trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
26.1.2007
DÅ©ng VÅ©
Nói thêm về hai tiếng "Việt kiều"
 
Sau khi viết bài "Hai tiếng Việt kiều" đăng trên talawas, tôi đã nhận nhiều email kể tội. Thường thì tôi không đối thoại với người nặc danh. Nhưng lần này, tôi đoán đó là người trong giới văn hóa thông tin tại Việt Nam, những người vốn có tầm ảnh hưởng lớn và có trách nhiệm đối với xã hội mà vẫn không nhận ra vấn đề để sửa đổi, cho nên bắt buộc tôi một lần nữa phải lên tiếng trình bày với họ điều phải trái. Còn không, rất có hại cho xã hội Việt Nam.

Như đã chứng minh, "Việt kiều" là hai tiếng không hay lắm. Được rập khuôn theo cách lập từ của Trung Quốc nó cùng mang những tính chất giống như hai tiếng "Hoa kiều" từ cú pháp, ngữ nghĩa, cho đến dụng pháp. Tuy vậy, cái đáng nói nhất vẫn là vấn đề văn hóa khi sử dụng. Thiết tưởng dùng một cái tên để gọi người khác, nhưng người ta không thích, thì đừng nên gọi nữa; tiếng Việt còn những từ ngữ khác hay hơn; đơn giản chỉ vậy thôi, nhưng không.

Trường hợp này na ná như từ "vi tính" vậy, đã được nhiều tác giả chỉ ra chỗ sai lầm. Đã biết sai thì sửa hoặc tránh dùng là xong, có gì xấu, vậy mà có người vẫn cố chấp thay vì thảo luận lịch sự trong tinh thần xây dựng bằng lý lẽ khoa học. Kiến thức ngôn ngữ học cho phép anh chị ta làm việc đó. Mà thực ra cũng không cần; cái cần suy nghĩ là vấn đề văn hóa.

Phải nói rằng, trong xã hội Việt Nam hiện tại, có rất nhiều người không có trình độ học vấn cao, tiêu biểu là nhà nông, người lao động tay chân, thậm chí có người mù chữ, nhưng họ có văn hóa. Ít nhất họ cũng biết một lời khuyên của ông bà: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nó cho vừa lòng nhau". Trong khi đó, nhiều người trên cao, có ăn học, biết nhiều về lý thuyết này, chủ nghĩa nọ, nhưng không biết ông bà mình nói gì. Tại sao những người ít học mù chữ kia biết mà giới trên cao, có ăn học không biết ? Điều này chỉ có thể cắt nghĩa là, họ không phải là người Việt, còn không, là người kém văn hóa.

Dù có muốn tự bào chữa "Việt kiều" là hai tiếng không tồi tệ, vẫn không thể xóa được cái tinh thần ngữ nghĩa không mấy gì đẹp đẽ của nó đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt. Cái tinh thần ngữ nghĩa đó hàm tính phân biệt.

Giống như từ "ngụy" ngày xưa vậy, được đẻ ra, chỉ để dùng cho người sống ở miền Nam, thì từ "Việt kiều" sau 75 được dùng để chỉ người rời bỏ xứ sở. Cái ngữ nghĩa của hai tiếng "Việt kiều" đã được xếp sẵn tinh thần phân biệt. Sự phân biệt đã biến thành một cái căn cước vô hình của nhiều người Việt khi cần trả lời mình là ai.

Cũng cùng sống xa nhà, chẳng hạn như ở Đức, không phải người Việt nào cũng được/bị gọi là "Việt kiều". Người Việt từng ở Đông Âu, nghĩa là người lao động hợp tác cũ, gọi họ là "cộng", còn gọi người Việt ở Tây Âu là "kiều" (nói tắt của "Việt kiều"). Khi hỏi, tại sao lạ vậy, tất cả đều là người Việt, thì phải là "Việt kiều" chứ? Nhưng không. Họ tự xác nhận cái căn cước của mình là phe cộng sản, còn bên kia là phe "Việt kiều", phe miền Nam. Khi hỏi tại sao lại có ý phân biệt như vậy, thì câu trả lời của một số ít người là sự tái khẳng định lập trường, tôi không phải là "Việt kiều", không phải là người di tản, trong khi câu trả lời của số đông là sự lắc đầu. Họ không biết tại sao. Họ chỉ biết một cách vô thức rằng, như thế nào đó, họ không thuộc về phe "Việt kiều".

Vậy thì ai đã dạy cho họ xem người Việt phía kia là "kiều" còn họ là "cộng"?

Đó là bằng chứng cho thấy tính cách phân biệt của hai tiếng "Việt kiều". Nhưng chưa hết, sự phân biệt còn biểu lộ cái phi lý khác của người dùng ngôn ngữ. Chẳng hạn, khi một người Việt ở Sài Gòn gọi người Hoa Chợ Lớn là "Hoa kiều", người quan sát còn có lý do để hiểu rằng, vì đó là người sống nhờ ở Việt Nam, chịu sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam, chứ không phải theo nghĩa "Trung Hoa kiều bào", bởi người Hoa không phải là đồng bào của người Việt. Người Việt miền Nam ngày xưa cảm thấy có sự phân biệt khi gọi người Hoa là "Hoa kiều", người ăn nhờ ở đậu, cho nên họ tránh, trong khi ngày nay, người Việt trong nước lại gọi người Việt của mình là "Việt kiều". Thật vô lý. Đã biết đó là người Việt gần gũi với mình, là đồng bào của mình, chứ không phải người Hoa để mà phân biệt, người ta vẫn chêm chữ "Việt" vào cho thành "Việt kiều" để phân loại người nào.

Tại sao phải làm vậy như thói quen của người cộng sản thường phân loại đủ thứ giai cấp, thành phần: nông dân, công dân, cố nông, bần cố nông, địa chủ, tiểu tư sản, tư sản mại bản, ngụy, phản động, trí thức yêu nước, gia đình cách mạng, gia đình chính sách,...?

Nhiều người hiểu đơn giản, "Việt kiều" là "người Việt sống ở nước ngoài". Hiểu vậy thực ra không đúng bởi vì "kiều" có nghĩa là ở đậu. Ở đậu là cái nghĩa trung thực nhất (mặc dầu mang cực tính xấu), chỉ hành động của người ra khỏi nước, sống nhờ nước khác, chứ không phải đơn thuần là "sống ở nước ngoài". Cũng là người sống ở nước ngoài, chính phủ Việt Nam có gọi các ông/bà đại sứ của mình, hoặc sinh viên du học, nghiên cứu sinh, người "lao động xuất khẩu" là "Việt kiều" không?

Người Việt Đông Âu cũ không tự nhận mình là "Việt kiều" là vì vậy. Họ đã được trang bị tư tưởng, các bạn là người thuộc hàng ngũ công nhân cao quý, sẽ sang Đông Âu lao động trong tinh thần hợp tác quốc tế chứ không phải là "Việt kiều" đi ăn nhờ, ở đậu. Cái tên gọi mỹ miều "người lao động hợp tác" đã ra đời từ đó. Sau khi bức tường Bá linh đổ xuống, ai cũng muốn ở lại, và rốt cuộc cũng được người trong nước gọi là "Việt kiều". Tuy nhiên, về phía họ, họ vẫn gọi mình là "cộng" còn phe kia là "kiều".

Lời ăn tiếng nói phản ánh trình độ học vấn và văn hóa của con người. Đừng tưởng hai tiếng "Việt kiều" là hay vì thấy nó sang sang. Có người còn hiểu "kiều" là kiều diễm.

Nếu chịu khó bỏ chút thì giờ đi tìm hiểu nghĩa ý đích thực của nó ắt sẽ hiểu vấn đề, chỉ tiếc là ngày nay không ít người thiếu tinh thần học hỏi. Sự yếu kém ấy chỉ gặt hái sự hoài nghi của người chung quanh về trình độ của mình, đặc biệt là văn hóa. Ở Việt Nam bây giờ có những kiểu nói năng phổ biến như sau mà người ta vẫn xem là bình thường. Một cô gái ăn ổ bánh mì thịt, cô kia đứng bên cạnh nói: "Lại thổi kèn". Hoặc một cô muốn xem cái điện thoại di động của anh bạn, nói: "cho coi dế anh đi". Không hiểu các cô kia có hiểu "thổi kèn", "dế" có nghĩa là gì không. Mấy tiếng ấy, ngày xưa, chỉ có đàn ông, gái mại dâm mới dùng, còn bây giờ, đàn bà con gái, nữ sinh cũng dùng mà không biết cái nghĩa nguyên thủy là gì. Còn nhiều ví dụ đáng sợ hơn, không cần thiết phải kể thêm. Điều muốn nói là ý thức ngôn ngữ yếu kém sẽ làm hư văn hóa của chính mình, mặt khác, có hại cho mọi người. Hãy nhìn xem, có lẽ chưa bao giờ cách nói năng quê mùa, lệch lạc đã tràn lan khắp xã hội như bây giờ. Nó đã khiến nhiều người có lương tâm lên tiếng. Gần đây trên talawas, bà Trịnh Thanh Thủy đã phê phán những từ ngữ dùng trong nước sau này. Không chỉ ở hải ngoại mà ở quốc nội, nhiều người trí thức cũng thường xuyên phê phán, kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Tôi không dám bàn đến nhiều từ ngữ như các tác giả khác mà chỉ nói về hai tiếng "Việt kiều", và đề nghị thay vì dùng nó, thì dùng "đồng bào hải ngoại". Người Việt thường chuộng danh từ hai chữ vì gắn ngọn. Nếu vậy, dùng "kiều bào", nghe vẫn thanh hơn "Việt kiều", dù vẫn vướng chữ "kiều" vốn không kiều diễm như nhiều người tưởng.

Qua bài viết này, xin đề nghị thêm. Khi cần xác định người ở đâu, thì có thể nói "đồng bào ở Mỹ", "đồng bào ở Pháp", v.v.. Hoặc khi cần xác định người trong nước hay ngoài nước, thì có thể nói "đồng bào quốc nội", "đồng bào hải ngoại", hay "đồng bào trong nước", "đồng bào ngoài nước".

Dĩ nhiên hai tiếng "Việt kiều" đã được dùng quá rộng rãi trong cộng đồng tiếng Việt, người ta đã quen miệng rồi, cũng giống như ngày xưa người ta hay dùng tiếng "ngụy" vậy, không thể một sớm một chiều mà bỏ được. Để giải quyết vấn đề, việc làm đầu tiên là cơ quan ngôn luận (báo chí, đài truyền thanh, truyền hình) không nên dùng từ "Việt kiều" nữa mà thay thế nó bằng những từ ngữ đã đề nghị. Song song đó, nên khuyến khích người dân đổi lại cách dùng từ. Bằng những cố gắng thực tế ấy, theo thời gian, hai tiếng "Việt kiều" nặng tính phân biệt sẽ từ từ đi vào quên lãng. Tất nhiên, đó chỉ là thiển ý của riêng tôi, chắc chắn còn nhiều sáng kiến cải cách khác hay hơn, và hy vọng không gặp khó khăn.

Chỉ vì muốn góp ý phê bình và đề nghị điều chỉnh cách dụng ngôn để tránh phân biệt, có thể làm tổn thương người khác, tôi đã nhận nhiều email kết tội là "gây chia rẽ, hận thù", "cố tình phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của nhà nước".

Đành chịu nhưng tốt cho dân tộc.

Stuttgart, 01.2007

© 2007 talawas