trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Pháp luật
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luậtDịch thuật
12.7.2004
Việt Lang
Khẳng định cùng Lý Đợi: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã… văn
 
[1]

Tôi rất đồng tình với một ý của bà Ý Nhi rằng: đã nói lên sự thật thì nên cần sáng tỏ. Trước khi đưa ra công luận, tôi cũng hiểu: rất có thể là những điều trình bày trong bài viết Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã… văn sẽ đụng chạm đến ai đó, nên tôi càng không ngạc nhiên về cách phản ứng – như của ông Lý Đợi. Cho rằng chẳng có gì để thanh minh về mình, tôi không định chùn bước. Tôi xin nêu ra thêm một số dữ kiện có liên quan đến sự việc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (NXBHNV) đã… văn mà mọi người biết đọc chữ Việt, đều có thể kiểm chứng.


1.

Việc tôi muốn chuyển bài viết của mình đến ông Nhật Chiêu, hoàn toàn không có ý “để thắng thua hay tỏ ra mình thế này thế nọ” (sic), mà với mục đích khác: ý kiến và thái độ của ông Nhật Chiêu như thế nào về hiện tượng sử dụng bài viết Herman Hesse... của ông làm Lời giới thiệu cho một quyển sách dịch được xuất bản mà không ghi tên dịch giả, đến hai lần.

Nay thì qua sự xác nhận của ông Lý Đợi, là: ông Nhật Chiêu đã đồng ý việc sử dụng bài viết Herman Hesse… làm Lời giới thiệu cho cuốn sách Câu chuyện dòng sông do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (NXBHNV) xuất bản.

Tôi cũng có đọc toàn bộ bài viết Hermann Hesse, người thắp lửa tâm linh của ông Nhật Chiêu, đều được in ngay phần đầu cuốn sách Câu chuyện dòng sông trong hai lần xuất bản (1992 và 2001), nên tôi đã nhắc đến bài viết Hermann Hesse… với ý đây là Lời giới thiệu cho quyển Câu chuyện dòng sông của NXBHNV. Còn về nội dung bài viết này có là Lời giới thiệu riêng cho quyển Câu chuyện dòng sông của NXBHNV hay không, chí ít vì tôi có biết đọc chữ Việt nên xin khẳng định thêm như sau: tại trang 3 của lần xuất bản năm 2001, ngay dưới tựa đề quyển sách có ghi trang trọng dòng chữ: “Nhật Chiêu giới thiệu”.

Đương nhiên là “tất cả sự trình bày cuốn sách (có tên dịch giả hay không có tên cũng thế) hoàn toàn không thuộc chủ trương, thẩm quyền hay trách nhiệm của Nhật Chiêu” và “Nhật Chiêu không (chữ VL thêm vào) có liên quan gì đến toàn bộ cuốn sách” . Ông Nhật Chiêu chỉ có mặt trong cuốn sách bằng một bài giới thiệu mà thôi. Cũng như ngược lại, chẳng ai có thể cấm ông Nhật Chiêu cái quyền từ chối đưa bài giới thiệu của mình vào trong ấn bản lần hai (2001) - sau khi “phàn nàn về thái độ làm việc dễ gây hiểu lầm” của NXBHNV trong lần xuất bản thứ nhất. Ông Lý Đợi thử đi hỏi ông Nhật Chiêu là có lại đi “phàn nàn về thái độ làm việc dễ gây hiểu lầm” của NXBHNV sau lần xuất bản thứ hai hay không?

Trong trường hợp này, kể cả ngay trong phản hồi từ ông Lý Đợi, tôi cũng không hề thấy một dấu hiệu thay đổi/chấm dứt từ ông Nhật Chiêu trong các lần xuất bản tiếp theo của NXBHNV về hiện tượng sử dụng Lời giới thiệu này. Tôi giả sử như vậy nhé: một ngày kia, NXBHNV liên kết với một nhà “Đao Van Booksh” nào đó lại cho ra đời Câu chuyện dòng sông với tên dịch giả X. khác cùng cái ruột vẫn là bản dịch của Phùng Khánh – Phùng Thăng, bên cạnh có mặt bài giới thiệu Hermann Hesse… thì ra làm sao nhỉ? Hoặc trong các vụ án xử hàng gian hàng giả, có bao giờ người giới thiệu sản phẩm chỉ cần tuyên bố rằng: sản phẩm hàng gian/giả này không phải do tôi sản xuất, tôi chỉ là người giới thiệu sản phẩm đó mà thôi, nên tôi vô can. Chắc toà án sẽ tha bổng anh ta?

Đây chính là lý do lần này, tôi đề cập đến ông Nhật Chiêu thành một phần chính trong bài viết – thay vì như trong bài trước, chỉ là một cước chú với ý: lời nhắn về thái độ tự xử ở đời cùng một kẻ sĩ.


2.

“Vào những năm đầu thập niên 90, cái tên Phùng Khánh rất là nhạy cảm, nên có thể các người liên kết với Nxb có vẻ ngại không muốn để vào. Dù nhà thơ Ý Nhi đã nhiều lần yêu cầu họ hãy tôn trọng quyền dịch giả và phải biết rằng bản dịch này không có vấn đề gì.”
Đây là một ngạc nhiên lớn đối với tôi… Vậy thì té ra trong lần xuất bản năm 1991, việc xuất bản Câu chuyện dòng sông của HXBHNV không thực hiện một mình. Theo bà Ý Nhi thì có “các người liên kết”, vậy thì “họ” là ai vậy? Bởi trong thực tế từ bìa đến ruột của quyển sách xuất bản năm 1992, không hề có một chữ nào đề cập đến nhà/người “liên kết” này. Sự việc này nên được hiểu như thế nào, vì Câu chuyện dòng sông năm 1991 không thể là một ấn bản lậu, ấn bản này có số xuất bản 20/XB, do Cục Xuất bản cấp ngày 19/09/1991. Và người biên tập là: Y Nhi [2] .

Ngoài ra, qua thông tin của ông Lý Đợi trong việc tái bản quyển Câu chuyện dòng sông năm 2001, tôi đã vỡ lẽ thêm hai điều là:

  • Nơi phát hành sách mới chính là nơi thực hiện sách (?), vậy mà mãi ở trang bìa cuối cùng lại chỉ ghi với nguyên văn rằng: “Phát hành tại nhà sách Quang Minh“

  • NXBHNV chỉ là một nhà xuất bản, hoàn toàn không hẳn có nghĩa là nơi thực hiện sách. Vậy mà tôi cứ đinh ninh tin rằng, các dòng in trang ruột cuối cùng ở quyển sách có một quyền/khả năng quyết định khả dĩ đến việc thực hiện và cho ra đời cuốn sách này, với nguyên văn như sau: “Giấy ĐKKHXB số 129/344/CXB-QLXB do Cục Xuất Bản cấp ngày 12-4-2000 và giấy TN KHXB số 16/XBHNV ký ngày 03/10/2000“ [3] .


3.

Riêng về tờ đính chính có cặp trong Câu chuyện dòng sông tái bản năm 2001 về tên dịch giả là Phùng Khánh – Phùng Thăng, chớ không phải là Bùi Giáng, tôi xin có lời trình như sau:

Để tránh tình trạng người nói có, kẻ bảo không rồi đâm ra cãi lộn tầm phào. Thôi thì cứ cho rằng “họ“ (mặc dù thiệt tình là tới nay, tôi cũng chẳng hiểu “họ“ là ai) có làm cái đính chính về tên dịch giả trong lần tái bản 2001, tôi - Việt Lang đã làm rớt mất sau khi mua về. Song tôi vẫn tha thiết mong rằng, quý vị độc giả nào đã mua ấn bản 2001 mà không làm rớt mất đính chính như tôi, bằng lương tâm mình – quý vị hãy vui lòng lên tiếng giúp cho. Hơn nữa cũng tránh được cho NXBHNV phải bị mang tiếng oan ức, bởi “đây có thể là một trường hợp duy nhất mà một tác phẩm bị nhà liên kết đối xử không đúng luật, trước Nxb Hội nhà văn“.

Tuy nhiên thật là tiếc… càng đáng tiếc hơn một khi việc đề tên Bùi Giáng là dịch giả của Câu chuyện dòng sông không phải là trường hợp duy nhất xảy ra, chí ít là đối với NXBHNV! Ngoài ra còn có thêm hai (02) trường hợp nữa, tôi xin trình bày như sau:

  1. Trong Hành trình sang Đông phương của Hermann Hesse, do Hoài Khanh dịch. Khổ 13 x 19 cm, dày 124 trang. Ấn bản này có số ĐKKHXB: 160/1477/XB-QLXB cấp ngày 01/12/2000, giấy trích ngang số 22/XB của NXB Hội Nhà Văn cấp ngày 11/1/2001. Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Phan Hách [4] .

  2. Trong Mối tình của chàng nhạc sĩ của Hermann Hesse do Vũ Đằng dịch. Khổ 13 x 19 cm, dày 252 trang. Ấn bản này có số ĐKKHXB: 159/1477/XB-QLXB cấp ngày 01/12/2000, giấy trích ngang số 23/XB của NXB Hội Nhà Văn cấp ngày 11/1/2001. Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Phan Hách [5] .

Nếu như trong Câu chuyện dòng sông, tên dịch giả ghi là Bùi Giáng còn e dè đứng trong trang ruột, thì trong cả hai ấn bản này, dòng chữ người dịch Câu chuyện dòng sông là Bùi Giáng đã nghiễm nhiên bước ra trang bìa cuối cùng. Không biết có phải vì ngại độc giả không tin nên người trình bày đã để những dòng chữ này lên đầu tiên trước một danh sách cùng 16 tác phẩm khác, trên cùng còn có một tiêu đề được đóng khung: «Nhà xuất bản Hội Nhà văn trân trọng giới thiệu». 

Trước sự thực này, có lẽ quý vị có trách nhiệm của NXBHNV cần đưa ra gấp một cơ chế: mua sách của NXBHNV là có khuyến mãi tờ đính chính. Và có quá đáng chăng khi Việt Lang tôi cho rằng, quý vị NXBHNV đã xóa gạt bản quyền và mạo danh dịch giả một cách có ý thức và hệ thống?! Quả là cũng may là ông Lý Đợi chưa nói rằng, Bùi Giáng có đến cảm ơn NXBHNV bởi đã đề tên ông trong lần tái bản quyển Câu chuyện dòng sông năm 2001 là một việc vô cùng có đạo lý và bình thường.


4.

Để rộng đường dư luận về cung cách làm việc của NXBHNV, tôi xin trích dẫn ý kiến được đăng công khai trên báo chí chính thức trong nước của hai nhà văn khác, vụ việc này liên quan đến truyện Người nói tiếng chim bồ câu của Mạc Can, như sau:

  • “Tôi quyết định phải đăng ngay truyện ngắn này với lời giới thiệu trang trọng. Người nói tiếng chim bồ câu sau khi in quả đã làm anh Mạc Can như đi trên mây và nhiều người khác ngạc nhiên, trong đó có Hồ Anh Thái, đương kim Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, người chuyên sưu tầm những truyện ngắn hay trên các báo để tập hợp làm sách. Lẽ dĩ nhiên, Thái chẳng biết Mạc Can là “ông ngoại” nào, cứ thế mà lấy in trong tuyển tập Truyện ngắn hay Việt Nam 2002 (NXB Hội Nhà văn 2003) theo thói quen chả cần xin phép ai, nhuận bút ai có đòi thì trả” [6] .

  • “Tôi không phải là người “chuyên sưu tầm những truyện ngắn hay trên các báo để tập hợp làm sách”. Tôi đọc truyện Người nói tiếng chim bồ câu của Mạc Can trên Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, thích, bèn chuyển cho nhóm tuyển chọn của NXB Hội Nhà văn. Hành động chuyển này như là một sự giới thiệu. Vai trò của tôi dừng lại đúng ở thời điểm đó. Tác phẩm có được chấp nhận vào tuyển tập hay không là quyền của NXB. Tôi không phải là người của NXB để đi tiếp những bước sau như tìm kiếm tác giả để xin phép, trả nhuận bút và thực hiện tất cả những gì liên quan đến bản quyền…” [7] .

Về ý kiến của nhà thơ Ý Nhi [8] rằng: “chẳng có gì quan trọng với những trường hợp như thế này cả” xin để cho công luận nhận định. Về phần tôi thì không có gì để đính chính lại với ông Lý Đợi, ngoài việc không thể không thêm một lần khẳng định: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã… văn !!!

Sài Gòn, ngày 10/07/2004

© 2004 talawas



[1]Xin cước chú rõ trong trường hợp này: Đây là chỉ cụ thể về Nhà xuất bản Hội nhà văn ở Việt Nam, kẻo mọi người lại tưởng rằng những Nhà xuất bản Hội Nhà văn các nước trên thế giới đều có cung cách xuất bản như vậy cả (!).
[2]Sđd, tr. 246.
[3]Câu chuyện dòng sông do NXBHNV xuất bản năm 2001, tr. 224.
[4]Sđd, tr. 4.
[5]Sđd, tr. 4.
[6]Trích từ bài Tôi rút ruột ra mà viết của nhà văn Nguyễn Đông Thức, đăng trên báo Pháp Luật TP. HCM ngày 19/03/2004. tr. 8-9. Ông Nguyễn Đông Thức đang giữ mục Sáng tác của báo Tuổi Trẻ Chủ nhật.
[7]Trích từ phản hồi của ông Hồ Anh Thái – Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội, đăng trên báo Pháp Luật TP. HCM ngày 29/03/2004. tr. 10.
[8]Người chịu trách nhiệm bản thảo quyển Tuổi trẻ băn khoăn của NXBHNV năm 1998 là Ý Nhi - theo đúng nguyên văn có in tại trang 252 tại quyển sách này. Đây là một trong các quyển sách tôi có nêu ra trong bài Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đã… văn.