trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
9.6.2008
Nguyễn Hữu Bảo
Chụp cái gì cũng chỉ là chụp lòng mình, chụp cái ở trong đầu mình
Thuận Thiên thực hiện
 
Anh rủ tôi tới một quán cà phê mà anh giới thiệu là “đúng nhà cổ”, ngay đầu phố Hàng Ngang, cách nhà anh – 48 Hàng Đào – chưa đầy mười phút đi bộ. Một ngạc nhiên thú vị! Lách qua cái cửa hàng vải lụa chiếm hết mặt tiền, chúng tôi như trở lại một Hà Nội của 50 năm trước: một cái sân dài với hòn non bộ và các đồ gốm xưa, có tiếng chim thánh thót, một căn phòng mở hé đủ cho khách xuýt xoa vì những đồ gỗ lên nước lâu đời... Đúng là một Hà Nội đài các trong yên bình ở sâu phía bên trong 36 phố phường náo nhiệt, không biết nó đã được giữ nguyên vẹn như một phép lạ hay vừa được tân tạo như thật trong phong trào phục cổ đang thời thượng nhưng chỉ đủ sức tạo ra những hấp dẫn du lịch nho nhỏ? Ngồi đây mà chuyện trò với một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng về những bức ảnh lưu luyến dấu tích Hà Nội xưa thì quả là thích hợp... Trước hết là thích hợp để nói chuyện phố cổ cái đã!
Thuận Thiên: Là một nhà nhiếp ảnh người phố cổ chính hiệu, suốt nửa thế kỷ bám trụ Hồ Gươm, anh nghĩ gì về cái khái niệm “phố cổ Hà Nội” và những cuộc tranh cãi bất tận về “bảo tồn phố cổ”?

Nguyễn Hữu Bảo: Làm gì có “phố cổ Hà Nội” như người ta hay nói? Chỉ có những phố cũ (“cũ” đi liền với “nát”) trong đó có vài ngôi nhà cổ (“cổ” đi liền với “kính”). Những hình ảnh phố Hà Nội trong các tấm carte-postale đầu thế kỷ, trong tranh Bùi Xuân Phái... chỉ còn là kỷ niệm của thời tôi mới lớn. Bây giờ sống giữa nhà mình, giữa trung tâm Hà Nội mà nhiều lúc tôi cảm thấy như mình ở đâu đến.

Xin nói ngay rằng cảm giác ấy không phải vì chuyện nhập cư của người tứ xứ vào Hà Nội. Việc nhập cư vào các thành phố lớn là qui luật tất yếu. Thực ra làm gì có người Hà Nội gốc về gia phả. Từ khi Thăng Long được định thành “đô”, chính các lực lượng từ nông thôn lên phục vụ cho quân quan đã làm nên “thị”, đó là những làng nghề, những phố buôn bán. Những căn lều bán hàng phát triển dần vào bên trong làm chỗ ăn ở sinh hoạt, dài quá thì để trống một quãng ở giữa làm “giếng trời”, một cách hoàn toàn bản năng, hình thành lối “nhà ống” của 36 phố phường. Vậy thì bảo tồn cái gì? Chả lẽ bảo tồn cái lều cao cấp? Hàng Ngang, Hàng Đào ngày xưa “kinh” lắm, làm gì có kiến trúc với tuyên ngôn của nó, với sự bảo đảm sinh thái cho con người!

Nhưng có một cái phải bảo tồn đấy. Tiếc rằng nó đã bị tàn phá từ nửa thế kỷ rồi. Đó là một Hà Nội tập trung tinh hoa của cả xứ Bắc, lại tiếp thu tinh hoa của hai nền văn hoá lớn của nhân loại: Trung Hoa (phương Đông) và Pháp (phương Tây). Tinh hoa ấy là sự thanh lịch, sự thanh lịch do “kẻ sĩ” Bắc Hà (chỉ chiếm 10% số dân Hà Nội) lưu giữ, chứ không phải là nếp sống “kẻ chợ” của 90% kia đâu.

Nếp “thanh lịch” ấy đã biến mất với sự “thay máu” Hà Nội sau 1954, khi những người quen “cảm ơn, xin lỗi” lùi vào phía trong các ngôi nhà vốn quen chỉ có một gia đình truyền thống tứ đại đồng đường; những ngôi nhà ấy bị ngăn vách, chia nhỏ cho nhiều gia đình không cùng nguồn gốc, văn hoá... chung đụng, giành giật. Rồi chiến tranh đến rất nhanh, nó triệt tiêu, đơn giản tối đa đời sống của người Hà Nội về cả vật chất lẫn tinh thần. Tất cả tư duy chỉ còn xoay quanh miếng cơm manh áo... Người Hà Nội, nếp sống Hà Nội hôm nay là sản phẩm của cả một thời kỳ biến động ấy.

Những suy nghĩ trên đã ảnh hưởng như thế nào đến tinh thần các bức ảnh anh chụp Hà Nội? Tại sao anh thích những “bóng nhoè” do người chuyển động trên nền những kiến trúc tĩnh lặng?

Chụp Hà Nội là ghi lại những gì đang mất và chắc chắn sẽ mất. Chụp để giữ một kỷ niệm. Một góc phố, một cái cột, một cầu thang ọp ẹp. Để có một Hà Nội gần như xưa, tôi khép góc, tôi làm cho tông ảnh dịu đi như màu dĩ vãng. Tôi chụp con người ẩn hiện Liêu Trai như bóng dáng thời gian trên cái nét rất đanh của đồ vật. Có thể tôi ủy mị, nhưng tôi không giấu sự nuối tiếc xót xa. Tôi phủ nhận “văn minh”, tôi không chơi! Tôi dùng sự tương phản để phê phán cái lố bịch, cái đồi bại trong đời sống hôm nay. Đâu phải chỉ khiêu dâm mới là đồi bại? Một cô gái mặc thời trang mới nổi bật trên môi trường văn hoá tâm linh là đồi bại, cũng như người đàn ông mặc áo choàng thổ cẩm với complet cravate để cho ra vẻ dân tộc + hiện đại là đồi bại.

Lòng hoài cổ cũng dẫn các nhà nhiếp ảnh hôm nay chạy đua về các lễ hội miền quê. Trong đề tài khá “đụng hàng” này anh có cái nhìn gì riêng?

Một số tác phẩm nhiếp ảnh của Nguyễn Hữu Bảo


Tôi muốn bình luận về bản chất của lễ hội. Ở ta, hay có lẽ ở phương Đông nói chung chăng, phần “lễ” được chú trọng hơn phần “hội”. Người ta lo thủ tục nhiều, không mấy chú ý lòng người có vui không, có thực sự cảm thấy hạnh phúc? Anh có để ý, trong bức ảnh chụp hội quan họ này, tôi không chụp sân khấu mà chụp cảnh đằng sau sân khấu: những ánh mắt tò mò, thèm thuồng của hàng chục đứa trẻ con nhìn cả vào gánh hàng quà của bà già; mà quà của bà là cái gì kia chứ? Chỉ là mớ bánh đa! Có những bức ảnh khi xem lại thấy lòng xót xa hơn lúc chụp, vì lúc chụp còn bận thao tác cho kịp “bắt sống” giây phút một đi không trở lại.

Nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay dường như đang quanh quẩn với khái niệm “ảnh đẹp”, các nhà nhiếp ảnh thì quan tâm nhiều đến danh hiệu “nghệ sĩ”?

Đây là vấn đề sống còn của nhiếp ảnh Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc phải xem lại ngay cả cái định nghĩa “nhiếp ảnh là nghệ thuật ánh sáng”. Không phải vì nó sai, mà vì người ta đã quên rằng: đằng sau ánh sáng, cũng như bố cục, hay sự kiện, phải phảng phất một điều gì đó. Ánh sáng chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Chụp cái gì cũng chỉ là chụp lòng mình, chụp cái ở trong đầu mình. Xem xong cả một triển lãm mà chỉ thấy ảnh đẹp, không thấy chân dung tác giả thì hỏng. Treo mười cái để thấy cái thứ 11 chính là ảnh tác giả. Nói thì đơn giản vậy nhưng làm thì khó lắm. Càng khó hơn khi lòng người còn nhấp nhổm vì những mục đích phù du.

Lắm lúc tôi cũng chạnh lòng vì bạn bè tôi thường nhìn người “nghệ sĩ nhiếp ảnh” qua những ảnh “sến” đang chiếm 90% số ảnh được gọi là “ảnh nghệ thuật”. Theo tôi, gọi “nghệ sĩ nhiếp ảnh” là một sự xúc phạm, vì hình như danh từ ấy đồng nghĩa với “anh không có nghề”, amatơ, buông thả, vô trách nhiệm. Tôi thà là “thợ ảnh”, tức là người có nghề. Nghệ sĩ là tố chất, đâu phải chức danh. Còn đạt đến trình độ “nhà nhiếp ảnh” thì khó lắm. Nhà nhiếp ảnh làm việc với cái đẹp chứ không thưởng thức cái đẹp. Anh ta có khả năng tính toán: trường hợp này có chụp được không, phải có điều kiện gì? Với anh ta, cái may chỉ là duyên cớ, phút bấm máy là khâu cuối cùng thể hiện mặt bằng văn hoá của mình.

Nói đến nghề, thì động đến vấn đề kỹ thuật. Gần đây có những cuộc tranh cãi về chuyện dàn dựng, chuyện ảnh photoshop. Quan điểm của anh thế nào?

Tôi không chấp nhận ảnh dàn dựng (trừ ảnh quảng cáo). Ảnh photoshop là ảnh “chuyển đổi giới tính”, đỉnh cao của sự đồi bại. Nhiếp ảnh Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm vì ở tầm quốc gia người ta thừa nhận ảnh giả, chỉ vì nó “đẹp đẽ”. Đến thi hoa hậu còn phải cấm sửa mũi bơm ngực cơ mà! Nhìn rộng ra, sự quan tâm quá nhiều vào việc “sáng tác” ảnh đã làm mất đi một thế mạnh rất lớn của nhiếp ảnh như một phương tiện ghi sử. Đừng nghĩ sử chỉ là những sự kiện chính trị. Nhiếp ảnh cho ta những bằng chứng rất sinh động về đời sống. Bây giờ lấy đâu ra những bức ảnh ghi được cảnh xếp hàng mua gạo, cắt tem phiếu một thời?

Và đó cũng là vấn đề của ảnh báo chí thời sự... Có người cho rằng sau chiến tranh, ảnh thời sự của ta không được thế giới để ý là vì không có vấn đề nóng bỏng để chụp?

Đó chỉ là cách biện minh. Cuộc chiến đấu với thiên tai, như lụt lội chẳng hạn, có nóng bỏng không? Cái năm lụt lớn ở Huế, khi được tin nước dâng ngập Thành Nội, tôi vội bay vào để chụp, nhưng vào được đến nơi thì nước đã rút. Hỏi tất cả anh em nhiếp ảnh tại chỗ, không ai chụp được sự kiện hiếm có ấy. Vì sao ư? Trước hết phải xem tâm lý người chụp ảnh ở ta hiện nay. Chụp được một tấm ảnh kiểu như thế, phải lặn lội, phải đầu tư ghê lắm, thế mà có chụp được thì may lắm cũng chỉ để đăng báo, nhuận ảnh 50.000 đồng là nhiều! Mà cũng chắc gì được đăng, khi nhiều báo vẫn kiên trì một tiêu chuẩn cho ảnh thời sự là “ảnh phải cười”! Năm trước, có cuộc ra mắt tập ảnh Requiem tôn vinh hơn 100 nhà nhiếp ảnh chết trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương, trong đó có 72 người của chúng ta. Lần đầu tiên tôi được xem những bức ảnh của mình chụp cận cảnh chiến đấu, xúc động quá. Lạ một cái là những tác giả - liệt sĩ ấy không được biết đến bằng những người chụp các bức ảnh đèm đẹp trên đường hành quân! Anh để ý mà xem, một sự kiện diễn ra thì ảnh của các báo đều giống nhau, như tốp ca nam ấy, không ảnh nào có được khoảnh khắc độc đáo.

Có cảm giác anh hơi bị định kiến với những thử nghiệm mới về kỹ thuật? Trong khi trên thế giới, từ lâu đã phát triển loại ảnh không “ăn” về nội dung mà chỉ là thể nghiệm với ánh sáng, vật liệu. Ở ta có khuynh hướng này không?

Tôi rất trân trọng những thể nghiệm nghiêm túc, tuy rằng tôi không thuộc dòng ấy, dòng của tôi vẫn là cảm xúc từ đời sống. Còn nói chung ở ta, nhiếp ảnh thoạt tiên xuất phát từ sự đam mê mang tính giải trí, ta không có thói quen đi sâu vào trí tuệ, không có thói quen đi đến cùng của vấn đề nghệ thuật. Tôi thấy nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay chưa đặt ra chuyện dòng này dòng khác, dòng nào cũng hay, trừ dòng “ảnh giả” và dòng chạy theo những mục đích ngoài nghệ thuật.

Anh có điều gì muốn gửi gắm đến các đồng nghiệp của mình?

Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: mỗi tác giả ảnh có nghĩ mình phải có một đời sống văn hoá nhiếp ảnh hay không? Khi ta nhìn thấy một cái gì trên đường là ta đã chụp bằng mắt trước khi đặt kế hoạch chụp bằng máy ảnh. Khi ta xem ảnh của đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp nước ngoài. Khi ta hiểu rằng nhiếp ảnh còn bao gồm cả âm thanh và bao nhiêu cái khác. Chụp một cánh đồng sao cho bức ảnh có thể không thấy hạt lúa mà vẫn có cả cánh đồng với hương lúa, với tiếng chim... Có lẽ khi ấy ta mới thoát khỏi tình trạng ảnh “mì ăn liền” hiện nay.

Xin cảm ơn anh.
Nguồn: Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần số ra ngày 05/06/2008