trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
19.2.2007
Bùi Văn Phú
Nhìn đào nở kể chuyện đầu năm, cuối năm
 
Ngày mới đặt chân đến Mỹ, tôi thích nhất cái dáng vẻ xanh tươi của thành phố nơi mình định cư. Loanh quanh đi đâu cũng gặp cây xanh, những thảm cỏ mượt, những đóa hoa dại.

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Mấy tháng trước còn lòng vòng Sài Gòn, cùng bạn hát ca nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy mà bây giờ tôi đã thành người biệt xứ. Quê hương. Ôi! một nỗi nhớ thăm thẳm trong ký ức.

Nhìn hoa dại mọc bên đường cho tôi chút vui nhảy múa trong lòng giữa những mầu trắng, xanh, cam, vàng, hồng, đỏ. Những bông tu-líp mê mẩn hồn tôi ngày còn ở quê nhà nay lung lay giữa đám cỏ xanh trông thật dễ thương. Tôi đến đây vào mùa hè nên poppy đang bừng nở trong nắng. Mùi cây cỏ, hoa lá mang lại hương đồng cỏ nội, thoảng chút thanh thản trong tâm hồn đầy ắp nhớ nhung.

Những ngày ở đại học, mùa hè rảnh rỗi sau giờ cơm chiều tôi và hai sinh viên Việt ở chung ký túc xá thường rủ nhau thong dong leo những con đồi quanh trường, lên đỉnh cao ngồi nhìn hoàng hôn chìm xuống. Ngóng tin quê nhà.

Cuối tháng đầu năm dương lịch, thấy đào trong sân trường trổ hoa, tôi biết Tết sắp về và lòng dâng lên một nỗi buồn vì gia đình không có ai ở bên. Những năm sau có hội sinh viên Việt Nam tổ chức ăn Tết nên cũng bớt buồn. Đêm trước liên hoan, hai ba sinh viên vác dao đi chặt trộm đào để hôm sau trưng bày đón Tết.

Ở miền Bắc California có loại đào khi xuân về ra hoa năm cánh mong manh mầu hồng nhạt, được trồng ở nhiều nơi, rải rác hai bên đường, trước sân nhà.


*



Đào nở trước ngõ chiều 30 Tết
Ngõ vào nhà tôi bây giờ hàng xóm có trồng dăm bẩy cây đào. Đã nhiều năm, tôi nhận ra một điều là dù Tết đến sớm hay muộn theo lịch Tây thì hoa đào vẫn nở đúng dịp Tết. Loại thảo mộc này như theo chu kỳ âm lịch, không phải chăm bón, không cần tưới nước, không tuốt lá nhưng vẫn nở hoa, trổ lá, xum xuê, lá rụng, trơ trụi rất đúng hạn kỳ.

Những cây đào trước ngõ nhà tôi bắt đầu trổ bông vài ngày nay. Đúng ngày Tết hoa sẽ bừng nở.


*


Tôi đang ngồi bên bàn phím gõ những dòng chữ này vào buổi tối thứ Sáu giáp Tết ở California. Gọi là khai bút. Nhưng phút giao thừa đã đến chưa?

Tôi vừa lên mạng vào trang nhà Tuổi TrẻThanh Niên thấy hình ảnh pháo hoa đã nở rộ trên bầu trời Sài Gòn chào đón năm mới Đinh Hợi.

Ở đây mùa đông đang phủ trắng những con đường ở nhiều bang nước Mỹ, trừ miền duyên hải California thường có mưa.

Pháo nổ đón xuân ở vùng Vịnh San Francisco
Năm nay trời vùng Vịnh San Francisco có khung cửa thời tiết hé mở một Chủ nhật tuần qua với nắng ấm, giữa những ngày mưa dầm ướt át. Tôi đưa con đi hội chợ Tết của người Việt ở Oakland và San Francisco. Nhiều gian hàng tặng lịch cho khách du xuân, ghi ngày 18.2 là mồng một Tết. Như thế người Việt hải ngoại đón Tết theo lịch Trung Hoa.

Nắng ấm nên đã có cả vạn người rủ nhau du xuân, nhìn ngắm những hoa hậu áo dài, nghe pháo nổ, nghe trống múa lân, nghe ca nhạc xuân rộn ràng với tiếng hát Ý Lan, Don Hồ, Thanh Trúc, Tommy Ngô, Trish Thuỳ Trang, Trúc Mai, Đồng Thảo, Kim Oanh.

Hoa hậu áo dài Hội Tết Bắc California 2007: cô Lê Hồng Phượng, sinh viên khoa dược
Ở hội chợ tôi mua một dĩa DVD có tựa “Việt kiều đón Tết” ghi nhiều hình ảnh phong tục ăn Tết của người Việt ở quê nhà, từ những phố bán hoa, những nồi bánh chưng, bánh tét, có ông đồ già phóng bút những nét pháp thư.

Có cảnh thân nhân chen chúc ra đón người từ hải ngoại về quê ăn Tết ở phi trường Tân Sơn Nhất. Những Việt kiều đẩy xe hành lý ra cửa, tôi chỉ thấy gọn gàng va-li, không ai đẩy những thùng hàng vuông vức như cảnh đưa tiễn người về ở phi trường San Francisco mà tôi đã nhiều lần ghi nhận. Không biết người trong phim về từ nước nào? Ở Hoa Kỳ tôi đã nhiều lần ra sân bay tiễn người thân về quê, hầu hết đều gửi hai kiện hàng, mỗi kiện 31 kí-lô, theo tiêu chuẩn của hãng máy bay. Rất ít người đem va-li. Có khi cơ sở bán vé máy bay còn nhờ đem về vài kiện nữa, nói là hàng từ thiện và cơ sở sẵn sàng trả tiền cước phí, khi đến Việt Nam sẽ có người ra nhận. Điều này vi phạm nghiêm trọng những qui ước an ninh vì người nhận gửi không hề biết trong đó có gì.

Ra sân bay quốc tế mà bạn đọc thấy hành khách xếp hàng với những kiện hàng vuông vắn, to đùng thì có đến 95% đó là những hành khách đi Việt Nam.

Tôi hỏi vài người quen rằng ở Việt Nam bây giờ có tiền mua gì cũng có mà sao phải ôm đồm mang về nhiều thứ. Câu trả lời thường là: ai cũng thích hàng hiệu Made in USA, từ cục sà-bông, chai thuốc gội, những thỏi son, hộp kem dưỡng da, đến các thứ bánh kẹo, đồ điện tử chứ không thích mặt hàng sản xuất từ những nơi khác, dù mang cùng thương hiệu.

Người mình quả thật rất sính hàng Mỹ.


*


Tháng Giêng San Jose có nhiều sinh hoạt: họp mặt dân chủ, ra mắt sách, văn nghệ. Có một buổi xem tranh, diễn thuyết và ca hát chủ đề “Huyền thoại” do hai tờ báo Việt TribuneSaigon USA bảo trợ, với sự có mặt của những thành viên chủ lực của tienve.org từ Úc là nhà nghiên cứu và phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn, hoạ sĩ Nguyễn Hưng Trinh và Võ Quốc Linh. Hơn trăm khách đến dự gồm nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ vùng San Jose: Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Thị Thịnh, Lê Thị Thấm Vân, Quế Hương, Lâm Văn Sang, Trần Chí Phúc, Kiều Loan…

Sinh hoạt văn học nghệ thuật “Huyền thoại” ở San Jose, tháng 1.2007
30 bức tranh của Nguyễn Hưng Trinh, phong cách mạnh bạo bằng những nét dao vẽ mà tôi đã nhiều lần thưởng thức khi vào mạng Tiền Vệ. Hôm nay nghe Hoàng Ngọc-Tuấn giới thiệu mới biết được cuộc đời gian truân của người hoạ sĩ không được tự do sáng tác và đã phải làm nhiều nghề vụn vặt trong những ngày còn ở trong nước, trước khi được qua Úc.

Hôm đó ông Nguyễn Hưng Quốc không nói chuyện phê bình văn học với nét dao sắc bén - như Nguyễn Xuân Hoàng nhận định về ông trong phần giới thiệu - mà lại dí dỏm bàn về một “đề tài hiền” mang tên “Khi thi sĩ vẽ tranh”.

Ông nhắc nhiều đến nét đẹp của Thuý Kiều đã được mổ xẻ trong văn học, qua Võ Phiến, và đùa hỏi rằng trong khán giả hôm nay có ai muốn lấy nàng làm vợ không? Được mô tả là một thiếu nữ đẹp, nhưng có ai biết được Thuý Kiều răng đen hay răng trắng, mũi cao hay thấp, mắt một mí hay hai mí.

Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Nguyễn Hưng Quốc nói Nguyễn Du đã tả đôi mắt đẹp của Kiều nhưng không một câu thơ nói đến cặp mắt Thuý Vân. “Thuý Vân không có mắt” là nhận xét dí dỏm để ông so sánh về cách nhìn nhân tình thế thái của Kiều rất tinh đời, sắc sảo so với cô em.

Rồi ông nói đến những bức tranh tả người, tả thiên nhiên trong thơ Hàn Mặc Tử, Nam Dao, hay thơ Nguyên Sa:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường

Lâu lắm rồi tôi mới được nghe bình thơ Việt, như một bữa cơm canh mồng tơi với cà ghém lâu mới được ăn. Đạm bạc mà ngon.

Phần nhạc phảng phất rung động giữa Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang hơn ba mươi năm về trước, qua những ca khúc mới của Nguyễn Tâm và Hoàng Ngọc-Tuấn. Tâm Nguyên, bút hiệu của luật sư Nguyễn Tâm, với những lời đồng dao:

Em theo Mẹ làm Tiên
Anh theo Cha làm Rồng
Rồng Tiên vươn cánh
Từ khắp muôn phương trời
Tìm cánh chim gọi đàn
Vượt mây bao la
Vượt núi bay qua:
Đến nơi quê nhà

Hoàng Ngọc-Tuấn trên ghế cao, ôm đàn ghi-ta hát dăm bài. Những nốt nhạc, lời ca thấm vào lòng người xa xứ trong một ngày mùa đông:

Không phải là sắc, không phải là mầu
Không phải là sáng, không phải là chiều
Là cái dường như trùm khắp mọi tinh cầu …

Không phải là máu, không phải là lệ
Không phải là da, không phải là thịt
Là cái dường như hô hấp không biết mệt

Không phải là xác, không phải là hồn
Không phải là thú, không phải là người
Là cái dường như đi đứng trong cõi đời

Không phải là nước không phải là đồi
Không phải là đất không phải là trời
Là cái dường như mà ai cũng thấy rồi

Cuối chương trình, ngồi ở sân trước nhà vãn chuyện, tôi hỏi ông Nguyễn Hưng Quốc về chuyến đưa sinh viên Úc đi Việt Nam hơn một năm về trước mà ông đã bị tống xuất khi vừa đến Tân Sơn Nhất.

Sau khi bị tống xuất, nhà nước có cho anh vào Việt Nam chưa?

Chưa. Họ vẫn cấm vào.

Vậy anh đã hướng dẫn toán sinh viên ở Việt Nam như thế nào?

Bằng viễn liên điện thoại. Nhiều khó khăn lắm. Những ngày đầu không có người hướng dẫn, mấy sinh viên bị tiêu chẩy vì ăn uống. Có em bị đưa vào cấp cứu.

Cảm nghĩ của sinh viên về chuyến đi như thế nào?

Họ được đối xử không lấy gì làm đẹp và hãnh diện cho Việt Nam.


*


Báo Xuân ở California
Thứ Bảy 30 Tết, gia đình tôi đón giao thừa tại nhà người em. Pháo nổ vang trong đêm trừ tịch. Không thiếu bánh mứt quê nhà, bầu cua cá cọp, xập xám, tiến lên.

Sáng mai rủ nhau xuống phố San Jose coi diễn hành mừng xuân. Cuộc diễn hành đón Tết duy nhất của người Việt trên toàn thế giới. Chiều về hai đứa con sẽ trình diễn văn nghệ đón xuân, vui Tết với cộng đồng.

Thứ Hai là ngày lễ nghỉ, tưởng niệm hai vị tổng thống George Washington và Abraham Lincoln. Tôi sẽ có thời gian đọc hết mấy tờ báo xuân.

Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân
Xuân dù thay đổi biết bao lần
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Ôm nàng xuân đẹp vào tay …

Chúc bạn đọc một năm mới an bình, hạnh phúc.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2007 talawas