trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
24.5.2007
 
Pramoedya Ananta Toer - Tiểu sử và sự nghiệp
Đoàn Minh Châu lược dịch
 
Pramoedya Ananta Toer (1925-2006) là một tiểu thuyết gia, nhà văn viết truyện ngắn và nhà phê bình người Indonesia. Các tác phẩm của ông lấy chất liệu từ lịch sử sôi động thời kỳ chiếm đóng của phát xít Nhật (1942-1944) và cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Indo. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Buru Quartet (Tứ tấu Buru, 1980 -1988) [1] nhưng lại bị chính quyền Suharto cấm xuất bản. Câu chuyện trong tác phẩm, xảy ra vào điểm ngoặt của thế kỷ 19, đã mô tả sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc Indo chống lại chế độ thực dân. Những cuốn sách của ông đã được dịch sang hơn 28 ngôn ngữ.

Pramoedya Anata Toer sinh tại một làng của Blora, miền Đông Java. Cha ông là một nhà hoạt động và cũng là hiệu trưởng của một ngôi trường theo chủ nghĩa dân tộc, một trong những nhân vật hoạt động xã hội xuất chúng, nhưng cũng là người đã làm gia đình tan nát bởi những hoạt động đầy mạo hiểm của mình. Pramoedya học xong tiểu học năm 1939. Ông chuyển đến Surubaya và tốt nghiệp trường phát thanh Radiovalschool cuối năm 1941. Suốt thời gian phát xít Nhật chiếm đóng, ông làm nghề viết tốc ký và định cư ở Jakarta, tại đây, ông tiếp tục học và làm việc cho Hãng Thông tấn Domei của Nhật. Năm 1945, ông tham dự các buổi giảng tại Đại học Islamic. Sau này, trong tác phẩm Perburuan, Pramoedya đã tái hiện lại những ngày cuối cùng thời kỳ Nhật chiếm đóng.

Khi cách mạng nổ ra, Pramoedya tham gia lực lượng vũ trang Indonesia ở Đông Jakarta. Sau đó, ông chuyển về Jakarta. Tại đây, ông làm biên tập viên cho tờ tạp chí Sadar. Trong tư cách một tiểu thuyết gia, ông ra mắt độc giả với cuốn Kranji-Bekasi Jatuh, xuất bản năm 1947. Trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1949, Pramoedya bị người Hà Lan bắt giam ở rất nhiều nơi khác nhau vì tội “chống đối chế độ thuộc địa”. Trong tù, ông đã đọc cuốn Of Mice and Men của John Steinbeck và The Human Comedy của William Saroyan. Những tác phẩm này cùng một số cuốn khác đã tiếp thêm sức mạnh để ông có thể sống sót và viết cuốn đầu tay Perburuan (xuất bản năm 1950). Sau đó ông viết tiếp một số truyện và tiểu thuyết. Đầu những năm 1950, ông làm biên tập viên cho Ban Văn học Indonesia Hiện đại của nhà xuất bản Balai Pustaka. Ông cũng làm biên tập viên cho tạp chí Indonesia và tạp chí trẻ em Kunang-kunang.

Những năm 1950, Pramoedya cho xuất bản một số tiểu thuyết, tiểu thuyết ngắn và truyện ngắn. Cuốn Perburuan kể về một quân khởi nghĩa chống lại người Nhật và sự phản bội của bọn người này, cuốn sách được chuyển lén ra khỏi nhà tù của người Hà Lan. Cuốn Keluarga Gerilya (xuất bản năm 1950) có nội dung chống người Hà Lan và lực lượng liên quân. Nó vẽ nên sự đổ vỡ của một gia đình người Java suốt thời kỳ cách mạng dân tộc. Perburuan đã giành được giải văn chương Balai Putaska và sau khi nhận được một số đảm bảo về tài chính với các bài viết của mình, Pramoedya có ý định kết hôn.

“Đôi lúc thật ngạc nhiên biết mấy khi mà những điều cấm đoán dường như tồn tại chỉ để được xâm phạm. Và khi tôi bất tuân, tôi cảm thấy những điều tôi làm mới thật thú vị. Đối với những đứa bé con như tôi lúc ấy - ồ, bao nhiêu là cấm đoán và những giới hạn chồng chất trong đầu. Vâng, cứ như thể cả thế giới đang săm soi chúng tôi, uốn nắn những gì chúng tôi làm và những gì chúng tôi muốn. Chúng tôi, những đứa trẻ cảm nhận một cách rõ rệt hơn hết, thế giới này thật ra chỉ dành cho người lớn thôi.” (trích từ “Inem”).

Tuyển tập truyện ngắn của Pramoedya thời kỳ này gồm Subuh (1950) và Percikan Revolusi (1950), cả hai đều ra đời trong thời gian xảy ra cuộc cách mạng, Cerita dari Blora (1952), nói về xã hội cộng đồng người Java, và Cerita dari (1957) nói về những thảm họa xảy ra ở thủ đô Indo thời hậu cách mạng. Truyện ngắn Inem được viết theo phong cách hiện thực xã hội, là một bản phê phán chế độ tảo hôn truyền thống. Nhân vật chính, Gus Muk, luôn theo sát cuộc sống của cô bạn hàng xóm 8 tuổi, Inem, đang chuẩn bị cưới chồng. Cha Inem chơi gà chọi nhưng tất cả mọi người đều biết ông là một tội phạm mà công việc chính là đánh cướp ở trong rừng cây tếch. Mẹ Inem kiếm sống bằng nghề dệt in hoa batik. Markaban, chồng Inem, 17 tuổi, là con trai một người đàn ông đáng kính. Sau một năm Inem bỏ chồng, cô nói với mẹ của Gus Muk rằng Markaban thường xuyên đánh đập cô, và cô bỏ về nhà cha mẹ ruột. “Và sau đó, Inem, với cái dấu ấn ly dị chồng lúc 9 tuổi, chẳng là gì cả ngoại trừ là một gánh nặng đối với gia đình, bất kì ai cũng có thể đánh cô, từ mẹ cô, cha cô, anh chị em, cô chú, hàng xóm láng giềng. Nhưng Inem không bao giờ đến nhà chúng tôi.”

Cuối thập kỉ 1950, Pramoedya chuyển sang ủng hộ phái tả. Năm 1953, ông sống ở Hà Lan cùng với gia đình và viết Korupsi (1954), Midah - Si Manis Bergigi Emas (1954). Năm 1958, ông được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Lekra, Học viện Văn hóa Nhân dân, một tổ chức ủng hộ ý tưởng về cuộc cách mạng năm 1945 của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 1960, Pramoedya bị tống vào tù vì tội bênh vực cho nhóm thiểu số người Hoa bị ngược đãi trên đất nước Indonesia. Giữa những năm 1962 và 1965, Pramoedya làm biên tập viên cho tờ Lentera (Lantern), phụ trang hằng tuần của tờ báo ngày Bintang Timur của cánh tả. Ông làm giảng viên dạy tiếng Indo và dạy văn học tại Đại học Res Publika và Học viện Báo chí “Dr Abdul Rivai”, ông cũng là một trong những người sáng lập Học viện Văn học “Multatuli”.

Suốt thời gian xảy ra sự kiện lịch sử dẫn đến sự ra đời “Trật tự Mới” ở Indo dưới thời Suharto, tháng 10 năm 1965, Pramoedya bị chính quyền quân đội bắt giam mà không hề được đưa ra xét xử. Lúc bị bắt, ông bị đánh đập dã man. Suốt quãng đời còn lại, Pramoedya chịu đựng những cơn đau và chứng suy giảm thính giác. “Liệu có thể nào tước đi của con người quyền được nói cho chính mình nghe?”. Các hồ sơ cá nhân, các tác phẩm không được xuất bản và các tài liệu nghiên cứu của Pramoedya bị người ta lấy đi và thậm chí còn bị phá hủy. Những tù nhân trên đảo Buru khét tiếng chỉ thỉnh thoảng mới được phép viết thư, nhưng lại không được phép gởi. Năm 1973, ông nhận được một cái máy đánh chữ và ông bắt đầu thực hiện một loạt tiểu thuyết lịch sử kể về những người bạn tù của mình. Trong những năm cuối ở trại giam, ông cho ra đời 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử mà sau này khi ra tù, ông cho xuất bản thành bộ tứ Buru, (Bumi Manusia, Anak Semua Bangsa, Jejak Lamgkah, và Rumah Kaca). Cuối năm 1979, ông được trả tự do. Sau đó ông bị quản thúc ở Jakarta và hằng tháng phải đến báo cáo với chính quyền. Năm 1992 ông chấm dứt việc báo cáo trình diện với chính quyền quân sự Đông Jakarta.

Trong bộ tứ Buru, nhân vật chính tên Minke, là một nhà văn và một nhà quý tộc người Java được hưởng nền giáo dục của người Hà Lan, do đó, rất quen thuộc với nền văn hóa Java và văn minh phương Tây. Minke yêu một cô gái xinh đẹp người Âu gốc Indo tên là Annelies. Sau khi mất cô, Minke dần dần dính sâu vào phong trào kháng chiến chống chế độ thực dân. “Đây là bước ngoặt trong đời tôi. Tuổi trẻ của tôi đã trôi qua, tuổi trẻ tươi đẹp tràn đầy ước mơ và hy vọng. Nó sẽ không bao giờ trở lại nữa.”

Nguyên mẫu của nhân vật Minke là Tirto Adi Suryo (1880 -1918), một nhà hoạt động và là một nhà báo. Hai cuốn sách đầu tiên mô tả thời kì đầu của cuộc đấu tranh chống sự khai thác thuộc địa, trở nên rất nổi tiếng nhưng lại bị các chính quyền quân phiệt cấm đoán. This Earth of Mankind, cuốn sách bắt đầu câu chuyện, đầu tiên là do Pramoedya kể cho anh em bạn tù nghe. Còn hai quyển cuối cùng thì được mang lén ra khỏi xứ sở. Gadis Pantai (1982, The girl from the Coast) xây dựng trên thời kỳ thuộc địa, nhân vật chính là một phụ nữ trẻ với tính cách được khắc họa dựa vào cuộc đời người bà của Pramoedya. Vị nữ anh hùng xuất thân từ địa vị thấp kém và cô cũng chẳng có tên. 14 tuổi, cô được gả cho một người quý tộc, nhưng cô nhận ra rằng vị trí của cô trong gia đình mới quá nhỏ bé và cô không được phép giữ con mình. “Vấn đề với Cô gái từ Bờ biển ắt có lẽ là ngôn ngữ, sự mô tả tính cách và cốt truyện đã được xác định quá rõ ràng, cứ như thể tác giả mang niềm khao khát được giao tiếp với bên ngoài và sự cấp thiết của thông điệp này lấn át tính sáng tạo của tác giả. (Nell Freudenberger, The New York Times, 11/8/2002).

Những tác phẩm sau này của Pramoedya bao gồm cuốn tự truyện Nyanyi Sunyi Seorang Bisu (1995) và cuốn sách lịch sử về Indo thế kỷ 16 Arus Balik (1995). Ông cũng dịch tác phẩm của một số tác gia như Steinbeck, Leo Tolstoi, Mikhail Sholokhov, và Maxim Gorki sang tiếng Indo. Năm 1999, ông đến thăm Hoa Kỳ. Ông mất ngày 20 tháng 4 năm 2006 tại Jakarta. Pramoedya đã tổng hợp từ sự đa dạng muôn vẻ của truyền thống văn học, từ những người tiên phong của văn chương cách mạng Indo cho đến những câu chuyện truyền miệng của người Java, từ những biên niên sử cho đến những nhà văn châu Âu và châu Mỹ. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Bahasa Indo, một ngôn ngữ phát triển từ ngôn ngữ chung Malaya cổ và được chấp nhận nhờ phong trào dân tộc năm 1928.


Các tác phẩm điển hình:
  • Krandji-Bekasi Djatuh, 1947
  • Perburuan, 1950 - The Fugitive (trans. by Willem Samuels)
  • Keluarga Gerilya, 1950
  • Subuh: Tjerita-Tjerita Pendek Revolusi, 1950
  • Percikan Revolusi, 1950
  • Mereka Jang Dilumpuhkan, 1951
  • Bukan Pasar malam, 1951 - translated in A Heap of Ashes
  • Di Tepi Kali Bekasi, 1951
  • Dia Yang Menyerah, 1951
  • Cerita dari Blora, 1952
  • Gulat di Djakarta, 1953
  • Midah - Si Manis Bergigi Emas, 1954
  • Korupsi, 1954
  • Cerita dari Djakarta, 1957
  • Cerita Tjalon Arang, 1957
  • Suatu Peristiwa di Banten Selatan, 1958
  • Sekali Peristawa di Bengen Selatan, 1958
  • Hoa Kiau di Indonesia, 1960
  • Panggil Aku Kartini Saja I & II, 1962
  • Realisme Sosialis & Sastra Indonesia, 1963
  • Tjerita Dari Djakarta, 1957
  • Bumi Manusia, 1980 - This Earth of Mankind (Buru Quartet , vol. 1)
  • Anak Semua Bangsa, 1980 - Child of All Nations (Buru Quartet , vol. 2)
  • Sikap dan Peran Kaum Intelektual di Dunia Ketiga, 1982
  • Tempo Doeloe, (ed.) 1982
  • Gadis Pantai, 1982 - The Girl from the Coast (trans. by Willem Samuels)
  • Jejak Langkah, 1985 - Footsteps (Buru Quartet , vol. 3)
  • Sang Pemula dan karya-karya non-fiksi (jurnalistik)-fiksi (cerpen/novel) R.M. Tirto Adhi Soerjo, 1985
  • Rumah Kaca, 1988 - House of Glass (Buru Quartet , vol. 4)
  • Hikayat Siti Mariah, (ed.), 1987
  • Memoar Oei Tjoe Tat, (ed.), 1995
  • Nyanyi Sunyi Seorang Bisu I, 1995
  • Arus Balik, 1995
  • Nyanyi Sunyi Seorang Bisu II, 1997
  • Tales from Djakarta: Caricatures of Circumstances and their Human Beings, 1999 (introduction by Benedict R. O'G. Anderson Toer)
  • The Mute's Soliloquy: A Memoir, 2000 (trans. by Willem Samuels)



Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Bộ 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử của Pramoedya với tên là Tứ tấu Buru được bắt đầu là những câu chuyện ông sáng tác để giải trí với bạn trong tù, đa số là tù hình sự, tại một hòn đảo nhỏ có tên Buru cách rất xa đất liền. Họ thích chúng đến mức đảm nhận tất cả những công việc lao động khổ sai trong 6 năm để ông có thể tập trung sáng tác các câu chuyện và kể họ nghe một cách chi tiết vào mỗi đêm. Khi ra tù trước, chính những bạn tù này đã đọc lại những chương, những đoạn mà họ đã tình nguyện thuộc lòng cho các biên tập viên chép lại. Tứ tấu Buru đã ra đời trong hoàn cảnh mà tác giả không được phép có một mảnh giấy nào. Trong suốt mấy chục năm qua, khi ông bị cấm đi ra khỏi đất nước mình, các cuộc hội thảo của những PEN Club quốc tế luôn dành cho ông một ghế trống danh dự. Ông cũng là ứng viên chung khảo nặng ký nhất cho giải Nobel Văn học khu vực Đông Nam Á, nhưng rất tiếc giải đã không kịp đến, ông từ giã cuộc đời vào năm 2006, để lại một di sản đồ sộ.