trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
12.12.2006
Đặng Tiến
Sống trong tiếng Việt
 
Cái chết của một ngôn ngữ”, tựa được bà Trịnh Thanh Thuỷ đưa ra trên talawas ngày 28.11.2006, là một đề tài lớn, quan trọng, nhạy cảm, nên đã gây ra phản ứng của Vương Văn Quang, Nguyễn Vy Khanh, Huỳnh Phan, Phạm Quang Tuấn, và những lời qua tiếng lại, nhưng chưa phải là tranh luận nghiêm túc.

Câu chuyện ngôn ngữ mang hậu ý chính trị, lý luận xen lẫn tình cảm, đề tài trong bản chất phải lịch đại, biến thành đồng đại. Cuộc thảo luận có lúc mất vui.

"Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ" là một tựa đề không nghiêm chỉnh; không làm gì có tiếng Việt Sài Gòn (hay Huế, Hà Nội, miền Nam) cũ (hay mới), chỉ có một tiếng Việt duy nhất, sử dụng chủ yếu trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay và nhiều nơi khác trên thế giới, với những nét khu biệt tuỳ địa phương hay môi trường của người nói. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức cũng vậy thôi; nghe nói tiếng Hoa còn phức tạp hơn.

Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu được một cộng đồng dân tộc chấp nhận sử dụng một thời gian lâu dài, không dễ gì chết. Có những từ ngữ thông dụng thời này, khiếm dụng thời khác, nhưng vẫn nằm trong kho tàng của ngôn ngữ. Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ… Ngày nay không còn ai dùng từ Chương Đài, lữ thứ, nhưng không thể nói đó là từ chết. Mới ngày nào đây, còn có người làm thơ: dặm xa lữ thứ…

Nhìn chung, tiếng Việt ngày một phong phú, giàu có hơn về từ vựng, uyển chuyển hơn về cú pháp, chính xác hơn về âm pháp. Không có gì đáng ngạc nghiên hay tự hào: tiếng nước nào cũng vậy thôi. Có khác chăng là tiếng Việt khoảng một thế kỷ gần đây, đã phát triển thật nhanh, vì những lý do lịch sử đặc biệt của dân tộc, trong một thế giới biến động.

Lấy vài ví dụ đã được nêu ra.

Tiếng Việt ngày nay có hai động ngữ ghi danhđăng ký. Ghi danh là đơn phương ghi tên mình, chẳng hạn để tham dự một bữa ăn; hoặc lịch sử ghi danh người liệt sĩ. Động ngữ ghi danh không sai từ pháp, như Phạm Quang Tuấn nói, danh dùng ở đây là từ Việt (gốc Hán): tốt danh hơn lành áo (tục ngữ). Nổi danh tài sắc một thì… (Kiều). Còn đăng ký hàm ý một hợp đồng: tôi đăng ký vé máy bay nghĩa là tôi cam kết trả tiền vé, và hãng hàng không cam kết cung cấp cho tôi một chuyến bay; hai bên đăng ký hôn nhân là cam kết thành vợ thành chồng trước pháp luật. Dĩ nhiên là có thể lấy nhau mà không đăng ký, hoặc đăng ký rồi vẫn không lấy nhau. Nhưng đây không còn là chuyện ngôn ngữ.

Tồn tại song song còn có các động ngữ phản ảnhphản ánh. Phản ảnh là thuật lại những lời nói, càng trung thực càng tốt: bài báo nọ phản ảnh buổi toạ đàm nọ, cuộc tranh luận kia. Còn, phản ánh là một thuật từ văn học: rọi chiếu lại phần nào thực tại. Truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố phản ánh xã hội miền Bắc hồi đầu thế kỷ XX.

Người viết văn sung sướng vì có hai từ tiếng Việt, trong khi tiếng Pháp, Anh, chỉ có một: refléter, to reflect. Và tôi đã bùi ngùi khi đọc Trương Chính nên biết rằng ta sở dĩ có hai từ vì các cụ kém chữ Hán, đọc nhầm phản ánh ra phản ảnh (!). Trương Chính còn cho rằng sự cố, cao ốc là những từ không cần thiết, khi nhập vào không được lựa chọn, cân nhắc [1] .

Từ quản lý thông dụng ngày nay, theo ngôn ngữ thế giới, do những chữ to manage, gérer tiếng Anh, Pháp, cũng chỉ phổ biến từ ba mươi năm trở lại đây thôi. Ngày nay bà mẹ người Pháp nói với con "mày hãy tập quản lý tiền túi, hay thời gian của mày". Nói rằng một ông quản giáo quản lý một trại giam thì đúng; nói rằng ông quản lý cá nhân một tù nhân thì vẫn đúng, nhưng thiếu tế nhị, vì xúc phạm đến tư cách của người tù. Họ có can án, đã bị xét xử, thì giam giữ, cai quản, giam cầm, việc gì mà "quản lý"? Còn cái Cục quản lý người nước ngoài, chủ yếu nhắm vào Việt kiều, là cái gì? Quản lý ở đây nghĩa là gì?

Mới đây chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (đã Thủ tướng rồi mà còn Chính phủ) số 37/2006 ký ngày 29.11.2006, nhằm tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, đã dùng từ quản lý 5 lần, trong nghĩa bình thường. Sau đó, đoạn chính dùng từ xử lý 6 lần, chủ yếu trong nghĩa xử lý sai phạm, xử lý kỷ luật về Đảng.

Điều 4 của chỉ thị bắt đầu : xây dựng và thực hiện tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin trên báo chí. Từ xử lýquản lý ở đây có đồng nghĩa, hay cận nghĩa với nhau không. Các đồng nghiệp áo vàng, người xử lý phạm nhân, người quản lý Việt kiều, trên cơ bản, hai "công tác" khác nhau nhiều hay ít? Đây cũng là một chức năng của ngôn ngữ, chức năng theo nghĩa Roman Jakobson?

Ngôn ngữ không xây dựng nên chế độ nhưng nó góp phần củng cố, biện minh, "phụ đề" cho chế độ. Ngôn ngữ làm công cụ cho chế độ để quản lý quần chúng và ngược lại cũng là phương tiện dân gian phản ứng lại chế độ, vô cùng quý hoá đối với một quần chúng chưa từng thực sự được sử dụng lá phiếu và quyền tự do ngôn luận.

Nhân tiện xin góp chuyện ngôn ngữ học về chữ tĩnh từ. Ngày xưa, Phạm Duy Khiêm, Trần Trọng Kim (1941), dựa theo văn phạm tiếng Pháp, dùng tĩnh từ (adjectif qualificatif) để đối lập với động từ (verbe); về sau người ta thấy không cần đối lập "tĩnh" và "động" như thế. Tại miền Nam, 1963, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê gọi là trạng từ ; Trần Ngọc Ninh, 1974, gọi là phụ danh từ. Ngày nay, giới ngữ học nhận xét: từ loại này, ở tiếng Anh, Pháp, Nga, gần với danh từ; ở tiếng Việt, Hoa, Thái, nó gần với động từ, và gọi nó là tính từ. Có người gọi là thuật từ, vị từ, thậm chí là động từ. Tuy nhiên, Bùi Đức Tịnh trong Văn phạm Việt Nam, Sài Gòn 1956, gọi là tĩnh từ, tái bản tại Sài Gòn 1968 và 1972 vẫn gọi như thế; tái bản dưới chế độ mới năm 1996 vẫn dùng chữ tĩnh từ; ngoài ra, ông dùng chữ đại từ – như nhiều người – thay vì đại danh từ ồn ào.

Trong khoảng nửa thế kỷ, tiếng Việt tiến bộ rất nhanh về mặt thực hành, từ pháp và cú pháp lẫn lý thuyết. Tiến bộ về ngữ học nhờ những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, từ vị trí cá nhân hay các cơ quan, miền Nam và miền Bắc đã cơ khổ lao động trong nhiều thập niên. Người nước ngoài và người Việt ngoài nước cũng có đóng góp, dù không nhiều.


*


Tương quan giữa chính trị và ngôn ngữ, nhất định là có thật, nhưng không đơn giản. Trong đề tài này, mà phản ứng theo bản năng, tình cảm thì lời nói làm cho người nói xa nhau, trong khi nhiệm vụ của ngôn ngữ là làm cho con người gần nhau.

Trong một cuộc gặp gỡ với nhân viên báo Nhân Dân do báo này thuật lại, ngày 11.3.1961, Hồ Chí Minh có nói "ta phải nói kí lô, vì nếu nói cân thì không đúng nghĩa 1000 gơ-ram". Ông chống lại thói lạm dụng chữ Hán, nên khuyên không nên dùng từ  phụ đạo  chỉ để nói là kèm trẻ em học thêm. Kết quả: người phía Nam không được ông giáo huấn, thì nói kí lôkèm trẻ; người phía Bắc, lập trường kiên định, lại dùng từ cânphụ đạo.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (1963) nhận xét: khi nói trao đổi  thì phải nói trao đổi cái gì, ý kiến, hàng hoá… chứ nói  trao đổi không khống, là vô nghĩa. Khi kết hôn, thì nói kết hôn, thành hôn, xây dựng gia đình, không nên nói "xây dựng" không khống, theo kiểu: "ngày mai tôi đến trao đổi với anh"; "cô ấy đã xây dựng năm ngoái"...

Người phương Nam mù mù tăm tăm, không dùng từ trao đổi, xây dựng như người phương Bắc được "quản lý" nghiêm túc. Chung quanh hôn nhân, người phương Bắc còn có lối nói: báo cáo, tuyên bố, đăng ký, tổ chức (dã chiến hay theo lối cũ, v.v…) ông thủ tướng nghe cũng phát ớn!

Nhân ngày giỗ Nguyễn Đình Chiểu, năm 1963, Phạm Văn Đồng có viết bài ca ngợi nhà thơ, mở đầu bằng hình tượng bay bướm: trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Một câu văn đẹp, và ông giáo sư Lê Trí Viễn đã cóp, làm tiêu đề cho một cuốn sách: Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao càng nhìn càng sáng (1982); Ý ông muốn thu câu văn cho gọn, thành sai cú pháp!

Để viết bài này, tôi phải đọc lại sách của Hoàng Tuệ: Vấn đề chuẩn ngôn ngữ qua lịch sử ngữ học, 1993, và được biết trên báo Pravda ngày 20.6.1950, Stalin đã có bài bác bỏ lý thuyết của Marr (1864-1934) cho rằng ngôn ngữ là một hiện tượng giai cấp.

Theo Stalin "ngôn ngữ là của toàn dân tộc; ngôn ngữ không phải là một hiện tượng giai cấp (…) Vì lẽ: ngôn ngữ là một dụng cụ giao tiếp xã hội, nó không phục vụ riêng một giai cấp nào, nó phục vụ tất cả các giai cấp, nó là của toàn thể dân tộc, của những kẻ bóc lột cũng như những người bị bóc lột, của chế độ cũ hấp hối cũng như của chế độ mới đang lên (tr. 141).

Ngôn ngữ và văn hoá là hai cái khác nhau (…) văn hoá có thể là tư sản hay xã hội chủ nghĩa (theo Lê-nin), còn ngôn ngữ, công cụ giao tiếp giữa người với người thì luôn luôn là của chung cho cả dân tộc (tr. 143)."

Tôi ngờ ngợ, chả nhẽ Stalin lại viết một câu bình thường, phản động, phi giai cấp, phi mác xít lê-nin-nít như vậy? Hay là cụ Hoàng Tuệ "hư cấu"? Tôi rà lại thì quả là cụ Stalin có viết như thế thật [2] , và tôi đã nghi oan Hoàng Tuệ.

Tôi không tiếc công, vì đã học được một bài học lớn. Ở đời ai cũng có chính kiến, thành kiến; đến khi lý luận thì phải dè dặt, phải đề phòng thành kiến của chính mình. Về mặt trí thức, bản thân mình là đối phương của chính mình, một đối phương cực kỳ nguy hiểm vì trường kỳ mai phục. Vượt qua thành kiến để thấy: ông Stalin cũng có thể nói đúng, ông thủ tướng có thể viết câu văn hay, ông giáo sư, nhà giáo nhân dân, có thể sử dụng sai cú pháp. Bản thân mình có thể sai, vì dốt, vì vội, vì giận hay vì thiên kiến.

Bà Trịnh Thanh Thuỷ là người chân thật. Bà hỏi thật: "mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi…". Là người đồng hội đồng thuyền, tôi đồng cảm với bà. Câu trả lời của tôi là: một mặt phải thường xuyên thay đổi lối viết, mặt khác dùng những từ nào mà mình thấy là hay, là đúng, là hợp với câu văn. Nếu ông Phạm Quang Tuấn có hỏi dựa vào đâu mà bảo rằng từ này hay hơn từ kia, thì trả lời cũng dễ thôi về mặt thực hành. Về lý thuyết ta có thể nói: một từ hay, khi có sự hài hoà giữa hình thức (cái biểu hiện, signifiant) với nội dung (cái được biểu hiện, signifié), giữa ngữ thái và ngữ nghĩa. Và tránh tạp âm vì những từ đồng âm hay cận âm, tránh từ Hán Việt khệnh khạng, chuộng những ngữ âm thanh tao hay gợi cảm.

Món sữa lên men và đông đặc, Pháp gọi là fromage, tiếng Anh là cheese; nhà dân tộc học Levi Strauss cho rằng từ fromage âm vang nặng nề rất hợp với món ăn mặn mà của Pháp, từ cheese nhẹ nhàng hơn hợp với món ăn người Anh. Như vậy là hay, và ngôn ngữ không hoàn toàn võ đoán. Tiếng Pháp, jour là ngày, nuit là đêm, nhưng nhà thơ Mallarmé cho rằng âm vang từ nuit có nhiều ánh sáng hơn ; và thơ ông đặt lại vấn đề ngôn ngữ. Chúng ta không có tài như Mallarmé, không thể lấy ngày làm đêm và ngược lại.

Trong chủ quan của riêng tôi thì trong tiếng Việt hiện nay, phụ đạo (kèm trẻ), hư cấu (phịa chuyện) là thô thiển; nhất trí, khẩn trương, là vô duyên: đã là người, làm sao nhất trí với kẻ khác? Thà là cứ O.K; nói xong tiếng "khẩn trương" đợi cho người nghe hiểu tiếng ấy thì lửa đã cháy chuồng gà. Còn những ấn tượng, siêu thực, nữ nhà văn là gì ? Tôi không thích và không dùng những từ ấy, nhưng nghe ai dùng tôi vẫn "vô tư" (!). Ngược lại trong từ vựng Cali, có thành ngữ rất hay, là chồng tách vợ ly nghe nói chỉ mới xuất hiện vài mươi năm nay, mà đã có mệnh số lênh đênh.

Nhân giải bóng đá thế giới năm nay, tôi có viết bài. Tôi dùng từ tuyển trạch viên thay vì huấn luyện viên, thủ quân thay vì đội trưởng, thì bị "có ý kiến", xem như là Việt kiều nói ngọng. Thật sự thì đây là những từ khác nhau, sống song song. Chữ này dùng cho đội tuyển quốc gia, chữ kia dùng cho câu lạc bộ; chữ nọ dùng cho cầu thủ trên sân cỏ, chữ khác cho kẻ huơ mã tà đuổi chợ. Từ vựng khác nhau ở độ tinh xác, không ở chỗ phân biệt trong hay ngoài nước.

Người sử dụng ngôn ngữ quen với một từ vựng giống như một em bé quen với cái chăn đẫm mùi nước đái của chính mình: hai bên tranh luận đã tung qua ném lại ví dụ này trong dụng ý bỉ thử. Trong truyện ngắn "Về một xóm quê" nổi tiếng, nhà văn Võ Phiến kể chuyện một người cha đi dân công, thời chiến tranh chống Pháp, chỉ xin mang theo chiếc chiếu lót giường của đứa con mười ba tháng, để lên núi cho đỡ nhớ. Cũng là mùi nước đái thôi, nhưng ở hai nấc thang giá trị khác nhau, tuỳ dụng tâm của người viết. Ôi cái lưỡi của Esope!

Nhưng dù sao, quan hệ giữa con người và ngôn ngữ cũng phức tạp hơn ví dụ đưa ra để tranh biện hơn thua.


*


Tóm lại tiếng Việt là cuộc sống còn dành cho người Việt, phần nào đó, tự do, dân chủ. Một chút quá khứ, rất nhiều hiện tại. Nó loại trừ ác cảm, nhượng đất cho tình yêu. Nó mạnh hơn ta, nhưng không đàn áp chúng ta.

Ở vài nơi, ngôn ngữ chia rẽ người nói, nhưng chỉ là trường hợp riêng lẻ. Nói chung ngôn ngữ hoà giải, kết hợp, đùm bọc chúng ta trong tình đồng bào và tình người, thuỷ chung vô tận.

Orléans, ngày 9/12/2006

© 2006 talawas


[1]Giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt về mặt từ ngữ, nhiều tác giả, tr. 296 và 300, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981, Hà Nội
[2]Staline, A propos du Marxisme en Linguistique, tr. 13-14, nxb Nouvelles Critiques, 1950, Paris