trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
30.8.2002
Vô Ngôn Thứ Lang
Nhân bài của Nguyễn Thanh Sơn: Về Khúc cầu nguyện và Ea Sola
 
1.
Thực tại Việt Nam không phải là một cái gì bó gọn, chết cứng trong cái gọi là minh triết Á châu. Bản thân cái ý niệm bất di bất dịch về minh triết Á châu, mà chúng ta, như một thói quen tập nhiễm, hay theo bản năng, thường vẫn dùng để phóng chiếu vào thực tại Việt Nam, đã hàm chứa nguy cơ giết chết thực tại Việt Nam, hoặc ít nhất là cầm tù khả năng tiến hóa của nó như một sinh thể.

Có một minh triết khác, minh triết Âu châu; và, trong Khúc cầu nguyện, minh triết Âu châu này, thông qua Ea Sola, một cách quyết liệt và quả cảm, nỗ lực giải mã cái thực tại Việt Nam, cái thực tại thuần túy Á châu, phải nói là QUÁ MỨC Á CHÂU ấy; cái thực tại mà hầu hết người Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thất bại trong việc giải mã bằng một cái gì khác với cái minh triết Á châu của mình.

... Nói cách khác, là một cách xử lý giàu dương tính đối với một thực tại đậm đặc âm tính.


2.
Những gì anh Sơn nói về sự lạnh lùng của Ea Sola, khả năng đáng sợ của Ea Sola trong việc "hớp hồn" khán giả, chỉ nói lên một điều cốt tử, duy nhất: đó là cái dụng của một chủ thể sáng tạo lớn, sức mạnh khác thường của một nghệ sĩ lớn. Và, trước một chủ thể sáng tạo mạnh mẽ, phản ứng tự nhiên của không ít chúng ta là rụt lại, co vào cái tôi của mình. Đó chính là tâm thế của những nhà rao giảng hậu hiện đại: hăng hái và ráo riết phủ nhận tác giả, khai tử tác giả, và, qua đó, mặc nhiên loại trừ cái lớn của kẻ khác, từ chối bị thu phục bởi thế giới sáng tạo riêng tư, kỳ tuyệt, độc sáng của bất cứ kẻ nào khác; thay vào đó, khoáng trương cái lớn của cá nhân chúng ta, với niềm tin quyết liệt và ngây thơ rằng cái lớn của bản thân chúng ta đáng kể hơn cái lớn của kẻ khác.

Và một khi ta không có khả năng trực nhận - một cách hồn nhiên, trẻ thơ - cái lớn của kẻ khác, ta cũng không có khả năng hiểu rằng cái lớn của bản thân ta chỉ là một hạt bụi giữa vũ trụ.

Thời xưa, anh hùng ca và truyền thuyết là tác phẩm của những cá nhân vô danh. Không có cái tên, nhưng họ chính là tác giả. Và, khi một trong những cá nhân đó có cái tôi mãnh liệt hơn, đẹp hơn mọi kẻ khác, sáng tạo của họ là những phần tinh túy, đẹp nhất, của anh hùng ca, truyền thuyết. Và ngày nay, không biết tên họ, chúng ta vẫn tiếp tục ngưỡng mộ cái mãnh liệt và cái đẹp đó.

Không phải tác giả đã chết. Chỉ cái tên của tác giả, hay chính xác hơn, cái ý hướng của tác giả buộc đời phải nhận ra mình qua một cái tên, là có thể chết. Tác giả, như một lực sáng tạo vượt trên phận cá thể và cái tên hắn, tồn tại vĩnh viễn chừng nào còn có nhân loại.

Và tác giả, là Ea Sola.

Với mỗi nghệ sĩ lớn, sáng tạo của họ là phương cách họ đối trị chính mình với toàn thể đồng loại, chưa nói với thế giới, vũ trụ, và cái vô hạn. Và, khi sự đối trị này thành tựu ở mức độ nào đó, mỗi chúng ta, với tư cách một phần tử của cái cộng đồng nhân loại bị đối trị, một cách bản năng, hoặc phần lý trí phần bản năng, liền phản kháng lực đối trị ấy. Và đó là thất bại của chúng ta, bởi chúng ta không đủ mạnh để, với tư cách một cá nhân, như chính tác giả, có một nội lực khả dĩ đồng đẳng với lực đối trị đó, không đủ lớn để vượt lên trên và ôm chứa những cặp đối trị đó.


3.
Hãy nói chuyện với họ, những diễn viên ấy. Khi cho rằng họ không hiểu họ làm gì, họ diễn gì, chính chúng ta tự trói mình trong một thói trịch thượng khủng khiếp. Chính khi ta nhìn những diễn viên ấy, những người Việt Nam bình thường, như những sinh vật ngờ nghệch, dễ bảo, dễ giật dây, dễ cho nhập đồng, nói gọn là thiểu năng tinh thần, không có khả năng nhận thức mình là những công cụ hay là những chủ thể, chính chúng ta đang có cái nhìn "thực dân" đó.

Mặt khác, trong thế giới Khúc cầu nguyện, rất có thể, một phần nào đó trong các diễn viên đó không thật sự hiểu hết những gì mình làm. Nhưng điều đó có khác gì với bản thân chúng ta, trong đời sống hàng ngày đâu? Thiếu gì những lúc chúng ta giật mình nhận thấy mình vừa nói một điều, vừa làm một việc mà chính mình không nghĩ tới, không ngờ tới, không thể hiểu nổi. Tính bất khả đoán đó, vốn nằm trong bản thể chúng ta - người xem, người diễn, kẻ sáng tạo -, là một phương diện của cái phổ quát. Điều đó không hề có nghĩa là tất cả chúng ta, trong cõi hiện sinh đầy bất trắc và ngẫu nhiên, nhất thiết không phải - hay không thể - là những cá nhân có ý thức gần như toàn triệt về số phận và hành động của hắn.


4.
Sự tham gia của người xem của người xem với tư cách đồng tác giả ở đây - và không chỉ ở đây - chính là sự im lặng, và - như Ea Sola nói - chiều sâu của sự im lặng. Và, dĩ nhiên, là tiếng thét của nội thể anh bên dưới cái chiều sâu đó, theo sau cái im lặng đó, dẫu là tiếng thét đồng vọng, tiếng thét phản kháng, hay tiếng thét bị lý trí kịp thời chặt đứt. Đó chính là nghệ thuật. Và cái tên - sân khấu, múa, performance, hay installation - tuyệt đối không có ý nghĩa nền tảng. Những sự phân biệt đó vô nghĩa đối với tôi trong trải nghiệm Khúc cầu nguyện. Điều độc nhất tôi quan tâm, đó là nghệ thuật đó buộc tôi, - lại một lần nữa, sau bao nhiêu lần khác - tự truy vấn bằng những câu hỏi không bao giờ dứt, không bao giờ cũ, không bao giờ nguôi về phận người, những khổ đau nó phải gánh chịu, khát vọng của nó, cách nó đối mặt với sự sống và sự chết.


5.
Anh Sơn đã không thể nắm bắt, cảm nhận cái toàn thể. Ở chỗ cần phải thấy sự dung hợp, hay chí ít là một nỗ lực đầy quả cảm hướng tới sự dung hợp, anh chỉ thấy một ý hướng phân tích thuần Âu châu thông qua một ngoại diện mang tính exotic Á châu: những bài ca Huế, làn điệu Chèo, đàn nhị... Bằng con mắt ấy và đảo lại hướng nhìn, ta sẽ thấy sao mà chúng exotic thế, "Tây" thế: tất cả những động tác ấy, những cách biểu hiện riết róng, bạo liệt, không mảy may khoan nhượng ấy của mọi bộ phận cơ thể, cách xướng âm chói lói không rõ ra thứ tiếng hay câu chữ gì ấy, cách bố trí ánh sáng mang cung cách hư huyễn, quái dị ấy. Hãy lắng nghe những khúc ca Huế trong Khúc cầu nguyện. Nửa chừng câu hát, khúc ca Huế bị xen kẽ, bị đâm ngang, bị phá rách, bị xuyên thủng bởi âm thanh rú rít của đàn nhị: và Ea Sola, lúc chợt dừng trước hai người đàn bà xứ Huế, thoắt lại cuốn theo điệu múa quằn quại, xé lòng, không tên của riêng chị. Và chúng - khúc ca Huế cùng điệu nhạc và múa khốc liệt đó -, tương khắc như lửa với nước, không thể dung hợp và vĩnh viễn loại trừ nhau, nhưng CẢ HAI cùng tồn tại trong vũ trụ và trong tâm thức chúng ta; và đó chẳng phải chính Thực tại của chúng ta hay sao?

Quả thật, chỉ một nền văn hóa lớn, trưởng thành và bản lĩnh đến mức độ nào đó mới chịu nổi sự song hành, hợp nhất bất phân của những cực đối lập ấy, trong một tác phẩm nghệ thuật, trong khái niệm về cái đẹp.

Thật nông nổi khi cho rằng khúc ca Huế kia được đưa vào chỉ như một thứ phụ gia, một đồ gá lắp, một thứ công cụ ngoại hiện. Chúng chính là nội dung tinh thần của tác phẩm, cũng như thứ ngôn ngữ hình thể đầy tính "exotic Tây phương" kia.


6.
Khúc cầu nguyện, như Ea Sola nói, không dành riêng cho người Tây phương và không dành riêng cho người Việt Nam. Nó dành cho bất cứ ai trong chúng ta, và không dành riêng cho ai trong chúng ta. Kẻ sáng tạo những công trình như vậy, không thiên vị, không phân biệt, không vì người mình yêu, nhưng vì cái người mà mình muốn người mình yêu sẽ trở thành - và dù thành hay không, mình vẫn yêu người đó -, kẻ đó chính là kẻ có cái Tâm rộng lớn nhất.

Sài gòn, 27/08/2002
(mailto:chuthunhan@yahoo.com)