trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
28.6.2008
Lê Chí Dũng
Văn chương Phan Bội Châu trên con đường hiện đại hoá văn học Việt Nam
 1   2 
 
Đề tài của văn chương Phan Bội Châu

Văn chương Phan Bội Châu lấy đề tài từ lịch sử, từ cuộc đấu tranh chống Pháp, giành độc lập và khi Phan Bội Châu trở thành “ông già Bến Ngự”, văn chương của ông có xu hướng khai thác đề tài từ hiện thực cuộc sống - xã hội. [1]

Những trứ tác của Phan Bội Châu lấy đề tài từ lịch sử, từ cuộc đấu tranh chống Pháp, giành độc đều tập trung vào chủ đề cứu nước, phục quốc. Văn chương của “ông già Bến Ngự” có xu hướng khai thác đề tài từ hiện thực cuộc sống - xã hội cũng thường trực, bằng cách này hay cách khác, níu kéo người đọc vào chủ đề cứu nước, phục quốc. [2]

Quả thật, ở Phan Bội Châu “cái chí yêu nước, cứu dân vẫn chưa bao giờ thay đổi so với trước đây”. [3]


Nhân vật văn học Phan Bội Châu

Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX nhân vật người trung nghĩa và nhân vật người ẩn sĩ - hai nhân vật đẹp đẽ của văn học trung đại Việt Nam đã kết thúc trong thơ của Phan Đình Phùng và của Nguyễn Khuyến.

Là một con người đã đọc hết sách của thánh hiền, lại sống trong phong trào cần vương ở Nghệ Tĩnh, Phan Bội Châu vừa ngưỡng mộ nhân vật trung nghĩa, vừa ngợi ca nhân vật ẩn sĩ. Trong những trứ tác của ông, như “Bình Tây thu Bắc”, “Song Tuất lục” và những bài phú, như “Nhân tâm thuyền, đạo tâm đà” “Đào viên kết nghĩa, Dân an canh tang, sĩ lệ danh tiết”, “Xuân Thu hoá công”, “Hồ thượng khoá lư”, “Cộng biển chu du Ngũ Hồ”, “Kỳ cục tiêu trường hạ”, “Song tiền thảo bất trừ”, “Phù hải”, “Phóng ngưu Đào Lâm dã”, “Trương Lương từ Hán vương quy Hàn”, hai nhân vật - nhân vật trung nghĩa và nhân vật ẩn sĩ - đã được khắc hoạ. Là con người cấp khích, hành động táo bạo, Phan Bội Châu nuôi hoài bão làm nhân vật trung nghĩa và đã từng thử làm nhân vật ứng nghĩa cần vương. Vì vậy, bạn đọc không lấy làm lạ: năm 1907, khi đã ở trên đất Nhật Bản cảm hứng của Phan Bội Châu về nhân vật trung nghĩa vẫn rất tràn đầy, cảm hứng đó được thể hiện trong “Sùng bái giai nhân”.

Thế nhưng, sự nghiệp cứu nước gắn với duy tân đất nước đòi hỏi ở văn học đầu thế kỷ XX những nhân vật văn học mới, ngang tầm với những nhiệm vụ lịch sử của thời đại.

Phan Bội Châu - người nuôi hoài bão làm nhân vật trung nghĩa và đã khắc hoạ nhân vật trung nghĩa trong nhiều trứ tác của mình - chính là một trong những nhà chí sĩ đáp ứng đòi hỏi đó của thời đại: nhân vật hào kiệt tự nhiệm đã được phác vẽ trong các bài thơ “Du Đại Huệ sơn, cảm chiếm”, “Chơi xuân”, “Hải hồ khoan” và trong các bài phú “Hiệp Thái sơn khiêu Bắc hải”, “Bái thạch vi huynh” v.v... Nhân vật hào kiệt tự nhiệm được thể hiện như con người đứng cao hơn hoàn cảnh, coi khinh cái tầm thường, con người mang tầm vóc vũ trụ, “chí đã quyết thì Thái sơn cũng chỉ là gò đống, Bắc hải cũng chỉ là ao chuôm” [4] , con người “sinh thời thế phải xoay nên thời thế”, “nắm địa cầu vừa một tí con con”, có khả năng “đem xuân về lại trong non nước nhà”. [5]

“Từ nhỏ Phan Bội Châu đã tự hứa làm người hào kiệt, có lòng tin chắc chắn rằng chí đã quyết thì không có việc gì không làm nổi. Nhưng khi bước vào cuộc đời hoạt động cứu nước, ông mới thấy những người anh hùng mà sử sách ca tụng chỉ làm những công việc vĩ đại, họ quá xa lạ với mọi người. Phan Bội Châu quan niệm công việc cứu nước gồm nhiều việc lớn, nhỏ khác nhau, phải được toàn dân tộc tham gia, tuỳ tài tuỳ sức, mới đi tới thành công. Anh hùng phải là sự nghiệp của nhiều người, có người hữu danh, có người vô danh. Anh hùng không nên nổi lên giữa quần chúng như chim phượng giữa đàn gà; có thể có cả nhà đều anh hùng, cả làng đều anh hùng, cả nước đều anh hùng. Và ông muốn giáo dục, kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy làm như vậy để cứu nước. Nhưng sự thật cay đắng của những việc làm thất bại khiến Phan Bội Châu suy nghĩ nghiêm túc quan hệ giữa phẩm chất cá nhân và hoàn cảnh, giữa ý chí và quyết định của thực tế. Là người có lòng tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, thất bại chỉ làm ông rút ra bài học đứt tay hay thuốc, càng nhìn rõ sự nghiệp cách mạng là gian nan, lâu dài, không phải một người một lúc mà làm xong. Cho nên cũng có người anh hùng thành công và cũng có người anh hùng thất bại. Người anh hùng thất bại cũng làm được việc có ý nghĩa là khai đường mở lối cho người sau. Đầu tiên sách vở thánh hiền khiến Phan Bội Châu sùng bái tấm gương những người trung nghĩa, sau đó làm người hào kiệt dẫn ông đến ngợi ca, thán phục những phẩm chất đặc biệt của những anh hùng cá nhân; nhưng khi tiếp nhận chủ nghĩa xã hội, thì Phan Bội Châu xét duyệt lại quan niệm anh hùng của mình, phủ định những người anh hùng tôi tớ cho một dòng họ, anh hùng vì danh vọng cá nhân, hy sinh vì chúa, vì người tri kỷ và khẳng định những người anh hùng vì nước, vì dân, vì công nông, hy sinh vì lợi ích chung. Người anh hùng lý tưởng của Phan Bội Châu ngày càng có tính nhân dân, càng có tính cách mạng hơn.

Tất cả suy nghĩ, cảm xúc của Phan Bội Châu tập trung vào vấn đề giành chủ quyền dân tộc, vào nước, vào dân. Dân, theo ông, là người quốc dân gắn với nước, chứ chưa gắn với chế độ kinh tế - xã hội. Tư tưởng dân chủ đã làm Phan Bội Châu đưa người đàn bà và người nông dân vào hàng ngũ anh hùng. Một mặt, điều đó có nghĩa là chủ trương sự bình đẳng xã hội; mặt khác, trong tư tưởng của ông, cách mạng giải phóng dân tộc tuy có gắn với duy tân, nhưng lại chưa đặt ra vấn đề kinh tế và xã hội cụ thể, chưa chú ý vấn đề giải phóng phụ nữ, giải phóng nông dân. Cô Chí là người phụ nữ yêu nước, biểu lộ phẩm chất anh hùng trong hoạt động cứu nước, chứ không có ý thức làm như vậy để giải phóng phụ nữ. Ông Xí, ông Võ là những nông dân anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng không nghĩ giành độc lập để giải phóng nông dân. Người anh hùng của Phan Bội Châu là anh hùng cứu nước. Nổi bật trong phẩm chất anh hùng đó là lòng yêu nước, yêu đồng bào, lòng căm thù xâm lược, áp bức dân tộc. Họ căm thù giặc ngoại xâm, chứ không phải căm thù áp bức, bóc lột; căm thù cường quyền, chứ không phải căm thù sự thống trị giai cấp. Tuy không đủ sức xây dựng những anh hùng ấy thành những nhân vật văn học sâu sắc, Phan Bội Châu cũng đã làm nổi lên trong văn học bộ khuôn của người anh hùng mới có ý thức về nhân cách làm người Việt Nam, không chịu nhục, không quỳ gối trước cường quyền. Say mê tự do, người anh hùng muốn sống phóng khoáng, không chịu ràng buộc, “không tự do thà chết”, “sẵn sàng đem máu mua lấy quyền tự do”, “lấy máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Đó là con người sống vì lý tưởng, sống có mục đích: vì nước, vì dân và bởi vậy họ làm việc không tiếc sức, “không ưa sự nhàn rỗi”, “mạo hiểm để lo toan”, khắc phục khó khăn một cách bền bỉ, không đầu hàng, lùi bước. Người anh hùng mới chỉ nghĩ đến việc chung, không tính toán cho cá nhân. Phan Bội Châu đã xây dựng thành công mẫu người cách mạng sống theo tình nghĩa mới: tình đồng chí trong một tổ chức xã hội mới là đảng, đoàn thể. Ông đem đạo lý làm người vì dân, vì nước mà hy sinh thay cho đạo lý trung, hiếu của Nho gia.

Người anh hùng của Phan Bội Châu còn ở khoảng cách khá xa so với con người của cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng lại chuẩn bị rất nhiều cho mọi tầng lớp nhân dân sẵn sàng đi theo lá cờ yêu nước mà đảng của vô sản giương cao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chủ nghĩa anh hùng và nhân vật anh hùng của Phan Bội Châu đã góp phần đáng kể bồi dưỡng nên một phẩm chất đặc biệt của người cộng sản Việt Nam: yêu nước, tình nghĩa đồng chí, gắn bó với dân tộc”. [6]

Phan Bội Châu trở thành “ông già Bến Ngự”. Điều đó thật sự gây chấn động lớn đối với ông:

Những ước anh em đầy bốn biển,
Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian. [7]

Phan Bội Châu viết rất nhiều thơ. Viết để bộc lộ “khối huyết uất trong lòng” [8] . Người đọc thấy rõ cái tôi trữ tình của một con người đã từng thử sức vá trời lấp biển trong suốt hai chục năm, của con người được thể hiện trong thơ của “ông già Bến Ngự”:

Chẳng cả gan sao dám đỡ trời?
Tầng phen gió dữ chửa đành thôi.
Trông Nghiêu bốn bể cần nương bóng,
Khổ Kiệt muôn dân khát thấy hơi.
Năm sắc gấm thêu toan dệt nước,
Bốn phương, son mực thử xoay đời.
Phun mưa rồng hỡi chờ ta chứ,
Giữa đám xanh xanh vẫn sẵn ngời . [9]

Trong lòng “ông già Bến Ngự” cuộn chảy dòng sông hồi ức về những năm tháng hào hùng trên con đường đấu tranh để cứu nước, phục quốc. Không có dòng sông ấy, làm sao nhà thơ già yêu nước có thể viết được những câu thơ như thế này:

Cơn xung muốn dậy đe trời chọc. [10]

Bắt lũ kình nghê nhốt lại chơi. [11]

Cả nư dám hỏi trời cao thấp,
Chờ bắc thang rồi thẳng bước lên. [12]

Gần trời sẵn nhịp ôm trời đứng,
Vào đất ghe phen đội đất lên. [13]

Âu là vùng vẫy cho trời biết,
Dốc bể dời non thử sức chơi. [14]

Mở mắt thoạt thấy vừng đông dậy,
Dốc rượu khoác trời chơi với ông. [15]

Sẵn nhịp vui chân vào quảng nguyệt,
Ngó xuôi trần thế vuốt râu cười. [16]

Phan Bội Châu viết những câu thơ không một gợn buồn:

Trường thất bại chẳng qua là bài học,
Cuộc thành công một chốc ở sau cùng!
Già xem bọn trẻ vẫy vùng! [17]

Ai là tuổi trẻ lo gắng lên. [18]

Kìa thanh niên: Tới! Tới! Tới! [19]

Phan Bội Châu đe doạ cái xã hội thuộc địa - nửa phong kiến:

Xoay chuyển càn khôn sẽ có ngày. [20]

Nhưng cũng chính Phan Bội Châu đã viết:

Đầm đìa giọt lệ kìa ai đó,
Ta sẽ lên thành hỏi cột cờ . [21]

Cả gan dám nói linh hơn vật,
Có vật nào ngu tựa giống người? [22]

Loài gì ác nhất, ấy loài người. [23]

Thậm chí người đó viết:

Hương sáp khẩn cầu nhân loại diệt,
Mình cùng diệt nốt, sướng kinh đời. [24]

Như vậy, trong thơ Phan Bội Châu sự hào hùng, mạnh mẽ đan xen với sự yếu đuối, bi luỵ; niềm hy vọng có thể xoay chuyển được đất trời, niềm tin vào thế hệ trẻ của đất nước nằm bên cạnh sự bi quan, tuyệt vọng…

Sự dằng xé như thế xảy ra thường trực trong tâm hồn "ông già Bến Ngự". Có lẽ câu hỏi sau đây đã lặp đi lặp lại nhiều lần nơi ông:

Chân không sao muốn đá trời,
Tay không sao muốn lấp vời dời non? [25]

Và câu thơ này nói lên sự đau đớn tột cùng của Phan Bội Châu:

Sức mạnh hồi thiên dạ ngẩn ngơ. [26]

"Ông già Bến Ngự" xoáy sâu sự suy nghĩ vào phẩm cách của con người mình trong hai mươi năm bôn tẩu lo cứu nước, phục quốc:

Mây gió xoay tròn đầu ngọn bút,
Càn khôn chất lỏng nửa tròng ngươi. [27]

Phải, con người ấy, tại thời điểm ấy, là con người hành động với ý chí "không việc gì không xong, việc không xong quyết là không có trời". Và, một khi "ông già Bến Ngự" đã xoáy sâu và dừng lại lâu, triền miên sự suy nghĩ của mình ở phẩm cách của con người ấy, tất nhiên ông hiểu sâu sắc sự nghiệt ngã của lịch sử khi đối sánh hành động và kết quả:

Cố đôi xác thịt, đôi không đặng,
Toan vớt đồng bào, vớt chẳng xong.

Thế là lệ của "ông già Bến Ngự" đầm đìa những câu thơ của ông. "Ông già Bến Ngự" phải "mượn chén rượu người xối cục uất" [28] . Ông thường uống rượu một mình ở ngôi nhà cỏ của ông và cũng hi hữu uống rượu với bạn thơ ở cả trên lá thuyền thả trên sông Hương:

Trăng lồng đáy chén say cùng cúc,
Cá lượn lưng tròng dạn bóng câu. [29]

Không phải không có người chia sẻ tâm sự đau buồn của "ông già Bến Ngự" [30] . Vấn đề là ở chỗ: sau khi "ông già Bến Ngự" "đã cồng khua mõ gióng hoài" [31] kêu gọi quốc dân hành động cứu nước, phục quốc, nhưng không thấy ai trong đồng bào của ông hưởng ứng. Phan Bội Châu không hiểu rằng phong trào yêu nước đã đi theo hướng mới do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. "Ông già Bến Ngự" rơi vào tâm trạng cô đơn, lạc lõng trước chính đồng bào của ông. Ông hầu như chỉ còn làm bạn với trăng và với cái bóng của mình:

Vắng bạn say liều khuyên bóng múa. [32]

Đụng câu gì khó thưa thầy bóng. [33]

Đọc những câu thơ sau đây, độc giả có thể nghĩ rằng "ông già Bến Ngự" vùng vẫy chống lại sự mệt mỏi vì tâm trạng cô đơn, lạc lõng ấy:

Sáu mươi bảy tuổi còn trai tráng,
Mò bụng quên mình bạc cả đầu. [34]

Mò tim quên quách chòm râu bạc,
Bảy chục còn nghi tuổi mới ba. [35]

Vốn là con người hoạt động cứu nước, phục quốc và cứu đời, "ông già Bến Ngự" hướng thơ mình vào nhiều kiếp người khốn khổ trong xã hội lúc đó. Ông là tác giả của hàng loạt bài "thơ bình dân": "Đứa con ăn mày", "Phu xe than trời mưa", "Nhà nông than bão lụt", "Đêm thương bạn bán bánh rao", "Sau trận bão Quy Nhơn", "Khổ trời mưa lạnh dai", "Dân bị bão lụt kêu trời" v.v…

Trong thơ của "ông già Bến Ngự" tồn tại cả cái tôi trữ tình hướng nội, cả cái tôi trữ tình hướng ngoại, bộc lộ nỗi đau lớn trong lòng ông:

Đau lòng có một người,
Hỏi ai, ai biết ai? [36]

"Ông già Bến Ngự" viết một số truyện, như "Tai hồng", "Ai mơ", "Dây và dao", "Truyện ông lý Hô", "Anh Khờ", "Kềnh và Càng". Nhân vật Khờ trong "Anh Khờ" được mô tả như một trang nghĩa hiệp, đã lập mưu giết tên cướp Khôi ở xã Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đưa lại cuộc sống bình yên cho dân lành nơi đây. Sau vụ đó Khờ bỏ xứ Nghệ vào Quảng Nam làm cu-li (coolie) đường sắt ở phủ Thăng Bình; ngoài việc làm công lấy tiền, Khờ còn đón đường người buôn xin gánh thuê, "làm ăn có tiền bạc bộn bàng, ở trong lưng của Khờ thường có năm ba muôn bạc'' [37] . Nghe kể ở phủ Tam Kỳ có bá hộ Hùng giàu lên gấp mười thuở xưa nhờ cho nông dân vay một trả hai, khiến cho họ đang sống nghèo khổ vì xâu thuế phải rơi vào cảnh phải bán vợ đợ con - Khờ liền bỏ việc làm cu-li để trở thành người đi đòi nợ thuê cho tên bá hộ này. "Bây giờ Khờ được đi làm khách đòi nợ, Khờ lấy tiền mình ra giúp cho người ta, đến nhà nào có nợ ít thì Khờ giúp cho ít, hễ nhiều thì Khờ giúp cho nhiều. Vậy nên những nhà nào có nợ mà đụng Khờ tới đòi, thì ít nhiều tất có trả ngay''. Khờ lập mưu đốt toàn bộ khế ước của các con nợ và giết bá hộ Hùng, rồi ra đi, "không biết đi đâu". Kinh nghiệm của Phan Bội Châu trong những ngày sống với những người du hiệp, lục lâm và được những người này giúp đỡ, chở che khi ông hoạt động cách mạng ở trong nước đã ảnh xạ vào tính cách của nhân vật Khờ và đằng sau nhân vật này là cái tôi trữ tình của "ông già Bến Ngự".

Câu nói cuối cùng của Kềnh để kết thúc truyện "Kềnh và Càng" bộc lộ rõ ràng, trực tiếp cái tôi trữ tình của tác giả. [38]

Những câu thơ, như "Xoay chuyển càn khôn sẽ có ngày", "Bắt lũ kình nghê nhốt lại chơi", "Cơn xung muốn dậy đe trời chọc"… và những nhân vật, như Kềnh, Càng… không dễ an ủi, vỗ về "ông già Bến Ngự".

"Ông già Bến Ngự" không theo triết lý hành tàng, xuất xử như các nhà nho xưa; nhưng thất vọng với xung quanh đến mức dằn dỗi thốt lên: "Thế giới e không chẵn nửa người" [39] , thì ông cũng muốn say tít, quên hết, thây kệ mọi người, đi tìm giữ cái thanh cao của riêng mình. Ông cũng bất đắc chí như các ẩn sĩ xưa và đi theo con đường thơ, rượu, gió trăng như các ẩn sĩ xưa. [40]

Ông cũng tự gọi mình là "trượng phu kềnh'' hay "ông kềnh'':

Một ông kềnh và một nốc con con,
Chở từng ấy nước non e chửa nặng. [41]

Và cũng ca tụng cuộc sống của cây thông:

Giữa trời ta đứng ta reo nhỉ,
Một cụm xanh xanh, một cụ tùng. [42]

Thế nhưng, các ẩn sĩ xưa thì di dưỡng tính tình, giữ khí tiết thanh cao bằng cách vui với thơ, rượu, gió trăng; còn "ông già Bến Ngự", người từng hai mươi năm "cố đôi xác thịt…", "toan vớt đồng bào…" để "đem xuân về lại trong non nước nhà", thì không thể gò mình vào trong những thú vui ấy: "ông già Bến Ngự" trăn trở, vật vã và, không khắc phục được tư tưởng chủng tộc để có thể hiểu sâu và hiểu đúng những mâu thuẫn xã hội-giai cấp, "ông già Bến Ngự" không ngủ được, càng lăn lộn thân xác, quặn đau tấc lòng:

Bánh mì

Mì kia gốc phải nước mình không?
Nghe thấy rao mì thốt động lòng.
Chiếc bóng não nùng mùi khách lạ,
Bát cơm đau đớn máu cha ông.
Văn minh những vỏ chưng ba mặt,
Thấm thía tim gan ứa mấy dòng.
Nhớ lại sáu mươi năm trở ngược,
Mì say lắm kẻ bán non sông. [43]

Gà trống lai

Tạo hoá khen cho khéo đặt tài,
Ra tay vắt nặn giống gà lai.
Mẹ vàng cha trắng lông chen sắc,
Cựa võ mào văn gáy chắc tay.
Sắc móng cao chân hay bới bếp,
Khiếp chồn sợ cáo cũng khoe tài!
Gà này nghĩ thiệt là vô dụng,
Bôi mặt đà quên nghĩa giống nòi. [44]


Loại thể văn chương Phan Bội Châu

Phan Bội Châu sử dụng hầu hết các loại thể văn chương thời trung đại: thi, phú, lục, kinh nghĩa, văn sách, thư, đối, liễn, văn tế, tạp ký, biên khảo, liệt truyện, tiểu thuyết chương hồi, tuồng. Trong những loại thể ấy, phú đã đưa ông thành đầu xứ San với bài "Hồ thượng khoá lư", rồi sau đó Phan Bội Châu được thừa nhận là "người hay chữ nhất nước" với bài "Bái thạch vi huynh". Ở thể phú, Phan Bội Châu đã viết lời văn mỹ lệ, bút pháp khoa trương, âm điệu hùng tráng, gây hiệu ứng tư tưởng - nghệ thuật mạnh mẽ, thấm sâu. Lời văn mỹ lệ, bút pháp khoa trương, âm điệu hùng tráng cũng làm cho nhiều bài thơ của ông, như "Chơi xuân", "Đông du ký chư đồng chí", "Hải ngoại huyết thư", "Nam hải bô thần ca" v.v… có sức lôi cuốn mãnh liệt, khác nào "miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa tâng không mù cuốn mây tan, tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ". [45]

Từ khi xuất dương, trên cương vị lãnh tụ chính đảng, Phan Bội Châu làm công việc tổ chức, tuyên truyền, ngoại giao - những công việc ngoài văn chương, hoàn toàn mới mẻ với các nhà nho xưa [46] ; văn chương ông viết lúc bấy giờ, như những lời kêu gọi, tuyên ngôn, chính cương của đảng, những bức thư ngoại giao, sách biên khảo lịch sử Việt Nam, là những thứ văn chương được viết theo quan niệm văn học nhà nho và hình thức nghệ thuật còn chịu ảnh hưởng văn xuôi cũ (biền văn) [47] . Những thứ văn chương ấy không mấy khác biệt với hịch, chế, chiếu, biểu, sử, khảo biện… từng tồn tại trong văn học thành văn trung đại Việt Nam.

Phan Bội Châu viết tuồng (tuồng Trưng nữ vương, văn Nôm; tuồng Việt Nam vong quốc thảm, Hán văn); viết tiểu thuyết (Trùng Quang tâm sử, Không trung duyên đều bằng Hán văn). Những sáng tác này có tính chất luận đề: minh hoạ cho đường lối cứu nước, phục quốc của Phan Bội Châu, thể hiện sự vận động tư tưởng của ông. Ở đây, không phải vì thấy thi pháp loại thể của những sáng tác đó hầu như không có gì khác biệt với tuồng pho và tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán vốn hiện diện trong văn học thành văn trung đại nước ta, rồi nhận định rằng Phan Bội Châu đã dùng bình cũ để đựng rượu mới. Ở đây, nếu vận dụng quan điểm về quan hệ giữa nội dung và hình thức của Hegel, rằng "nội dung chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của hình thức vào nội dung, và hình thức chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của nội dung vào hình thức" [48] , thì nhà nghiên cứu văn học có thể thấy tuồng pho và tiểu thuyết của Phan Bội Châu là một bước tiến về cả nội dung nghệ thuật lẫn hình thức nghệ thuật so với tuồng pho và tiểu thuyết chương hồi bằng chữ Hán trước đó; trong những điều kiện như thế, cái mới của nội dung nghệ thuật không thể mới như nó cần có và hình thức nghệ thuật cũng không thể được vạch ranh giới rõ ràng với hình thức nghệ thuật cũ.

Tương tự điều nói trên, có thể nhận định giữa liệt truyện, truyền kỳ với truyện bằng Hán văn, truyện bằng tiếng Việt của Phan Bội Châu là có khoảng cách về cả nội dung nghệ thuật lẫn hình thức nghệ thuật, nhưng khoảng cách đó không đủ rộng để đưa những truyện ấy của ông tiếp cận với truyện ngắn hiện đại, mặc dù khi viết truyện bằng tiếng mẹ đẻ, Phan Bội Châu có vẻ như muốn làm điều này…

Thơ của Phan Bội Châu đã khác biệt thơ của văn học thành văn trung đại Việt Nam, cả về hai phương diện nói trên. Nhưng thơ ông không bứt phá được ra khỏi thơ cũ. Phan Bội Châu không hiểu thơ mới, mặc dù ông tuyên bố đã làm những bài thơ mới và công bố chúng [49] . Ở những bài thơ của Phan Bội Châu mà ông coi là thơ mới, không hiện diện một yếu tố không thể thiếu của thơ mới: cái tôi trữ tình cá nhân của con người cá nhân (individu). Ở những bài thơ thiên nhiên của Phan Bội Châu, bao giờ cũng có tính chất lưỡng trị như ở những bài thơ thiên nhiên của các nhà nho xưa: một mặt, sở dĩ bức tranh thiên nhiên được mô tả vì tác giả cần đến chức năng diễn đạt thế giới nội tâm con người của nó (không khi nào lại có một bức tranh tự nó, thiếu chức năng này); mặt khác, một bức tranh thiên nhiên trong thơ ca xưa luôn luôn là chính nó, luôn có tính độc lập và hoàn chỉnh [50] . Đọc những bài thơ thiên nhiên của Phan Bội Châu, như "Đêm đi thuyền", "Đêm chơi sông Hương, ký sự", "Hoàng mai", bạn đọc cảm nhận rõ tính chất lưỡng trị nói trên. "Trái lại, trong thơ mới, một bức tranh thiên nhiên được miêu tả bao giờ cũng có tính đơn trị: hoặc là nó được chủ quan hoá cao độ (được phổ các nét nhân tính), hoặc là một bức tranh được miêu tả khách quan không có tình trạng lưỡng trị như thơ cũ". [51]

"Ông già Bến Ngự" làm rất nhiều thơ. "Thực ra, thơ không phải là đất dụng võ của Phan Bội Châu. Từ khi còn là cậu khoá San, Phan Bội Châu đã tìm ra miếng đất khác thích hợp hơn với văn phong của mình: thể phú. Tất nhiên, không phải con người nổi tiếng hay chữ ấy không làm được thơ hay, nhưng ông không thuộc loại có khiếu hào hoa, phong nhã, "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Ông thiếu cái nhìn tinh tế, cảm xúc lắng đọng, tâm sự sâu kín, từ chương tao nhã, tức là những cái tạo nên cái hay, cái đẹp cho thơ thất ngôn. Thành công lớn của Phan Bội Châu là khai thác cái đẹp hùng tráng, cao cả, cái mà ông đã dùng một cách đắc địa vào thơ văn tuyên truyền, cổ động [khi Phan Bội Châu hoạt động cách mạng ở nước ngoài]. Ngay cả khi viết truyện và tiểu thuyết, Phan Bội Châu cũng tìm cách mô tả cảnh hùng tráng, đem những câu biền ngẫu có giọng hùng tráng vào tô điểm cho bài văn. Từ sau khi về Bến Ngự, Phan Bội Châu ít viết phú, mà viết nhiều thơ thất ngôn, và lại viết vào lúc thơ mới lấn át dần địa vị thơ cũ. Ông viết đủ loại, từ phú đắc, đề vịnh đến cảm hoài, tức sự, đủ cả ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, bát cú trường thiên, cổ phong. Phan Bội Châu viết nhiều thơ trào phúng, đả kích. Ông thường lấy chuyện con muỗi, con vẹt, con gà, con chó săn… để đả kích quan lại, để phê phán nhân tình thế thái, tuy là trào phúng nhưng đả kích hơn là gây cười, dùng ngụ ngôn để phê phán đạo đức hơn là mô tả cái khôi hài, lố bịch. Ông cũng viết nhiều bài thơ tự trào; nhưng thơ tự trào của ông không nhằm cười đùa bằng cái hóm hỉnh, thông minh, mà bằng tiếng cười gằn trong hoàn cảnh cay đắng của mình. Thơ thất ngôn của Phan Bội Châu vẫn thuộc loại ký ngụ, phẩm bình, ngâm vịnh […]. Viết nhiều thơ thất ngôn và viết để gửi gắm tâm sự, đó là nét tiêu biểu cho con đường quay trở lại văn chương nhà nho ở Phan Bội Châu". [52]


Kết luận

Sau khi tìm hiểu những bình diện: con người Phan Bội Châu, quan niệm văn học của Phan Bội Châu, ngôn từ văn chương Phan Bội Châu, đề tài của văn chương Phan Bội Châu, nhân vật của văn chương Phan Bội Châu, loại thể văn chương Phan Bội Châu, chúng tôi nêu một số nhận xét sau đây.

Phan Bội Châu là nhà cách mạng vĩ đại nhất trong khoảng phần tư đầu tiên của thế kỷ XX ở Việt Nam. Đó là nhà cách mạng chống Pháp, cứu nước, phục quốc. Văn chương của ông là văn chương tuyên truyền, cổ động cho sự nghiệp chống Pháp, cứu nước, phục quốc ấy.

Phan Bội Châu là nhà nho, vì chống Pháp, cứu nước, phục quốc, đã trở thành nhà chí sĩ cách mạng. Phan Bội Châu dần dần trở lại là nhà nho trong những năm ông là "ông già Bến Ngự" ở Huế. Trong những năm đó, văn chương của ông cũng dần dần trở lại với văn chương nhà nho.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, Việt Nam dần dần trở thành thuộc địa của Pháp, thành thị ở Việt Nam tư sản hoá, Việt Nam trở thành một bộ phận của thế giới toàn cầu hoá lúc đó. Trong những điều kiện xã hội-lịch sử như thế, văn học Việt Nam đứng trước hai khả năng phát triển: hoặc thay đổi tiệm tiến văn học truyền thống để rồi đi đến văn học hiện đại; hoặc học tập văn học Pháp và văn học phương Tây lúc ấy để tiến thẳng vào văn học hiện đại.

Phan Bội Châu (và những người như ông) và Tản Đà [53] (cùng những người như Tản Đà) tuy cầm bút viết văn vì những mục đích khác nhau, nhưng đều đã hiện đại hóa văn học theo khả năng thứ nhất. Những trí thức Tây học đã hiện đại hóa văn học theo khả năng thứ hai.

Hiện đại hoá văn học Việt Nam cho tới thành công theo khả năng thứ nhất thì phải mất một thời gian lịch sử mấy trăm năm [54] và sau thế hệ Phan Bội Châu và Tản Đà phải có nhiều thế hệ khác nối tiếp, lại phải ở trong những điều kiện xã hội - lịch sử không xuất hiện khả năng thứ hai: những trí thức Tây học xông thẳng vào xây dựng văn học hiện đại.

Phan Bội Châu và các tác giả của văn học hiện đại Việt Nam tuy sống và viết văn trong những năm đầu thế kỷ XX, nhưng văn chương của Phan Bội Châu và văn học hiện đại Việt Nam, về bản chất, là rất xa nhau về không gian và thời gian, rất khác nhau về đặc điểm và tính chất. Văn chương của Phan Bội Châu và văn học hiện đại Việt Nam cần và có thể được coi là thuộc về những thời đại khác nhau và những thời đại đó cách nhau nhiều thế kỷ… Văn chương Phan Bội Châu đã góp phần thúc đẩy văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX phát triển, nhưng không phải là dấu nối giữa văn học trung đại với văn học hiện đại.
Đà Lạt, 2005

© 2008 talawas


[1]Điều này thể hiện đậm nét trong thơ. Những sáng tác văn xuôi, như "Tai hồng", "Ai mơ", "Dây và dao", "Truyện ông lý Hô", "Anh Khờ", "Kềnh và Càng" v.v… cũng cho thấy điều đó.
[2]Hãy theo dõi truyện "Kềnh và Càng". "Kềnh và Càng đã làm bạn với nhau hơn mười năm". Sau một thời gian xa nhau, Kềnh và Càng tình cờ gặp gỡ. Kềnh hỏi Càng: "Bấy lâu anh làm những việc gì?" Càng đáp: "Tôi chỉ làm có ba việc, nhưng mà đều là những việc rất to lớn, mà lại phải rất bí mật, có lẽ bây giờ chưa nói được với anh". Té ra "ba việc lớn" đó của Càng là ăn, ngủ, ỉa. Kềnh than với Càng về nỗi khổ của mình mỗi khi phải làm ba việc ấy. Càng: "Vậy có lẽ anh vụng hơn tôi đó mà. Tôi hỏi anh dùng thức Nam hay thức Tây?" Kềnh: "Tôi chỉ có thức Nam thôi chứ, tôi làm gì có thức Tây?" Càng: "Thế thì phải rồi, chết cho anh dùng thức Nam đó. Nếu anh ăn thời lên hàng cơm Tây, ngủ thời vô buồng Tây, ỉa thời ỉa cứt Tây, e sướng như trời". Kềnh: "Tôi tưởng anh nói làm sao? Chớ như thức anh làm như vậy thời tôi lạy anh." (Văn nghệ tuần báo số 25, ngày 26/1/1935. PBCTT, tập 7, tr. 364-365).
Ở truyện "Dây và dao", Phan Bội Châu tố cáo việc thực dân Pháp bắt đàn ông Việt Nam sang chiến trường châu Âu làm bia đỡ đạn, gây nên cảnh chết chóc, thương tật cho bao người: "[…] Thằng cu Nghêu vừa được một tuổi, thời bỗng đâu thế giới nứt nảy ra một cuộc đại chiến, nhà nước xuống lịnh trưng binh khẩn cấp. Nghe người ta nói: "Hễ nhà nước đánh được giặc thời những người quân công sẽ được mày đay, phẩm hàm". Lúc đó trong nhà tôi ăn chơi qua độ, nên sa sút quá nhiều. Hai đứa con tôi chỉ nhờ cậy vào mười ngón tay của vợ tôi mà qua ngày đỡ tháng. Trong mình tôi tuy có năm ba chữ Hán, nhưng chữ đó không thể mài ra mà ăn. Tôi nghe bạn rủ rập, bảo tôi rằng: "Gặp hội công danh, khi đó suy ra cũng có thể vinh thê ấm tử", nên trong nhà tôi tuy là cha con vui vẻ, chồng vợ sum vầy, nhờ vợ cũng đủ ăn đủ tiêu, mà cái thú thiên nhiên của gia đình không đón được cái bụng hư vinh của tôi. Tuy cũng có người bạn thương yêu tôi bảo rằng: "Đem thân làm bia đỡ đạn mà ao ước tượng đồng, tượng đồng đó có quan hệ gì đến "vu" (vous là anh) đâu, mà "vu" nóng nảy?" Nhưng lúc đó, trong óc tôi chỉ chăm chăm vào tranh ngôi làng, doạ em út, nên cái tiếng người bạn nói đó nghe ra lạt lẽo. Tôi mới hớn hở ra ứng mộ. Mang thân đến đất khách quê người, đầu ngọn gươm mũi đạn, bỏ vợ tốt con yêu mà không quản. Tôi đến chiến trường chưa đầy một năm, thời chốc bị cái súng độc đạn của ai nó bắn vào hai con mắt tôi. Tròng hai con mắt tan ra như ruốc. Vào nhà thương nằm mấy tháng, tuy không chết, mà hai con mắt cha mẹ dành cho mình thời đã tất thảy hi sinh cho ai rồi". "Chiến cuộc xong, được thưởng bát phẩm tôi mới được mang thân về đất xứ, khắp mình dấu thuốc súng còn lốm đốm như da đồi mồi của ông tám chín mươi". Con đầu lòng chết vì bệnh dịch, vợ hiến thân cho "quan Hồng" để tạ ơn cưu mang trong cơn hoạn nạn. Bát phẩm Nguyễn Dục Tuyết nhờ ông đồ viết cho hai cái đơn ly hôn và nhượng thê. Nguyễn Dục Tuyết tự vẫn bằng dao, vợ anh ta là Hoàng Thị Mai cũng tự vẫn bằng cái dao ấy…
Phan Bội Châu nhấn mạnh: "Nghe ông bát Nghếch [Nghếch là tên con trai đầu của Nguyễn Dục Tuyết, Hoàng Thị Mai] đọc xong bức thơ ấy, tôi dở cười dở khóc, như ngẩn như say, không lấy gì chối cãi mà không viết được. Tôi chỉ than thở cho cái xã hội đã tạo ra vô số ác nghiệt ở nhân gian, đã làm tai hoạ cho bản thân cô Hoàng Thị Mai, làm tai hoạ cho gia đình ông Nguyễn Dục Tuyết… (PBCTT, tập 7, tr. 323-342).
"Lịch sử con Vá" của Phan Bội Châu thật điển hình đối với việc ông thường trực, bằng cách này hay cách khác, níu kéo người đọc vào chủ đề cứu nước, phục quốc: "[…] Trong lịch sử con Vá có nhiều chuyện như thế kể không hết. Duy có một việc này thì ở trong chủng tộc chó, e con Vá là "độc nhất vô nhị", là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn, thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con chúng bả chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bả. Mấy ông trộm ở xung quanh cứ hết sức bả nó, bả mãi bả hoài, mà không bả được nó, vậy nên Vá mới sống được đến ngày nay. Tên tớ giữ nhà như con Vá mà nó chết trước tôi, tôi không thương nhớ nó sao đặng?
Giá như người tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa, vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà, thời từ xưa đến nay làm gì còn có vong quốc sử nữa ư? Tôi nghĩ đến mà tôi phải đắp mả dựng bia cho nó, khách còn bảo tôi đa sự nữa ru? Ôi! Khách chưa nghĩ đó mà!" (Trung Kỳ tuần báo số 14, ngày 15 tháng 4 - 1936. PBCTT, tập 7, tr. 378-382).
[3]"Thư kính gửi toàn quyền Đông Dương" [Pierre Pasquier], PBCTT, tập 7, tr. 433.
[4]"Hiệp Thái sơn khiêu Bắc hải".
[5]"Chơi xuân", PBCTT, tập 1, tr. 175.
[6]Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam 1900-1930, in lần 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 151-153.
[7]"Từ giã bạn bè lần cuối cùng", PBCTT, tập 8, tr. 394.
[8]"Mấy bài cổ phong, bài II", PBCTT, tập 8, tr. 170.
[9]"Hoạ bài thơ "Mây"", PBCTT, tập 8, tr. 172-173.
[10]"Trả lời khách, I", PBCTT, tập 8, tr. 152.
[11]"Phú đắc: giang hồ mãn địa nhất ngư ông", PBCTT, tập 8, tr. 132.
[12]"Tự trào", PBCTT, tập 8, tr. 254.
[13]"Ghét mình sống, III", PBCTT, tập 8, tr. 257.
[14]"Bước đường đời", PBCTT, tập 8, tr. 408.
[15]"Chép chiêm bao đêm gần tết", PBCTT, tập 8, tr. 318.
[16]"Sắp xuất dương" [sắp chết], PBCTT, tập 8, tr. 254. Hãy so với bài thơ của Tản Đà:
Muốn làm thằng cuội
Đêm thu buồn lắm, chị Hằng ơi!
Trần giới em nay chán nửa rồi!
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió cùng mây thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Cùng nhau trông xuống thế gian, cười!
("Khối tình con I", Tản Đà toàn tập, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002, tr. 103).
[17]"Bài hát giải ưu", PBCTT, tập 8, tr. 253.
[18]"Tết", PBCTT, tập 8, tr. 166.
[19]"Năm 1937", PBCTT, tập 8, tr. 331.
[20]“Tặng bạn gái, I”, PBCTT, tập 8, tr. 156.
[21]“Phong vị xứ Huế”, PBCTT, tập 8, tr. 402.
[22]“Đêm không ngủ”, PBCTT, tập 8, tr. 205.
[23]“Đêm không ngủ”, PBCTT, tập 8, tr. 205.
[24]“Đêm không ngủ”, PBCTT, tập 8, tr. 205.
[25]“Đêm trăng hỏi bóng”, PBCTT, tập 8, tr. 215.
[26]“Hoạ bài thơ “Mùa đông” của người khác”, PBCTT, tập 8, tr. 405.
[27]“Đọc tập thơ ông Cao Bá Quát, đề hậu ba bài, bài I”, PBCTT, tập 8, tr. 210.
[28]“Mấy bài thơ cổ phong, bài II”, PBCTT, tập 8, tr. 170.
[29]“Cùng bạn uống rượu chơi thuyền”, PBCTT, tập 8, tr. 217.
[30]Tương Phố và Nguyễn Vỹ đã làm điều này.
[31]“Bán mình”, PBCTT, tập 8, tr. 121.
[32]“Mồng 5 tháng 5”, PBCTT, tập 8, tr. 176.
[33]“Chấm sách”, PBCTT, tập 8, tr. 176.
[34]“Ngẫu đắc”, PBCTT, tập 8, tr. 212.
[35]“Đọc tập thơ ông Cao Bá Quát, đề hậu ba bài, bài II”, PBCTT, tập 8, tr. 210.
[36]“Vào thành”, PBCTT, tập 8, tr. 219.
[37]“Anh Khờ”, PBCTT, tập 7, tr. 325.
[38]Xem PBCTT, tập 7, tr. 365.
[39]"Vô đề", PBCTT, tập 8, tr. 193.
[40]Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam 1900-1930, tr. 158-159.
[41]"Hỏi anh trời ở thuyền gặp mưa gió", PBCTT, tập 8, tr. 135.
[42]"Vô đề II", PBCTT, tập 8, tr. 193.
[43]PBCTT, tập 8, tr. 382.
[44]PBCTT, tập 8, tr. 302-303.
[45]Huỳnh Thúc Kháng, "Văn tế cụ Sào Nam", PBCTT, tập 1, tr. LXXII.
[46]Nhưng nhiều nhà nho lúc đó ở Đông Á đã làm.
[47]Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam 1900-1930, sách đã dẫn, tr. 112.
[48]der Inhalt nichts ist als das Umschlagen der Form in Inhalt, un die Form nichts ist als Umschlagen des Inhalt in Form. Dẫn theo Hoàng Ngọc Tuấn trong "Vấn đề hình thức và nội dung, cái mới và cái đẹp (một cuộc đối thoại giả tưởng)", 03/1999 - 08/2001. www.tienve.org.
[49]Xem chú thích (43).
[50]Trần Nho Thìn, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr. 374.
[51]Trần Nho Thìn, sách đã dẫn, tr. 374. Hãy đọc "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mà thu tới,
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Hơn một loài hoa đã rụng cành,
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...

Mây vẩn từng không chim bay đi.
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?

Và “Bến đò ngày xưa” của Anh Thơ:

Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu trơ vơ.

Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.

Ngoài đường lội hoạ hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và hoạ hoằn một con thuyền đến chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.

Thiên nhiên trong "Đây mùa thu tới" được Xuân Diệu chủ quan hoá cao độ; còn trong "Bến đò ngày xưa", Anh Thơ cố gắng mô tả khách quan cảnh vật trong mưa ở một bến đò quê hương nữ sĩ.
[52]Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam 1900-1930, sách đã dẫn, tr. 161-162.
[53]Chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.
[54]Như ở châu Âu, quá trình hình thành văn học hiện đại phải mất một thời gian lịch sử từ thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIX. Văn học hiện đại châu Âu, điển hình là văn học hiện đại Pháp, đã hình thành dần từng bước trong lòng của chế độ phong kiến (féodalité): dòng văn học thị dân mang tính chất tư sản lớn dần lên, dòng văn học dân gian, dòng văn học kỵ sĩ… ngày càng thị dân hoá bị hút vào dòng văn học thị dân, phản ánh cuộc đấu tranh về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đạo đức của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến và, cuối cùng, trong khoảng nửa đầu thế kỷ XIX văn học hiện đại được khẳng định.