trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 64 bài
  1 - 20 / 64 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
14.11.2002
Nguyên Hưng, Như Huy, Nora Taylor
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Nguyên Hưng:

Anh Patrick thân mến, "dân tộc", "hiện đại" v.v… là những giá trị xuyên suốt. Nhưng đó có phải là những khái niệm không thể tránh khỏi khi bàn tới mỹ thuật hay không lại là vấn đề khác. Nếu đặt ở góc nhìn nghệ sĩ, thì vấn đề sẽ không hẳn như vậy. Với người nghệ sĩ, "dân tộc", "hiện đại" v.v…đều là những sản phẩm của "cái nhìn người khác". (Ít nhất, anh cũng có thể đọc thấy ý này trong phát biểu của anh Nguyễn Đại Giang - 04.11.02). Nó có thể làm cho sáng suốt hơn, nhưng cũng có thể làm u mê đi. Nó có thể trở thành một lực cản, không cho người nghệ sĩ quay về với bản thể hồn nhiên nơi tư duy là căn để của sáng tạo tự do.

Theo tôi, câu hỏi cần thiết đối với chúng ta khi đề cập đến vấn đề "tính dân tộc Việt Nam", vấn đề "tính hiện đại trong mỹ thuật Việt Nam" là chúng đã được đặt ra như thế nào, chứ không phải chúng thực sự là gì. Câu hỏi sau chỉ dẫn đến sự hòai nghi của Đào Mai Trang "bao nhiêu người trong số chúng ta trò chuyện đây có thể cảm nhận đầy đủ cái "chất" này…"(26.10.02), và chỉ dẫn chúng ta vào những tranh luận lẩn quẩn, tủn mủn. Còn với các nghệ sĩ, điều này, nếu không hài hước, thì cũng phù phiếm. Chăm chú vào câu hỏi đầu, chúng ta sẽ đụng đến vấn đề bầu không khí chính trị xã hội, cơ sở học thuật, thiết chế văn hóa, các định kiến đồng đại, sự tưởng tượng tập thể, những biểu tượng … và sự chi phối của chúng v.v… Và, theo tôi, đây mới là những điều đáng bàn nhất. Nó cho thấy nhiều vấn đề trong não trạng người nghệ sĩ Việt Nam, trong cái gọi là "bản lĩnh" của họ v.v…

Trong câu chuyện của Nguyễn Hiến Lê, là tôi, tôi thay "một số nông dân chất phác" bằng "một số họa sĩ chất phác", chứ không phải như anh, là "một số viên chức nghệ thuật chất phác". Ở Việt Nam, bản lĩnh cá nhân của con người nghệ sĩ mới là vấn đề.

Anh Văn Sáng, mỹ thuật Việt nam không có công chúng trong nước, cũng là một vấn đề đáng thảo luận đó chứ. Nhưng điều này nằm ngoài sự bận tâm của anh. Đúng không?!

Họa sĩ vẽ vì tiền, hay vì cái gì, thuộc về quyền hạn cá nhân. Ai trách gì được. Không ai lấy đó xét nhân cách họa sĩ (Dĩ nhiên, tôi biết, ở Việt Nam, vẫn có lắm vị "dở hơi" lên tiếng lên án này nọ. Ngay cả họa sĩ Trần Lương, trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Thể thao & Văn hóa cách đây vài tháng, cũng đã lên tiếng phân bua: "hãy có cái nhìn độ lượng hơn với các họa sĩ", bởi có vẽ vì tiền, thì tại họ nghèo quá thôi…! v.v…Nhưng tất cả, tuy rất phổ biến ở Việt Nam, vẫn là ngoại lệ). Vấn đề nằm ở chổ, anh vẽ như thế này mà nói như thế khác, vẽ nhái theo người khác, vẽ lặp lại chính mình mà vẫn khệnh khạng bàn chuyện sáng tạo, chuyện biểu hiện, vẫn nhảy chồm chổm vào các diễn đàn nghệ thuật giành giật vị trí v.v… (một hiện tượng cũng rất phổ biến ở Việt Nam). Theo anh, đó có phải là gian lận không? Từ đây, có thể xét nhân cách được không? Hay, anh lại cho rằng; "ối giời, trong bối cảnh nhập nhằng thật giả lẫn lộn như ở Việt Nam dại gì mà không gian lận!?"
Ở góc độ của mình, ở góc độ thương mại nói chung, anh được quyền tung hô "người nước ngoài muôn năm". Điều này không cần phải bàn cãi. Nhưng thưa anh, chỉ ở góc độ này thôi nhé!

Anh đã không sòng phẳng khi lên án "cả nắm" các họa sĩ "lụy vào nhà nước", "lụy vào chính trị". Thật ra, họ cũng như anh, như những họa sĩ "lụy tiền" thôi. Lụy, mà họ không tự cho mình đang làm một thứ "nghệ thuật tối thượng", không lên mặt "độc tôn", "chủ đạo" thì có gì đáng trách…

Chị Veronika thân mến. "Học lại từ đầu", ý này của tôi, khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng mà, phải chăng đó là lý do đủ để bỏ qua vấn đề chúng ta đang tranh luận. Vấn đề cách nhìn của người nước ngoài. Cụ thể hơn, cơ sở lý luận của người nước ngoài trong sự đánh giá mỹ thuật Việt Nam. Chị nên bình tĩnh đọc lại phát biểu của tôi, và mổ xẻ vào đó thì hơn. Đối với ai cũng vậy. "cái nhìn người khác" có thể đưa ta vào "thiên đường" nhưng cũng có thể ném ta xuống "địa ngục". Tất nhiên, "thiên đường" hay "địa ngục" là còn tùy vào bản lĩnh của ta khi tiếp nhận. Với người không bản lĩnh, một lời khen, một tiếng chê vu vơ, cũng đủ làm cho điên đảo. Ở Việt Nam, cái kiểu "vừa cần vừa khinh" người nước ngoài là rất phổ biến. Điều này, hình như chị Natalia cũng đã có đề cập trong phát biểu ngày 27.10.02. Nó cho thấy cái bản lĩnh gì? Là người Việt Nam tôi không thấy tự hào chút nào về cái bản lĩnh ấy.

Khi đã từ chối "quan sát và phân tích kỹ những vấn đề của mỹ thuật Việt Nam", không biết chị căn cứ vào đâu để cho rằng nói "nền mỹ thuật bất hạnh", "đầm lầy"… là "đao to búa lớn"?! Hay chị tin rằng "đã có tôi dạy ở trường đại học mỹ thuật Hà Nội rồi, đã có nhiều người nước ngoài vào khai sáng rồi… thì làm sao nền mỹ thuật Việt Nam lại có thể bất hạnh được"?
(14.11.02)


Như Huy:

Mai Chi nói bàn tròn này nên tránh để emotion chi phối - tuy nhiên, tôi thấy hầu như chúng ta quá bị chi phối bởi emotion - tuy thế - cái emotion mà tôi nhận thức có lẽ khác với cái emotion mà Mai Chi đề cập.
Theo tôi - sự bị chi phối bởi cái emotion của bàn tròn nằm ở chỗ, hình như hầu hết chúng ta không tìm đến cơ chế của việc chúng ta bất bình (hay ngưỡng mộ), và theo tôi, việc tìm đến cơ chế bên trong của mọi sự kiện dường như là cách hay nhất để nhận diện sự kiện đó. Tôi lấy ví dụ: Chị Natasha bực mình vì những bức tranh vẽ trâu đang bội thực tại VN. Vậy tại sao nó làm chị (và tôi) bực bội? theo tôi - về nguyên nhân căn bản, chúng ta khó chịu với những bức tranh đó vì sự giả dối trong cảm xúc, sự lười nhác trong suy nghĩ và sự kém cỏi trong kỹ thuật cũng như hình họa...
Và như thế, cái mà chúng ta khó chịu không phải là những bức tranh vẽ trâu đó mà là tất cả những cái giả dối trong cảm xúc, lười nhác trong suy nghĩ, kém cỏi trong kỹ thuật và hình họa. Xác định như thế sẽ dẫn đến việc không phải cứ gặp bức tranh vẽ trâu nào là ghét bức tranh đó mà chỉ ghét những bức tranh (không chỉ vẽ trâu) thỏa mãn những điều kiện như đã nói ở trên (tôi không biết chị đã xem 10 bức tranh thiền chăn trâu chưa nhỉ - và chị thích hay ghét nó?). Xác định như thế sẽ dẫn chúng ta đến việc không bị đánh lừa bởi bất cứ bề ngoài nào (dù là tranh giá vẽ, instalation, performance, video ...) - bất cứ đề tài nào, hình thức nào, nếu giả dối trong cảm xúc, lười nhác trong suy nghĩ, kém cỏi trong kỹ thuật (tôi không đề cập tới hình họa nữa ) đều làm chúng ta khó chịu.

Nhân tiện xin hỏi Veronika một câu, định hỏi mấy lần mà cứ quên khuấy đi mất. Trong bài viết (lâu rồi) của chị cũng trên diễn đàn này, chị có viết rằng: " ... Những con bò bôi màu - thực hiện bởi 15 hay 20 nghệ sĩ việt Nam của tôi ở Hà Nội. Những con bò đó hoàn toàn có thể gây chấn động ở Documenta...". Tôi tự hỏi cái chữ "nghệ sỹ của tôi" ấy là thế nào nhỉ? chị trả lương cho những nghệ sỹ ấy (họ trả lương cho chị), chị hướng dẫn những nghệ sỹ ấy làm nghệ thuật (họ hướng dẫn cho chị), chị giúp những nghệ sỹ ấy xuất hiện trên thế giới (họ giúp chị xuất hiện tại VN)?
Cũng theo đề nghị của chị ở bài viết gần đây nhất - sao chị không cụ thể ghi tên các nghệ sỹ đó mà lại ghép vào cái đám đông đông khoảng 15 - đến 20 người vậy? Thứ nữa, khi nói về cơn chấn động tại Documenta, chị không tính đến việc những nghệ sỹ Lào sẽ đem tới Documenta những con voi (bôi mầu), những nghệ sỹ Thái mang tới cá sấu (bôi mầu) và những nghệ sỹ Úc sẽ mang tới Documenta những lon bia Foster (kiểu Úc) hay sao? Và tại sao họ lại không gây chấn động hơn chị nhỉ?
(14.11.02)


Nora Taylor:

Bàn về các nghệ sĩ có ảnh hưởng, tôi cho rằng Trương Tân trong thập kỷ 90 là một trong những người này, bởi anh dám khác với số đông và dạy sinh viên của mình rằng họ có thể vẽ những chủ đề mang tính cá nhân, không chỉ phong cảnh hay tĩnh vật. Anh đã ảnh hưởng tới Nguyễn Minh Thành và những người khác. Nhưng ảnh hưởng của anh đã giảm. Hiện tại, tôi cho rằng Trần Lương rất có ảnh hưởng, không nhất thiết bằng những sáng tác của mình, mà vì anh là người lãnh đạo trung tâm mỹ thuật đương đại, và anh có sức mạnh để khuyến khích các nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm multi-media, performance, happening v.v... Về hội hoạ, tôi cho rằng Trần Trọng Vũ đặc biệt quan trọng trong việc đưa mỹ thuật Việt Nam ra thế giới bên ngoài. Là một nửa người Việt, một nửa người Pháp, anh vượt qua ranh giới của các categories trong mỹ thuật Việt Nam, và cách tiếp cận của anh cũng rất chính trị. Anh không ngại chạm đến những vấn đề như: màu da, kiểm duyệt, tiền và quốc tịch trong những sáng tác của mình. Bởi anh sẽ triển lãm ở những nơi mà phần lớn các nghệ sĩ Việt Nam khác không tiếp cận được (các phòng tranh ở New York, các hội thảo tại Đức, etc.), chắc chắn anh sẽ có ảnh hưởng tới cái nhìn của người ngoài với mỹ thuật Việt Nam. Chúng ta hãy chờ xem.
(14.11.02)

© Talawas 2002