trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
23.2.2007
Nhất Linh
Viết và đọc tiểu thuyết
 1   2   3 
 
Mấy lời nói đầu

Ðây là một cuốn sách viết để bất cứ người nào cũng có thể hiểu được miễn là biết đọc chữ Quốc ngữ. Vì vậy tôi cố tránh dùng những từ khó hiểu, những câu ý nghĩa tối tăm.

Đây không phải là một cuốn sách bàn luận khô khan chỉ dành riêng cho một số người ít ỏi, có học thức cao, và quen thuộc với những danh từ triết lý.

Sở dĩ tôi viết cuốn Viết và đọc tiểu thuyết này là vì tôi tin tưởng một cách rất chắc chắn rằng:
  1. Bất kỳ ai biết chữ Quốc ngữ, cho dẫu người đó viết văn sai mẹo hay không có học thức cao rộng, cũng có thể viết ra những tiểu thuyết có giá trị. Cái chính là cần có khiếu riêng, cái khiếu ấy có thể có ở bất cứ giới nào, người làm thợ hay người làm ruộng, nhưng xưa nay không nảy nở ra được chỉ vì cái thành kiến trưởng giả cho văn nghệ tiểu thuyết là một thứ cao siêu dành riêng cho một hạng người.

  2. Phần đông người viết tiểu thuyết (nổi tiếng hay vô danh) có những quan niệm sai lầm làm cho họ đi vào những con đường chật hẹp hoặc lạc hướng nên văn nghệ của nước nhà vì thế mà sút kém.
Sau gần bốn mươi năm kinh nghiệm viết tiểu thuyết, trải qua bao nhiêu phen lầm lỗi và tìm tòi, tôi tự thấy cái trách nhiệm giúp đỡ một phần nào vào sự cố gắng của hàng nghìn hàng vạn các anh chị em có chí muốn tiến trên đường văn nghệ. Cuốn sách này không thể làm cho bất kỳ ai cũng thành văn sĩ một cách dễ dàng, nhưng - tôi mong thế - sẽ giúp đỡ:
  1. Những người mới bước chân vào làng văn khỏi bỡ ngỡ, mất công tìm kiếm và mất rất nhiều thì giờ vì bước lầm đường.

  2. Một số người đã có nhiều tác phẩm, suy xét lại về lối viết của mình và tìm ra con đường mới hợp với tài năng của mình hơn.

  3. Những thiên năng ở những người ít học bị cái hàng rào thành kiến bấy lâu ngăn cản, được thoát ra ngoài để giúp cho nền văn hoá nước nhà thêm phong phú (chỉ có những người thợ, người dân quê mới dễ viết tiểu thuyết về đời sống của họ).
Đó là đối với những người viết tiểu thuyết, còn đối với độc giả tôi cũng tin rằng:

Trình độ độc giả cao thì nền văn hoá cũng cao. Độc giả sáng suốt, có quan niệm đúng về nghệ thuật sẽ giúp đỡ rất nhiều cho những tài năng chân chính, và sẽ có thêm nhiều thú thanh cao mà trước kia không được hưởng vì không biết đến.

Tuy chỉ là độc giả nhưng cũng cần đọc đoạn nói về cách viết tiểu thuyết để có sự nhận chân về nghệ thuật.

Cuốn sách này lại có thể giúp ích cho các học sinh khi học văn và khi viết văn.

Xin nhớ là cuốn sách này tôi chỉ viết về tiểu thuyết thôi chứ không nói đến các loại văn khác như loại thơ, nghị luận, phê bình, giáo khoa v.v... hoàn toàn khác hẳn tiểu thuyết (cũng như văn của ông Phạm Quỳnh, ông Trần Trọng Kim, ông Phan Văn Hùm khác hẳn văn tiểu thuyết). Nếu trong bài khảo luận này có dùng đến những chữ "văn", "văn sĩ", "văn nghệ", "sách" v.v.. cũng chỉ là nói về văn hoặc sách tiểu thuyết thôi.

Cũng có nhiều khi tôi trích làm thí dụ một câu của nhà văn này mà không trích của nhà văn khác, đó không phải là vì thiên vị mà chỉ vì trong hiện tình không kiếm được sách để trích ra.

Cũng có khi tôi trích trong những truyện của tôi (có lẫn cả chê khen), đó cũng chỉ vì những cái dở, cái hay ấy nó dễ đến ngay trong ý nghĩ khi tôi muốn lấy một thí dụ thích hợp mà không kịp tìm thấy ở trong truyện của các nhà văn khác.

Tác giả


*



Phần thứ nhất - Nói chung về tiểu thuyết

Những điều lầm lỗi

Trước hết tôi nói về ý định của một người muốn viết một cuốn sách có nghệ thuật cao siêu, bền mãi với thời gian, như những cuốn Hoà bình và chiến tranh, Anna Kha Lệ Ninh, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoï, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, cuốn Những người bị ám ảnh của Dostoïevsky, cuốn Đỉnh gió hú của nữ văn hào Anh Emily Brontë, những tiểu thuyết của nữ văn hào Anh G. Eliot v.v... và độ hơn trăm cuốn sách khác, mỗi cuốn một vẻ, nhưng đều là những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận.

Đó là lý tưởng muốn noi theo của phần đông những người viết tiểu thuyết. Hoặc có người muốn viết tiểu thuyết loại trinh thám, phiêu lưu v.v... nhưng nghệ thuật của những cuốn đó cũng không khác nghệ thuật của những cuốn kể trên. Bây giờ tôi chỉ nói đến Tiểu thuyết hay (không phân biệt loại gì).

Tôi tự đặt mình vào một địa vị những người muốn viết tiểu thuyết và lần đầu lấy giấy bút ra suy nghĩ.

Người ta định viết để làm gì và viết những gì?
  • Có người viết để ghi lên giấy một chuyện riêng (thí dụ: câu chuyện tình, một sự nhớ nhung, một cảnh vui vẻ hoặc sầu thảm trong gia đình v.v...)

  • Có người viết để ghi một câu chuyện nghe thấy hoặc một cảnh nhìn thấy đã làm họ cảm động.

  • Có người viết để đả đảo một sự bất công, để tán dương một cái gì tốt đẹp, để nêu lên một lý thuyết và đặt ra một câu chuyện để thực hiện ý đó (loại tiểu thuyết này gọi là luận đề tiểu thuyết).

  • Có người viết chỉ để cám dỗ người đọc, viết những tiểu thuyết có cốt truyện ngoắt ngoéo, những trường hợp éo le ly kỳ, nhiều chỗ bất ngờ, hồi hộp.

  • Có người viết chỉ thấy mình cần phải viết.
Viết để làm gì, viết về thứ gì, cái đó không quan trọng. Cái quan trọng nhất là viết có hay không, tức là nghệ thuật có cao không (còn thế nào là hay, là nghệ thuật cao, sẽ bàn sau).

Điều rất giản dị này, giản dị gần như là một sự cố nhiên, điều mà tôi đã biết từ khi viết những cuốn sách đầu tiên năm mười sáu, mười bẩy tuổi (cuốn Thôn dã, Hai chị em không hề xuất bản lần nào), điều mà bất cứ văn sĩ hay độc giả nào cũng biết, thế mà sau hơn hai mươi năm viết văn, tôi mới nhận ra và chính tôi đã nhiều lần phạm lỗi không cho sự viết hay là cái chính. Sự lầm lỗi này đa số tiểu thuyết gia có, nhưng trước hết tôi đem tôi ra làm thí dụ:

1. Sự lầm lẫn thứ nhất của tôi là lúc mới viết sách tôi chỉ để ý đến các ý thích của riêng mình.

Tôi thích những truyện về đời riêng của tôi mà tôi thấy rất là lý thú, chỉ việc đem viết lên giấy và viết xong thấy nó hay ngay. Nhưng nếu đưa một người khác xem thì người ấy không thấy hay ở chỗ nào. Tôi đã bị cái tính yêu riêng những việc mình viết nó huyễn hoặc làm hoa mắt, không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay. Tôi đã đứng vào vị trí chủ quan, nghĩ là mình đứng làm chủ mà nhận xét, chứ không đứng vào địa vị khách quan, nghĩa là mình biến thành một người khách đứng ngoài nhìn vào bằng con mắt sáng suốt hơn không bị cái yêu cái ghét riêng làm cho thiên vị.

2. Sự lầm lẫn thứ hai là cái thích những câu văn vẻ. Tôi bị ảnh hưởng tai hại của sự học ở nhà trường của văn chương Pháp và của văn chương Tàu hay ta hồi ấy (quãng 1922 - 1930); tôi thích những câu đọc lên nghe êm tai, nhịp nhàng đăng đối (nhưng trống rỗng) thành thử tôi chỉ cốt viết ra những câu như thế và cho ngay là truyện của tôi hay.

Tôi còn nhớ một lần viết truyện Hồng Nương (không xuất bản), tôi viết xong một câu rồi đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, trong lòng sung sướng mê man, thỉnh thoảng lại ngừng lại đọc to câu đó lên:

"Hồng Nương! Hồng Nương! Sao đêm nay ta đọc đến tên nàng" và tôi quên cả đi ngủ.

Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng đọc lại nhưng chỉ để tự giễu mình sao một câu như thế lại có thể cho là hay đến mê man.

Ngay đến khi viết truyện đăng báo Phong hoá 1932 - 1933 (năm đó tôi đã hăm bảy, hăm tám tuổi) mà vẫn còn bị câu "văn vẻ" nó quyến rũ.

Thí dụ như câu cuối cùng trong truyện Nắng mới trong rừng xuân: "Đôi bạn tay cầm tay, nhìn nhau yên lặng, trên đầu gió rì rào trong cành thông như tiếng than vãn của buổi chiều". Tuy câu ấy không phải hoàn toàn dở nhưng bây giờ đọc lại tôi vẫn ao ước rằng không có thì hơn, hoặc có nhưng đừng "văn vẻ", "sáo" quá như thế, giản dị hơn như những câu trong các tiểu thuyết sau này của tôi, viết chỉ cốt tả đúng cảm giác, đúng những nhận xét của mình; điều cần không phải là câu văn hay mà ở chỗ cảm giác, nhận xét của mình có gì hay không, đặc biệt không.

Trong cuốn Đôi bạn viết về sau, cũng có đoạn tả một đôi tình nhân và tiếng thông reo đúng như trong truyện Nắng mới trong rừng xuân nhưng giá trị khác hẳn nhau:

"... Dũng vòng hai tay ra phía sau làm gối ngửa mặt nhìn lên. Ánh nắng trên lá thông lóe ra thành những ngôi sao; tiếng thông reo nghe như tiếng bể xa, đều đều không ngớt; Dũng có cái cảm tưởng rằng cái tiếng ấy có từ đời kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trong lá thông.

Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen lánh của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội nhắm mặt lại làm như ngủ; song biết là Dũng đã thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau.

Loan chắc Dũng có ý gì đổi khắc hẳn trước nên mới nhìn nàng như nhìn một người tình nhân mà không tỏ ý ngượng; Loan cũng sinh liều, âu yếm nhìn lại Dũng. Giây phút thần tiên của đôi bạn vẫn yêu nhau từ lâu nhưng lần đầu dám lặng lẽ tỏ ra cho nhau biết.

Dũng toan mỉm cười với Loan vì trông vẻ mặt Loan, chàng đoán Loan cũng sắp mỉm cười đáp lại chàng. Nhưng sợ lộ quá, Dũng với một lá cỏ, mím môi nhấm ngọn lá.

Tình yêu hai người vẫn đã có từ trước nhưng sao cái phút đầu tiên tỏ ra cho nhau biết ấy lại quan trọng đến thế; không có gì cả mà sao Dũng lại như vừa thấy một sự thay đổi to tát trong đời, hình như tấm ái tình của chàng với Loan chỉ mới có thực, bắt đầu từ phút vừa qua.

Quả tim chàng đập mạnh nhưng lòng chàng thốt nhiên êm tĩnh lạ thường. Quãng trời ở giữa chàng và Loan hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mênh mông; chắc không bao giờ Dũng quên được hình dáng một đám mây trắng, ngay lúc đó, đương thong thả bay ngang qua, một sự hiển hiện sáng đẹp, linh động trôi êm nhẹ trong sự yên tĩnh của bầu trời và của lòng chàng.

Loan nói:

- Anh yên lặng mà nghe tiếng thông reo... Anh có nghe thấy không?

Dũng đáp:

- Từ nãy tôi vẫn nghe và nghe rõ lắm".

Một hôm tôi nghĩ ra một cách đem hết cả những câu văn vẻ của tôi và những câu văn vẻ khác dịch ra chữ Pháp, tôi thấy chúng chỉ là những câu rất tầm thường; tôi lại lấy những chỗ nhận xét tinh vi, viết giản dị đem dịch ra thì cái hay của nó vẫn còn. Việc thử cỏn con này đã cho tôi một kết quả khá lớn lao vì nhờ nó mà tôi đã có một quan niệm về nghệ thuật tiểu thuyết.

Tôi sẽ bày tỏ thêm ở một chỗ khác.

3. Sự lẫm lẫn thứ ba của tôi là tôi đã viết những truyện quyến rũ người đọc; thực ra ở đây là một sự lầm cố ý vì lúc đó tôi lại là Giám đốc tờ Phong hoá, cần phải viết những truyện ngoắt ngoéo, ly kỳ cảm động vừa tầm hiểu của độc giả, rồi sau khi đã được lòng tin sẽ đưa dần họ đến chỗ hiểu những sách có nghệ thuật cao hơn. (Đoạn tuyệt đã lợi ích cho sự chú ý và hiểu biết Đôi bạn, Bướm trắng). Đây là thời kỳ tôi viết những truyện ngắn: Giết chồng báo thù chồng, Tháng ngày qua, Nước chảy đôi dòng, v.v... và Khái Hưng viết những truyện ngắn tâm lý nông nổi nhưng cảm động dễ hiểu và rất ly kỳ về cốt truyện. Tôi vẫn biết một cuốn được nhiều người hoan nghênh không phải tất nhiên là một cuốn sách nghệ thuật cao, trái lại thế, chín phần mười những sách hay của nhân loại thường chỉ có một số người thưởng thức lúc đầu - Có lắm cuốn được người đương thời hâm mộ nhưng chỉ năm mười năm sau không còn ai biết đến nó nữa. Sách của Emily Brontë xuất bản đã hơn trăm năm trước, đến giờ vẫn còn người đọc và thấy hay, mặc dầu lúc mới xuất bản rất ít người thưởng thức.

Nhưng lúc đó, trong người tôi, nhà làm báo át cả nhà viết văn.

4. Điều thứ tư là tôi đã để cái ý định dùng tiểu thuyết làm một việc gì (viết luận đề tiểu thuyết) lên trên cái ý định viết một cuốn tiểu thuyết hay (xin nhớ rõ là tôi không nói tới sự lầm về viết luận đề tiểu thuyết). Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương, tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa, viết tiểu thuyết để phụng sự, để chứng tỏ một cái gì đó, vấn đề này đã làm cho rất nhiều người bàn cãi, tôi sẽ nói rõ hơn ở một chỗ khác.

Đây là cái lầm lớn nhất trong đời văn sĩ của tôi; luận đề tiểu thuyết của tôi có cuốn Đoạn tuyệt, Hai vẻ đẹp, Lạnh lùng (và ít nhiều truyện ngắn). Sự hoan nghênh những truyện đó, nhất là Đoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình đã làm cho tôi sau này khó chịu một cách thành thực.

Tôi khó chịu không phải vì đã viết tiểu thuyết luận đề mà chính vì cái sai lầm thứ tư này nó đã làm cho tôi viết hai cuốn Đoạn tuyệt Hai vẻ đẹp (kể cả Lạnh lùng nữa) kém hay. Nếu tôi có cái ý định chính viết hay đã thì hai truyện ấy cũng vẫn là hai truyện luận đề, cốt truyện có lẽ cũng vẫn thế, nhưng tôi sẽ tìm kiếm nhiều chi tiết hay [1] hơn, cố viết cho đúng tâm lý hơn, cho những nhân vật linh hoạt hơn. Sau hai mươi năm, giở Đoạn tuyệt đọc lại tôi thấy chỉ có một vài đoạn tả mẹ chồng, nàng dâu có đôi chút giá trị, còn những cái về xung đột mới cũ (ý định chính của tôi) như việc Loan dọn nhà đi không đem bát hương, Loan đẻ con trai, lời cãi của trạng sư v.v... thì đến nay chẳng còn gì là hay nữa.

Về cuốn Lạnh lùng (tuy nghệ thuật cao hơn Đoạn tuyệt) nhưng còn bao chi tiết về tâm hồn một người goá trẻ, khao khát yêu đương v.v... tôi đã bỏ qua, không chịu tìm kiếm thêm. Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho cái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại cho luận đề của mình.

5. Sự lầm lẫn thứ năm là viết văn một cách cầu kỳ (nhưng cũng may tôi không phạm sự lầm lỗi này và cả những lầm lỗi sau đây nữa).

6. Sự lầm lỗi thứ sáu là cho tiểu thuyết gia là một người nghĩ cách giải quyết một vấn đề.

7. Sự lầm lỗi thứ bảy là viết tiểu thuyết để "làm luân lý".

Tóm lại mấy sự sai lầm chính:

1. Để cái thích riêng của mình nó huyễn hoặc, làm hoa mắt không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay thực.

2. Để câu văn trống rỗng nhưng du dương, hoặc cầu kỳ nó quyến rũ mình (sau sẽ nói thêm về văn chương trong tiểu thuyết).

3. Để cái ý định viết hay xuống dưới cái ý định để làm gì, viết về thứ gì, (viết về nghị luận, triết lý v.v... thì cố nhiên là mình viết để làm một cái gì rồi nhưng tiểu thuyết nó có mục đích của nó, sau này nói rõ thêm).

4. Để nêu một cách giải quyết một vấn đề gì. Sự lầm lẫn tiểu thuyết với cuốn sách giảng giải một tính đố thật là vô lý, nhưng lại có những nhà phê bình vẫn lầm lẫn, và lại có báo đem đăng lên thực là vô lý nữa (đây là đem xếp đặt cốt truyện để giải quyết chứ không phải kể đời thật rồi tự nó, nó bày tỏ một cái gì). Tôi nhớ có đọc được một nhà văn (mà tôi quên mất tên) phê bình trên báo Cải tạo (xuất bản ở Hà Nội) cho ngay một cuốn tiểu thuyết là hay, là có giá trị vì câu chuyện đã giải quyết được một vấn đề một cách đẹp đẽ. Truyện một người vướng vít với vợ con rồi giải quyết nỗi khổ trong gia đình bằng cách đăng lính phục vụ quốc gia. Truyện ấy viết rất dở nhưng nhà phê bình kia cho nó là hay, là xây dựng, là lành mạnh! Đấy chỉ có thể là một bài tuyên truyền người ta vào quân đội (dùng thể thức tiểu thuyết cũng như các bài dạy người ta cách tránh nạn xe hơi dùng thể thức thơ lục bát) không để gọi là một tiểu thuyết hay được.


Tiểu thuyết có ích lợi gì?

Đây là một vấn đề lớn lao trong đó bao gồm cả vấn đề nghệ thuật vì nghệ thuật, nghệ thuật vì nhân sinh, đã làm tốn bao nhiêu giấy mực ở các nước và ở Việt Nam.

Đã có rất nhiều người bàn đến, nhưng số người hiểu được những lời bàn đó thật ít ỏi [2] . Bấy giờ đem vấn đề ra nói bằng một lối như nói chuyện thường để mong một số nhiều người hơn có thể hiểu được.

Trước kia vấn đề này đã làm tôi băn khoăn tự hỏi trong gần hai mươi năm. Phần đông các bạn viết và đọc tiểu thuyết cũng nhiều khi băn khoăn tự hỏi như vậy.

Vậy tiểu thuyết có ích lợi gì?

Ông Đ.T.M. (trong Văn học khảo luận trang 31) có viết: "Một áng danh văn bao giờ cũng hỗn hợp được hai phần tử: bổ ích và làm vui" [3] (vẫn biết ông viết về văn học chứ không riêng về tiểu thuyết, nhưng không vì thế mà những lời tôi viết sau đây sai nghĩa).

Trước hết phải định nghĩa sự ích lợi. - Ta thường nói "cơm có ích" vì cơm làm cho ta sống, "quần áo có ích" vì có nó thì ta ấm thân, "nhà ở có ích" vì có nó thì ta tránh được mưa nắng.

Nếu sống ở đời, người ta chỉ biết có ăn uống, tìm ấm mái, tránh mưa nắng thì đời người cũng như đời một con vật thôi. Nhưng người hơn con vật vì biết tìm cách làm đời sống đẹp đẽ, văn minh, có giá trị hơn. Ăn không đủ, người ta làm ra những cái bát ngày một tinh xảo, có vẽ người, vẽ cảnh để làm cho đẹp mắt; ở cái nhà không đủ, người ta muốn chạm trổ, muốn cắm hoa, bày tranh, bày tượng; mặc áo người ta muốn áo dệt đẹp hơn, thêu hoa thêu bướm; người ta lại muốn nghe đàn hát, nghe kể chuyện cổ tích, ngâm thơ. Tất cả những cái ấy: tranh, tượng, bức trạm, âm nhạc, tiểu thuyết, thơ v.v... tất cả những sự thực hiện cái ý muốn làm cho đời người khác đời con vật, đã làm cho nhân loại sống có giá trị hơn, văn minh hơn.

Khi nào người ta nói đến văn minh Trung Hoa, người ta nghĩ ngay đến những bức tranh cổ, các bình hoa bằng sứ, những cuốn truyện Đông Chu liệt quốc, Tam quốc, Tây sương ký, Liêu Trai, thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, lý thuyết của Khổng Tử, Lão Tử, v.v...

Khi nào người ta nói đến văn minh Hy Lạp cổ, người ta nghĩ ngay đến tượng Nữ thần ở Milo, tượng Cuộc thắng trận Samothrace, người ta nghĩ đến lâu đài Acropole và những vở kịch, những truyện của Homère, triết lý của Aristote, v.v...

Người ta đặt ra luân lý khuyên nên làm điều này, đừng làm điều khác, người ta nêu lên tôn giáo để an ủi những sự đau khổ về đời sống tinh thần, suy nghiệm về triết lý để làm thoả mãn trí muốn hiểu biết, người ta nêu lên những chủ nghĩa chính trị để mong người ta sống sung sướng hơn.

Những thứ này, như những thứ trên kia, chung qui cũng chỉ để làm cho đời người văn minh hơn, đáng sống hơn.

Bây giờ ta nói đến những thứ mà ta thường gọi là văn minh vật chất, thí dụ như đèn điện, máy vô tuyến điện, xe hơi tàu thuỷ, xe lửa, máy tính, người máy và các khí cụ dùng nguyên tử lực.

Tất cả những thứ này, những thứ mà chắc ai cũng cho là có ích, chung quy để làm gì, nếu không để cho đời người dễ chịu hơn, sung sướng hơn, có giá trị hơn (vì những cái này nếu không làm cho người ta dễ chịu, sung sướng thì không ai nghĩ chế ra chúng nó làm gì) [4] .

Như vậy thì tiểu thuyết cũng như luân lý, tôn giáo, chính trị, cũng như những phát minh của khoa học (đèn điện, tàu bay) đều có ích lợi cho nhân loại ở chỗ: Đưa người vượt trên mực sống của con vật đến một cuộc đời có giá trị hơn, văn minh hơn (cả về tinh thần lẫn vật chất).

Cố nhiên những ích lợi kể trên không phải giống nhau. Cái thú ngồi ô-tô nệm êm, nỗi vui sướng thấy một người thân nhờ liều thuốc chữa khỏi bệnh, sự an ủi linh hồn về sự tin tưởng vào Đức Phật hay Chúa Giêsu, sự vui vẻ của một người công dân sống dưới một chế độ chính trị hợp ý muốn, cái thú ngắm tranh, đọc tiểu thuyết, những thứ đó thật là phức tạp, khó lòng đem so sánh với nhau được.

Sự lợi ích của các thứ trên cũng tuỳ từng trường hợp mà hơn kém nhau: lúc đói thì người ta cần bát cơm hơn một bài thơ hay, lúc no và nhàn rỗi thì cái thú đọc một cuốn tiểu thuyết hoặc nghe máy vô tuyến điện lại thắng; lúc gặp kẻ cướp thì người cảnh sát lại cần hơn bát cơm, lúc ốm thì ông y sĩ là cả một bài thơ hay. Nếu lấy nguyên tắc "cái gì làm cho đời người sung sướng hơn, văn minh hơn, là cái ấy có ích lợi", thì sự suy xét của mình về mọi công việc ở đời sẽ xác đáng hơn.


*


Tóm lại tiểu thuyết là một thứ ích lợi vì nó làm cho đời người có giá trị, sung sướng, văn minh hơn. Ích lợi ích của tiểu thuyết ở chỗ đó.

Thạch Lam trong cuốn Theo dòng, đã viết: "Tiểu thuyết có ích lợi rất lớn, và theo ý tôi, quan trọng nhất; tiểu thuyết dạy ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung sướng. Sống! Nhiều người không đọc tiểu thuyết bao giờ mà vẫn sống như thường và chẳng đợi bài học của tiểu thuyết họ mới sung sướng. Đã đành thế nhưng biết sung sướng cũng không phải là không khó khăn. Có những người sống như cây cỏ, một đời sống tẻ ngắt và khô khan phẳng lặng như mặt nước ao tù. Nếu chỉ ăn với ngủ, với chơi thì cái đời sống đó chẳng có gì đáng quý: cái đời sống cần là cái đời sống bên trong, cái đời sống của tâm hồn"... "Ấy chính là tiểu thuyết sẽ đem lại sự phong phú dồi dào đến cho tâm hồn chúng ta. Ta sẽ được biết nhiều trạng thái và thay đổi của các tâm hồn mà nhà văn diễn tả, nhận xét được những màu sắc mong manh của tâm lý, chúng ta sẽ tập cảm xúc sâu xa và mãnh liệt, biết rung động hơn... và khi biết phân tách và suy xét kỹ càng tâm hồn của những nhân vật tưởng tượng kia, chúng ta sẽ sống đầy đủ hơn" ... "Và tôi tưởng quyển tiểu thuyết hay nhất - hay công dụng nhất - là cuốn tiểu thuyết sẽ làm cho chúng ta yêu, ham muốn yêu, không phải yêu một người nhưng yêu mọi người, không phải yêu một vật, nhưng yêu mọi vật. Hiểu biết tình yêu, thưởng thức những thú vị phức tạp và nhiều màu sắc của tình yêu còn gì sung sướng hơn nữa... Chính nhà tiểu thuyết gia có biệt tài là nhà văn đã diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của người, nhà văn chính mình có một tâm hồn rất phức tạp và giàu có".

Theo Đ.T.M. thì "bổ ích và làm vui" (làm vui đây chắc ông M. định ý nói tiêu khiển), theo Thạch Lam thì tiểu thuyết giúp người ta biết sống hơn, sống đầy đủ hơn, phong phú dồi dào hơn.

Theo ý tôi (tuy cái thú đọc để biết sống phong phú khác cái thú đọc chỉ cốt để giải trí hay để quên) tất cả những thứ đó cũng chỉ là một thôi. Đọc để giải trí, mua vui, mua buồn, thoát ly đời thực tế hay để biết sống phong phú, đằng nào cũng vậy; cái chính là độc giả đã có cái thú thanh tao đọc tiểu thuyết, có cái thú đó là đủ rồi.

Đây là tôi đã trả lời những người khó tính vẫn thường nói: "Ồ, tiểu thuyết, thơ văn ích lợi gì cho đời người". Truyền rằng trước kia đã có người đem vòng hoa choàng lên đầu thi sĩ (tỏ ý kính trọng) rồi đuổi họ ra khỏi thành, cho hạng thi sĩ là không cần. Nếu họ đuổi cả thi sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thì cái văn minh của họ còn có cái gì, còn lại vài ông tướng với mấy nghìn quân, vài trăm nhà buôn bán, dăm nghìn công nhân, vì những người đó là cần. Họ đã đuổi văn minh ra ngoài thành.

Ta không nên lẫn cái "cần" với cái "văn minh" của loài người.

Cái cần về ăn uống chỉ là cái cần của một con vật, cái cần có binh lính để đánh nhau, cái cần có lệ luật, có binh đội cũng chỉ là cái cần mà sự xấu xa của con người gây nên. Những cái đó chỉ cần để bảo vệ văn minh mà thôi - vẫn biết cái cần là gấp, có thực mới vực được đạo, nhưng chớ để cái giá trị sự ăn lên trên đạo, - cũng như ta đi đánh nhau để bảo vệ văn minh tự do nhưng chớ để cái giá trị của chiến tranh lên trên giá trị của nền văn minh và tự do.

Chắc bây giờ không ai không để giá trị của cụ Nguyễn Du, tác giả cuốn tiểu thuyết bằng thơ Kim Vân Kiều, lên trên giá trị một ông Thượng thư hay một ông Đại tướng hồi đó.

Các ông Thượng, ông tướng đã làm cho những việc cần hồi đó nhưng đến bây giờ các ông còn giúp ích cho ai? Còn cụ Nguyễn Du trong một trăm năm nay đã giúp nền văn minh của Việt Nam rực rỡ hơn, đã làm cho trăm triệu người Việt đời nọ nối đời kia sung sướng hơn.

Nói rộng ra toàn thế giới thì nhà viết kịch người Anh, ông William Shakespeare, nhà viết tiểu thuyết Nga, ông Tolstoï, đã giúp ích cho nhân loại, người thì trong mấy trăm năm, người gần trăm năm và có lẽ muôn đời về sau. Còn những ông Thủ tướng, Thượng thư nước Nga, nước Anh thời đó, thì đến bây giờ còn có ích gì cho hai nước đó và cho nhân loại.

Ta chỉ tưởng tượng nếu nhân loại không có văn hoá [5] thì sẽ sống một đời nghèo nàn đến đâu, cho dẫu là nhân loại đã tìm đủ được các thứ thuốc để chữa khỏi mọi bệnh, đã tìm ra được một chế độ người nào cũng chỉ làm mỗi ngày một giờ là đủ sống, có đủ các thứ tiện lợi vật chất: có ô tô, tàu bay, tủ lạnh, quạt máy, buồng tắm nước lạnh, nước nóng v.v... có đủ hết, nhưng một đời như thế đã đủ gọi là đáng sống chưa? Cái thiên đình mà mọi chủ nghĩa chính trị đều muốn đưa nhân loại tới chưa hẳn là thiên đình và cũng vì thế nên chủ nghĩa chính trị nào cũng để ý đến văn hoá thì tiểu thuyết giữ một phần. Văn hoá là cái mục đích cuối cùng của mọi chủ nghĩa; nó vẫn không cần bằng việc đòi cơm áo, hoà bình, nhưng nó là cái lẽ sống của một nhân loại đáng gọi là nhân loại.

Để kết thúc đoạn nói về ích lợi của tiểu thuyết đối với con người, tôi đem ra một thí dụ:

Ai cũng nói một cuốn sách giáo khoa có ích (sách giáo khoa rất ít người đọc để tiêu khiển). Bây giờ hỏi một học sinh tại sao sách giáo khoa lại có ích thì học sinh sẽ trả lời ngay: có ích vì có sách đó tôi mới thi đõ, và có thi đỗ thì mới kiếm được việc làm [6] , nhưng thực ra mục đích chính của giáo dục là làm cho người ta hiểu biết mọi việc hơn, để giúp đỡ một cách có hiệu nghiệm hơn cái xã hội mình sống, gây dựng một nền văn minh một ngày một tốt đẹp hơn. Họ nói sách giáo khoa có ích vì nhờ nó mà thi đỗ là họ nói một cách đơn giản cái mà họ nghĩ đến đầu tiên.

Còn đa số những người nói về tiểu thuyết cũng cho ngay là đọc tiểu thuyết để tiêu khiển, giải trí. Đây là họ cũng nói một cách đơn giản cái mà họ nghĩ đến đầu tiên. Thực ra giải trí hay thi đỗ chỉ là những cái nó lộ ra trước nhất. Có lắm người đọc tiểu thuyết không để giải trí, họ đọc vì là cái cần của tâm hồn họ, họ đọc chỉ cốt để được cái thú đọc tiểu thuyết, một cái thú thanh cao của người văn minh. Trong số người (phần đông) đọc tiểu thuyết chỉ cốt để giải trí, họ cũng có như hạng trên cái sung sướng đó, đời sống họ nhờ sự giải trí này đã thành một đời sống có giá trị hơn, đáng sống hơn. Chỉ khác là họ không nhận thấy cái ý nghĩa sâu xa cũng như cậu học sinh chỉ biết học để thi đỗ.

Còn những thứ tiêu khiển khác thì có hai loại, một là chỉ để tiêu khiển thôi, như đánh cờ, đánh tam cúc không tiền, chơi tem, hai là để tiêu khiển nhưng có mang hại như đánh bạc, hút thuốc phiện. Loại thứ nhứt tuy không ích lợi theo định nghĩa sự lợi ích trên kia nhưng nó cũng có ích ở chỗ là đã giải trí được người ta.



[1]Trong sách này sẽ rất nhiều lần nói về hai chữ "chi tiết", vậy phải giảng giải rõ. Chi tiết đây nghĩa là những cái lặt vặt. Có hai thứ chi tiết: chi tiết về người và chi tiết về việc. Chi tiết về người tức là những nét tả về tính nết, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ... của một nhân vật trong truyện làm cho nhân vật đó linh động; chi tiết về việc là những nét tả về việc xảy ra cho câu chuyện linh động. (Sau này còn nói nhiều về chi tiết vì đó là một sự rất cần cho câu chuyện thành hay).
[2]Muốn chứng thực lời nói này, xin trích ra đây vài câu bàn về vấn đề này của ông Đ.T.M, trong cuốn Văn Học Khảo Luận: "Một vài nhà văn chủ trương rằng: Nghệ thuật là cao thượng tuyệt đối; nghệ sĩ, văn sĩ phải đứng trên, hay thoát hẳn ra ngoài thực tế. Một vài nhà văn khác phản đối lại và nói: Văn nghệ không thể có một mục đích tự tại; mục đích văn nghệ là sinh hoạt xã hội" và "căn cứ vào nghệ thụật các xã hội nguyên thuỷ để phân tích tương quan giữa cơ sở kinh tế và hình thái ý thức của xã hội. Phải nói thêm rằng quan điểm ấy không phải đơn phương" và câu "Kể có bao nhiêu hình thức của loài người đã kiến thiết trên nền tảng sinh hoạt, có một vật gì là "làm để mà làm?" và câu "Nước ta là một nước lạc hậu về phần văn hoá, nhưng sự diễn biến vẫn tuần tự theo công lệ "giai tầng".
Trích ra mấy câu này tôi chỉ cốt bày tỏ rằng chỉ một số rất ít người hiểu được (may ra cũng có tôi trong số đó) còn ý tưởng của ông Mai thì cũng giống tôi, tuy chỉ giống về đại cương.
[3]Không cứ, có khi áng văn hay lại làm cho ta buồn hoặc cảm động, không buồn cũng không vui, hoặc nửa buồn nửa vui.
[4]Có khi người ta chế ra những quả bom đủ các loại không làm ai sung sướng cả (trái lại thế) nhưng đó là vì cái xấu xa của người đời.
[5]Nói sơ lược thì văn hoá gồm ở trong mỹ nghệ (tranh, tượng, âm nhạc), văn học (tiểu thuyết, thơ, triết lý, lý thuyết...), tôn giáo, luân lý, phong tục...
[6]Có nhiều người đi học mục đích không phải để kiếm việc làm.

Nguồn: Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, NXB Đời Nay, Sài Gòn 1972. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của gia đình tác giả.