhất. Thiết nghĩ trong một nhiệm kỳ làm được vài ba việc đến nơi đến chốn cũng đã là thành tích đáng nể cần ghi nhận.
Xin nói thêm về đề nghị thứ ba. Cách đây mấy năm, với tư cách là Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách mảng khoa học và công nghệ, ông Nguyễn Thiện Nhân đã bỏ nhiều công sức và có lẽ cả trí tuệ nữa để xây dựng nên một kế hoạch phát triển ngành công nghệ thông tin (CNTT) trong 20 năm. Tuy nhiên, kế hoạch hoành tráng này đã bị một trí thức Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực CNTT sổ toẹt trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Ông này nói rằng CNTT phát triển với tốc độ chóng mặt, ngay cả các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của các tập đoàn lớn cũng không hình dung được trong 5 năm tới CNTT sẽ phát triển đến đâu. Cũng theo chuyên gia này, cứ sau một chu kỳ 4 năm tri thức trong lĩnh vực này sẽ trở nên lạc hậu và đó cũng là lý do nhiều trường đại học chỉ xây dựng chương trình đạo tạo kỹ sư CNTT trong 3 năm. Ông này mát mẻ: các vị lãnh đạo thành phố có tầm nhìn xa... như Nguyễn Khải!

Sau sự kiện này ít lâu, trong lễ khởi công xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phó chủ tịch Thường trực Thành phố, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: chúng ta phải xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm với cơ sở hạ tầng hiện đại cho tới 100 năm sau (!). Ai cũng biết rằng cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng kỹ thuật: đường sá, cầu cống, điện nước, thông tin liên lạc (mạng điện thoại nội địa – hữu tuyến và vô tuyến, viễn thông – cáp thông tin và vệ tinh, mạng Internet tốc độ cao)... và hạ tầng xã hội: nhà cửa, trường học, bệnh viện, công viên... với biết bao nhiêu loại máy móc phục vụ, ứng dụng không biết bao nhiêu công nghệ. Trong khi đó khoa học và kỹ thuật ngày nay phát triển nhanh mức nào đến thằng Bờm cũng còn biết. Thế thì ông Nguyễn Thiện Nhân quả là hay thích đùa khi chỉ đạo quan chức cấp dưới như vậy.

Vậy nên, viết là viết cho dzui dzậy thôi hà, cũng chẳng hy vọng gì nhiều nhưng rõ là có giảm stress!

© 2006 talawas