trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
30.5.2007
Hà Văn Thuỳ
Nghĩ khi đọc “Totem Sói”
 
Chỉ đọc một trích đoạn Totem Sói trên bản điện tử của talawas nên thật tiếc là không được thưởng thức những trang viết sinh động về cuộc sống trên thảo nguyên Mông Cổ. Dựa vào những ý tưởng lịch sử mà tác giả trình bày qua trích đoạn đó, tôi có đôi điều trao đổi.


I. Lịch sử phải viết lại

Trong tiểu thuyết của mình, tác giả Khương Nhung đã lầm lẫn lớn khi không biết rằng, sói Mông Cổ không phải là sản phẩm vốn có của tự nhiên mà do con người tạo ra. Hổ, báo, sói, linh dương… là những con thú ăn thịt vốn sống hài hoà trong chuỗi thức ăn (chain of food) ở môi trường đồng cỏ. Nghề du mục xuất hiện với những đàn cừu, dê, bò làm biến đổi quan hệ của chuỗi thức ăn trên: không gian hoạt động của thú ăn thịt bị thu hẹp, thú ăn thịt bị giết hại, nhiều con mồi bị con người tranh giành. Các con vật buộc phải trả thù con người đã phá sự yên bình của chúng.

Sói là con vật sinh đẻ nhiều, thông minh và quen sống bầy đàn đã thích ứng cao với hoàn cảnh mới, chọn bãi chăn thả làm mục tiêu tấn công. Việc chống trả của con người đã dạy cho đàn sói sự khôn ngoan, táo bạo và liều lĩnh. Chính điều này làm nên phẩm chất của sói Mông Cổ. Vì vậy, sói Mông Cổ biến mất cùng du mục là quy luật tất yếu. Việc thờ tôtem Sói chỉ chứng tỏ con người cổ xưa đã ngây thơ sùng bái con vật do chính mình tạo ra. Nếu nhìn sự vật đúng như bản chất của nó, vấn đề trở nên đơn giản hơn.

Mặt khác, do chỉ quẩn quanh đào xới 24 cuốn sử Trung Hoa, nên tác giả Khương Nhung thiếu những kiến thức cập nhật về thời tiền sử Á Đông. Từ đó nhiều ý tưởng của tác giả đã bị thời gian vượt qua:
  1. Những phát hiện về người cổ khoảng 700.000 năm trước trên thảo nguyên Mông Cổ mà tác giả đã dẫn, là những người vượn, cùng thời với người vượn Jawa, Bắc Kinh, bị tuyệt chủng từ lâu, không liên hệ gì với người hiện đại. Người hiện đại Homo sapiens chỉ có mặt trên thảo nguyên Mông Cổ sớm nhất là 35.000 năm trước, từ Đông Nam Á đi lên. Sọ Mongoloid tìm thấy ở di chỉ Hetao có niên đại 30.000 năm chứng tỏ điều này. [1]

  2. Người Hán đúng là Viêm Hoàng tử tôn nhưng là con cháu của Bách Việt nông nghiệp với Mông Cổ du mục. Viêm Đế không thể là Mông Cổ du mục vì nếu vậy, bộ gene của người Hán không thể là chủng Mongoloid phương Nam như hiện nay. Người Hán chỉ ra đời khoảng năm 2600 TCN và từ thời Hoàng Đế, gene Mông Cổ du mục đã có trong huyết thống người Hán. Việc người Hán nhận là hậu duệ của Phục Hy, Thần Nông hoàn toàn chính danh vì họ mang gene của Viêm Đế. [2]

  3. Rồng Tamtinh Thala không phải là sản phẩm thuần tuý Mông Cổ. Có thể giải thích như sau: Tôtem Rồng có khởi nguyên từ hình tượng con cá sấu của người Đông Nam Á, được đưa lên bên sông Hoàng Hà. Khi người Mông Cổ hoà huyết với người Việt thì vật tổ Sói của người Mông Cổ được kết hơp với vật tổ Rồng thành con rồng có mặt sói như hình tượng Rồng Tamtinh Thala. Niên đại khoảng 5000 năm của Rồng Tamtinh Thala như vậy là hợp lý.

  4. Không phải người Mông Cổ đã tạo nên văn hoá cho Hán tộc mà người Hán tiếp thu văn hoá và đất đai nông nghiệp từ tổ Viêm Việt. Văn hoá Hán từ ngôn ngữ, chữ viết đến phong tục tập quán, kinh Thư, kinh Thi, kinh Dịch, kinh Nhạc, kinh Lễ… đều nhận từ tổ Viêm Việt. [3] Người Hán nhận từ tổ Mông Cổ chủ yếu là những tính cách: tôn sùng thủ lĩnh, quả cảm tàn bạo trong chiến đấu, ưa chinh phục.
Như vậy, trên cơ sở những phát hiện mới nhất về thời tiền sử Trung Quốc và Đông Á, không chỉ 24 cuốn sử của Trung Quốc phải viết lại mà ngay cả những phát biểu tưởng chừng mới mẻ trong Totem Sói cũng phải được điều chỉnh.


II. Nước và lửa, sói và cừu

Sau 5.000.000 năm thay nhau xuất hiện và lụi tàn của giống thú đi bằng hai chân, nói cho cùng thì nơi sản phẩm ưu tú nhất của tự nhiên, Người Khôn Ngoan Homo sapiens, phần Người vẫn chưa nhiều hơn phần Thú. Nói theo tác giả Khương Nhung thì trong máu huyết chúng ta, phần sói vẫn trội vượt. Cái phần sói làm nên hai cuộc tàn sát khủng khiếp trong thế kỷ vừa qua. Sói Hồng Vệ binh trong Cách mạng Văn hoá, sói Pol Pot diệt chủng và bây giờ là những con sói quấn bom đầy mình làm nổ tung người vô tội… Một tính sói khác là chủ nghĩa tư bản kích động lòng tham vô đáy của con người trong cuộc tranh giành cướp bóc thiên nhiên và đồng loại, đẩy loài người tới bên bờ diệt vong khi Trái Đất đang nóng lên và nổ tung bất cứ lúc nào!

Vấn đề của hôm nay không phải là nuôi tất cả mọi người trên hành tinh mà chính là sự phân phối công bằng nhất cho tất cả! Cái cản phá tệ hại nhất công việc này chính là lòng tham, chính là dòng máu sói còn quá đậm trong huyết quản! Chính dòng máu sói, máu thú này khiến con người còn dã man hơn loài thú. Con vật chỉ giết nhau vì miếng ăn, vì con cái, vì chỗ ở, vì nguồn nước. Con người ngoài những cái đó còn giết nhau vì chủng tộc, tôn giáo, chủ thuyết… Có lẽ ai cũng biết rằng, nếu đừng tranh cướp nhau, đừng chạy đua vũ trang chuẩn bị cho những cuộc bắn giết ngày càng lớn thì tài nguyên trái đất không chỉ dư sức cho mọi người sống hạnh phúc mà còn giữ gìn được hành tinh lâu dài! Ai cũng biết thế nhưng chưa ai làm được. Tôi nói chưa vì tôi tin vào lương tri nhân loại. Sẽ tới ngày, đối mặt với câu hỏi tồn tại hay không tồn tại, nhân loại phải làm điều đó!

Tôi tin còn bởi lẽ biết được rằng, trong quá khứ, tổ tiên Bách Việt của tôi mà cũng của đồng nghiệp Khương Nhung đã từng sống như vậy.

Hàng vạn năm, trên vùng đất mênh mông Đông Á, người Việt đã sống với văn hoá Việt là Việt Nho mà nội dung là Nhân Chủ, Thái Hoà và Tâm Linh. Trong tam tài thiên, địa, nhân thì con người là trung tâm, là chủ thể của vũ trụ. Vì lẽ đó, con người là cao quý phải được coi trọng. Là chủ nhân nên con người sống thực sự là ông chủ, trong mối Thái Hoà giữa con người với nhau và với thiên nhiên, với muôn vật. Và con người không phải duy vật mà sống với Tâm Linh, hoà hợp hoà đồng với thế giới hữu hình và thế giới siêu hình.

Văn hoá Việt Nho từ xa xưa đã được hun đúc thành Đạo Việt An Vi: Giữa một bên Hữu Vi nghĩa là Vì: vì mình, vì gia đình, dòng tộc, phe đảng và bên kia Vô Vi, không vì gì cả, không làm gì cả, mặc dầu thế sự… Tổ tiên ta đã chọn nếp sống an nhiên, an bình, an hoà. Có làm và làm một cách tích cực, với toàn bộ trí lực nhưng không vì những lợi ích cá nhân hay phe nhóm mà chỉ vì sự an nhiên, an tâm, an hoà của mình!

Đấy là văn hoá ứng xử của tổ tiên Việt tộc, không chỉ tồn tại từ Hồng Hà tới Hoàng Hà mà còn theo người Việt thiên di tới châu Mỹ, làm nên văn hoá Da Đỏ [4] .

Người du mục Mông Cổ tràn xuống cướp phá giết chóc. Trước nguy cơ một thứ văn hoá sói lang xa lạ huỷ diệt Đạo Việt An Vi, người Việt đã kiên quyết chống trả. Cuộc kháng chiến ngoan cường cho tới khi kẻ xâm lăng phải dùng chính sách khoan hoà, như viết trong Thượng Thư, dùng nhạc vũ thu phục. Thời đại Hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa là gì nếu không phải là sự Thái hoà: những yếu tố tích cực tốt đẹp của văn minh du mục hoà hợp với Việt Nho, đưa con người cả Việt cả Mông tới cuộc sống an lạc. Đấy chính là thời mà tổ tiên chúng ta đạt được sự cân bằng giữa nông canh và du mục, giữa nước và lửa, giữa sói và cừu. Mối Thái hoà ấy duy trì đến hết đời Chu. Lúc này yếu tố sói trong máu Hoa Hạ nổi lên, các chư hầu giành giật, đẩy thiên hạ vào thời đại loạn Chiến quốc. Trong bối cảnh đó, Khổng Tử thuật lại Đạo Việt trong Ngũ Kinh để lại cho hậu thế.

Thế kỷ XVII, sau đêm trường Trung cổ, các nhà Khai sáng châu Âu hé mắt nhìn ra thế giới bỗng giật mình trước văn minh Á Đông. Ai đó, hình như Voltaire thốt lên: “Nếu bao giờ có một thời kỳ hạnh phúc nhất và đáng kính nhất trên trái đất này thì đó là thời kỳ người ta theo luật cai trị của Khổng Tử." Và "Hiến pháp của Trung Hoa thật ra là hoàn hảo nhất trên thế giới... là một nước duy nhất khi mà quan cai trị tỉnh phải thuyên chuyển (quy chế luân quan - HVT), nếu không được dân hoan hô thì bị phạt... Ngay tự bốn ngàn năm trước đây khi chúng ta chưa biết đọc biết viết thì họ đã biết mọi điều căn bản hữu ích về những cái mà ngày nay chúng ta lấy làm tự hào." [5] Và Nhân chủ, Thái Hoà, Tâm linh của văn hoá phương Đông đã trở thành bó đuốc soi đường dẫn dắt phương Tây bước lên văn minh. Đấy là lần thứ hai tư tưởng phương Đông mở đường cho phương Tây, sau lần đầu từ những thuyền nhân của nạn đại hồng thuỷ 7500 năm trước. [6]

Một lần nữa nhân loại đui mù lại đi chệch hướng. Triết học duy niệm phương Tây đang dẫn loài người vào ngõ cụt, trong đó máu sói lộng hành, lửa át nước, văn minh du mục cưỡi cổ văn hoá nông nghiệp, đẩy nhân loại vào tình trạng chênh vênh nguy hiểm Dương thịnh Âm suy.

Để cứu rỗi thế gian trong trình trạng chuông treo chỉ mành hiện nay, không có cách nào khác là trở về với văn hoá phương Đông, cội nguồn của nhân loại. Có nghĩa là phải đưa thế giới trở lại sự cân bằng giữa Âm và Dương trên nền tảng của Đất Mẹ của quẻ Khôn nhu thuận. Đây chính là lần thứ 3 tư tưởng cội nguồn tiềm tàng tại phương Đông dẫn đường cho nhân loại.


III. Kết luận

Đúng là vó ngựa cùng dòng máu sói Mông Cổ có đem lại sự thúc đẩy nào đó với lịch sử. Nhưng sau vó ngựa là sự tàn phá với hàng núi xương khô! Vó ngựa Mông Cổ không đem lại điều gì tốt đẹp cho nhân loại ngoài tàn phá và giết chóc. Không có bất cứ lý do nào biện hộ việc cướp đi mạng sống duy nhất của một con người! Nhân loại văn minh đã học được bài học đó để biết tôn trọng quyền thiêng liêng nhất là quyền sống!

Trong người Hán có nửa phần máu sói Mông Cổ. Lượng máu sói thường xuyên được bổ sung trong những lần tộc Mông Cổ chinh phục phương Nam. Cho đến nay, dòng máu sói vẫn sôi sục trong huyết quản người Trung Hoa. Việc phát triển kinh tế với tốc độ nóng bỏng hiện nay bất chấp tài nguyên cạn kiệt, bất chấp tàn phá môi sinh, bất chấp hàng trăm triệu người bị tước đoạt trở nên bần cùng… là gì nếu không phải biểu hiện của máu sói? Và lấp ló đâu đó những hạm đội Trung Hoa trong cuộc chinh phục mới tìm năng lượng và nguyên liệu!

Trong bối cảnh như vậy, việc một nhà tiểu thuyết ca ngợi sói tính, kêu gọi tiếp thêm máu sói vào huyết quản nhân loại không chỉ là lạc điệu, hoang tưởng mà còn nguy hiểm. Lẽ giản đơn, máu sói, tôtem sói chỉ sinh ra trong điều kiện con người đối mặt với thiên nhiên hoang dã bạo tàn: đối mắt với sói, con người buộc phải dũng mãnh và thông minh hơn sói! Ngày nay đã khác, như tác giả viết, thảo nguyên không còn, sói không còn thì lấy đâu ra máu sói để tiếp vào huyết quản? Có thể tiếc nuối hoài cổ nhưng thái độ tích cực là phải thích ứng trong điều kiện mới, giải một cách tốt nhất bài toán mà cuộc sống đặt ra!

Tôi hiểu tác giả Khương Nhung. Ông đã “ba cùng” thực sự với thảo nguyên Mông Cổ trong những năm tháng tốt đẹp nhất của đời mình. Ông đã hiểu biết, tôn trọng và yêu thương con người và cuộc sống thảo nguyên. Tại đây ông đã có những phát hiện về một cuộc sống khác lạ mà người Hán đồng chủng của ông chưa từng biết. Những vốn sống đó, cộng với tài năng đã giúp ông viết được cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Tuy nhiên không thể đồng cảm với ông, người có tấm lòng thương vô hạn với con sói nhỏ bị giết nhưng lại lớn tiếng kêu gọi con người lao vào những cuộc tranh giành chém giết mới! Và cũng xin thưa, tiểu thuyết là một chuyện còn lịch sử văn hoá là chuyện khác, cần những hiểu biết sâu xa chuẩn mực lịch lãm hơn. Thiếu những tri thức đó e rằng mọi khái quát đều vội vàng.

Sài Gòn 4.2007

© 2007 talawas



[1]Nguyễn Quang Trọng, “Về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam, trả lời nhóm Tư Tưởng”, Hợp Lưu 1/2002: http://www.nhanvan.com/magazines/hopluu/66/nguyenquangtrong_traloinhomtutuong.htm
[2]Hà Văn Thuỳ, “Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu”. Văn nghệ Sông Cửu Long, 2007: http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulieu_thanhvien_tacpham.asp?
TPID=5944&LOAIID=17&TGID=711&TinhID=1
[3]Hà Văn Thuỳ, “Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá”, talawas 2005: showFile.php?res=3789&rb=0302
[4]Lévi Strauss, Tristes tropicques, tr. 196 và 267. Dẫn theo Kim Ðịnh, Cơ cấu Việt Nho, Sài Gòn 1972 tr. 22.
[5]Dict. Philosophique tr. 108 (dẫn theo Kim Ðịnh. Cửa Khổng tr. 245)
[6]Stephen Oppenheimer: Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia, Nxb Phoenix London 1998. NXB Lao Động 2004