trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
19.10.2002
Nora Taylor, Veronika Radulovic, Kaomi Izu
Bàn Tròn Talawas về Ðồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
Ước nguyện của một người ÐTLA: Yêu Đời và Yêu Người!
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20 
 
Nora Taylor:
Các anh chị thân mến, trước hết tôi xin lỗi tôi dùng tiếng Anh để phát biểu. Tôi muốn bắt đầu đề cập tới những vấn đề mà Mai Chi đã nêu ra. Tôi sẽ đi Nhật một tuần từ ngày 22.10 và hy vọng sẽ nói được những điều muốn nói từ nay tới đó. Tôi sẽ thăm Bảo tàng Fukuoka để phục vụ đề tài nghiên cứu của tôi về mỹ thuật Việt Nam tại nước ngoài, vì vậy những câu hỏi của Mai Chi đặc biệt quan trọng đối với tôi. Trần Lương tham gia triển lãm Fukuoka Asia Pacific Triennial, do đó tôi một mặt đồng ý với Mai Chi, nhưng mặt khác không đồng ý rằng nghệ sĩ Việt Nam ít tham dự các triển lãm thế giới. Các ví dụ khác là Trương Tân tại Copenhagen Containers 1995, hay Vũ Dân Tân, Đặng Thị Khuê v.v… tại Brisbane Triennial.

Trong những công trình nghiên cứu của tôi, tôi đã chỉ trích giới mỹ thuật quốc tế bởi việc tiếp tục cô lập các nghệ sĩ châu Á và phân loại nghệ sĩ dựa theo màu da sắc tộc chứ không dựa vào bản chất nghệ sĩ của họ. Việt nam bị đẩy ra ngoài lề, và mặt khác "được" coi là đặc biệt và được thường xuyên nhắc đến khi nói tới những hình thể mỹ thuật "primitive", "khác". Khi bàn về mỹ thuật Việt Nam, giới mỹ thuật thế giới tiếp tục nuôi dưỡng cách nhìn rằng mỹ thuật Việt Nam là "truyền thống", là "lạ", và qua đó nhấn mạnh sức hấp dẫn của nó với khách du lịch và người nước ngoài khi đi tìm mỹ thuật "chân thực". Tại Mỹ, mỗi khi có triển lãm mỹ thuật Việt Nam (điều này rất hiếm), báo chí và catalog thường chú ý đến đất nước Việt Nam hơn là những nghệ sĩ tham dự. Ví dụ, khi triển lãm "Winding River" được làm tại ba thành phố Mỹ, một số Việt Kiều biểu tình bởi họ coi những nghệ sĩ tham dự là cộng sản, mặc dù hầu hết các nghệ sĩ này đều không liên quan gì tới Đảng Cộng sản. Tương tự, các nhà báo thích đề cập tới chiến tranh Việt Nam hơn là cố gắng hiểu thông điệp của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ châu Á thường bị coi là "vô danh". Họ trước hết là "người Việt", sau đó mới là "nghệ sĩ". Đây là một vấn đề. Một vấn đề cho những người xem mỹ thuật Việt Nam, cũng như cho những người sáng tác Việt Nam. Bởi nhiều nghệ sĩ Việt nam tiếp tục coi các sáng tác của họ trước hết là mang tính "Việt Nam ", chứ không thể hiện những giá trị tổng quan. Chừng nào những nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng những cách nhìn mang tính dân tộc-quốc gia, thì chừng đó người xem quốc tế sẽ tiếp tục coi mỹ thuật Việt Nam trước hết là " Việt Nam ", sau đó mới là " mỹ thuật ".
(19.10.02)

Veronika Radulovic:
Đúng, chị Nora, chúng ta (người phương Tây - chú thích của Talawas) phân loại rất chóng váng và đơn giản. Và mỹ thuật sắc tộc mang thị hiếu du lịch là một sản phẩm dễ tiêu với chúng ta. Nhưng tôi không đồng ý với câu "chừng nào những nghệ sĩ Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng những cách nhìn mang tính dân tộc-quốc gia…", bởi đây chính là vấn đề: những người làm triển lãm, những nhà sử học mỹ thuật, người sưu tầm và cuối cùng nhưng không kém quan trọng, bầy đoàn du lịch nhiều tiền đã tạo ra cái bức tranh không hay của mỹ thuật sắc tộc mang thị hiếu du lịch này. Bởi chúng ta là những kẻ đi săn lùng lưu niệm, với những vấn đề và những thèm muốn không được giải đáp của chúng ta. Nghệ sĩ mọi nơi đều muốn kiếm tiền và sống một cuộc sống dễ chịu. Đặc biệt các nghệ sĩ Việt Nam rất nhanh chóng nhận ra cách nhìn nhận mỹ thuật của Tây phương. Chị biết đấy, họ thực sự dễ thích ứng. Từ nhiều năm nay Việt Nam có một scene mỹ thuật đương đại mạnh mẽ và nhiều sức sống, nhưng đáng tiếc, giới mỹ thuật quốc tế chưa nhận ra.

Một câu hỏi khác, trước khi bắt đầu cuộc tranh luận của chúng ta: theo chị cái gì là giá trị quốc tế của mỹ thuật, nếu như không phải là cái gốc, cái nền tảng (background) quốc gia, văn hoá cũng như cá nhân?
(20.10.02)

Kaomi Izu:
Trong hơn 10 năm qua, giới họa sĩ Việt Nam đi ra thế giới (triển lãm, sinh sống…), và giới họa sĩ, nghiên cứu, phê bình quốc tế đi vào Việt Nam (giao lưu, tìm hiểu…) không phải là ít. Tạp chí Asian Art News có vẻ như chỉ được xuất bản để tuyên truyền cho mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, không có nhiều người, kể cả người Việt Nam, biết "mỹ thuật Việt Nam đang ở đâu?". Tại sao?

Tôi đồng ý một phần với ý kiến của chị Nora Taylor về cách nhìn đầy thành kiến của giới mỹ thuật quốc tế về mỹ thuật Việt Nam. Đây dường như là căn bệnh chung của nhân loại. Ai cũng nhìn người khác bằng con mắt vừa cả tin vừa hết sức bảo thủ. Cách nhìn này mang tính loại trừ. Tất nhiên.

Nhưng, ngược lại, cũng cần phải thấy là mỹ thuật Việt Nam, tự nó, cũng chưa có gì đủ để làm cho người khác phải giật mình nghĩ lại. Trước hết, hệ thống thông tin, phê bình mỹ thuật ở Việt Nam quá nhập nhòe, nhập nhằng. Qua báo chí, sách vở, kể cả những gì trưng bày trong các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam, người nước ngoài (cả người Việt Nam nữa), chắc chắn sẽ không có được một cách nhìn đúng về mỹ thuật Việt Nam. Thứ hai, trong thực tế, mỹ thuật Việt Nam, có những vùng được rọi sáng, nhưng cũng có những vùng phải chịu nằm trong bóng tối, khó được nhận biết. Vùng được rọi sáng, không chỉ bởi nằm trong mạch "chính thống" được sự bảo trợ của nhà nước mà còn bởi sự công nhận của số đông công chúng vốn rất ít hiểu biết về nghệ thuật và không thực sự có nhu cầu về nghệ thuật. Quan điểm "định hướng" với cách nhìn bình dân này là bộ lọc, khiến những gì ở trong bóng tối, cho dù "mạnh mẽ, đầy sức sống", cũng phải chịu nằm mãi trong bóng tối. Mấy năm qua, họa sĩ Việt Nam được khuyến khích tham dự giải thưởng mỹ thuật Asian của tập đoàn Philip Morris. Nhưng càng ngày, càng có nhiều họa sĩ không muốn tham dự. Lý do: họ không tin là có thể vượt qua được cửa ải được xác lập bởi hội đồng nghệ thuật quốc gia. Vài người nước ngoài, vài tổ chức tài trợ nghệ thuật quốc tế hoạt động ở Việt Nam đã lần mò được vài họa sĩ ở trong bóng tối này, nhưng từ đó, nhiều khi, chỉ mô tả được những "cái chân", "cái vòi"…chứ không phải "con voi". Thứ ba, là bởi những hạn chế nơi số đông họa sĩ. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng "không phải nhà nước, không phải hội nghệ sĩ mà chính những người ngoại quốc sai khiến các họa sĩ nên vẽ cái gì…" của chị Natalia Kraevskaia (trong bài viết đã đăng trên talawas), và với ý kiến gần gần như vậy của chị Veronika Radulovic ở trên. Không nên đổ lỗi cho người nước ngoài. Họa sĩ mà dễ bị "sai khiến", dễ bị "tha hóa" như vậy, thì còn gì là họa sĩ nữa. Cần nói thẳng, và rõ, là do số đông họa sĩ Việt Nam yếu kém. Ở đây, đang có sự khủng hoảng ý thức về nghệ thuật. Thậm chí, là đang có sự khủng hoảng về nhân cách nói chung. Không phải họa sĩ Việt Nam "chết" trong "cái nhìn mang tính dân tộc-quốc gia" như chị Nora Taylor nói, mà "chết" trong cái bẫy tượng trưng chủ nghĩa tự tạo với các ngộ nhận về cái "văn hóa làng" độc đáo của mình. Nó giả dối, tự lừa phỉnh, tự ru ngủ. Nó không lột tả cuộc sống Việt Nam. Nó không mang lại cách nhìn mới. Nó gần với cái giả hình…

Mỹ thuật Việt Nam để tự biết mình "đang ở đâu?", và để tự xác định vị trí của mình trên bản đồ nghệ thuật thế giới cần phải có một cuộc đại phẫu thuật. Tôi đồng ý với Nguyên Hưng: mỹ thuật Việt Nam sẽ "không có gì nếu không có phê bình" (bài Nguyên Hưng đã đăng trên talawas)
(21.10.02)