trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
7.1.2008
Trần Văn Tích

Văn phong Hồ Trường An


1. Thưa chuyện cùng ông Nguyễn Đăng Thường, trong bài “Đôi điều không cần nói với nhạc” (talawas 04.01.08)

Hồ Trường An khi mô tả tiếng hát một số ca sĩ đã sử dụng một lối viết riêng tư. Thái Thanh thì “dâng hiến tâm tình”, Phương Dung thì “gọi nhạn trong sương”, Lệ Thu thì “khởi phụng đằng giao”, Hoàng Oanh thì “sân trường phượng thắm” v.v… Ai đọc Hồ Trường An nhiều một chút thì đều nhận thấy cách viết huê dạng của anh; không những khi anh mô tả nghệ thuật thẩm âm mà còn trong nhiều trường hợp khác, chẳng hạn khi biểu hiện ngoại hình nhân vật tiểu thuyết, khi khắc hoạ trang phục bạn văn ngoài đời, khi mô tả những món ăn thường nhật v.v… Tôi xin trích dẫn một vài đoạn văn tình cờ nhặt nhạnh được. Chắc chắn chúng chưa phải là tiêu biểu cho ngòi bút Hồ Trường An.

Trong ảnh, cụ ông Tá Chi khôi vĩ với chòm râu và mái tóc trắng như bông lau, với đài trán cao và uy nghi, với cặp mắt sắc. Còn cụ bà Kim Y thì mình hạc xương mai, tóc cũng bạc, nhưng nụ cười thật hiền dịu và tươi đẹp hài hoà với thần thái rạng rỡ như vầng nguyệt bạch đêm rằm. Cụ bà có phong cách của một phụ nữ leo lên tuổi bát tuần, u nhàn, trinh tĩnh, chẳng những không mập chảy ra như các cụ bà bản xứ mà còn mảnh dẻ, lưng khá thẳng… Xâu chuỗi trân châu buông thòng tới ngực, nổi bậc trên nền áo thẫm màu (vì ảnh đen trắng) vẻ đẹp sang trọng, kín đáo riêng.” Đó là chân dung mô tả theo ảnh chụp song thân nữ sĩ Trương Anh Thuỵ, hiện cư ngụ tại Arlington, Virginia, Hoa Kỳ. Còn khi Hồ Trường An được diện kiến nhị vị thì “Cụ bà vẫn giữ dung quang điềm đạm, tươi tỉnh, thần thái rạng rỡ, và nụ cười thật hiền. (…) Cụ Tá Chi bưng ra bình rượu thuốc, rót vào chén sứ trắng thơm ngát…”. Trong một tấm ảnh khác, nữ sĩ Trương Anh Thuỵ có dung nhan như sau: “đôi vai chị tròn đầy, vóc mình chị thanh cảnh, màu lam ngọc của chiếc áo cùng màu son hồng đào phơn phớt trên môi làm cho chị tươi tắn, trẻ trung hơn nhiều. Chị tỉa lông mày mỏng vừa phải, có nét lá liễu mềm, trang điểm đơn sơ. Ở tấm ảnh này, đặc biệt nhất là khoé mắt chị sáng ướt, cặp mắt vui chứ không lẳng.” Nhân vật ngoài đời thì vậy, còn nhân vật tiểu thuyết của Hồ Trường An thì:

Tố Thuận và Tố Hiền đều xinh đẹp, mỗi người một vẻ. Tố Thuận khá cao lớn, thân vóc thanh cảnh và mềm mại. Khuôn mặt nàng trái xoan, lưỡng quyền không cao nhưng rõ nét, sống mũi thanh tú, cặp mắt gợn sóng thu lai láng. Chiếc cổ nàng cao và trắng mịn. Nụ cười của nàng thật bất hủ : nét mỉm cười của nàng thật phiêu dật thường bảng lảng trên cặp môi tươi. Ít khi nàng cười hé răng. Nhưng khi nụ cười được nhoẻn lên trọn vẹn thì hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn được phô bày. Hôm nay, nàng mặc chiếc áo dài bằng nylon đen. Cổ nàng quàng khăn the trong suốt màu mạ non. Nàng đeo đôi hoa tai hình chùm nho xanh bằng ngọc thạch, cuờm tay mặt nàng đeo chiếc vòng ngọc thạch, ngón trỏ bên tay trái đeo chiếc nhẫn cũng nạm ngọc thạch cắt mặt vuông, còn cườm tay trái đeo đồng hồ. Nàng tô phấn hồng thật dịu, thoa son môi màu hường chói bóng, phết lớp vẹc-ni màu hường ánh bạc lên móng tay móng chân. Nàng chải đầu phùng, tóc cuốn tay rế thật công phu. Nàng đẹp tám và sang tơi mười.”

Bước sang lĩnh vực đan cử và mô tả các món ăn thì nhà văn nữ Trần Thị Nhật Hưng có nhận xét như sau: “Trong cuốn Phấn bướm, anh cho các nhân vật của anh hết ở trong nhà ăn món nầy món nọ lại dắt nhau ra ngoài vườn, rồi ở ngoài vườn họ nói chuyện đã đời rồi dắt nhau vào nhà để… ăn món nầy món nọ!”. Tất nhiên khi các nhân vật được ăn uống thoả thuê như thế thì các món ăn đều được trình làng tỉ mỉ từ thành phần, màu sắc, mùi vị, hương thơm, đến cách nấu, độ xào, dáng bày, mức chín… qua những tập hợp hình dung từ ngạt ngào rôm rả.

“(…) cứng và bóng như nền men sứ, hình vẽ nổi gợn vân đen vân xám, kết thành những bóng thông mờ ảo, áng mây phiêu diễu, bóng nước huyền hoặc.” Hồ Trường An đang mô tả đối tượng gì đây? Một cái bát cổ ngoạn, một tấm tranh thuỷ mặc, một bức hoạ sơn thuỷ? Thưa không, đó là bìa một tập thơ.

Khi dùng ngọn bút khắc ghi màu sắc, vóc dáng, ngoại hình nhân vật ngoài đời và trong truyện là những đối tượng hữu hình hữu sắc mà Hồ Trường An “loan bay phượng múa“ như thế thì khi trình bày lời ca tiếng nhạc là những đối tượng vô hình vô sắc, lời văn của anh còn vi vu vi vút đến đâu!

Chân dung những tiếng hát qui tụ hơn một trăm ca sĩ thời danh. Hồ Trường An viết về người chứ không khảo về nhạc. Đọc anh, xin hiểu giùm cho anh chỗ đó.

Hơn nữa, Hồ Trường An còn có những sai lầm rất dễ thương. Anh tưởng Phan Huy Chú là một trong những dịch giả Chinh phụ ngâm, anh bảo Văn Đàn Bửu Giám là do Trần Đình Viên biên soạn, anh ghi Gia huấn ca là của Nguyễn Trãi (điều thứ ba này thì ngay đến Maurice Durand cũng nhầm như anh!). Chính tả của anh theo giọng đọc lối nói miền Nam nên rất dễ mến tuy rằng đôi khi thiếu chuẩn: anh không viết sử dụng mà viết ‘xử dụng’, thay vì bật (nổi bật) anh viết bậc (đoạn mô tả cụ bà Kim Y trích dẫn trong bài viết này).

Rằng quen mất nết đi rồi. Cái nết viết của Hồ Trường An là vậy. Cho nên rất mong ông Nguyễn Đăng Thường thể tất nhân tình cho anh. Tất nhiên bài viết của ông Nguyễn còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác mà tôi không dám lạm bàn.

Nhân tiện xin thưa thêm cùng ông Nguyễn Đăng Thường là tập hợp từ ngữ “đem tâm tình viết lịch sử” không phải là một “khẩu hiệu” được “sáng chế” mà là đầu đề một truyện ngắn của nhà văn chống cộng đến chết Nguyễn Mạnh Côn; bên cạnh những truyện ngắn khác của ông từng được nhiều người đọc dưới vĩ tuyến 17 mến mộ như “Em chờ anh trong nghĩa nặng vợ chồng”, “Chuyện ba người lính nhảy dù lâm nạn”. Tôi gọi nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là nhà văn chống cộng đến chết vì ông từ trần trong trại tù cộng sản.

2. Thưa chuyện cùng ông Trần Trọng Hoàng Bách – “Vấn đề ở đâu nhỉ?” Mục ý kiến ngắn, talawas (05.01.2008)

Giới đọc sách báo ở miền Nam trước 1975 đều biết lập trường chính trị của nhà văn Vũ Hạnh. Nhưng nhiều người không biết nhà văn A. Pazzi. Ông là một người Ý, tác giả một cuốn sách viết về người Việt chúng ta nhan đề Người Việt cao quý. Tuy là người Âu nhưng A. Pazzi lại có cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc của chúng ta vào dịp chính phủ Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam năm 1965 sau khi đứng đằng sau vụ giết hại hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nguyên tác tiếng Ý tất nhiên không thể phổ biến rộng rãi đến độc giả miền Nam. Một nữ dịch giả liền phụ trách chuyển dịch sang tiếng Việt (lâu ngày quá nên tôi quên tên họ của nữ dịch giả quí hoá này). Tác phẩm được tái bản ít nhất cũng cả chục lần.

Ở quốc ngoại, trong giới cầm bút lưu vong, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã từng bày tỏ cảm tình với sách Người Việt cao quý. Tôi nhớ có đọc đâu đó chi tiết này nhưng xin thú thật là không chắc một trăm phần trăm. Nhưng chắc một nghìn phần trăm thì là chuyện tờ Liên minh Dân chủ, cơ quan tuyên truyền vận động của Mặt trận Hoàng Cơ Minh (trụ sở ở Pháp, môi trường hoạt động của nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vân mới về Việt Nam và bị bắt vì tội “khủng bố”). Cách đây dễ đã hơn chục năm, tập san thông tin này hết lời khen ngợi Người Việt cao quý.

A. Pazzi chính là Vũ Hạnh. Pazzi có nghĩa là bất di, ý nói lập trường bất di bất dịch. Sau Hiệp định Paris, tác giả thật sự của sách đổi tên nó lại thành Người Việt kỳ diệu, nhưng vẫn để tên soạn giả là A. Pazzi, với “dịch giả” là Vũ Hạnh. Có vẻ như ông Vũ Hạnh rất tự hào về ngón đòn văn học ngoạn mục này.

“Luyện” Cửu âm chân kinh đến mức thượng thừa như thế, nhà văn Vũ Hạnh trở thành một nhân vật mà nhiều người xem là đáng nên kính nhi viễn chi. Vì vậy,“thử đề nghị ông Vũ Hạnh hoà giải hoà hợp với ông Dương Nghiễm Mậu” chắc chỉ là mission impossible. Mà đó là có thể ông Dương Nghiễm Mậu chưa hay biết gì về nội công âm độc của ông Vũ Hạnh. Dường như hai ông không “cùng kênh” với nhau – ít nhất trong thời gian gần đây – chỉ vì truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu mới được tái bản trong nước và đã nhận được lời bình luận chắc là đúng đường lối yêu nước của ông Vũ Hạnh.

Westpreußenstr. 06.01.08