trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 64 bài
  1 - 20 / 64 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
29.10.2002
Nguyên Hưng
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Cho dù thiết tha mong muốn có một diễn đàn tương đối cởi mở, tự do để cùng nhau đào sâu vào các vấn đề của mỹ thuật Việt Nam hiện tại, về tương lai của nó v.v…, nhưng thật lòng, với "bàn tròn" này, tôi chỉ cảm thấy thất vọng.

Thất vọng. Bởi, tập hợp quanh "bàn tròn" đều toàn là những "tên tuổi sáng giá", những "chuyên gia quốc tế" về mỹ thuật Việt Nam, và, ai cũng tỏ ra nhiệt tình…, nhưng lạ, những vấn đề đang được đào xới, bàn luận -ít nhất, cho đến nay- lại cứ na ná như ở các "bàn tròn lẩm cẩm" trong nước, giữa các ông, bà "cán bộ mỹ thuật" với nhau. Thì cũng quẩn quanh với những chuyện "dân tộc" với "hiện đại", "giao lưu" với "hội nhập"… kẻ tung, người hứng v.v… Phải chăng đây là những vấn đề phổ quát, không thể không nói đến nếu muốn thảo luận về một nền mỹ thuật? Tôi tưởng, bất cứ ai có kiến thức tương đối về lịch sử nghệ thuật đều biết chắc là không phải.

Vậy, tại sao?

Ở Việt Nam, các ông, bà "cán bộ mỹ thuật" quan tâm đến những vấn đề này, đơn giản vì, họ chỉ coi mỹ thuật là phương tiện. Điều này, một phần có động cơ chính trị, đặt cho mỹ thuật (nghệ thuật nói chung) nhiệm vụ xây dựng các biểu tượng đầy màu sắc lãng mạn, nuôi dưỡng "những mối đồng cảm chung", nhằm "đoàn kết dân tộc", "thống nhất toàn dân" (1), nhưng phần khác, quan trọng hơn, là vì tầm nhìn lạc hậu, hời hợt. Lạc hậu, vì động cơ nói trên chỉ là sản phẩm kéo dài của lối "tư duy thời chiến". Hời hợt, vì đã "không xem mỹ thuật bằng ngôn ngữ của nó" (nói như Như Huy), vẫn cứ qui chiếu tác phẩm nghệ thuật về "hiện thực" (2), lấy "hiện thực" làm tiêu chuẩn định giá nghệ thuật v.v… Các họa sĩ thời "đổi mới" cũng quan tâm đến những vấn đề này, bởi vì, thực tế, họ cũng chẳng hơn gì. Đa số trong họ cũng dừng lại ở tầm nhìn như vậy. "Họ thiếu ngôn ngữ để diễn đạt và đánh giá mỹ thuật trên những bình diện khác nhau" (nói như Birgit Hussfeld). Khác chăng ở họ là động cơ. Cá nhân hơn. Đó là cách nhanh nhất để vừa có danh vừa có lợi. Nói thẳng như Kaomi Izu là mang tính "cơ hội"… Còn trên diễn đàn này thì sao? Có phải bởi Nora Taylor đã "tung" (trong phát biểu ngày 19.10) và Veronika Radulovic đã "hứng" ngay sau đó (trong phát biểu ngày 20.10), để rồi mọi người, cả thảy, bị cuốn vào "trò chơi tung, hứng" như thế. Nếu giới mỹ thuật quốc tế nhìn mỹ thuật Việt Nam theo kiểu "Việt Nam trước", "mỹ thuật sau", như một cách nhìn, thì thật tình, tôi chẳng ngại ngần gì không nói: họ cần phải học hành lại, từ đầu. Còn khi đó đã là một kết luận trên tinh thần thực chứng, thì những "chỉ trích" của Nora Taylor chỉ dẫn chị vào con đường ngụy biện. Kết cuộc, chỉ gây rối cho người khác (những người thiếu độc lập trong suy nghĩ) và tự hạ uy tín của mình. Chẳng phải ngay trong phát biểu này, chính chị lại quay sang phê phán các nghệ sĩ Việt Nam là vẫn "tiếp tục coi các sáng tác của họ trước hết là mang tính "Việt Nam", chứ không thể hiện những giá trị tổng quan" sao? Khi các nghệ sĩ Việt Nam tự thể hiện mình như thế, thì "chỉ trích" gì được chuyện người ta thấy mình như thế! Những "cố gắng" của Nora Taylor chỉ khả dĩ, khi chị thành thật thừa nhận: "Nền mỹ thuật nào mà chẳng có thau, có vàng. Mà thường, thau nhiều hơn vàng. Mới thấy thau mà đã kết luận thì vội vàng quá đấy! Đây, vàng đây nè! Thấy chưa? Rút lại ý kiến đi!" v.v… Riêng tôi, tôi chỉ ngại rằng, vàng mà chị đưa ra, chỉ là vàng mạ, còn lõi vẫn cứ là thau! Tôi ngại vậy, vì cái chữ "giá trị tổng quan" (universal value) trong câu vừa dẫn, có thể xem như một tiêu chuẩn nghệ thuật, thật ra không ổn chút nào, nhất là khi ngay sau đó chị phủ định "tính dân tộc-quốc gia". Có tâm hồn nghệ sĩ nào không phải là sự nhóm họp của đủ các loại quan hệ "vũ trụ-xã hội-nhân sinh". Khi người nghệ sĩ đạt tự do trong tư duy, nghệ thuật của anh ta có đầy đủ tất cả: một cá nhân, một dân tộc, một nhân loại cụ thể… Người ta giành giật quốc tịch của một nghệ sĩ, chỉ là giành giật quyền được tự hào (điều này cũng có ý nghĩa khích lệ cho sự tìm tòi sáng tạo nơi các nghệ sĩ trẻ, kích thích sư vận động phát triển của một nền văn hóa…). Người nghệ sĩ thực thụ là của chung nhân loại. Chỉ sợ, họ bị "điều kiện hóa" mà trở thành những "con người lâm thời", những "nghệ sĩ lâm thời", chỉ làm ra được những thứ "chỉ có giá trị lâm thời"!. Tóm lại, nếu tiếp tục như thế này, thì tôi đành phải nói như Birgit Hussfeld, "mệt mỏi lắm". Sẽ chẳng đi đến đâu. Và chẳng để làm gì. Không trực tiếp nói ra, nhưng rõ ràng trong phát biểu của Đào Mai Trang cũng biểu lộ cảm nghĩ như vậy. Như Huy và Kaomi Izu đã nói đúng: "chúng ta chưa đụng chạm đến cốt tử của vấn đề".

Trong bài "Phê bình mỹ thuật Việt Nam" mở đầu cho cuộc thảo luận "Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đang ở đâu?" trên diễn đàn này, tôi đã viết: "Mỹ thuật Việt Nam là một nền mỹ thuật bất hạnh". Nhiều người, không đồng ý như vậy. Nhưng thử nghĩ kỹ xem, nền mỹ thuật Việt Nam hiện tại, thực tế, không gì khác hơn, là "một nền nghệ thuật lâm thời", gồm những "nghệ sĩ lâm thời", làm ra những tác phẩm "nghệ thuật" chỉ có "giá trị lâm thời", và, tất cả những điều đó, thật bất hạnh, đã không được ý thức, đã không trở thành đối tượng của phê bình. Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, do đó, không có cơ may tồn tại thực sự. Nền móng của nó, nói một cách hình tượng là "đầm lầy". Trên "đầm lầy", không ai có thể xây dựng lâu đài. Ngay ý định đi đứng cho thẳng lưng cũng không thể. Nổi trên bề mặt hiện nay, chỉ là những cố gắng "lăn, lê, bò, toài" hay "bấu víu vào một cái gì đó". Ở Việt Nam, ý kiến này, tôi đã phát biểu nhiều lần, trên báo, nơi này nơi kia, nhưng cũng đã bị chìm lấp. Chưa bao giờ được đào xới. Cho dù chỉ là phản bác. Điều này không khó hiểu. Có nhiều nguyên do. Có nguyên do "sợ vạ miệng". Nỗi sợ cố hữu của người Việt Nam. Có nguyên do khác, "đáng sợ" hơn, đang ngự trị trên tâm lý số đông người Việt Nam hiện tại, là sự đánh mất ý thức về một "trách nhiệm chung, một tương lai chung". Suy nghĩ "đời người ngắn lắm…" chi phối một cách phổ biến, khiến cho ai cũng tinh khôn theo kiễu "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau". Chuyện "quốc gia hưng vong thất phu hữu trách" chẳng mấy khi nghe ai nhắc… Có nguyên do khác, hết sức căn bản, là hạn chế của tầm nhìn. Ở Việt Nam, ai cũng biết, sự ra đời Thuyết Tương đối của Einstein, Phân tâm học của Freud v.v…đã làm thay đổi cách suy nghĩ của nhân loại thế kỷ 20, nhưng cụ thể, chúng đã đóng góp những tiền đề gì cho cách suy nghĩ mới đó, và cụ thể, cách suy nghĩ mới đó như thế nào v.v… thì phần lớn đều "mơ màng". Nói vậy vẫn "cao vời". Thực tế "bi thảm" hơn. Một "tú tài" ngày nay, chẳng biết chút gì về Tâm lý học đại cương, Xã hội học đại cương, chẳng biết chút gì về Luận lý học…, thì riêng chuyện tự biết mình, có suy nghĩ độc lập, đối với họ đã là điều thậm chí không được ý thức. Ngay cả trong giới "được gọi là trí thức", "có tên tuổi", không ít người vẫn không phân biệt được giữa cái "tự do bên ngoài" và "tự do bên trong" khác nhau như thế nào. Bởi vậy, có người, khi bị kiềm chế, do yêu cầu tồn tại, vẫn "kiên cường ý chí", nhưng khi "được uống rượu Tây", thì "xỉn", nói năng quờ quạng…Vân vân và vân vân. Chập trùng nguyên do. Với những nguyên do như vậy, mà cốt lõi là cá nhân không có cái bản lĩnh của con người tự do, thì còn hy vọng gì được nữa! Chị Trịnh Thị Minh Hà nếu sống trong n ước, thì cũng chìm lấp như vậy thôi. Giờ, ở nước ngoài, chị có làm gì, thì trong nước, cũng chẳng mấy ai biết… Nói chung, Mỹ thuật Việt Nam hiện tại tồn tại như những ảo ảnh.Không thể phát triển. Không lưu dấu vết ở bất kỳ nơi đâu. Kể cả trong tâm thức người Việt Nam. Là người Việt Nam, tôi chẳng vui sướng gì khi nói như thế.(Hơn nữa, đang sống trong nước, tôi biết, trách nhiệm về lời nói của mình rất nặng nề…). Nhưng, đó là một sự thực, mà tôi tin, không phải riêng tôi, mọi người Việt Nam, sớm muộn gì rồi cũng phải đối diện. Đối diện, và phải tự đề ra cho mình những nhiệm vụ mới. Bằng không, chính mình cũng chỉ sẽ tồn tại như một ảo ảnh.


----------
Ghi chú:
(1)Những cái mà Kaomi Izu gọi là "cái bẩy tượng trưng chủ nghĩa tự tạo với các ngộ nhận về cái "văn hóa làng" độc đáo của mình"- hiểu thành "tư duy văn hóa làng" như Mai Chi là sai; còn đồng nhất với "cái ngưỡng dân tộc" như Dương Phúc An cũng chẳng đúng tí nào!
(2) Những chữ hiện thực này, tôi để trong ngoặc kép, vì ở Việt Nam, nó cũng được hiểu rất riêng…
(29.10.2002)

© Talawas 2002