trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: documenta 12
 1   2 
19.6.2007
NhÆ° Huy
Toàn cầu hoá nghệ thuật hay sân khấu PR?
 
Lời toà soạn (báo Thế thao & Văn hoá): Vào ngày thứ sáu, 15 tháng sáu này, vào lúc 8h tối (giờ địa phương), tại Kassel, một thị trấn nhỏ nằm ở phía Tây nước Đức, sẽ khai mạc một trong những triển lãm nghệ thuật quan trọng và có truyền thống bậc nhất thế giới tổ chức mỗi 5 năm. TT&VH đã phỏng vấn hoạ sĩ Như Huy về sự kiện nghệ thuật này.
TT&VH: Thưa anh, giới mỹ thuật Việt Nam dường như biết nhiều về Venice Biennale - một trong những sự kiện mỹ thuật lớn nhất thế giới. Vậy sự khác nhau giữa Venice Biennale và documenta 12 nằm ở điểm gì?

Nghệ sĩ và giám tuyển Như Huy
Như Huy: Cả hai mô hình trưng bầy siêu triển lãm này đều là những mô hình trưng bầy có lịch sử lâu dài nhất tại châu Âu (Venice Biennale có nguồn gốc từ đầu thế kỷ, documenta ra đời khoảng giữa thế kỷ) và hiện đều là những mẫu hình trưng bầy, tuy gây nhiều tranh cãi nhất, song cũng được nhân bản (hoặc là theo kiểu mô phỏng hoặc theo kiểu giải cấu trúc) nhiều nhất (nhất là với dạng triển lãm biennale/lưỡng niên). Có thể nói điểm khác nhau quan trọng nhất của hai mô hình trưng bầy này nằm ở thời gian chuẩn bị của chúng. Nếu như với các triển lãm dạng biennale, thời gian chuẩn bị chỉ gói gọn trong 2 năm, thì cho một kỳ documenta, có đến 5 năm chuẩn bị. Với một quãng thời gian đến vậy, các giám tuyển rõ ràng là sẽ có thuận lợi hơn rất nhiều trong việc có thêm nhiều thời gian để khảo sát và tìm kiếm ra nhiều giọng điệu đặc biệt và độc đáo hơn, và qua đó, đưa ra một hình ảnh chính xác, ít quan liêu và mang nhiếu tính tổng kết hơn về thế giới. Từ góc nhìn này, ngay chính Rosa Martinez, giám tuyển của Venice Biennale lần thứ 51 (2005), trong một bài trả lời phỏng vấn cũng đã phàn nàn về việc do các hạn chế về thời gian, bà đã không thể tới nhiều nơi và gặp gỡ nhiều nghệ sĩ như mong muốn, do đó, nhiều lúc cũng đã buộc phải đi theo lối mòn của các hồ sơ và tiền lệ cũ.

TT&VH: Từ góc độ cá nhân, anh nhìn nhận thế nào về việc các nghệ sĩ Việt Nam hầu như không “can dự“ vào các hoạt động mỹ thuật thế giới, mà ở đây, cụ thể là documenta 12?

Về góc nhìn của bản thân tôi, trong vai trò một giám tuyển ở một khu vực ngoại biên cũng như từ góc độ một trong những biên tập viên và người viết về nghệ thuật từng được mời tham dự cuộc gặp gỡ đầu tiên của các tạp chí Nam Á tham dự trong Dự án Tạp chí documenta 12, nói một cách trung thực, tôi cảm thấy rằng có lẽ với hầu hết các nghệ sĩ tại Việt Nam, những mối quan tâm theo kiểu documenta 12 dường như vẫn còn xa lạ. Hay nói một cách khác, trong vai trò là một dạng thực hành văn hoá, bắt nguồn từ và có tác động tới rất nhiều góc độ và khía cạnh của đời sống xã hội, nghệ thuật đương, hoặc là cần phải có những điểm tựa lý thuyết được văn cảnh hoá để có thể đi xa hơn các thực hành mang tính hình thức đơn thuần, hoặc là cần phải được lý thuyết hoá để gặp gỡ được với các chủ đề chung của thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, do những hoàn cảnh khách quan và chủ quan nào đó, hầu hết các nghệ sĩ và giám tuyển (tôi không loại trừ cả tôi) dường như vẫn có thói quen coi nghệ thuật đương đại chỉ là một dạng thực hành thiên về hình thức và rất ít có liên đới tới các khía cạnh xã hội cụ thể, trực diện và đương thời; chính vì lẽ đó, hình như là vẫn tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa mối quan tâm của nghệ sĩ đương đại Việt Nam hiện tại với các mối quan tâm là nguồn cơn, cùng lúc là kết quả của các siêu sân khấu đương đại kiểu documenta 12.

Tuy nhiên, ở đây, ta cũng cần phải nói tới một khía cạnh khác của các triển lãm dạng siêu triển lãm này khi tác động tới các nước thuộc khu vực ngoại biên - một khía cạnh mà nhiều nghệ sĩ trong khu vực đã nhận ra và cũng từng phản ứng thẳng thắn qua tác phẩm nghệ thuật cũng như qua các bài viết phê phán. Đó chính là khía cạnh của việc, các dạng triển lãm này, trong khi về bề mặt dường như là cơ hội cho các nghệ sĩ và tác phẩm từ khu vực viền biên của thế giới có cơ hội xuất hiện trên đấu trường lớn hơn, cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm trở nên một công cụ của kẻ mạnh nhìn và định nghĩa kẻ khác - thông qua đó khẳng định vị thế sở hữu quyền lực văn hoá trong một thế giới toàn cầu. Ngay tại đây, tưởng cũng nên nhắc tới một ý kiến của giáo sư Kuan-Hsing Chen, trong cuốn Trajectories; Inter-Asia Cultural Sudies - Culture and Communication in Asia (Các quỹ đạo - Nghiên cứu văn hoá nội liên châu Á - Văn hoá và truyền thông tại châu Á), Routledge, New York, 1998, tr. 21-22, đặt ra mối nghi ngờ về một chủ nghĩa thực dân kiểu mới trong thời đại toàn cầu hoá và đa văn hoá, nhận thức và nhấn mạnh về những khác biệt văn hoá, thông qua một chiến thuật văn hoá đồng tồn tại hoà bình trên bề mặt, song thật ra lại cổ vũ cho sự đồng nhất hoá tự ngã trong hình thái của thuyết vị bản địa (Nativism), thuyết khai hoá văn minh (Civilizationalism) và nền chính trị duy căn tính (Identity Politics).

Đi theo cùng ý kiến này, tôi cũng xin kể lại một câu chuyện nhỏ trong cuộc họp báo và giới thiệu về documenta 12 cũng như về Dự án Tạp chí documenta 12, giữa giám tuyển Ruth Noack cùng các biên tập viên và người viết về nghệ thuật Nam Á và các nghệ sĩ Singapore (tổ chức tại không gian phá cách “Tiềm trạm” (Substation) Singapore vào tháng 1 năm 2006. Hôm đó ngay sau khi giám tuyển Ruth Noak kết thúc phần giới thiệu của mình, nghệ sĩ trình diễn Lee Wen của Singapore đã đứng dậy và thẳng thắn đưa ra một câu hỏi: “Thưa bà, ngay cả documenta cũng có vấn đề của nó, đó là việc, nó có quyền gì vậy, để cứ đi khắp thế giới tìm và chọn các nghệ sĩ mang về để trưng bầy?”.

Nói tóm lại, như mọi thực thể đã đang và sẽ còn tiếp tục tồn tại trong một thế giới đa cực cả về hiện thực lẫn ý niệm, dạng triển lãm “siêu triển lãm” theo kiểu documenta hay Venice Biennale v.v, mang theo trong lòng nó rất nhiều mối phức tạp mâu thuẫn cả ở khía cạnh ý nghĩa tồn tại lẫn ở khía cạnh sự tác động cụ thể vào bề mặt hoặc chiều sâu văn hoá nghệ thuật thế giới. Liệu phải chăng các mô hình trưng bầy kiểu này chính là nơi tạo cơ hội cho các mô hình nghệ thuật từ khu vực ngoại biên góp tiếng nói vào đấu trường toàn cầu hay thật sự ra chúng chỉ là những sân khấu PR, cùng lúc là những cỗ máy định nghĩa tinh vi có sức mạnh đè bẹp mọi giọng điệu độc lập để duy trì quyền lực văn hoá cho thế giới phương Tây trong một môi trường toàn cầu hoá?

Song, theo bản thân tôi, vấn đề cần bàn tới ở đây có lẽ không nằm ở bản thân các sự kiện nghệ thuật hay mô hình trưng bầy siêu triển lãm - trong vai trò là những thực thể có xuất xứ từ phương Tây, và bởi vậy lẽ dĩ nhiên không thể tránh khỏi việc chịu sự chi phối bởi không gian văn hoá, ý niệm cũng như các luật chơi đến từ phương Tây – mà có lẽ nằm ở ngay chính nhận thức, khả năng tư duy độc lập cũng như khả năng phản biện của mỗi cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ và thậm chí công chúng (nhất là những người đến từ khu vực ngoại biên) mỗi khi họ có điều kiện tham gia vào các sự kiện ấy.

So sánh với các nền nghệ thuât đương đại trong khu vực, thì rõ ràng về điểm này, chúng ta đang tụt hậu, khi ngay tại Thailand, Laos, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Singapore… ngoài những nghệ sĩ thuộc mô hình căn tính in-between (để chỉ các nghệ sĩ cùng lúc mang hai nhiều hơn một quốc tịch), đã có rất nhiều nghệ sĩ có xuất xứ gốc gác từ địa phương đã cung cấp được giọng điệu và câu chuyện của họ vào thế giới.

Bản thân tôi, trong vai trò vừa là một giám tuyển, vừa là một nghệ sĩ thực hành tại địa phương, sự mất cân đối về giọng điệu và (có lẽ là) quyền kể chuyện này lâu nay, đã và đang là một chủ đề ám ảnh tôi và bắt tôi phải suy nghĩ.


*


Vài nét lịch sử của triển lãm documenta

Được khởi đầu từ năm 1955, sau kỷ nguyên bi thảm của Đức Quốc xã và thế chiến 2 do sáng kiến của hoạ sĩ và giáo sư đại học Arnol Bode, triển lãm documenta lần thứ nhất đã trở nên một triển lãm quốc tế thành công vô cùng rực rỡ, tại đó 570 tác phẩm của 148 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ với các phong cách đa tạo nên những tiền đề mỹ học cho thế kỷ 20 như Dã thú, Biểu hiện, Lập thể, nhóm kỵ sĩ xanh, Vị lai v.v., từ 6 quốc gia khác nhau đã được trưng bầy bên nhau. Bắt đầu từ đó, documenta trở nên một “thương hiệu” cho những gì tiền phong nhất trong cả hai khía cạnh nội dung nghệ thuật lẫn mô hình trưng bầy. Bước ngoặt của mô hình triển lãm documenta bắt đầu vào năm 1972 khi lần đầu tiên nó được đặt dưới quyền điều hành chung của một giám đốc nghệ thuật, mà vào thời điểm đó, chính là giám tuyển độc lập đầu tiên, một huyền thoại của nghệ thuật đương đại thế giới, Harald Szeeman. documenta 10, với chủ đề “ngoái lại tương lai” (Looking back to the future) là triển lãm documenta lần đầu tên, ngay trước thềm thiên niên kỷ có giám đốc nghệ thuật là nữ, Catherine David và documenta 11, triển lãm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, với giám đốc nghệ thuật đấu tiên không đến từ châu Âu, Okwui Enwezor, chính là một trong những triển lãm mang tính phá cách nhất trong lịch sử của documenta, tính đến thời điểm đó khi cùng với 6 đồng giám tuyển từ sáu nước, Okwui Enwezor đã thiết lập 5 trạm (platforms) sự kiện - bao gồm các cuộc hội thảo, gặp gỡ để khảo sát các chủ đề xã hội, chính trị và nghệ thuật cụ thể từ góc nhìn phê phán, mà trong đó, triển lãm tại Kassel chính là trạm cuối. Đây cũng là mô hình triển lãm phương Tây đầu tiên nghệ thuật đương đại từ các quốc gia chưa từng bao giờ xuất hiện tại sân khấu documenta đã được mời tham dự và qua đó, tạo nên một trải nghiệm liên quốc gia về một cuộc tụ hội của giới nghệ thuật ở một đấu trường hậu thuộc địa mang tính toàn cầu. Một nghệ sĩ gốc Việt, cũng là một trong những lý thuyết gia quan trọng nhất của lý thuyết phản hậu thực dân và nữ quyền thế giới, Trịnh Thị Minh Hà, cũng đã tham dự triển lãm documenta lần thứ 11 này.

Triển lãm documenta 12 này, nối tiếp tính chất phá cách cũng như tinh thần duy lý của các triển lãm documenta truyền thống, bắt nguồn trên 3 chủ đề chính, được giám đốc nghệ thuật của triển lãm Roger M. Bruegel, một nhà tổ chức triển lãm gốc Berlin, cùng giám tuyển chính, Ruth Noack, nữ sử gia nghệ thuật, nêu ra là:
  1. Phải chăng tính hiện đại chính là cổ vật của chúng ta? (Is modernity our antiquity?)
  2. Đời sống trần trụi là gì (What is bare life?)
  3. Điều gì sẽ được hoàn tất? (What is to be done?)
Điểm đặc biệt của triển lãm documenta 12 này chính là việc, ngoài một triển lãm theo kiểu mega Exhibition thông thường, bao gồm 100 nghệ sĩ từ các thế hệ và quốc gia khác nhau được lựa chọn bởi 10 giám tuyển danh tiếng khắp thế giới, nó còn cho ra đời một thực thể mới là một tạp chí 3 số (số 1: Modernity, số 2: Life, và số 3: Education) được đặt tên là, Tạp chí documenta 12. Để thực hiện cái gọi là tạp chí của tạp chí này, 90 tạp chí giấy và online trên khắp thế giới đã được chọn lựa từ 18 tháng trước triển lãm documenta 12 để cùng suy nghĩ về chủ đề của triển lãm, và rồi một ban biên tập toàn cầu sẽ được hình thành dưới sự điều hành của Georg Schoellhammer, giám đốc tạp chí Springerin, trong vai trò tổng biên tập của Tạp chí documenta 12. Ý tưởng về một tạp chí của tạp chí này bắt nguồn từ nhận thức là, không phải trong các ấn phẩm kiểu sách hay các hình thái in ấn khác, mà chính ngay tại các tạp chí, mới là nơi kiến thức, thương thoả (discourses) và đời sống đương đại được thể hiện rõ ràng nhất. Thông qua bản chất xuất bản liên tiếp của chúng, tạp chí chính là nơi kiến thức và sự phản ánh đời sống một cách ít quan liêu nhất hiện ra, các kiến thức, thương thoả, tranh biện, quan điểm và cái nhìn vào cuộc sống liên tiếp thay nhau xuất hiện, đè chồng nhau, che lấp nhau, phản biện nhau trong một quá trình miên viễn không bao giờ kết thúc, và chính thông qua đó, mà một điều gì được coi là tính đương đại đã thành hình. Ngay tại không gian của 90 tạp chí này (tạp chí duy nhất của Việt Nam đựợc chọn tham gia vào diễn đàn này là tạp chí điện tử talawas),được hy vọng sẽ cung cấp khoảng 300 bài viết, phỏng vấn, trao đổi v.v… rất nhiều góc nhìn sẽ được khai mở, rồi thông qua dịch thuật, sẽ tới với rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới để nhờ vào đó, một cuộc hội ngộ thực sự của các thương thoả khác biệt từ nhiều nguồn trên thế giới sẽ xuất hiện và thông qua soi chiếu vào nhau, sẽ làm giầu có lẫn nhau.

Như vậy ta có thể thấy ngay ở đây, ngoài cái có thể gọi là một hiệu ứng trông thấy được của triển lãm documenta 12, đó là việc sẽ xuất hiện một siêu tạp chí ba kỳ trên đó thể hiện những vấn đề và thương thoả nóng hổi nhất tại khắp thế giới (đặc biệt là ở những khu vực rìa viền) cùng một triển lãm nghệ thuật như thường lệ, còn một hiệu ứng, tuy không trông thấy được, song dưới góc nhìn của tôi, lại là hiệu ứng quan trọng nhất, đó là việc, ngay trong quá trình gặp gỡ, trao đổi giữa 90 tạp chí vệ tinh với nhau, một mạng lưới quan hệ mới, thông qua những giao lưu của chính các nghệ sĩ, trí thức và các nhà hoạt động nghệ thuật khắp thế giới sẽ được thiết lập để rồi hy vọng sẽ tạo nên được những trao đổi và dự án xa hơn
Nguồn: Thể thao & Văn hoá, số 72, 16-6-2007