trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
16.8.2007
 
Ý kiến của các văn nghệ sĩ phản đối nhóm phá hoại “Nhân văn–Giai phẩm”
 1   2   3 
 
Tạ Phước (nhạc sĩ)
Đảng đã cho tôi thấy đâu là ánh sáng đâu là bóng tối đâu là bạn đâu là thù

Ở lớp học này, một lần nữa tôi thấy Đảng đã mở mắt cho tôi nhìn rõ trong bước ngoặt mới của cách mạng: đâu là ánh sáng đâu là bóng tối, đâu là bạn đâu là thù…

Đảng đã tiếp sức cho tôi một nguồn sinh lực mới để mà phấn đấu. Tôi đã thấy trong cuộc đấu tranh giai cấp gay go hiện này, tôi phải dứt khoát đứng hẳn vào hàng ngũ giai cấp vô sản để mà nhìn nhận các vấn đề để mà hoạt động. Tôi đã giải quyết cho tôi được nhiều sự thắc mắc, sự hoang mang trong thời gian mấy năm qua. Những thắc mắc và đời sống gia đình, trong công tác, những hoang mang về thời cuộc trong nước và quốc tế.

Nhưng đến nay tôi đã vững vàng hơn: tinh thần quốc tế vô sản nhất là đối với Liên xô và Trung quốc được thêm củng cố và thắm thiết. Tôi thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng mới, và càng thấy rõ trách nhiệm của mình phải tham gia phục vụ cách mạng tích cực hơn nữa.

Điểm nữa tôi muốn nói là lòng thương yêu và sự rộng lượng vô bờ bến của Đảng, đối với chúng ta và nhất là đối với các anh em Nhân văn-Giai phẩm. Nếu các anh em Nhân văn-Giai phẩm biết nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy rõ lòng thương yêu và sự rộng lượng đó. Sở dĩ các anh em có phạm sai lầm tai hại như trong giai đoạn qua một phần là vì các anh em đã ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ phục vụ mình.

Không đặt mình ở địa vị chủ mà đặt vấn đề, lại cho mình là khách, luôn luôn đòi hỏi được đãi ngộ. Vì sự đãi ngộ không bao giờ được vừa ý, vì cho sự cống hiến của mình rất là nhiều. Nhưng các anh em đó đã không khiêm tốn mà nhận rằng một số ít cống hiến của mình là do nhờ Đảng, nhờ nhân dân mà có, chính Đảng và nhân dân đã bồi dưỡng cho các anh, mà các anh không biết mà lại còn phụ ơn và phản bội.

Nhưng hy vọng rằng, các anh đó sẽ nhận rõ sự thương yêu và rộng lượng của Đảng, và rồi đây lại chịu sự giáo dục của Đảng, Chính phủ mới có tiền đồ được.

Ở lớp học này, tôi đã thu được nhiều kết quả, nhưng để duy trì và phát triển những kết quả đó, tôi thấy luôn luôn phải cảnh giác và đấu tranh với bản thân. Và tôi cũng biết rằng trong lớp không khí học tập đấu tranh, luôn luôn giúp đỡ tôi, nhưng bước ra khỏi lớp, sự sinh hoạt ở ngoài, nhất là ở thành phố, luôn luôn những ảnh hưởng phi vô sản tấn công; sự cảnh giác cho tôi càng cần phải đề cao hơn nữa, để phát triển số kết quả tốt của lớp học, ra về tôi thấy có nhiệm vụ:

  1. Phải cương quyết đấu tranh chống tư tưởng và hành động phản động ở chung quanh tôi.

  2. Phải luôn luôn học tập chính trị, cải tạo tư tưởng.

  3. Phải thấy rõ trách nhiệm của công tác, phục vụ cách mạng trong giai đoạn mới.



*


Trọng Loan, Văn An, Tô Hải, Cao Sơn, Xuân Thịnh, Trần Dư (Đoàn văn công quân đội)

Phải đập cho tan nát những nọc độc Nhân văn-Giai phẩm ảnh hưởng vào văn công quân đội

Nọc độc của nhóm Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt v.v… qua các báo Nhân văn-Giai phẩm năm 1956 cũng đã ảnh hưởng rất xấu tới một số đơn vị văn công quân đội chúng tôi, cũng đã reo rắc những tai hại đáng kể tới một số anh chị em diễn viên hoặc mới nhập ngũ, hoặc vì trình độ chính trị thấp kém, nông cạn, vì tư tưởng lệch lạc: bất mãn, hưởng lạc, vô kỷ luật, chịu ảnh hưởng xấu của tư tưởng tư sản một cách ngấm ngầm từ khi Hoà bình lập lại, nhất là ở các vùng thành thị. Những luận điệu phản động của Nhân văn-Giai phẩm như đòi “tự do dân chủ”, “Chống công thức” v.v… đã kích thích số diễn viên non nớt đó về lập trường giai cấp, có những lần đã chống đối lại tổ chức, chống đối lại lãnh đạo trong đơn vị ngay những tháng đầu tiên khi các loại báo phản động đó ra đời. Không nhận rõ thực chất “Tự do của Nhân văn - Giai phẩm” là tự do vô tổ chức, vô chính phủ, có những diễn viên đã coi thường điều lệnh nội vụ của quân đội, đi về không báo cáo, ra, vào trạm gác bất chấp cả kỷ luật cảnh giới, gây nên một nếp sống mất trật tự trong doanh trại, đả kích cán bộ khi chấp hành nội quy đối với mình. Đối với sự giáo dục một tư tưởng lành mạnh trong việc quan hệ nam nữ trong đoàn, số anh chị em đó cũng cho là “ngột ngạt, khó thở”, “thiếu dân chủ”; họ cứ quan hệ bừa bãi với nhau, toàn mượn những lời thơ văn của nhóm Nhân văn-Giai phẩm để mớm cho nhau những tư tưởng bỉ ổi, gây nên những hiện tượng gái đa dâm, trai đa tìm, phá hoại tình cảm lành mạnh của những diễn viên hãy còn rất ít tuổi. Vì trách nhiệm xây dựng cuộc đời cho diễn viên về tài năng cũng như về đời sống, vì trách nhiệm đối với xã hội, nhất là đối với các bậc cha mẹ, họ hàng có con em ở trong đoàn, chúng tôi kiên quyết ngăn cản những vấn đề “tự do yêu đương, tự do luyến ái xằng bậy” thì số diễn viên đó lại mượn lời Lê Đạt cho là “đem bục công an đặt giữa trái tim của họ”. Họ cũng đòi hỏi “học kỹ thuật trên hết” theo luận điệu phi chính trị của Đặng Đình Hưng, Văn Cao là những phần tử Nhân văn trong giới nhạc, lợi dụng danh nghĩa đảng viên để cấu kết chống Đảng, không thích học tập chính trị, lười sinh hoạt nội quy, chê lao động, ngại công tác; thậm chí có anh em còn mơ tưởng một cách mù quáng rằng có thể sau này sẽ lại mở lại những “tiệm trà”, “tiệm khiêu vũ” đòi xin giải ngũ ra ngoài quân đội để đem “tài nghệ” của mình lăn vào đó kiếm chác, làm ăn hoặc giậy đàn hát tư để “sống cho nó ra con người tự do thoải mái” v.v… Những anh chị em đó đã ngoặc chặt tư tưởng của mình vào tư tưởng phản cách mạng của bọn Nhân văn-Giai phẩm.

Nhưng quân đội ta là quân đội của nhân dân, của Đảng Lao động Việt nam, đã được rèn luyện sắc bén trong bao năm chiến đấu anh dũng, đã được Đảng ta giáo dục cho một đạo đức Cách mạng vững chắc, cho nên, những anh chị em nói trên chỉ là một số người hãy còn rơi rớt lại những cái xấu xa mà thôi. Nhóm Nhân văn-Giai phẩm kia đã không thể nào đánh lừa được tất cả. Cán bộ và toàn đơn vị đã cảnh giác kịp thời, nỗ lực đề cao trách nhiệm hơn trong việc xây dựng tổ chức, cho nên những hiện tượng xấu kể trên cũng không thể tồn tại được lâu dài và đã bị dập tắt.

Nhưng gần đây, những luận điệu bỉ ổi, độc ác của nhóm Nhân văn-Giai phẩm lại thấy ngốc đầu dậy, lại thấy xuất hiện lại trên tuần báo Văn, lại vẫn: tranh đả kích của Trần Duy, “Ông Năm chuột” của Phan Khôi, “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán, “Bài thơ trên ghế đá” của Lê Đạt, v.v… Chúng tôi nhận thấy những nọc độc đó lại rất sẽ có thể gây lại những ảnh hưởng tai hại vào trong các đơn vị chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết cùng các anh chị em văn nghệ sĩ đấu tranh mạnh mẽ và triệt để, lên án một cách nghiêm khắc tất cả cái bọn đã đội lốt văn nghệ sĩ, đã lạm dụng chữ nghĩa, văn chương (là bọn Nhân văn-Giai phẩm) để reo rắc những nọc độc phản cách mạng vào tư tưởng trong trắng của thanh thiếu niên nghệ thuật đang vươn lên một sức sống xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta và nhất định giữ vững đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo.


*


Phạm Văn Chừng, Dzoãn Mẫn, Phạm Ngữ, Hoàng Dương, Vũ Tuấn Đức, Vũ Thuận, Đào Trọng Từ (Trường âm nhạc Việt Nam)

Chúng tôi lên án những âm mưu đen tối của nhóm Nhân văn

Bộ mặt thật chống đối về chính trị và phản động về văn nghệ của nhóm Nhân văn-Giai phẩm thật là rõ ràng. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, lợi dụng và xuyên tạc phương châm “trăm hoa đua nở” “tự do sáng tác”, họ đã có những âm mưu nhằm phủ nhận giá trị các tác phẩm Cách mạng và Kháng chiến, gieo rắc nọc độc chống đối, hoài nghi trong anh em giới nhạc. Dùng thủ đoạn bè phái, ly gián “vừa đánh vừa kéo” như chính lời họ đã thú nhận để lũng đoạn hội Nhạc sĩ, chúng đã dựng đứng lên những “nhóm” này, “phái” kia một cách giả tạo, thực chất là đi đến chỗ phục hồi những khuynh hướng sáng tác lai căng, uỷ mị, xa lìa thực tế. Tung ra khẩu hiệu “chiến tranh kỹ thuật” trong khi chính bản thân họ lại là những người ít nắm được kỹ thuật hơn ai hết - những phần tử như Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Tử Phác, Nguyễn Văn Tý… đã một mặt tác động tinh thần những người có trách nhiệm lãnh đạo, gây cho những người này tâm lý “đóng cửa trau dồi bản lĩnh” lỏng tay cho bọn thừa cơ len lỏi vào những cương vị có tính chất chi phối đường lối phát triển âm nhạc (trong Ban chấp hành Hội Nhạc và Tập san âm nhạc); một mặt gây hoang mang trong anh em trẻ, khích động họ để biến những yêu xách bồi dưỡng chuyên môn đi đến chỗ “kỹ thuật trên hết” “chỉ cần nhân tài”, tách rời chính trị và xa lìa quần chúng.

Là những người công tác âm nhạc trong phạm vi giáo dục, chúng tôi nghiêm khắc lên án những tư tưởng chống đối nguy hại, những hành động bất chính và âm mưu đen tối của nhóm Nhân văn-Giai phẩm kiên quyết kiểm tra để tẩy trừ những di hại của nọc độc đó, đoàn kết chặt chẽ với nhau hơn nữa để đẩy mạnh công tác giáo dục âm nhạc trên đường lối văn nghệ của Đảng.


*


Thế Lữ (Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)
Bọn phản cách mạng đã phải hiện nguyên hình

Hội nghị học tập của chúng ta đã đạt được kết quả thắng lợi quan trọng.

Sự thực đã rõ ràng, sáng, tối, trắng, đen đã được phân biệt rành mạch.

Nhóm phá hoại Nhân văn, trong một thời gian, đã làm cho hai tiếng “Nhân văn” bị nhuốm những ý nghĩa xấu xa hèn hạ nhất: - lừa bịp, nham hiểm, bội bạc, bất nghĩa, bất nhân…

Bọn phản cách mạng, cầm đầu Nhân văn đã phải hiện nguyên hình. Từ trong bóng tối lộ ra những tên “học giả” giả hiệu, đồ đệ bọn tờ - rốt – skít; những tên “nhà báo” phản quốc đã có thành tích; những con buôn đầu cơ chính trị và văn nghệ; những tên mật thám cha truyền con nối và những tên gián điệp chuyên nghề.

Thủ đoạn của chúng cũng đã bị bóc trần.

Chúng dùng tà thuyết và nguỵ biện mê hoặc nhân dân và quyến rũ những phần tử hư hỏng đi theo chúng, bán rẻ tim óc cho chúng. Hạng sau này, trước hết là những người văn nghệ đi trong cách mạng nhưng mang nặng tâm tư đời sống cũ, luyến tiếc nếp sống ích kỷ buông tuồng, suy nghĩ và làm việc theo nếp dễ dàng tuỳ thích cá nhân, chui vào hố văn nghệ đồi truỵ khói mù, và lấy đó làm vũ trụ cho tâm hồn sáng tạo. Theo gót họ là những “tài năng” non dại, ngây ngất trong những lời tâng bốc, bắt mùi cám dỗ, và lao mình vào những dục vọng thấp kém, tìm hưởng những cuộc lạc thú nguy hiểm - những thứ độc hại ấy vẫn chưa nhổ hết gốc rễ trên đất sống xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang đặt móng, xây nền.

Hạng người trên đây, hoặc bản thân đã muốn chống cách mạng, hoặc chỉ muốn cách mạng khoan chuyển bước để họ có thì giờ lượm nốt những lạc thú tàn rơi trên đường. Ẩn sau chiêu bài đấu tranh cho văn nghệ dưới hiệu cờ Nhân văn, họ trở thành những phần tử kiên quyết phá hoại cách mạng.

Tất cả nhóm người đó lồng lộn điên cuồng, hò hét trợ uy cho nhau. Và tiếng om sòm của họ vang ầm lên làm cho họ tưởng đó là thanh thế của lực lượng.

Kiêu hãnh với thứ lực lượng đó, họ tự cho mình thêm dũng cảm. Họ tự nhận lấy cái sứ mệnh thảm hại là hô nhau cản bước cách mạng đang chuyển sang xã hội chủ nghĩa với cái đà tiến lịch sử không gì cưỡng nổi.

Mưu đồ của bọn phản cách mạng đã bị phơi bầy.

Chúng ta đã vạch rõ ranh giới giữa ta và bọn chúng.

Trong hội nghị học tập này dưới ánh sáng chính nghĩa của Đảng cuộc đấu tranh đương diện về tư tưởng đã chỉ cho số anh em văn nghệ bỏ hàng ngũ nhận ra lầm lỗi nghiêm trọng; cuộc đấu tranh cải tạo tư tưởng đó đã đưa những người ấy trở về với chúng ta. Cuộc đấu tranh còn là một phen rèn luyện tư tưởng cách mạng văn nghệ sĩ chúng ta.

Chúng ta nhận thấy ở dịp này sự sáng suốt là lòng nhân đạo lớn lao của Đảng. Đảng đã giúp chúng ta đạt được cái kết quả rất phấn khởi, là hôm nay, sau một tháng mười ba ngày học tập, chúng ta nhìn thấy đông đủ mặt nhau đây, không một người nào rơi rụng.

Đảng đến với chúng ta chí tình.

Đề nghị anh chị em văn nghệ chúng ta cũng đem hết nhiệt tình đáp lại ơn Đảng: Chúng ta nguyện tiếp tục rèn luyện trong đấu tranh cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa và làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ văn nghệ dưới lá cờ vinh quang của Đảng.


*


Bửu Tiến (nhà viết kịch)
Nhóm Nhân văn-Giai phẩm, những con người bội bạc

Hôm qua tại đây, trên lá cờ bẩn thỉu, rách nát của nhóm Nhân văn-Giai phẩm, bạn Nguyễn Khải đã đề năm chữ: dốt, dát, điêu, hèn và bịp – Tôi muốn thêm chữ thứ sáu: bạc - Những người làm Nhân văn- Giai phẩm là những con người bội bạc, xấu xa.

Họ là những người như thế nào trước đây. Phan Khôi đã phản Cách mạng ba lần, trước Cách mạng – Và ngày Cách mạng mới thành công, quân Pháp – Anh khởi hấn ở Nam bộ, còn dúng tay vào âm mưu lật đổ chuyến xe chở Giải phóng quân đi Nam tiến tại Quảng nam.

Trương Tửu đã là cánh hẩu của tay mật thám Pháp Cousseau, trong khi hoạt động ở nhóm Hàn Thuyên – Và gần ngày khởi nghĩa, khi thấy phát xít Nhật khủng bố tự vệ, trước cảnh máu chảy đầu rơi của thanh niên Việt nam, đã cười khoái trá như một kẻ địch: “Làm non thì cho chết!”

Nguyễn Hữu Đang là một tay hung hăng, chống lại chủ trương của Đảng trong việc lật đổ cụ Nguyễn Văn Tố trong hoạt động Truyền bá Quốc ngữ - Và luôn luôn muốn lập giang sơn riêng đối lập với Đảng. Trở lên là những tên lưu manh chính trị, còn những người khác thì sao?

Văn Cao đang đắm chìm trong khói thuốc phiện của tiệm nhẩy - Trần Dần đang tràn ngập trong khói thuốc phiện của nhóm Dạ Đài - Hoàng Cầm đang lang thang trên vỉa hè – Đặng Đình Hưng đang là một anh giáo chết đói, chạy việc lăng nhăng - Lê Đạt còn là một sinh viên mới rời ghế nhà trường - Phùng Quán còn là một chú bé con nhà nghèo và thất học.

Đối với những con người hoặc tội lỗi, hoặc truỵ lạc, hoặc lang thang, hoặc non dại ấy, Đảng đã làm gì? Đảng đã giữ lại những cái đầu, đáng lẽ phải rơi ngày khởi nghĩa như Phan Khôi. Đảng đã kéo những cái xác ra khỏi hố truỵ lạc. Đảng đã chỉ đường cho những kẻ lang thang. Đảng đã nuôi cơm và dạy học cho những người non dại. Đảng đã đưa họ đi vào con đường tự cải tạo, của cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân. Và rất mong trong lò lửa rèn luyện đó, họ sẽ gột rửa được những nhơ nhớp trong tâm hồn họ.

Trong lúc nhân dân kháng chiến gian khổ, quân dân đã có những lúc thiếu cơm ăn, thiếu súng đạn trong lúc những quân dân hi sinh anh dũng dưới làn súng đạn của giặc, họ đã làm gì?

Phan Khôi ở tít trong rừng sâu Việt Bắc, cơm trắng có, cơm đen có, áo lụa mùa hè có, chăn bông mùa đông có, làm khó khăn cho cơ quan mỗi khi di chuyển, và than vãn: “Kháng chiến mãi thêm già!”

Trương Tửu tản cư ở một làng, vùng tự do, ăn uống phè phỡn, sống trên lưng vợ ngược xuôi buôn bán dưới làn đạn máy bay của giặc, tệ hơn nữa, trên lưng ông bố già, ngày ngày rạp mình trên bàn máy may, và trên lưng nhân dân đang thiếu thốn, Nguyễn Hữu Đang trốn công tác, chửi cách mạng ngay từ khi còn ở vùng tự do, làm quân sư cho tên Minh Đức. Số khác trong lúc làm công tác, ít nhiều đã làm trở ngại cho quân đội, cho cơ quan.

Trở về hoà bình, Đảng vẫn kiên trì giáo dục họ, đối xử với họ rất rộng rãi:

Phan Khôi “toạ hưởng” đầy đủ tiêu chuẩn vật chất. Trương Tửu trở thành một giáo sư trường Đại học - Nguyễn Hữu Đang, làm báo Văn nghệ.

Trong kháng chiến, dưới làn mưa đạn của giặc, họ “khiêm tốn” nằm im bao nhiêu, thì ngày nay, trong hoà bình, trong khoan hồng của Đảng và của nhân dân họ “yêng hùng” hò hét bấy nhiêu. Trong những phút nguy hiểm đến tính mạng, họ vui lòng “nhường” cho Đảng và công nông binh hi sinh. Nhưng bao giờ, bờ lặng sóng im rồi, họ muốn nhẩy ra toạ hưởng như những tên địa chủ cướp ruộng nông dân ngày trước. Họ cảm thấy cuộc cách mạng còn tiến lên xã hội chủ nghĩa, còn gian khổ, gay go. Họ muốn kìm hãm cuộc cách mạng ngừng lại ngang đây, cướp công của toàn dân của Đảng.

Rắp tâm đó, họ đã nuôi sẵn! Gặp dịp khó khăn của Đảng, của nhân dân, họ nhẩy ra, đấm đá túi bụi, hò hét huyên thuyên, phất cao lá cờ, kết bằng những mụn giẻ rách [1] của phong kiến suy tàn, của tư sản phản động, và họ cũng không quên cả tàn dư đế quốc, kết hợp với tàn dư tờ-rốt–skít còn lại trên miền Bắc này.

Những tên già kéo những tên trẻ, làm thành một bầy Nhân văn - Giai phẩm la sủa om sòm, cắn vào Đảng, cắn vào nhân dân. Bè lũ Mỹ Diệm trong Nam, đợi chờ sẵn, cũng chõ mõm sủa ra tiếp sức cho họ.

Họ gieo hoang mang ở miền Bắc, phủ nhận bao nhiêu mồ hôi nhân dân miền Bắc đã đổ ra hàn gắn chiến tranh, xây dựng đất nước. Họ nhắm mắt trước những thành tích quá rõ ràng đó.

Họ gây nợ xương máu ở miền Nam, nối giáo cho giặc đàn áp đồng bào ở miền Nam? phẫn uất chống lại luận điệu xuyên tạc của họ. Họ bưng tai trước những tiếng thét căm phẫn vang dội đó.

Họ là những người phản bội đê hèn nhất!

Họ đã phản lại vợ con họ trong những ngày gian khổ.

Họ đã phản lại bạn bè đã cùng chia miếng cơm, tấm áo với họ.

Họ đã phản lại Đảng đã cứu vớt họ.

Họ đã phản lại nhân dân đã khoan hồng và nuôi sống họ.

Họ đã phản lại Tổ quốc, đã rướm máu đầy mình mới giành lại được Độc lập một nửa nước.

Họ phải hiểu rằng: Nhân dân đã đem xương máu để bảo vệ Tổ quốc trong 9 năm kháng chiến. Nhân dân sẵn sàng đem xương máu bảo vệ cho thắng lợi của kháng chiến. Hò hét của họ chỉ là tiếng sủa càn của một bầy chó dại không thể cắn được. Nhân dân ta và giới văn nghệ chúng ta cứ đi lên xã hội chủ nghĩa theo lá cờ của Đảng.


*


Thanh Hương (nữ diễn viên Đội Văn công nhân dân Nam bộ)
Tôi nguyện đi theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo

Hôm nay tôi xin phát biểu một số ý kiến và tỏ bày với Hội nghị vài nét về tâm sự của tôi.

Trước hết, tôi xin tỏ lòng trung thành biết ơn Trung ương Đảng, biết ơn Hồ Chủ Tịch đã cho tôi được dự khoá học này. Khoá học này đã mở cho tôi một chân trời mới, chân trời Cách mạng xã hội chủ nghĩa chói rạng khắp tâm hồn của toàn thể nhân dân lao động trong xã hội đều được danh dự cống hiến sức lao động của mình để kiến thiết và xây dựng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

Được dự khoá học này, nhờ Đảng chỉ cho tôi cách nhìn và đứng trên lập trường Cách mạng của giai cấp vô sản, dựa theo hai văn kiện của Đảng cộng sản và các Đảng công nhân họp ở Mát–scơ–va mà soi rọi thì tôi thấy rằng: trước kia tôi đã đi vào kháng chiến với ý thức Cách mạng giải phóng dân tộc. Cái mơ ước chính của tôi là góp công sức vào công cuộc kháng chiến vĩ đại để đánh đuổi đế quốc ra khỏi nước, giành độc lập Tổ quốc, giải phóng ách áp bức bóc lột ngàn đời cho toàn dân, trong đó nghệ thuật được giải phóng. Mục đích chính của tôi lúc bấy giờ là sau khi kháng chiến thành công, sân khấu cải lương sẽ được diễn những vở nội dung lành mạnh, tôi cũng sẽ được biểu diễn phục vụ đại đa số nhân dân, sẽ thoát khỏi cảnh trước kia bọn đế quốc phong kiến dùng nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền cho chính sách áp bức bóc lột dã man của chúng người nghệ sĩ phải chịu cảnh chà đạp, rẻ rúng, tủi nhục từ vật chất lẫn tinh thần, nhất là nữ giới chúng tôi. Vì thế nên khi Hoà bình lập lại là tôi đã tự thoả mãn, đã tự coi như chỉ còn lo biểu diễn nghệ thuật mà thôi. Thời gian qua tôi đã nghiêng hẳn về công tác chuyên môn, nhẹ học tập lý luận, không áp dụng lý luận chính trị vào công tác thực tế của mình.

Hôm nay, tuy nhận thức chưa đầy đủ, nhưng tôi thấy rằng: nhờ khoá học này đã làm cho tôi thức tỉnh, đã mở mắt cho tôi bước đầu thấy được con đường đi tới Cách mạng xã hội chủ nghĩa là con đường đấu tranh giai cấp, nghĩa là giữa chúng ta và giai cấp tư sản, đấu tranh cải tạo dần từ cá nhân đi vào tập thể, từ tư hữu thành công hữu, xoá bỏ giai cấp bóc lột là một vấn đề gay go phức tạp, mà vấn đề cải tạo tư tưởng lại càng gay go phức tạp. Nhưng chỉ có con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa thì con người mới được ấm no hạnh phúc và nghệ thuật mới được phát triển lành mạnh để phục vụ nhân dân lao động được kết quả và vinh quang hơn hết.

Trong khoá họp này có dịp tôi ôn lại, từ khi tham gia kháng chiến đến 3 năm hoà bình, văn nghệ nói chung đều nhờ có đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà công tác văn nghệ phục vụ được tốt và lập được nhiều thành tích vẻ vang, đẹp đẽ. Riêng tôi, luôn luôn từng bước đi đều có Đảng chỉ bảo dắt díu.

Bọn phá hoại Nhân văn - Giai phẩm xuyên tạc rằng Đảng ta giáo dục con người rập khuôn. Tinh thần của chúng chẳng qua chỉ là muốn phá hoại mọi tổ chức, mọi kỷ luật để được tự do phát triển cá nhân chủ nghĩa đồi truỵ của chúng mà thôi. Nhưng theo tôi, nếu rập khuôn để được rèn luyện, cải tạo cho mình có một tinh thần vì nhân dân phấn đấu, một đời phụng sự Cách mạng, đem sức lao động của mình cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, thì tôi xin tự nguyện rập theo khuôn mẫu của Đảng ta giáo dục ấy để phụng sự Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi.


*


Một số nhà văn tự phê bình

Nguyễn Tuân
Nhìn rõ sai lầm

Trước Cách mạng tháng Tám và trước ngày Kháng chiến, tôi sống tuyệt đối bằng cảm tính, chỉ dựa hoàn toàn vào những xúc cảm bản năng và phản ứng tình cảm để đánh giá cái tốt cái xấu cái thiện cái ác. Tôi nghĩ rằng thời kỳ ấy, tôi đã là người của thuyết hư vô và nhiều lúc đã quan niệm một cách nguy hiểm rằng người trí thức chân chính là phải hoài nghi tất cả. Đối với vấn đề đảng phái và hoạt động đảng phái, kể cả Đảng ta, lúc ấy, tôi hết sức né tránh, nghĩ sai rằng nghệ thuật là ở ngoài chính trị và còn ở trên cả mọi chính trị, mọi hoạt động chính trị. Về những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh dân tộc, tôi nghĩ rằng cái biểu hiện yêu nước của tôi ở tôi, tôi chỉ xin khung nó gọn vào vấn đề xây dựng tiếng nói dân tộc mà bản thân mình sẽ cố công đóng góp vào ít nhiều, qua những tìm tòi sáng tác văn học của bản thân mình. Trước mọi biểu hiện và mọi tương quan với cuộc sống chung quanh, tôi tự cho tôi là một đơn vị. Đối với chủ nghĩa Cộng sản, con người duy tâm và tự do vô chính phủ của tôi đã là người tán thành cái thuyết viển vông được làm người cộng sản mà không ở trong tổ chức Đảng.

Về quan niệm nghệ thuật, trước đây, tôi là người của phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tức là tôi chủ trương nghệ thuật không phục vụ chính trị. Một số sách và tiểu thuyết của những tác giả tờ-rốt–skít hoặc có quan điểm tờ-rốt–skít về tư tưởng nghệ thuật, đã ảnh hưởng phần nào đến cái nhìn của tôi đối với Xít–ta-lin, đối với những hoạt động chính trị, và cụ thể là rất có định kiến nghi ngại đối với tổ chức Đảng nói chung trên thế giới cũng như ở ta. Tôi cho rằng làm chính trị thì không tránh được thủ đoạn này thủ đoạn khác và trên cái nhận thức sai lệch ấy, tôi càng tách con người văn nghệ ra khỏi bất cứ hoạt động chính trị gì.

Có thể nói rằng tôi vẫn còn kéo dài cái sống phiêu lưu ngay cả sau thời kỳ Cách mạng tháng Tám đã thành công rồi, và sự cải tạo tư tưởng của tôi chỉ mới bắt đầu có từ ngày Kháng chiến. Cuộc đấu tranh võ trang khắp nước đã cho tôi những điều kiện khách quan và chủ quan để dần dần nắn uốn lại một các nhân sinh quan đồi bại ở trong tôi, cụ thể là giải quyết bước đầu cho tôi về các mặt tư tưởng hoài nghi. Trong những năm Kháng chiến, công tác và sáng tác của tôi, tuy chưa có là bao nhiêu, nhưng đều chứng minh cái kết quả bước đầu của cuộc cải tạo đó. Và tôi thấy cần phải nói thêm rằng có được cái kết quả ấy, cũng là nhờ ở phần khách quan nhiều hơn là phần chủ quan, và nhất là nhờ có cái phần Đảng dìu dắt cho. Cuộc sống kháng chiến có gian khổ về mặt vật chất và thể xác, nhưng có những thuận lợi khác về mặt trau dồi [2] tinh thần cầu tiến và nhiệt tình cách mạng. Tuy chưa được toàn tâm toàn ý, nhưng tôi cũng đã gắn bó rất nhiều với Đảng với nhân dân và tìm cái lẽ sống còn của bản thân mình trên cái cơ sở tập thể lớn lao ấy. Và mọi băn khoăn cá nhân chủ nghĩa, về căn bản, đã được dẹp xuống. Hoà bình trở lại đây, điều kiện khách quan đổi khác cả. Cách mạng chuyển giai đoạn đã mấy năm nay, tư tưởng tôi không những đã không chuyển theo kịp mà lại còn có những điểm ngoặc trở lại với những nếp cũ của thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.

Cũng như nhiều anh chị em cán bộ khác về làm việc ở thành thị ngay từ ngày đầu tiếp quản, tôi cũng vẫn nói với tôi là đấu tranh hoà bình gian khổ phức tạp; phản đế phản phong trong kháng chiến, thế mà còn dễ hơn cái giai đoạn cách mạng này nó đánh thẳng vào con người trí thức tiểu tư sản mình còn nặng những cái căn của tư tưởng tư sản. Nhưng đồng thời tôi lại vẫn bảo cả tôi và cả nhiều người khác cùng một thành phần giai cấp: “Tư tưởng tư sản và lực lượng tư sản ở ta, có gì mà làm ghê đến thế?”. (Tôi nhớ lại rằng trong hồi phát động quần chúng để cải cách ruộng đất, hình như tôi cũng đã kêu rằng giai cấp địa chủ và tư tưởng địa chủ ở ta thực ra có gì mà ghê gớm đến thế?”

Từ sau hoà bình, con người cầu an hưởng lạc ở tôi dần dần hồi sinh lại với cái nếp trước của người thị dân cũ trong tôi, vào những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám. Tôi kêu cái này cái khác, đòi hỏi Cách mạng phải thế này thế kia, tiếng kêu phù hợp với cái tiếng nói của chủ nghĩa hoà bình của cái số người cho rằng “miền Bắc ta làm mạnh quá, tốc độ chính sách đi gấp đi dữ như vậy, e khó mà tranh thủ được miền Nam”. Lập trường của tôi bấp bênh, nên tôi mâu thuẫn với tôi: vừa lo mình dồn đẩy nhanh quá, lại vừa sốt ruột cho tình hình ì ạch đủ các mặt. Đối với hiện tượng này hiện tượng khác về hộ khẩu, về thị trường của phần kinh tế quốc doanh, về đời sống anh bộ đội phục viên, về mức sống công trường xí nghiệp, về đợt năm của cải cách ruộng đất, về đê vỡ, những tình cảm tiểu tư sản trong con người động dao của tôi lại vẩn lên rất nhiều oán tiếc hờn dỗi nó kết lại thành một cái cách nhìn phiến diện để dẫn tới một cách nhìn khác bất công và u uất, bất mãn và nghi kỵ. Chuyện trong nước đã thế, nhìn ra cả trong phe trong khối ta, thì thấy toàn là những sự việc và hiện tượng nó vượt quá cái trình độ nhận thức vốn lệch lạc của mình, và vượt quá cái khả năng đánh giá vốn một chiều và cực đoan của mình. Đứng trước những khó khăn mới của Cách mạng chuyện mạnh giai đoạn, cái chất hoài nghi cố hữu ở trong tôi đã ngóc dậy rất mạnh nhất là từ sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên xô.

Lần lại cái mạch tư tưởng của tôi ngược lên hồi Cách mạng tháng Tám, tôi thấy trong hệ thống tư tưởng của tôi đã có những luồng sóng ngầm nó quật lại nó dội lên, sau một giáp mười hai năm có bị chìm xuống. Trong cơn khủng hoảng này, vì lạc phương hướng mà có lúc tôi đã nói đã nghĩ đã viết ra như là một người không phải là đảng viên. Một đôi khi, còn bắt được mình đang thoát ly Đảng trong tư tưởng. Nay giật mình nhìn lại, thấy mình đã có trôi trên cái dốc của quan điểm chủ nghĩa xét lại. Lòng tin bị sứt vỡ, cho nên đối với sự việc này sự việc khác, đối với tài liệu này tài liệu khác, hay đòi lật ngược lại. Học tập tình hình thế giới còn dễ thông hơn tình hình trong nước. Nguồn tin chính thì tiếp thu có điều kiện, các nguồn tin khác thì nhận và phát đi một cách đi một cách dễ dàng. Lập trường tư tưởng đã có sự lẫn lộn, cho nên nghiệt ngã với ý kiến của đồng chí, của bạn, cho nên dễ hoà theo với lời xúc siểm dèm pha tán tỉnh của bọn ác bọn xấu. Cái phần vẩn đục trong con người hoài nghi của tôi đã là một miếng đất thuận tiện cho sự nảy nở của những tư tưởng do các nguồn đối địch gieo vào. Và muốn hay không muốn, trong một số công việc nhất định, tôi đã trở nên một cái bình phong cho bọn xấu dùng được.

Về phần sáng tác, gần đây tôi đã gặp những khó khăn tỏng tư tưởng sáng tác. Cũng là do bi quan hoang mang tác động và hạn chế cái nhiệt tình của người nghệ sĩ cách mạng. Cũng là do cái phương pháp tư tưởng nặng về hiện tượng vụn vặt mà không nhìn thấy cái đại thể của Cách mạng và cái hướng của sự vật trong quá trình phát triển cách mạng. Cũng là do lẽ này lẽ khác, nhưng cái chính là cái nguyên do ngờ vực. Chính vì sa sút đi cái lạc quan cách mạng đó, mà trên một số bài tôi viết ra ít lâu nay, tôi đã đi vào chỗ lệch, chỗ sai, đã lạc hướng về tư tưởng và lầm lẫn về chỗ đứng của người đảng viên văn nghệ. Tôi đã có xu hướng tách văn nghệ ra khỏi chính trị và đối lập văn nghệ với chính trị. Ví dụ ở tuần báo Văn dưới đầu đề “Phê bình nhất định là khó” tôi đã viết “Nếu đã có những tác giả còn not nớt, nếu đã có những tác phẩm yếu xoàng, thì cũng đã có một số cán bộ thực hiện chính trị một cách cũng không cao tay gì lắm …”

Đối với tác phẩm in lại, tôi tự tiện gạt đi cái phần chính trị của vấn đề để chỉ còn thấy có phần nghệ thuật. Đề tựa cho tập sách Thạch Lam và vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc, tôi chỉ có đề cao tác phẩm và tác giả mà không đứng trên cái quan điểm văn học vô sản của người phê bình cách mạng mà vạch ra những nhược điểm khuyết điểm và sai lầm của tác phẩm. In lại tập Vang bóng một thời của tôi, tôi cũng thiếu mất cái trách nhiệm của người tác giả đối với độc giả mà xác định thái độ của mình về nội dung tư tưởng của tác phẩm cũ. Thậm chí, còn đưa vào sáng tác tất cả cái bức bối, cái hờn dỗi với thực tế, chì chiết cạnh khoé điều này điều nọ, như ở trong bài “Cây Hà nội”: “…con người ở đây ít chú trọng đến cây… ở đây, con người đối với con người vẫn chưa đủ mức chú trọng, nói chi đến chuyện chày cối… đôi lúc có nhớ đến người này người nọ thì ta chỉ quen nhớ những cái lúc họ đánh đổ hoặc đánh vỡ một cái gì…” Thực ra chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chúng ta không bao giờ dạy con người tự mình tách khỏi tạo vật chung quanh và chà đạp hoa cỏ cây cối, thực ra Đảng ta quan tâm đến trình độ văn hoá cần nâng cao dần cho quần chúng nhân dân, trong ấy mặc nhiên là có cái phần giáo dục thẩm mỹ, dạy con người yêu quý hoa cỏ quả cây và hướng nó vào cuộc sống cần lao của tập thể. Những câu đại để như ở bài “Cây Hà nội”, với cái lối nói ỡm ờ đó, đã phần nào biến mùa xuân miền Bắc thành ra những cái ngậm ngùi kích động đến những tâm sự sửa sai, tạo thành những cái đơn chiếc và mất công trong cách nhìn ra thực tế sinh động trên đất nước. Cách nhìn không lành mạnh ấy thật là không xứng đáng với bất cứ nhà văn nào muốn đóng góp giấy mực của mình vào cái quyết tâm cùng chung sức xây dựng miền Bắc của mọi người. Cách nhìn và cách viết ấy không giải quyết gì cho sự sống nặng nề đang cần phải bốc lên đẩy lên. Nó có phần nào đã làm đầu têu cho một số mồm và bút sẵn sàng mượn khéo văn chương để nói cạnh và chửi đổng, móc máy việc này việc khác.

Nhưng trong cả một mớ lệch, lạc, lầm, sai của tôi ít lâu nay, cái sai lầm tôi cho nghiêm trọng hơn hết, tức là cái sai lầm của tôi đối với nghị quyết của Bộ Chính trị của Đảng nhận định về tình hình văn nghệ.

Nghị quyết phân tích sâu sắc, tổng kết đầy đủ rõ ràng về sự lũng đoạn của phần tử đối địch trong văn nghệ. Tôi được phổ biến nhiều lần về nghị quyết này, tôi vẫn cứ khăng khăng cho rằng văn học nghệ thuật ta ít lâu nay có vấn đề và đang có những vấn đề cần phải giải quyết sớm, tức là có nghiêm trọng về tình hình, nhưng không đến nỗi nghiêm trọng đúng như tinh thần và con chữ đã vạch ra trong từng chương mục của nghị quyết. Tại sao phải trải qua hơn ba tháng ròng họp tập liên hệ, phải trải qua rất nhiều khó khăn của diễn biến tư tưởng và qua bao nhiêu công sức của đồng chí và đồng nghiệp giúp đỡ cho mà nay tôi mới nhất trí được với toàn bộ nghị quyết của Đảng về tình hình văn học nghệ thuật?

Chính là vì tôi đã mơ hồ về lập trường, không phân rõ địch ta, nên không nhìn thấy vấn đề đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực văn học nghệ thuật giữa lúc Cách mạng tiến lên đang đánh vào tất cả những cái gì dám chống đối và phản lại nó. Chính vì tôi non yếu và mơ hồ về chính trị, nên không thấy cái mặt chính trị của vấn đề văn nghệ đây. Bản chất cầu an hưởng lạc nghỉ ngơi ở tôi đã làm tôi mờ nhạt về sự tất yếu của cuộc đấu tranh này và quên cả cái tính chất của tổ chức Đảng ta là một tổ chức chiến đấu và đang cần chiến đấu quyết liệt trên mặt trận tư tưởng (Cuối 1956, đóng cửa Nhân văn. Tôi là một chữ ký trong bản kiến nghị của nhiều anh em văn nghệ sĩ ký ngày 13-12-56; nhưng trong tôi vẫn còn phân vân về biện pháp hành chính dùng với Nhân văn. Nay tôi đã thấy rõ là không thể thuyết phục cải tạo tờ báo đó và biện pháp ấy là biện pháp duy nhất). Chính vì tôi có xu hướng tách văn nghệ khỏi chính trị nên tôi không nhận ra khía [3] chính trị của vấn đề. Tôi thường còn hay kêu là ít lâu nay ta làm chính trị quá nhiều trong văn nghệ và nên dành thời giờ để bàn về chuyên môn thì đúng hơn. Tôi không thấy rằng tình hình địch ta nghiêm trọng đã như thế, thì cái yêu cầu cấp bách của văn nghệ hiện nay là giải quyết về chính trị đã, rồi trên cái cơ sở trắng đen đã phân rõ ấy, trong nội bộ nhân dân của văn nghệ, mới thanh thoát được cho sự thảo luận chuyên môn văn nghệ. Không nhìn nhận ra được chỗ sáng suốt của nghị quyết của Đảng về tình hình văn nghệ bị lũng đoạn, tôi cho cái nguyên nhân chính còn nằm ở cái chỗ lòng tin của tôi đối với Đảng. Từ sau hoà bình và nhất là sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên xô, lòng tin của tôi đối với Đảng đã có thêm những mảng đen của sự nghi ngờ. Thời kỳ mở phong trào chống chủ nghĩa sùng bái cá nhân cũng là thời kỳ tôi đi sâu vào một bệnh sùng bái khác. Tức là tôi đã tự phụ, tự túc, tự ái, tự đại mà sùng bái cái cá nhân tri thức tiểu tư sản của tôi. Tôi cho là phải phát triển tới cái độ cao nhất về việc suy nghĩ độc lập, lấy tư duy độc lập ra mà làm cái thừa trừ cho cái kiểu mà tôi vẫn gọi là: “cách nghĩ một chiều của nhiều đồng chí chúng ta”. Ngông nghênh với sự phát triển bừa bãi đó, tôi đã tự huyễn hoặc mình về cái kiến thức bản thân thổi phồng bơm to lên, tự phỉnh nịnh mình đến cái mức bọn ác bọn xấu dùng được mình mà không nhận ra, đến cái mức chỉ thấy có mình mà không thấy phương hướng trong tư tưởng. Qua một lần kinh nghiệm tôi tự phát trên một cái cơ sở cá nhân bấp bênh, nay tôi nghĩ rằng Đảng ta, trên con đường từ nay kiện toàn chuyên chính vô sản song song với mở rộng dân chủ, Đảng ta không những không hạn chế sự suy nghĩ độc lập của đảng viên và anh chị em trí thức, mà lại còn khuyến khích mọi người đóng góp cái phần trí tuệ chân cảm của mình vào cái khối trí tuệ vĩ đại của Đảng. Riêng tôi, sau một trận thử thách vừa rồi, qua cái bài học choáng váng vừa rồi để phân rõ thiện ác trong giới văn nghệ phức tạp tôi thấy sáng lên cái chân lý này:

  • Muốn suy nghĩ độc lập, cần phải có cái vốn phong phú về thực tế đấu tranh, cộng với một căn bản lý luận cách mạng chắc chắn;

  • Khi mình đã ngờ vực Đảng, thì dễ nghĩ sai và làm sai.

Những cái tôi nói đó, thực ra không có gì là mới cả nhưng riêng với tôi, nó có cái giá trị của một lần “suy nghĩ” vừa đau xót, vừa yên tâm, vừa lành mạnh. Viết ra đây cái điều trên, tôi thấy tôi thoải mái trong sự khiêm tốn thành khẩn và càng tới gần Đảng hơn bao giờ.

8-4-58



[1]Nguyên văn: dẻ dách (talawas)
[2]Nguyên văn: chau dồi (talawas)
[3]Nguyên văn. Chúng tôi nghĩ có thể ở đây tác giả muốn nói “khía cạnh” (talawas)
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn–Giai phẩm, trang 59-121. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.