trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 64 bài
  1 - 20 / 64 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtBàn tròn "Mĩ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu"
1.11.2002
Đo Mai Trang, Veronika Radulovic, Bradford Edwards
Bàn tròn Talawas "Mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?"
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33 
 
Ðào Mai Trang:

Trong bản tham luận ngắn này, tôi xin được trở lại với ý kiến của cá nhân mình đã đăng trên diễn đàn Talawas vừa qua cùng ý kiến phản hồi của Natalia. Những câu hỏi mà tôi đưa ra trong bản viết ấy không nhằm mục đích chê trách bất kì cá nhân nước ngoài nào đam tham gia vào đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam. Hơn nữa, các câu hỏi ấy không đi rời rạc với nhau mà chúng là một series vấn đề nằm trong một ý niệm khác- ý niệm hướng tới dấu hỏi về sự thấu hiểu và cảm thông của tất cả chúng ta dành cho nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (Về điều này, bạn đọc chỉ cần lưu ý một chút, đừng đọc nhanh quá hay chỉ lướt qua, là nhận ra liền. Nếu không, có lẽ là do cách diễn đạt kém cỏi của tôi). Chúng ta đang chỉ ra, đào bới, phê phán sự yếu kém, lạc hậu, nông nổi, giả hiệu của họ, nhưng tất cả các căn bệnh đó được xuất phát từ đâu vậy? Series câu hỏi của tôi thực chất không nhằm để hỏi thuần tuý mà đó giống như một gợi mở để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ với nhau và với cộng đồng nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam nhiều hơn, rộng và sâu hơn.
Nếu như chúng ta có thể ước chừng được bao nhiêu phần trăm nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã và đang theo dõi diễn đàn này, theo dõi một cách nghiêm túc, có suy nghĩ và lên tiếng với chúng ta... Tiếng nói của chúng ta nếu không đến được với họ thì, dù đó là tiếng nói bi quan, phê phán hay cảm thông, cũng chẳng để làm gì.
(30.11.2002)


Bradford Edwards (độc giả):

Tôi đang theo dõi những thảo luận bàn tròn với rất nhiều hứng thú. Nhiều vấn đề xác đáng xoay quanh nghệ thuật Việt Nam Đương Đại đã được đưa ra và được thảo luận. Một trong những vấn đề hiển nhiên và gây nhiều ảnh hưởng nhất là ý niệm về "Việt Nam tính". Tôi cảm thấy rằng vấn đề này đã được thảo luận rất tỉ mỉ và tôi không còn gì để đóng góp, nhưng có một khía cạnh khác về nghệ thuật Việt Nam đương đại chưa hề được chú ý đến. Đó là phải xác định một định nghĩa khả dụng của "nghệ thuật đương đại" là gì và tác phẩm nghệ thuật Việt Nam hiện tại có liên quan như thế nào với phần còn lại của nghệ thuật đương đại thế giới.

Việc định nghĩa "nghệ thuật đương đại" này là quan trọng bậc nhất bởi vì có rất nhiều tranh cãi về sự chấp nhận nghệ thuật Việt Nam ở ngoại quốc và về việc nghệ thuật Việt Nam có thể đặt ở vị trí nào trong một phạm vi rộng hơn của "nghệ thuật đương đại toàn cầu" (xin tạm dùng vì thiếu thuật ngữ chính xác hơn). Bối cảnh và những phong vũ biểu để đo xem cái gì tạo nên thành công trong đấu trường toàn cầu cũng là những khía cạnh rất quan trọng của chủ đề này.

Tôi sẽ trình bày những vấn đề mà tôi cảm thấy nên được xem xét kỹ lưỡng từng điểm một theo một phong cách tu từ học (nghĩa là tôi sẽ nêu lên những câu hỏi cụ thể để xem xét).

a) Có phải nghệ thuật đương đại được gọi là "đương đại" đơn giản chỉ vì tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong thời điểm hiện tại? Một nghệ sĩ đang sử dụng một loại hình nghệ thuật truyền thống có thể được mô tả là đang tạo ra "[tác phẩm] nghệ thuật đương đại" không? Hay là "nghệ thuật đương đại", như chính tên gọi của mình, có nghĩa là nói "về" cuộc sống đương đại của người nghệ sĩ hay là "về" khoảng thời gian mà người nghệ sĩ đang sống?

b) Nếu chúng ta dùng định nghĩa thứ hai cho việc quyết định xem "nghệ thuật đương đại" là gì (chủ yếu liên quan tới nội dung hoặc ý định của tác phẩm), thì đa số rất lớn nghệ thuật Việt Nam không phải là "nghệ thuật đương đại" chút nào, mà đúng hơn là tân-hiện đại hoặc tân-truyền thống hoặc cái gì khác. Định nghĩa này phản ánh cái thành kiến rõ ràng đã có từ lâu của thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Hãy chứng kiến cái trào lưu hiện nay (và khoảng vài thập kỷ trở lại đây) sự thống trị hoàn toàn của khối tác phẩm nghệ thuật nhắm vào thời gian tác phẩm đó được làm ra. Khối tác phẩm mang tính chính trị-xã hội, kết hợp với những chương trình nhất định, có lẽ chiếm 90% các tác phẩm nghệ thuật đương đại "được biết đến".

c) Qua những cách nào chúng ta biết được tác phẩm của một nghệ sĩ khác? Sách, tạp chí về nghệ thuật, các phòng trưng bày, triển lãm ở các viện bảo tàng, thông tin truyền miệng? Có phải cái thế giới mỹ thuật đương đại này hoàn toàn bị thống trị và bị điều khiển bởi phương Tây? Thực ra, có phải "nghệ thuật đương đại" ở phương Tây có một lịch sử lâu dài hơn nhiều so với các vùng khác? Có phải thế giới [nghệ thuật] này cũng tồn tại dưới một dạng nào đó ở những nơi như Tokyo, Seoul, Taipei, Bangkok, Manila, etc.?

d) Với sự tăng dần mức độ nhận thức về "sự toàn cầu hóa", một vài Biennales đang được diễn ra bên ngoài phương Tây. Ta có thể nói rằng trên sân khấu thế giới hiện nay (một lần nữa, vì thiếu thuật ngữ tốt hơn) có nhiều nghệ sĩ không đến từ phương Tây? Thực ra, tương phản với ý kiến đã nêu rằng có một phân biệt đối xử với những nghệ sĩ đến từ những nước đang phát triển, ta cũng có thể nói được rằng có sự tìm kiếm tích cực (bởi các phòng tranh hoặc curator của các viện bảo tàng) các tác phẩm nghệ thuật lạ mắt (exotic), ngoài dòng chính thống (outside-the-mainstream) từ những nước ít được biết đến hơn?

Tôi giữ ý kiến cho rằng không có sự chống lại hoặc sự miễn cưỡng trong việc "cho phép" nghệ thuật đương đại Việt Nam tham dự sân khấu thế giới. Thực ra, tôi tin rằng một số curator ở phương Tây sẽ rất thích thú nếu có thể tìm được một số tác phẩm nghệ thuật Việt Nam nào đó để họ có thể tích cực giới thiệu quảng cáo. Tại sao vậy? Bởi vì hiện giờ mới chỉ có rất ít hay hoàn toàn không có những tác phẩm như vậy (của một người Việt sinh trưởng và được giáo dục hoàn toàn ở Việt Nam). Có lẽ hoặc là họ chưa tìm thấy tác phẩm nào mà họ tin là họ sẽ mang lại thành công hoặc là họ chưa cố gắng đủ sức. Sự thực là có rất ít nghệ sĩ Việt Nam làm ra tác phẩm về đời sống cá nhân của họ trong cái thế giới mà hiện tại họ đang sống hoặc về một bối cảnh lớn hơn được gọi là thời gian hiện đại Việt Nam. Chấm hết. Tại sao vậy?

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự vắng mặt của Việt Nam trên sân khấu thế giới không phải là do "chất lượng" (dù được định nghĩa như thế nào đi nữa), nhưng phần lớn là vì nội dung. Dĩ nhiên, điều này sẽ dẫn đến câu hỏi hiển nhiên là - vậy thì sao? Các nghệ sĩ Việt Nam có nên quan tâm đến việc họ có hiện diện trên sân khấu đó hay không?

Cho đến đây tôi đã nêu ra nhiều câu hỏi và chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng nào. Dù vậy, đây là những chủ đề xác đáng để cho bất kỳ một người theo dõi một cách nghiêm túc nền nghệ thuật Việt Nam đương đại phải xem xét và tranh luận. Tôi muốn kết thúc với một ví dụ so sánh/tương phản cụ thể với một nước khác. Có một số điểm tương tự trong lịch sử gần đây của Việt Nam và Cuba. Dĩ nhiên là hai nước khác nhau về văn hóa và lịch sử, nhưng cũng có những sự giống nhau. Sẽ rất có ích nếu nhìn vào một đất nước xã hội chủ nghĩa khác mới gần đây còn bị biệt lập trong nhiều năm từ những ảnh hưởng bên ngoài, và cái gì đã xảy ra trong cộng đồng nghệ thuật đương đại của nước đó trong thập kỷ vừa qua. Không hề bị kỳ thị, một số lớn những nghệ sĩ Cuba đã được "xuất khẩu" và đã đạt được thành công và thừa nhận mang tầm quốc tế trong vài năm qua. Hầu hết họ làm ra tác phẩm mang tính thời sự với một thông điệp hoặc một phát biểu về nước Cuba ngày nay hoặc nói cụ thể hơn, về kinh nghiệm hôm nay của họ về Cuba. Tác phẩm được chất đầy khái niệm và ẩn ngữ (sub-text) - hầu như không mang tính "trang trí" Cuba. Nó rất "hợp" với cách nhìn của thị trường phương Tây hiện nay.

Như vậy, nghệ thuật Việt Nam có nên điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế thị trường toàn cầu hay không? Hay tình trạng hiện tại của nghệ thuật Việt Nam là "chân thật và tự nhiên" đối với bối cảnh của chính nó?
(01.12.02)


Veronika Radulovic:

1. Anh Huy ạ, vấn đề không phải là nghệ sĩ của tôi hay nghệ sĩ của anh, voi Lào hay voi Thái. Cái chính trong chuyện này là một số nghệ sĩ đã nảy ra một ý tưởng độc đáo và tuyệt vời. Họ được cười, được vui và đầy tự phát mà quệt mầu lên những con bò, và qua đó tìm ra một cách biểu đạt nghệ thuật hồn nhiên về cái xứ nông nghiệp Việt Nam của mình. Và tìm ra một hình thức mới của body-art, của living sculpture, hay muốn gọi là gì cũng được, mà nếu đưa ra ngoài chắc sẽ được quốc tế chú ý (tôi tin như vậy).
Sao ở Việt Nam người ta hay quy ngay rằng cứ cái này đưa ra ắt cái kia phải bị thay thế như vậy nhỉ? Có ai bắt ai phải lặp lại vụ vẽ bò đó đâu! Bò có loại trừ trâu đâu! Có nhiều cách lắm. Nhưng sự khác nhau là ở chỗ: tranh vẽ trên bò là tranh biết chạy và chẳng hề vĩnh cửu, chỉ tồn tại chốc lát, chính vì thế mà nó như bật thẳng ra từ đời sống hơn tranh sơn mài hoặc tượng đồng nhiều. Hơn nữa vụ vẽ bò này còn là một cách nhấn mạnh, rằng đây là nghệ thuật phi thương mại. Nó lại đáp ứng những tiêu chuẩn của nghệ thuật trong không gian công cộng. Nghệ thuật thả trong môi trường đời sống lao động của người nông dân. Nghệ thuật cho ta vui, cho ta ngạc nhiên, cho ta đổi nếp nhìn, và nhiều thứ khác. Như vậy tất nhiên nó gần với các tranh luận và định nghĩa quốc tế về nghệ thuật đương đại hơn nhiều so với hội họa truyền thống, là thứ có vẻ như ở thế kỷ 18. Nói một cách giản dị: đó là nghệ thuật trẻ! Mà rút cuộc thì "toan" lại rẻ, để dành được nhiều tiền hơn cho bia hơi.

2. Về phê bình mỹ thuật, cá nhân tôi chỉ có thể đặt câu hỏi như sau: nghệ thuật trẻ Việt Nam có cần cái phê bình mà anh Hưng đề nghị và đòi hỏi thật không? Câu trả lời của tôi là: KHÔNG. Mà nói cho cùng thì ai là người đủ thẩm quyền để đảm nhiệm vai trò của nhà phê bình, và Việt Nam sẽ có, hoặc được phép có bao nhiêu nhà phê bình mỹ thuật khác nhau?
Anh Hưng, mong anh đừng hiểu nhầm, anh muốn phê phán gì, xin cứ việc, đó là quyền của anh, và cái đó là bộ phận của một đối thoại rất cần thiết trong công luận. Ở Việt Nam cũng có đủ các diễn đàn để làm điều đó. NHƯNG: xin anh đừng kêu ca rằng các nghệ sĩ không chịu nghe hoặc đọc anh. Nếu quả như vậy -tôi không đủ điều kiện để xác minh- thì biết đâu chính là do họ đã chán, đã mệt mỏi vì phải nghe mãi bao nhiêu lời khuyên, lời chỉ dẫn, phải tuân thủ bao nhiêu sự chỉ đường dẫn lối, bao cấp tinh thần, và bao nhiêu sự cấm đoán rồi.

3. Anh đã có phản hồi khi tôi nhắc tới Minh Thành. Tiếc rằng tại diễn đàn này mà trình bày cho anh rõ về nội dung tác phẩm của Thành thì tôi thật không làm nổi (vì muốn như vậy phải đích thân chứng kiến mới được). Tuy vậy tôi cũng muốn trả lời anh đôi chút.
Trong ý kiến lần trước, tôi không nói về nội dung tác phẩm của Thành, mà chỉ đi tìm một cách lý giải sự nổi tiếng của anh ấy. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau, và sự nổi tiếng tất nhiên chưa nói lên điều gì về nội dung cả, điểm này thì tôi đồng ý với anh. Nhưng những thứ rất tầm phào như cách ăn mặc, hay sự quảng giao, cũng góp phần vào sự nổi tiếng.
Tuy những nghệ sĩ như Paul Klee, Miró, Léger và nhiều người khác cũng đã nổi tiếng toàn thế giới nhờ những tác phẩm có thể coi là phi hàn lâm trong bối cảnh thời đại của họ, chứ không phải là nhờ năng lực nghệ thuật hàn lâm, nhưng khía cạnh tương tự trong tác phẩm của Thành, theo tôi vẫn đáng chú ý. Thái độ phi hàn lâm của anh ấy chứng tỏ rất rõ một định hướng khác với cố hữu, một ngả đường mới đang được tìm kiếm.
Và cuối cùng tôi xin phép đề cập đến khái niệm quốc tế. Anh cũng không coi đó là tiêu chuẩn đầy đủ nội dung để đánh giá nghệ thuật của Minh Thành thì phải. Điểm này tôi hoàn toàn phản đối. Nghệ thuật là công chúng. Nghệ thuật là đối thoại. Thiếu công chúng không thể có nghệ thuật. Mà đặc biệt là ngày nay, nghệ thuật vận hành thông qua một công chúng quốc tế. Minh Thành là một trong số vài nghệ sĩ ít ỏi (nếu tôi chưa biết hết, rất mong anh mách thêm) đã đặt mình vào một đối thoại quốc tế hết sức nghiêm túc. Và điều đó cũng làm thành nội dung tác phẩm của anh ấy.
Sau đây tôi muốn nói đến một triển lãm khi anh ấy là artist in residence năm 1998 tại artist unlimited ở Bielefeld/Đức.
Minh Thành thuộc thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong một xã hội đang thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt, chính trị, kinh tế, và văn hoá. Cuộc sống mới này đòi hỏi mỗi người phải vật lộn với những hình thức sinh hoạt, thông tin và phương tiện truyền thông lạ lẫm, với các công nghệ mới, phải đụng chạm với những nền văn hoá khác, và rất rất nhiều thứ nữa. Tựu trung đây là một thách thức lớn và cũng nguy hiểm. Cuộc sống lạ và mới này gây nên một cảm giác tha hoá cao độ. Tha hoá đối với truyền thống, với gia đình, với cả bản ngã dân tộc.
Minh Thành và gia đình anh sống trong những thế giới khác hẳn nhau, không có nghĩa là không thể sống chung, nhưng sống chung thì thật khó. Nhiều lĩnh vực hoạt động của Thành, gia đình anh không hay biết.
Trong triển lãm ở Bielefeld, Minh Thành đã trưng bày một tác phẩm với tựa đề: Thư gửi mẹ. Anh treo một cái phong bì lên các chân dung phụ nữ với vẻ lý tưởng, khổ lớn, và đề nghị khoảng 100 khách đến thăm triển lãm chọn một thứ gì đó của riêng họ để gửi cho mẹ anh. Rồi anh gộp số tranh, ảnh, bài, của những khách Đức đến thăm triển lãm ấy, và kèm một bức thư gửi mẹ. Trong thư có đoạn sau:
Thuờng thì ta nhận thư của người quen…còn những lá thư này, người gửi là ai mẹ không hề biết. Nhưng mẹ cứ mở ra đi, mẹ sẽ thấy thư của con trai mẹ, cùng với một người lạ. Mẹ thấy không, thế giới chúng ta đang sống hôm nay thật là tuyệt vời!
Mẹ đang liên hệ với những người sống ở nửa kia của địa cầu,… đó là do trái đất vẫn tiếp tục quay quanh cái trục của nó và nhân loại vẫn tiếp tục sinh thành. Là nghệ sĩ, con đứng ở điểm giữa, sản phẩm của con là nghệ thuật. Con đang đứng giữa mẹ và những người đến thăm triển lãm của con. Mẹ và họ chưa biết nhau. Con muốn nối mẹ và họ, cho gần lại nhau.
Đó là điều duy nhất mà chỉ hôm nay, chứ không phải hôm qua hay ngày mai, con đủ khả năng thực hiện. Mẹ, con, và tất cả mọi người ở đây đều đang sống trong cùng một thời điểm. Mà vẫn khác nhau. Nhưng xích lại gần nhau như vậy mới thấy rõ rằng điều duy nhất quan trọng là chúng ta đang sống, sống một cách thực sự.
Có lẽ những người khách đến thăm triển lãm ở đây thấy chuyện hơi lạ…và dù họ và con là người xa lạ với mẹ, song mẹ sẽ thấy chẳng đáng sợ tí nào.
Chẳng còn lâu nữa, con sẽ về, và con hi vọng mẹ lại nhận ra con, con hi vọng rằng con sẽ không trở nên xa lạ với mẹ. Con trai của mẹ.

Ở tác phẩm này Minh Thành đặc biệt suy tư về vai trò của bản thân trong một xã hội đang biến đổi. Nó là một mô tả hiện trạng chính trị. Ngoài ra, đối với tôi, tác phẩm này là một thể nghiệm buồn và trìu mến nhằm hàn gắn những gì đã đổ vỡ. Thành đã kết hợp hội họa, thư từ, và kéo công chúng vào cuộc. Đã tạo ra một đối thoại liên văn hoá.
Như thế đối với anh đã là đủ nội dung chưa, tôi không biết. Với tôi thì đã đủ. Tôi không thể làm cho nghệ thuật của Minh Thành trở nên gần gũi hơn đối với anh. Rút cuộc thì mỗi chúng ta có một cách cảm nhận khác nhau, và chẳng việc gì phải thay đổi điều đó.

4. Cái nhìn của tôi về Việt Nam và các nghệ sĩ Việt Nam không phải là cái nhìn của anh. Và điều quan trọng nhất cho cả giai đoạn sống ở Việt Nam của tôi, đã và vẫn tiếp tục là: gắn bó với một cuộc sống thật sự và đa dạng đang có ở đây. Nó ồn ào và rực rỡ một cách tuyệt vời, khiến tôi tin rằng, cuộc sống đầy sinh khí ấy sẽ tạo ra một nền nghệ thuật sinh động, không thể chỉ đem các tiêu chuẩn kỹ năng và chính trị mà đánh giá. Một nền nghệ thuật gây tranh cãi và hài hước nữa. Đã có nhiều ví dụ rực rỡ lắm rồi.
(01.12.02)