trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
18.11.2006
Lê Hoàng, Tô Hoàng
Quyền từ chối vai diễn và hư danh
 
Đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng

Những chuyện Lê Vân nói về các đạo diễn điện ảnh mà cô có quan hệ thì tôi không phải người trong cuộc nên không có ý kiến. Riêng chuyện cô nói về nạn tham nhũng trong điện ảnh nước ta, về việc những người tham gia làm phim bị bóc lột, thì tôi hoàn toàn đồng ý. Việc này nhiều người trong giới nói từ lâu, nhưng bao năm nay cứ bị phớt lờ, làm như không có.

Nghệ sĩ thì cũng là người, cũng có đủ tính chất, đủ cái tốt cái xấu của con người. Tham nhũng ở đâu cũng có, điện ảnh cũng có là chuyện dễ hiểu.

Tham nhũng tiền nhà nước tức là ăn cắp tiền của dân chúng. Nhưng tôi muốn nói cụ thể về việc quần chúng cụ thể hiện hữu bị ăn cắp tiền trắng trợn trong khi làm phim. Đó là quần chúng thật, trong đó có các anh bộ đội, được huy động để đóng phim. Khoản tiền thù lao cho số quần chúng này bao giờ cũng có trong dự toán làm phim, và khi quyết toán thì bao giờ cũng có chứng từ đã thanh toán. Nhưng thực tế họ không nhận được. Tuy số tiền là nhỏ (khoảng 20.000 đồng mỗi người) nhưng cũng đủ cho một bữa ăn chứ. Thế mà họ không được xu nào. Cho nên chuyện có anh lính bị ngất xỉu trên trường quay là sự thật. Đó là bởi quần chúng tham gia đóng phim không có kinh nghiệm nhà nghề, không biết là mỗi cảnh phải diễn đi diễn lại nhiều lần, lần nào họ cũng tưởng là lần cuối cùng, nên thường diễn hết sức. Thế mà lại không được ăn uống, bồi dưỡng. Ngất là phải. Ăn cắp cả tiền bồi dưỡng của những người như thế thật hết sức bất nhẫn.

Sách của Lê Vân bị nhiều người phản ứng, nhưng tôi thấy trong đó có nhiều sự thật, sự thật về điện ảnh, sự thật của chính cô ấy. Vấn đề là những sự thật ấy nên hay không nên đưa ra. Riêng tôi cho rằng sự thật bao giờ cũng quí, nói cho cùng sự thật nào cũng tốt hơn sự giả dối, màu mè.

Việc viết tự truyện có ở nước ta từ lâu nhưng không thành một thể loại văn học được chú ý, chính vì người viết tự truyện đã nhiễm thói quen giả dối, không dám nói thật, chỉ muốn làm đẹp lòng người và đẹp lòng mình. Mà người đọc tự truyện thì muốn nhất là biết những sự thật kia. Một cuốn tự truyện chỉ tốt khi nó nói thật. Vì vậy cuốn sách của Lê Vân đã đóng góp cho đời sống một lối ứng xử đúng: dù tốt hay xấu thì sự thật cũng nên được nói ra.


*


Tô Hoàng
Quyền từ chối vai diễn và hư danh

Tôi không quen biết Lê Vân và gia đình nghệ sĩ Trần Tiến – Lê Mai. Tôi đọc cuốn Lê Vân yêu và sống với tư cách một độc giả như hàng trăm, hàng ngàn độc giả khác của cuốn sách này. Nhưng ngay từ khi cầm cuốn sách lên tay, tôi đã tự nhủ đây là một cuốn tự truyện. Nó không phải là một cuốn sử, một tài liệu điều tra xã hội học - những công trình nghiên cứu của nhiều người. Đã gọi là tự truyện có nghĩa là Lê Vân sống và yêu… và quan sát, và bình giá, và chiêm nghiệm, kể chuyện cuộc đời cùng những người xung quanh theo cách cảm, cách nghĩ, theo giọng điệu riêng của Lê Vân. Tôi sẽ không khắt khe, nghiệt ngã đòi hỏi quá nhiều ở sự đúng - sự sai, cái khách quan - chủ quan, cái cục bộ - cái khát quát… trong những gì Lê Vân kể cho tôi nghe. Tôi chờ đợi được chia sẻ những buồn vui, được trải qua những đợt triều cường của cảm xúc. Và cuốn sách đã không làm tôi thất vọng. Đọc hết trang sách cuối cùng của Lê Vân yêu và sống tôi thấy Lê Vân hầu như đã sờ tận đáy các cung bậc của nỗi bất hạnh lại vừa cất cánh bay đến đỉnh cao của niềm hạnh phúc. Bất hạnh thì đã rõ, còn hạnh phúc ư? Bởi trong gần 50 năm của cuộc đời, người đàn bà này vật vã, trăn trở, phải trả cái giá khá đắt để quyết theo ý mình và bao giờ cũng là chính mình; được sống, được làm việc, được yêu ghét theo đúng ý của mình. Lê Vân càng hạnh phúc hơn khi làm một cuộc "ngoái nhìn lại" cuộc đời - tức viết ra cuốn sách này, chị vẫn không chịu khoan nhượng, né tránh, chị vẫn muốn trung thực – chí ít ra theo cách cảm, cách nghĩ của chị. Chị trung thành với nguyên tắc sống của những người lính chúng tôi - lành làm gáo, vỡ rục bếp, chứ không làm muôi, làm thìa. Sức hấp dụ và độ rung lắc trái tim người đọc của Lê Vân yêu và sống có lẽ trước hết nằm ở điểm này. Cũng chính từ điều vừa nói, sách Lê Vân yêu và sống còn là một ví dụ rất cụ thể trả lời câu hỏi thế nào là cái căn chất rất riêng của những người nghệ sĩ. Ai cũng hiểu rằng, bước vào thời buổi kinh tế thị trường hôm nay có điên khùng mới tôn sùng, mới đề cao thứ căn chất nghệ sĩ ấy như một sự biệt lập, cao hơn những gì của những người bình thường. Nhưng lại không thể phủ nhận được cái căn chất riêng ấy là có thật. Đó là sự nhạy cảm, sự tinh tế quá mức; là nhịp đập bất thường có lý và vô lý của con tim, là thái độ yêu ghét khá cảm tính; là những buồn vui thất thường có và không có nguyên cớ… Tất cả giúp cho cô thiếu nữ Lê Vân mới 17 tuổi đã sắm được vai chị Dậu phim Tắt đèn; mới ngoài 20 đã vào vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười. Thì với tâm tính ấy, “chất nghệ“ ấy, nếu trong Lê Vân yêu và sống đôi khi có định kiến, thiên tư, thậm chí quá khích trong yêu và ghét, trong nhớ và quên cũng rất nên nhận được sự đồng cảm, chia sẻ…

Tôi còn có tư cách thứ hai khi đọc Lê Vân yêu và sống – tư cách của một nhà báo đã mấy chục năm nay chuyên viết về điện ảnh. Tôi xin không phát biểu về những nhân vật cụ thể trong giới điện ảnh mà Lê Vân nêu trong sách, bởi tôi không tường tận về họ. Nhưng tôi không đồng ý với ai đó cho rằng trong Lê Vân yêu và sống, người kể chuyện đời mình đã phủ nhận sạch trơn thành tựu mấy chục năm của nền điện ảnh dân tộc. Chắc cũng như tôi và bạn, Lê Vân đủ thông minh và tỉnh táo để ghi nhận thể loại phim phóng sự - tài liệu Việt Nam đã có tác dụng cổ vũ, động viên dồng bào, chiến sĩ ta như thế nào trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua. Lê Vân đi nhiều, xem nhiều, chắc chị cũng xúc động vì một nền điện ảnh còn nghèo nàn, thiếu thốn mọi trang thiết bị nhưng vẫn làm ra những bộ phim nghiêng ngửa với phim ảnh của nhiều nước trong khu vực và thế giới như Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Thương nhớ đồng quê… trong đó có những phim Lê Vân đảm nhiệm khá thành công vai diễn. Hẳn Lê Vân cũng hiểu rõ các đạo diễn, quay phim, diễn viên… thế hệ chú bác, thế hệ đàn anh đàn chị hoặc thế hế hệ của chị đã từng làm ra những bộ phim ấy trong điều kiện ngặt nghèo, đầy thử thách như thế nào?… Nhưng bạn hãy đọc kỹ lại Lê Vân yêu và sống đi, người kể chuyện không hề mang tham vọng làm bản tổng kết hoặc dựng nên bức tranh toàn cảnh mấy chục năm xây dựng và phát triển của nền điện ảnh dân tộc và cách mạng. Lê Vân chỉ muốn giải thích nguyên cớ vì sao chị không muốn sắm vai, không muốn làm điện ảnh nữa. Đó là do mấy nguyên nhân: việc làm phim ở nước ta quá tuột dộc trên con đường nghiệp dư hóa. Nạn hà lạm, bớt xén đồng tiền làm phim trong điện ảnh nước nhà là điều đã kéo dài và chưa hề có biện pháp chấm dứt. Việc bình giá phim ảnh ở các liên hoan phim chạy theo xu hướng “mặt trận", cho “mọi người đều vui vẻ" chứ không bảo đảm việc định giá đúng đắn giá trị nghệ thuật của mỗi bộ phim. Cả ba hiện tượng này đã trở thành căn bệnh mãn tính trong việc quản lý và làm phim ở nước ta mà những người nghệ sĩ điện ảnh có lương tâm, nhiệt huyết và báo giới đã nhiều lần lên tiếng phanh phui, kết án; Lê Vân đâu có phải là người phát hiện?

Ngày hôm nay khi làm ra một bộ phim (nhựa hay truyền hình) thiếu gì những nhà biên kịch hay đạo diễn phẩy tay ngăn cản bạn bè, người thân đừng nên ngó lên màn ảnh xem phim của họ làm gì. Vì theo họ, do tiền ít, do thiết bị làm phim quá kém, do họ bị áp lực từ nhiều phía chi phối, họ đã sinh non ra những đứa con tinh thần èo uột, bệnh hoạn chỉ khiến họ xấu hổ. Nhưng vì phải kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, họ phải tặc lưỡi làm những bộ phim thứ phẩm như vậy. Nhiều diễn viên cũng tự xác định nhân vật mà họ đảm nhận là những ma nơ canh, những con rối biết nói tiếng người, họ đang làm những trò vè nhố nhăng, hạ đẳng trên màn ảnh… nhưng vì họ không biết kiếm sống bằng nghề nào khác, vì họ không đợi được tới ngày điện ảnh Việt Nam sẽ khấm khá lên nên họ vẫn phải hăng hái, vui vẻ xuất hiện hết từ phim này qua phim khác. Lê Vân đã có ý thức về lằn ranh giữa thứ nghệ thuật đích thực với nghệ thuật “hàng chợ”. Chị không muốn dùng vai diễn và tài năng của mình làm phương tiện sinh nhai thuần túy. Chị “ngộ” ra được nhiều trò xưng tụng, tung hô nhau là giả tạo, là lố bịch, là lừa dối người xem, là dùng văn hóa để làm lem luốc văn hóa… Ô hay, sao chúng ta lại “dị ứng” với những phẩm chất ấy ở một người nghệ sĩ? Có lẽ nên ghi nhận thêm đấy là một trong những căn chất rất riêng của Lê Vân mà thời buổi vàng thau lẫn lộn này mà không phải ai đã mang danh nghệ sĩ cũng có được?

© 2006 talawas