trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
31.1.2007
Ly Hoàng Ly
Biển & nghệ thuật sắp đặt của thiên nhiên
 
Vốc nước lên mặt là thấy tỉnh. Mở lòng ra là thấy biển. Nhưng trước bao la và tinh khiết, trong tôi luôn có hai cảm giác lẫn lộn: mênh mang và ngộp. Có lẽ vì sinh ra mạng thủy, nên tôi đặc biệt thích nước, nhìn ngắm nước, đùa chơi với nước, ngâm mình trong nước, khám phá những gì đằng sau và ẩn giữa lớp trong suốt mênh mang đó. Và có lẽ vì thế, mà vào năm 2000, với tác phẩm performance art đầu tiên trên con đường khám phá nghệ thuật đương đại của mình, tôi đã chọn chủ đề “Nước”: Tôi là phụ nữ và tôi là nước. Thế giới được sinh ra từ nước. Hãy nhìn nhau qua làn nước tinh khiết và nước sẽ rửa sạch mọi nhơ bẩn trong tâm hồn chúng ta.

Với tôi, đến với nước, ta sẽ thấy được hai thứ cùng một lúc: trong và đục. Nước trong và cuộc sống đục. Hay cuộc sống trong còn nước đục? Nhiều khi không được rạch ròi như vậy, mà lẫn lộn đục trong. Nếu vứt một nắm bụi vào chậu nước, nước sẽ đục, nhưng cho nó thời gian để lắng lại, thì bụi sẽ thành cặn bên dưới, nước lại trong. Nhưng vị của nước sẽ không còn trong. Lẫn vị bùn mất rồi. Tôi đã trăn trở rất nhiều với nước, cho đến khi đến với biển.

Cuối năm 2001, tôi tham dự một workshop mang tên “Dòng chảy” tại bờ biển Long Hải, do Trung tâm đương đại Không gian Xanh tài trợ. Đó là lần đầu tiên tôi đến với biển, đứng trước biển, mà không phải chỉ để ngụp lặn, tắm mát, hay thả hồn làm thơ, vẽ cảnh như xưa, mà để tìm một cảm hứng và mày mò cách thể hiện một tác phẩm sắp đặt (installation art work) trên biển. Và đột nhiên, trước khi bất kỳ ý tưởng nào về kết cấu, chất liệu cho một tác phẩm sắp đặt trên biển nảy ra trong đầu, thì cái thế giới nước tự do vô bờ đó bỗng khiến tôi có ham muốn tột độ được đóng khung cái mênh mang trước mắt lại. Mong muốn cô đặc cái mông mênh đó lại, để có thể cầm được, nắm được, sờ được. Bằng cách nào đây? Với nung nấu ấy, lang thang khắp các ngả phố nhỏ của vùng biển Long Hải, mắt dõi ra đại dương mênh mông, tôi chợt phát hiện ra một khu bán vật liệu xây dựng, với thật nhiều khung cửa sổ cũ loang lổ, long tróc sơn, bản lề oặt ẹo. Lòng sáng bừng, tôi tấp vào, xin tham quan cái kho cửa sổ cũ đầy bụi bặm và hỏi ông chủ cho thuê toàn bộ mớ cửa sổ cũ dăm ba ngày. Ngạc nhiên, ban đầu ông không chịu, cửa sổ cũ chỉ bán cho dân nghèo xây nhà cấp 4, chứ có ai lại đi thuê bao giờ. Phải giải thích, đặt cọc, hứa hẹn sẽ trả đúng ngày đúng giờ. Cuối cùng ông chủ cũng xuôi lòng. Xuôi vì thấy khách hàng tha thiết quá. Buôn bán từ xưa đến giờ, ông chưa thấy ai có lời đề nghị kỳ quặc như vị khách hàng - là tôi - này. Thế là hân hoan thuê mấy cuốc xe ba gác, chở đến bãi biển Long Hải, thực hiện tác phẩm sắp đặt. Tôi say sưa khuân, xếp những chiếc cửa sổ cũ đủ kích thước với sắc độ phai nhạt khác nhau, hình dạng xiêu lệch khác nhau trên bãi biển, say sưa đóng khung biển cả, theo một bố cục mà tôi thấy ưng ý nhất. Từng con sóng ùa vào bãi cát, lan qua thành cửa sổ. Hẳn những con sóng cũng thấy lạ lùng lắm, khi hôm nay cứ vào đến đất liền, đúng vị trí đó, là phải đi ngang qua một khung cửa, rồi khi giật lùi trở ra để về lại với biển cả, cũng lại phải lan qua những khung cửa ố màu thời gian đó.

Dùng dây thừng buộc vào thành cửa sổ, kéo lên những tảng đá từ thấp đến cao ngất bên bờ biển, tôi ngây ngất khi thấy trên đỉnh đá, ban nãy chỉ là trời xanh mây trắng, là biển cả mênh mang, giờ đây đã có một khung cửa bạc màu in vào đó. Và tôi nhìn mặt trời hoàng hôn đỏ ối lăn xuống, vào cái khoảng trống vuông vắn giữa bốn thành khung. Nhưng muốn nhìn thấy được cảnh tượng đó, tôi phải chạy tới chạy lui trên bãi biển, tìm góc độ thích hợp nhất, chờ đợi thời điểm thích hợp nhất, để rồi lịm đi vì sung sướng khi đón nhận ánh mặt trời đỏ ấm rưới lên thân thể mình qua khung cửa sổ treo giữa thiên nhiên mà mình đã “sắp đặt”.

Tôi đã làm một tác phẩm trình diễn kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ trên bờ biển Long Hải với tác phẩm sắp đặt đó. Buộc một đầu mảnh vải mùng dài ngoằng vào thành cửa sổ, rồi buộc đầu vải còn lại quanh thân mình, tôi đi ra biển, bơi ra biển, bơi đến hết chiều dài của dây vải mùng, bơi mãi bơi mãi, nhưng sợi dây cứ níu tôi lại, những khung cửa sổ níu tôi lại. Tôi bơi cật lực, mệt nhoài, vùng vẫy. Vô ích. Không thể ra xa hơn được nữa. Chỉ còn một đường: quay lại. Tôi tự hỏi sợi dây kia, những khung cửa sổ kia đang níu tôi, cứu tôi, bởi biết chắc chắn bơi ra mênh mang kia là ngụp lặn, là chết đuối. Hay đang kìm hãm tôi - kìm hãm ước vọng khám phá đến tận cùng, đến không màng mất xác của tôi? (Cũng có khi tôi không màng mất xác, cứ chăm chắm bơi ra khoảng bao la, là bởi tôi biết chắc có một sợi dây nối mình với bờ?)

Tôi lếch thếch vào bờ, ngồi sụp sau một khung cửa sổ, nhìn ra biển. Rất lâu. Rồi vòng ra sau, ngồi quay lưng ra biển, nhìn vào bờ, qua khung cửa sổ. Cũng rất lâu. Nhìn ra biển qua một khung cửa sổ có gì khác với nhìn ra biển mà không có gì bó khung tầm mắt? Một đợt sóng tràn vào bờ qua một khung cửa sổ có gì khác với việc tràn thản nhiên sảng khoái lên cát như bình thường? Tự cho mình trải nghiệm hai cảm giác khác hẳn nhau, rồi tự kết luận: Cảm giác có khác nhau hay không là tùy vào mình cả. Một bên là biển cả, một bên là bờ. Những khung cửa sổ nhỏ nhoi không thể ngăn chia được điều gì. Nếu có, thì chỉ là lòng mình muốn ngăn chia mà thôi. Có nhiều sự lựa chọn trên đời này. Một ô cửa chỉ là cái cớ - một ranh giới do chính con người đặt ra để vẽ đường đi cho mình. Không ra biển, mà lòng vẫn biển rộng. Ngồi bên biển bao la, mà lòng lại đóng khung. Thế nhưng ngược lại, nếu lòng như biển rộng mà lại nhạt nhẽo, chới với, vô cảm thì sao? Nếu lòng đóng khung nhưng bên trong cái khung ấy lại đầy đặn hưng phấn, sinh khí thì sao? Càng nghĩ, tôi lại càng thấy cái không-có-có-không của cuộc đời. Sau này tôi đã đặt tên cho tác phẩm này của mình là “Sự lựa chọn”: “Cửa sổ là một hình ảnh về cuộc sống nội tâm của người phụ nữ. Qua khung cửa hẹp, một thế giới mênh mông được mở ra. Không có sự lựa chọn ở đây. Người phụ nữ luôn phải tìm ra cách của riêng mình để chung sống với những giới hạn và vô-định-hạn bên trong tâm hồn họ.”

Rốt cuộc thì một tác phẩm sắp đặt trên biển cũng chỉ là một khát vọng muốn khám phá và “làm mới lạ” cuộc sống của một người nghệ sĩ. Và rốt cuộc thì tác phẩm sắp đặt “Sự lựa chọn” đó của tôi cũng chỉ tồn tại được đúng… một ngày đêm. Qua ngày hôm sau, sóng đã đánh những khung cửa sổ xiêu vẹo, thành một đống ngổn ngang, trở thành… một tác phẩm sắp đặt của thiên nhiên. Câu: “Nghệ thuật là cuộc sống” hay “Cuộc sống là nghệ thuật” nghe có vẻ mòn, nhưng bao giờ cũng đúng. Có những điều trong cuộc sống là A, ta định dạng lại thành B. Khi làm xong B (lấy cảm hứng từ A), ta cứ tưởng thế là đã hoàn thành xong một tác phẩm. Nhưng từ cái cớ B của ta, cuộc sống đã biến B thành C. Và bây giờ, C mới chính là tác phẩm sau cùng, lấy “cảm hứng” từ tác phẩm B của ta.

Hôm sau nữa, đúng ba ngày sau như đã hẹn, tôi thu dọn đống cửa sổ cũ nát, thuê xe ba gác chở về trả cho ông chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, để đón nhận sự ngỡ ngàng trong ánh mắt, nụ cười của ông. Ông bảo không nghĩ là tôi sẽ trả lại hàng, tưởng tôi mua nhưng nói giỡn là thuê, (tiền thuê + tiền đặt cọc = giá mua cửa sổ mà), hoá ra lại là thật. Ông kêu oang oang cho thợ, cho vợ con nghe về chuyện lạ. Mấy cái cửa sổ cũ rích thấy ghê vậy mà lại thành tác phẩm nghệ thuật mấy đứa ơi. Trời, tiếc quá biết thế tui gọi cả xóm ra bãi biển để xem “cửa sổ” của cửa hàng tui được thành tác phẩm nghệ thuật bên bờ biển hẳn hòi đó. Không biết trông nó có đẹp không ta? Mà cũ như vậy, sao đẹp được ta?

Tôi vui trước sự ngạc nhiên hân hoan của cả một khu bán vật liệu xây dựng. Vui khi nghĩ: ý nghĩa thực sự của nghệ thuật là ở đây, là đem lại không chỉ cho con người, mà cả vạn vật những cảm giác mới lạ của cuộc sống. Nghệ thuật đem lại cho người bán hàng vật liệu xây dựng vùng ven biển một ngày tươi tắn và những thắc mắc lạ lẫm về cuộc sống; mang lại cho một bờ biển ở một nơi nào đó trên thế giới này một hình ảnh mới, dù là chỉ một ngày; mang lại cho những con sóng biển một cảm giác lướt mình vào bờ khác hẳn, và đem lại cho người nghệ sĩ những rộn ràng kỳ lạ. Thật sự, quá trình tư duy, tìm kiếm, tương tác với con người và sự vật để làm ra một tác phẩm; và quá trình trải nghiệm cảm xúc sau khi tác phẩm hoàn thành mới thật sự là quá trình quan trọng nhất, ý nghĩa nhất và thích thú nhất đối với tôi, chứ không phải bản thân sự hoàn thiện của một tác phẩm. Nghệ thuật chính xác là cuộc sống.

Trở về bờ biển Long Hải, tôi nhìn bãi cát vàng trải dài, không còn chút dấu ấn nào của một tác phẩm sắp đặt hai ngày trước; mặt trời xuống trên đỉnh đá mà không rớt vào một ô cửa sổ nào. Trước mắt tôi lại là một tác phẩm có vẻ trở lại đúng là A như trước đó, nhưng lần này, là một A chồng lớp hình ảnh, cảm xúc, và hương vị của cả B và C. Vừa thấy nhớ nhung, nuối tiếc, trống trải, vừa thấy rất đầy.

Tôi đã biến tất cả những A,B,C đó thành một tác phẩm D. Trên bờ, một máy quay phim đã ghi hình ảnh toàn bộ quá trình thực hiện tác phẩm sắp đặt, trình diễn của tôi. Tôi cũng đã chụp hình lại tác phẩm sắp đặt trên biển, trước khi nó bị sóng gió làm sụp đổ. Tôi “xin” biển Long Hải vài bao tải cát, chở về Sài Gòn, mua một cửa sổ cũ lớn, thuê một màn hình tivi nhỏ xíu chiếu lại toàn bộ quang cảnh làm việc và trình diễn ở biển Long Hải, cùng với những hình chụp về “Sự lựa chọn”, rồi phối hợp tất cả chất liệu đó để làm thành một tác phẩm D tại phòng triển lãm của gallery Không gian Xanh. Một khai mạc được lựa chọn, và khán giả đến xem. Cái quang cảnh khán giả xem tác phẩm “Sự lựa chọn” tại gallery trở thành một tác phẩm E của cuộc sống, thể hiện những cảm nghĩ, cái nhìn, và thưởng ngoạn khác nhau về biển, trước biển, với biển, qua một tác phẩm lấy chất liệu và cảm hứng từ biển…

Ly Hoàng Ly: “Sự lựa chọn” (Long Hải, 2001)

“Sự lựa chọn” là một tác phẩm sắp đặt trên biển hoàn toàn mang tính cảm hứng rất ngẫu nhiên và bản năng của tôi, trước quyến rũ của thiên nhiên mênh mang bí ẩn. Chất liệu và cách thức thực hiện tác phẩm sắp đặt đó cũng rất ngẫu nhiên, không tính toán từ trước. Vì thế, tôi thực sự choáng ngợp và bất ngờ khi ngay năm sau đó, năm 2002, tôi được mời tham dự trình diễn performance art tại Triển lãm Liên hoan Nghệ thuật Biển với chủ để “Văn hoá gặp Văn hoá” kéo dài 28 ngày tại bờ biển Haeundae (Busan), một bờ biển tiêu biểu cho Hàn Quốc, trong khuôn khổ của Busan Biennale, Hàn Quốc.

Busan xưa kia là một cảng nhỏ được mở ra vào đầu thế kỷ thứ 20 dưới chính sách của đế quốc Nhật. Sự phát triển của thành phố đã được tập trung vào 40 năm trước và tiếp tục biến đổi bức ảnh đô thị. Vì thế có rất nhiều những vấn đề về đô thị cần được giải quyết tương tự như những thành phố khác trên thế giới. Tuy vậy, Busan có những đặc tính địa lý riêng biệt, đó là một vùng đất thiên nhiên giữa biển khơi và đồi núi và những hoạt động công nghiệp liên quan đến biển.

Từ quan điểm rằng theo thời gian, những tính cách văn hoá riêng lẻ đã bị mất đi bởi sự toàn cầu hoá, thì đối với Busan, biển dường như là món quà của thiên nhiên đưa ra một mục đích mới mang ý nghĩa sâu sắc. Và đó cũng chính là lý do chính của cuộc triển lãm Liên hoan Nghệ thuật Biển (Sea Art Festival) lần này: Giới thiệu một triển vọng mới mẻ cho nghệ thuật sắp đặt thích hợp với môi trường đại dương.

Nhiều hoạ sĩ từ các vùng khác nhau đã cùng nhau làm việc trên bãi biển Haeundae, đưa ra một sự thể hiện nghệ thuật mới mẻ trên môi trường biển cả của Busan. Họ đến từ Romania, Angola, Mexico, Philippine, Hàn Quốc, Pháp, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ba Lan, Tây Ban Nha, Argentina, Ai-len, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Đài Loan, Nhật, Ethiopia, Việt Nam, Colombia, Cuba, Tiệp Khắc, Thái Lan, Đan Mạch, Israel, Canada.

Những tác phẩm nghệ thuật này so với tác phẩm “Sự lựa chọn” của tôi thì phải nói là chúng vô cùng to lớn, và được phát triển từ những phác thảo trên giấy, mô hình thu nhỏ rất kỹ lưỡng, từ cả sáu tháng trước, sau đó lại mất rất nhiều ngày để thi công, với đội ngũ công nhân xây dựng chuyên nghiệp, và chi phí thực hiện rất cao. Tất cả là để đảm bảo cho các tác phẩm có khả năng đứng vững chắc dưới những làn sóng biển ào ạt, dưới những cơn gió mạnh mẽ của biển cả, an toàn cho khách tham quan trên biển (đó cũng chính là điều tôi khắc khoải hướng đến sau khi tác phẩm sắp đặt “Sự lựa chọn” chỉ đứng vững được một ngày đêm trên bờ biển Long Hải). Và giải pháp của các nghệ sĩ này là: Cấu trúc tác phẩm phải bền vững, và được làm từ những chất liệu thích hợp với tính chất đại dương trong khoảng thời gian hơn một tháng, với mong muốn: Cùng với những nhân tố địa lý của biển cả, những tác phẩm to lớn đó sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của thiên nhiên.

Tôi bị hút hồn khi đi giữa những tác phẩm đồ sộ kỳ diệu trải dọc bờ biển dài tuyệt đẹp. Đó là một chiếc ghế bành được dựng lơ lửng giữa trời và biển, nối với bờ cát bởi cầu thang sắt lên xuống mảnh dẻ nhưng vững chắc. Khách tham quan rủ nhau trèo lên thang để lên ngồi trên chiếc ghế bành xinh đẹp lơ lửng đó, tận hưởng cảm giác an toạ chênh vênh giữa mênh mang đất trời biển cả. Đó là một loạt những hình nhân từ nhỏ đến lớn, đan bằng nan tre, chân vùi trong cát, đi từ đất liền ra biển. Hình nhân lớn nhất cao phải tới 5 mét. Và một tác phẩm người khổng lồ ngồi suy tư trên cát, lưng quay ra biển, cao chừng 6m, làm từ giấy báo. Nhưng bên ngoài lớp báo được bao phủ bởi lớp nhựa trong, để đảm bảo chất liệu giấy báo không bị hư hỏng bởi nước và gió cát. Bên cạnh đó, một toa xe lửa - to bằng toa xe lửa thật - bị gãy đổ, chệch khỏi con đường ray chạy dài xuống biển, mũi chúi nhào vào sóng nước, sau lưng chở hàng chục chữ cái A, B, C, D… đủ màu sắc, tung toé ngổn ngang theo một bố cục rất đẹp trên bãi cát. Khách dạo biển có thể chui vào đống chữ cái khổng lồ đó để chụp hình, vui chơi khám phá. Rồi những thanh sắt đỏ cao ngất cắm hàng hàng bên nhau trên cát, ngọn xoăn tít như rừng tóc xoăn đỏ chĩa thẳng lên trời. Mặc cho gió lộng, chẳng chút rối bời. Trẻ con đu đưa lên cột sắt, cười ròn tan, chui lẫn trong rừng tóc đỏ đó mà rượt đuổi nhau, như thể đang chơi đùa trên một công viên trên cát, bên bờ biển…

Đó chính là triển lãm của những cuộc phiêu lưu khác nhau và là sự gặp gỡ của các kỳ vọng khác nhau, diễn đạt sự dịch chuyển từ không gian bên trong đất liền ra ngoài biển khơi. Có thể xem đây là cuộc đối thoại giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, hay cuộc đối thoại giữa nghệ thuật hình khối và nghệ thuật môi trường, được nhìn dưới những phong cách khác nhau. Nó cũng đòi hỏi một thể loại mới của nghệ thuật sắp đặt với những chất liệu mạnh mẽ hơn và chắc chắn hơn để thích hợp với thời gian triển lãm kéo dài trên môi trường biển.

Ly Hoàng Ly: “The Connection” (“Kết nối”, Haeundae, Hàn Quốc, 2002)

Chôn một chiếc ghế gỗ trong cát, tôi buộc một đầu dây vải vào thành ghế, rồi lại buộc đầu kia vào thân mình, đi ra biển. Trong tiết thu, nước biển Haeundae lạnh cóng. Chiếc quần jean đỏ khổng lồ bằng chất dẻo, dựng đứng, bồng bềnh trên một chiếc bè gỗ giữa biển lạnh là điểm tôi muốn đến. Mùa này, không ai dám xuống biển, người ta chỉ nô đùa và dạo chơi trên bãi biển, thưởng ngoạn những tác phẩm tuyệt đẹp. Chỉ mình tôi bơi ra biển, rét run, nỗ lực vượt qua triều sóng mạnh mẽ, nỗ lực kéo bật chiếc ghế chôn sâu trong cát, nỗ lực bơi về màu đỏ hấp dẫn trong cái lạnh cắt da thịt. Phía sau tôi, tiếng đám trẻ con reo hò, mọi người cười nói lao xao thứ ngôn ngữ tôi không hiểu. Như động viên tôi bứt phá ra xa, đến được đích. Như kêu gọi tôi quay về bờ…

Sau một ngày, tác phẩm “Sự lựa chọn” của tôi đã phải dỡ khỏi bãi biển Long Hải. Còn tại bãi biển Haeundae này, những tác phẩm to lớn được thiết kế công phu, được tính toán sao cho có thể chống chọi được với biển cả, cũng chỉ có thể tồn tại được hơn 28 ngày. Làm thế nào để hiểu được đại dương và chinh phục được đại dương, luôn là khao khát của con người. Biển cả càng vô tận, người nghệ sĩ càng khao khát muốn “kết nối” với cái mênh mông vô tận đó, dù chỉ bằng 1 ngày hay 28 ngày, dù với những vật liệu giản dị tức thời như những khung cửa sổ cũ, hay những vật liệu có kết cấu vững chắc như sắt thép.

Chuyện kể rằng: Một hôm, nhìn vào bờ, biển cả bỗng ngơ ngác, khi thấy một đất liền với bố cục, hình khối, sắp đặt mới, nửa quen nửa lạ. Và xen lẫn giữa những hình khối, sắp đặt độc đáo đó, là những vị khách tham quan vẻ ngỡ ngàng, khám phá một bờ biển nửa lạ, nửa quen.

12.2006

© 2007 talawas