trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thể thao
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
31.5.2002
Thế Mạc
Bóng đá - cuộc chơi khắp hành tinh
 
Con người lao động, con người tư duy lúc hết đói khát, âu lo, sợ hãi, từ xưa biến xung quanh thành góc sân chơi, mọi đồ vật tìm thấy thành đồ chơi. Họ chơi chữ, chơi âm thanh, gõ ngón tay lên mặt trống, đánh khăng, đánh đáo, vùi bùn, ném tuyết. Chẳng một ai khác, chính thi hào Friedrich Schiller lại viết: “Con người chỉ hoàn toàn là người khi nó đùa chơi”. Có lẽ đúng cả với nhân quần khi xem người khác chơi: đá bóng chẳng hạn.
V...v...à à...à... ào...ào! Âm sắc vi vu như gió chạy dậy thành biển reo hò ngạc nhiên, phấn khích trên sân bóng, trước màn hình. Có lẽ bóng đá hợp lẽ tự nhiên nhất trong các trò chơi. Sự kết nối rất lô-gic dạng thức hoàn hảo với lực tiềm ẩn. Dạng thức hoàn hảo: quả bóng tròn hoàn tất mọi đối xứng. Lực tiềm ẩn: sức hút trọng trường hút bóng về mặt đất và chỉnh nhận điểm dừng dưới tác động bàn chân. Bóng đá, chính bóng đá nhiễm sức hút ấy, làm nên cuộc chơi lớn toàn cầu!

Xung quanh những chuyện đơn giản nảy sinh những suy tư rắm rối. Chính vì thế có hẳn đội ngũ chuyên gia, lý thuyết gia, triết gia, thi sĩ, nhà văn bóng đá. Hơn hết thảy, trong cuộc sát nút còn bị chi phối bởi may mắn, số phận, tiền, danh, lời lãi và đàm tiếu v.v. mãi mãi còn có những cầu thủ giản hóa mọi suy tư, đấu pháp khiến cả đội ngũ phân tích bình luận phải cụt lời, hết nhẽ vì kinh ngạc. Tại trận tứ kết gặp đội Ba Lan World Cup 1938, Leonidas da Silva lướt bóng suốt từ đầu đến cuối sân, tuột ráo giầy trên chặng, đành chân trần sút lưới. Hoặc Garrinscha (Manoel dos Santos) mê hoặc người xem bằng nghệ thuật rê dắt thần kỳ đến nỗi nhà thơ Galeano phải kêu lên: “Anh đúng là người mang lại nhiều niềm hân hoan nhất trong lịch sử bóng đá”.
Một xã hội với những luật chơi khác: một mê trường mà bóng đá thành thuốc phiện cho nhân dân quên đi bất công và mọi nhiễu nhương thế sự, cho mọi người có thể tha hồ xả hơi nỗi bực dọc bằng hò hét, chửi bới văng mạng; một sa trường phân tranh thắng bại; một chiến trường vượt sợ hãi thách thức; một môi trường tìm ấm cúng trong kết nối cộng đồng, tập thể bằng biểu lộ thả phanh cá tính. Bóng đá còn là chính trường nhỏ cho các chính khách khéo biểu lộ sự gần gũi nhân dân (1), đấu trường khích động chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi, tính địa phương cục bộ, thương trường cho các trò cá cược và tạo ra những thần tượng và biểu tượng để thờ cúng chiêm bái, khán trường tạo mốt và trình diễn mẫu mã quảng cáo, thị trường kinh doanh của các câu lạc bộ đã trở thành siêu công ty… và sau rốt một hậu trường của nhiều tính toán, thỏa hiệp, móc ngoặc giao ước, giao tình để cùng ăn giải. So với những cú lừa ngoạn mục, gạt ba trợn như vậy giữa các quốc gia thi đấu (2), xem ra các hành vi thi ơn tình nghĩa của những đội Nam Định, Sông Lam Nghệ An nhà mình còn chưa đến nỗi hư hỏng, còn vô hại chán.
Cuộc chơi diễn ra 90 phút này còn là trận chiến, nên người ta gọi đó là trận chơi. Tại đó, tâm lý thắng bại được chứng nghiệm một cách không buộc ai phải rơi đầu đổ máu như ở các đấu trường La mã, nhưng lại nghiệt ngã đến nỗi gây thiệt mạng ở đám fan và hooligan trên khán đài (3). Tóm lại cuộc chơi cũng chính là màn trò của bi hài, sồ phận.

Toàn cầu hóa phong cách và chiến thuật

Từ khi tụt vào sâu ngạch kinh doanh dịch vụ, đạo đức bóng đá trở thành đạo đức lao động và chiến đấu. Cầu thủ Nam Mỹ, những nhà “bóng đá lãng mạn” nhìn nhận khác hẳn. Họ chê trách ảnh hưởng bóng đá Âu châu, các “lính đánh thuê cho điểm thắng” biến xiếc nghệ thành công việc, biến trò chơi thành đối tượng tính toán, biến nghệ thuật thành chiến đấu”. “Sự thiếu vắng fantasy làm tôi khó chịu…”, Cesar Luis Menotti, huấn luyện viên đội Argentina vô địch World Cup 1978 than thở như vậy về cái ông gọi là “bóng đá hữu”, trong khi “bóng đá tả coi cuộc chơi như ngày hội của fantasy”. Nhà thơ Uruguay Eduardo Galeano còn gay gắt hơn nữa với lời tố cáo “nền bóng đá frigid (lãnh đạm nữ dục) cuối thế kỷ chỉ cốt thắng điểm mà cấm kỵ hứng thú”.
Bóng đá Đức hiện thân cho trường phái Âu châu còn đặc biệt hơn nữa. Đời sống “luật căn” ở đất nước này mãi sẽ không sinh ra những cầu thủ xiếc nghệ được vỉa hè, rừng rậm tôi luyện. Hoàn cảnh không sao có những siêu thủ như di Stefano, Puskas, Maradona, Pelé, Cruyff, Zidane… bắt buộc phải sáng chế ra một lối chơi kèm riết. Vị trí hậu vệ thòng (Libero) mang chức năng lia quét dưới hàng hậu vệ vừa tổ chức phòng ngự, vừa kiến thiết bóng lên trung tuyến, mà Beckenbauer thực hiện xuất sắc là phát minh đặc biệt Đức. Các cấu thủ toàn đội luân phiên kèm người, bám đít ngặt theo chỉ đạo “Kìa đối thủ đi vào nhà xí, anh hãy kèm theo ngay”. Trong tình huống gay cấn xảy ra, họ sẵn sàng níu quần, chặt chân, phạt ngang, húc bụng đối phương trước vòng cấm địa. Với hệ thống kèm người rất khó coi, cộng thêm một thủ môn giỏi, mặt mũi thường hầm hố, ưa múa mênh, hay nhe răng như thầy dậy khỉ (4), đội Đức thành công bất ngờ. Thường may khi bốc gặp những đội yếu và lọt vào giải đá rất tầm thường, bao giờ đội Đức trong tiến trình thi đấu cũng đá lên chân trông thấy. Các thánh bóng đá vinh danh trong nước đều là những hậu vệ chắn bịt người xuất sắc như Liebrichs Tritt kèm dữ đến nỗi Puksas phát rồ trong trận chung kết 1954, như Berti Vogts canh ngặt Johan Cruyff hãm tài hẳn danh thủ này tại trận chung kết 1974. Tiền đạo Gary Liniker người Anh định nghĩa: “Bóng đá gồm 22 người chơi và cuối cùng Đức luôn thắng cuộc.”
Trước lối chơi duy lý, nhấn mạnh thể lực, lạnh lùng biến bóng đá thành hàng tiêu dùng khiến cái đẹp chết yểu, điệu samba điêu đứng, chính đội Brazil, năm lần tuột cúp trong quãng thời gian từ 1974 tới 1980, đã mau chóng copie chiến thuật và kỷ luật đá Âu châu, đoạt vô địch năm 1994.
Nhưng lịch sử túc cầu chứng kiến một cuộc cách mạng, khởi xướng từ một đất nước trước 1970 đáng hàng vô danh tiểu tốt trong làng bóng đá: Hà Lan. Các cầu thủ của họ chính là đại diện ưu tú của thế hệ 68 trên sân bóng. Chơi liên tục thay đổi vị trí, phối bóng sáng tạo trong tốc độ làm đối phương ngạt thở là đặc điểm nổi trội của “bóng đá tả” giải thoát cục diện bóng đá thế giới bế tắc. Trường bóng đá Ajax Amsterdam đào tạo, và để “chảy máu” mất một loạt cầu thủ toàn diện- như lời tiền đạo Ý Paulo Rossi - thay vị trí nhẹ như đang uống cà phê. Bóng đá tổng lực của họ làm nên chiến thuật phổ quát bố trí đội hình hiện đại 4-4-2 hoặc các biến thể 5-3-2 và 4-3-3 v.v.
Ngày nay không ai buồn sao chép bóng đá Đức nữa. Vừa đoạt vô địch World Cup 1990 một cách chán ngắt, Beckenbauer, xuất thân học nghề bán bảo hiểm, e hèm tuyên bố: “ Tôi thương phần còn lại của thế giới, nhưng quả đội bóng này nhiều năm sau không ai hạ nổi”. Ngay vào giải vô địch các quốc gia Âu châu hai năm sau, đội bóng do ông dầy công đào luyện bị đội Hà Lan và Đan Mạch bóp mũi. Chiến thuật chắn bịt người theo điều khiển của Libero (hậu vệ thòng) tượng trưng bản sắc bóng đá Đức cũng đại bại giải World Cup 1998 trong trận Đức gặp Croatia ba lần lập cập vá lưới (0-3). Những trận gần đây người xem có cảm tưởng như cấu thủ Đức đá bí như đá bí ngô. Ý thức được yếu kém của cầu thủ và sự xơ cứng của mô thức chơi: Libero tổ chức kèm cặp, ban bóng lên, đợi tả hay hữu biên tạt vào, một tiền đạo liền giơ sọ làm bàn, đợt này huấn luyện viên Rudi Völler đã cải tổ lại đội hình theo chiến thuật bố trí tổng lực chung.

Nhiệt đới hóa bóng đá

Năm 1998, nhà triết học Pháp Robert Redecker phát biểu : “Giải bóng đá thế giới là ngày hội của đồng tiền và sự đồng hóa nhân chủng toàn thế giới”. Bóng đá không tránh được điều tương tự xảy ra trong các ngành công nghiệp giải trí: sự biến dần các khác biệt quốc gia, sự xuất hiện một nền văn hóa đại chúng tiêu thụ bóng đá theo quy luật bắt buộc tước bỏ đi bản sắc, trừ bản sắc của người tiêu dùng. Thành phần đội tuyển Pháp 1998 biểu trưng toàn cầu hóa với đại diện năm lục địa: Phi Đen (Desailly,Thuram, Henry), Bắc Phi (Zidane), Nam Mỹ (Trezeguet, Lama), Á châu (Djorkaeff) Quần đảo Đại Tây dương (Karembeu), Âu châu (số còn lại) cho chúng ta hy vọng về đa văn hóa. Nhưng với tư cách là người nhận việc, các cầu thủ trên đều sẽ phải hành xử giống nhau ở cung cách quảng cáo và kinh doanh từng năm tháng tuổi đá, từng xăng ti mét thân thể mình.
Sự tham gia của người phương xa vào môn thể thao da trắng này mới được biết tới từ 78 năm nay thôi. Liệu “nigger” có biết đá bóng không? Câu hỏi này gây xôn xao dư luận mùa hè năm 1924. Đội bóng Nam Mỹ từ xứ Uruguay xa lắc, vừa cập bến bằng tầu biển vé hạng ba liền hạ Nam Tư 7:0 và đo ván Thụy Sĩ 3:0. Chưa bao giờ, ngoài lãnh thổ nước Anh, số khán giả đông tới 50.000 người sốt sắng hâm mộ tài nghệ rê phối bóng của cầu thủ Uruguay xuất chúng: Jose Leandro Andrade. Chạy sô lô 75 m qua 7 đối thủ, sút bàn ghi tỷ số 4-0, cầu thủ này làm nên huyền thoại về ma ma lực bóng đá đen lung lay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của dân da trắng vào thời điểm đó. Sau này, thế giới mới chùi mắt nhìn rõ viên ngọc đen làng bóng Pelé đăng quang ở ba giải vô địch.
Nhưng như đã đề cập, loài cây phương xa chưa bao giờ bén rễ trên đất Âu châu. Kết cục những nghệ sĩ Brazil hiện đại lại quay ra sao chép công thức khô khan của người Âu. Bực mình khi nhận định: “ Bóng đá hôm nay bị cầm tù trong những hệ thống phát minh nhằm phá hủy và cản trở cá tính…”, chính huấn luyện viên Zagallo, xưa kia ở giải World Cup 1970 từng mạnh bạo xung 4 tiền đạo danh tiếng Pelé, Jairzinho, Tostao và Rivelino, ở trận chung kết World Cup 1998, không biết nghĩ ngợi tính toán thế nào lại điều động có hai mũi tấn công (Ronaldo, Rilvando) trong đội hình chủ yếu kèm ngừa cho chắc ăn. Ông cùng toàn đội ra về với thất bại đớn đau trước đội Pháp.

Đợt sóng phương xa mới đây lại dấy lên từ châu Phi Đen. Năm 1990 cầu thủ rực rỡ Phi châu Roger Millar khiêu vũ ở góc cờ, và cũng hồn nhiên như vậy, vô tình đón nhận vai trò đứng đầu thay thế vị trí cầu thủ Nam Mỹ mà khán giả bấy lâu hằng mong đợi. Gây hứng thú ác liệt hơn vậy, các tuyển thủ Nigeria - các nhà “lãng mạn cuối cùng” như Cesar Luis Menotti kỳ vọng - đã thêm phần thuyết phục khán giả hành tinh bởi cách chơi hào hứng và ứng tác tự nhiên của họ.
Tuy nhiên “những nhà lãng mạn cuối cùng” này cũng sớm chai sạn qua trường lớp dạy bóp tiền của các câu lạc bộ châu Âu. Thay vì nghiên cứu địch thủ ở trận tiếp, cầu thủ đội Nigeria để ý hơn tới mánh thương lượng nâng cao giá tiền thưởng, đâm ra thua Đan Mạch, chịu khăn gói quả mướp sớm bay khỏi giải 1998. Cách đây mươi hôm (23.05.2002) đội Camerun trong máy bay còn om sòm tranh cãi đến độ phải dừng chặng đôi co về khoản tiền nong chính phủ hứa thưởng lọt giải mãi đến giờ chưa trả. Chuyến bay sang Nhật không thuận lợi cho sức khỏe và thi đấu kéo dài 42 tiếng đồng hồ.

Ai sẽ cứu nền bóng đá hôm nay? Người Á tại World Cup 2002 tổ chức tại Nhật bản và Hàn quốc chăng? Chủ tịch liên đoàn bóng đá Nhật phẩy tay tuyên bố: “Vô vọng! Người Nhật chúng tôi - hậu duệ của nông dân trồng lúa vốn ít vận động, còn người Âu xuất thân từ giống săn bắn lanh lẹ và hăng hái tấn công. Dám bứt khỏi đồng đội và phá thủng hàng phòng ngự đối phương sẽ là việc rất khó làm đối với chúng tôi”. Một lý thuyết xem ra đầy ý vị phương xa, khiến chúng ta thêm dè chừng với chính mình. Khác xa bản tính người anh em da vàng Việt Nam, khi luôn mồm ca cẩm sự kém cỏi, thiếu thông minh của nhân lực và nghèo nàn về tài lực đất nước, người Nhật bản luôn tạo ra những sự diệu kỳ.

Nói đến Nhật, các quốc gia còn lại bất giác ngoái nhìn sang Bắc Mỹ, xét thấy may rủi gì nơi tổng thống đương nhiệm của quốc gia siêu cường giỏi thiên thẹo trong việc giấu ý đồ thống trị hoàn cầu còn công dân của ông vẫn ham mê hơn thứ bóng méo?




(1) Các chính khách Đức (Edmund Stoiber, Theo Waigel, Jürgen Möllermann...) tham gia hội đồng quản trị của nhiều câu lạc bộ, rất thích xuất hiện trên sân vận động trưng vẻ dễ gần với món xúc xích nướng bình dân trên tay.
(2)“Liên minh không tấn công nhau” gây tai tiếng tại Gijon 1982: hai đội Đức và Áo ngầm thoả thuận nhau cùng vào vòng tiếp, mau chóng đạt 1-0. 80 phút còn lại hai đội chơi buồn tẻ một cách thảm hại. Hoặc tương tự, Liên xô và Cộng hòa dân chủ Đức thỏa tình anh em hữu nghị chơi hòa cốt cùng về vị trí 3 ở thế vận hội 1972 tổ chức tại Munich. Trò này cũng ngang nhiên lặp lại trong giải Tiger Cup 1998. Trước trận loại vào vòng cuối Indonexia đã đạt suất đi tiếp, Thái lan cần hoà. Nhưng cả hai bên đều không muốn tranh nhất bảng, e ngại vòng bán kết phải đá với đội chủ nhà Việt Nam hùng mạnh có khả năng vô địch. Chỉ mới 15 phút đấu trong trận trọng tài không hề thổi một tiếng còi, khán giả đã thất vọng ra về. Mãi tận phút cuối, đội Indonexia mới để “xẩy ra” một bàn thua mà thủ môn cố tình cho bóng hậu vệ đá trả về lọt lưới. Liên đoàn bóng đá châu Á phạt mỗi đội 40.000 Dollars.
(3) Năm 1985 trong trận xô xát giữa hooligan Liverpool và fan của Juventus Turin 39 người thiệt mạng.
(4) Bản thân người viết xem truyền hình ba thủ thành Đức với những cảnh Maier điên tiết, Schumacher đánh Battiston gãy 3 răng và Kahn nhe răng song phi vào đội bạn.