trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Cải cách ruá»™ng đất
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
1.10.2005
Trường Chinh
Sửa sai và tiến lên
 1   2 
 
Chúng ta vừa căn bản hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, nhưng đồng thời cũng vừa phạm những sai lầm nghiêm trọng trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Những sai lầm ấy đã được Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng phê phán một cách sâu sắc.

Trong bài này, để giải thích thêm về tinh thần nghị quyết của Hội nghị Trung ương, tôi sẽ trình bày một số ý kiến, góp vào việc đánh giá công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, nhận định về tính chất những khuyết điểm sai lầm của ta trong các công tác ấy, bàn về nguyên nhân sai lầm và trách nhiệm, đồng thời rút ra mấy bài học kinh nghiệm lớn trong vấn đề này và giúp cán bộ, đảng viên chúng ta nhận rõ nhiệm vụ trung tâm đột xuất của Đảng hiện nay là sửa sai và tiến lên.


Nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến đã căn bản hoàn thành ở miền Bắc

Cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân của ta có hai nhiệm vụ chiến lược:

  • đánh đổ chủ nghĩa đế quốc,
  • xóa bỏ chế độ phong kiến.
Đế quốc và phong kiến là hai lực lượng phản động nhất câu kết với nhau để thống trị Việt-nam đã hơn 80 năm. Chính bọn phong kiến nhà Nguyễn bán nước cho đế quốc Pháp, và sau khi đế quốc Pháp chiếm nước ta, chúng đã biến thành ngụy quyền, làm tay sai cho đế quốc. Đế quốc dùng phong kiến làm chỗ dựa để xâm lược Việt-nam, phong kiến Việt-nam ôm chân đế quốc để duy trì quyền lợi ích kỷ. Tập đoàn thống trị nhà Nguyễn trước đây nói chung tiêu biểu cho giai cấp địa chủ phong kiến phản dân tộc. Chính quyền Ngô-đình-Diệm ở miền Nam hiện nay đại biểu cho tầng lớp địa chủ phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ, hiện đang phá hoại thống nhất Việt-nam, hòng biến miền Nam nước ta thành một thứ thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Đế quốc và phong kiến là hai đối tượng chính của cách mạng Việt-nam, hai kẻ thù chính của nhân dân Việt-nam.

Muốn đánh đổ đế quốc phải đồng thời đánh đổ phong kiến. Ngược lại, muốn đánh đổ phong kiến phải đồng thời đánh đổ đế quốc. Hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến không thể tách rời.

Cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân của ta là một cuộc cách mạng chống đế quốc, chống phong kiến, một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân đông đảo, nghĩa là của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và những nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước do giai cấp công nhân lãnh đạo, dựa trên cơ sở công nông liên minh. Mục đích của cuộc cách mạng đó là giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ nhân dân, tạo điều kiện tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Tám và kháng chiến đánh đổ đế quốc ở miền Bắc và làm yếu thế lực phong kiến ở nước ta. Cải cách ruộng đất đánh đổ giai cấp địa chủ và xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất ở miền Bắc. Cách mạng tháng Tám giành được chính quyền nhân dân, lập nên nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Kháng chiến thắng lợi tiêu diệt lực lượng đế quốc và ngụy quyền ở miền Bắc, hoàn toàn giải phóng một nửa nước ta. Cải cách ruộng đất tiếp tục nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến của nhân dân ta từ trước đến nay, đánh đổ giai cấp địa chủ ở miền Bắc đưa nông dân lên làm chủ thật sự ở nông thôn, thực hiện người cày có ruộng. Đó là những thắng lợi về chiến lược, thắng lợi của quần chúng nhân dân nước ta đấu tranh gian khổ và anh dũng trong bao nhiêu năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đạt được những thắng lợi đó tức là hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân ở miền Bắc.

Lực lượng cách mạng ở nước ta là nhân dân mà 87% là nông dân. Sự nghiệp dân tộc giải phóng muốn thành công, kháng chiến muốn thắng lợi, chủ yếu phải dựa vào nông dân. “Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân”. Nông dân trực tiếp bị giai cấp địa chủ phong kiến áp bức bóc lột. Cơ sở của phong kiến ở nước ta là chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, nó làm cho tuyệt đại đa số nhân dân nước ta là nông dân khổ cực, đồng thời kìm hãm nông nghiệp, cản trở công thương nghiệp nước ta phát triển, giữ nước ta ở trình độ nông nghiệp lạc hậu, không tiến lên trình độ công nghiệp hóa hiện đại được. Vì vậy mà nước ta nghèo, dân ta khổ. Cho nên cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất là chính nghĩa, là nhân đạo. Cách mạng tháng Tám, kháng chiến trường kỳ và cải cách ruộng đất là ba sự kiện lịch sử lớn nhất của nước ta trong vòng mười một năm nay. Nó quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dân tộc-dân chủ nhân dân ở miền Bắc nước ta.

Với cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành ở miền Bắc, nhiệm vụ cách mạng phản phong kiến ở miền Bắc cũng căn bản hoàn thành.

Những sai lầm của phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất nghiêm trọng, nhưng không có nghĩa là chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt-nam và của Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa là sai. Những sai lầm ấy hạn chế thắng lợi của sự nghiệp cách mạng phản phong kiến ở miền Bắc chứ không xóa bỏ thắng lợi đó.


Phát động quần chúng để thực hiện cải cách ruộng đất là đúng và cần thiết

Gần đây, có ý kiến cho rằng không cần phát động quần chúng cũng thực hiện cải cách ruộng đất được, hoặc muốn thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng chỉ cần vận động địa chủ hiến ruộng đất cũng đủ. Ý kiến ấy có đúng không? Không đúng.

Cải cách ruộng đất là một cuộc cách mạng, là sự nghiệp của hàng triệu quần chúng nông dân do Đảng lãnh đạo. Bất kể cuộc cách mạng lớn nhỏ nào, không phát động quần chúng đều không thể làm được.

Có hai cách thực hiện cải cách ruộng đất: hòa bình cải cách ruộng đất và phát động quần chúng cải cách ruộng đất. Ta đã phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất; như thế là đúng và cần thiết vì những lẽ dưới đây:

  • Nước ta là một nước do đế quốc và phong kiến thống trị từ lâu đời. Trải qua hàng chục thế kỷ, nông dân nước ta bị địa chủ phong kiến áp bức bóc lột, không ngóc đầu lên được. Nay phải phát động quần chúng nông dân mới dám mạnh dạn vươn mình, đấu tranh đánh đổ địa chủ, tự tay mình giành lại ruộng đất cho mình.

  • Phát động quần chúng là làm cho quần chúng tự giác, tự nguyện tham gia cách mạng ruộng đất, huy động lực lượng quần chúng nổi dậy đập tan chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động. Chính quyền và cán bộ không thể và không nên làm thay và ban ơn cho nông dân.

  • Có phát động quần chúng mới làm cho giai cấp địa chủ chịu khuất phục trước sức mạnh vùng lên của quần chúng nông dân, và quần chúng nông dân mới tự tin ở lực lượng của bản thân mình. Đó là điều rất cần để giành lại ruộng đất và giữ được ruộng đất.
Có người nói: ta vận động hiến ruộng cũng đủ ruộng đất chia cho nông dân. Tôi xin trả lời: trong hoàn cảnh nước ta có thể vận động cả giai cấp địa chủ hiến ruộng. Một giai cấp xã hội không bao giờ tự nguyện nhường tư liệu sản xuất mà nó đã chiếm giữ từ lâu đời cho một giai cấp bị nó bóc lột bao giờ. Hòa bình cải cách ruộng đất bằng cách vận động hiến ruộng là một ảo tưởng.

Có người cho rằng: ta đã có chính quyền từ Cách mạng tháng Tám; ta có thể dùng biện pháp chính quyền mà lấy lại ruộng đất cho nông dân, không phải phát động quần chúng làm gì cho phiền phức. Hoặc có người hỏi: tại sao ta không thực hiện cải cách ruộng đất theo kiểu một vài nước anh em, như thế có nhanh và gọn hơn không? Sự thật là ta có kết hợp biện pháp hành chính của chính quyền với đấu tranh quần chúng trong cải cách ruộng đất. Nhưng trong khi phát động quần chúng, ta có coi nhẹ biện pháp chính quyền (ví dụ ta coi nhẹ việc phối hợp công an, tư pháp với phát động quần chúng, coi nhẹ những biện pháp hỏi cung, đối chiếu tang chứng, sử dụng tòa án nhân dân đặc biệt một cách không đúng, v.v…). Dùng riêng biện pháp chính quyền mà cải cách ruộng đất thì đương nhiên là không đủ, phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh của quần chúng từ dưới lên với mệnh lệnh của chính quyền từ trên xuống, và phải coi đấu tranh quần chúng là chủ yếu thì mới thực hiện cải cách ruộng đất được tốt. Sai lầm không phải tại ta đã phát động quần chúng, mà chính vì càng về sau này, cán bộ các đội không thật sự phát động quần chúng, không tin ở quần chúng, mà lần truy bức, nhục hình, bắt bớ tràn lan để thay cho phát động quần chúng, và trong phát động quần chúng, ta đã không sử dụng biện pháp chính quyền một cách đầy đủ.

Có người nói: phát động quần chúng để thực hiện cải cách ruộng đất là đúng, nhưng phát động theo kiểu “đấu tố” như thế là sai. Nhưng cần nhớ rằng cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó ta phát động tư tưởng quần chúng nông dân bằng cách lấy khổ gợi khổ, qua tố khổ mà giáo dục ý thức giai cấp cho nông dân, tổ chức nông dân để nông dân có đủ lực lượng đấu tranh đánh đổ địa chủ; đó là một việc hoàn toàn đúng. Sai lầm của cán bộ cải cách ruộng đất là không thật sự phóng tay phát động quần chúng, lại gò ép quần chúng tố khổ; thành ra bên cạnh những người tố đúng đã có một số người tố sai. Hơn nữa, nhiều cán bộ mù quáng, mất cảnh giác, dựa vào những phần tử xấu mà không tự giác, rồi nghe những lời bịa đặt của chúng mà đánh lầm vào một số người tốt của ta. Lỗi đó tại cán bộ ta làm sai mà lãnh đạo không kịp thời phát hiện sai lầm để ngăn chặn và sửa chữa, chứ không phải tại chủ trương phát động quần chúng “đấu tố”.


Phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất đã đạt được những yêu cầu gì?

Hiện nay, người thì nói cải cách ruộng đất thành công, người thì nói cải cách ruộng đất thất bại, thậm chí có xu trào chỉ dám nói thất bại mà không dám nói thành công. Đương nhiên, tình hình ấy chỉ có lợi cho bọn phản cách mạng, bọn địa chủ vừa bị đánh đổ ở miền Bắc, chúng đang lợi dụng việc Đảng ta tự phê bình về những khuyết điểm, sai lầm trong cải cách ruộng đất và sửa sai để hòng đả kích và “cô lập” Đảng ta, đả kích bần cố nông và cốt cán của họ, và xóa bỏ những thành quả của cải cách ruộng đất.

Thật ra, muốn đánh giá đúng thành công và thất bại của cải cách ruộng đất phải đợi khi nào tổng kết toàn bộ công tác phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Bây giờ, chúng ta hãy kiểm điểm xem phát động quần chúng đã đạt được những mục đích yêu cầu gì? Mục đích yêu cầu của phát động quần chúng cải cách ruộng đất là:

  1. Đánh đổ giai cấp địa chủ, đập tan uy thế chính trị của giai cấp địa chủ, thực hiện ưu thế chính chị của nông dân lao động ở nông thôn, thực hiện nông dân làm chủ nông thôn.

  2. Xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn.

  3. Giáo dục cho nông dân về mặt tư tưởng và chính trị, làm cho nông dân nhận rõ bọn thực dân đế quốc và giai cấp địa chủ phong kiến là kẻ địch, nhận rõ Đảng lao động Việt-nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thật thà mang lại quyền lợi cho mình; nhận rõ chính quyền nhân dân là của mình, v.v…

  4. Kết hợp chỉnh đốn tổ chức ở nông thôn, chỉnh đốn chi bộ, nông hội, chính quyền, dân quân du kích, chi đoàn thanh niên cứu quốc Việt-nam, chi hội Liên hiệp phụ nữ Việt-nam; bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

Hãy xét xem trong khi thực hiện những mục đích yêu cầu ấy của phát động quần chúng, ta đã đạt được những gì, không đạt được những gì?

Về yêu cầu thứ nhất, trong phát động quần chúng cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến về căn bản đã vĩnh viễn bị đánh đổ ở miền Bắc, nói chung ưu thế chính trị của nông dân lao động đã được xây dựng ở nông thôn. Tuy vậy, một số phú nông hoặc nông dân lao động lại bị vạch lầm là địa chủ, là phản động và bị đả kích nặng. Đó là một điều rất đáng tiếc. Nhưng phải nhận rằng nông dân vẫn làm chủ nông thôn.

Có người nói: nông dân đã làm chủ nông thôn từ Cách mạng tháng Tám, và ở vùng mới giải phóng, quân đội viễn chính Pháp rút đi đến đâu là nông dân làm chủ đến đó rồi. Song thật ra chưa cải cách ruộng đất, chưa xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất thì chưa có thể chấm dứt được tình trạng địa chủ khống chế nông thôn, nhất là ở vùng sau lưng địch trước đây, và nông dân vẫn chưa thể thật sự làm chủ nông thôn.

Về yêu cầu thứ hai, xóa bỏ chế độ phong kiến, chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, việc đó ta đã thực hiện được trong cải cách ruộng đất. Tuy vậy một số nông dân bị vạch lầm là địa chủ, do đó đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất và chỉ được chia một phần ruộng đất xấp xỉ với số bình quân chiếm hữu của nông dân ở địa phương, nhưng không được chia ruộng nguyên canh, tốt và gần.

Có người bảo: nông dân đã làm chủ ruộng đất từ Cách mạng tháng Tám hay từ kháng chiến rồi. Thật ra có nơi nông dân chỉ tạm sử dụng ruộng đất vắng chủ theo lối ai cày người ấy được hưởng và được chia lại công điền; qua cải cách ruộng đất, họ mới thật sự có quyền sở hữu ruộng đất.

Về yêu cầu thứ ba, trong phát động quần chúng, nông dân đã được giáo dục về tư tưởng và chính trị. Họ đã nhận rõ đế quốc và phong kiến là thù địch. Nói chung họ đã tự tin ở lực lượng đoàn kết đấu tranh của họ, tin ở sự lãnh đạo của Đảng. Họ nhận rõ từ trước đến nay ở nước ta chỉ có Đảng ta và chế độ ta mới mang lại ruộng đất cho họ. Tuy vậy, những sai lầm của ta đã làm cho uy tín của Đảng và chính phủ tạm thời bị giảm sút một phần nào (với mức độ khác nhau tùy từng nơi) dù rằng quần chúng nông dân nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng và Chính phủ.

Có người cho rằng nông dân miền Bắc đã được giáo dục nhiều về tư tưởng và chính trị trong tám năm kháng chiến toàn quốc. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Không phát động quần chúng thì không thể giáo dục giai cấp, không thể giáo dục lập trường, tư tưởng một cách sâu sắc cho quần chúng nông dân được, cũng chưa thể hạ uy thế chính trị của giai cấp địa chủ ở nông thôn.

Về yêu cầu thứ tư, việc kết hợp với phát động quần chúng cải cách ruộng đất mà chỉnh đốn tổ chức có làm được phần nào. Đó là làm cho thành phần các tổ chức ở nông thôn tương đối trong sạch, nhưng chưa thể nói là vững mạnh (địa chủ, cường hào đã bị đuổi ra khỏi tổ chức, hàng vạn cốt cán đã được đào tạo và bồi dưỡng trong phong trào; những cốt cán đó nói chung thành phần trong sạch, nhưng phần lớn trình độ chính trị và kinh nghiệm công tác còn non kém; cũng có một số phần tử xấu được đưa lầm nên thành cốt cán và được kết nạp vào tổ chức, nhưng đó chỉ là số rất ít). Có hàng trăm xã vùng mới giải phóng trước đây chưa có chi bộ, nay ta xây dựng được chi bộ mới.

Nhưng thất bại của chỉnh đốn tổ chức thì rất nặng; càng về những đợt sau này, sai lầm càng lớn. Đau đớn nhất là đánh lầm vào nội bộ Đảng và nội bộ các tổ chức quần chúng ở cơ sở cũng như vào nội bộ nông dân, khiến cho một số cán bộ, đảng viên và nông dân cách mạng có thành tích bị xử oan.

Tóm lại, phần quan trọng của những mục đích, yêu cầu của phát động quần chúng nói chung đã đạt. Những sai lầm của ta có hạn chế những kết quả đã thu được, nhưng ta không thể không khẳng định thắng lợi của cải cách ruộng đất. Chính vì thế nên Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng đã đánh giá cải cách ruộng đất “là một cuộc chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội” [1] .

Đánh giá sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức

Sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức thể hiện trên mấy mặt công tác dưới đây:

  • đánh địch và trấn áp bọn phá hoại hiện hành,
  • qui định thành phần giai cấp,
  • tịch thu, trưng thu, trưng mua.
  • định diện tích và sản lượng,
  • chỉnh đốn tổ chức Đảng, chính, quân, dân ở cơ sở, v.v…
Những sai lầm ấy đã vi phạm đường lối chung của Đảng ở nông thôn trong cải cách ruộng đất: “dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú ông, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất một cách có phân biệt, có từng bước, có kế hoạch, có trật tự, có lãnh đạo”. Hậu quả của những sai lầm ấy rất tai hại:

  1. Nó đã làm giảm một phần uy tín của Đảng lao động Việt-nam và của Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hòa, tổn thất một phần đến cơ sở của Đảng, của Mặt trận và chính quyền nhân dân.

  2. Nó làm cho nông thôn hiện nay thiếu đoàn kết, ảnh hưởng không tốt đến thành thị, ảnh hưởng không tốt đến khối đại đoàn kết dân tộc.

  3. Những sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã ảnh hưởng đến quân đội, đụng đến một số gia đình quân nhân cách mạng; cơ sở quân dân du kích nhiều nơi bị sứt mẻ.

  4. Về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, cải cách ruộng đất tức là giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi xiềng xích phong kiến, thực hiện người cày có ruộng thì tất nhiên nói chung là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp nước ta phát triển. Nhưng sai lầm của ta cũng tạm thời làm cho nhiều nông dân được đất mà chưa thật phấn khởi sản xuất, vì diện tích và sản lượng bị kích lên quá cao.

  5. Vì những lẽ trên đây, cho nên đối với vấn đề củng cố miền Bắc hiện nay tình hình nhiều nơi ở miền Bắc chưa được ổn định, chưa được củng cố. Đối với vấn đề tranh thủ miền Nam thì ảnh hưởng không tốt đến việc tranh thủ các tầng lớp rộng rãi, nhất là các tầng lớp trên ở miền Nam, không lợi cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Tóm lại, sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã vi phạm đường lối chung của Đảng ở nông thôn, vi phạm chính sách, nguyên tắc và điều lệ của Đảng, vi phạm chế độ pháp trị dân chủ và cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt-nam, và ảnh hưởng một phần nào đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956.

Một hiện tượng trái ngược là cải cách ruộng đất đáng lẽ củng cố đoàn kết toàn dân, nhưng vì sai lầm của ta, nên hiện nay tạm thời đoàn kết bị giảm; đáng lẽ nâng cao uy tín của Đảng và Chính phủ, nhưng hiện nay tạm thời uy tín đó bị sút kém một phần nào. Ta sửa chữa sai lầm có kết quả tốt thì sẽ phát huy được những nhân tố tích cực sẵn có do cải cách ruộng đất tạo ra, đồng thời thu hẹp và đi đến thủ tiêu được những nhân tố tiêu cực, có hại do sai lầm của ta mang lại.

Tính chất và đặc điểm của sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức có thể tóm tắt lại như sau:

  1. Sai lầm có tính chất “tả” khuynh, biểu hiện ở chỗ “thái quá” trong việc đánh địch, trong việc trấn áp bọn phá hoại; vạch thành phần giai cấp; kích diện tích và sản lượng, tìm phản động trong tổ chức của ta, v.v… (Tuy vậy, bên cạnh những sai lầm “tả” khuynh vẫn còn tồn tại một số sai lầm có tính chất hữu khuynh, như rón rén, sợ địch, không dám phát động quần chúng đến nơi đến chốn; hoặc có một số biểu hiện “tả” khuynh lại chính là bóng đen của tư tưởng hữu khuynh: đánh giá lực lượng địch quá cao, đánh giá tổ chức của ta quá thấp, v.v…)

  2. Sai lầm có tính chất nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài (truy bức nhục hình, đánh địch tràn lan, không chấp hành đúng đường lối chung của Đảng ở nông thôn, v.v…). Tuy vậy cũng phải nhận rằng: lấy một xã mà xét thì sai lầm vẫn là từng phần, không phải toàn thể (ví dụ: vạch sai thành phần một số nông dân, không phải vạch sai tất cả nông dân; xử trí oan một số người, không phải oan tất cả, v.v…). Về các đợt sau này, sai lầm phổ biến nhất là truy bức, nhục hình, đả kích tràn lan và kích diện tích và sản lượng.

  3. Sai lầm về sách lược và phương châm, chính sách cụ thể không phải sai lầm về chiến lược cách mạng, về đường lối cách mạng nói chung. Tuy vậy, có một số sai lầm thuộc về nguyên tắc, ví dụ: không chấp hành đúng đường lối của Đảng ở nông thôn, đánh lầm vào nội bộ tổ chức của ta, đả kích sai vào một số nông dân lao động, tác phong không tôn trọng tập thể và dân chủ, v.v…

  4. Sai lầm trong khi ta đã có chính quyền, quân đội xâm lược của bọn đế quốc và ngụy quân, ngụy quyền đã bị quét sạch khỏi miền Bắc, cách mạng đã và đang thu được những thắng lợi về mọi mặt (quân sự, chính trị , kinh tế, văn hóa) và trong khi cách mạng Việt-nam đang ở thời kỳ tiến lên, chứ không phải ở thời kỳ thoái trào.

Tóm lại, những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức rất nghiêm trọng, nhưng nhất định có thể sửa chữa. Chỉ có tổn thất do những cán bộ, đảng viên và quần chúng bị hy sinh oan uổng thì không có cách nào cứu vãn được. Đó là một điều vô cùng đau xót cho Đảng và cho nhân dân. Nhưng dù sao những sai lầm ấy không phá bỏ thắng lợi về chiến lược của cải cách ruộng đất; nó không dẫn đến thất bại về chiến lược cách mạng chống phong kiến ở miền Bắc nước ta.



[1]Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng.

Nguồn: Học Tập, tạp chí lý luận và chính trị của Đảng Lao Ä‘á»™ng Việt Nam, số 11, tháng 11 & 12 1956, tr. 9-23. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.