trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
13.11.2006
Phạm Công Thiện
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
(Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
(Tiếp phần II, chương nhứt)

5.

Người lên đường đi đến hố thẳm mới thực là tha thiết yêu đời. Chính hố thẳm làm cuộc đời trở nên quí giá.

Sống không hy vọng là sống để lên đường đi đến hố thẳm, đó là nhận thức căn bản của con người thực sự. Sự nhận thức Thực tại này không làm cho tôi rơi xuống chủ nghĩa hư vô bi quan, mà lại khiến tôi nhận ra trách nhiệm của mình; chính tôi tự nhận trách nhiệm cho riêng tôi, chứ không ai bắt buộc; trách nhiệm ấy là trách nhiệm của một thuyền trưởng trong một chiếc tàu sắp đắm chìm giữa trùng khơi.

Tàu chắc chắn sắp đắm chìm, không còn hy vọng gì nữa. Biết như vậy và biết mình đang sắp xuống hố thẳm nhưng không than thở, vị thuyền trưởng vẫn giữ niềm kiêu hãnh trên ánh mắt long lanh, nhìn thẳng vào Thực tại, không dối lòng, không chạy trốn, lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, không hy vọng, một cách rộng lượng, thản nhiên nhận lấy trách nhiệm và hy sinh.

Tâm hồn bi tráng là tâm hồn của người thuyền trưởng trong một chiếc tàu sắp đắm; chính sức sống bi tráng ấy đã khiến những phút giây còn lại của đời người trở nên mãnh liệt, phong phú, thi vị, cao đẹp, lan tràn ý nghĩa, đáng sống nhất, vì thế, người thuyền trưởng hiên ngang trong một chiếc tàu sắp đắm lại là kẻ yêu đời tha thiết nhất. Người ta chỉ yêu đời thực sự và thấy cuộc đời có ý nghĩa là khi người ta sống sát bên cái chết từng giây từng phút. Người ta chỉ hiểu ý nghĩa cuộc đời là khi người ta rờ mó sự chết trong mười ngón tay mình.

Bi tráng không phải là chết, bi tráng là sống với cái chết; bi tráng là sống không hy vọng, một cách im lặng, một cách rộng lượng, nhân từ.

Giây phút tuyệt đối và quan trọng nhất trong đời người vãn là một tí tắc trước khi chết; cái tí tắc nhanh chóng ấy quyết định cả đời người, cả chức vị làm người; cái tí tắc ấy là lời phán xử cuối cùng; cả một đời người hiện về trong cái tí tắc ấy: cái tí tắc ấy chỉ là một thoáng giây; nhưng đối với người sắp chết, nó lâu dài bằng cả một đời người… Khi con người sắp bước vào thế giới phi thời gian thì thoáng giây biến chuyển từ thời gian đến phi thời gian là một thoáng giây thiên thu nằm trong thời gian ngược chiều.

Con người có hoàn toàn bi tráng hay không, chỉ trong thoáng giây tí tắc ấy mới hoàn toàn quyết định; nếu trong thoáng giây quan trọng ấy, người sắp chết vẫn nhìn trừng trừng vào cái chết với đôi mắt thản nhiên, một cách rộng lượng, im lặng và không hy vọng, mỉm cười, không hối hận, không sợ hãi, không tiếc nuối thì con người ấy mới thực là con người bi tráng; đối với kẻ ấy, trong một thoáng giây thiên thâu ấy, sự chết và sự sống không còn khác nhau nữa, mà chỉ là một thôi, mộng và thực đều là một thôi.

Cái tí tắc trước khi chết quyết định trọn cuộc đời người, nhưng trọn cuộc đời người cũng quyết định cái tí tắc trước khi chết. Bởi thế, sống trên đường đời, con người phải luôn luôn sẵn sàng lên đường đi đến hố thẳm; bất cứ một giây phút nào trong đời, tôi cũng phải đều sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng từng phút một ấy làm thành ý nghĩa cuộc đời và chính ý nghĩa ấy quyết định cái tí tắc trước khi chết, cũng như cái tí tắc ấy quyết định ý nghĩa ấy; như thế, nói rõ ràng hơn, cuộc đời là một tí tắc trước khi chết và một tí tắc trước khi chết là cuộc đời.

Từ những nhận thức trên, tôi đi đến một nhận thức quan trọng:

Khi nào cái tí tắc tối hậu ấy xảy đến cho tôi?

Câu hỏi này đưa cho tôi đến nhận thức căn bản này: “tôi đang lên đường đi đến hố thẳm” vì tôi không biết cái tí tắc tối hậu ấy xảy đến cho tôi vào lúc nào, cho nên cái tí tắc ấy có thể xảy đến cho tôi vào bất cứ lúc nào, có thể xảy đến cho tôi vào mọi lúc. Do đó, tôi phải luôn sẵn sàng từng giây từng phút trong đời tôi, để khi cái tí tắc ấy hiện đến thì giữa nó và tôi sẽ có sự gặp gỡ, sự gặp mặt giữa hai người bạn quen thuộc, sự trùng phùng giữa tôi và mình, sự hôn phối giữa hai thực thể khác nhau, mà “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai!”, lúc bấy giờ, sự sống và sự chết sẽ làm đám cưới nhau trong tình yêu nồng thắm.

Thực ra đó cũng chỉ là sự gặp gỡ lại một lần nữa thôi, vì lúc tôi mới chào đời là lúc sự sống và sự chết đã làm đám cưới nhau rồi; và lúc tôi nhắm mắt lại lìa trần là lúc đám cưới ấy cử hành một lần nữa.

Đám cưới ấy có được cử hành lại hay không là do chính lối sống tôi quyết định, cũng như do chính cái tí tắc trước khi chết quyết định. Nếu tôi yêu sự chết, yêu theo nghĩa tình yêu sáng tạo (một vẫn là hai, hai mà lại một; đồng nhất nhưng không đánh mất tính chất độc đáo của mình); (tình yêu sáng tạo là tình yêu chứa đựng sự chăm sóc, kính trọng, hiểu biết, nhất là trách nhiệm và hy sinh), nếu tôi yêu sự chết trong tình yêu sáng tạo ấy thì sự chết ấy chính là một sự hoàn thành sự sống tôi, một sự thành tựu, đại thành, một lễ gia miện, lễ đăng quang; nói một cách khác, lúc tôi chết là lúc tôi đã sống thực sự và từ sự chết ấy tôi sẽ bước sang sự sống thực sự tuyệt đối hơn và cái chết ấy là mùa đông, nói đến mùa đông là tự nhiên ta đã thấy le lói mùa xuân ở chân trời.

Yêu sự chết trong tình yêu sáng tạo là yêu sự chết mà mình vẫn sống! Sự sống và sự chết yêu thương nhau như dương và âm điều hoà nhau; trong âm có dương, trong dương có âm, trong sự sống có sự chết, trong sự chết có sự sống. Nếu âm thịnh mà dương suy, hay dương thịnh mà âm suy thì tình yêu ấy không phải là tình yêu sáng tạo, đó chỉ là tình dục, tình dâm, bạo dâm (sadisme) và thụ dâm (masochisme); cũng như nếu sự sống thịnh và sự chết suy, hay sự chết thịnh mà sự sống suy, thì sống không ra sống, mà chết không ra chết, lúc bấy giờ con người trở thành ra những xác không hồn trong khi sống, con người sống bơ phờ giữa tù ngục thời gian.

Yêu sự chết trong tình yêu sáng tạo có nghĩa là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng.

Con người đi đến hố thẳm một cách im lặng, một cách rộng lượng, không hy vọng, đó là vị thuyền trưởng trên chiếc tàu sắp bị đắm; vị thuyền trưởng ấy tự nhận lấy trách nhiệm và hy sinh; không phải trách nhiệm cho một cá nhân nào hay hy sinh cho một cá nhân nào; trách nhiệm là trách nhiệm trước hố thẳm, hy sinh là hy sinh trước hố thẳm; trách nhiệm trước hố thẳm là trách nhiệm đối với mình; hy sinh với hố thẳm là mình hy sinh đối với mình; đối với mình là đối với lòng mình; mà lòng mình tức là lòng người và lòng mình (hay lòng người) chính là hố thẳm. Mà hố thẳm chính là giải đất mới; vũ trụ là giải đất mới, và “giải đất mới chỉ có trong lòng người…”

Trong tập Ascèse, trang 99, Nikos Kazantzakis viết: “Sự đồng hoá của chúng ta với vũ trụ tạo ra hai đức tính tối thượng của đạo đức chúng ta, đó là sự trách nhiệm và sự hy sinh”.

Sự đồng hoá hay sự đồng nhất.

Chúng ta và vũ trụ đồng hoá nhau hay đồng nhất nhau.

Hai mà một, một mà hai.

Hai đức tính tối thượng ấy cũng đồng hoá nhau.

Trách nhiệm là hy sinh.

Hai đức tính tối thượng của đạo đức chúng ta.

Đức cũng là đạo.

Đạo và đức cũng chỉ là một.

Vậy một của một là gì?

Là hố thẳm.

Con người lên đường đi đến hố thẳm là hai trở về một.

Khi tôi là một thì không cần trách nhiệm và hy sinh. Nhưng khi tôi là cả vũ trụ, thì tôi phải tự mang lấy sự hy sinh và trách nhiệm.

Đang khi chiếc tàu chắc chắn sắp đắm, mà vị thuyền trưởng không chịu lên đường đi đến hố thẳm thì vị thuyền trưởng ấy không đáng gọi là thuyền trưởng; vị thuyền trưởng ấy đã trốn trách nhiệm và sợ hy sinh; trách nhiệm là lên đường đi đến hố thẳm, hy sinh là im lặng, rộng lượng, không hy vọng.

Đồng hoá ta với vũ trụ là đồng hoá mình với hố thẳm; lên đường đi đến hố thẳm là lên đường đi đến mình; mình là hố thẳm; lên đường đi đến hố thẳm là lên đường đi đến chức vị thực thụ của thuyền trưởng.

Không ai lên đường đi đến chức vị thực thụ của mình mà không tha thiết yêu đời?

Nguyện tha thiết yêu đời là bổn phận của con người; nguyện tha thiết yêu đời là nguyện lên đường đi đến chức vị làm người, chức vị thực thụ của mình; bổn phận con người là lên đường đi đến chức vị của mình (danh từ Hán việt “bổn phận” có nghĩa là “chức phận của mình”; chữ Hán “phận” có nghĩa là “chức vị của người”).

“Tôi nằm dài sấp xuống mặt đất, phóng chìm vào trong sự im lặng, không suy nghĩ gì hết. Tôi trở thành một với đêm và biển; tôi cảm thấy tâm hồn tôi là một con đôm đốm, một ánh đèn nhỏ rực sáng, đậu trên mặt đất ướt và chờ đợi…” (Nikos Kazantzakis, Alexis Zorba, trang 77).

“Phóng chìm vào trong sự im lặng” là lên đường đi đến hố thẳm một cách im lặng.

“Không suy nghĩ gì hết” là rộng lượng không hy vọng.

Người mang hy vọng nhiều nhất là người hay suy nghĩ nhiều nhất. Suy nghĩ đồng nghĩa với hy vọng. Không suy nghĩ là không hy vọng; bản chất của ý thức là hy vọng! Hy vọng là hy vọng về một điều gì đó, suy nghĩ là suy nghĩ về một điều gì đó; càng suy nghĩ càng hy vọng. Khi hết còn hy vọng là lúc sự suy tư cũng chấm dứt.

Người rộng lượng là người không suy nghĩ gì hết, rộng lượng một cách tự nhiên, hồn nhiên. Sự rộng lượng mà có suy nghĩ thì đó mới chỉ là suy nghĩ về rộng lượng, chứ chưa phải rộng lượng.

Tôi trở thành một với đêm và biển…”

Không suy nghĩ gì hết, chữ Hán gọi là “vô niệm”. Chính “vô niệm” làm tôi trở thành một với đêm và biển. “Vô niệm” cắt đứt sự khác nhau; “vô niệm” phá tan sự phân biệt.

Tôi và đêm và biển chỉ là một.

Đêm là hố thẳm.

Biển là hố thẳm.

Tôi là đêm, tôi là biển, tôi là hố thẳm.

“Tôi nằm dài sắp mặt, phóng chìm vào trong sự im lặng, không suy nghĩ gì hết. Tôi trở thành một với đêm và biển…” (Nikos Kazantzakis, Alexis Zorba, trang 77).

Đó là hố thẳm.

Đó là ý nghĩa của hố thẳm.

Hố thẳm tức là giải đất mới.

Tôi cảm thấy tâm hồn tôi là một con đôm đốm, một ánh đèn bé nhỏ rực sáng, đậu trên mặt đất ướt và chờ đợi” (trang 77).

Chờ đợi gì?

Chờ đợi hố thẳm.

Đó là tâm hồn của con người lên đường đi đến hố thẳm. Tâm hồn ấy như một con đôm đốm, một ánh đèn bé nhỏ rực sáng, đậu trên đất ướt chờ đợi.

Biết chờ đợi là một điều rất khó.

Con người thời đại này không biết chờ đợi.

Chờ đợi là không hấp tấp, không vội vã.

Phải biết chờ đợi hố thẳm; lên đường đi đến hố thẳm, mà lên đường bước đi không hấp tấp, không vội vã; khi người ta hy vọng, người ta vội vã, hấp tấp; rộng lượng là không hấp tấp.

Con người là một trái cây ở rừng núi; trái cây chính đỏ sẽ rơi xuống hố thẳm. Ta phải biết chờ đợi.

Một cách chậm chạp, một cách kiên nhẫn, dưới tác động của mặt trời, mưa, gió, trái trở nên chín muồi, rồi đến một ngày thì rụng. Hãy kiên nhẫn, hỡi anh em. Đừng hỏi han cật vấn ai cả, ngoài ra hỏi mình. Giờ tốt sẽ đến, đến cho anh; lúc bấy giờ, anh sẽ không đặt nghi vấn gì nữa; một cách im lặng, anh sẽ từ bỏ vợ, con, cha mẹ, cơ nghiệp, mà không cảm thấy một chút xót xa, đau lòng ” (Nikos Kazantzakis, Le Christ Recrucifié, trang 278).

Bỏ đi đâu?

Lên đường đi đến hố thẳm.

Một cách im lặng.

Từ bỏ vợ, con, cha mẹ, cơ nghiệp, không cảm thấy xót xa đau lòng, mà lại cảm thấy thiết tha yêu đời, cảm thấy tâm hồn lâng lâng như một con đôm đốm, một ánh đèn nhỏ rực sáng, đậu trên mặt đất ướt và chờ đợi…

Tôi phải tự hỏi tôi:

“Mi đang làm gì đây?”

Và tự trả lời:

“Tôi đang chờ đợi”

Và tự nhắc:

“Vậy phải chờ đợi cho ra chờ đợi”.

Cũng như Alexis Zorba tự nói:

Mi đang làm gì đây?

và tự trả lời và tự nhắc mình:

“Ta đang ngủ”.

“Vậy ngủ cho ra ngủ, hãy ngủ cho ngon.”

“Mi đang làm gì đây?”

“Ta đang làm việc”

“Vậy hãy làm việc cho ra làm việc, hãy làm việc cho hăng.”

“Mi đang làm gì đây?”

“Ta đang ôm nàng.”

“Vậy hãy ôm nàng cho đắm đuối. Và quên hết mọi sự. Chỉ có hiện tại. Chỉ có nàng. Còn những thứ khác đều lường gạt, ảo ảnh!” Bắt chước Alexis Zorba, ta cũng tự hỏi, tự trả lời và tự nhắc mình:

“Mi đang làm gì đây?”

“Tôi đang sống.”

“Vậy thì hãy sống cho ra sống, sống cho ra hồn.”

“Mi đang làm gì đây?”

“Tôi đang khóc.”

“Vậy thì hãy khóc cho hết nước mắt đi.”

“Mi đang làm gì đây?”

“Tôi sắp chết”.

“Vậy hãy chết cho ra chết, nghĩa là hãy chết tươi chứ đừng chết héo!”

Những câu đối thoại trên là ý nghĩa của sự yêu đời tha thiết. Yêu đời như vậy mới ra yêu đời; Chỉ có hiện tại (ở đâybây giờ). Còn những cái khác đều là lường gạt, ảo ảnh.

Người yêu đời tha thiết là người liều thân, liều mình, một kẻ dám làm hết mọi sự, một người không hề biết sợ hãi là gì.

Dám làm hết mọi sự;” (Nikos Kazantzakis, Alexis Zorba, trang 382).

Kẻ liều lĩnh lao vào tất cả những hang hố ở đời, chính kẻ ấy mới hiểu cuộc đời trong mọi dạng thái.

Một con người bình tĩnh bình thường không thể nào hưởng thụ tận cùng những hương sắc trần gian. Phải mất quân bình. Phải điên một chút. Phải gàn. Phải mất trí.

Phải có một chút máu điên, điên, anh nghe không?” (Nikos Kazantzakis, Alexis Zorba, trang 382).

Hãy ném quăng cái trí óc anh đi!

Trí óc là một tên bán thực phẩm, hắn giữ sổ sách, tôi đã trả bao nhiêu, tôi đã thu bao nhiêu, đó là tiền lời lãi, đó là lỗ lã! Trí óc là một con buôn bé nhỏ dè dặt, nó không muốn vận dụng hết mọi sự, nó luôn luôn để dành lại, giữ lại” (Nikos Kazantzakis, Alexis Zorba, trang 382).

Đừng giữ lại gì cả. Hãy buông hết mọi sự! Đừng nắm lại, đừng xiết lại. Tôi hãy ném trọn tâm hồn tôi vào đời. Rồi nó đi đến đâu. Mặc. Không nghĩ. Không lo lắng. Đừng tính toán. Cắt đứt hết mọi sợi dây ràng buộc. Buông xuôi hai tay đi. Thả lỏng đi. Nếu mi không làm thế thì mi còn hưởng được hương vị nào của đời? Nếu không làm như thế thì mi chỉ được hưởng một mùi nhạt nhẽo tầm thường. Phải uống rượu mạnh để rồi ngây ngất hơi men mà nhìn thế gian đảo ngược. Cuộc đời là rượu mạnh. Hãy uống cuộc đời cho nóng bừng cả mặt. Rồi nhảy tung vào hố thẳm!

Đừng tính toán nữa… Hãy bỏ những con số ở đó đi, hãy phá hủy cán cân quân bình, hãy đóng cửa hiệu buôn. Tôi nói với anh như thế, anh có nghe rõ chưa?

Chính lúc này, chính bây giờ là lúc anh sẽ giải thoát hoặc đánh mất linh hồn anh” (Alexis Zorba, trang 136).

Khối óc của mi là một hiệu buôn, hãy đóng cửa hiệu buôn lại, bây giờ là lúc quyết định cuộc đời mi nếu mi không từ bỏ những con số, nêu mi không phá đổ cán cân quân bình, nhất định mi sẽ đánh mất chức vị làm người của mi và mi không đáng gọi là con người. Mi sẽ không tự mình đi đến hố thẳm với tâm hồn siêu tuyệt của mình, mà mi sẽ bị xô ngã xuống hố thẳm, một cách thình lình và đầy hãi hùng.

Chỉ có hai con đường, mi hãy chọn lấy một là tự mình lên đường đi đến hố thẳm, im lặng, rộng lượng, không hy vọng, bước đi hùng dũng bi tráng như con sư tử rừng núi; hai là bị kéo lôi quăng ném xuống hố thẳm một cách nhục nhã, bi thảm, thình lình, như một con heo thành thị bị lôi vào lò heo Chánh Hưng.

Chỉ có người tự nguyện lên đường đi đến hố thẳm mới mang ý thức bi tráng; ý thức bi tráng không phải là ý thức bi thảm; ý thức bi tráng là ý thức sáng sủa của một người biết cười trước những gì kinh khủng nhứt của đời mình.

Chỉ có kẻ ấy mới thực sự yêu đời, yêu cuộc đời ngây ngất đến độ bốc lửa, yêu cuộc đời triền miên trong màu sắc vô thường hư ảnh yêu mà không bám vào cái yêu ấy, yêu mà vẫn siêu thoát, vừa yêu vừa im lặng lên đường đi đến hố thẳm, một cách rộng lượng, không hy vọng.

Trần gian này có biết bao là lạc thú, nào là đàn bà, trái cây, ý tưởng. Nhưng rẽ sóng băng qua mặt biển đó, vào một trời thu non dịu, thì thầm mỗi cái tên của từng hải đảo, thì tôi cho rằng không còn lạc thú nào hơn nữa, chỉ có niềm vui đó là đưa những trái tim con người vào cõi thiên đàng” (Alexis Zorba, trang 27).

Không phải chỉ có những đàn bà, những trái cây, những ý tưởng. Con người yêu đời tha thiết nhứt và trọn vẹn nhứt là yêu ngay cả những sự việc tầm thường nhứt của trần gian; hắn là thi sĩ thần bí: dưới đôi mắt hắn, văn xuôi của trần gian biến thành thơ. Chỉ rẽ sóng băng biển vào một sớm thu non dịu, chỉ khe khẽ thì thầm đọc tên từng hải đảo, chỉ có bấy nhiêu thôi là đủ cho tôi quì lạy cảm tạ trần gian; đó là lạc thú nuôi dưỡng cả một đời người; chỉ có bấy nhiêu là đủ rồi, đủ lắm rồi, không cần đòi hỏi gì thêm nữa. Chỉ cần rẽ sóng băng biển vào một trời thu bàng bạc dịu hiền, chỉ cần kêu lên từng tên hải đảo, thỏ thẻ từng âm thanh, chỉ có bấy nhiêu đủ để tôi an tâm im lặng mà đi vào hố thẳm, không tiếc nuối, mà lại mang cả lòng tạ từ thanh thoát.

Mang tâm trạng ấy, những khung cảnh giới hạn của đời sống hiện tại, như chiến tranh, như những biến cố chính trị, không còn kéo lôi tôi vào cuồng phong hỗn loạn mà trái lại những thức tại bi đát ấy làm những kích thích tố cho sự yêu đời chan chứa của tôi, nghĩa là tôi đã vượt qua giới hạn chật hẹp của trần gian.

Trong tâm trí của Alexis Zorba, những biến cố hiện đại chỉ còn là những chuyện cũ rích, trong lòng hắn, hắn đã vượt qua những biến cố ấy. Hiển nhiên, trong tư tưởng hắn, điện tín, tàu thuỷ, tàu hoả, luân lý phổ thông, tổ quốc, tôn giáo, đều trở thành những khẩu súng hoan rĩ. Tâm hồn hắn đã vượt nhanh hơn trần gian” (Alexis Zorba, trang 28).

Văn minh, tổ quốc, luân lý, tôn giáo chỉ cần thiết đối với những con người tầm thường, không biết sống, không biết chết, không biết yêu đời tha thiết.

Đối với những tâm hồn kiêu dũng, đối với những kẻ yêu đời say đắm, đối với những người lên đường bước đến hố thẳm một cách im lặng, rộng lượng, không hy vọng thì những thứ ấy (tổ quốc, luân lý, tôn giáo, văn minh) chỉ là những bài hát vọng cổ cũ rích, lặp đi lặp lại nhì nhằng, lê thê, rất nhàm, rất chán và rất hẹp, trước sự sống cuồng lưu của ý thức bi hùng.

Người có tâm hồn siêu thoát vượt lên trên những thứ ấy, mà lòng luôn luôn miên man tha thiết yêu đời…


6.

Nikos Kazantzakis rất ngưỡng mộ yêu mến nhân vật Ulysse của Homère; hình ảnh Ulysse tượng trưng cho tâm hồn tráng sĩ giang hồ, một sức mạnh bất khuất chiến thắng nỗi yếu đuối bẩm sinh của con người, đồng thời chiến thắng cả uy lực vũ bão của thần thánh. Nikos Kazantzakis viết một tập thơ trường thiên, mang tên là L’Odyssée xuất bản năm 1938, gồm có ba mươi ngàn ba trăm ba mươi ba câu thơ; Nikos Kazantzakis nối tiếp thi nghiệp của Homère: tập thơ L’Odyssée của Nikos Kazantzakis viết tiếp theo truyện L’Odyssée của Homère. Trong tập L’Odyssée của Nikos Kazantzakis, sau khi trải qua bao nhiêu gian truân chướng ngại trên bước đường giang hồ từ thành Troie, sau cùng, Ulysse trở về được quê hương, xum họp với vợ hiền con ngoan trong tình thương nồng nàn ấm cúng, nhưng được một thời gian sau, máu giang hồ sôi sục lại, người tráng sĩ lang bạt ấy lên đường lưu lạc, từ bỏ người vợ hiền lành, một lần nữa lao vào cuộc phiêu lưu bát ngát trùng dương.

Hồi chưa trở về tới quê hương, Ulysse đã tìm hết mọi cách trở về quê hương. Ulysse nhớ quê hương da diết, trong khi bị nữ thần Calypso lôi cuốn vào mối tình đắm đuối cuồng nhiệt, Ulysse vẫn đăm chiêu nhớ về tổ ấm quê hương, nơi đó vợ con đang mõi mòn trông đợi.

Nikos Kazantzakis đã kể lại nỗi lòng hoài hương của Ulysse trong tháng ngày ân ái cùng thần nữ Calypso bằng những dòng thơ man mác sau đây:

Không cười, không cảm giác một cách lặng lẽ, tôi nhón bước trên những tảng đá. Thân hình trống rỗng, trong suốt của tôi không còn phủ bóng xuống mặt đất; giữa hai chân tôi những con chim biển bay qua bay lại thản nhiên, không sợ hãi; người ta có thể ngỡ rằng đó là một vị thần vô hình đang bước đi trên bãi biển. Một buổi sáng kia, trên những hòn đá trơ trọi, tôi vấp phải một mảng bè dài mà biển đã mửa vào bờ lúc ban đêm. Có phải đó là xương của một con cá khổng lồ? đuôi của một con chim to lớn? cành của một cây biển? Gậy của hung thần ở biển? Sau một hồi định thần, tôi có cảm giác dường như đang cầm trong tay một mái chèo quen thuộc thân yêu. Đang lúc tôi vuốt ve mái chèo, đôi mắt mờ đục của tôi vụt sáng lên và tôi thấy lại bàn tay xạm đen giữ mái chèo, tôi thấy lại đuôi tàu sủi bọt và cánh buồm trên cột tàu; những bạn đường thuở xưa của tôi chạy đến từng đám với những cánh tay xạm nắng, và nước biển cũng tràn đến và đập vỗ vào người tôi; đầu óc tôi rung động, thế rồi tôi nhớ đã lên đường phiêu lạc từ nơi nào mà tôi thao thức muốn trỏ về nơi đó, nơi quê hương. Ồ, bây giờ tôi mới biết rằng mình cũng là một con người hăng say, tim tôi đang đập mạnh; ừ, tôi có quê hương, một vợ, một con và một chiếc tàu bước nhanh, nhưng hỡi ơi, nào ngờ tâm hồn tôi đã đắm chìm trôi dạt nơi tiên nữ Calypso” (Nikos Kazantzakis, L’Odyssée).

Ulysse nhớ quê hương mãnh liệt như thế, nhưng khi trở về quê hương được một thời gian, Ulysse cảm thấy chán nản và Nikos Kazantzakis để cho nhân vật Ulysse của ông lại lên đường cho thoả mãn lòng khao khát trời rộng trùng khơi. Ulysse lên đường cùng Hélène để phiêu lưu giang hồ; trước hết, họ viếng thăm nền văn minh tàn tạ ở Knossos tại đảo Crète, tham dự lễ nghi bò mộng ở nơi đó, huy động quân binh để đánh phá đô thị bại hoại ấy, rồi tiếp tục lên đường phiêu lưu đến những miền xa xôi trùng điệp như Ai Cập và Phi Châu. Ulysse thao thức đi tìm một đức tin cho tâm hồn khắc khoải của mình, một lẽ sống để làm đuốc soi vùng đen tối của Hư vô, nhưng rồi Ulysse lần lượt chấp nhận từng thần tượng này đến thần tượng nọ, chấp nhận rồi chối bỏ rồi chấp nhận nữa, để rồi chối bỏ nữa, và sau cùng Ulysse chối bỏ hết mọi thần tượng và nhìn thẳng vào bộ mặt bi đát của trần gian, mà không còn nuôi bất cứ một ảo tưởng nào nữa. Sau hết, Nikos Kazantzakis để cho Ulysse bước lên một chiếc xuồng nhẹ và tự mình quyết định cho xuồng trôi vào cõi chết giữa những mảng tuyết lạnh giá của miền Nam cực.

Nhân vật Ulysse của Nikos Kazantzakis đã nhìn thẳng vào sự chết.

Hắn đứng dậy, thực thẳng, trước sự hỗn mang và hắn nhìn sự hỗn mang ấy bằng con mắt trong suốt” (Nikos Kazantzakis, Ascèse, trang 35).

Bi tráng là gì?

Nhìn thẳng sự hỗn mang với đôi mắt trong suốt của mình và thấy sự hỗn mang ấy có một vẻ đẹp huyền bí, nghĩa là sự thực và sắc đẹp không mâu thuẫn nhau, mà lại hoà hợp nhau, chẳng những thế, sự thực là sắc đẹp và sắc đẹp là sự thực; nói một cách khác, chân là mỹ, mỹ là chân.
Bi tráng không phải là bi đát và bi thảm. Bi tráng là chuyển hoá nỗi đau khổ kinh hoàng thành ra niềm cực lạc ngất trời. Bi tráng là nhảy múa ca hát bên hố thẳm. Bi tráng là cuồng say ngây ngất trong sự đau đớn quằn quại. Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Ulysse, Alexis Zorba là hình ảnh trung thực của con người bi tráng. Tóm lại, bi tráng (tragique) là đội vương miện trên nỗi đau đớn khôn cùng của cuộc đời.

Khi mọi sự đã đảo lộn, thực là một niềm hoan lạc to lớn biết bao trong việc thử thách tâm hồn chúng ta, để xem nó có đủ nhẫn nại và giá trị hay không? Người ta gọi đó là một kẻ thù vô hình và toàn năng tức là Thượng đế hoặc là quỷ đang xấn vào để đánh quỵ ta, nhưng ta vẫn đứng thẳng. Mỗi lần mà bề ngoài ta hoàn toàn bại trận, nhưng bên trong, ta vẫn chiến thắng thì con người thực sự cảm thấy kiêu hãnh và sung sướng khôn tả. Tai hoạ bên ngoài biến thành niềm khoái lạc cứng rắn và tối thượng” (Nikos Kazantzakis, La dernière Tentation).

Dù bên ngoài là nghịch cảnh tai hoạ khủng khiếp, nhưng bên trong vẫn là niềm kiêu hãnh vô biên và vô tận.

Đó là ý thức bi tráng.

Đau đớn đến rã rời, nhưng vẫn mím môi kiêu hãnh. Kiêu hãnh là sự khinh bỉ hạnh phúc.

Khinh bỉ hạnh phúc là không cần an ủi vuốt ve. Không phải là đàn bà hay con gái, mà cần phải được vuốt ve an ủi.

Không cần Thượng đế vuốt ve hay an ủi. Cũng không cần tình yêu, cũng không cần những sự an ủi dễ dãi của đời sống tầm thường.

Không cần những đức tính nhỏ bé.

Chỉ cần một đức tính duy nhất thôi. Đức Tính viết hoa: VẪN ĐỨNG THẲNG.
Vẫn đứng thẳng là khinh bỉ hạnh phúc.

Khinh bỉ hạnh phúc là lên đường đi đến hố thẳm, im lặng, không hy vọng, rộng lượng.

CHÚNG TÔI ĐANG LÊN ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NHỮNG KHÓ KHĂN.

Hãy từ bỏ sự dễ dàng.

Hãy quì xuống cảm ơn đã được CÔ ĐƠN, đã được ĐÓI và đã được RÉT; cảm ơn vì tôi đã được đủ cả, không còn thiếu gì nữa.

Tình yêu, đối với tôi, nhỏ bé quá.

Hỡi em, em quá bé bỏng đối với tôi, em không thể làm người yêu muôn đời của tôi được bởi vì:

“TA MUỐN CƯỚI CẢ TRẦN GIAN”
“NOUS VOULONS ÉPOUSER LA TERRE”
(Nikos Kazantzakis, La dernière Tentation)

Đối với con người tầm thường, sự đau khổ và sự hạnh phúc chống đối nhau như hai kẻ thù chẳng đội trời chung (và hắn chạy theo hạnh phúc mà trốn đau khổ).

Đối với con người khác thường, đau khổ và hạnh phúc hợp tác nhau.

Đối với con người lạ thường, đau khổ và hạnh phúc chỉ là một thôi.

Đối với con người phi thường, đau khổ và hạnh phúc không có hiện hữu; đó chỉ là ảo tưởng do mình tự tạo ra thôi.

Trong bức thư ngỏ trên một tạp chí xuất bản năm 1939, Nikos Kazantzakis đã viết những dòng này, thu gọn cả tư tưởng của ông:
  1. Thiện và Ác chống đối nhau, như những kẻ thù;

  2. Thiện và Ác đề huề hợp tác;

  3. Thiện và Ác chỉ là một thôi;

  4. Cái một này không có.
Tóm tắt lại là Thiện và Ác chỉ là hai ý niệm được bày đặt ra và không có thực ở đời.

Lộ trình của Ý thức Bi tráng là đi từ sự đồng nhất giữa Thiện và Ác và chấm dứt nơi sự khám phá rằng Thiện và Ác không có thực; nghĩa là Ý thức Bi tráng trở về sự im lặng:

Chính sự im lặng là cấp bực tối hậu” (Nikos Kazantzakis).

Sự im lặng là giải đất mới trong lòng người. Tất cả tư tưởng của Nikos Kazantzakis là đưa con người trở về con người, trở về khám phá giải đất mới trong lòng mình mà mình đã đánh mất giữa sự huyên náo của cuộc đời; và như thế, Ý thức Bi tráng trở thành sự Bi tráng của chính Ý thức, vì sự bi tráng chấm dứt và tựu thành nơi sự im lặng của ý thức hay là ý thức lên đường đi trở về sự im lặng: con người được trở về mái nhà xưa.

Nguồn: Phạm Công Thiện, Ý thức má»›i trong văn nghệ và triết học (Luận về ý thức má»›i sau mười năm lang bạt), tái bản lần thứ tÆ°, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1970. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.